Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Nam Ô.

Tiên Sa nhìn sang, bên kia bờ vịnh là Hải Vân sơn, xéo một chút là Nam Ô.

Nam Ô khi xưa là một làng chài thanh bình, làng quê có cát trắng, có sông có biển có núi non phía xa xa. Vùng đất ấy nằm dưới chân Hải Vân sơn cong cong cuối bờ vịnh đẹp bên cửa một con sông nhỏ và trông ra biển Đông đón nắng sớm ông mặt trời. Với những người dân làng chài ở đây thì con cá con tôm đánh bắt được trong mỗi mùa đi biển làm cho nơi này được người ta nhớ tới với địa danh cùng với sản vật của biển.

Đà nẵng nổi tiếng với mắm cá Cơm và vùng Nam Ô này thì nức tiếng với nước mắm một thời.
Mắm cá Cơm Đà Nẵng, mở nắp hũ mắm là nghe thơm phức, tuy có hơi mặn nhưng người nội trợ khéo tay và siêng năng ở nhà sẽ nêm nếm thêm một chút gia vị là vừa miệng. Phải thêm dĩa thịt heo ba rọi, bánh tráng và lặt thêm ít rau vườn, mấy trái cà tím nữa để ăn cơm hay ăn nhậu đều bén ngót. Ta sẽ thấy con mắm mềm mà dai, hương vị đậm đà khác hẳn với mắm cá Cơm ở các miền biển khác.
Còn nước mắm Nam Ô là hàng nước mắm thơm ngon thương hiệu từ lâu rồi nhưng một thời tưởng chừng mai một vì nước mắm công nghiệp và hóa chất lên ngôi chiếm lĩnh thị trường, đẩy dòng nước mắm thủ công truyền thống trở về loanh quanh ở làng.
Làng chài Nam Ô vẫn chờ những mùa cá về, các bà má vẫn làm thứ nước mắm theo truyền thống, nhưng người ta chỉ nấu nước mắm để cho nhà mình xài, quen rồi, để gởi cho người thân, con cháu ở xa hay làm quà biếu bè bạn. Thế rồi người đời cũng biết, rằng nước mắm công nghiệp dẫu có thơm có rẻ cũng làm sao bằng được nước mắm ủ nấu theo cách dân gian. Và bây giờ Đà Nẵng lớn lên, đẹp thêm, nhiều người yêu thích thành phố Đà Nẵng, người ta cũng biết tới và thích nước mắm Nam Ô nữa. Thứ nước mắm màu hổ phách mà trong trong sóng sánh, thơm lừng, bởi nước mắm Nam Ô khó tính, lựa cá theo mùa biển lặng, lựa muối, lựa nắng và lựa cả giọt mồ hôi cùng rất nhiều thời gian của ngư dân và người làm mắm.

Nơi này còn có một điều đáng nhớ nữa với những ai có tâm hồn ăn uống, là món gỏi cá Nam Ô. Đi ngang nơi này chắc chắn ta sẽ kiếm một quán ăn và hỏi thăm món gỏi cá ấy.
Mặt trước là cửa quán, con sông chạy ngang sau nhà, một vùng nước loang nhẹ nhàng là nhánh sông Cu Đê đổ ra biển, xa xa kia là dãy núi xanh mờ Hải Vân Sơn. Phong cảnh thật dễ thương khiến người ta hài lòng không tiếc thời gian để ngồi với nhau nhâm nhi trò chuyện.

Gỏi cá Nam Ô từ những chú cá Trích nho nhỏ thuyền ghe đi biển mới đánh bắt về, người đầu bếp làm gỏi theo cách riêng ở đây rồi mang ra cho khách một dĩa gỏi cá tươi rói ngọt ngay. Thêm một ít bánh tráng, mà phải là bánh tráng Đà Nẵng nha, đầy đặn một chút, một ít rau thơm vườn, có rau rừng thì tốt không thôi thêm vào chuối chát, lá Xoài non, ít ngọn lá Đinh lăng là đủ. Ngồi nhâm nhi gỏi cuốn cá Trích với non nước, là núi ở xa xa, là nước sông Cu Đê đang đứng, là ông mặt trời đang đi xuống khuất dần sau dãy Hải Vân Sơn, ráng chiều đang nhạt và chai rượu vơi dần. Món ăn nhẹ nhàng, dân dã thôi mà đi khỏi là thấy nhớ, là bữa sau nếu còn chơi ở Đà Nẵng thế nào cũng ghé lại. Ai đó có đi ngang Nam Ô ráng để dành bụng ghé vô quán nhé, không thôi có đi chơi ra ngoài Huế, hoặc vô thăm Hội An hồi nào trở về ghé cũng được.

Nam Ô dễ kiếm bởi đường từ Huế vô, qua khỏi hầm theo đường về Đà Nẵng sẽ đi ngang một cây cầu có tên Nam Ô, tới đây là xe chầm chậm lại được rồi. Bây giờ thì làng chài ấy khác với ngày xưa, chạy xe ngang, bên ngoài thấy nơi này cũng giống như mọi nơi phố thị, nhà ống, biển hiệu tiệm quán. Nam Ô giờ là phường là quận thuộc thành phố chớ không còn làng. Đi sâu vô rồi cũng tới bãi cát, tới biển nhưng làng chài mai mốt không biết có còn bởi chạy dài bờ biển miền Trung, thấy nơi nào cũng thật đẹp và luôn hấp dẫn những là quy hoạch với đầu tư.

Đôi lần ghé quán gỏi cá có một giàn bông giấy bên bờ nước, nhóm bạn thường ngồi nhậu dưới giàn bông lúc cuối ngày, ngắm sông nước núi non trong ráng chiều cùng thưởng thức món gỏi cá Nam Ô. Một lần chợt nhớ đôi bạn trẻ blogger dễ thương, ngày ấy đi chơi đâu về ghé gỏi cá Nam Ô rồi viết bài nhem thèm người ta. Không biết lúc này mấy tụi nó tung tăng đâu rồi, có còn nhớ không xứ ấy Nam Ô... Nơi có những con cá Trích cá Cơm vẫn theo ghe thuyền về những mùa cá tháng Ba tháng Tám, nhỏ nhắn mong manh thôi mà đã làm nên tên tiếng Nam Ô, và vẫn khiến người ta đã tới đã biết, có đi đâu đó xa xôi rồi cũng sẽ nhớ quay về.

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Bình cứu hỏa và cô bé tiệm rửa xe.

Coi báo mạng mấy bữa nay thấy người ta nói nhiều về cái bình cứu hỏa trên xe ô tô, và cái văn bản thông tư số mấy mấy đó bắt buộc người ta phải tự trang bị bình cứu hỏa trên mỗi xe, rồi phú lít sẽ kiểm tra kiểm soát, sẽ phạt tiền nếu không có bình trên xe...
Có người nói, vụ này dân kiện nhà nước xử sao ta? Tui mới mua chiếc xe từ hãng, hãng được nhà nước cấp phép, nhà nước thu thuế cả của hãng, cả người xài xe, tụi tui mua xe xài trả tiền thuế cho nhà nước quá trời luôn, chẳng giống nước nào, chẳng giống ai, thuế vô gấp hai ba lần giá trị chiếc xe luôn. Cũng nhà nước kiểm xe, mới cấp chứng nhận an toàn về kĩ thuật và môi trường cho xe tui chạy đây, đúng luật giao thông luôn. Tại sao bữa nay lính cứu hỏa ra đường bắt phạt tui là sao? Và tất cả các chứng nhận an toàn của các phương tiện đang chạy trên đường từ nay là đồ bỏ hết sao? luật lệ gì kì cục vậy.

Buổi chiều đi rửa xe, cô bé quản lý ở tiệm đưa cho một bình chữa lửa nhỏ xíu xiu, nói chú lấy để trên xe đi, bữa nào trả tiền cũng được, không thôi đi đường lỡ phú lít thổi lại tốn tiền, vừa mất thời gian lại mua nực nội vào người.
Cô bé bỗng hỏi, chú thấy cái dzụ bình cứu hỏa này sao? Rồi nó chỉ cái tem trên kính xe, cháu cứ nghĩ, luật đã cho phép chiếc xe chạy tới đúng ngày này tháng này năm hai mười sáu, đây là chứng nhận an toàn cho chiếc xe, bấy nhiêu là đủ. Hình như luật chỉ qui định trang bị bình cứu hỏa cho xe chuyên chở công cộng, là chở hành khách hoặc là hàng hóa dễ cháy nổ. Khi không ra cái thông tư cứu hỏa lãng xẹt. Nghe chừng cô bé cũng đọc kĩ luật đường bộ.
Hai cô gái loay hoay một hồi không kiếm được chỗ mô cho "dễ thấy dễ lấy" như yêu cầu của mấy ông cứu hỏa, giỡn với nhau hỏi tại sao những ông trùm kĩ nghệ xe hơi Âu Mỹ cả trăm năm nay, từng sản xuất hàng triệu triệu xe hơi cho cả thế giới này xài, và công nghệ ô tô với biết bao nhiêu kĩ sư giỏi thiết kế nội thất mỗi ngày thêm tiện nghi tại sao lại không thiết kế nổi một chỗ chứa bình chữa lửa trên xe chớ?
Cô bé ém cái bình xấu xí ấy vô nơi vẫn để ly cà phê hàng ngày rồi nói, hổm rày mới để ý, không thấy chiếc xe con nào có chỗ chứa cái bình chữa lửa, dù là bình rất nhỏ. Dường như không được ưng ý, hai đứa nhỏ khúc khích cười: trông vô duyên thật, làm xấu cả cái xe của chú. Nhưng thôi kệ, chú cứ để đại chỗ đó, thà có cho nó lành. Mà cháu dặn thêm chú, đừng để xe ngoài nắng, lỡ nóng cái bình nó... nổ thì phiền, còn nữa, nếu mà xui rủi lỡ có cháy xe thì bỏ xe đó mà chạy cho lẹ, cho xa nha chú, rồi a lu 114 kêu cứu hỏa tới cho họ có việc mà làm, he he...

Nhìn cái bình chữa lửa kế bên thấy vô duyên thật, làm xấu mất cái xe và luôn có cảm giác bất an, tất nhiên chỉ để làm vì, để lỡ xui xẻo mà gặp mấy chú phú lít chưa bao giờ thấy dễ thương đỡ phải đôi co, nhưng rồi cũng phải mang nó quăng vô cốp xe. Lại thầm nghĩ, thà rằng bỏ tiền thuế nuôi cô bé tiệm rửa xe làm quan chức có khi đỡ uổng phí, vì chắc chắn là nó không nghĩ ra cái khoản bình chữa lửa trên xe hơi ấy đâu. Bởi ít gì nó cũng hiểu luật một tí, hiểu cứu hỏa một tí, rằng luật với luật thì không được chửi nhau, rằng chữa lửa là việc của ông cứu hỏa và còn biết khuyên bảo người ta, nếu xui xẻo đụng chuyện cháy xe thì mau bỏ cả xe lẫn bình mà dzọt cho lẹ.

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

Chúc mừng Năm mới.


Năm mới 2016, chúc Sức khỏe, Hạnh phúc, Niềm vui
và những điều tốt đẹp cho mọi nhà, mọi người.