Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Những lão bà đường phố.

Dường như đường phố mấy bữa nay như đông vui hơn, có nhiều người mặc đẹp, có nhiều hoa, nhiều lời chúc mừng và nụ cười, mọi người mừng ngày phụ nữ.

Gió lành lạnh thổi lên từng đợt từ mé sông phía bến Bạch Đằng, len lên con dốc ngắn nơi bà lão thường đứng đó mỗi sáng sớm dưới mái tòa nhà Eden. Sài Gòn tháng Giêng vẫn còn lạnh, từ cuối năm rồi sang đầu năm nay sớm nào cũng lành lạnh. Bà lão nói chuyện, bữa nào cũng ra đây từ sớm, bữa nào bà cũng phải mặc thêm một tấm áo len mỏng nhưng vẫn còn thấy lạnh, chắc tại lớn tuổi rồi. Đứng sớm tới giờ chắc là mệt mỏi, bà lão ngồi sệt bên lề đường vội vã đứng dậy khi nghe tiếng xe máy chầm chậm dừng lại bên mình và như quán tính vói tay đưa ra xấp vé số. (Đọc thêm)
Hỏi bà lão mù nhớ tui không, bà bảo nhớ chớ, cậu Hai chạy mô tô, Tết năm rồi chia bà cháu tui con gà. Nhớ bữa trong năm cậu Hai ghé, còn nhiêu vé lấy hết cho bà lão đi về sớm, còn chở tui ra bến xe nữa. Mắc cười bữa đó các cô các chị bán hàng rong bến xe bus thấy có người lạ chở ra bến ồ lên, cậu Hai giỡn mới trúng độc đắc, ai cũng hỏi được nhiêu nhiêu, kì này bà lão ngon rồi nghe.
Bà lão nói trời thương cho mình còn khỏe, vẫn bán vé số mỗi ngày nuôi mình và nuôi đứa cháu ngoại. Bà than thở thằng cháu học hết lớp ở trường Tình thương bên nhà thờ, năm rồi nghỉ và xin đi làm được mấy bữa, nhưng cũng chỉ mấy bữa rồi nghỉ, không có nghề chỉ để người ta sai vặt, rồi ma cũ nạt ma mới, bị người ta ăn hiếp hoài, nó chán bỏ việc nằm nhà thì bà lại nuôi chớ ai, cậu Hai thương coi có việc gì làm xin cho nó.

Những người nữ ấy bao năm qua mưu sinh trên lề đường, họ đã già đi nhanh quá. Những lão bà đường phố, kêu họ vậy tại bởi biết họ và chỉ gặp họ trên đường phố, có những người gặp từ thuở còn trai tráng đi biển, đường lên xuống cảng là đi qua những con đường đó, là gặp họ dài dài từ đó giờ mấy mươi năm có, họ bây giờ đã là những bà lão đường phố. Từ những năm đó tới năm nay vẫn thế, những năm tháng đời người nơi góc phố.
Đảo một vòng những con đường, năm nay bà Hai già ham việc đã nghỉ, con cái bắt bà phải về không cho ra phố bán nữa. Nhớ bà với những viên kẹo nhỏ chia cho đám nhỏ mỗi lần ghé mua vé số. Bầy se sẻ và bồ câu chắc hết đáp xuống chơi nơi này rồi vì không còn có bà mỗi chiều cho chim ăn.
Bà Hai nghỉ bán vé số ở góc phố này thì  lại có thêm nhiều bà Hai khác thế chỗ. Sài Gòn nắng như thế, mấy lão bà vẫn xoay quanh bóng cây bên lề với những xấp vé số mỗi ngày.

Một bữa bỗng thèm bún chả Xuân Tứ, xách xe chạy tuốt lên Tân Bình. Quán vắng, thấy một bà lão ngồi bên kia cứ nhìn mình ăn, ăn uống kiểu này thấy không đặng bèn kêu một phần bún chả cho bà. Bà lão móm mém bảo không ăn được đâu, chỉ ăn cháo được thôi. Hổng biết làm sao, thôi gởi bà chút ít hồi ăn cháo.
Nhận tờ giấy bạc, bà lão cười móm, kể, quê hương tận ngoài Nghệ An. Chồng chết rồi con chết rồi ở một mình. Buồn chán bỏ xứ đi ít lâu, quay về thì ruộng đất người ta lấy mất từ hồi nào không hay. Lại bỏ đi, là đi hẳn. Bà kể đi thuê nhà trọ ở bên Tân Phú, mỗi ngày qua lại nơi này, động chân động tay lau cái bàn cái ghế, ai thương người ta cho tiền, tôi chỉ ăn cháo được thôi. Cứ sống thế qua ngày, bà bảo, biết làm sao khác được.
Lâu nay ít lên phố, nhưng mỗi lần đi, nhìn đâu đó thường thấy những cảnh đời người cơ cực, đăng đắng lòng.

Bữa qua bữa nay nhiều nơi người ta mít tinh, nơi công sở đi làm sớm ăn mặc đẹp, để trưa để chiều sẽ còn đi nhà hàng mừng ngày phụ nữ, rồi những đôi lứa có dịp đi chơi và bày tỏ tình cảm, thật may mắn nhằm ngày nghỉ cuối tuần. Trên đường phố bày bán hoa nhiều lắm, và có nhiều nơi bán hoa. Hoa nơi cửa chợ, hoa trên lề đường, khắp nơi, hoa lẵng, hoa bông lẻ, để đám trẻ chúc mừng nhau, chúc cho những người nữ. Nhưng mấy lão bà đường phố có để ý đến ngày này và họ có nhận được những lời chúc mừng không biết nữa. Với họ, nhiều người vẫn chỉ là một ngày bình thường trong cuộc mưu sinh, những ngày lầm lủi mong xấp vé số vơi dần, những gánh hàng rong mong nhẹ gánh trên vai. Và sợ với họ, một bông hồng có khi như là một sự sa xỉ và hoang phí lắm.