Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Ảnh.

Bàu Trắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận.

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Những kẻ thất nghiệp dễ thương.

Một chuyến đi ngắn, một vòng tròn Sài Gòn lên thành phố cao nguyên thăm anh bạn già đang trị bịnh trên Đà Lạt, lượn xuống Phan Rí Cửa thăm cô em mới chia tay Sài Gòn về quê, chạy  tiếp dọc theo con đường bờ biển để đi Long Hải thăm một người bạn nữa rồi trở về, mục đích chỉ là đi thăm hỏi, chỉ cần ngồi với nhau một chút, dóc ít câu chuyện và chỉ muốn ngó coi dung nhan ấy hổm rày ra sao, là đủ.

Hứng thú nâng máy tìm những hình ảnh ưng ý như bị mất đi bởi mới ra khỏi thành phố, quãng đường có mấy chục cây số tới Dầu Giây hết mất hai tiếng mấy đồng hồ. Đường lên Đà Lạt một chút lại biển báo thị tứ, tốc độ cùng những trạm thu phí cứ lần lượt hiện ra. Nói chơi với cậu nhân viên thu phí, hỏi xe mới đóng tiền phí cầu đường tức thì, hết mấy triệu đồng mà sao như là gặp trạm thu phí nhiều hơn vậy nè. Cậu trai chỉ biết cười trừ, gật gù như muốn nói đó là một quả lừa ngoạn mục. Sài Gòn lên tới Đà Lạt hết bốn trạm thu phí và một trạm đang xây, đổ hết cho BOT, mà đường xá có giống thứ gì đâu, xế chiều mới lên tới Phố núi.

Đà Lạt vẫn thế, se lạnh và buồn buồn. Phố núi đẹp, trầm tĩnh và thơ mộng nhưng với rất nhiều người, nơi này đã mất đi rất nhiều phần thơ mộng từ ngày Đồi Cù không còn là nơi của những người bình dân. Thế nhưng Đà Lạt vẫn thật đáng yêu trong một chiều mưa nhỏ, quán nhỏ lành lạnh bên nồi lẩu bông Atiso giò heo nghi ngút và một chai vodka ngồi trò chuyện cùng những người bạn.

Tháng rồi, một bữa thấy nhớ nhớ mấy nhỏ, alu hỏi thăm lúc này mần ăn sao, lâu nay không tụ tập, mấy anh giừ nhớ, bữa nay muốn rủ mấy nhỏ đi đâu đó, ăn uống tí chút để ngồi nói dóc chơi được không. Hơi ngạc nhiên nghe em nói mai em về miền xa rồi, về luôn, em về với mẹ, giọng em nhè nhẹ buồn. Vậy nên bữa nay tìm về nơi cửa biển ấy.

Nơi em ở là một thị trấn ven biển có cảng cá khá lớn ở khu vực miền Trung. Đặc sản ở đây là hải sản ngư dân đánh bắt về từ biển, nổi tiếng ngon là ghẹ, cá nục, sò điệp. Ngồi ở nhà thưởng thức đồ biển ngon thiệt ngon do mẹ em mua về, còn cha và anh Ba ở nhà cứ théc méc, rằng không thể hiểu nổi con bé nhà mình lại chơi được với mấy anh giừ ngắc giừ ngơ thế này, bạn á, bạn là bạn như thế nào, he he...
Em nói, về đây phụ cửa hàng cho ba mẹ đã lớn tuổi rồi, cuộc sống nhẹ nhàng, vui nữa vì có đám cháu ở nhà ngày một đông thêm, nhưng ghét nhất ở đây chắc chỉ có cái loa phường cột ngay đầu hồi, ngày ba lần cứ tới giờ là ọ ẹ. Mới năm giờ sáng nó kêu hết cả mọi người dậy, tội nghiệp hai bé Ty My của em, nghỉ Hè rồi, cái giờ ngủ ngon của con trẻ...

Bữa rồi blogger xì phố tiễn em về xứ, kêu nhiều mà người bận việc nhà, người mắc bận lễ lạt, có mấy mống le hoe, em có buồn không? Mà thôi kệ đi, ai cũng có việc mình, bữa nào gặp lại sau. Em về miền xa là cái hội xì phố vắng rồi, chắc sẽ nhớ những bữa ốc ộp vui vui, trò chuyện vô tư he he cười. Ừa, thôi về núp bóng mẹ cũng được, và có nhiều giờ hơn chơi với Ty My. Hổng biết lâu lâu em sẽ nhớ những kỉ niệm buồn vui của Sài Gòn? Ngoài các bạn bè, đồng nghiệp cũ chắc là sẽ nhớ xóm blog và chiều chia tay em. Sài Gòn chiều ấy mưa dữ lắm, mà mưa lâu nữa. Đón em đi nấu cơm từ thiện ở xa về trong lành lạnh và áo gió, liêu xiêu một mình bên hàng hiên nơi ngã tư, mưa ướt áo em rồi...

Đường ven biển từ Phan Rí Cửa xuôi Nam lầm cát bụi đẹp mà hoang vắng. Những đồi cát vàng thấp thoáng đâu đó xa xa thật hấp dẫn cho trẻ ưa trượt cát hay dân chơi mô tô địa hình. Mũi Né bây giờ mọc lên nhiều bảng hiệu tiếng Nga và đầy du khách người Nga. Những khu khách sạn, resort vắng vẻ dọc biển Hàm Thuận và khu hoang phế dọc biển Kê Gà xơ xác của dự án dở dang cảng bô xít.

Đêm ở La Gi, một thị trấn nhỏ ven bờ biển miền Trung. Trời đã tối hồi lâu, kiếm mãi mới ra một khách sạn nhỏ tạm tiện nghi và giá cả nhẹ nhàng. Anh quản lý khách sạn cười toe chào hỏi như từng thân quen từ hồi nào mở rộng cửa mời khách. Nhìn nụ cười của anh là có cảm tình rồi. Nhận phòng xong nói anh kiếm giùm một ít mồi và kiếm thêm hai người bạn nữa cho đủ tay nói dóc, trà tam rượu tứ, tụi tui có hai người à. Khách sạn vắng, tối lâu rồi mà chỉ có một chiếc xe hơi của đám này chạy vô là khách bữa nay. Người quản lý cười hiền, mấy tụi em cũng mới đường xa đi về tức thì, một chặng đường dài, mệt quá không biết có ngồi cùng mấy anh được không đây.

Rồi cũng ngồi với nhau, lạ rồi thành quen, hạp cạ là ngồi được tới khuya và tâm sự bao nhiêu điều của cuộc sống. H, người quản lý khách sạn dân quận Tư Sài Gòn, công nhân tàu cuốc một thời, thất nghiệp về thị trấn nhỏ này trông coi cái khách sạn cho người bà con. Anh cười, thời buổi khó, khách sạn ế ẩm, khách không có thì mình cũng như người thất nghiệp. Anh buồn kể, sớm nay ở Sài Gòn lên đây, nhằm ngày cô con gái cưng đi thi tốt nghiệp trung học, móc túi không có được mấy trăm ngàn cho con động viên nó đi thi, thấy đắng trong lòng.
Mấy anh biết không, hai anh em mới một vòng đi hết gần hai ngàn cây số mới về tới chiều nay đó. Đáng nể hai anh em thiệt chớ, hai ngàn cây số chạy xe máy không? Chứ sao, tụi em từ La Gi đi Phan Thiết Phan Rang, lên Đà Lạt Gia Lai, dzòng dzòng rồi lại đi Bình Dương Sài Gòn rồi sớm nay mới từ thành phố về lại La Gi. Một chuyến đi vừa là thăm bạn bè người quen vừa đi kiếm việc làm. Cười thật vui anh nói, cậu em đây một kiến trúc sư và tui một quản lý khách sạn, nghe ngon lành vậy mà là thất nghiệp. Anh em tui sẵn lòng làm việc gì cũng được, làm đâu cũng ưng, kể cả làm thợ hồ, vậy mà không ở đâu có việc gì cho mình.
Thế rồi họ lại quay về cái khách sạn của thị trấn nhỏ ven biển này, khách sạn nhỏ lâu thật lâu mới có một phòng.

Một bữa nào ta ghé tới một Trung tâm giới thiệu việc làm và Bảo hiểm thất nghiệp tại một quận ở Sài Gòn. Có thể bắt gặp rất nhiều người ở nơi đây. Người xin mẫu đơn, người khai báo, người trình diện... mỗi ngày đông như mọi ngày. Trong số họ phần lớn là các bạn trẻ. Những gương mặt sáng, nhìn họ thông minh và sức khỏe. Ta sẽ biết là các bạn ấy nhận đỡ những đồng lương thất nghiệp vài ba tháng, cũng là tiền tích góp của mình người ta giữ giùm, rồi lại vội vã chạy đi các ngả đường để tìm lấy một công việc mới cho mình, biết là gian nan lắm.
Một bữa nào đó ta đi trên đường xa. Có thể thấy bộ mặt của nền kinh tế trên dọc đường đi, những pano quảng cáo trống trải, tả tơi như lâu rồi không ai cần tới nó nữa, người ta còn lo chống chọi với tồn tại hay phá sản, lo lương công nhân hay giảm biên chế, lo thất nghiệp của bao nhiêu con người và chưa biết thời khó khăn này kéo dài tới chừng nào...

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Xếp hàng ở Nhật.



 Chỉ là mua cá viên chiên ăn chơi.


Hay vội vã sớm mai đi làm.







Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Buổi sáng.

Dừng chân bên một tiệm ăn sáng, cậu bé tựa lưng cây xà cừ đứng nghỉ. Cậu đang thích thú ngắm nhìn hai bạn nhỏ ngồi chung với cha mẹ, chắc trạc tuổi mình đang giỡn đùa cùng nhau ở một góc quán. Hồi lâu, nâng nhẹ rổ bánh trên đầu đặt xuống chiếc bàn trống ngoài hàng hiên dưới bóng mát, cậu bé rón rén ngồi vào một bên mép ghế. Cậu nhìn rổ bánh Cam đi bán sáng tới giờ còn chừng phân nửa rồi lại đưa mắt tìm mấy nhỏ hồi nãy ở nơi góc quán...
Chợt nghe mùi đồ ăn thơm ngon quyến rũ, cậu bé quay sang, giật mình khi thấy trước mặt mình ai đó mới đặt lên một tô phở gà. Ánh mắt cậu mở to đầy ngạc nhiên. Chị phục vụ bàn đứng bên nói nhỏ: "Của em đó, em ăn đi".
Mắt vẫn mở to và đảo mắt tìm hết một vòng quanh, cậu bé thấy ở một góc xa xa một ánh mắt hiền hậu đang nhìn về nó. Cậu nhoẻn cười thích thú rồi ngồi đó hết nhìn những hũ gia vị xinh xinh lại nhìn tô phở nghi ngút khói mà chưa biết phải làm sao. Một hồi đứng lên, nó rón rén từng bước đi lại phía chiếc bàn xa xa ấy. Cậu bé vòng hai tay trước ngực và cúi đầu: "Con cám ơn cô". Nhận thêm một nụ cười thật hiền hậu giống như ánh mắt cười hồi nãy, cậu lại nhoẻn cười một mình và trở lại bàn.
Vẫn cái nón cũ kỹ che nắng trên đầu, cậu bé yên lặng ngồi ăn hết tô phở ngon lành. Kéo ống tay áo quẹt ngang miệng rồi nó sửa soạn lại rổ bánh. Đã muộn rồi vẫn còn hơn phân nửa số bánh Cam chưa bán hết, nó nhìn lại nơi góc quán một lần, đặt rổ bánh lên đầu và bước vội ra nắng sáng,