Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Góc phố Sài Gòn.


Có một góc nhỏ bên lề đường với những gương mặt quen dưới vệt nắng in bóng cây thánh giá từ nóc nhà thờ Tin lành đường Phan Đăng Lưu, một góc rất nhỏ trong bao nhiêu góc phố của Sài Gòn. Mỗi ngày ngang nơi ấy, năm tháng đi qua in vào trí nhớ những gương mặt thảo dân đường phố, bây giờ chợt thấy là những gương mặt thân quen, một khi vắng xa rồi là thấy nhớ. Ở góc phố ấy có đôi ba chiếc xe ôm chờ khách, hàng ngày mấy bác tài chống xe hờ hững tờ báo cũ trên tay, có một anh thợ khóa trẻ, một xe chuối nướng nước dừa, thay nhau từ mỗi sớm mai đến khi trời tắt nắng.

Sáng tới xế là nơi của anh thợ khóa và kế đó luôn luôn là mấy bác tài xe ôm. Anh "khóa ơ" lề đường ấy thật dễ thương, cậu trai còn trẻ, nhanh nhẹn và hay cười, chừng hai mươi ngoài với một tay nghề khá. Một tủ đồ nghề cơ động rất nhỏ có những mẫu chìa khóa các kiểu nho nhỏ xinh xinh, một cái ê tô kẹp cũng nho nhỏ và mấy cây giũa thô giũa nhuyễn. Người ta ghé làm thêm bộ chìa khóa xe máy hay cánh cửa nhà để dự phòng hoặc tới sửa một ổ khóa cổng lâu ngày nắng mưa gỉ sét nhưng rất nhiều là những cú alu kêu tới tận nhà.
Ai đó kẹt ổ khóa, hoặc bỏ quên chìa trong phòng rồi lỡ tay chốt cửa hay làm rớt mất chìa khóa nhà, xe máy đâu đó không kiếm ra là alu tới cậu trai. Trong vòng phủ sóng, quăng cái xe đẩy đồ nghề khóa bên góc đường, nháy mắt với mấy anh xe ôm đang chờ tài trông chừng giúp, chỉ chừng năm phút sau cậu trẻ có mặt nơi điểm hẹn, nhoẻn cười. Mở ổ hay làm chìa mới tại chỗ ư, nhấp nháy là cửa mở, hí hoáy thêm vài ba phút nữa là xong cái chìa, cậu trai cười xòa rồi lại hối hả trở về góc phố.

Khi chiều bớt nắng là có chiếc xe đẩy của cô Sáu bán chuối nướng nước cốt dừa ở nơi đây. Cô bán mấy món ăn chơi dân dã thôi nhưng cũng là món rất dễ ghiền với các cô gái Sài Gòn. Cô Sáu bán hàng chắc là đã lâu và ngon miệng nữa nên mấy bạn gái làm việc gần đó hay nhà ở quanh quanh khu Phú Nhuận Bà Chiểu, ai ưa ăn món chuối, món khoai Nam bộ này là biết danh cô Sáu.
Vậy nên lâu lâu ra đường, nghe ở nhà ai hỏi có đi ngang khúc đó không, là biết muốn nhắn gởi mua giùm bịch chuối nướng mang về. Nhớ một bữa đầu năm ghé hàng chuối nướng gặp ngay khi khách đông, mấy cô gái đồng phục văn phòng xà tới hàng chuối nướng bên lề, ríu rít:
- Sao bữa nay Sáu bán hàng mình ên vậy nè, có cần tụi con phụ được việc chi không đó?
Sài Gòn những ngày đầu năm mới, đi làm ai cũng như đẹp hơn và vui chuyện hơn. Múc thêm miếng nước cốt dừa bỏ vô bịch chuối cho khách, Sáu Thủy ngẩng nhìn lên qua vành nón lá, mỉm cười, nhẹ gật đầu chào, chắc là chủ khách đã quen biết nhau lâu rồi:
- Năm mới phát tài chưa mấy em, nghỉ Tết năm nay dưới quê vui dữ không mà tới giờ này chưa thấy lên tới, là nói mấy nhỏ còn dưới quê ấy, năm nào cũng vậy. Chắc là tui lại phải đi kiếm người khác phụ rồi. Mấy em đây có em nào dám ra đường đứng bán chuối nướng với tui thì nói, tui nhận liền, trả công ăn chuối nướng mệt nghỉ, he he... Đầu năm nào cũng vậy, tết qua là tui phải đứng bán một mình.

Cô Sáu tay lật qua lại mấy miếng chuối bọc lá nướng trên bếp, tay múc miếng nước cốt dừa, tay bỏ vô bọc khoai mỳ ít mỡ hành, lại tay đưa người này bịch chuối, người kia bịch khoai mỳ, ngẩng đầu lên nhìn chớ không cần hỏi. Chắc cô Sáu quen hết nết ăn quà của khách hàng mình sao á. Còn khách tới đây vừa chờ cô bán hàng cho mình vừa đứng coi đôi tay cô làm đồ ăn thoăn thoắt, vừa thích thú vừa chuyện dóc chơi. Mà cũng không nghe ai nói mình mua món gì, chủ khách có nói chuyện là nói chuyện vui của mình những ngày mới qua, sau rồi ai cũng nhận được một phần quà của mình ưa thích, là ít khoai mỳ mang về hay bịch chuối nướng còn nóng hổi, bấy nhiêu thôi thứ quà giản dị của xe hàng dong cô Sáu.

Bán buôn nhỏ ở nơi góc phố rồi, là một kế sinh nhai, Sáu Thủy cần mẫn góc phố ấy vậy đã mười mấy năm. Cô nói trời thương, đứng nắng suốt vậy mà ít có dám bịnh. Thường thì cô thuê thêm một hai người làm chung, khi không có ai kêu đỡ bạn bè phụ ít ngày. Chiếc xe đẩy của cô Sáu có một cái lò nhỏ, có những cái tô làm bằng gáo dừa  và muổng đũa cũng làm từ thân cây dừa, nho nhỏ dễ thương. Góc phố Sài Gòn dậy mùi quê thơm thơm của chuối nướng, mùi béo ngậy của nước dừa. Ai đó một lần ghé coi mấy cô trong bộ đồ bà ba hiền lành, nón quê nghiêng nghiêng che nắng mưa, trò chuyện một ít rồi mua về nhà bịch chuối nướng nước dừa ăn thử là biết.
Chị em cô Sáu hàng ngày đứng bán ở góc phố ấy, đến chừng nào hết hàng họ mới trở về nhà. Từ chập chiều tới tối, một ngày như mọi ngày...

Những ngày chợt nhận thấy một cái gì rất rõ, là cái thiếu vắng của những gương mặt góc phố. Như là đã quen rồi, khi mọi ngày đi làm về, đi học về, ngang mỗi góc phố phải là những gương mặt ấy, quầy hàng ấy. Đôi lần chợt thấy thiếu vắng ai, ta thường tự hỏi bữa nay ở nhà họ có chuyện gì.
 Dù họ là dân thành phố lâu rồi hay mới ở miền quê lên, ai cũng phải sinh sống bằng một nghề riêng của mình ở nơi góc phố ấy. Có người mới làm thị dân góc phố ít lâu, người đã năm năm lề đường, có người mười năm, mười mấy hay còn lâu hơn rất nhiều nữa. Họ rất chăm chỉ, yêu nghề, yêu đời và mặc dù nắng hay mưa. Họ là bộ mặt của thảo dân thành phố, những bộ mặt mưu sinh đời thường.

Góc Sài Gòn, khi ở bên nó ta thấy bình thường, nhưng vắng nó, hoặc ta phải đi xa nó, chợt một lúc nào đó ngồi một mình, thấy nhớ thật nhớ... 

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Một mình.


Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Về Cần Thơ.



Lâu lâu nhớ, bạn rủ lại về.
Lần nào anh em bạn công ty tàu biển cũ Canthoship cũng phải kiếm cho được thứ gì mà ở Sài Gòn khó thật khó kiếm ra rồi hú nhau tới một nơi nào đó không kể thời gian hay công việc. Bữa nay lại một em cá Cóc tới hơn bốn kí lô của sông nước miền Tây. Một quán lá yên bình bên con kinh quê, lâu lâu vẳng nghe tiếng ghe bàu lạch bạch chạy ngang, sóng lao xao rặng dừa nước ken dày. Rượu tràn những kỉ niệm, những câu chuyện vui và xung quanh đầy ắp những nụ cười của đồng nghiệp cũ, của các em gái miền Tây đáng yêu đến vậy.

Con cá Cóc của dòng Mekong.




Con gái miền Tây ưa mần đồ cho người ta nhậu,
kêu chi, ở đâu cũng nghe dạ ran, tay làm miệng cười không hà.
Mồi bén ngót,
"chăm phần chăm" lập tức hay muốn tui kẹp lỗ tai cho một cái nè?









Nụ cười quảng cáo cho sông nước Cần Thơ.