Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Ăn chơi dân quận số.

Hồi nào giờ sống bên quận chữ, quận Bình Thạnh, hay đúng hơn ngày xưa kêu Bình Hòa xã, Gia Định. Một ngày đẹp trời, quyết định đóng cửa quán cà phê nhà, dẹp tiệm, hết muốn bán buôn nữa rồi, đi kiếm nơi nào đó làm dân quận số Xì Phố, sống cho biết với người ta.
Ăn chơi không sợ mưa rơi, làm dân quận số mà, mà phải làm dân quận Nhất mới oai. Kiếm được một nơi nhiều màu xanh, thoáng đãng và lặng yên. Một vườn cây cỏ mênh mang, có những hàng cây cao, những gốc cây thật bự.
Buổi sáng, nắng vàng đầy trên cây cỏ, chim chóc đuổi nhau giỡn đùa ríu rít, thi thoảng một đàn bồ câu vụt bay ngang trời. Buổi chiều nắng xế hàng cây Dầu cổ thụ sau nhà, những chú sóc con cắn đuôi nhau vòng quanh cành lá, một vài đôi chim cu cườm lững thững trong sân và tiếng cu gáy cúc cu ở góc vườn xa. Tối nào cũng lặng yên như thế, không vướng chút khói bụi và tiếng kèn hay pô xe máy. Gió mát từng cơn, cảnh trí và không khí thật tuyệt vời. Nhất quận Nhất, về ở nơi đây thật tuyệt vời.

Một sáng Chúa nhật đi kiếm cà phê ngon uống chơi. Ta rủ nhau tới quán cà phê Starbucks mới mở ít bữa nay ở Xì Phố nè. Cảnh sát trưởng xếp hàng mua cà phê, trợ lý đi kiếm ghế bàn và ngồi đó giữ chỗ. Tội nghiệp người xếp hàng, hết vòng ngoài, hết nắng là mát, an tâm sắp có cà phê uống, ai ngờ vô trong xếp tiếp vòng trong, mất cả tiếng mới mua được hai ly cà phê ngoại và hai chiếc bánh ngọt. Hỏi giá cả coi người ta bán buôn sao, cảnh sát trưởng nhỏ nhẹ, có chín mấy ngàn một ly hà. Ây da, dữ dzậy? Starbucks ở đây, dân quận Nhất Xì Phố bán tới gần năm đô, còn mắc hơn ở "bển" sao? Quán xá nhỏ xíu, không đủ bàn ghế ngồi, không đủ người dọn dẹp.

Sáng Chúa nhật trôi đi thật mau và trời như nóng nực hơn, ly cà phê Starbucks nhàn nhạt, nhìn qua khung cửa kính, cái view ngã sáu Phù Đổng đầy cỏ dại, vô duyên. Lòng thầm nhắc không vô quán thêm một lần, mơi đi không chơi hàng ngoại nữa, phải ủng hộ hàng nội nhà mình chớ. Và chắc chắn ăn chơi bắt đầu sợ mưa rơi rồi.

Sớm mai đầu tuần quyết ủng hộ cà phê nội. Ta sẽ kiếm mua hai ly cà phê Việt, mang về "vườn nhà" ngồi ghế đá uống cà phê ngắm vườn cây và nghe chim hót. Thơ mộng quá, nghe có lý à, hai đứa nhìn nhau cười thấm ý.
Quán cà phê ngã tư ấy Lê Thánh Tôn, chọn mua hai ly cà phê đá "moka thượng hạng", tại trên menu người ta viết vậy biết vậy. Gởi xe chờ pha phin chắc hơi lâu, ai dè moka thượng hạng đâu mà người ta pha sẵn hồi nào, tới bảy mấy khìn một ly hỡi trời. Bán cà phê lâu nay biết giá, kí cà phê chồn gấu gì đây mà tới hai chai mấy sao ta, đau quá, cuộc chiến giá cả cà phê nội ngoại bắt đầu rồi chăng, hay là dân quận số chơi kỳ dân quận chữ à nha.
Ly cà phê nắng sớm sân vườn đắng nghét. Trợ lý lẩm bẩm, hai bữa bốn ly cà phê quận số mất đứt hai thùng bia Sài Gòn đỏ của các bọ rồi. Cảnh sát trưởng nghe tiếng ai thở dài, cười he he, ai biểu, bày đặt học làm dân quận số chi để bây giờ ngồi đó thở than, he he...

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

Mang mác đầu năm.

Tết, đường phố vắng hơn, Sài Gòn nắng và nóng. Chợ hoa Nguyễn Huệ vẫn giống những năm nào, ruộng lúa, đụn cỏ và nông cụ trên phố. Nơi nào cũng là cúc, cúc vàng khắp lối cho các bạn trẻ dạo chơi bên nhau chụp hình. Con đường sách hông chợ tết nơi ấy như mọi năm, nhưng năm nay không có các con bên cạnh, hứng thú không còn, nhớ nhung các con xa, chỉ là vẩn vơ chạy ngang chợ Tết.

Quán vắng nhưng không nghỉ ngày nào, quán nhà và niềm vui nên mở rộng cửa đón nắng gió và tiết Xuân. Có bông và rượu của mấy nhỏ cơ quan cũ, vẫn như mọi năm, có chút quà và những lời chúc năm mới ngọt lành từ đồng nghiệp cũ, từ bè bạn, từ bà con xóm blog, vậy là đủ niềm vui cho một cái Tết.

Một năm có nhiều thay đổi, cả việc nhà và nếp nghĩ. Nhiều chuyện trong cuộc sống khiến ai cũng phải suy nghĩ, chỉ biết mong sao trời đất thuận hòa. Cho bé con đi học xa, vợ chồng rủ nhau nghỉ việc cùng một ngày để thưởng cho mình tự do hai tiếng ngọt ngào, cho những ngày vô tư tự mình thích làm gì cũng được và cho những chuyến đi xa, dong chơi đây đó cùng với bè bạn đã đời.

Một bữa cuối năm, dì Tư tàu hũ nước dừa ghé lại, Tư hỏi con nhỏ đâu rồi sao lâu không thấy. Hay chuyện, Tư chúc bé học giỏi, nói bé có nhớ tàu hũ dì Tư khg? có nhớ mùi gừng thơm với vị đường ngọt ngào một trưa hè nắng gắt, thì học hành cho giỏi rồi mùa hè về ăn tàu hũ dì Tư nghe.

Tết năm nay cha con nhà Nhí góp tí báo Xuân. Bài của cha thì góp lại từ blog của những chuyến đi xa trong năm. Còn bạn Nhí nhỏ, cô trò nhỏ thường xuyên bị điểm kém môn văn ấy, đã có một bài viết ngắn theo đặt hàng của các cô ở tòa báo. Bạn Nhí nhỏ vui sướng quá chừng khi nhận đồng tiền nhuận bút đầu tiên trong đời. Giữ một chút làm kỷ niệm và trích một phần cùng cha gởi chút chút vào quỹ "Giỏ thị" và "Tết ấm áp" phụ một tí cùng các cô chú lo ngày Tết với các bạn nhỏ miền núi, lại được thêm một niềm vui ngày Tết. Cùng mọi người đọc chơi nè.
Học tập tại Mỹ thật thú vị…

Mình mới bước qua tuổi mười bốn. Từ mùa Hè năm rồi, mình là một du học sinh lớp Chín tại Mỹ. Ngôi trường mới mình học nằm ở thành phố Milton thuộc tiểu bang Massachusett ở miền Đông Bắc nước Mỹ. Ở bên này lớp Chín là năm học đầu của High school tương đương cấp Trung học phổ thông ở bên mình.

Ngày đầu tiên tới trường mình cũng một chút lo lắng và bỡ ngỡ. Nhưng rồi mình đã thấy rất vui sướng khi được học trong một môi trường vừa vui vẻ vừa lành mạnh. Tất cả các bạn của mình ở đây đều vô cùng thân thiện và họ rất mở lòng đón tiếp một học sinh quốc tế mới nhập trường.
Giờ học của chúng mình không quá căng thẳng và vô cùng  hữu ích. Giáo viên thì rất thân thiện, ho luôn mong muốn các học sinh của mình đạt được một kết quả học tập tốt nhất.
Trong chương trình lớp Chín bên Mỹ mà mình đang học người ta chỉ mới dạy sơ bộ về Hóa học thôi. Lớp Vật lý của mình cứ cách tám ngày lại có một buổi làm thí nghiệm. Học sinh sau khi nghe hướng dẫn của thày cô sẽ được tự do thực hành thí nghiệm dưới sự giám sát của thày cô. Sau buổi thí nghiệm ấy, học sinh sẽ viết một bài tường trình về kết quả cuộc thí nghiệm đó và nộp cho giáo viên. Mặc dù lớp học này được gọi là Vật lý (Physical Science), nhưng trong sách giáo khoa lại có kèm luôn Hóa học, Vật lý, Địa lý và Khoa học Vũ trụ (Earth and Space Science) nữa, thú vị lắm các bạn ạ.
Chương trình học của các môn tự nhiên tại các trường phổ thông Việt Nam cung cấp kiến thức sớm hơn cùng cấp bên Mỹ nên mình cũng có lợi thế một chút là được “học trước”. Mình cũng được cô giáo dạy Toán của mình bật mí là tất cả các học sinh lớp Chín đang du học ở trường đều vào lớp Math 2 Honors hết (dịch sơ bộ là lớp Toán 2 danh dự). Mà hầu hết các bạn học sinh du học tại trường mình là học sinh tới từ Châu Á. Xin cho một tràng pháo tay cho các bạn học sinh Phương Đông học giỏi các môn tự nhiên nào!

Hàng ngày mình đi học từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, tất nhiên là không có học thêm ngoài giờ học chính khóa. Ngoài giờ học mình tham gia các câu lạc bộ. Ở trong trường có rất nhiều câu lạc bộ, thoải mái cho mình chọn lựa dựa trên sở thích của mỗi người. Các câu lạc bộ ở trường đều do các anh chị học sinh lớp 12 quản lý và có một thày hoặc cô làm Monitor (người ”quản lý”). Đa phần các thày cô giáo này có mặt chỉ là để giải quyết các tình huống quan trọng nếu có xảy ra mà thôi, chứ thày cô không tham gia vào hoạt động của nhóm. Trong thực tế các câu lạc bộ này hoạt động bình thường, phải nói là hoạt động tự giác và rất tốt nữa. Các câu lạc bộ của trường rất đa dạng. Có câu lạc bộ trượt tuyết (Skiing Club), nấu ăn (Cooking Club) anime(Anime Club) hay các câu lạc bộ về sáng tác truyện (Creative Writing Club), câu lạc bộ truyền thông quốc tế (International Cultural Club)… Thường thì các câu lạc bộ sinh hoạt  vào một ngày nhất định trong tuần hoặc cách tuần. Nhà trường khuyến khích mọi học sinh tham gia câu lạc bộ vì đó là cơ hội tốt để học sinh phát triển kĩ năng, trở nên tự tin và thân thiết hơn khi sinh hoạt cùng với nhau.

Nhà trường dù rất là nghiêm khắc, nhưng hầu hết tất cả các quy định của trường đều dựa trên sự tự giác của tất cả các bạn học sinh. Sẽ không bị nhắc nhở nhiều vì mỗi học sinh phải biết rõ ràng mình không được làm gì, được làm gì và nên làm gì. Đây là một trong những ưu điểm mình thích nhất về nền giáo dục của trường mình: Họ để cho học sinh tự giác.
Khi là học sinh lớp 12, ở đây mọi người sẽ có một đặc ân nho nhỏ là : Nếu học sinh ấy có một tiết tự học (Free Period) vào tiết đầu tiên hay tiết cuối cùng thì họ được vào trễ hoặc về sớm. Mặc dù vậy, học sinh bắt buộc phải đăng xuất (Sign Out) khỏi trường bằng cách tới gặp thày cô giáo chủ nhiệm để thày cô xác nhận.
Có điều này có vẻ hơi khác lạ nhỉ. Là mỗi thày cô ở đây đều được có một phòng riêng của mình để dạy học, và mỗi lần chuông reng thì các học sinh ra khỏi lớp mới học xong rồi cùng nhau di chuyển tới phòng học tiếp theo của mình trong khi các thày cô giáo thì ngồi yên vị tại lớp học của mình. (Các thày cô giáo ở bên Mỹ sướng quá nhỉ? Hi hi…)
Qua rồi một học kì đầu tiên. Mình ghi lại một vài cảm nghĩ của mình những ngày đầu du học trên đất Mỹ.

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

Mừng Xuân Quý Tỵ.