Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Mất một thú vui.


Mẹ Tân Châu nuôi con Mỹ.
Nhà ở phố, nuôi ít con gà chơi trên sân thượng cho vui. Dát sáng sớm có tiếng gà trống gáy, dát xế trưa một mẹ mái nào đẻ được một trứng là cả bầy gà xôn xao rộ lên cục te chào mừng, đúng là thứ gà mắc đẻ, vui thế. Hàng xóm nói sớm sớm nghe tiếng gà gáy thấy yên bình lạ, quên nỗi vất vả, bớt phần khói bụi và tiếng xe máy mỗt ngày. Nhớ một lần bà cụ hàng xóm tới lui trong hẻm nhỏ mình ên nói chuyện, loay hoay lại sắp tới Tết rồi, nghe tiếng gà nhớ quê nhà quá, năm nay tính cho mấy đứa cháu nội về dưới ấy ăn Tết biết có được không đây.

Nuôi và chơi với mấy bạn chim gà mèo chó hay một vài vật nuôi trong nhà khác nữa thật thú vị. Người ta  coi chúng là bạn, có người cưng chúng như con. Chúng thân thiết vì biết người không làm hại chúng, nâng niu chăm sóc chúng nên cứ đều đặn cho ra lò những chú gà con xinh xắn. Đám nhỏ lớn lên trổ mã mỗi em một kiểu, đẹp trai và hung hăng hoặc siêng đẻ siêng ấp trứng nuôi con. Gà nở ra là đã có người đăng ký. Cho ai đó thích nuôi chơi hoặc không thôi bán cho người ta lấy xiền anh em hội giừ lai rai với nhau được vài tuần tê tê.

Mấy năm trước người ta cấm một lần, phường khóm đi khắp nơi, có bao nhiêu chim sáo thả ráo lên trời, bao nhiêu bạn chơi chim bỏ luôn thú chơi tao nhã. Năm ấy nghe đâu tamifu của các tập đoàn dược có mùi khen khét. Ít bữa nay lại nghe nói đâu người ta đang dự thảo cái chi chi đó cấm thị dân nuôi gia cầm trong thành phố. Ô hô, lại cấm. Mấy người ở không lâu lâu nghĩ ra mấy chuyện mắc cười. Hội gà buồn một chút, giừ rồi, hổng biết kiếm thú chơi chi cho tươi đời đây.


Mấy bạn gà Mỹ này mà có nơi nào lập chuồng trại gây giống nuôi bầy, kiếm xiền nhậu mới đã.







Còn các bạn gà tuyết Tân Châu này ít lâu nay dưới quê đang gây dựng lại giống gà quý, hơi lùng chúc, chân vuông, trống mái đều có râu ráo, đẹp hơn các bạn gà Thái nhiều.
Đá gà như ông bạn mình hổng có cá cược cũng thú vị, ổng thích sổ gà cho tụi nó đá nhau chơi rồi đứng cười he he...
Và mấy em nhỏ này, sẽ sắp phải tạm biệt nhau chăng, các nhà ngươi sẽ không còn được làm thị dân kiểu cách nữa.

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Đôi lứa.

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Nước suối nguồn và cá trên núi.

Đường đi tìm đến nước suối nguồn gian nan lắm. Bắt đầu từ một vùng núi đồi thấp với cây dại, màu đất đá lẫn màu sắc của mỏ quặng. Con đường rày cũ dùng cho những toa goòng chở quặng cũ kĩ lấp trong cỏ dại không biết đã có ở đây từ bao giờ, các thiết bị khai khoáng cũng cũ kĩ, hoang vắng và những vỉa quặng apatit Lao Kay nham nhở giữa lưng chừng núi. Đèo và núi cao lên, nhà và người thưa dần, đường đi bắt đầu hiểm trở. Những hàng rào người ta lấy đá núi xếp chồng lên nhau một bên đường đi để báo hiệu môt khúc đèo có vực sâu. Lâu lắm mới gặp một nhà dân bên đường, nhà cửa trống hênh, con trẻ lít nhít, lem luốc và ngơ ngác. Sương mù khi bềnh bồng ở xa, lúc đặc kẹo phủ xuống xung quanh, sau một khúc cua lại kéo nhau bay thật nhanh theo gió hút qua khe núi. 

Phải là xe hai cầu cho bốn bánh xe mới an lòng leo lên dốc núi, một bên là dốc đá và một bên là vực sâu, sơ xảy rất dễ lọt xe xuống vực nếu không thông thuộc rành rẽ từng khúc đường đi.
Đường xe chạy chênh vênh khi lầy đất đỏ khi lớn nhỏ đá cục lổn nhổn như thử thách máy xe và lòng can đảm của người lái cùng những vị khách phương xa đi lên núi tìm nước suối nguồn. Sẽ rất thú vị cho ai vững chãi, ưa khám phá nhưng lại là thót tim với ai đó ít dịp chinh chiến gió bụi đường xa.


Nước suối nguồn đó, từ đâu chảy ra trong vắt, tới bên vách núi đổ xuống một dòng thác nhỏ, một hồ nước mát lạnh ở dưới chân mình. Phải xuống tắm tiên thôi, không thể kìm hãm "cái sự sung sướng" này, niềm vui thuở con trẻ.

Những hồ nuôi cá Hồi và cá Tầm bằng nước suối nguồn nhìn xuống từ trên cao xếp lên nhau như những cánh quạt xòe hoa lấy dòng suối nhỏ và cây rừng làm váy áo của điệu múa vùng cao.
Các đàn cá cùng kích cỡ sẽ được chung một hồ. Nước suối nguồn trong mát được chảy vô hồ theo đường dẫn. Người ta lợi dụng thế năng của dòng suối nước từ trên cao chảy xuống để ra tạo dòng chảy vòng quanh hồ và sục thêm oxy. Nước phải thật trong sạch, nhiệt độ luôn phải dưới 20 độ C và dòng nước ra vô liên tục, chảy vòng quanh như điều kiện sống của các bạn cá trong thiên nhiên, chúng cứ bơi mà như đứng yên một chỗ cho dòng nước cứ chảy.
Vốc nước lên rửa mặt, suối nguồn mát lạnh tỉnh người, đám cá nghe tiếng người xúm lại, nhẹ nhàng giao lưu với chúng, từng đàn cá khỏe mạnh đẫm mình chèn nhau nổi lên mặt nước để ăn mồi, thật thú vị.
Con cá Hồi và cá Tầm là thứ cá nước lạnh, chúng là cư dân của phương Bắc giá lạnh nhưng ít năm nay người ta đã nuôi chúng được ở vùng cao Tây Nguyên và Tây Bắc. Giỏi giang có thể làm giàu được từ chúng.

Nguồn giống và thức ăn chủ yếu nhập từ nước ngoài vì việc ấp nở nhân tạo con giống tại chỗ cũng từ nguồn trứng nhập chưa đáng kể. Kĩ thuật nuôi cũng tự mình, các anh chị ở đây mày mò học hỏi.
Suối nguồn đã cho họ dòng nước mát để nuôi cá trên núi và còn cho dòng chảy chạy máy phát điện cá nhân cung cấp đủ ánh sáng về đêm và ti vi giải trí.

Thịt cá Hồi, cá Tầm rất bổ dưỡng lại rất ngon, ít lâu nay là sản phẩm thay thế một phần nhập khẩu cung cấp cho những nhà hàng sang trọng ở thành phố để chế biến những món ăn ngon miệng. Đơn giản lát cá Hồi sống chấm mù tạt nước tương và món ăn Sushi thì không thể thiếu màu đỏ của con cá Hồi. Phi lê cá Tầm mang nướng muối ớt chấm nước mắm nhĩ nhưng ngon nhất phải nói tới những miếng sụn là kỳ là xương của con cá trong nồi lẩu măng rừng.

Nhóm bạn rủ nhau đi tắm tiên, chỉ ít phút trở về bàn tiệc đã dọn lên. Cá Hồi tươi rói, màu đỏ cam hấp dẫn, xắt miếng vừa, cuốn với mù tạt và tá lả rau rừng rau vườn cùng một nồi canh riêu đầu đuôi cá nấu với bạc hà. Thứ dọc mùng miền sơn cước ngọt ngào làm sao. Của nhà làm được, cứ chén đẫy vào, chủ trang trại nói vậy. Và ăn ngon như thế, ai mà không cười tươi, lại những cái bắt tay với những người bạn nuôi cá ở trên núi sau mỗi ly rượu cạn, lại hết veo can rượu 138 bạn tặng mà không kịp mang về.
Vợ chồng anh chị Hảo chủ trang trại và những người nuôi cá trên núi rất hiếu khách, nuôi cá giỏi mần cá ngon mà uống rượu cũng cao cơ, uống hoài mà cười hoài.

Những người ở nơi thật xa xôi, những thảo dân vùng cao nhiều gian nan nhưng lại rất chịu thương chịu khó. Họ đều là những công nhân mỏ đã nhiều năm gắn bó cuộc sống và sức trẻ nơi núi rừng và giờ đây đã nghỉ. Họ đã làm được những việc tưởng như trái ngược với điều kiện sống thiên nhiên của những con cá xưa nay chỉ sinh sống ở xứ lạnh giá Bắc Âu mang về đây nuôi trên núi. Chất dám làm, ham làm, quyết làm cho được của họ thật đáng ngưỡng mộ.

Còn con cá Hồi và cá Tầm ấy, có nhiều loài nhưng một số giống nhau là chúng ở suối nguồn, sống ngoài biển cả và khi trưởng thành là quyết trở về nơi suối nguồn. Chúng lội ngược dòng sông dòng suối dù khó khăn đến đâu để lên tới đầu nguồn, sản sinh ra một thế hệ mới, rồi chết đi ở nơi suối nguồn trong vắt và mát lạnh, cũng là nơi chúng đã sinh ra thuở ban đầu.

Mỏ apatit Lao Kay.

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Bắc Hà, rượu ngô và thắng cố.

Nghe người ta kể chuyện và coi những hình ảnh đẹp ở xứ Bắc Hà, mơ thấy màu hoa mận nở trắng núi rừng, sương khói bềnh bồng và những gợn mây lãng đãng cùng núi non vào tiết tháng Giêng, mơ thấy một phiên chợ tình có tiếng khèn lượn và lời hò hẹn, có mèn mén và nghi ngút chảo thắng cố cùng ngả nghiêng với rượu ngô. Thật nên thơ và đầy khám phá thú vị. Mong một ngày nào được tới thăm nơi đây.

Tới Bắc Hà mùa này nghe hoa sữa tỏa hương dọc đường thị xã, mận đang cuối mùa thu hoạch, những bông nhãn cuối cùng rơi rụng cho ong bướm theo đàn bay đi tìm hương hoa mới, mùa Xuân đã qua lâu rồi. 
Nhưng đã tới nơi đây mùa nào cũng vậy, người Bắc Hà sẽ không làm cho chuyến đi thăm của bạn mất vui. Có rượu ngô cùng các món ăn ngon miệng, lạ mắt và ấm áp tình người.

Trồng ngô trên núi.
Người H'Mông, ngoài làm lúa nương thì trồng ngô là lương thực chính cho người ta quanh năm và để nuôi gia súc, nên tới đâu cũng thấy ngô là ngô. Ngô ở khắp nơi, hai bên đường đi, trên nương đồi, trên cheo leo dốc đá hay trên những khoảnh đất rất nhỏ chen trong hốc đá. Người ta làm sạch cây cỏ dại, làm tơi đất rồi sọc lỗ thả hạt gieo mầm và cây ngô sẽ tự mình vươn lên với thiên nhiên, tự tìm đến tinh túy trong sương mây và đất đá để cho hạt ngô săn chắc, cho mèn mén dẻo thơm, cho rượu ngô nóng bỏng trả công người trồng.
Ở đâu cũng ngô là ngô.
Thế nên Bắc Hà  mận tam hoa giòn ngọt cho nàng, có rượu ngô ngất ngây cho chàng và  những phiên chợ tình cho các chàng trai cô gái H'Mông cùng tiếng khèn và lời hò hẹn.

"Rượu Bắc Hà gà Lục Yên" nghe thấy nức tiếng đã từ lâu. Người ta kể rượu Bắc Hà ngon là thứ rượu được nấu từ gạo và nước suối trong vắt ở Bản Phố, một làng xã vùng cao của người H'mông ở huyện Bắc Hà nằm men dãy Hoàng Liên Sơn. Nơi đây đẹp lắm, mây núi hữu tình, hoa mận trắng rừng và các cô gái H'Mông sặc sỡ xiêm y thổ cẩm rất biết chiều chồng cùng một nếp sống yên bình với nương ngô ruộng lúa.

Thắng cố và thịt ngựa đó ư? 
Thêm chai rượu ngô, cái mặt thấy sáng rỡ.
Rượu Bản phố được cất từ thứ ngô cheo leo vách đá ấy, với nước suối đầu nguồn và men quả của người H'Mông. Những người uống rượu vùng cao thì gật gù rượu ngô Bắc Hà ngon lắm, men rượu thơm nồng, đượm tình bằng hữu níu bước chân ai uống hoài không biết say. Người ta nâng ly tự mình uống trước, mời rượu khách sau, bởi họ quan niệm tôn trọng khách phải là chủ nhà uống trước, không phải rượu độc đâu mà, tiền chủ hậu khách, hãy tin đi chứ mày tao. Uống xong một ly là cười thật sảng khoái và phải bắt tay nhau phát cho thân tình bạn nhậu.
Đúng là uống vào ly rượu ngô dịu dàng, không gắt hỗn nhưng quả thực nặng đô, ly rượu uống tới đâu ruột gan kêu tới đó, vòng quanh chừng năm bảy cái bắt tay với gia chủ là khách phương xa muốn líu lưỡi rồi.
Là món thắng cố đó nấu từ những phần ngon nhất của con ngựa, dân nhậu phá mồi nói với nhau vậy. Không nhằm chợ phiên và có lẽ lo cho khách đường xa không dễ quen cách nấu của người dân tộc, nên bữa ấy gia chủ thị trấn Bắc Hà, một người bạn quý của KV ở Bắc Hà đã chuẩn bị từ sớm, mua đồ về nhà tự mần đãi khách. Thực đơn là thịt ngựa xào, môt món nướng và thắng cố.

Không say không về,
và ai  còn nhớ đường về.
Bữa ấy say thiệt say, và bữa nay cũng say nên mới nhớ, nhớ và thèm rượu ngô Bản Phố và thắng cố, một lần được thưởng thức đã chịu mặt bắt đèn. Nhớ những cây mận đang mùa hái quả, nhớ hương hoa sữa thoảng bay và những chùm nhãn non hai bên con đường đi vào thị trấn, nhắc rằng mùa Hè đã về nơi đây.
Bạn ơi hãy trở lại với miền cao nguyên Bắc Hà ít nhất một lần khi tiết khí trời se lạnh của tiết tháng Giêng, để có cơ hội nhâm nhi rượu ngô Bản Phố, ngắm hoa mận trắng cao nguyên và những thiếu nữ vùng cao má ửng hồng, chúm chím môi cười với sắc màu áo váy rực rỡ núi rừng, bạn nhé.

Cao nguyên Bắc Hà.

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Món ăn thịt ngựa.

Nếu đã đi chơi xa xa, ra khỏi nếp sống hàng ngày của mình về thăm thú miền thôn quê yên bình, xuống vùng biển xa quyến rũ hay khám phá trên miền núi cao, có lẽ ai cũng muốn tìm hiểu về con người và nếp sống các vùng miền khác nhau, và chắc chắn ta sẽ ráng giành thời gian tìm kiếm và thưởng thức những món ăn của người dân ở nơi đó để cho biết với người ta. Vậy nên ít lâu nay điểm danh về món ăn và các địa chỉ tiệm quán trên nẻo đường của những chuyến đi cùng bè bạn, dù chỉ là ít ỏi, lại chủ quan nhưng nếu tổng hợp lại của nhiều người ta có thể sẽ đánh dấu vô sổ tay dong chơi để lựa chọn cho mình những khám phá thú vị.

Đi tới các nơi vùng núi phía Bắc hay Tây Bắc ta gặp được người Mèo, hay cách gọi khác là người H'Mông, một tộc dân thiểu số phân bổ rải rác các vùng núi cao. Nhà ở giản đơn cheo leo trên dốc núi, nếp du canh có thể trồng lúa trồng bắp ở bất cứ nơi nào và đồng thời chăn nuôi gia súc. Do sống ở vùng địa hình hiểm trở đi lại khó khăn nên con ngựa là người bạn quý báu, gắn liền với cuộc sống của người dân miền sơn cước trong di chuyển hay vận chuyển hàng hóa. Và thịt ngựa lại là một thực phẩm rất ngon.

Thịt ngựa giống những loài ăn cỏ khác có nhiều dinh dưỡng, lành và với khách phương xa thì ngựa là món ăn lạ, bắt mồi, hao rượu, thật hấp dẫn cho đám anh em ta ham vui bạn vui bè, đi chơi xa gặp bạn với món thịt ngựa thì mải vui quên hết lời em dặn dò là chắc. 
Thịt ngựa có nhiều cách chế biến món ăn nhưng ấn tượng là món đơn giản thịt ngựa xào cà chua hành củ và món nấu tả pí lù thịt xương cùng bộ đồ lòng con ngựa mà người H'Mông kêu món thắng cố. Thịt ngựa xào giàu đạm, thật ngon, ngọt ngay và mềm mại. Có thêm ít bánh phở nâu gạo nương, để nguyên bánh rồi xé ra hay bánh mỳ chấm nước xào, vừa chữa lửa vừa đậm đà ấm bụng, dai sức nhậu. 
Không biết món ăn thắng cố có từ bao giờ nhưng đó là một món ăn rất riêng tư của người H'Mông vùng núi rừng Tây Bắc. Có thể làm món thắng cố từ các con vật nuôi ăn cỏ nhưng thắng cố ngựa là ngon hơn cả. Người ta nấu các phần xương xẩu, thịt và nội tạng con ngựa chung với nhau trong một chảo lớn sôi sùng sục. Nghe ai đó nói mất vệ sinh nhưng chắc không phải vậy đâu, người ta nói lựa thịt xương, làm sạch sẽ bộ đồ lòng rồi chặt vừa miếng trước khi mang xào xáo, nấu nướng cùng với những vị quả củ tinh túy của núi rừng như quế chi thảo quả... kỹ lưỡng như nấu nước dùng của những hàng phở gia truyền Hà Nội ấy chớ.
Khó tả cái cảm giác khi măm miếng thịt bờm con ngựa, không giống như gàu hay gân bò, miếng thịt ở gáy con ngựa ấy sao nó giòn vừa phải, béo vừa phải và ngậy như thế. Gan con ngựa thì bùi béo khác lạ, ngon hơn hẳn các loài khác. Thương quý lắm, anh chủ quán mới thẻo cho bàn nhậu khách phương xa một khúc nhỏ bờm và gan ngựa. Còn cái bao tử, bộ đồ lòng thẳng ngay ruột ngựa ấy, nó giòn và bắt rượu làm sao. Nâng lên ly rượu cụng với bạn, oóc một phát, khè thêm một phát rồi bồi miếng nạm bờm, miếng gan hay miếng ruột ngựa gắp lên từ nồi thắng cố nóng hổi, quên đời! Chớ nên chơi trà đá chữa lửa, sai bài, chữa lửa bằng mồi thịt ngựa và nước dùng thắng cố, thơm ngon điệu đà hết biết luôn, ai đó có dịp thử coi là biết.

Bữa ấy ở Lao Kay, cùng những người anh em bè bạn thưởng thức một bữa thịt ngựa uống với 138, một thứ rượu đặc biệt, thời vụ của những người bạn địa phương, chỉ ở đây mới có, thôi rồi!
Anh bạn mình không được phép uống rượu đã lâu, nghe lời bác sỹ bỏ rượu bia từ năm nẳm, vậy mà bữa đó có thắng cố với gan và bờm ngựa, có rượu 138, có bạn hữu quý mến ở nơi này cũng chơi luôn mấy phát cho biết đời thủy thủ ăn chơi mười hai bến nước.

Nếu có dịp tới chơi miền đất này sẽ thú vị lắm. Phong cảnh và con người khiến ta cứ mãi nâng máy chụp hình, bởi chợt một thoáng mây núi quấn quít bên nhau, một bóng áo chàm e lệ hay sặc sỡ váy áo những nụ cười tươi các mẹ già, các cô gái chợt hiện bên đường đi. Ta sẽ ráng kiếm giờ dự một phiên chợ vùng cao để coi người ta buôn bán, lớn có con trâu con bò, nhỏ có con mèo con chó nhỏ, rau củ nhà trồng được hay chỉ mấy cụm măng rừng. Ta sẽ chụp được một vài tấm hình ưng ý xong rồi xà vào cái chõng tre bên chảo thắng cố nghi ngút khói trên bếp lửa than hồng, uống rượu ngô và trò chuyện cùng những thảo dân bình dị hiền lành mến khách. Còn nếu lỡ không gặp dịp chợ phiên hoặc ai đó ngại ngùng lạ bụng không biết hàng chợ ăn uống có đủ vệ sinh, ta sẽ tìm vào tiệm quán vậy.

Ở thành phố Lao Kay có một tiệm ăn khá dễ thương với các món thịt ngựa. Ai đó tới chơi thành phố miền biên ải, ta sẽ ghé cửa tiệm này, địa chỉ rất dễ nhớ, tiệm ăn Tuấn Anh số 333 đường Hồng Hà, kêu một dĩa thịt ngựa xào, một cái lẩu thắng cố ngựa của người H'Mông là tạm đủ. Nhớ là phải dụ khị anh chủ quán, kêu cho được miếng gan và miếng bờm con ngựa cái bỏ vô nồi thắng cố để mà nhâm nhi, có vậy mới nói chuyện được với đời.

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Đi chợ Sa Pa.

Nhà thờ đá Sa Pa do người Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20.




Hai Thành hỏi Tí chuột: Sao nỡ vội quay lưng? Sao anh nỡ bỏ đi, không mua hàng cho người ta?



Chắc là tại bởi,

"Anh đến bên hoa thì hoa đã nở,
Anh đến bên đò thì đò đã qua sông,
 Anh đến bên em thì em đã có chồng."


Và ăn đêm trên phố Sa Pa luôn là những món nướng dễ thương, tất cả nướng, từ trái bắp tới hột gà...










Phố núi Sa Pa.