Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Bạn bè và những chuyến đi.


Mùa Hè năm nay cùng mấy anh em bạn bè làm một hành trình xuyên Việt thật dài, về thời gian và cả về độ đường. Bữa đi tới ngày kết thúc khoảng chừng hơn một tháng với hành trình trên bảy ngàn cây số từ đường chuẩn AH tới đường đèo dốc quanh co, đường núi non hiểm trở.
Chuyến đi an toàn tuyệt đối và mọi người đều vui. Điểm cao nhất là nơi địa đầu đất nước ở cột cờ Lũng Cú Hà Giang, điểm xa nhất ngoài khơi biển Đông là hòn đảo lính Cồn Cỏ Quảng Trị, biển Tây là quần đảo Nam Du Kiên Giang. Ghé qua các vùng biên ải, cửa khẩu Lao Bảo Quảng Trị giáp với nước Lào, cửa khẩu Thanh Thủy, Hà Giang giáp Trung Quốc và vùng biên rừng Yook Đôn Đăk Lăk giáp ranh Cambodia.


Những khoảnh khắc nghỉ ngơi.
- Dinh Hoàng A Tưởng- Bắc Hà.
- Tắm tiên
- Bữa cá Hồi trên núi.
- Rừng dương bên biển.

Đi tới được nhiều nơi xa xôi, nhiều vùng đất nước với phong cảnh đẹp và biết thêm cuộc sống mọi người ở nhiều miền đất. Thực ra với những chuyến đi như vậy dù khá dài và thú vị cũng mới chỉ là thoáng qua, chưa đã. Vẫn còn nguyên đó ham muốn dong duổi trên đường xa bên tay lái, tới những miền đất lạ để được xuýt xoa đẹp quá, hùng vĩ quá khi chợt hiện ra trước ô kính chắn gió một cung đường một khung trời lạ. Còn nguyên đó ham muốn hay biết thêm ít nhiều nếp sống hàng ngày của thảo dân mọi miền.
Muốn viết một tí cám ơn bạn bè.

- Gia đình hạnh phúc nên sanh ba cô con gái "diệu".
- Mắt con trai tai con gái, vừa lái vừa liếc.
- Chia sẻ niềm vui bạn đường xa người Scotland, mỏi hết cả tay.


Hai xe hai bộ đàm, bảy anh em, bốn tài và ba em "đấu hót" cho suốt chuyến đi, mọi người dọn gọn gàng việc nhà cửa rồi ừ với nhau lên đường.
DatHB vừa làm trưởng đoàn vừa là hầu bao của anh em vẫn theo truyền thống. Bạn mình vốn cẩn thận và chu đáo, chỉ hơi thủ cựu "chúc chúc". Một chút thôi, nên mới làm xếp người ta được chớ, nhưng bảo đảm cho cả chuyến đi vui trọn, tiết kiệm, an toàn, được ngủ ngon và ăn uống ngon lành, được bạn bè khắp nơi tiếp đón  để mang theo về theo bao nhiêu thân tình và nỗi nhớ.
Một chặng đường dài, hai tài hết xí quách.
Nhớ thật nhớ món thắng cố Lao Kay, thèm thật thèm bánh phở nâu ăn với thịt ngựa xào, thèm tô phở khô xá xíu Bắc Hà hay một bữa sáng với tô "Cuốn sủi" cũng ở thành phố Lao Kay. Nhớ đầu cá Bớp nơi biển Đà Nẵng, Hòn Bà Lụa nấu cháo hoặc nấu canh chua lá Bứa. Thèm những lát cá Hồi sống màu cam tươi hấp dẫn với mù tạt và cái đầu cá nấu dọc mùng trên đỉnh núi Phìn Hồ.

Nhớ các bữa giao lưu thú vị, cười vang rượu tràn ly sóng sánh tình bạn bè núi rừng và biển cả, từ Sài Gòn ra tới Hà Nội, lên Tây Bắc, từ bãi biển miền Trung nắng chói lên tới Tây nguyên lộng gió. Đi tới đâu cũng bạn, bạn của anh em nhà Hồ Bá, bạn của KV, TS1 và các bạn khác, ở nơi nào cũng đầy nhiệt thành.

Lên núi...
- Đèo mây.
- Thảo dân miền cao.
- Động Thiên Đường.

Nhớ những khúc quanh cua tay áo gấp mờ sương sớm hay nơi đường lộ thênh thang mát chân ga.
Nhớ những quán ăn ở miền cao, ăn cơm, ăn nhậu xong ra về có bàn uống nước bên ngoài, trà mạn thiệt ngon, thuốc lào miễn phí. Các em phục vụ dạ ran, lễ phép, lịch sự, Hà Nội Sài Gòn bây giờ hơi bị hiếm.
Nhớ một nhà dân bên đường, bà cháu ra chào khách phương xa, người già trò chuyện, con trẻ bi bô: Khi thày viết bảng, bụi phấn rơi rơi... thấy nhẹ nhõm con người mình cho quên hết những nhiễu nhương ở cuộc sống này.




Xuống biển.
- Biển lặng, tàu ra đảo.
- Bữa trưa với lính đảo.
- Biển Mỹ Khê.
- Tàu về bến cá.

DatHB nói với mọi người, này các bạn ơi, ở cực tây nam bộ có một vùng trời nước đẹp ngả nghiêng như thế,  như một vịnh Hạ Long ở Nam bộ. Có Robinson giữ đảo hoang, có sản vật nguyên sơ của biển, tới đó tìm kiếm kiếp sống không vương bụi trần, chỉ có nắng gió mây trôi, trời đất và sóng biển. Bạn với rừng tràm, bạn với những con cún con gà và ngồi nhậu ở đó thật yên ả. Vậy là thêm chuyến đi biển Tây, tới quần đảo Nam Du và Bà Lụa thuộc tỉnh Kiên Giang.

Không phải dân săn ảnh mà chỉ muốn ghi lại những khoảng khắc thời sự trên đường lãng du nên sự phối hợp của tài xế điệu đàng và những tay máy không chuyên rất nhịp nhàng. Hạp cạ nên hiểu ý nhau, đang chạy xe trên đường gặp khung hình hạp nhãn, bác tài giảm tốc, phó nhòm chỉnh máy chộp liền. Sớm mơi mệt muốn chết, tưởng ngóc đầu dậy không nổi vì đêm hồi hôm nhậu quá cữ, DatHB vẫn hối dậy cho được đi ra biển chụp bình minh. Cám ơn các bạn để có bài và ảnh chơi blog, để cho gia đình và bạn bè gần xa chưa có điều kiện đi chơi được hay biết.
Không là bè bạn thân thiết và hạp cạ thì khó có thể tổ chức được những chuyến viễn du chơi vui dài ngày, thêm hiểu biết và nhiều ghi nhớ. Nên người ta nói trẻ cậy cha già cậy bạn vậy.
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Ảnh.



Bãi biển Cửa Việt - Quảng Trị 7.2012.

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Người làm công không lương.

Mà làm tối ngày ấy chớ, với những công việc không có tên tuổi ở một quán cà phê nọ.
Làm công không lương không phải tại người ta chậm trả do tình hình kinh tế khó khăn chung, do cơ chế hổng phải do quản lý yếu kém, như ở thời này mấy người ta thường dùng những từ ngữ mỹ miều cho lạ tai thảo dân. Ở đây người làm công mần hổng có lương luôn. Được cái cơm nuôi ngày ba bữa và được uống cà phê miễn phí.

Người làm công ham việc, chịu leo cao vác nặng. Quán xá có việc gì nhìn ra trước mắt là mần. Từ điện nước tới cảnh quan, từ thay bóng đèn, lau chùi nhà vệ sinh tới cắt cỏ tỉa cây, luôn tay.

Ít lâu nay bà chủ quán có việc vắng nhà dài ngày, công việc quán xá chuyển qua tay người làm công.
Dịp này khách vắng, ở đâu cũng vắng, lo thiếu sở hụi lương lậu cho mấy nhỏ trong quán, người làm công phải xông vô cùng mần với mấy nhỏ. Hàng ngày phải chăm lo quán xá, chăm vườn cây hồ cá cảnh rồi chạy bàn, ngồi két tính tiền, coi xe cho khách tới nhà vệ sinh, rửa ly chén chơi luôn.
Có những bữa chú bảo vệ ở nhà có việc, "giã"  phải nhảy xuống làm thay cho chú, ghi phiếu rồi mang cái láp tốp ra ngồi coi xe nguyên ngày. Một bữa mấy nhỏ kia nghỉ ráo, xin về dưới quê rồi không lên đúng hẹn, hỏi bảo vệ có biết làm sinh tố không, cà phê thì dễ rồi? Biết chớ, ngày trước cháu làm pha chế rồi chớ. Thế là có hai chú cháu chơi luôn. Hết một ngày, mọi việc tốt lành.

Bữa kia nổi hứng rủ thằng cháu bảo vệ mần thêm cái hồ cá, tính kêu mấy bạn Tư Xấu, Năm Giáo, Giang còi đi câu mấy con cá Chim trắng nước ngọt về thả chơi. Nhìn mớ kiếng tha về thằng cháu hỏi:
- Nhà có tới ba hồ cá chú làm chi nữa, hai chú cháu mình, sao làm nổi?
- Thích thì làm chơi, thanh niên phụ vác kiếng vô đây, ta kêu gì làm nấy nghe.

Già ưa nặng
Hết một buổi chiều tới tối mới dựng nên cái hồ cá. Thằng nhỏ ngắm cái hồ cá dài tới hai mét tư, khoái chí tâm phục khẩu phục.
Đưa máy cho thằng cháu, bây giờ chú làm tuồng cho thằng cháu chụp tấm hình chú cháu mần cái hồ cá đặng viết bài chơi nghe.
Buổi tối xong việc ăn cơm trễ thằng cháu than:
- Chú cứng tuổi, lại nhỏ con mà toàn ưa việc nặng, phụ mang mấy tấm kiếng chiều giờ muốn quẹo cái lưng thanh niên này rồi.
- Ke ke... đúng là già mà chơi dại thiệt, lựa mấy trò nặng không, ta cũng muốn xụm lưng rồi đây. Nhưng thằng cháu nhớ là làm cái gì khó phải có mưu, trẻ cậy sức già cậy mưu chớ. Thợ thuyền là mình, rồi cũng xong việc phải không nào.
- Thấy chú làm tối ngày.
- Làm trước cho tụi bay thấy mai mốt làm theo. Phải cho quán xá sạch sẽ, bà chủ đi vắng dặn rồi, không lo nhiều tới doanh thu, mình làm nghề dịch vụ, phục vụ cho khách hàng. Không làm thôi chớ đã mở ra quán xá là phải lo cho đâu đó, sạch sẽ, vui vẻ, vừa mắt vừa lòng người ta.

Thuở chụp hình dạo.
Chán làm công cho người ta nhà nước lớn, nghỉ ngơi thảo dân thích làm gì thì làm. Để giờ với bè bạn, lâu lâu rủ nhau đi chơi xa, hoặc ở nhà thì trưa chiều loanh quanh đâu đó, nhậu trận nói dóc cười nghiêng ngả tới mềm người rồi về ngủ khỏe.

Hồi nào giờ ham việc, đụng chi cũng mần, riết quen. Nhớ có một thời cực muốn chết. Ai cũng đói cũng cực, không bò ra kiếm được việc gì mần là đói cả nhà. Làm hồ cá kiểng cho người ta có, nuôi ép cá kiểng mang bán có, rồi mở tiệm góc ngã tư sửa xe máy cho người ta cũng có. Sau này nuôi chim nuôi gà đá cho biết rồi bán chơi. Còn có một dịp xách máy hình chụp dạo  ngoài công viên kiếm tiền nữa chớ.

Tối tối oải chè đậu, bỗng sực nghĩ ra ít lâu nay cày hơi nhiều, cày không lương cho người ta. Lại nghĩ, mình coi quán xá, là làm công cho cảnh sát trưởng ở nhà, cũng giống người ta về nhà đuổi gà cho vợ.

Xuất cà phê sáng.
Thêm chuyện, biết người làm công ghiền cà phê, sáng ra ngủ dậy phải có ly đầu giường. Đi đâu xa không có cà phê trúng gu là cảnh sát trưởng phải bọc cà phê mang theo bên mình, đặng sớm mai có pha cho người làm công uống, ngày nóng nực ngày lạnh căm sáng ra cũng phải có ly cà phê đá cho người, oai hơn cóc, nghĩ vậy vậy nên làm công không lương thôi cũng đặng.

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Người gác đèn.

Dung Quất, nỗi buồn công nghiệp.
Từ quốc lộ 1A rẽ ngang đi theo đường tỉnh lộ tới ngó coi khu nhà máy lọc dầu Dung Quất cho biết, tại thấy công trình tốn kém biết bao nhiêu tiền bạc người ta tự vẽ ra và bốc thơm những hy vọng trong muôn vàn khó khăn và vô lý, coi cho biết với người ta.
Đi xuôi xuống phía Nam Quảng Ngãi, loanh quanh trong những con lộ cấp tỉnh huyện, đường xá vòng quanh muốn mất phương hướng. Hỏi thăm địa danh Ba Làng An kiếm đường đi nhưng người dân ít ai biết. Cũng tại những con đường ấy là mới nâng cấp hoặc được làm mới, người và xe vắng hoe, thi thoảng mới gặp một em bé chăn bò bên đường hay một hai khách bộ hành. Đường xá khá tốt cứ mình ên xe chạy bon bon.
Từng khúc hỏi thăm dân tình ven đường, rồi cũng tới được mũi Ba Làng An. Đó là một dẻo đất nhô ra ngoài  khơi biển Đông, mũi xa nhất của đất Quảng Ngãi.
Ở nơi đó có một ngọn đèn biển nhỏ nhoi nằm một mình ngoài mũi, lặng lẽ và dễ thương. Những ngọn đèn biển ven bờ luôn nằm trong nỗi nhớ của những người đi biển. Mỗi chuyến biển xa xôi trở về, bắt được ánh đèn biển nhấp nháy là  nôn nao như sắp được về nhà.

Hải đăng Ba Làng An.
Có một nhóm các anh em trẻ sống ở đây, họ làm việc và coi chừng ngọn đèn biển Ba Làng An.
Gặp và trò chuyện với một chàng trai, không hỏi tuổi tác chỉ thấy dáng vẻ cu cậu còn trẻ, đẹp trai và hiểu biết, khỏe mạnh và khá nhiệt huyết kiểu định hướng đã rồi. Cậu là một trong những người đã nhiều năm canh gác ngọn đèn biển ở Ba Làng An.

Người gác đèn biển ấy quê ở Nghi Lộc ngoài xứ Nghệ. Nhà em ở gần thành Vinh, em năm nay mới hai mươi ngoài và là con út trong một gia đình năm anh chị em. Mẹ và các anh chị ở quê làm ruộng là chính, khi mùa nông nhàn thì buôn bán linh tinh ai cũng lo tạm đủ cho cuộc sống.
Em được vào làm nghề này, được biên chế nhà nước là nhờ phước của bố em đấy. Ngày trước bố làm trong nghề bảo đảm an toàn hàng hải rồi bố mất vì một tai nạn nghề nghiệp. Lặng yên một hồi, dường như em muốn dành một chút thời gian với người cha quá cố...
Em học và tốt nghiệp trung cấp hàng hải gần mười năm rồi. Nói chuyện đi biển ư, khó lắm. Xin vô công ty đã khó, xuống tàu còn khó hơn, nhà em chẳng có tiền đâu. Trong cái rủi có cái may, bố chết nên cơ quan thương tình cho nhà em được một xuất vô cơ quan. Em theo nghề bảo đảm hàng hải của cha, em làm người gác đèn.

Nhìn ra xa ngoài bờ đá, em nói em sắp có em bé rồi bác ạ, cứ nghĩ tới điều đó là vui lắm. Vợ em là cô mẫu giáo ở quê nhà, nghiệp nghề ấy nghèo nhưng được cái yên ả thiện lương lại có thời gian lo lắng cho gia đình. Vợ chồng chúng em chỉ sống bằng đồng lương của nhà nước thôi bác. Em ở miền đất này không tiêu xài gì, lương tháng còn giữ được nguyên gởi về quê, vợ chồng em lo tạm đủ cuộc sống và mỗi tháng dành dụm một ít làm của để dành cho con cái học hành mai này khi chúng lớn.

Em cười hiền khô. Chưa tính được gia đình nhỏ của em sẽ an cư ở nơi đâu bác ạ. Ba Làng An hay xứ Nghệ Tĩnh quê nhà. Ngọn hải đăng nơi đây đã là thân quen, Ba làng An không có người thân bên mình nhưng em vẫn nghĩ như là quê hương thứ hai của mình. Chỉ những dịp lễ tết em mới được về thăm quê xứ Nghệ. Gia đình chia xa nhưng đâu cũng là nhà, lâu lâu đi về đôi nơi, chịu vậy thôi...
Em thích ở đây vui với ngọn đèn báo đường đi, chấm hướng cho tàu bè chạy. Em yêu biển và cũng yêu những con tàu trên biển.

Trên hải đăng Ba làng An.
Chỉ tay về phía xa, cậu trai cười mơ mộng, anh coi phong cảnh nơi này đẹp không kìa. Dưới chân ngày đêm sóng vỗ bờ, gió từ biển thổi về mát rượi. Ven bờ trải dài các bãi đá, những bãi đá nhiều hình dạng màu đen, chắc là trầm tích của núi lửa trào dâng ở miền đất này đã từ lâu lắm.

Bây giờ tàu bè đi biển đã có rất nhiều thiết bị định vị từ vệ tinh, đi lại dễ dàng nhưng ngọn hải đăng vẫn không thể thiếu được. Và ở đâu đó khắp nơi ven bờ, những ngọn đèn biển sẽ luôn mang tới cho người đi biển một cảm giác an toàn, tin tưởng và gần gũi với đất liền.

Hỏi thăm em từ đây về tới Sa Kỳ sẽ không còn bao xa. Nơi ấy có một cầu cảng nhỏ, có một bến tàu để ra vô buôn bán, cung ứng với Lý Sơn, mảnh đất của những người lính hải đội Hoàng Sa khi xưa, hòn đảo ẩn giấu nhiều khám phá.
Tạm biệt nhé chàng trai trẻ, người gác đèn biển nhiệt huyết và âm thầm, mãi yêu biển trời quê hương, yêu những con tàu xa như mãi yêu những người thương của em vậy.
Đường ven biển Quảng Ngãi 2012.

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Người đi giao hàng.

Một ngày nghỉ Hè nơi xứ người, trời mưa lùi xùi không có việc gì làm, đi tới chơi một tiệm bán rượu bia ở Quincy MA, vừa thăm chơi vừa coi cho biết thêm những công việc làm ăn của mọi người ở nơi đây. Chập chiều, thêm mưa và bầu trời u ám làm không gian xám xịt, thời tiết ấy làm cho người ta chỉ muốn ngồi nhà, không ai muốn ra đi đâu nếu không có việc gì cần kíp lắm.

Thấy gã tóc bạc ở không một mình, đang lấy khăn tẩn mẩn cẩn thận lau sạch bên ngoài các chai rượu để trên kệ, cậu trai bán hàng trong cửa tiệm lại gần nơi, cười hỏi:
- Bác có muốn đi giao hàng với cháu không? We delivery. Nó chỉ dòng chữ trên kệ rượu.
- Có lý à, ta rất muốn đi với nhà ngươi, đi loanh quanh ngắm thành phố trong mưa đỡ buồn, và để cho biết nữa, đi giao hàng ra sao mà có tiệm được phép đi giao hàng tiệm không. Nhưng hồi về nhớ chia tiền típ cho ta với nha, công áp tải và bảo vệ người đi giao hàng, he he...
Chàng trai vói theo cây dù cho khỏi ướt nước mưa, che lại bịch hàng và giấy tính tiền, quơ thêm cây đèn pin nhỏ, hai bác cháu chạy ra xe lên đường.

Trời vẫn mưa, nhỏ thôi nhưng mưa hoài, từ hồi chiều tới giờ và xám xịt thế này có vẻ như tới đêm cũng không muốn ngừng, lo lo, tối rồi không biết có ngó thấy số nhà người ta. Hai order hai hướng khác nhau, cái hướng cái Tây cái hướng Đông mỗi nhà cách cửa  tiệm chừng hơn hai miles. Nhẩm tính vậy là đi về chừng bảy tám cây số. Thấy chàng trai mở cái GPS tính toán đi nơi nào trước nơi nào sau cho gần nhất rồi quẹo vòng tay lái ngược lại.
Số nhà ở đây thấy sao không liền lạc mà cách nhau tới vài con số, mặc dù hai nhà đứng kế nhau. Tới nhà này 234 nhà kế bên đã 240, cái GPS tít một cái, ngay cổng hai nhà sát nhau. Số nhà người ta thường vẽ ở cửa nhà chớ không mấy nhà có số ngoài cổng. Vậy nên vượt qua khoảng sân cỏ lớn trước nhà, vô tới nơi ngó thấy số nhà trật là lại phải trở ra đường bước sang nhà kế.

Giao chai rượu và thuốc lá xong một điểm, chàng trai vội vã trở ra xe chạy tới điểm giao thùng bia ở nhà thứ hai. Lại bấm GPS, vừa lái vừa trò chuyện.

Mấy người ngoại quốc nhìn họ thật khó đoán tuổi bác ạ. Coi cái mặt thằng Mỹ hồi chiều vô tiệm mua bia ấy, già khằng vậy mà chưa tới tuổi, còn vài ba tháng nữa mới bước qua 20. Cả những cô gái cũng rất khó đoán tuổi, nhưng khó nhất mấy người da màu, nhìn ai ở một độ nào đó cũng đưng đứng tuổi như nhau. Ngồi trong tiệm bán bia rượu và thuốc lá gặp không ít người cả nam cả nữ, khi hỏi ID, người ta nói chờ chút ra ngoài xe lấy vô rồi họ bỏ đi luôn, một đi không trở lại vì sẽ không đủ tuổi, hoặc giả lại lấy vô ID của người khác, nói đi mua giùm hay những lý do khác. Gặp những khách hàng như vậy mình không được bán hàng. Cả những người tới mua hàng đã uống rồi, coi bộ muốn say xỉn rồi, ngắm không ổn mình sẽ không bán rượu bia cho họ. Lỡ sơ suất bán cho người chưa đủ tuổi, phú lít bắt được, đầu tiên là nộp phạt, vài lần họ lấy mất cái "lai sần" là đói cả làng.
Cái đèn pin này á,  không chỉ coi số nhà mà còn để coi giấy tờ khi gặp người mua hàng tuổi còn trẻ. Coi ID, rồi xin lỗi người ta cho tui coi luôn cái dung nhan của người, có đúng cái thẻ mới đưa mình không, có đủ tuổi "dằn" để hút thuốc lá hay đủ "xì dách" mới được quyền uống rượu bia à nha.

Tới ngôi nhà thứ hai, thấy một bạn nhậu đã đứng chờ ngoài hàng hiên từ hồi nào. Ngồi ngoài xe nhìn cậu trai lật qua lại cái gì, ID hay bằng lái, chắc là coi có bị sửa chữa hay ghép ảnh không. Đèn hành lang chợt sáng rồi lại tắt, nghe tiếng chàng tai cười he he, ngó lên rọi đèn pin ngay mặt thằng Mỹ bự chảng lia qua lia lại. Chủ hàng và khách mua hàng dường như đã quen thuộc cảnh này, bạn nhậu tỉnh queo và cũng nghe tiếng nó he he cười trước ánh đèn pin chói rọi.

Xong việc không mất bao nhiêu thời gian, đường về bác cháu chuyện tiếp.

Mấy người thanh niên ghiền rượu bia thuốc lá mà chưa đủ tuổi là tụi nó mánh lắm bác ạ, bằng lái xe có đứa sửa năm sinh, dán ảnh, giấy cớ mất... mình thấy nghi ngại là không dám giao hàng đâu.
Thằng hồi nãy bự con, mặt già chát mà mới qua sinh nhật hai mốt được hơn tuần lễ. Không biết nó uống lén từ hồi nào, coi mặt là thấy bợm nhậu, chắc là nó qua mặt phú lít từ lâu rồi. Cháu tính tiền chưa rồi nó đã tu gần hết chai bia. Nhưng thằng quỷ này kẹo ác, típ có hai đô. Thôi kệ, có còn hơn không, đỡ tiền xăng, he he...

Nghĩ là ở nơi này có những người không chạy xe hơi, có thể họ ở khu chung cư và đi làm vì đúng tuyến đường xe bus hay subway đi làm hàng ngày. Ít đi đâu, có mua bán gì thì kêu điện thoại cho người ta mang hàng tới. Có những người đã già cả, đơn chiếc hoặc những người chỉ là biếng ra đường cũng thường ngồi nhà kêu điện thoại cho người ta giao hàng tới nơi. Ai đó ngồi ôm ti vi coi đá banh hay đang dát nhậu dở dang, lái xe đi mua rượu lỡ gặp cảnh sát, miệng hơi rượu bia là tiêu luôn. Rồi khi mưa rơi tuyết lạnh, ngồi nhà kêu cửa hàng mang tới cho khỏe.

Vậy nên đi giao hàng là một nghề, của một người ở cửa tiệm. Công việc ấy cùng cái giấy phép được giao hàng tại nhà có cái hay riêng của nó. Và việc làm ăn, kiếm ra đồng tiền không dễ gì, khi đêm hôm khi mưa nắng một mình, thương chàng trai trẻ siêng năng, nhanh nhẹn và thạo việc.
Mùa Đông đang lại gần. Khi tuyết rơi ướt át, đi lại nhớp nháp và lạnh căm chạy đi giao hàng chắc là cực lắm. Bữa nay ngồi nhà nhớ những chiều tối đi giao hàng với anh bạn trẻ nơi xứ người, mới nghe tin miền Đông Bắc xứ ấy tuyết bắt đầu rơi.
Quincy-MA.

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Cô gái lái xe.


- Úi ui, con gái mà dám ôm xe tải sao, hồi nào giờ mới thấy đây, có cực quá không em gái?
- Bộ anh lạ lắm sao? Em ôm tài chiếc xe này lâu lâu rồi, tính bữa nay tới cả năm lận, em chạy cùng thành phố rồi.

Đã hơn một lần nhìn thấy em lái xe trên đường, bữa ấy tình cờ gặp, thử bắt chuyện, cô gái cười rất hiền và em thật vui chuyện.
Vỗ vỗ vô lăng, em nói anh chàng xe tải này cho em nhiều niềm vui lắm, vừa là công việc vừa là bạn với nhau, tụi em hiểu ý nhau khi mưa nắng và cả những lúc buồn vui trên đường.

Sao anh nhìn em kỳ quá? Em học đàng hoàng, thi đàng hoàng đó chớ không có mua bằng hay nhờ vả ai đó như người ta đâu à nghe. Bằng lái em có bốn năm năm nay rồi, tuy mới là du lịch và chỉ lái xe dưới ba tấn rưỡi thôi nhưng em đã đủ thời gian chuyển cấp. Không bao lâu nữa, em tính chạy thêm ít cây số đường dài, là em sẽ xin thi lấy bằng D xe tải nặng trên ba tấn rưỡi anh biết không, em sẽ ráng thi cho được.

Ngày còn nhỏ em đã rất mê lái xe. Khi ấy học hết phổ thông má nói đừng thèm thi đại học, má muốn em vô học trung cấp du lịch. Đất nước mình nơi nào cũng dễ thương, nhiều phong cảnh đẹp, má nói.
Thấy người ta ai cũng đại học, ai cũng muốn vô kinh tế, tài chính kế toán rồi quản trị kinh doanh này nọ, trường nào cũng có... Nhưng rồi thấy có mấy anh chị trong xóm, học xong, bao nhiêu tiền bạc và công cha công mẹ, rồi có xin làm việc được ở đâu đâu. Ai đó hên xui được nhận làm công cho người ta, ít lâu công ty làm ăn èo uột, phá sản hay vì sao sao đó, rồi cũng chuyển, rồi cũng nghỉ, rồi lại vòng quanh đi kiếm việc làm.
Em cứ nghĩ kiếm học lấy một nghề, thạo nghề, ra đời có việc làm liền, rồi lấy chồng nuôi con, bấy nhiêu là hạnh phúc.

Chiếc xe em đang lái bây giờ là của một công ty Đài Loan nằm trong khu chế xuất Tân Thuận. Ngày trước khi mới xin vô công ty, ban đầu em làm kho. Khi có việc, nhảy đại lên lái mấy chiếc xe nâng hàng, em chạy ào ào trong khu chế xuất. Mấy anh trong xưởng ban đầu nhìn thấy lạ, riết rồi quen. Một ngày anh tài xế chạy chiếc xe này chuyển đi làm ở nơi khác, em nói mấy ảnh để đó em lái cho. Mắc cười, ông sếp nghe thấy hỏi lái có được không đó? Lái được chớ, em có bằng lái đàng hoàng nè.
Ông sếp coi bằng lái, em lái thử rồi từ đó ôm luôn chiếc xe chở hàng chạy dzòng dzòng thành phố. Em không muốn chạy xa, qua ngày và được cái hàng của công ty cũng chỉ chở quanh thành phố, sáng đi làm chiều về giao xe để giờ còn chăm con trai em chớ. Em có thằng con trai sắp tới sinh nhật ba tuổi rồi đó, con trai dễ thương hết sức.

Tụi em đang ở chung với ba mẹ, con trai gởi ngoại là khỏe nhất. Cá với anh có con lúc nhỏ là anh cũng gởi  về ngoại nà, he he...
Hai vợ chồng em làm cùng công ty, hàng ngày ngó nghiêng thấy nhau, cùng đi cày nuôi con. Anh thấy vậy có được không. Em luôn nghĩ con gái vẫn phải có một nghiệp nghề chắc tay, có việc làm và cùng chồng đi làm nuôi con ăn học, bấy nhiêu là đủ, là hạnh phúc rồi phải không anh... Em á, em dân Sài Gòn chính cống đó. Má nói ngày trước ông bà gia đình ở bên Bình Hòa, mãi sau này nhà em mới về ở Nhà Bè bên đây.
Em gái cười, nói nho nhỏ, là một nghiệp nghề, miễn là mình yêu thích nó và mình làm được. 

Xong việc. Chiều xuống. Em nhoẻn cười. Tay che nắng chiều tay vẫy chào từ phía xa rồi lại tay vô lăng tay sang số, lại nheo mắt nụ cười, em về nha.
Nắng chiều nghiêng xiên vành chiếc vón vải bảo hộ, quét ngang bờ vai ngấm mồ hôi, chiếc xe tải cua một vòng điệu nghệ rồi mất hút cuối con đường.
Sài Gòn 2012.

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Saigon Queen.



Nhìn tấm hình con tàu vững chãi tự tin lao về phía trước với  những lượt sóng phủ trắng mũi tàu, đường chân trời mờ ảo và xa xa là những lớp sóng bạc đầu đang tiến lại, thật đẹp và hùng dũng. Tấm hình được blog AnhDo lựa chọn để làm nền minh họa cho những bài viết về biển và nghề đi biển trong những ngày qua.


Đó là hình ảnh con tàu Saigon Queen đang hành trình trên biển cả. Những ngày ấy anh ba nhà Hồ Bá đang đi thuyền trưởng thực tập trên tàu và bạn LộcHB đã ghi lại trong những chuyến đi.

Saigon Queen đã không còn nữa trên những hành trình dọc ngang đại dương bởi ba ngày trước đây con tàu bảy tuổi ấy đã bị bão tố và biển cả nhấn chìm tại vùng biển Sri Lanca Ấn Độ dương.


Hầu hết anh em thuyền viên đã được một con tàu bạn mang cờ Hy lạp vớt lên nhưng vẫn còn bốn anh em nữa mất tích tới nay chưa nhận được tin tức gì.
Bão lớn, xa bờ, hết ba ngày qua, hy vọng của những người thân cứ nhỏ dần lại.

Biển vẫn luôn nổi giận vì con người. Muốn viết một tí gì nhưng lúc này thật là khó. Chỉ biết cầu mong cho một sự may mắn với những người đi biển gan dạ.

Một vài hình ảnh anh em và con tàu Saigon Queen.