Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Nhớ Mẹ.

Ngày giỗ Mẹ.
Ngày còn nhỏ, bữa nào mà sáng ra trước khi đi học, Mẹ dặn chiều nay không nấu cơm nhé, là đứa nào cũng vui mừng vì chiều ấy sẽ được ăn ngon. Có thể buổi chiều khi đi làm về, Mẹ sẽ ghé cửa hàng đổi bún, rồi về nhà quạt than làm bún chả hoặc làm bún thang hay cuộn nem chiên ăn với bún. Có thể chiều ấy Mẹ mua một món ăn gì đó, cả nhà luôn thích thú nhất là món bánh tôm Hồ Tây...

Thỉnh thoảng Mẹ làm bánh cuốn khi có ít gạo quê. Gạo ngon được ngâm từ ngày hôm trước và mang xay bằng tay trên một cái cối đá nặng. Vừa quay cối đá vừa châm nước để ra một thứ bột nước trắng tươi. Anh em thích xay bột, nhưng chỉ quay được một lúc là mỏi tay, phải thay nhau. Cái cối đá ấy nặng chình chịch, chiếm một góc bếp, lâu lâu mới mang ra xài và như là của chung. Nhà nào hàng xóm có việc thì lại nhà mượn cái cối đá.
Đồ nghề làm bánh cuốn giản đơn là một bàn căng tròn kín khít miệng xoong, một cây tre dẻo và cái muỗng lớn. Bánh cuốn ngon hay không chắc là do gạo ngon và tỉ lệ pha giữa bột với nước, và phần lớn nhờ tay người pha nước chấm.
Mấy anh em ngồi xung quanh coi mẹ làm. Nhớ lắm bàn tay Mẹ vê tròn cái vá trên bàn căng và cây tre khéo léo cuộn lại rồi kéo lên miếng bánh tráng mỏng tang gọn gàng.

Bây giờ nuôi gà ở thành phố là để chơi vui, nhưng ngày trước ngoài đàn gà, Mẹ thường xuyên nuôi một hai con heo để cải thiện sinh hoạt gia đình, còn dư mang ra chợ bán. Nhớ có một lần, buổi sáng ra cho gà ăn, thấy cả đàn gà quay lơ, chắc là chúng bị cúm. Cả nhà tiếc ngẩn ngơ. Mẹ nói để mẹ làm nước mắm. Nước mắm gà cả đời được ăn một lần, thơm lừng và ngọt ngay, ăn với bún hay cơm nguội một lần là nhớ mãi.

Xung quanh nhà có miếng đất trống nào là mẹ trồng Chuối tiêu và Sắn dây. Lâu lâu có một buồng chuối đủ già, mẹ dú bằng nhang trong một chiếc thùng kín. Khi Chuối chín thơm lừng, mang cho mấy nhà hàng xóm thân mỗi nhà một nải, con cái một phần, còn lại Mẹ gởi người ta bán đi lấy tiền lo cho việc khác.

Sắn dây Mẹ trồng khi nào củ cũng lớn. Có củ Sắn dài cả mét, lòn sâu chui tới tận móng nhà, phải moi lên từng ít đất một để lấy được nguyên củ. Mẹ lại nạo củ, ngâm nước, làm bột Sắn dây để dành khi nấu chè hay làm thứ giải khát rất quý. Cứ nhớ mãi một lần, vì tiếc khúc Sắn dây mỏng, bàn nạo làm tay mẹ rớm máu.
Quanh năm ngày tháng không khi nào ở nhà thiếu bột Sắn dây. Trưa hè oi ả đi học về hay lúc nhóm bệnh trong người, một ly bột Sắn thoảng hương hoa Bưởi của Mẹ làm cho con cái vững lòng.

Cuộc sống có nhiều khoảng thời gian quá khó khăn. Mẹ chỉ biết bươn chải, ráng lo toan khuya sớm, không giành cho mình một điều gì dù rất nhỏ. Mẹ chỉ biết làm và mong muốn làm sao cho tròn một cuộc sống gia đình và cho các đứa con của Mẹ bớt phần thiệt thòi với chúng bạn.

Năm nay ngày giỗ Mẹ, dương lịch nhằm ngày 20 Tháng Mười, ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam đó, Mẹ có biết không.

Mẹ vốn xuất thân từ nông dân. Bà chất phác, tin người và luôn một lòng thương yêu con cháu. Chẳng thế mà bạn bè thường gọi thân thương và trìu mến: "U ơi U".

Lúc mẹ nghỉ hưu tôi chưa lấy vợ. Các em có gia đình ở riêng, chỉ mình tôi ở với mẹ. Mới có ba mí, chưa vợ, khỏe re. Sau những chuyến đi xa vất vả, bạn bè đi biển thỉnh thoảng tụ bạ với nhau ở nhà tôi coi video hay binh sập xám, không thôi bày chuyện nhậu nhẹt bù lại những tháng ngày lang thang trên biển.
Hồi đó phá đám dữ lắm. Có những đận cả đám nằm ở nhà một hai ngày, lúc thì: U ơi nấu cho con tô mỳ, lúc thì : U ơi mua cho con 3 ổ bánh mỳ được không? Ớt nhiều nha U... Tội nghiệp mẹ lại lui cui xuống bếp nấu mỳ gói hay một mình lóc cóc ra chợ Trương Minh Giảng gần nhà...
Kiểu gì mẹ cũng chiều con cháu.
Một bữa.
Có hẹn với người bạn tại nhà, tôi về hơi trễ. Thằng cu đó học chung trường với tôi lúc nhỏ, cùng khóa, cùng tuổi đấy nhưng trông nó già hơn tuổi tại cái mặt nó hơi ngầu, nhăn nhăn, cái mặt nó nhăn nhăn từ nhỏ chứ không đợi tới bây giờ.
Thấy có mình mẹ tôi ở nhà, nó giả lả: 
- U ơi, mở cửa cho con, con là thày dạy tiếng Anh của thằng Đỗ đây! Nó đi đâu rồi U ?
Tội nghiệp cho bà già, vội mừng:
- Mời thày vào nhà chơi, em nó chắc cũng sắp về rồi. Mời thày ngồi, tôi đi pha nước thày uống.
Mới về đến nhà mẹ trách:- Con đi đâu về trễ thế? Có hẹn với thày mà sao không nhớ?
Tôi hỏi mẹ thày nào đâu, mẹ nói: Thày chờ từ nãy giờ lâu rồi!
Vào nhà thấy thằng bạn ngồi vắt chân trên sa lông, khuỳnh tay đọc báo, trước mặt là ly nước chanh U pha cho, lại còn ngồi cười tủm tỉm.
Tôi gắt mẹ:
- Trời ạ, thày đâu mà thày..., Đây là thằng bạn cà chua của con, ngày xưa ở Hà Nội nhà mình đầu phố, nhà nó cuối phố Lý Nam Đế, mẹ không nhớ nó sao?
Thằng đó bỗng phá lên cười...
Một hồi mẹ hiểu ra chuyện, bà vừa đi xuống bếp vừa mắng yêu: "Cha bố các anh".
Lâu mẹ còn hỏi thăm: "Cái anh giáo của con lâu nay không thấy tới chơi nhẩy".

 Nam bộ có con Bù mắc, nó nhỏ cỡ con muỗi, màu xanh xanh, lớn tuổi hơn một tí, đầu tóc nó màu nâu nâu chớ không bạc trắng như người ta, hơi giống con Châu chấu nhỏ. Hình như nhà nông còn kêu nó là con rầy nâu.

Hàng năm
, lâu lâu lại có đợt con Bù mắc kéo nhau bay vào thành phố. Ngay ở Sài Gòn cũng có. Nơi nào sáng đèn là có cả đám Bù mắc bu lại. Ngồi ăn cơm hay coi ti vi là nó xà tới. Chúng loe hoe quanh ngọn đèn, đã rồi rớt xuống một mớ chết dưới đất. Có năm, có
 nơi sáng ra quét đầy nhà con Bù mắc. Chúng mà bám vào người thì ngứa phải biết. Đầu tiên là gãi nhè nhẹ, rồi gãi mạnh hơn mới đã, rồi gãi đã tay thì thôi. Tới lúc đó là trây trớt chân tay, là nổi mề hết cả. Những năm mẹ đã nhiều tuổi. Một bữa thấy Mẹ ngồi gãi mà xót, nói đại: "Có bù mắc vô nhà là trúng mùa lúa đó Mẹ". Mẹ thôi gãi cười: "Ừ, thế cũng tốt, lúa nhiều, nông dân bớt cực".
Mẹ nói nó giống con Thiêu thân. Người lớn tuổi hay nhớ về những kỷ niệm. Chắc Mẹ cũng luôn nghĩ về ngày xưa.
Nhớ ra con Thiêu thân. Hồi nhỏ đi sơ tán về vùng quê, có lần được dự "Đêm hoa đăng" của học trò. Những đêm ấy vui lắm. Tối đêm mà ai cũng quàng khăn đỏ như đi học, trống ếch cà rùng, cà rùng. Mọi người mang đèn dầu hôi thắp sáng đặt trên một thau nước rồi để ở từng góc ruộng cho đám con Thiêu thân bay vào, rơi xuống và chết lớp lớp trong thau nước. Hồi nhỏ nhớ là nó làm hại cây lúa, chết đi là phải. Nhưng sao nó dại tự lao đầu vào đèn, đúng là đồ con Thiêu thân. Con Bù mắc cũng gần giống kiểu con Thiêu thân, cũng dại, chắc nghe lời ai xúi, bấy nhiêu năm tới giờ, cứ thấy ánh sáng, ánh màu đo đỏ ở đâu là lao tới.

Những năm tháng đi biển, thường xuyên đi về các tỉnh miền Tây nơi tàu neo đậu, hai bên đường không có mấy công ty, nhà xưởng hay nhà cửa như bây giờ. Mới qua khỏi xa cảng miền Tây là đã thấy thôi là ruộng lúa bạt ngàn. Miếng ruộng này lúa mới cắt mấy bữa, đang đốt đồng thơm mùi rơm rạ. Miếng kế bên lúa đang chín. Kế nữa lúa đang trổ đòng còn xa xa ngoài kia thấy người ta đang xạ lúa. Lúa mần quanh năm, là con Bù mắc nó từ đây mà ra.Ngày đó còn đi biển. Sau mỗi hành trình, tàu về chạy trong luồng. Chiều xuống là lúc tàu về gần nơi thị tứ buông neo, khi ở Mỹ Tho, lúc Sa Đéc, khi Mỹ Luông, Vàm Nao, khi cặp bờ lúc cảng Cần Thơ, Long Xuyên... Mấy nơi này nhiều Bù mắc lắm. Biết có nó là khó chịu nên tối đến tắt hết đèn trong phòng, đóng cửa táp lô thật kín, không hiểu bằng cách nào đám Bù mắc vẫn chun vô ngủ chung với mình. Thế là ngứa là gãi, ngứa riết gãi riết. Cả đêm nằm ngủ lơ mơ, đập, gãi, lại ngủ tiếp, riết rồi cũng quen, sáng ra là quên.
Năm ấy ở Sài Gòn cũng có nhiều Bù mắc. Biết tẩy tụi nó rồi, lại tắt hết đèn trong phòng, chỉ mở một cái ở hồ cá kiểng suốt đêm, đánh lừa Bù mắc sa vào hồ cho đám cá hồn nhiên ăn no. Ấy vậy mà vẫn có một đám Bù mắc tinh khôn chun vô phòng làm phiền mẹ. Thì ra là tại cái ti vi, nó sáng lại có màu đo đỏ, mẹ nói vậy.
Sáng ra Mẹ vẫn bị ngứa, gãi trầy cả chân. Xót Mẹ lại nói: "Bù mắc nhiều chắc lại trúng mùa đó Mẹ". Mẹ thôi gãi, lại cười: "Ừ, Mẹ quên, nhưng đừng có đánh lừa mẹ, Bù mắc hại lúa chớ trúng mùa là sao?"
.
Một bữa hỏi mẹ, con tính đi thăm ngoại bé Nhí, qua bên Mỹ lận, mẹ thấy sao. Mẹ nói các con nên đi đi. Bà ngoại nghe đâu mới mổ tim, lại hơn Mẹ mấy tuổi. Ở nhà còn có tụi nó quanh đây, chạy qua chạy lại được mà, Mẹ thấy đang khỏe lắm. An tâm, vợ chồng cùng nhau đi thăm ông bà ngoại và tiện coi nơi ăn học của con gái lớn. Đi xa vẫn nhớ nụ cười của Mẹ với câu nói đùa: Mẹ với cái Ny ở nhà coi chừng nhà cho.
Đi xa ít bữa, không ngờ ở nhà Mẹ bệnh nhưng Mẹ cũng ráng đợi các con về đủ rồi mới ra đi mãi. Mẹ chẳng muốn con cháu hầu bệnh một ngày, nên vào viện rồi Mẹ đi luôn ở đó, như ngọn đèn sáng tới lúc hết dầu rồi tắt.

Tới thắp nhang cho Mẹ ở nhà tang lễ có cặp vợ chồng lạ, gia đình nói là khách của anh đấy. Nhìn thấy quen quen mà nhớ chưa ra. Anh ấy nắm tay: Xin chia buồn cùng anh, tôi ở hẻm 28... tôi có chút chuyện muốn nói với anh. "A" lên chợt nhớ và cười với anh: Bữa nay coi anh ăn mặc lạ quá nên không nhận ra. Sau nghĩ lại thấy mình vô tình, sơ sót, nếu có nghĩ chắc lẽ anh sẽ mỉm cười, đùa: "Bộ mọi ngày coi tui lùi xùi lắm sao?"
Đó là người chạy xe hon da ôm đứng ở đầu hẻm, mỗi khi đi về ngang thường mỉm cười và gật đầu chào. Anh và tôi tuổi cũng xem xem.

"Anh ấy, là tui đó, cấm tôi đi xe ôm vì đường xá, xe cộ bây giờ lộn xộn lắm, mẹ thì đã yếu rồi, có đi đâu phải đi taxi chớ không có ngồi hon da, thế nhưng làm sao tôi dám đi taxi, tốn tiền lắm, xót ruột lắm. Anh mà cho anh ấy biết tôi đi xe ôm của anh là không được với tôi đấy". Bà dặn tui vậy đó, người xe ôm nói: "Vậy mà... mới đây mà bà đã là người thiên cổ"... Anh nói tiếp. "Bữa nay mới dám nói anh hay, đừng nghĩ gì, đừng giận gì tui nghe. Tính tui vốn cẩn thận, đâu đó lắm. Nhà chị em anh, nhà ông bác sỹ thường khám bệnh cho bà và nhà mấy người bạn già của bà tôi biết hết trơn"...

Tôi nắm tay anh: Không có gì đâu, tôi biết hết mà. Có bữa đi làm về sớm, thấy anh đỡ bà cụ xuống xe honda rồi đưa tới tận trong nhà, tôi vội quay ra, làm như không thấy... Mình làm được gì cho bà vui vẻ, thảnh thơi là mừng rồi. Tiện đây tôi cũng cám ơn anh nhiều lắm.

Lúc ra về người lái xe ôm nắm chặt tay: Tôi mất Mẹ sớm lắm. Bữa nào có giờ đi nhậu với tôi một bữa nghen, coi bộ tôi khoái anh rồi đó.
Năm nay cả nhà đi thăm ngoại.
Không còn Mẹ ở nhà coi chừng nhà cho.
(Những bài viết soạn lại)

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Tấm hình của bạn.


Đảo Đá Nam.
Đá Nam là một đảo chìm thuộc huyện đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa.
Nhìn tấm hình thấy dưới chân giàn lấp xấp nước biển, đảo khi ấy giản đơn thế, hình như chỉ được dựng bằng cây và tôn.

Không biết ăn uống sinh hoạt thế nào, rồi khi sóng gió, khi bão tố sẽ ra sao với những người lính đảo.

Anh bạn "lâu giừ" Giang còi - Gtl (bìa trái), anh em tàu Vàm Cỏ 24 cùng những người lính đảo trong chuyến biển chở đá ra giữ đảo năm 1988, thời gian khi Trung Quốc trắng trợn xâm chiếm vùng biển đảo Việt Nam.


Lần ấy hai thằng bạn thân gặp nhau ở cảng Cầu Đá, Nha Trang rồi chia tay bạn đi đảo (Đọc thêm).
Coi hình tưởng như những người khai phá thế kỷ trước, một tấm ảnh kỷ niệm của bạn thật quý.
Đảo Đá Nam bây giờ. (Hình ảnh internet)

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Ảnh.

Hoàng hôn biển tây Nam bộ.



Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Thảo dân.


Đường phố tuyền những lời hay ý đẹp trên vai trên đầu thảo dân.


Nhưng thảo dân ơi, muôn đời ta vẫn là ta,

không thể khá lên được, không dễ gì đổi thay.



Mấy bữa rày thảo dân có gặp nhau, thất vọng, chửi thề cho đã rồi thở than, lúc này chán thiệt rồi, chán còn hơn cả mấy con gián, con ngan.

Từ nay hổng mong, hổng tin và cũng hổng thèm nghe người ta nói hay nói thơm gì nữa.

Bây giờ lỡ có khi buồn vu vơ, vui chốc lát, khoe khỏe, rảnh rang thì đi về đồng quê xóm ấp chơi cho dịu dàng con người, không thôi có nóng trong người rủ nhau đi đâu đó làm vài ve. Nghe lời Gtl, ráng mỗi ve uống trong vòng một nốt nhạc là bớt nực nội.

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Thuyền và biển.




Tranh thủ có bạn phượt Hà Nội bay vô Sài Gòn, mấy anh em rủ nhau làm chuyến dong chơi miền Tây và biển đảo.



Lại là quần đảo Bà Lụa dễ thương của miền Tây, tới đây một lần rồi là nhớ.


Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Cô hàng nước.

Chuyện vặt Hà Nội.

Hà Nội đó có nhớ có thương nhiều lắm với ai đã từng sống ở đây rồi xa, nhưng không biết có còn gì lưu luyến không hỡi người nếu nơi ấy không còn một vài người bạn hay thiếu vắng những thảo dân dễ thương với những câu chuyện lề đường. Hà Nội hay ở các thành phố khác, chắc chắn ở mỗi góc phố đâu đó đều có những câu chuyện.

Ở con đường nhỏ, bên lề có một hàng nước chè không bảng hiệu, không vách ngăn không mái lá đã tồn tại chắc từ lâu lắm. Chỉ có một cái rổ nhựa và vài ba cái ghế nhựa nhỏ giữa trời, nương nhờ bóng mát của hai cây Bụt mọc ven bờ và gió mát thổi lên từ Hồ Tây, hồ Trúc Bạch. Người ta ai cũng đứng lên là không còn thấy dấu vết của một quán xá. 

Bán buôn giản đơn thế này thôi sao hỡi cô nàng hàng?Không biết một ngày có được bao nhiêu người khách và kiếm được mấy đồng tiền chợ. Bán được bao lâu rồi và mãi như vậy được sao?  Cô bán hàng chè chén thật vui vẻ, mời hai anh ngồi chơi, các anh uống chè nhé. 
Vầng, ngày nào em ngồi đây từ mười giờ sáng đến tối, có hôm đến khuya, như bữa nay chẳng hạn nếu trời không mưa. Cười tươi với khách lạ, tình cảm và tử tế, giọng Hà Nội chính cống, lâu lâu pha một vài từ "luýnh", nghe ngồ ngộ mà lại rất người.
Cô chỉ sang bên kia đường, hàng ngày em gởi hàng trong đó đó và nhờ nhà người ta nấu cho mỗi ngày ba phích nước sôi, trả cho họ mười ngàn đồng. Chè này luôn phải pha nước thật sôi anh ạ. Và sáng nào cũng nấu sẵn hai bình nước mang theo từ nhà cho đỡ tốn và sáng ra tới nơi là có nước sôi ngay để pha chè bán hàng. Mang hai cái phích đi đường chỉ sợ đụng xe, lỡ va chạm có ngày bỏng chết. Một lần ông xã chở em ra đây, sáng sớm gặp chiếc xe nhà binh, xe mình đang lên dốc, xe nhà binh lao tới ầm ầm, sợ quá em quăng vội cả phích cả xe nhảy không thôi hôm ấy bỏng hết cả vợ lẫn chồng.

Đang vui câu chuyện có tiếng chuông điện thoại, cô nói thằng con trai em nó gọi anh ạ.
"Tối nay á, phải mười một giờ khuya mẹ mới về được, sáng giờ ế quá, mẹ cố bán thêm cho đủ như mọi ngày. Bây giờ con tự xếp đồ rồi chuẩn bị sách vở cho ngày mai đi, con tự làm được mà"...  "À mẹ dặn thêm này, nhớ đi ngủ sớm con nhé, sáng mai bốn giờ là mẹ gọi dậy rồi mẹ truy bài cho đấy, nghe lời mẹ, ngoan con nhé".
Nghe cái giọng điệu cô nói chuyện điện thoại với con sao mà tình cảm và chăm lo đến thế. Ai đó từng làm phụ huynh, được nghe mẹ con nhà cô hàng chè chuyện trò việc học hành khi ấy, chắc sẽ khó tránh khỏi xao lòng. Ngồi nhẩm tính nếu trở về nhà muộn thế, loay hoay đêm ấy cô hàng chè chắc chỉ được ngủ chừng bốn giờ đồng hồ.

Ngồi được ở chỗ này a? Anh tưởng dễ sao - Cô lại tiếp chuyện. Cái hàng chè chén bãi cỏ ven hồ này là chỗ của bà cô em bán đã hơn hai chục năm. Ngày trước em thường hay ra đây phụ bán với cô. Tại cô thấy vợ chồng em bán buôn linh tinh, bữa được bữa chăng không ra tiền nuôi con, bà ấy thương nên kêu về phụ bán hàng chè chén còn có tiền ổn định.
Một ngày đẹp trời, vợ chồng con trai cô ấy sinh cho bà một đứa cháu nội, bà mừng quá và bà lại yêu cháu hơn cái hàng chè nên bỏ về trông cháu, giao cho em nơi này. Bà cô có thâm niên, sang tay cho em cái chỗ này mới được chứ ai mà dám ngang nhiên ra đây ngồi mà yên sao. Anh tưởng, góc đường góc phố Hà Nội không một dấu vết nhưng có chủ cả đấy, dễ gì ai cũng ngồi được. Người lạ ai thử tới đây, thử mang hàng tới bầy ra như em xem, có người đi ngang lườm cho một phát là phải cuốn xéo đi ngay chứ dám ho một tiếng, he he...

Hỏi cô hàng nước chè, hàng họ loe hoe có bây nhiêu thôi sao, ngày cô kiếm được bao nhiêu? Coi nào, mặt tiền quán xá nổi nhất chỉ có cái ống điếu cày với mấy bịch thuốc lào, ít phong kẹo lạc, một phích nước sôi ba bình trà mạn và còn thêm mấy gói thuốc lá Vina, vài bịch hạt hướng dương nữa là hết.
Anh hỏi hàng họ á, chỉ cần bây nhiêu thôi, cơ động mà, để còn vừa bán vừa chạy chứ. Họ tới là em chạy, dân phòng hay công an í, hi hi... Buồn cười lắm cơ. Xe phú lít tới đầu đường là nghe ơi ời rồi, bọn em có tín hiệu riêng cả đấy, không thôi người đi đường chạy xe máy ngang là người ta nhắc, công an tới kìa... thế là ôm hàng chạy, vui lắm.
Nói gì thì nói, cũng có người người ta còn thương em. Có bữa anh gì ấy ở phường đi ngang kêu ra nói nhỏ, ngày mai người ta đi kiểm tra đấy, thế là nghỉ bán. Một bữa khác xe lính tới ngay một bên, mải chuyện với khách không hay, ngó lên thấy một cậu thanh niên đang giơ cao cây gậy, hoảng quá. Tưởng cậu ấy giơ gậy đánh mình, hóa ra cậu ấy lại bảo nhỏ, bà ôm đồ chạy đi cho nhanh, mấy ông khách này nữa, mang phụ cho chị ấy với. Hơ hơ... ở đây vui thế đấy anh ạ.
Lại có bữa xe đi dẹp lòng lề đường, người ta ôm mẹt, ôm ghế chạy nháo nhào, hàng họ tung tóe. Em cũng vội ôm theo rổ hàng này còn bỏ lại mấy cái ghế sứt. Bỗng nhiên nghe thấy tiếng loa: "Cái chị áo hoa kia không phải chạy"... Người ta bỏ chạy đi đâu hết cả rồi chẳng còn bóng một ai, em chợt nhìn mình, ơ thì ra mình mặc áo hoa, buồn cười thế cơ chứ. Hôm ấy họ không bắt em thật. Không biết là ai còn tốt với em thế, cứ nghĩ chắc là có cái ông nào đó đã uống chè ở hàng em nhiều phải lòng em rồi, he he...

Còn con cái á, em được một thằng lớn, vợ chồng em cho cháu học liên thông, nhà không có điều kiện anh ạ, nay cháu sang năm thứ hai rồi còn đứa nhỏ đang lớp sáu. Thằng nhỏ hồi nãy điện thoại cho em đó. Cô bỗng nhìn xa xa về cuối hồ Trúc Bạch, nuôi con cái đường còn dài lắm, vợ chồng em cũng phải gắng sức thôi...

Không hỏi thêm nhà cô ở đâu đó xứ Hà thành đầy người và xe, đầy bon chen kiếm sống này nhưng nghe là biết xa xa, cô bảo may có ông xã nhà em chịu khó lắm, chăm lo cho hàng chè mạn, hàng ngày chở cô ra đây với hai bình nước rồi mới chạy đi, buôn bán linh tinh, gặp gì làm nấy.

Ngồi dóc chuyện với cô hàng chè, không phải một nàng bán nước chè xanh có đôi mắt nhung huyền ở làng Ngũ Xá mà là cô hàng chè chén bên bờ hồ Trúc Bạch. Không phải thanh bình thơ mộng "người đâu trông mà duyên dáng và cô em chừng đôi tám" mà là hàng chè của người nữ đứng tuổi, chủ một gia đình và một cuộc mưu sinh cho gia đình ấy.
Chỉ chuyện và cười vậy thôi, tiếp chuyện người khách phương xa, nhưng thật tình, vui chuyện mà không nghe cô nàng hàng thở than lấy một lời về cuộc sống này sao mà cực nhọc. Nhưng rồi cứ thấy ái ngại, mang theo suy nghĩ từ một góc phố. Cũng một người Hà Nội, cũng là một nghiệp nghề và cũng là một kiếp thảo dân.
Một góc hồ Trúc Bạch

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Chiếc bấm móng tay.

Chuyện vặt Hà Nội.

Ngày ấy lâu lắm rồi, khi Nga còn nhỏ xíu, mới học hết lớp một ở Hà Nội. Năm ấy mới hòa bình, ba đi công tác thật lâu ở trong miền Nam. Mẹ bảo kỳ này ba đi lâu lâu đấy, ba nhận tiếp quản công việc ở khu cầu đường Gia Định trong Sài Gòn, xa lắm. Nga trông ba từng ngày, phần nhớ ba phần trông quà vì ba về thế nào cũng có quà, từ trước tới nay mỗi lần ba đi công tác xa bao giờ cũng thế.
Một bữa nhận thơ mẹ nói ba con sắp về nhà rồi đó, Nga vui lắm.

Gần hết mùa Hè ba mới về, bữa ấy cả nhà ai cũng mừng vui và ai cũng có quà của ba, lần này toàn là thứ quà lớn không. Phòng khách ở nhà sang trọng hẳn ra vì có thêm một cái tivi hiệu Toshiba đẹp tuyệt vời, bốn chân cao nghễu nghện, màn hình rộng và có cửa lùa sang hai phía. Hàng xóm trong khu tập thể ai cũng sang xem và xuýt xoa khen đẹp quá, cả khu này mới hai ba nhà có ti vi. Người nói nên kê chiếc ti vi chỗ này đẹp hơn, nhiều người coi, đứng ngoài cửa coi cũng được, người nói kéo cánh cửa lùa lại cho đỡ bụi, sợ mang cái gì ngang lỡ đụng, người lại nói phải luôn luôn mở cho nhà nó sang... Tối nào nhà cũng đầy trẻ con hàng xóm.
Quà riêng của mẹ là một cái áo len màu tím của hãng Vĩnh Thịnh Sài Gòn rất đẹp . Anh Hùng mới thi đỗ vào đại học Bách khoa được ba mang về cho một chiếc xe đạp hiệu Udago. Chiếc xe mới coong, anh thích lắm, mân mê suốt cả ngày, khi quay quay cái bàn đạp xe, xích líp kêu tanh tách, khi lấy nùi giẻ lau đi lại cái vành bánh xe sáng loáng. Anh Hùng lấy xe chạy một vòng ra phố, rồi mang về cất vào góc nhà. Anh lấy ống khóa khóa lại rồi kiếm đâu ra một tấm khăn trải bàn cũ phủ lên trên. Anh bảo chỉ sợ mấy đứa bạn trong phố biết là chúng nó lại hỏi mượn suốt ngày. Chị Ngân được ba cho một con búp bê biết nhắm mắt mở mắt, cũng biết kêu e e khi lật lên lật xuống như con búp bê của cái Hà nhà bác Tứ, chị nó đi học ở Liên Xô mang về. Chị mang đi chơi, khoe với các bạn rồi tối tối đi ngủ còn đặt nó nằm kế  một bên.

Riêng với Nga, chờ mãi chẳng thấy ba nói gì, ở trong nhà ba đi đâu là Nga cứ lẽo đẽo đi theo sau. Chắc là ba biết ý, lục lọi mãi ba lấy ra một chiếc bấm móng tay nhỏ và nói quà cho Nga đây, ráng giữ đôi bàn tay cho sạch đẹp con nhé. Kể ra cái bấm móng tay nhỏ xinh và cũng rất đẹp nhưng không lẽ quà của Nga chỉ có bây nhiêu thôi sao, bé tí thế này a, ba cưng Nga nhất nhà cơ mà. Nga yên lặng không nói, không vui vẻ một chút nào.
Biết Nga không vừa lòng, ba bối rối.
Tối bữa đó thấy Nga ngồi một mình, ba lại gần, chỉ chiếc xe đạp và chỉ chị Ngân đang nựng con búp bê ở trên giường, ba xoa đầu Nga: Mấy thứ đó của tụi tư bản không à, không tốt đâu, xài đồ của tụi nó ư, mình thèm vào. Cả nhà con là đứa trong sạch nhất đó...

Bây giờ anh Hùng làm lớn quan chức nhà nước xênh xang nhất nhà, còn nhìn quanh ai cũng làng nhàng. Chị Ngân làm nhà nước một thời gian rồi ra làm tư nhân bên ngoài còn Nga học xong sư phạm làm nghề gõ đầu trẻ từ đó tới giờ đã mười mấy năm, công việc với công việc, họp với hành, rồi xoay sở với cuộc sống, gia đình với con cái, mệt nhoài.
Bữa ấy nói chuyện phiếm cuộc sống, Nga kể câu chuyện chiếc bấm móng tay, cười rồi bảo, đơn giản và nhỏ xíu như cái móng tay và chiếc bấm móng tay, thì mình từ bé xíu như cái móng tay đã bị dỗ ngọt bởi chiếc bấm móng tay như thế, hỏi tại sao mình không hết một đời ngây ngô.

Chiếc bấm móng tay nho nhỏ xinh xinh ấy Nga không xài, mang cất giữ trong một cái hộp thiếc là một hộp bánh quy cũ. Hộp thiếc ấy có rất nhiều những lá thư của ba mỗi khi công tác xa nhà cùng mấy đồ vật nhỏ kỉ niệm tuổi ấu thơ. Chiếc bấm móng tay nằm trong đó, bao nhiêu năm trông vẫn còn như mới,  xinh xinh, nước xi mạ sáng loáng.

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Vô tư lâu giừ.

Cuộc sống và công việc nhiều vất vả, nhưng có nhiều bè bạn, cứ cứ luôn yêu đời, hài hước và vô tư như anh giừ Gentile (Gtl) bạn mình là trẻ dai.
 Vô tư với lính đảo Song Tử tây.
Gtl ngoài cùng bên phải.
Pháo đấu pháo ở đảo, dám không.


Đi đâu xa cũng nhớ mua quà cho bạn.

Mần điếu thuốc lào nâng cao sĩ diện.


Nhiều bè bạn vui thế. Lượm được tấm hình khá đủ mặt anh hào hay viết tới trên blog: Gtl, 2 Thành, 5 Giáo 6 Bảnh... lâu quá rồi không biết chụp ở đâu nữa.