Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Ấp thay gà mẹ.


Người ta cái gì cũng phải học nếu muốn biết. Biết để nói dóc chơi với nhau cũng được hay biết để thực hành có hiệu quả, dù là mấy việc nho nhỏ. Ấy là mấy bữa đang nói chuyện nuôi mấy con gà, thêm bài học Hè cho các bé nào thích nuôi gà, là ấp trứng  thay cho gà mẹ.

Gà mẹ có con đẻ vài ba trứng đã ấp, lỡ lứa, uổng. Gà mẹ có gà đẻ rất nhiều trứng rồi bỏ đó không ấp, có gà đẻ luôn cả tháng, tới hai ba chục trứng cũng không thèm ấp. Có gà mẹ ngược lại, leo ổ hoài, lên xuống cục tác như ai nhưng không đẻ trứng nào, rồi một ngày tự nhiên nằm ấp cái ổ rơm không, người ta kêu là gà ấp bóng, vui thế.
Vậy nên chú Gtl chế ra một lồng ấp trứng gà bằng điện thay cho những cô gà mái đỏng đảnh không biết ấp trứng.

Một cái lồng ấp giản đơn ở nhà cho hai chục trứng, có thể dùng một hộp sốp nhỏ, thứ có bán sẵn kích thước cỡ 30x30x40 được rồi. Một bóng đèn dây tóc để lấy nhiệt, một chiếc quạt nhỏ bên trên để thổi hơi nóng và hơi nước cho đều. Lựa hàng lạt xong kiếm cái quạt làm mát máy vi tính thứ cũ bỏ đi xài là vừa xinh. Thêm vào một nhiệt độ kế, một rờ le nhiệt để đo và tự điều chỉnh nhiệt độ ấp. Đục ít lỗ trên và dưới hộp cho thông khí đối lưu.

Đặt nhiệt độ trong hộp bằng rờ le theo thân nhiệt của gà chừng 37,5 độ C, khoảng nhảy tắt mở của rờ le 0,5 độ, xếp trứng trên mặt trấu, thêm một khay nhỏ nước để lấy hơi ẩm rồi găm điện. Thêm một việc là lâu lâu xoay trở trứng còn nhiệt độ trong hộp khi xuống 32,2 độ là đèn sáng quạt chạy, lên tới 37,7 độ tự động ngắt.

Trông tới ngày nở của chú gà con cũng thú vị. Để trứng lên tai ta có thể nghe tiếng đập đều đặn rất nhỏ của một con tim, ta còn có thể nghe tiếng mỏ lâu lâu mổ vào vỏ trứng hay mang thả trứng xuống thau nước coi coi nó quậy chi trong đó mà cái hột gà lúc la lúc lắc chạy quanh thật vui.

Giống như gà mẹ ấp, ngày thứ 18 tới 21 là gà con sẽ nở. Một đốm nhỏ xuất hiện gần khoảng giữa trứng, rồi nhô ra một cái mỏ tí hon non xinh cùng tiếng chiêm chiếp yếu ớt. Bắt đầu nhìn thấy mầm non của sự sống. Cái mỏ nho nhỏ ấy lên tục nhiều giờ mổ vòng quanh hột gà cho bể dần, tới khi vỏ bể đôi, các mạch máu ở vỏ rút hết vô cuống rún đã khô đi.


Đó là khi chú gà con đủ sức ra đời, chú đạp tung cái vỏ trứng. Chưa đủ sức đứng dậy lại hổng thấy mẹ gà, chú chiếp chiếp liên hồi và giương đôi mắt tròn nhìn đời. Rồi lông cũng khô đi, chú gà con tự bò dậy và loanh quanh nhìn ngó nhận xét cuộc đời.
Trong hai ngày đầu chú chỉ cần uống nước thôi và sẽ chú có thể được mang sang một lồng khác có đốt đèn sưởi cho ấm những ngày đầu tiên còn cần hơi mẹ.

Đôi khi cũng cần trợ giúp.
Cũng có những chú gà con yếu không đủ sức mổ hết vỏ hoặc lông bị dính với vỏ là cần sự hỗ trợ chút đỉnh giúp gà con phá vỡ lớp vỏ trứng cho chú mở lồng ngực hít khí trời. 
Một khi rảnh rỗi, có giờ quan sát buổi chào đời của chú gà con sẽ là thú vị lắm, và bài học ở thực tế cho các bé con có khi hấp dẫn và thú vị hơn cô giáo dạy sinh vật ở trường.

Ở thành phố, các con vật nuôi nho nhỏ ở chung nhà, với nhiều người là một thú vui. Và hay nhất là tính thân thiện với loài vật, với môi trường, thương yêu từ những gì nhỏ nhất.
Vậy mà, buồn nhất một điều, ở cái thành phố này người ta bỗng ban hành một cái chỉ thị cấm không cho nuôi gà đá. Có một bữa bé con còn biết nói: Kiếm đâu ra thứ gà nào là gà không đá nhau hỡi trời.

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Bán Gà.

Gà mái Mỹ.
Trống Mỹ.









 Thứ nhất nhóm đất bỏ đi,
Thứ nhì lắc mặt,
thứ ba né lồng.


Gà mẹ vắng nhà, không người chăm sóc.

Bán gà Mỹ, 
Năm cặp giống đang đẻ trứng, ấp nở và nuôi con cùng nhiều gà thiếu nhi.

Gà Tân Châu.




tặng gà Tân Châu nuôi chơi.

Mại dzô, mại dzô...

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Học Hè.


Mười quả trứng tròn,
Mẹ Gà ấp ủ,
Mười chú gà con,
Hôm nay ra đủ.

 
Lòng trắng lòng đỏ,
Thành mỏ thành chân.

Cái mỏ tí hon,
Cái chân bé xíu,
Lông vàng mát rượi,
Mắt đen sáng ngời,
Ơi chú gà ơi,
Ta yêu chú lắm
...
Và cám ơn chú Gtl chăm gà khi người ta đi chơi vắng nhà.

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

Cha và Con.

Cha và Hai.
Con người ta lớn lên có ảnh hưởng của môi trường sống rất nhiều là trường học và xã hội nhưng lớn nhất có lẽ là sự quan tâm nuôi dạy của gia đình mẹ cha.

Hồi nào giờ người ta thường nhắc tới Mẹ nhiều hơn Cha, trong thơ văn hay trong rất nhiều lời hát ngợi ca người Mẹ. Ít năm gần đây, do sự giao lưu văn hoá cởi mở hơn nên các bạn trẻ biết rằng ở nhiều nơi xa xôi, người ta có một dịp để nhớ về và giành riêng cho người Cha của mình. Đó là Ngày của Cha vào Chủ nhật thứ ba mỗi tháng Sáu hàng năm. Có nhiều người làm cha đã vui vì con trẻ mình hưởng ứng theo ngày đó.
Đầu tiên là lời chúc yêu thương, rồi một bữa tiệc vui gia đình hay một món quà nho nhỏ mang ý nghĩa.

Ngày của Cha năm nay ai đó lần đầu có quà của con trẻ. Cũng ngày của Cha năm nay chia tay con, nguyên ngày bay trên bầu trời trở về xứ.
Mang liền tấm áo con gái lớn mới mua tặng hồi hôm, cha ấm lòng, con vui sướng chụp tấm hình trước giờ chia tay ra phi trường. Hai nhắc cha ráng không được nhăn, cười thật tươi, coi trẽ trung bảnh toỏng ớn luôn.

Còn bạn Nhí nhỏ bữa trước ôm về một bé Gấu hiền lành mang theo thông điệp tình yêu trước ngực. Coi vậy bé còn con nít, đi chơi ở đâu đó tô tượng mang về tặng cha.

Hỏi bé chớ tình yêu thương này con giành tặng cho ai, chung chung vậy sao? Bé chỉ coi bên đây nè cha. Ôi trời, Út cưng tui để tình yêu Cha dưới cái mông bé Gấu dzầy được sao trời. Bé cười khoái chí, hổng phải, đó là cái lưng mà, yêu bố cả phía trước và cả phía sau trái tim. Tại bé Gấu nhí này hơi "lùng" nên lưng hay mông cũng "dzậy" hà, ha ha...

Hôm rồi thấy hai nhỏ chụm đầu với nhau đang coi chung một thứ gì đó và nhỏ to nhìn về phía cha. Chúng phát hiện cha có lưu giữ kỉ niệm của chúng khi còn bé xí. Là tấm hình nhỏ của bé chị, là nét chữ đầu đời của bé em viết cho cha. Cha ép chung trong một ngăn bóp. Chúng thì thào rồi liếc nhìn qua. Làm bộ ngó nghiêng nhưng cha hay hết, lòng cha bỗng rộn vui.

Nhóm bạn già chơi chung với nhau hồi đó giờ, ngoài tếu táo việc đời và quan tâm tới nhau, ai cũng là người cha lo toan con cái hết mực. Làm việc gì trái phải cũng thường nghĩ về con cái trước.

Một bữa ngồi cà phê với "Sói biển", hỏi thăm con bé lớn nhà bạn bữa nay sao rồi, thấy bạn như vui hơn mọi bữa. Tốt rồi, mới có một công việc tương đối, tốt nghiệp hết mấy tháng, qua phỏng vấn hết mấy nơi, đang lo nó nản lòng. Mắt bạn sáng lên, cười...

Còn một lão cũng tên Hai Sói nhưng là "Sói thiệt", gội đầu mau hơn rửa tay. Mấy tháng nay lão vẻ hơi là lạ. Không ưa cà phê không nhậu nhẹt gì ráo mà cứ kêu hoài bạn tới nhà, tuần nào cũng sáng trà cà phê trưa lai rai "Bắp hoa sữa Giôn vàng". Một bữa đang nhậu sương sương, đá nhẹ hỏi việc làm thằng con sao rồi lão mới cho hay. Lão "Sói" lo sốt vó hổm rày, người ta cứ theo dụ khị thằng Hai ở nhà đi làm việc cho bên an ninh nào đó, lão lo hỏng mất đời con. Thằng nhỏ mới đi làm, kiếm được công việc bên một nhà băng. Lão cười, it bữa nay xong việc lớn, dzui dzui đãi bạn nhậu chơi có được không?

Dịp sau Tết, ông bạn "Kều" nhận tin con gái đang sống xa nhà mang cháu ngoại về Sài Gòn chơi, ông bạn già dễ thương ấy như dễ thương hơn mọi khi, nhiều chuyện và hay cười hơn mọi khi. Ngồi đâu lâu một chút là tranh thủ mở ra cái góc riêng của con cháu trong cái laptop thường mang theo, coi hình của nó, nghe giọng tập nói của nó, coi một mình, cười cũng một mình. Nghe Tây đồn, có lần lão nhớ con, ra ngoài Hà Nội đi chơi cho vơi bớt nỗi nhớ, lão một mình ngẩn ngơ đi bộ hết mấy vòng cầu Long Biên.
Con cái đã lớn nhưng sống ở xa, nhớ lắm và bạn sẽ còn nhung nhớ dài dài.

Lâu lắm không ra tới Hà Nội, bạn bè cũ chỉ chuyện trò dóc dách qua mấy lời còm trên blog hay khi ở không bỗng nhớ, alu mấy câu thăm hỏi. Tháng trước ra chơi Hà Nội, gần ba năm mới ra gặp lại sao bữa nay thấy thằng bạn "Mỳ" nó buồn buồn. Bạn bè nói đúng là nó buồn thiệt, chuyện nhà. Bữa sau ngồi được với nhau, qua lại mấy vòng xoay tua, bạn mới nói. Đứa lớn có gia đình riêng nhưng tụi nó không hạnh phúc, thương con nên nghĩ, nên buồn, buồn lắm. Đang tưng tưng tây tây, nghĩ rằng tám mấy câu muốn động viên bạn, ai dè nhìn mắt nó muốn đỏ, hoảng, thêm mấy ly, mấy câu nữa cậu khóc là chắc.
Làm người cha, khi còn khỏe, còn sáng là còn lo hoài hoài, kể cả khi con cái chúng đã lớn, kể cả khi chúng đã trưởng thành, có những mảnh riêng mà không tự lo được tròn.

Nhí quậy và bám cha từ nhỏ.
Và người ta làm con, có mấy khi, có mấy người nhìn thấy được Cha rơi nước mắt không nhỉ. Khó đấy nhưng có đấy, bởi những người làm cha luôn kín đáo, họ không thể để vợ con nhìn thấy mình yếu mềm. Sẽ phải là xúc động lắm trong yêu thương và lo lắng, có khi vì đứa con mình hư, có khi vì đứa con mình không được tròn vẹn, không được thành đạt và có khi đơn thuần chỉ là nỗi nhớ vì xa cách nhau.

Tấm lòng và lo nghĩ của những người Cha giành cho con là dài lắm, là xa lắm.
Hai bên cha hiền như con búp bê.

Bữa qua mắc bay trên bầu trời, bữa nay nằm nhà coi đá banh bên trời Tây, rồi nhớ con, rồi lạ giờ, ngồi viết hổng thèm ngủ luôn.
Là muộn một chút thôi, gởi ít lời thương mến tới các con và tâm sự cùng mấy bạn già đã làm Cha, để rồi mai sớm ta hẹn nhau, sẽ ngồi cùng nhau nhà lão "Hai Sói", đủ tụ, cụng ly mừng muộn "Ngày của Cha".

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Milton MA 350 năm.

Mọi người ch đón diễu hành 
Thị trấn Milton ở về phía Nam thành phố Boston bang Massachuset. Nằm trên vùng đồi thoai thoải, nơi đây có những rừng cây và những khu dân cư dễ thương. Mùa này, màu xanh của những khu rừng nhỏ và sắc màu của hoa lá khắp nơi, tĩnh lặng và thanh bình, thị trấn Milton được đánh giá xếp hạng thứ hai trong tốp mười những nơi có cuộc sống tốt của nước Mỹ.
Những ngày này ở nơi đây người ta đang vui mừng kỉ niệm 350 năm thành lập thị trấn.
Tới trung tâm thị trấn, gặp và hỏi thăm một người lính cứu hoả, anh nhiệt tình chỉ dẫn tuyến đường và thời gian của cuộc diễu hành sắp tới.
Một ngày cuối tuần nắng đẹp và gió mát.
Buổi diễu hành mừng ngày thành lập của mọi người thị trấn kéo dài hai tiếng đồng hồ trong trật tự và giản dị. Có rất nhiều nụ cười tươi xinh, những chiếc xe vui mắt, những em bé ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc của trang phục cổ xưa, nhiều tiếng trống tiếng kèn tây và tiếng vỗ tay đón chào. Những cái vẫy tay thân thiện và những nụ hôn gió...


Một ít hình ảnh của buổi diễu hành mọi người coi vui.









 Nhiều sắc màu và tiếng nhạc

Ngựa và xe.

Trong trang phục xưa.



 Đám nhỏ dễ thương.






Ai đó có sức mi theo theo đoàn diễu hành.

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Chiều cuối tuần.

Mặt trời đang xuống, Chiều cuối tuần rồi, Tánh còn ham vui, Nhớ nhà hay nhớ bạn nhậu không biết!

Coi tấm hình người ta chụp cho, mới hay tóc tai lúc này bạc dữ vậy trời.

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Những lối vào dễ thương.

Cái tật ngó nghiêng người ta, đi ngang thấy đẹp quá, thích thú, cầm lòng không đặng chụp đại.
Là sự kết hợp của cỏ cây hoa lá, những cánh cổng mở cho một lối đi vào thật thơ mộng và dễ thương.