Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Nhớ sông nước Miền Tây.

Viết cho Hai Thành, Hoàng tử, bạn bè Mekoship
và những người yêu sông nước.


Nước khi lớn khi ròng, mùa trong xanh hay mùa nước đổ cuộn đục phù sa, giữa mùa nước nổi thì ngập trắng đồng, dòng sông Tiền sông Hậu với những kinh rạch dọc ngang của nó miệt mài năm tháng chảy, gắn bó bao đời với người nông dân miền Tây.

Sông nước ấy rửa phèn rửa mặn, sông nước ấy mang nặng phù sa về làng quê trù phú, cho những mùa màng hạt lúa vàng thơm thảo, cho cây trái ngọt lành, cho cá tôm bốn mùa con nước chảy. Ai đó đã từng sống với miền đất này sẽ hiểu và sẽ yêu mến những dòng sông, những dòng kinh và con người ở nơi đây biết bao.

Sông nước Miền Tây một thời quá nhiều kỉ niệm, chợt một đêm nằm nhớ.

Nhớ những năm đi biển, êm đềm và thanh thản nhất khi tàu chạy luồng, là chạy trên dòng sông Tiền hay sông Hậu ấy, mỗi chuyến đi và mỗi chuyến về. Mỗi lần ra khơi hay mỗi lần về bờ phải ráng đi qua được cả hai dòng sông ấy.

Từ cảng Cần Thơ xuôi sông Hậu ra Cửa Định An tới biển chỉ vài ba giờ tàu chạy nhưng ít khi anh em đi theo tuyến này. Thay vì đi con đường ngắn ấy, mọi người lại thích đưa con tàu đi theo đường vòng. Nghĩa là chạy ngược dòng sông Hậu, lên tới gần Long Xuyên tắt ngang Vàm Nao qua gặp sông Tiền rồi mới xuôi xuống, đi Cửa Tiểu ra biển. Có một hai lý do về luồng lạch nhưng chủ yếu là nhiều người đều mong có một đêm neo đậu trên dòng sông quê, một đêm tàu nghỉ ngơi bên một thị trấn ven sông sáng đèn.
Tàu buông neo vừa xong khi chiều xuống là nghe tiếng lạch bạch chạy tới của những chiếc ghe gắn máy Koler đi tới từ hai bên bờ. Thế rồi ghe tàu tíu tít bán mua, trao đổi hàng hóa. Giản đơn là những cây trái, rau xanh, tôm cá hay con heo con gà, của nhà mang tới. Những thức ăn tươi dự trữ cho một chuyến đi mới.
Đi ra vào mùa nước trong, thủy thủ nhớ lấy cho đầy két nước sinh hoạt của tàu dùng cho tắm giặt cả chuyến đi, nước con sông quê ngày ấy trong sạch lắm.

Cánh thủy thủ sẽ lên bờ để mua thêm một hai món đồ dùng cá nhân còn thiếu trước chuyến đi xa. Vài chục hột gà tre hay dăm hũ rau muống muối chua, nhớ nhà khi đói lòng.
Trước khi trở về tàu, dù là chuyến đi hay về, cứ phải ngất ngư một đêm thị trấn bên sông, nghe đôi câu tân cổ giao duyên, dóc chuyện đời cùng các em gái miền quê sông nước. Và để mang theo nỗi nhớ quê mà còn nhớ đường về...

Trước khi tàu về nước thế nào cũng tìm cách nhận lấy một số hàng cho cảng Cần Thơ để sau mỗi chuyến đi xa phải được về cảng nhà, sau đó rồi mới tới cảng lạ cũng được, để trả hàng về hoặc lấy hàng đi.
Tàu về cũng không vô Cửa Định An theo sông Hậu mà chạy lên Cửa Tiểu để đi vào luồng sông Tiền. Lựa con nước vô, chiều xuống tới là nhìn thấy thị xã Mỹ Tho. Những mái nhà tầng và những ngọn ăng ten cao vút. Buông neo nhìn thành phố lên đèn và bơm nước con sông quê tắm rửa sạch sẽ cho con tàu sau những ngày vùi trong sóng gió của biển mặn, ta đã về nhà.

Nhớ cô bé lái đò bên cồn Mỹ Tho. Tàu mới buông neo ngoài sông là thấy ghe của Duyên chạy tới đầu tiên. Nhà có ba mẹ con thay nhau đưa thủy thủ đi bờ, miệt mài suốt đêm chèo đò chỉ để lấy một hai can dầu máy về sớm mơi mang bán.
Nhớ có bữa hai chị em gái chở giùm mớ hàng hóa qua cồn, xong việc đã quá khuya, mệt mỏi, ăn tạm gói mỳ, mệt quá, mấy anh em ôm nhau lăn ra ngủ trong tiếng máy đèn tàu chạy ầm ì. Bất chợt giật mình tỉnh giấc, nhìn thấy em mệt mỏi ngủ say sưa một bên, tay ấp má kề, tóc bết mồ hôi, lọn tóc mai xoăn nhắc đời em cực. Con tàu đi về nơi đây đã nhiều năm rồi, bữa ấy chợt thấy em đã lớn.

Nhớ cậu bé chèo đò ngang sông Hậu ngay cảng Hoàng Diệu. Em tên là Giang. Nhà Giang ở bên kia sông đối diện cảng. Buổi đi học buổi chèo đò ngang sông, hoặc ở nhà với mẹ và anh trai trồng cà trồng đậu. Nhà em nghèo, một mảnh vườn ven sông trước cửa nhà bước chân mịn phù sa, cây cối xanh tốt đầy hoa trái. Một bữa tàu cặp cảng chờ hàng, chèo đò qua sông tìm chào anh, em nói, học chưa tới đâu, mấy bữa nữa em phải đi lính rồi. Đã bấy nhiêu năm xa, bây giờ biết em ra sao.

Nhớ khúc sông ngay cầu cảng Hoàng Diệu ấy là nhiều tôm Càng xanh lắm. Một lần nghi ngờ đám thủy thủ đánh hàng rớt sông, anh Năm sếp sòng quan thuế ở tỉnh kêu hai chú thợ lặn nhảy sông mò lặn tìm. Cặp anh em song sinh ấy tên Thuận, Hòa, nhỏ con, hiền lành, ít nói chỉ nghe cười và lặn sông dai sức như hai con Rái. Hàng họ đâu không thấy, mỗi lần lặn xuống ngoi lên, hai đứa lại quăng lên bờ hai tay hai chú tôm Càng xanh thật bự. Lặn một hồi chán, bỏ đi làm chầu nhậu ngon lành. Người sông Hậu là vậy.

Lại nhớ một đêm khuya nhậu về ngồi chơi cầu cảng, Hoàng tử Bia cao hứng phách lối với Hai Thành dám lội qua sông Hậu, mọi người xúm lại cản cỡ nào cũng không nghe. Tuổi trẻ ngông cuồng và khờ dại. Ai biết tại ông trời còn thương cho nó ở lại nhậu với đời hay cái thằng nó khôn còn tỉnh trí quay trở lại bờ bám được sợi xích neo tàu. Đưa Hoàng tử lên được bờ mọi người mừng hết lớn. Đêm khuya vắng lặng, có bao nhiêu khăn trải bàn của căng tin cảng vơ hết ráo, gói Hoàng tử lại như một cái bánh ú lớn đặt trên hai cái bàn xáp lại, rồi cả đám ngồi đó coi cái bịch khăn bàn trắng run bần bật như mắc kinh phong mà cười.

Đội tàu Cần Thơ nhậu Bãi Cát
vườn nhà chú Bảy Tuấn.
Nhớ nhất ở Cần Thơ là ông già tía, nhà khu Bãi Cát. Trước cửa nhà tía có con rạch nhỏ nối ra sông Hậu. Đường vô nhà là một chiếc cầu tre cơ động, một đầu kéo lên xuống như một cách đóng mở cổng nhà. Bữa ấy buồn tình lang thang ngang nhà, thấy ngôi vườn tĩnh lặng thanh bình, sông nước chảy vòng quanh vườn nhà, đẹp quá, kêu đại "có ai ở nhà không?.." Một ông lão mang cái "tỏ" cũ kĩ cột nhằng nhịt dây kẽm trễ dưới sống mũi ló ra, tay mang theo cuốn sách coi dở. Ông lão hạ cây cầu cho mấy thanh niên lạ vô nhà mà không nghi ngại chi: "Mấy chú muốn vô vườn ư, mời vô chơi... có cuốn sách hay, "qua" đang mắc coi sách". Hỏi tía cho vô vườn nhậu được không, tía cười: "Bộ giờ này mấy đứa bay đã tính nhậu sao? Hạ cầu xuống tự mua đồ về mà nhậu. Chớ a... bữa nay hổng có đứa nào ở nhà. Cam quýt trong vườn có ăn nhớ lựa trái chín mà ăn". Bữa đó hỏi mới biết được nhà tía má con gái nhóc.

Sông nước miền Tây cho người ta quen với cầu tre, quen ghe xuồng sông nước. Người ta quen nước ngập trắng đồng, người ta nhớ con nước ròng nước lớn. Người ta có đi làm ăn đâu xa nhớ mùa lúa chín về quê cắt lúa phụ gia đình.
Cứ mỗi năm dịp tháng Tám tháng Mười, ở đâu đó trẻ nít vui đón Trung thu thì miền Tây vào mùa nước nổi. Nghe người quê kêu có nhớ cá Linh, nhớ bông Điên điển thì về...
Mùa cá Linh qua mau lắm và bông Điên điển không có người hái thì cũng mau... Về đi, về đi, ráng về đi anh ...

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Bên cây cầu mới.


Cây cầu mới.


Nơi tưởng niệm
công nhân, kĩ sư đã nằm xuống khi xây dựng cầu.
(Trên đất Bình Minh-xứ bưởi Năm Roi)



Cuộc sống đời thường bên cây cầu.

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Xoáy...

Là chuyện ở trên bàn nhậu. Lâu nay quá nhiều việc trong đời sống, xã hội ở mọi nơi, mọi ngành nghề quá nhiều mỏi mệt, chán rồi hết muốn nói tới.
Hôm bữa ngồi cả đám bạn bè cũ làm chầu Xí quách và Bắp hoa sữa, tính chỉ nói chuyện vui nhưng rồi chuyện trò qua lại một hồi rồi cũng lại xoay qua chuyện tin tức thời sự ba miền ít lâu nay.
Thằng bạn nhậu kế bên làm một cuốn bắp nhúng thật bự, quơ ly rượu làm "oóc" phát rồi thủng thẳng:

"Gặp cảnh sát điện thoại anh Nhanh, gặp lưu manh xưng anh thằng Luyện, gặp quan huyện khó cứ nói bạn anh Vươn, còn tới trường cứ con chị Ngọ mà nhận"...

Ây dzà, xoáy... Chắc là câu vè ấy còn dài dài cho đầy đủ nhiều lĩnh vực, mới nghe được bấy nhiêu đã thấy xoáy thiệt xoáy và rất chi là thời sự.
Vừa buồn thật, vừa buồn cười, và cũng mua vui một tí bàn nhậu cuối tuần...

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Coi cọp.

Đám học trò nhỏ ở Sài Gòn hay thiệt, có cái nhà sách nào mới ra, có hội chợ sách nào sắp mở là chúng biết trước rồi thông báo cho người lớn. Thế nào khi khai trương phải dụ bố mẹ chở đến phát, coi sách truyện thiếu nhi phong phú ra sao, các cô chú nhân viên ở đó nói cười thế nào rồi những lần sau lại trở về tiệm sách gần nhà, hoặc thường tới tiệm sách nào các cô chú nhân viên dễ dãi một chút.
Mùa thi giữa kì, cuối kỳ, qua môn thi  nào là làm eo xin ba mẹ cuối tuần cho đi nhà sách phát.

Gian hàng sách thiếu nhi ở các nhà sách luôn rất đông các bạn nhỏ, lật coi hết cuốn này sang cuốn khác, hết kệ này sang kệ khác, có thể hết giờ này sang giờ khác nếu không nghe phụ huynh đi theo hối thúc.
Đứng mãi mỏi chân, lật mãi mỏi tay lại ngồi bệt xuống sàn nhà, mặc kệ mọi người đi qua đi lại, làm bộ chăm chú không nghe tiếng cha mẹ hối về thôi, về thôi, tụi nó yên lặng, trật tự ngồi đó đọc. Đọc cho đã khỏi mua tốn tiền, và đúng là mua đủ số sách đó cũng tốn nhiều tiền của cha mẹ thiệt. Chúng thích như vậy bởi chúng là đội quân coi cọp, coi chùa thiệt dễ thương.

Có nhiều nhà sách rất thiện chí với đám nhỏ. Ở gian sách thiếu nhi thường thấy những nhân viên nhà sách lụm cụm sắp xếp lại những cuốn sách mà tụi nhỏ mới đọc xong quăng đại trên giá, tuyệt không thấy mắng mỏ gì hay khó chịu với bọn trẻ. Còn thấy mấy cô áo dài tóc dài hiền lành nhìn tụi nó cười cười nghe chiều cảm thông. Chắc là lúc nhỏ cô cũng biết coi cọp như các bé...
Có những nhà sách còn xếp ra một hai hàng ghế ở một góc phòng để đội quân coi cọp ngồi cho gọn lối. Nhìn tụi nhỏ vậy, ai nỡ rầy đám nhỏ ham đọc sách.

Coi cọp là một nét riêng của đám học trò thành phố bây giờ. Nhiều đứa nhỏ ghiền, một hai tuần lễ là kiếm cớ được đi nhà sách ít phải một lần. Thói quen đi nhà sách là một thói quen hay.

Mùa nắng nóng như những ngày này mà chun vô nhà sách, máy lạnh thổi từ chân lên đầu, không có khói bụi, tiếng xe máy ồn ào, ngồi bệt xuống sàn nhà coi cọp thì còn gì bằng. Ngẫm ra đám nhỏ tụi nó khôn thiệt.

góc cầu cầu thang lên xuống đằng kia, dăm đứa trẻ con nhà ai rón rén căn chừng người lớn, thích thú đi lên xuống với cái cầu thang cuốn tự động, chỉ bấy nhiêu thôi với nụ cười trẻ thơ mãn nguyện...

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Tìm chơi nơi ấy nghĩa tình.

Sì phố những ngày giữa mùa khô, nắng nóng và nực nội. Mấy bữa nay nắng gắt, đứng gió, nhiệt độ ngoài trời gần bằng nhiệt độ cơ thể, làm người ta ai cũng mỏi mệt.

Nghỉ phép ít ngày ở nhà dọn dẹp, làm đẹp cửa nhà quán xá và đưa Út Cưng đi học, mùa thi sắp tới rồi, quả là vừa vui vừa mệt. Bữa bữa cha con phóng xe ào ào, nói dóc cười vang đường phố, bữa một mình đường về bừng bừng muốn say nắng và thật lòng cảm thông cùng các bác tài xe ôm cả ngày dong duổi đường phố Sài Gòn.

Lịch học, giờ học của cô con gái Út Cưng hàng ngày trong tuần được ghi làm hai bản, mỗi bên giữ một bản có giá trị ngang nhau. Là cái thời khóa biểu của Út Cưng đó, được lồng dưới kiếng tại bàn làm việc ở cơ quan và ở nhà, để coi chớ hổng buồn nhớ. Tại bởi cái giờ đi học ấy, nó dày đặc, không ngày nào giống ngày nào, lộn xộn lào xào như gạo lẫn lúa. Khó chịu nhất là giờ học ngày Chúa nhật từ mười giờ sáng kéo quá bữa trưa tới một giờ chiều là dát nực nội nhất, đói bụng, chờ đợi, oải và dễ nổi sùng.
Út Cưng có bữa hai buổi tới trường, ra khỏi nhà từ sáng sớm, có bữa qua Văn Thánh học thêm, rồi vọt ra Thị Nghè kẻo muộn "sô" thứ hai. Có bữa ra khỏi Thị Nghè là bay liền qua trường học nghề bên chợ Thái Bình. Cứ một "sô" tiếng rưỡi , hết buổi sáng. Gần trưa mới về tới nhà, vội vã bữa cơm, Út Cưng chợp mắt mươi phút rồi lại tới trường. Nhìn con thấm mệt nghỉ ngơi với hàng tóc mai xanh bết mồ hôi, thương thương...

Một sáng ra hai người bạn ngồi với nhau mới nửa tuần cà phê, đang dở dang câu chuyện thấy bạn coi đồng giờ rồi vội vã tao đi đón con, ông bạn Gtl nhìn theo chợt thở dài.

Một trưa nắng gắt ngoài đường mới lưng tuần bia ngoài quán lại nghe đi đón con đi đón con... Người ít nói như Gtl cũng phát nóng, lắc đầu: "Mịa bà, con nít, hạch với hòng, chi mà cực dữ".

Một bữa cuối tuần ông bạn Hai Thành thủ thỉ, đất Sì phố nực nội, chật chội, bức bối đầy bon chen mọi nơi mọi chỗ. Sao cậu không về miền Tây chơi? Cha nghỉ làm, con nghỉ học đê, xuống đó dự đám rồi đi chơi cho con cái nó biết một nơi một chốn đi về, một thời cha nó gắn bó, và ở đó là nơi còn có chút nghĩa tình, cùng tấm lòng bạn bè luôn rộng mở.

Chiều cuối tuần thấy cha con bàn nhau chuyện nghỉ học, soạn đồ đi chơi, cảnh sát trưởng gia đình nói xa xa, hổng biết cha luyến lưu ai đó đất Tây Đô mà lúc này cứ cuối tuần là nhỏng về dưới ấy. Út Cưng cười, có con đi chung với cha nữa mà.

Nhớ nụ cười bè bạn, nhớ những câu chuyện tàu bè cứ miên man thâu đêm mỗi lần gặp mặt. Nhớ dòng sông Hậu mùa này nước mát trong xanh, nhớ con tôm con cá, nhớ chiếc xuồng ba lá và cứ nhớ câu ca: "Người quê chỉ có tấm lòng", thế là tìm về chốn miền quê thanh bình, nơi còn có chút nghĩa tình cùng những người anh em một thuở...


.

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Chiều về.










 Trông mẹ chợ chiều.








 Hối hả đường quê.

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Ai mua gà Mỹ bán đơi.

 4tháng, chân xanh, trống mái đều dữ như quỷ, uýnh lộn tối ngày.
Mới  2 tháng,
Gà cùng một mẹ mà hoài đá nhau

Gà mái mà có cựa, dữ dằn, tự tin.
3 tháng không thể ở chung một nhà.




Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Ngoảnh mặt


Một hai bữa dạo chơi,

Thoáng chút ngạc nhiên đời,

Biết người ta ngoảnh mặt.

Tình mình chỉ vậy thôi.

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Một thoáng Huế.

Nhóm bạn "cạ giừ" lại muốn đi xuyên Việt vào mùa Hè này. Không biết anh bạn KV thấy nhớ dải đất miền Trung nắng gió hay là nhớ món cơm Hến mỗi khi ngồi hàng phải kêu hai tô một lượt, hỏi chuyện đi Huế cứ cười cười. Còn Hai Thành thì đánh tiếng với em gái xứ Huế sắp tới ra thăm. Chưa tới Hè, chưa định ngày, nói chi để người ta trông, anh Hai? Soạn lại bài viết một tí về Huế của chuyến đi trước để mấy bạn mình đọc lại.
* * *

"À ơi...cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp" ...

Một lần được nghe câu hò ấy của cậu bạn học Tư Sài Gòn, từ những năm sáu mươi đã lâu thật lâu. Ngày ấy còn nhỏ, nghe sao thấy xứ Huế ở đâu xa lơ lắc. Rồi Tư lại ngân nga, "ai ra xứ Huế thì ra, ai về là về núi Ngự, ai về... sông Hương... ai về Vĩ dạ... ai về Nam Giao" ...
Những câu ca nhớ tới bây giờ. Những cái tên ấy, những địa danh ở Huế nghe thấy hay hay, là lạ và hấp dẫn như cứ phải giải thích từng từ mới hết nghĩa. Ấy vậy mà mãi tới bây giờ mới đến với Huế, ở đây trò chuyện cùng người xứ Huế, mới tới đây chiêm ngưỡng phong cảnh và cổ xưa, thấy như là có lỗi.

Huế được nhắc tới là mộng mơ, là dịu dàng và trầm tư. Huế thanh bình và đẹp, để đất này sinh ra bao nhiêu thơ ca và những người của thơ ca nổi tiếng.

Riêng tư, đáng yêu, nên thơ nhất là con sông Hương trong xanh lững lờ ôm trọn lấy Huế. Trải dài đôi bờ là công viên tít tắp cỏ cây đang dần hình thành và sẽ kéo dài ra đến cửa biển. Bên bờ sông Hương có Phu Văn Lâu, bến Văn Lâu. Xa hơn đằng kia là chùa Thiên Mụ... Mỗi cái tên sẽ có nhiều câu chuyện thật hay đi cùng, cứ phải có giờ bên ly cà phê, để người em xứ Huế nhẩn nha trò chuyện, rồi mới biết thêm nhiều về Huế.

Ai về là về Nam Giao... nghe như là một làng xã, ở đó có đàn Nam Giao nằm trong rừng thông vi vút là nơi tế trời đất của vua chúa xưa kia cho nước thịnh dân an.
Nghe ngưới ta kể lại, thuở ấy mỗi người trong hoàng thân và các quan trong triều phải trồng và tự chăm sóc một cây thông nên đã từng có một rừng thông nơi đây, thật lớn. Thế rồi rừng thông ấy bỗng dưng tàn lụi dần cùng với sự mất đi của triều đại vua chúa cuối cùng. Những cây thông trong đàn Nam Giao nay đã được trồng lại, bây giờ đang còn nhỏ.

Ai về là về Vỹ Dạ... Qua cây cầu vào thôn Vỹ Dạ, bây giờ đang là một khu quy hoạch dân cư mới mất rồi. Đến nhà mạ Tâm trong thôn, mạ chỉ sang hàng tre còn sót lại phía xa xa cười vui: "Nơi ấy khi xưa thi sỹ họ Hàn làm thơ cho nàng Hoàng Cúc, vần thơ còn vương nơi ngọn tre ấy. Cảnh xưa người cũ nay đã xa rồi"

Ngọn đồi mang tên Vọng Cảnh hoang sơ nhìn dòng sông Hương từ trên cao. Đứng ở trên đồi nhìn về hướng nào cũng lạ cũng tình, cũng làm nao lòng du khách.
Là những con thuyền nhỏ xíu với những vệt sóng đuôi ở xa tít, cứ đứng mãi như một tấm ảnh. Là núi non thật xa mờ ảo một chiều mờ sương. Là cỏ cây xanh mướt hai bên bờ, đó đây vài bụi hoa "Bâng khuâng" thứ hoa mong manh cánh nhỏ mamg màu tím Huế rất riêng của tuổi học trò.
Dòng sông Hương uốn quanh đồi Vọng Cảnh như hờ hững, vô tình với đồi với núi. Nhưng cứ tự nhiên như thế, để ở đây mỗi sáng mỗi chiều có thể nhìn thấy cảnh bình minh hay hoàng hôn chậm rãi thật đẹp, sông nước núi mây, cây lá và mặt trời. Và nếu có được một đêm thanh nào đó, ngồi trên đồi ngắm trăng dát ánh bạc lên dòng sông Hương thơ mộng, chắc sẽ càng thêm nhớ Huế thương.
Thật là may mắn một năm nào người ta đã dừng lại việc xây khách sạn ở trên đồi Vọng Cảnh, tuy nhiên chắc sẽ nên trang điểm thêm một chút hoang sơ để làm nơi ngắm cảnh và vui chơi cho những người dân yêu Huế và du khách phương xa.

Nói Huế là nói đến mưa, đúng là hạt mưa rơi cứ rơi rơi hoài...
Không lớn, cứ rả rích cho trời mờ mờ sương. Sáng ra ngồi cà phê mãi cũng không được, từ quán nơi cao nhất thành phố nhìn xuống thấy mọi người vẫn che dù thong thả đi bộ, thong thả đạp xe. Cô bạn Huế cười hiền: "Mưa hoài đó, có khi cả sáng, cả ngày nhưng ở Huế không ai vội vã, không ai chạy mưa. Cũng không cần phải đi nhanh mô, bên đây mưa có đi qua bên nớ cũng đều mưa mà".
Âu cũng là một triết lý cho Huế chậm rãi nhẹ nhàng. Cứ nghĩ chắc những cảnh sắc thiên nhiên của cố đô Huế đã tạo nên con người Huế nhẹ nhàng khoan thai, tiếng nói ấm trầm sâu lắng, văn hóa cổ kính và những món ăn Huế cầu kỳ, công phu với nhiều lắm những hương những vị...

Vẫn hẹn với Huế một ngày không xa, lại về thăm, bởi thực lòng yêu Huế, bởi nhớ lời đề tặng của mạ Tâm thôn Vĩ Dạ ở tập thơ của mạ:

Anh về thăm lại Huế thương,
Cây che bóng mát dọc đường nhớ anh...
Mái chèo nhẹ lướt trong đêm,
Câu ca xứ Huế dịu êm ngọt ngào... 

12.2009