Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Chúc mừng năm mới.



Chúc một năm mới cho mọi người, mọi nhà
an bình, thịnh vượng, sức khỏe và hạnh phúc.

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Biển giận.

Cuối tháng Mười Hai năm rồi ở thời điểm này, cuộc tìm kiếm 23 thủy thủ đoàn tàu Phú Tân sau mấy ngày đêm chìm trong vô vọng. Bão tố và biển khơi đã đánh đắm con tàu Phú Tân của Vinalines và cùng lúc chiếc tàu cá BV của Bà Rịa Vũng Tàu, mang theo vào lòng biển khơi bao nhiêu người con của biển.

Đúng những ngày này một năm sau, mấy ngay nay lại lắng nghe và ngóng tin con tàu Vinalines Queen. Mọi nỗ lực tìm kiếm đã mấy ngày rồi lạnh tanh, không một tăm tích của con tàu và thủy thủ đoàn 23 người ngoài một vệt dầu loang trên vùng biển Philippines. Vinalines Queen, một trong những con tàu lớn lớn nhất của công ty, mới có sáu tuổi do Nhật Bản đóng, vừa nhận bàn giao và được đưa vào khai thác chuyến hàng đầu tiên cho công ty, không lẽ ra khơi rồi về luôn với biển.

Bạn bè anh em còn nhiều người đi biển. Người mới quay trở lại còn háo hức với những chuyến đi xa, người điềm tĩnh đã nhiều năm tháng xa nhà. Đã đi biển là mong có người tâm sự khi về bờ.

Mới trong tháng rồi về thăm đất và người Tây Đô, mới ngồi đó với anh em bạn bè Cần Thơ dông dài về biển cả. Công ty cũ bây giờ còn nhiều người anh em vẫn theo nghề đi biển cho Tổng công ty hàng hải Việt Nam. Có những anh em thợ máy, thủy thủ ngày ấy bây giờ đã là thuyền trưởng máy trưởng. Mong cho các bạn bè luôn vững chãi với sóng gió, cứng tay nghề, chớ sai sót và an bình trong mỗi chuyến đi xa.

Buổi sáng, nghe alu reng, nhận điện thoại từ LHB, cười vang giọng sang sảng: Em mới về, thăm được vợ con mà không gặp được mọi người lại phải đi liền. Đang ở trên tàu, bắt đầu hành trình đây. Chuyến này mà ghé Phi, em sẽ mang về cho anh mấy con gà thật chiến... Lại nghe cười: Khỏe nhé, em đi.

Buổi chiều ngồi với GTL nói chuyện về những con tàu và khi biển giận. Những chuyến bạn đi xa là ở nhà luôn chờ ngóng và thật mừng vui mỗi khi nhận điện thoại của bạn gọi về. Bên ly cà phê, chậm chậm, buồn buồn bạn bè ngồi tâm sự. 
Con tàu Vinalines Queen ấy còn mới lắm, hai đáy, năm vạn sáu, trọng tải khá lớn. Một con tàu khi chở quặng hay hàng rời là rất khó chịu, tại bởi quặng Ni ken rất nặng, tàu không thể chứa đầy hàng, sóng dập sẽ dễ bị xô sang một bên. Tàu mà nghiêng trong khi sóng gió lớn dễ lật tức thì. Nghe tin đau quá, ở nơi ấy độ sâu tới năm cây số và sóng gió đang là rất lớn.
Tháng rồi, bạn quyết định quay trở về nhà, không đi biển trong mùa giông bão, khi những bước chân lên một con tàu mới nhận, bạn cảm thấy chưa đầy đủ cái cảm giác an lành trong kinh nghiệm của người đi biển lâu năm đã nhắc nhở. Đã gần ba chục năm đi biển, và bây giờ bạn có quyền lựa chọn.

Có một điều rất lạ khi không tìm thấy một đồ vật gì dù rất nhỏ xung quanh vùng biển con tàu Queen mất tín hiệu. Đã bốn ngày đêm qua đi, nỗi chờ mong và hy vọng đang cạn dần trong lòng những người vợ, người con và gia đình những người lính biển của con tàu này. Nhưng nghe người ta nói một sự mất tích bí hiểm, lòng muốn dối lòng, lại le lói hi vọng một ngày trở về...
Muốn chia sẻ với gia đình, vợ con của những người đi biển và cầu mong sự mất liên lạc của Vinalines Queen chỉ là một sự cố, dù là sự cố xấu nhưng còn yên lành mà không không phải là biển giận.

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Bạn lề đường.

Một sáng đi làm sớm hơn mọi khi đặng ghé anh Sáu hải quân sửa sang sắc đẹp. Một góc phố quen bữa nay vắng hoe trống trải, dọc bên lề đường ấy không còn bóng một chiếc ghế hớt tóc.

Mọi sáng, khi nắng sớm hắt lên từ sông Sài Gòn phía bến Bạch Đằng, ai đi qua góc phố này là gặp một xóm nhỏ hớt tóc lề đường, nằm ở đó từ bao giờ không biết. Sát bờ tường của cao ốc đang xây là mấy chiếc ghế xoay hớt tóc, mấy cái kiếng soi và thấp thoáng bóng mấy anh thợ cạo hiền lành. Tuổi cỡ sáu chục như anh Sáu là lớn nhất, người trung trung, người trẻ hơn một ít, người miền Tây, người Sài Gòn, người xứ Nghệ, Hải Phòng... Ai có khách thì cắm cúi lạch xạch tay kéo, những người còn lại chưa có khách thì yên lặng ngồi đọc báo, thỉnh thoảng một đôi câu qua lại đàm luận tin chính sự xã hội, thật trật tự yên bình.

Ở một góc kia có bóng ai đang lui cui với cây chổi đót. Lại gần ra là anh Sáu, anh đang loanh quanh quét rác bên gốc cây Goòng của anh trồng năm nào.
- Bị người ta "dzịn" mất hết rồi phải không?
Anh Sáu ngẩng lên, thấy người quen, anh cười nhẹ, hơi buồn buồn:
- Ờ, họ lấy đi hết rồi. Không được đặt ghế hớt tóc ở đây nữa. Họ nói phường khóm đã đăng kí khu phố sạch đẹp! Không để được những chiếc ghế mất văn hóa ở đây nên họ dẹp hết rồi.

Biết là thế nào cũng có ngày này nhưng không nghĩ là sớm vậy. Chắc là khi tòa cao ốc bên này xây xong, cầu cũng phải hai năm nữa, thì mới tính chuyện đi kiếm một nơi nào khác. Nhớ một lần nào đó ngồi hớt tóc hỏi chuyện, anh nói vậy. Anh Sáu bấm đốt ngón tay tính thời gian làm việc ở đây, nói đúng là hớt tóc ở cái lề đường này, vậy mà đã mười mấy năm rồi đó.

Cuối năm, tính kiếm ít tiền để dành tiêu Tết, rồi mua quà cho cháu nội năm mới mà móm rồi, anh Sáu cười. Yên lặng một lúc rồi anh nói với bạn, như tự nói với mình, giá mà phường khóm người ta quan tâm, tổ chức quy củ lại, hoặc để mình tự tổ chức cũng được, như ngoài An Dương Hải Phòng ấy, thấy người ta làm hay lắm, đẹp đẽ, lịch sự, văn hóa, vừa giải quyết công ăn việc làm cho người dân, rồi thu thuế, có phải hay biết bao.
Anh Sáu hình dung ra một dãy phố có những chiếc ghế hớt tóc bên những chiếc dù đồng màu, một dãy thẳng băng sạch sẽ lịch sự, những người hớt tóc cũng ăn bận đồng phục, áo bỏ trong thùng, lịch sự ân cần với khách, đó là khu phố văn hóa đấy chớ.
Anh lại cười, hớt tóc tai, cạo râu ria làm đẹp cho người là làm đẹp cho đời, cũng là văn hóa chớ...

Một bà mẹ chở con trờ tới, hỏi thăm mấy câu rồi dợm chạy xe đi, thằng nhỏ nhất định không chịu, con muốn hớt tóc ở đây kìa. Anh Sáu lại gần xoa đầu nó, nhẹ nhàng, nghe mẹ hớt đỡ đâu đó một bữa, kì sau ông sẽ hớt cho con, nghe lời đi con ngoan.

Anh Sáu nói chuyện người này về miền Tây đổi nghề khác, còn cậu ngồi góc kia thì về Vinh rồi, nghe nói mở tiệm hớt tóc ngay nhà vợ, cũng đông khách lên dần, mừng cho nó. Hỏi anh, anh nói chừng nào kiếm được nơi làm việc tiếp anh sẽ điện thoại. Nghe chừng anh còn lưu luyến nơi này lắm, khung cảnh quen thuộc và những khách hàng quen đã bấy nhiêu năm.

Cây Goòng anh Sáu trồng ở một góc lề đường năm nào lớn lên mau thiệt. Hơn một năm không để ý tới nó, bữa nay nhìn lại thấy cái gốc cây lớn quá chừng đi. Anh Sáu luôn rất vui khi ai đó nói chuyện về cây Goòng ấy. Anh nhắc cây như một kỉ niệm một góc đời một góc phố từ ngày tới đây dựng lên cái ghế hớt tóc.
Và giờ đây như quyến luyến cây Goòng, nhớ công việc hàng ngày nên sáng nào anh cũng ra đây, quét dọn rác và lá rụng, như muốn giữ sạch cái lề đường thân quen, rồi kéo một chiếc ghế nhựa nhỏ ngồi đọc báo bên cây Goòng.

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Hoan hô Nhí "lùng".

Ghi lại kỉ niệm với con.
Hai cha con, chiếc Honda hai cái nón và một hai bịch đồ ăn nước uống treo tay lái xe, dát chiều xuống lại rủ nhau tung tẩy Sài Gòn đã tháng mấy nay.
Cứ cách hai ba ngày là Nhí "lùng" phải cùng cha "chạy sô" một buổi. Nghĩa là buổi chiều tan trường về sau giờ học chính khóa, không về nhà mà sẽ chạy luôn, tiếp tục hai tiếng đi học ở Hội đồng Anh, hết "sô" lại chạy tiếp đi học luyện thi TOEFL hai tiếng nữa tại trung tâm ngoại ngữ Yola, một trung tâm luyện thi lấy chứng chỉ quốc tế. Hết một "sô" là rời lớp sớm năm phút, ra trước các bạn rồi nhảy lên sau xe Honda của bố phóng ào ào trên đường cho kịp giờ "sô" sau. Cũng còn hên, mấy địa điểm loanh quoanh quận Nhất.
Luôn có những câu chuyện đời thường và những câu đố vui giữa hai cha con, không chuyện gì ăn nhập chuyện gì nhưng có chuyện nói cho quên mệt mỏi, cha con chở nhau đi trên đường cười he he.

Tháng Mười mùa mưa bão và những cơn áp thấp nhiệt đới. Có nhiều khi gió mưa hết mấy ngày liền, lại cứ ào ạt vào chập chiều. Dù có mặc áo mưa chạy xe vẫn ướt lướt thướt, cả cha cả con.

Chắc là thương cha, đi làm về rồi còn tiếp tục làm tài xế xe ôm cho mình tới tối, nên bạn "lùng" bước xuống xe là cười toe, hôn bố phát rồi xách theo bịch đồ ăn nước uống chạy ào vô lớp. Trước khi tới đón con là cha Nhí đã ghé tiệm bánh gần trường trước, mua chiếc bánh Hamburger tôm và một ly Milo hay ly sinh tố cho Nhí mang theo vô lớp, ăn bữa chiều khi giải lao lớp học hay khi nào thấy tiện nhất. Có bữa vội vàng, vói tay lấy bịch đồ ăn, chạy vội lại quên bịch nước uống, tội nghiệp.

Và chắc là thương con lướt sướt, thương những bữa ăn chiều tạm bợ của con, cha bé giảm hẳn những độ đám với bạn bè. Thèm tụ bạ lắm thì mon men nhóm bạn cuối tuần, gần gần nơi con học, tranh thủ làm vài ve cho đỡ ghiền. Ngồi đó, rồi căn đồng hồ, cứ dát gần năm rưỡi, bảy rưỡi, chín rưỡi là tốc lên xe chạy. Mười giờ tối về tới nhà, có bữa quay qua nghe tiếng con ngáy nhẹ, còn chưa kịp thay đồ. Biết là quá sức làm con mệt thiệt, thương con.

Học luyện thi được hơn tháng, mới được nửa khóa học có kỳ thi ở đâu đó, thế là cho bé dự thi luôn. Bữa ấy mẹ con chở nhau đi thi hết mấy giờ đồng hồ mới về, đói bụng là chắc. Nhí là trò nhỏ nhất đi thi cùng các anh chị. Về nhà bố hỏi thăm, Nhí cười: Con đoán chừng có thể đạt 85. Công nhận bạn này tự tin ác.

Thi ngày hôm trước, bữa sau Nhí vào tuổi Mười Ba. Mẹ làm mấy món đồ ăn cho một bữa tiệc nhỏ, Nhí cùng vui với các bạn thân học chung ở trường phổ thông. Chị Hằng mang tới chiếc bánh sinh nhật ngon thiệt ngon. Còn một bạn trai mang quà là một dĩa rau Câu hình chiếc bánh tròn, bạn tự làm dưới sự hướng dẫn của mẹ, con trai mà giỏi quá. Bữa sinh nhật giản đơn, ấm cúng và mọi người đều vui, Nhí cũng thiệt là vui.

Hai tuần lễ sau có kết quả, Nhí "lùng" thi đạt 88/120. Vậy là cô bé không phụ công cha mẹ, còn bác tài xe ôm kia ngồi rung đùi khoái chí, bõ cái công tui nhịn nhậu, chở Nhí hổm rày.  Nhí còn được hội các má chiêu đãi một chầu nhà hàng và cô Mía đãi một bữa ghẹ Phan Rí Cửa sau bữa có kết quả thi.
Bạn nhỏ thật vui, và cả nhà thật vui. Hoan hô Nhí "lùng". Cha bé vói lên lấy ba ông sao trên trời, gắn cho cha một, cho mẹ một và cho Nhí một ngôi sao lớn nhất.

Chuyện học hành con nít suy nghĩ mãi rồi, phải độc lập tự lo hạnh phúc thôi. Con cái nó hứng thú học hành cái gì thì cho học và việc đào tạo con người chẳng thể nào rập khuôn hay trang bị kiến thức kiểu theo mẫu được.
Nhí đã có được cái chứng chỉ TOEFL ấy đút túi cái đã, rồi mọi việc từ từ sẽ tính tiếp.



Lớp Nhí ở trường là lớp học tiếng Nhật,
nên bạn Nhí "lùng" rất thích bài hát này:
"Ashita Kuru Hi".

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Về sông ăn cá.

Những người bạn xưa.
Bạn hỏi bạn sao chưa muốn về nhà?
Đi chơi xa như thế, gặp lại cố nhân, mừng tủi không nói được nhiều. Và luyến lưu như thế.

Về rồi, cảm giác sau mười mấy năm xa, gặp lại nhau vẫn là thân thương, vẫn như đang còn đi chung với nhau trên biển. Vẫn những giọng nói và tiếng cười ấy. Và những câu chuyện biển cùng những con tàu bao chuyến đi xa, ào về đầy kỉ niệm.

Và về rồi sẽ lại thêm nhớ, có giờ sẽ lại viết về Cần Thơ cùng những người bạn thương quý ở đây. Lòng nhớ và thầm cám ơn sông nước Cần Thơ cùng tấm lòng những người bạn.
Rồi ta sẽ lại về sông ăn cá.


Là con cá của Quang mang tới, ai mới câu ở sông về.
Đệ nhất cá Mê Kông là đây. Các bạn nói lâu lắm mới nhìn thấy con cá Cóc sông Hậu lớn vậy, tại lụt bên Thái nó mới về tới đây. Cái đầu cá không muốn chiếm hết nồi lẩu và món cá Cóc nấu ngót hay nấu Thìa là ăn chung với bún, để mà nhớ đời. Ở nhà làm sao có.


Em gái Ninh Kiều, bữa nay tóc búi lưng thon, nón lá đội nghiêng, nhìn anh miệng cười em khẽ nói: Rô đầu vuông hổng phải cá Rô mề, mỗi anh một con thôi, kêu thêm hổng còn. 

Quán lá cù lao, mặt hồ tĩnh lặng, lìm kìm lượn quanh, gió sông lên ngai ngái hơi lục bình, ngỡ một thời là quê.



Rượu cạn ly, uống đi lòng càng giá, uống thêm lòng càng nhớ.
Hỏi làm sao để anh quên, hỏi làm sao môi anh mềm và hỏi làm sao anh hổng muốn về.

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Trạm dừng chân quê.


Cà phê võng và bạn tui.

Lang thang trên những nẻo đường gần xa, ta sẽ thích thú khi phát hiện một trạm dừng chân ven đường, chân chất làng quê.

Ông lục lộ hổng biết mần cho khách đường xa thì cha con em mần. Giản đơn thôi, chỉ là những chiếc võng dây đan dưới mái lá dừa bên rặng tre là ngà trong vườn nhà và công em làm nước uống. 

Ly cà phê đá này cho bác tài, còn anh trái dừa xiêm thêm chút muối bọt, uống vô thêm môi anh ngọt. Anh cười vui. Con gái Cái Bè nụ cười ấp e mắt đưa lúng liếng. Gió chiều mơn man vạt áo bà ba. Bấy nhiêu thôi anh hổng muốn về nhà.

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Gió Cao nguyên.


Ra khỏi thành phố Quy Nhơn là gặp quốc lộ 19, con đường huyết mạch nối liền miền cao nguyên Trung phần với phố biển miền Trung. Đó là con đường lưu thông hàng hóa rất quan trọng do người Pháp nhìn thấy và xây dựng đã từ rất lâu.
Ta sẽ ghé thăm cơ ngơi của anh em nhà Tây Sơn, cách xa thành phố Quy Nhơn chừng bốn chục cây số ngoài, nằm ngay thị trấn Phú Phong trên con lộ này.

Một khu vườn nhà rộng lớn như thế của dòng họ bây giờ là bảo tàng Quang Trung. Người anh hùng nông dân, anh hùng áo vải như đã từng học khi ta bé, ra là con nhà quyền quý, thanh thế trong vùng, danh giá từ bao giờ, thày thợ đàng hoàng, học hành trọn vẹn. Anh em nhà Tây Sơn được ăn học, giỏi văn võ và đã từng khai sáng môn phái võ Bình Định nổi tiếng.
Vậy nên tới thăm đất này, thế nào ta cũng để giờ vô coi đệ tử Tây Sơn hay những hậu duệ của nữ tướng Bùi Thị Xuân ngày xưa biểu diễn võ thuật, coi diễn những bài quyền tay không và có binh khí, thế đẹp và rổn rảng. Nghe tiếng trống trận lâng lâng hào khí Quang Trung đánh Nam dẹp Bắc.

Trong khuôn viên gần chục héc ta của nhà bảo tàng có nhà trưng bày khá lớn, lưu giữ một số các hiện vật của nghĩa quân thời ấy như những vật dụng hàng ngày, những binh khí, những trang phục quan quân thời vua Quang Trung. Trong bảo tàng còn có điện thờ của ba anh em nhà Tây Sơn, một vài di tích cũ thuở xưa trong vườn nhà của gia đình.

Một giếng nước được xây bằng đá ong, chắc chắn và sạch sẽ, nguồn nước được khơi ngay mạch nước ngầm trong vắt và mát lạnh. Đó là giếng nước xài của gia đình nhà Nguyễn Huệ mấy trăm năm trước.
Thả dây gàu xuống giếng khơi, mang lên những gàu nước trong veo. Vốc lên mặt, lên tay là cảm được cái mát lạnh và ngọt ngay của mạch nước quí, ta nhắm mắt lại, sạch bụi đường và quên đi mỏi mệt.

Kia rồi cây Me già của gia đình từ ngày đó, mới rồi được nhà nước công nhận là cây cổ thụ di sản Việt Nam.
Nghe người ta kể lại, cây do cụ thân sinh Hồ Phi Phúc trồng trong vườn nhà từ thuở ấy, nay đã hai trăm mấy tuổi, gốc cây to lớn tỏa bóng mát xum xuê. Ta sẽ ngồi nghỉ chân dưới cây, chụp tấm hình với gốc Me già và giếng nước mát, kỉ niệm một chuyến đi tới đất Tây Sơn của tam kiệt Bình Định.

Ra là dòng tộc nhà vua Quang Trung gốc tích lại mang họ Hồ Sĩ. Có thể tới đây nhiều người mới được biết, gia phả nhà Tây Sơn ở trong bảo tàng cho thấy từ đời cha Nguyễn Huệ đã cải họ từ Hồ sang Nguyễn theo bên mẹ. Về nguyên nhân sẽ có những giải thích khác nhau, đó là việc của những nhà chuyên môn. Và biết thêm một tí nữa khi đến đây, đó là nữ sĩ Xuân Hương cũng nằm một nhánh trong gia phả này, bà là bà con gần với anh em nhà Tây Sơn.
Người ta ở đấy nói, họ Hồ hay đổi họ Nguyễn cũng vậy, thờ họ Nguyễn hay họ Hồ ở đây cũng thế thôi, văn võ song toàn, tài thiệt chớ, là nói thời anh em nhà Tây Sơn ấy.

Rời bảo tàng theo quốc lộ 19 hướng lên cao nguyên, thêm một nẻo đường là tới khúc trổ ngang đi Hầm Hô, một thắng cảnh du lịch mà người ta thường nhắc tới ở vùng này. nơi đó còn là một vùng đồn trú và tập luyện của nghĩa quân Tây Sơn một thuở.

Đèo An Khê là nơi giáp ranh Bình định với Gia Lai. Du lịch vùng này nghe đâu có thể tìm hiểu về những động thực vật của rừng quốc gia. Có một số thác nước đâu đó, nhỏ nhưng dễ thương.
Chợt nhìn thấy trên đường, những xe chuyên chở gỗ từ trên rừng, vẫn từng nhóm vài ba chiếc chảy về dưới xuôi.
Hàng cây hoa dại bên đường rạp mình dưới tiếng pô xe nặng, một vài bông Dã Quỳ hiếm hoi bên đường, sắc vàng lẻ loi ngơ ngác, chợt động lòng tiếng dốc dài xe gỗ thả trôi...

Rồi sẽ lên tới  đèo Mang Yang. Mang Yang theo tiếng dân tộc Gia Rai có nghĩa là cổng trời, là tới đất của những người dân tộc miền cao nguyên. Đèo An Khê và đèo Mang Yang dễ đi, độ lài vừa phải và không gấp khúc khó đi như những đèo cao vùng khác.

Quán cơm bụi cao nguyên với những người lái xe, phụ xe bụi bặm và vất vả. Một vài người dân tộc ít nói, nước da ngăm đen và mái tóc xoăn ngông nghênh với gió. Những người thợ rừng, thợ xe máy, thợ cơ khí mặt mũi mồ hôi khô vương chút dầu mỡ. Màu đen của sắt thép với dầu nhớt cùng nhựa cây thấm đã những đường cong vết móng tay.
Quán cơm yên lặng, không khí cao nguyên miền tây viễn xứ nằm ngay đỉnh đèo Mang Yang.
Không được quyền kêu món, bao nhiêu người vô là bấy nhiêu xuất, có gì dọn nấy theo ý chủ quán mà không phải ý khách. Bữa cơm ít nói, đủ chất, no bụng và ngon lành. Thích nhất là tô canh tập tàng của rừng núi. Món canh gom nhiều loại rau trong vườn và những thứ rau rừng mang hương vị lạ. Canh ngọt đứ đừ.

Bước ra ngoài cửa quán, nhìn xuống thung lũng xa, đón hơi thở của núi rừng, lồng lộng gió tự do.

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Một thoáng Bình Định.


Quy Nhơn là một thành phố biển sạch đẹp và trẻ trung của đất Bình Định, xưa nay được nhắc đến luôn gắn với những di tích của nền văn hóa Chăm pa cổ và lịch sử anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ.

Quy Nhơn tựa lưng vào núi nhìn ra biển Đông. Một bên là đầm Thị Nại, một hồ nước lợ mênh mông là nơi sản sinh và nuôi dưỡng biết bao nhiêu các sinh vật hải sản có giá trị của cả môi trường nước ngọt, nước biển và nước lợ. Phải kể đến cá Chình bông, cá Bống tượng hay Hào biển là những hải sản quí giá của nơi đây.
Đầm Thị Nại là một vị trí chiến lược, nơi liên tục xảy ra những trận chiến trong việc giành quyền cai trị ở miền đất này suốt mấy trăm năm giữa vua Chiêm Thành với các triều đại Lý Trần Lê nước Việt thuở trước.
Thị Nại còn có hải cảng biển và là nơi rất yên bình cho ghe tàu trú bão. Ở đây có cây cầu vượt biển dài nhất mới xây xong ít lâu nay bắt ngang qua đầm, nối thành phố với bán đảo Phương Mai, một khu kinh tế mới hình thành.

Tháp Bánh Ít.
Đi trên quốc lộ 1A hướng vô Nam trước khi tới Quy Nhơn, ta sẽ nhìn thấy một ngôi tháp Chăm đứng vươn cao trên nền xanh mát của đồng lúa, người ta kêu tên là tháp Bánh Ít. Qua khỏi cầu Sông Kôn, ghé vô thăm ngôi tháp Chăm này cho biết rồi trở ra ngã ba Phú Tài, xuôi Nam trên quốc lộ 1A chừng vài cây số thuộc địa phận Vĩnh Thạnh Tuy Phước. Ở đây là nơi có món nem Chợ Huyện khá nổi tiếng. Người xứ này có lời nhắn nhủ:
"Ai về Tuy Phước ăn nem,
Ghé qua Hưng Thạnh mà xem Tháp Chàm".
Tháp đôi Hưng Thạnh bây giờ nằm trong nội ô thành phố Quy Nhơn, còn nem Chợ Huyện hồi nào giờ vẫn nức tiếng như thế, rộng cửa chào khách đường xa hay dành làm quà cho người thân du khách.

Người ta chọn thứ thịt heo nạc không lớn, thiệt tươi ngon để làm nem. Thịt trộn lẫn với tiêu, tỏi và ớt rồi mang quết. Nem có được vị ngon, dai ngọt là do công người quết. Một lượt lá ổi trong lá chuối ngoài, ta có thể ăn sống hay mang chiên lên, ăn với bánh tráng và rau sống.
Nước chấm nem được pha từ nước mắm ngon với tỏi ớt và thêm vào đậu phộng rang giã nhỏ. Nâng niu miếng nem dai ngọt thơm mùi Chợ Huyện, chung rượu một bên, thứ rượu quê Bàu Đá của đất này thơm nồng, nặng đô và mau say cùng đôi người bạn, biết thấm thía câu ca dao: Tay cầm bầu rượu nắm nem, mải vui quên hết lời em dặn dò.
Ai có đi qua đất Bình Định, nhớ ghé ăn nem rồi biết.

Dạo chơi trong công viên bờ biển một thoáng cho biết rồi chạy hóng gió trên con đường ven biển thơ mộng. Chiều xuống tới, cho xe chạy ven theo bờ biển đường đi Sông Cầu, vùng giáp với tỉnh Phú Yên, sẽ gặp ở đây rất nhiều bờ bãi, gành đá sỏi hoang sơ với những cái tên nghe thật riêng, thật hấp dẫn. Có thể cắm trại ở đây, câu cá, vui chơi đôi lứa hay tập thể.

Bãi Dại
Chỉ là dong chơi ta sẽ ghé Bãi Dại, ngồi hóng gió trên bãi biển vắng đầy sỏi đá đủ kích cỡ, nghe sóng biển ầm ào chuyện trò cùng gành đá và thả hồn theo những chiếc thuyền câu đang chong đèn xa xa ngoài vịnh Quy Nhơn.
Gà nướng Bãi Dại, món gà xé ở đó rất ngon. Ngồi xếp bằng trong căn chòi lá ven bờ biển, có những người bạn quý để đàm đạo, thấy đời tươi sao mà tươi.

Bún Rạm
Từ Quy Nhơn ta có thể đi thăm thú những chùa chiền, những tháp Chăm rải rácđây đó hay khu thành Đồ bàn, những di tích còn lại của nền văn hóa Chăm pa cổ xưa. Ta ghé thăm mộ Hàn Mặc Tử, trại phong Quy Hòa ở gần đó hay đi xa hơn thăm bảo tàng Quang Trung, thăm Hầm Hô, một khu du lịch thơ mộng cũng là nơi tập luyện của nghĩa quân Tây Sơn xưa...Và sáng ra trước khi đi chơi, ta sẽ nhớ ghé đâu đó, ăn thử món bún Rạm ở nơi này, dễ thương và lạ miệng.
Bình Định còn là đất của thơ phú hò vè, là cái nôi của tuồng cổ và đất võ cổ truyền:
Ai về Bình Định mà coi, 
Con gái Bình Định cầm roi đi quyền.

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Lại chuyện chữ nghĩa học trò.

Chuyện tuần rồi, có một bài kiểm tra môn Văn cho trò. Làm theo một yêu cầu nằm trong cuốn Ngữ văn lớp Tám, tạm kêu là đề kiểm tra đi, nó là dzầy:
"Lập bảng danh sách các nhà văn, nhà thơ quê ở thành phố, tỉnh (hoặc quận huyện) nơi em đang sinh sống theo trình tự: Họ tên, bút danh (nếu có), năm sinh, năm mất (nếu đã mất) và tác phẩm chính. Chú ý: chỉ thống kê các tác giả có sáng tác trước năm 1975 ".

Là bài kiểm tra cho trò về làm ở nhà, thấy trò ngồi cắn bút. Có ai dạy cho đâu, không cắn bút mới là lạ, và cha mẹ trò phải phụ con làm bài. Trợ giúp lần thứ nhất móc điện thoại hỏi thăm mấy người quen, hổng biết. Trợ giúp lần hai chọn nhà bác Google, hổng ra. Hỏi thăm tới những bậc tiền bối văn học mới miền Nam thế kỉ trước, ông Hồ Biểu Chánh hay bà Tùng Long, các ông bà í từ chối, không, không... không có phải quê Sài Gòn, người ở dưới miền Tây, người tuốt miền Trung ngoải.
Lại còn điều kiện phải sáng tác trước 75 nữa mới khó.
Nhớ những năm còn đi học, nhóm sinh viên Hà Nội truyền tay nhau được đọc mấy cuốn sách làm người của Nguyễn Hiến Lê hay những tiểu thuyết "Điệu ru nước mắt", "Vết thù trên lưng ngựa hoang" của Duyên Anh, rồi "Loan mắt nhung" của Nguyễn Thụy Long... Trốn học mà đọc, ba bốn đứa châu đầu cùng đọc, bởi sách chỉ nằm trên tay mình được một hai giờ. Ngày ấy đã thích mê đi văn học Sài Gòn rồi.
Những tác giả ấy tuy sống Sài Gòn nhưng quê quán đâu cũng ngoải. Vả lại, những người làm văn hóa, văn học những năm ấy và sau này, mấy ảnh suy nghĩ sao xóa mất ráo văn học trước đây của Sài Gòn rồi còn đâu. Phải nói văn học Sài Gòn những năm trước kia có rất nhiều thành tựu, nếu được tập hợp tuyển chọn lại thì hay biết bao.

Lan man tí rồi trở về cái bài kiểm tra của trò lớp Tám. Ấy là nhà văn quê Sài Gòn, kiếm chưa ra, còn nhà thơ quê Sài Gòn thì chịu hẳn. Mà đề ra như vậy, đã kêu là lập "danh sách" là các trò phải kiếm cho ra cả thơ cả văn mỗi thứ ba bốn vị mới đặng.
Cha trò tìm kiếm một hồi cũng ngọng, rồi nói, hình như người Sài Gòn hồi nào giờ lo mần ăn không hà, hổng có giờ mần thơ mần văn sao á, nên kiếm ra tên nhà văn nhà thơ quê Sài Gòn sao khó quá đi. Để bữa nào mang ra bàn nhậu cuối tuần, ngồi đố khó nhau chắc là sẽ tìm được các nhà thơ, nhà văn quê Sài Gòn. Trò thành phố đã vậy, hổng biết trò ở các tỉnh khác sẽ làm bài văn này ra sao.
Không hiểu người ta nghĩ sao mà soạn ra và duyệt cái bài kiểm tra như thế cho lứa tuổi này, vừa đánh đố vừa xoáy, và chẳng để làm gì với các trò phổ thông, còn bao nhiêu thứ phải học.
Học Văn, tới giờ chắc là người ta vẫn tính "định hướng" cho đám nhỏ ngay từ tiểu học, cho nên sẽ khó lắm, cho trò phát triển và sáng tạo sau này.

Hôm rồi ngồi đọc tờ Thanh niên thấy người ta than thở việc dạy và học môn Ngữ văn của học trò bây giờ, ngay từ bậc tiểu học đã nhiều vấn đề. Thày cô nói tới cách chấm điểm trong môn Ngữ văn và những bài văn mẫu. Chấm Văn như chấm Toán, có thang điểm để chấm, đại loại như đã là tả tóc thì phải đen mượt, tả mũi thì phải là dọc dừa... Rồi chuyện sách văn mẫu, bài văn mẫu tràn ngập ngoài thị trường, hiệu sách nào không có. Học hành như vậy quả là đáng lo quá cho đám nhỏ.

Bữa ấy tan trường đã lâu,  các trò nhỏ đã lần lượt theo cha mẹ đón về nhà hết cả, cổng trường đã thưa vắng. "Ngày tháng Mười chưa cười đã tối", đường phố đã chuẩn bị lên đèn, bóng tối sụp xuống nhanh. Ở một góc sân trước cổng trường vẫn còn một nhóm nhỏ trò nữ lớp Tám đang đứng túm tụm với nhau. Chúng chỉ chịu chia tay khi ba mẹ chờ lâu ngoài cổng phải chạy tới nơi kiếm tìm. Một vài bà mẹ gắt gỏng con cái vì nỗi chờ đợi. Chợt thấy mấy đôi mắt đỏ hoe, các má lặng im. Con bé con cũng có mặt trong nhóm học trò đó.
Câu chuyện trường lớp tiếp tục trên đường về của cha con nhà kia, thì ra cũng lại chuyện Ngữ văn.
- Các con làm việc gì trong đó để các má chờ lâu quá vậy? Lần sau không nên như thế.
- À... Tại bữa nay có chuyện nên các bạn mới ở lại. Có một bạn... Mấy tụi con phải động viên bạn. Bạn ấy khóc quá trời.
- Có chuyện gì? Tại sao bạn lại khóc?
Câu chuyện của đám trò nhỏ là có một cô bạn trong khối lớp Tám. Cuối tháng Mười một vừa rồi bạn xếp loại học sinh trung bình mà không được đánh giá học sinh khá dù điểm trung bình các môn đều khá cao. Riêng môn Ngữ văn tháng rồi chỉ đạt điểm 5. Bạn rất đau khổ, bạn khóc.
- Xếp hạng trung bình không phải là xấu. Tháng tới ta sẽ ráng thêm, rồi còn thi học kì nữa, còn nhiều cơ hội sửa chữa nữa mà.
- Thì tất cả chúng con đều nói vậy với bạn, nhưng bạn vẫn khóc và còn nói chỉ muốn lao vô tường chết đi cho rồi.
- Ây dà... tầm bậy nào. Không bao giờ được có suy nghĩ đó, he he...  và tất cả mấy tụi con cũng không có xài mấy cái từ ngữ đó nghe, không nên một chút nào. - Bé con ngồi sau xe cũng he he cười theo:
- Là bạn ấy nói vậy đó. Chắc là bạn ấy sợ về nhà sẽ bị mẹ rầy la.
- Ừa, ba mẹ nào cũng có kì vọng về con cái của mình hết, mà kì vọng nhiều thứ lắm kìa. Ít nhất từ bây giờ, ai cũng muốn con cái mình, tất cả những đứa nhỏ phải học cho giỏi và ngoan. Ngoan ngoãn nghe lời thì dễ rồi, chỉ có học giỏi là hơi khó thôi.
...
Lặng yên một hồi, cô trò nhỏ khều cha nó, để ngày mai tới lớp con sẽ nói thêm với bạn ấy, là thi học kì sắp tới rồi, mà điểm học kì hệ số 2 lận. Đó là cơ hội, ráng lên một xí là qua ngưỡng khá thôi mà.

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Tìm bạn bốn phương



"Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân"
***
Đẹp giai, học giỏi con nhà giàu.
To khỏe dài đuôi gáy đã lâu.
Hiền lành, cưng bạn không đánh lộn,
Mỗi tội hơi "lùng", thế mới đau.

Điện thoại liên lạc: 090805... (Không chín không tái không nạm, thứ Bảy Chủ nhật nghỉ).