Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Quán bụi Bàu Sen.

Cháo bột Diên Sanh, Bánh canh bà Đợi mà quên mất quán nổi Bàu Sen ở ngoài kia, xa hơn một chút là không công bằng chút nào.

Bàu Sen nằm ở gần khoảng giữa Đông Hà và Đồng Hới, thủ phủ hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình trên đường 1A. Đi qua khỏi thị xã Đông Hà chừng ba bốn chục cây số ta sẽ nhìn thấy một vùng hồ nước thật lớn nằm bên phải đường quốc lộ. Bà con nơi đây kêu tên Bàu Sen, thuộc Lệ Thủy Quảng Bình. Dừng xe lại ở đây, nơi có mấy cái chòi lá lụp xụp ấy, và có lác đác những chiếc xe tải, xe con giát cơm trưa chiều.

Lần ấy ghé chơi, nhà cửa tuyềnh toàng, không sắt thép, không kèo cột bê tông. Khách hỏi thăm chủ cười hiền, mần quán lâu lâu rồi. Bao năm nay vẫn gà Ri thịt chắc thơm tho ngọt lành, vẫn rượu gạo quê nhà tự nấu, vẫn tôm cá trong bàu chép trắm mè trôi, bao nhiêu năm vẫn xài tốt. Mấy năm nghe liền liền bão lụt miền Trung, Lệ Thủy cũng dính đòn.

Người ta kể chuyện ở đất này luôn có hương thơm và vị ngọt của Sen trong hơi gió mỗi mùa Sen nở. Bởi trước kia nơi đây có Bàu Sen, có Đầm Sen là những hồ nước ngọt mênh mông. Người ta kể chuyện mảnh đất đây nhiều bão tố, lâu lâu thiên nhiên lại một lần lụt lội, bão cát như muốn thử xóa trắng quê hương miềng. Nhưng người dân Lệ Thủy đâu có chịu như vậy.
Xa xa tuốt bên kia bàu là những cồn cát bỏng nắng trưa Quảng Bình cùng những rừng phi lao kéo dài ra tới biển. Đó là những khu rừng phi lao vừa tạo môi trường sinh thái vừa phòng hộ ven biển, bao nhiêu con người chung sức gây trồng đã mấy chục năm để chống hoang hóa và xâm thực của cát biển.
Người ta kể chỉ sợ con người phá chớ không sợ thiên nhiên. Bởi có người trồng nhưng lại có người phá, mô có rừng là có kẻ phá. Người ta triệt hạ hết cây trên rú rồi còn nỡ phá luôn những cánh rừng phòng hộ ven biển để lấy đi những gốc phi lao già nua ấy, bao nhiêu năm mới có được, vô chậu làm kiểng chơi. Rồi tới cái quy hoạch xây dựng khu sinh thái nghỉ dưỡng ở nơi đây, nghe người lớn người ta nói, đã nhiều năm rồi vẫn chưa thấy đâu tới đâu, qua đi một kỳ năm năm rồi đấy.
Lan man chuyện không đâu, thôi mấy chuyện lớn đó để nhà nước lo, ta về với chuyện quán bụi trên hồ nước Bàu Sen.

Không phải quán xá xênh sang, càng không phải nhà hàng sang trọng có các cô tiếp viên xinh xắn mắt nói miệng cười. Không đèn mờ ảo nhạc du dương. Ở quán bụi có những gì?
Chỉ có mái lá tường tre, chiếu cói võng đay và sàn cây ọp ẹp. Vậy là  "Có cà, có cá có cả canh cua" chăng? Muốn, kêu là có liền nhưng muốn ăn ngon là có gà, có cá và có cả "quất ơ" cơ.

Mấy quán xá quá sức là đơn sơ nằm trên mặt hồ nước ven đường. Chỉ có thể kêu đó là những túp lều. Bởi đứng thẳng lên là đầu đụng mái, không bàn ghế xa lông gì ráo, sàn gỗ chiếu hoa trải, sàn tre nứa chông chênh mặt hồ. Khách vô ngồi xếp bằng, biết chơi thì rít hơi điếu cày cho thơm râu rồi ngả lưng say thuốc, không thôi ngồi nhâm nhi trước li rượu gạo, uống trà, chờ chủ nhà bắt cá, mần gà, nấu cơm cho ăn. Góc kia là mấy cái võng đay kẽo kẹt giành cho tài xế. Có muốn "quất ơ" thì nằm xấp chờ đó tui kêu tới, mấy thằng nhỏ ở đây "quất ơ" là nhất quốc lộ 1. Cái món tẩm quất, đấm bóp là ăn theo được của cánh lái xe tải. Họ khôn lắm, cánh lái xe tải đường dài ấy, nơi nào có niềm vui, có các cô gái ngoan hiền, nấu đồ ăn ngon lành là họ ghé.
Một cơn gió xà qua mặt hồ, len lỏi vào trong lều mát rượi.

Đầu bếp ở đây là những anh nông dân, những cô thôn nữ biết mần ruộng, biết nấu món ăn dân dã quê mùa đặc đồng quê Bắc bộ. Gà vườn luộc, muối ớt hột lá chanh, xé chặt tùy ý thích. Hỏi luộc cách chi mà ngon đến vậy, chỉ cười. Cá rọng ngay hồ nước dưới sàn nhà lá, trắm chép ưng con nào chỉ. Ưa ăn cháo cá ngọt ngay hay riêu cá chép, ăn với cơm trắng, đầu bếp tươi cười phục vụ. Một bữa cơm thuần, một hai ly rượu đưa cơm thôi chớ không có nhậu.
Không có những ông chủ mập mạp, kêu nhân viên một tiếng dạ ran. Dáng dấp các ông chủ bà chủ quán ở đây đến là thương. Họ lụi cụi chân chất từ dáng đi nụ cười. Khoái chí chuyện xưng hô, một điều "nhà em nhà bác" dù du khách có nhỏ tuổi hơn mình nhiều. Vợ chồng vừa là chủ quán, vừa là bếp chính và tiếp viên. Một điều chắc không có ai thay thế cho họ được. Và món ăn ngon như thế, các bà thị xã ở nhà có học theo cũng khó có thể nấu nướng ngon hơn vậy.

Bấy lâu không có dịp ghé, ngồi nhớ, không biết dung nhan của những chòi lá bụi bặm bây giờ ra sao, hương sen gió nội có bay đi ít nhiều, có còn chân đất quần xăn cao, còn nụ cười chân quê thương thương thế hay đã nhà gạch tường xây, lót men nền Trung Quốc. Không chừng vướng bài ca quy hoạch thì mất đi một chốn gió bụi đường xa đáng nhớ.
Nhắn với ai ơi đang trên đường thiên lý, có đi ngang hãy ghé chơi Bàu Sen và xin nhắn tin giùm.

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Gió bụi đường xa.

Nem chợ Huyện, cháo bột Diên Sanh, bánh canh bà Đợi, bún giò bà Mô... những món ăn chơi ở những vùng đất xa xa ấy dải đất miền Trung được gắn với tên chủ nhân của những quán ăn dọc đường thiên lý, bình dân giản dị thôi nhưng ai đã tới nơi, thưởng thức một lần rồi, sẽ đôi khi ngồi một mình ta chợt nhớ, chợt thèm đến lạ.
Nhớ nên phải viết tí không thôi để lâu quên, về những món ăn dân dã nhưng ngon thiệt ngon trên những nẻo đường đất nước. Viết cho bạn, cho con, cho ai đó mai mốt có dịp đi ngang, nhớ tới nó và thích khám phá thì tìm đến thưởng thức cho biết với người ta, và có được tí vốn góp, nói dóc được với đời.

Ở đất Quảng miền Trung nắng cháy có một món ăn dân dã là món cháo bột. Nổi tiếng là cháo bột Diên Sanh hay bánh canh cá Tràu cũng là nó, một món ăn chơi có hương vị rất đặc biệt của vùng đất Trị Thiên. Còn nghe người ta kêu món ăn này với một cái tên khác nữa là cháo giạt giường, nghe ngồ ngộ.

Sông Ô Lâu bắt nguồn từ các dòng suối nguồn nhỏ trong vắt từ những vách đá sỏi rừng đông Trường Sơn chảy xuôi về dẻo đồng bằng ven biển. Diên Sanh ở Hải Lăng, Quảng Trị. Đó là một vùng quê rộng lớn nằm bên dòng Ô Lâu ấy. Dòng sông chia đôi bờ, một bên là đất Diên Sanh còn bên kia sông là vùng Phong Điền, Thừa Thiên Huế.

Nguyên liệu chính của cháo bột Diên Sanh là bột và cá Tràu. Cháo mà nghe người ta khen nhiều, ta ghé thử ăn cháo đất này coi sao. Thì ra kêu cháo mà không phải là cháo. "Cháo bột" là tên gọi của người dân ở nơi đây chỉ món ăn làm ra từ thứ gạo được cấy trồng ở đồng đất quê mình. Về hình thức giống như sợi bánh canh được những người nông dân làm theo một cách riêng của xứ mình.
Dù ở đất miền Trung nắng gắt gió khô, khí hậu khắc nghiệt nhưng nhờ có một dòng sông, đất đai và ruộng đồng nơi đây có một phần trù phú. Hạt lúa nặng mồ hôi thương quý, con cá Tràu của sông Ô lâu không ngông nghênh to bự con như cá Bông cá Lóc vùng sông nước miền Nam, chỉ khiêm tốn vừa phải mà cho người ta thịt cá săn chắc, ngọt ngay.

Bột được làm từ gạo, phải chọn thứ gạo cấy trồng trong mùa lúa ngon của năm. Xay và nhồi bột theo một cách làm riêng để tạo nên bột vừa độ ẩm dẻo nhưng lại không dính. Người ta xay bột, nhồi cho kĩ, sau đó dùng ống tre cán mỏng nắm bột, rồi cắt nhỏ thành sợi nhìn giống như những thanh giạt giường tre nhỏ, nên cũng kêu là cháo giạt giường là vậy. Bột ai bán do quán tự nhồi chớ không mua, ăn nhiêu mần nhiêu, có ai tới kêu món mới mần bột. Mùa màng đất này không dễ, khi khó khăn lụt lội khi giá rét khi gió lào, làm nên hạt gạo bao công sức mồ hôi nên sợi bánh ở đây dai và ngon, thơm dẻo hương hoa đồng đất quê nhà.

Cá Tràu cùng là thực phẩm chính tạo nên vị ngọt của tô cháo bột. Nó chính là con cá Lóc đồng tươi rói ấy được người ta đánh bắt ở trên sông hay trong ruộng lúa. Cá mang hấp vừa chín tới cho rắn miếng, gỡ thịt cá để riêng còn đầu và xương cá giã ra nấu nước dùng.
Các loại bánh canh có nhiều hương vị khác nhau, bánh canh gà, thịt heo hay tôm. Nhưng bánh canh cá Tràu thì có một hương vị đặc biệt ngọt ngào. Nên người Quảng Trị tự hào bánh canh nấu với con cá Tràu của mình lắm.

Một gia vị không thể thiếu được cho món ăn này là củ Ném, không có củ Ném không thành cháo bột. Thứ gia vị cũng ngồ ngộ rất riêng tư của đồng đất nơi đây, bởi hình thức trông nó giống như củ hành củ tỏi nhưng lại chỉ có một tép một. Hương vị dịu dàng, ở nơi khác không có, ta đặt cho nó cái tên "hành đơn côi" cho vui. Xắt nhỏ hay giã dập củ Ném bỏ vô nước dùng, thêm miếng vô tô cháo cho dậy mùi cô đơn. Nghe nói đâu thứ củ Ném còn được dùng nấu chè giải cảm.

Đường đi vào Diên Sanh, ta sẽ ghé chợ huyện, sẽ gặp được nhiều hàng cháo bột ven đường ở quanh đây nhưng nghe người ta đồn quán cháo bột của o Thủy là quán nấu ngon nhất. Chỉ là một biển hiệu đơn sơ, ghế bàn đơn giản, khách hàng dân dã.
Ta sẽ căn giờ mở cửa bán hàng của quán o Thủy rồi nhào vô, sẽ là người mở hàng và nhận được nụ cười tươi cùng đôi lời trò chuyện hỏi thăm về món cháo bột của đất này.

Tô cháo bột được múc ra. Cho thật nhiều hành lá và cả lá củ Ném xắt nhỏ, thêm muổng ớt bột hay ớt bằm, nhiều nhiều vô. Ôi là thứ ớt trồng ở đất Quảng Trị này, nó cay xé lưỡi. Nếu hên ta kiếm thêm được bộ đồ lòng của con cá Tràu thì nhất. Cái bao tử giòn ngọt, nước dùng nhẹ nhàng, củ Ném thanh thanh, cá Tràu ngọt ngay và vị hành ớt cay nồng xông lên mũi. Nước mắt nước mũi hít hà, mồ hôi rịn ra trên mặt trên trán rồi lan lên kẽ tóc. Một giọt rớt lên tô cháo, mồ hôi thấm lưng áo. Rồi mồ hôi mẹ mồ hôi con khi ta kêu thêm tô cháo thứ hai.

Có anh bạn Phong Quảng, người bạn đồng hành những chuyến đi đường xa gió bụi, yêu miền đất này đến lạ. Cứ về đây ăn cháo bột hay cơm hến, khi nào anh cũng phải kêu cho mình ít là hai tô. Ơi cái xứ của anh, ăn tô cháo cũng cực mà ngon gì đâu. Cô hàng quà nhìn khách hít hà, ngoảnh mặt cười vui thế.

Bật mí một chuyện nữa là cũng ở chính miền đất  này là lò của Kim Long tửu, thứ rượu gạo dân dã, uống vô êm ru, say cũng êm mà không biết nhức đầu. Hàng hiệu Kim Long tửu đã có tiếng từ lâu nhưng anh em nhậu mới được biết đến thời gian gần đây do những người bạn quảng bá, tất nhiên thích hơn vẫn là Kim Long dân dã chớ không phải là Xika đại trà. Vậy nên ở đất này mới có câu ca:
Diên Sanh bán cháo giạt giường,
Trí Bưu bán rượu, Xuân Trường bán dưa.

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Chơi blog.

Có thể đầu tiên chỉ là chơi, chơi để biết thêm một tí với người ta và để tiêu tốn thời gian vào một việc hữu ích. Được ít lâu tìm thấy những niềm vui trong đó, thấy ham thích hơn rồi ghiền hồi nào không hay. Blog là một sân chơi riêng tư cá nhân hay của một nhóm bạn bè.

Có người chơi blog như một ghi chép hàng ngày để lưu lại những kỉ niệm riêng tư của mình, của con cái và gia đình. Có người gởi gắm những quan niệm, cách nhìn về xã hội hay chỉ đơn thuần là trao đổi chuyên môn. Còn hầu hết với nhiều người, blog là nơi gởi gắm qua những tấm hình đẹp, qua thơ ca hay những bài viết của mình về những niềm vui, một thoáng buồn hay chút lo toan trong cuộc sống thường nhật.
Có người muốn lưu giữ là riêng tư của mình còn hầu như ai cũng muốn chia sẻ với nhau, qua thư từ hay qua những lời comment ở sau mỗi một bài viết. Đó là sự giao lưu cần thiết muốn làm cho mọi người xích lại gần nhau, chung nhau niềm vui, chia sẻ suy nghĩ hoặc chân thành động viên nhau trong cuộc sống vốn đã bề bộn lo toan.

Chơi blog cho ta hiểu thêm về ta, hiểu thêm về người, về nhiều khía cạnh cuộc đời khắp nơi. Chơi blog cho ta bạn bè, cho thêm kiến thức, cho ta biết gần gũi cảm thông, nhìn cuộc sống và con người với mong muốn vươn tới sự hay đẹp.
Đọc của nhau, còm và trả lời bạn là một nét văn hóa của blog. Lời lẽ tôn trọng, hóm hỉnh cho ta ngồi cười một mình trước máy. Comment và trả lời đôi lúc trở nên trách nhiệm với bạn bè dù có khi ta thật bận rộn.
Nhắm đọc được của nhau là đọc, nhắm chơi được với nhau chơi, nhưng mỗi trang viết của mỗi người đều là một riêng tư phải được trân trọng và blogger phải có trách nhiệm trước câu chữ của mình, ít nhất với chính mình.

Có một hạt sạn sẽ làm cho người ta chán bữa. Có một trang viết bậy làm phiền người khác khiến người ta buồn lòng, đọc mắc cười nhưng lại làm người ta nghi ngại, nhất là các bạn nữ. Tại bởi có những người, họ tự nghĩ ra những chuyện tầm bậy, viết bằng những ngôn từ tầm bạ, phá đám sân chơi trong sáng của mọi người.
Trong nhóm đã có bạn phải hạn chế người đọc, có bạn phải kiểm tra trước hoặc khóa còm. Bạn kia mới nói chuyện, viết mất hứng, comment ở nhà hàng xóm bây giờ cũng ngại, lỡ có một ngày nào đó bị người xấu dựng chuyện ba láp, sẽ là ảnh hưởng tới gia đình và kể cả công việc mần ăn.
Biết được trong thời buổi này, chơi blog vẫn có những người không hiểu nổi như thế nào được kêu là người đàng hoàng và cách thức để làm một người tử tế. Nên muốn nói với các bạn, bỏ đi chuyện hạt sạn đó, sao lại phải để tâm tới người không đâu, chuyện không đâu. Các bạn hãy tin một điều rằng, mọi người đều hiểu và blogspot sẽ luôn lịch sự, sạch sẽ, là sân chơi vui vẻ, là nơi chia sẻ hàng ngày của mọi người. Nào cười to một phát, rồi tiếp tục làm đẹp nhà cửa, tiếp tục vui xóm làng.

Có một nhóm nhỏ blogger Sài Gòn chơi với nhau năm mấy nay. Lúc đầu là trò chuyện qua những bài viết blog, động viên nhau để viết cho nhau đọc ngày một hay hơn. Một ngày đẹp trời hẹn hò, ngồi dóc thấy hạp cạ, vui vui. Thế rồi lâu lâu hẹn nhau "ộp" phát, lúc hàng quán khi khách khứa phương xa, khi cà phê Anh Đỗ sân nhà, khi có bạn gần xa và khi có cả vợ chồng con cháu ríu rít. Mọi người luôn tôn trọng, coi nhau là bè bạn, chân thành, hữu nghị, mở lòng không phân biệt tuổi tác nghiệp nghề. Chưa ai biết lợi dụng nhau hay nhờ vả nhau bất cứ một việc gì, dù là rất nhỏ. Vui thế.
Đọc đâu đó thấy ở Hà Nội hay ở xứ người dù khoảng cách xa xôi, các bạn blogspot cũng có những bữa gặp gỡ vui chơi thân thương ấm áp tình người. Thật là thú vị và chúc mừng cho mọi người, mong muốn sẽ có nhiều dịp được giao lưu cùng những người bạn ở xa.

Nên muốn mượn lời của ai đó bên kia trong ngày lễ Tạ ơn: Cám ơn blogspot, cám ơn bạn bè để gởi tới tất cả.

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Ngày chia tay biển.

Nhà hàng Biển Nhớ năm bên mé sông trong khuôn viên cảng Sài Gòn. Những gian nhà ngói, bụi chuối, cây kiểng trên bờ cảng, khung cảnh nên thơ, thoáng đãng và gợi nhớ những kỉ niệm đã xa lâu rồi mà tưởng như mới ngày hôm qua. Mặt sông loang loáng hắt ánh đèn từ những con tàu hàng cặp bờ cảng, thanh bình hơn cùng những con tàu du lịch trên sông lặng lẽ qua lại, sáng chưng ánh đèn và thực khách hưởng thụ đêm sông Sài Gòn.
Gió từ sông lên mát rượi. Sáu Bảnh ngồi lặng lẽ ngắm dòng sông, quên mất nhóm bạn đang vui cười trò chuyện đón bạn gái blogger Hà Nội vô chơi. Tại nơi này đã là một thời kỉ niệm không thể quên được. Bến cảng thân quen trong bao chuyến tàu đi tàu về. Và bến sông ấy cũng là nơi Sáu Bảnh chia tay con tàu Tây Đô, chia tay nghề đi biển yêu thích, phóng khoáng, nên người.

***
Những năm ấy, một nhóm bạn làm nghề đi biển cùng công tác trong đội tàu công ty vận tải biển Vitranchatr, tạm đủ một thuyền bộ rủ nhau từ Sài Gòn về đi tàu cho Cần Thơ, ở nơi ấy mới thành lập một công ty biển mang tên Mekoship.
Hơn chục năm gắn bó với bao con người, bao buồn vui cùng sự trưởng thành của hầu hết mọi người, đã tới lúc nhóm bạn phải trở về nhà. Không biết vì một lí do gì, nhóm bạn ấy cùng nhau một lần về Mekoship, lại cùng nhau một lần chia tay biển, chia tay dòng Mekong để trở về nhà.

Ngày chia tay biển, tâm trạng mỗi người trong mọi người lạ lắm.
Ở Sài Gòn đã hò hẹn nhau trước, sáng sớm bữa ấy, thuê một chiếc xe khách nhỏ kiểu microbus 12 chỗ, cả nhóm lên đường đi Cần Thơ. Chiếc xe trực chỉ hướng miền Tây chạy một mạch và tới đậu ngay trước cổng công ty Meko nằm con đường trục Cần Thơ trên đường Trần Hưng Đạo.

Khối văn phòng công ty ở tầng trệt đang giờ làm việc. Mọi người gặp nhau, nhìn nhau, những nụ cười trong yên lặng.
Ở nơi này mỗi chuyến tàu về bến, những lần gặp gỡ như thế này luôn luôn là ồn ã tiếng nói cười, những thăm hỏi của chị em văn phòng và những bông đùa chọc ghẹo của đám thủy thủ xa nhà đã lâu. Bữa nay khác, bởi ai cũng biết sau buổi gặp mặt này là chia ly.
Những ánh mắt không hẹn đưa về phía chân cầu thang lên lầu phòng Ban giám đốc làm việc. Từ khi nhận thông báo họp mặt những anh em thuyền viên ở Sài Gòn của Ban giám đốc, mặc dù trong mỗi người đã chuẩn bị cho buổi chia tay và dự định công việc cho những ngày sắp tới nhưng ai cũng cảm thấy tâm trạng trống trải, như sắp mất mát một điều gì.

Căn phòng họp nhẹ nhàng, không chút căng thẳng nhưng không khí buồn buồn. Sáu Bảnh ngồi lặng yên ngắm nhìn những tấm tranh sơn mài treo trên tường là hình của Cần Thơ, Tây Đô, Sông Hậu đang neo đậu yên bình. Nhớ tới từng chi tiết những con tàu ấy bởi đã quá nhiều gắn bó.
Từ một chiếc đông lạnh nhỏ ban đầu, đội tàu thêm vào một chiếc, rồi một chiếc nữa… Công ty rồi sẽ lớn mạnh, đội tàu sẽ thêm những con tàu mới mang những cái tên thật đẹp như Ninh Kiều, Nhị Kiều, Phụng Hiệp… thuyền bộ hùng hậu, hàng hóa chờ tàu và miền Tây trù phú...
Thiếu vắng hai gương mặt thân thuộc từ những ngày đầu thành lập công ty là chú Bảy Tuấn cựu giám đốc và anh Tám Thơi trưởng phòng tổ chức. Chú Bảy tới tuổi đã nghỉ hưu được ít lâu còn anh Tám đâu đó bên cồn Ấu, nơi có miếng vườn của công ty với đám cá tôm hay loanh quanh đám đá gà nào đó. Anh không thích ba chuyện lùm xùm trong công việc nhân sự.

Những con người ngồi trong căn phòng bữa nay là ban Giám đốc công ty biển một tỉnh miền Tây và anh em sĩ quan tàu biển nhà ở Sài Gòn, bao nhiêu năm nay là một, bây giờ về sau là hai.
Tất cả đã cùng nhau kết làm anh em bè bạn bởi cùng làm việc từ những ngày gian khó đầu tiên công ty mới thành lập, cùng nhau những khó khăn vui buồn của thời kinh tế bao cấp khốn khó. Bao nhiêu rượu đế ở miền sông nước này như đã ngấm vào đám thủy thủ bụi bặm lang thang này. Điều mà các anh các chị đất Tây đô cho mọi người là tấm lòng giản đơn thơm thảo của miền đất nhiệt thành, thương quý người và hết lòng vì bè bạn.
Kết thúc của buổi họp nhẹ nhàng nhưng buồn lắm. Anh em thủy thủ Sài Gòn sẽ không còn làm việc với công ty, tất cả chia tay nhau mãi, trở về nhà.

Chúng tôi chia tay nhau.
Chiếc xe chở anh em chạy ngược Trần Hưng Đạo qua bến xe mới, bến bắc đây rồi bao lần qua lại với phà nhỏ phà lớn. Những gốc cây Sao cổ thụ ven con đường ra bến vẫn vươn trên nền trời xanh, có một gốc Sao ngần ngừ nhiều đêm người ơi người ở đừng về.

Đây rồi lộ 19, lộ 29, nơi có ông già tía thích nhậu là vô, vườn cam lặng gió, con Bảy con Tám, con Út xinh nhất nhà, bay ưa đứa nào qua cho không.
Tô thập cẩm Bình Thủy
Ngang quán hủ tiếu Ngọc Lan ở thị trấn Bình Thủy mà ai đó thường đi trên tuyến đường bộ Cần Thơ, Long Xuyên Rạch Giá tới Hà Tiên với những tô hủ tiếu dai thập cẩm mấy mươi năm nay vẫn ú nu, đậm đà ngọt nước quê nhà. Bên kia đường là tiệm bún bò Sông Hương, xuống chút xíu là quán Ba cô, ba chị em gái nhà họ Vương cứ gặp mặt là thấy nụ cười…
Quẹo ngang Bình Thủy. Dãy nhà mấy chú ở tỉnh tính cấp cho đám thủy thủ Sài Gòn, bây giờ chỉ có mỗi lão thủy thủ già Lưu Hên chuyển về ở đó.

Bữa tiệc chia tay chiều hôm ấy đã kéo rất dài và không nhớ đã có bao nhiêu bè bạn. Đồng nghiệp đi biển trên các con tàu, bạn nhậu kết nết, anh chị em nhà hàng Miền Tây...
 ...
Xin lỗi vì bài viết mất do sơ xuất.
Sẽ sớm viết lại.
...

Về SG tới nhậu từng nhà, đi Vũng tàu Nhậu bã bời, nhậu lê lết hết hai
Hai Thành chuyển về.
Sáu Bảnh nhận hồ sơ và chia tay Tây Đô

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Lan man chuyện đi tàu bay.

Đọc ở đâu đó, hổm rày râm ran việc hãng Hàng không quốc gia nhà mình đi thuê một ông phi công Hàn Quốc có cái bằng lái tàu bay đầy nghi ngờ, chợt giật mình, có chuyện đó thiệt sao.
Lâu nay chuyện bằng cấp giả đủ mọi nơi mọi cấp nghe quá nhiều nên chán hẳn rồi. Vậy mà vẫn còn, và lại ở trong cái ngành nghề này nữa thì bắt đầu cảm thấy hãi hãi. Đọc thấy nói chỉ mới có chuyện phải mất hai vòng chiếc máy bay mới hạ cánh được xuống đường băng bên xứ Hàn, chứ chưa có chuyện gì lớn, rồi anh cơ phó ấy một đi không trở lại, hú hồn. Hàng không quốc gia nhà ta chỉ có chuyện một ông cơ phó ấy thôi hay sẽ còn nữa không biết.

Cứ nghĩ là công việc đào tạo và cấp chứng chỉ cho phi công là bài bản lắm. Việc tuyển chọn để đưa vào sử dụng cho hàng không dân dụng chắc chắn phải là một quy trình nghiêm ngặt và con người sử dụng cho công việc này phải thật chuẩn xác, trên khắp thế giới.
Sau chuyện này, cầu mong mấy anh hàng không nhà mình tỉnh đòn, mần ăn bài bản lại, kĩ lưỡng giùm cho bà con nhờ, kẻo mai mốt thảo dân sợ hết, hổng ai dám leo lên tàu bay tàu bò nhà mình là thua hẳn.

Nhớ một lần bay ra Đà Nẵng chơi với đội Đất Tiên Sa, trời đẹp như mơ mà sao máy bay vòng vo trên bầu trời Đà Nẵng mấy vòng không hạ cánh, bà con không hay chuyện gì, nhưng lo lắng thót trong dạ. Mất  nửa giờ đau tim rồi cũng đáp được xuống phi trường. Hóa ra hổng phải chuyện gì quan trọng mà vì có chuyến chuyên cơ của anh sếp nhà nước mình mới tới trước đó, nên người ta bắt thảo dân bay vòng vòng trên trời chơi vậy thôi.

Lại nhớ một lần bay từ Sài Gòn ra Hà Nội. Bữa ấy cả nhà ra ngoải dự đám cưới của cô cháu gái. Đại gia đình đông vui ba thế hệ đưa con cháu mình ra làm dâu đất Hà thành. Một đoàn đông cả hơn chục người nên gia đình mua vé giá rẻ của hãng Jetstar, cũng một anh hàng không nhà mình. Cái lần đi vé rẻ ấy, gặp được mấy cô gái trẻ trung, xinh xắn thế, mà cư xử lạ lắm, từ khi làm thủ tục check- in cho tới hết chuyến bay. Hành khách giá rẻ hổng lẽ là những người quá giang sao, mà từ cái nhìn, cách chỉ dẫn cho khách, cách nói năng cư xử, họ coi khách hàng của mình như những người nhà quê mang nợ. Đi được một lần một, rồi cạch luôn cái hãng hàng không khinh người ấy. Giá có rẻ mấy cũng chào.

Khoái cái anh hàng không United airlines. Tuy tiện nghi và ăn uống trên máy bay bình thường thôi, nhưng đi đường xa chuyến nào của ảnh về là kiếm được một mớ điểm thưởng, và mớ điểm ấy làm được khối việc. Có khi rảnh rỗi mùa vắng khách, hứng lên làm cặp vé miễn phí đi chơi châu Á, cũng có thể dùng điểm ấy đặt phòng ở khách sạn ở một nơi nào đó mình đi qua. Hay thiệt chớ và lâu lâu họ còn nhớ mình, viết thơ hỏi thăm, gạ gẫm. Thế là ngứa dò lại muốn xê dịch để kiếm điểm membership
Anh hàng không quốc gia Singapore airlines và phi trường Changi có lẽ được đáng yêu nhất.
Một lần bay qua đêm, sáng ra mấy cô gái trẻ phát cho hành khách bàn chải kem đánh răng vào buổi sáng trước giờ ăn, một việc hành khách ít để ý tới. Những bữa ăn của hãng chuẩn bị cho khách khá tươm tất. Ăn uống như ngon lành hơn vì bữa ăn rất đầy đủ và sạch sẽ, muỗng nĩa họ xài thứ inox sáng trưng, nặng tay như ở nhà mình xài chớ hổng có chơi đồ mủ như các hãng khác.
Các cô gái tiếp viên niềm nở, luôn nhìn thấy nụ cười trên môi họ, khi cần là có mặt và chịu để mắt tới từng hành khách.
Trên máy bay còn bán nhiều loại hàng miễn thuế, từ rượu mạnh, nước hoa của những hãng sang trọng đến những món quà lưu niệm dễ thương.
Ai đã có một lần tới sân bay, qua một lần sử dụng dịch vụ của hãng hàng không này là sẽ có cảm tình liền, không thể không yêu nhà anh ấy được.

Sân bay Changi không chỉ là nhà ga mà còn là một trung tâm rộng lớn giành cho các dịch vụ mua sắm, nhà hàng khách sạn để phục vụ hành khách, nhất là cho hành khách quá cảnh. Dịch vụ internet miễn phí, những điều kiện cho người tàn tật, người già cả đều rất tốt. Xe Skytrain không người lái vận chuyển hành khách quá cảnh di chuyển giữa các Terminal.

Hệ thống thông báo giờ đi đến hay chỉ dẫn lối đi cho hành khách rõ và dễ dàng tìm kiếm.
Thảm đường đi luôn sạch sẽ như mới và những chậu kiểng trồng cây xanh mát mắt trên đường đi. Những cây xanh ấy sử dụng trong nhà được lựa chọn kĩ lưỡng, đẹp và có thể chịu được sự thiếu thốn ánh nắng.
Những bãi cỏ bên đường băng được chăm sóc kĩ  càng và xa kia là một rừng cây người ta trồng, qua nhiều năm nay rậm rạp xanh ngát. Dậy một cảm giác an lòng và tin tưởng trước một chuyến bay.

Những con tàu, những chuyến bay hay những bánh xe quay trên đường thiên lý luôn là lời mời gọi cho những ước mơ xa. Bạn ham đi đó đây ư, sẽ cảm thấy yêu biết bao mặt nước, bầu trời hay những cung đường xa thăm thẳm, ở đó luôn chứa đựng bao nhiêu khát khao khám phá.

Gởi gắm số phận mình cùng lòng tin và sự yêu mến tới hãng tàu hãng xe và những người phục vụ cho mình ở mỗi chuyến đi, ta sẽ trả tiền và được quyền an lòng để đi. Mỗi hãng bay, mỗi phi trường có một nét riêng, một cách riêng với hành khách, chỉ là lan man một ít cảm nghĩ trên đường dong chơi..

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

Chuyện vui mùa cưới .

Sài Gòn khí hậu giao mùa, những ngày đỏng đảnh khi trưa nắng nực nội muốn bỏ cơm, khi mưa dầm dề hết cả mấy ngày liền.
Bữa ấy có được một chiều mát mẻ, cả nhà Sáu Bảnh ngồi nhà vui vẻ không bận rộn việc gì, không độ đám với ai, cô Sáu tới bên chồng cười cười ỏ ẻ:
- Em nói nghe nè, lâu nay đám cưới bạn ai nấy đi, tuần tới đám nhà Ba Nhứt, vợ chồng mình cùng đi dự. Bữa nay rảnh chở em "sốp pinh" đặng kiếm mua cái váy áo cho tươm tất coi, đi chung với chồng con cho nó đâu đó, lâu quá lâu chỉ biết lo việc nhà, hổng có giờ sửa soạn chi hết.
Hay là mình tới Parkson Chợ Lớn đi, thấy người ta gởi thơ mời tới tận nhà đó. Mà sao họ hay thiệt, còn biết cả địa chỉ email của mình để gởi thơ nữa chớ. Còn nghe nói giảm giá nữa, "hấp dẩn hấp dẩn" giảm tới năm chục phần trăm lận.

Vợ chồng Sáu dắt nhau đi vẩn vơ trong cái trung tâm mua sắm sáng choang bóng lộn khắp mọi nơi, máy lạnh liu riu thơm nức mùi hàng hóa mới, ngơ ngác lạ lẫm như khách ở quê ra.
Đi ngang qua một cửa hiệu thời trang có mấy cô bé đang đứng tám với nhau, váy áo đồng phục đâu đó, thấy cười cười như quen nhau từ hồi nào. Con cái nhà ai mà xinh xắn thế không biết, vợ chồng nhà Sáu liền dừng lại nói dóc. Mấy đứa nhỏ thật niềm nở:
- Mời cô chú vô đây, chắc là cô muốn kiếm đồ dự tiệc, đi đám cưới ư? Vô đây là đúng chỗ rồi, nào mời cô.
Nghĩ bụng mấy nhỏ này hay thiệt ta ơi, làm như tụi nó đọc được suy nghĩ và ý định của mình.

Loay hoay thế nào chúng đã kéo cô Sáu vô tuốt bên trong, để lại một cô bé đứng tiếp chuyện gã muối tiêu. Cô bé nói chuyện có duyên, lại cao ráo, xinh đẹp không thua mấy người mẫu. Sao mà cái hãng thời trang họ tuyển người đâu ra khéo quá chừng.
Được một hồi cô Sáu quay trở ra với bộ váy áo sậm màu, bông nổi chìm óng ánh coi lạ hẳn, hơi mợ một tý nhưng dễ phải trẻ đến mươi tuổi. Đi lại dzòng dzòng, bước chậm bước nhanh, nhìn thẳng đã rồi nghiêng nghiêng người qua lại: được hôn, anh coi được hôn?.. Cô Sáu tủm tỉm cười miết coi bộ thú vị ưng ý lắm.
Một cô bé mang ra thêm một đôi giày cùng một nụ cười duyên: cô phải mang đôi này mới hợp với bộ váy đó.
...
- Vậy chớ đôi giày này nhiêu dzợ cô?
- Dạ có chín triệu à!
- Ây da...cô Sáu bỗng rụt tay lại... vậy còn cái váy?
- Dạ ba mươi sáu cô.
Lại nghe ây dà, à... rõ là tiếng cô ấy. Sáu nghe thấy lùng bùng trong lỗ tai nhưng cũng tham gia một câu bình lựng:
- Đẹp thì đẹp thiệt, nhưng váy áo chi mắc dữ vậy trời? Cả đám nhìn nhau cười cười:
- Tính ra chừng hai ngàn mấy chứ nhiêu đâu chú...
À ra là mấy nhỏ xài tiền theo kiểu Mỹ ông ơi. Hồi bình tĩnh lại, quy đổi theo cách xài tiền của mình, Sáu giả lả:
- Cháu gái à, tiền váy áo với đôi giày này cô mua cho chú được hơn trăm thùng bia, mỗi tuần tưng bừng, ba ngày tiệc nhỏ bốn ngày tiệc to, có mà vui cả năm. Cả đám trẻ lại cười cười nhìn nhau...

Ra về không mua được thứ gì, Sáu nghĩ bụng, mình quay lưng đi chắc tụi nó bấm nhau: vợ chồng lão này hâm là chắc, điếc không sợ súng.
Sáu hỏi bà thị xã bộ em tính sao vô chỗ đó? Ai biết đâu tụi nó, chắc tại mấy nhỏ thấy mình đi ngang, coi tướng em "soang soang" tưởng vớ được khách sộp, he he... Mấy nhỏ ép thử cho được bộ váy áo rồi ghi tên tuổi mình là để mấy nhỏ lấy điểm, làm bá cáo cho sếp, rằng có ai ai tới thử, tính mua, chứ a... có tiền em cũng hổng mua, có mà hâm à, xia... điên thì có, chừng nấy tiền để làm được biết bao nhiêu chuyện. Dừng lại một hồi, cô Sáu tiếp:
- Ở đây chỗ nào cũng hàng hiệu không, Escada của người ta đó, sờ vào là phỏng tay.
Sáu nói hàng hiệu chi thứ đó, người ta "pi e cạc đanh, cạc đòm" nghe choang choang ấy chớ còn cái này, "ét ka đa" hàng hiệu mà nghe cứ ngang ngang như tên cái giải bóng đá quân đội mấy nước Đông Âu "loong loỏng ờ gâu" ngày ấy, rã đám hết rồi. Hàng hiệu chi mà mắc như quỷ. Thôi người Việt xài hàng Việt được rồi.
Cô Sáu đang áp phê cái vụ thử váy áo, "phái chí" cười vang:
- Mặc cái áo một đống tiền thấy con người ta nó khác hẳn, đúng là quen sợ dạ lạ sợ áo, vậy ra tướng tá bà thị xã nhà anh cũng "soang" lắm chớ hổng đùa à nhen, hơ hơ... thôi đi dzề, dzề mau còn nấu cơm kẻo con tui chờ đói bụng lắm rồi.

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Cà phê góc phố.




Thật là thích thú những quán cà phê nằm ở góc phố, được nghe nhịp sống phố xá và nhìn ngắm người ta.

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Chuyện người thợ giày.

Tay nhẹ nhàng đưa từng mũi kim may lại một cánh hoa nhỏ trên chiếc dép xăng đan, một thoáng nhìn qua lại người khách muộn màng, anh thợ bắt chuyện:
- Chắc đôi giày của con gái?
- Của con gái tui, đúng rồi.
- Mấy vụ này thường là các má mang tới, ít thấy mấy ông. Cá chắc với anh luôn, cưng con gái dữ ha. Mảnh khảnh, đỏng đảnh, nhí nhảnh, lanh chanh, he he... Cháu học tới lớp mấy rồi anh Hai?
- Cháu học lớp Tám, nhỏ này lanh chanh, nhí nhảnh ác luôn... mà sao anh hay quá vậy?
- He he... em cũng có một cô con gái, nay học lớp Năm rồi. Lí lắc suốt ngày, cả nhà cưng chiều lắm.

Chiều đã buông xuống trên phố đông người, sắp kết thúc một ngày lao động. Mời nhau điếu thuốc, rít một hơi dài rồi đặt điếu thuốc lên chiếc đe gang kế bên, anh tâm sự:
- Em làm ăn ở góc phố này từ ngày còn là một thằng nhỏ. Vậy mà làm bạn với cái góc phố đã qua hết mười mấy năm rồi đó, anh Hai biết không?
Dáng vẻ bên ngoài, giọng nói và cách nói chuyện, nhận ra người Sài Gòn. Hiểu đời, thân phận và một ít góc cạnh. Tuổi ngoài ba mươi, vậy là anh sinh ra và lớn lên ở thời bình. Anh là một lớp người mới, hay kêu là "thế hệ mới" cũng được, như là người ta vẫn thường nói văn vẻ vậy.
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, cũng là một cái nghề - Anh nói.
Em dân Bình Hòa cầu Bông, giáp ranh Phú Nhuận với quận Nhất, gia đình ba mẹ anh chị em dzòng dzòng ở đó hồi nào giờ...

Ở tuổi còn đi học, thường nghe các anh chị nói chuyện học hành để tới nơi tới chốn ở Sài Gòn này là khó khăn lắm chớ không có giỡn. Ngày đó đâu có nhiều trường đại học, đâu dễ dàng vô đại học như bây giờ. Mấy người học hết tú tài, muốn vô đại học ư, muốn đi làm việc ư, phải có cái lí lịch kèm theo. Mà nhà mình không có cái lí lịch chi đó anh Hai à...
Vậy nên học chi nhiều giống mấy anh mấy chị cho uổng sức mình, uổng công cha mẹ. Ngày ấy, biết phận mình hổng tới đâu, em bỏ học ngang hông, ra đường phố kiếm nghề sống, chắc tay một cái nghề sẽ không lo đói. Mai mốt có lấy vợ, kiếm được đủ tiền nuôi vợ con là mừng rồi. Em theo nghề là vậy đó anh Hai.

Hất đầu qua góc xa kia, một cậu trai trẻ tóc vàng cháy cũng đang chăm chú với mũi kim trên một chiếc giày, anh nói:
- Đệ tử của em đó, nhà nó cũng ở trong xóm. Năm nay mười lăm, đúng bằng tuổi em ngày đó khi bước ra đây. Phụ được khá việc và em đang dạy nghề cho nó. Mỗi sáng đạp xe ra đây. Siêng và chịu làm thì sẽ có nghề, không thôi theo đám bạn xấu, hư người ráng chịu.
Em có một đứa con gái, vậy thôi không thêm nữa. Vợ chồng em nói nhau, phải cho con học hành đâu đó, đời mình lỡ rồi.

Ầy da... Con người ta ai không có ước vọng giàu sang, ai có phước có phần, ông trời cho nhiêu hưởng nhiêu, không cho phải chịu anh Hai ơi.

Những chai sần trên đôi bàn tay, bộ áo quần bạc màu đường phố, nụ cười hiền lành, nhẫn nại cùng một giọng nói an phận nhưng thạo đời về nhân tình thế thái với quan niệm về cuộc sống đặc chất thảo dân Nam bộ, anh là người hiểu biết và đã quá quen với những vất vả cuộc đời.
Cẩn thận trở ngược đầu đôi dép, bỏ bịch ni lon gọn gàng, anh cười chia tay, của anh xong rồi đó, rồi dặn dò:
-  Con nhà giàu giày hàng hiệu may lại đường chỉ, con nhà nghèo thường thêm gót hay dán lại đế bong keo. Làm hoài tui biết mà. Con nít học trò ưa chạy nhảy, mau sút mấy thứ trang trí này, rồi mấy cái móc khóa nữa. Có rớt thứ nào nhớ lượm mang tới tui may lại cho. Anh thợ giày quay qua dọn dẹp đồ nghề, lại cười vang.

Nghề sửa chữa giày dép ít người để ý tới, hoặc có để ý khi có việc phải tới rồi lại đi, lại quên. Nên khi có được một người trò chuyện về nghề nghiệp của mình, dù chiều muộn rồi vẫn không thấy gì vội vã, khách chủ mau xích lại gần nhau. Một cảm giác gần gũi, anh thợ giày thật vui chuyện trong ít phút trải lòng cùng người khách lạ, có lẽ là người khách cuối cùng trong ngày.
Chỉ là một cái đe nhỏ bằng gang, một cái máy mài nhỏ cùng mấy thứ đồ chơi búa nhỏ kềm nhỏ, kim chỉ cũng nho nhỏ và đôi bàn tay khéo léo là sở hữu của anh suốt những năm ấy ở nơi này.
Ngày tháng cứ trôi qua như dòng người xe vẫn chạy mãi trên đường phố. Có những đôi guốc cao, những đôi giày bóng, những đôi xăng đan mềm vẫn mòn gót ngang nơi anh ngồi. Ở đó có môt góc đời và một góc phố.