Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Nghỉ ngơi tí.


Bận bịu việc nhà nhiều, mất thời gian nhất vẫn là chuyện đưa đón học trò, tự nhắc từ giờ không "bán than" nữa, ráng thu xếp, độc lập tự lo hạnh phúc.
Lâu thật lâu mới có được một tối chủ nhật cha con chở nhau đi bát phố. Sài Gòn hiếm hoi sân chơi nên có một cách chơi là xách Honda dạo phố, hóng người qua lại, đôi khi cũng thấy vui vui mắt, thanh thản lòng.
Không muốn quan tâm tới nước ngập triều cường ngày đỉnh triều cao nhất và nước ngập nhiều nơi, tối Chủ nhật có khá đông các bạn trẻ đi chơi ngoài đường phố, đông vui một phần có không khí lễ Halloween. 
Ngày cuối cùng của tháng Mười là ngày lễ Halloween của các nước ở những phương trời xa. Những năm gần đây ở Sài Gòn, từ những trường học quốc tế, những trung tâm ngoại ngữ thường tổ chức các hoạt động vui chơi, nên văn hóa được giao lưu. Các bạn thanh niên và nhất là đám nhỏ đã nhớ và thích thú ngày lễ này với những trang phục ma quỷ, lưỡi hái và mặt nạ. Đám nhỏ đòi mẹ cha mua cho được mấy thứ đồ chơi, tiếc là ở Sài Gòn không có thứ bí đỏ màu sắc và lớn trái cho đám nhỏ tụi nó đục khoét tạo hình thì sẽ rất vui.

Ở xứ người ta, ngày lễ này nghe đâu được tổ chức lớn và vui lắm, nhất là ở bắc Mỹ, vùng đất New England, nơi có những bước chân của những người dân di cư đầu tiên, mang theo và phát triển truyền thống của lễ hội.


Vào tháng Mười, thấy nhiều nơi người ta đã bày ra những trái bí màu cam đỏ rực rỡ hay những hình nộm anh chị nông dân ngộ nghĩnh, ở nơi công cộng hay ở trước của nhà người dân. Ngoài những trái bí đỏ đủ mọi kích cỡ, màu sắc hấp dẫn được sáng tạo bằng nghệ thuật tỉa củ quả, còn có nến, những trái bắp đủ màu, trái cây khác.

Riêng trái bí rợ, người nông dân trồng ra được rất nhiều loại bí có hình thù ngộ nghĩnh, màu sắc cũng đa dạng khác nhau như được trang điểm, được tô vẽ nên màu. Coi thấy là thích và ai cũng muốn lựa mỗi thứ một trái mang về nhà, bày chơi vậy thôi. Và những trái bí ấy như được làm đẹp chỉ riêng cho mùa lễ hội Halloween.
Là một đêm cho con trẻ vui chơi, là một đêm chia tay mùa ấm áp để bước vào mùa giá lạnh tuyết băng. Đêm Halloween cũng là một đêm giao hòa của thế giới âm dương, của người sống với người chết.
(Rảnh rang và có giờ, mời đọc lại  bài viết Halloween cũ cho vui.)

Và người lớn cũng muốn nhúc nhích, thay đổi không khí một tí cho vui cửa nhà. Thế là cà phê Anh Đỗ xuất hiện hình nộm của hai anh chị nông dân, coi cũng dễ thương. Lại tiếc là không có mấy trái bí đỏ cho nó sắc màu.

Phen này anh quyết đi buôn bí.

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Nói dối.

Chuyện của nhà kia. Bữa ấy,  vợ chồng đi cùng nhau tới dự đám giỗ ở nhà một người bạn.
Vào tiệc, lâu lâu bà thị xã ngó qua căn nhà đối diện rồi khều ông xã phát. Cái khều ấy được hiểu ý là uống in ít thôi, hoặc là bữa nay về sớm đó nghe. Cứ nghĩ bài này thuộc lâu quá rồi, "khi mới quen nhau em hay lấy tay em khều khều", các bà thị xã nào không giống nhau cái khều nhắc nhở ông xã khi đi ăn nhậu. Chưa được mấy tuần, về là về thế nào. Nực nội rồi đó nhưng cũng muốn nhường nhịn nhau cho thuận thảo nên ông xã phải miễn cưỡng đứng dậy. Trước khi về ráng châm đầy ly chào bàn phát "chăm phần chăm" cho đỡ ghiền.

Mỗi lần nói dối,
 cái mũi lại dài thêm một khúc.
Bữa ấy khều không phải chuyện uống, là chuyện khác. Mới ra khỏi nhà bạn, bà thị xã te te lội sang bên kia, vừa đi vừa kêu ai đó: "Tám ơi, Tám à...Tám!". Có cô gái nào đó đang ngồi chơi trước hiên nhà ngẩng lên, đứng dậy bước vội vô nhà. Quay lại yên vị trên xe rồi mới nghe bà xã ấm ức: "Là cô Tám đó bố có biết không?".
Tám là tên cô giúp việc nhà hồi tháng rồi, cô làm việc được đúng tuần lễ thì biến mất. Dịp ấy ở Sài Gòn kiếm người giúp việc nhà khó, không có mấy nhà người ta ở với nhau được lâu. Một bữa, bà thị xã liên lạc với Trung tâm Bình Minh, một trung tâm môi giới việc làm ở quận để kiếm người giúp việc nhà. Sau khi đóng phí môi giới đâu mấy trăm ngàn đồng, sớm hôm sau có ngay cô Tám tới.
Làm được chừng tuần lễ mới quen hơi cửa nhà, một bữa thấy Tám điện thoại với ai hồi lâu rồi xin phép về quê một bữa, chỉ một bữa thôi. Tám về đặng thăm và mua thuốc về cho bà cụ ở nhà bịnh, mai sớm trở vô liền. Thấy nói người già bịnh, bà thị xã hối Tám về liền đi và ứng trước cho tháng lương còn ông xã dúi thêm một ít phụ Tám tiền xe nè, và thêm một ít mua thuốc cho cụ nè.
Bữa sau không thấy Tám về. Mấy bữa tiếp theo không nghe alu aleo, nghĩ bụng chắc là bà cụ bịnh nặng. Qua tuần lễ cũng không thấy bóng dáng Tám đâu, đành chịu chớ biết sao giờ. Bà thị xã nói, cô ấy nghỉ luôn rồi, trung tâm ấy nói dối đó, cả cô Tám cùng nói dối luôn. Ông xã nói, ai mà đi nói dối mẹ già mình bịnh nặng, vô phước.

Vậy mà bữa nay Tám ở Sài Gòn sao? "Chắc mình nhìn lộn đấy". Ông xã an ủi bà thị xã. "Không dám đâu, em nhìn thấy cổ từ khi mình mới tới đầu hẻm". Tính chuyện ngày mai trở lại coi có chính xác là Tám không, mắng vốn một lần cho bớt giận nhưng rồi không làm vậy được. Hãy coi như mình nhìn lầm, vì không muốn mất thêm chút niềm tin mong manh trong lòng.

Trước ít lâu, đọc đâu đó về câu chuyện một con người hư vô được dựng lên gắn với hình tượng một bó đuốc sống từ những năm nẳm, tới bây giờ người ta mới nói ra, ngỡ ngàng.
Mới đây, lại đọc đâu đó, có một vị giáo sư già ở tuổi gần đất xa trời, một ngày bỗng nhận rằng chính mình là người đã gán tên tác giả Lý Thường Kiệt cho bài thơ thất ngôn tứ tuyệt khuyết danh "Nam quốc sơn hà". Rồi sau đó ông cùng đồng sự và học trò viết vào sách giáo khoa dạy dỗ cho con người ta từ cấp tiểu học tới trên đại học. "Con chim sắp chết thì tiếng kêu thương, con người sắp chết thì tiếng nói phải". Ông đã có lời xin lỗi muộn màng, một lời xin lỗi ở Quốc tử giám trước các thế thế hệ thày giáo và học trò, trước hương khói tổ tiên và trước thềm ngàn năm đất Thăng Long. Lại ngỡ ngàng, không biết đã có bao nhiêu thế hệ học trò, có bao nhiêu con người học rồi lại dạy lại người khác theo cái giáo khoa ấy nữa.

Có quá nhiều chuyện dối và người nói dối. Mỗi kiểu cách mỗi khác nhau, nhưng những lời nói dối thì dù của ai cũng giống nhau, làm cho lòng tin của con người ta bị tổn thương ghê gớm.

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Nghĩ chuyện đi lại hàng ngày.

Đường phố Sài Gòn một năm chỉ có đúng một ngày đầu năm, ngày mồng Một Tết ta để dành cho người Sài Gòn được thư thả đi lại trên đường và nhìn ngắm được huốt tầm mắt hàng cây góc phố con đường nhà mình ở. Ngày ấy những người ta tứ xứ đã về quê nhà của mình sau một năm cày cuốc trên đường nhựa. Còn lại quanh năm Sài Gòn là khói bụi, là tiếng kèn xe, tiếng máy xe và người với người.
Quyết không ai nhường ai một nửa bánh xe, cả xe máy lẫn xe hơi, nhúc nhắc từng mét đường, mặt mũi đăm đăm, mắt nhìn thẳng, nhẫn nại ở những ngã tư đường. Đó là hình ảnh người phương xa tới đây nhìn Sài Gòn mỗi sáng mỗi chiều.
Ở nhà mình, phòng khách nhà ai cũng chứa vài ba chiếc xe máy. Mỗi sáng mỗi mở cửa, mỗi người mỗi xe mỗi hướng ra đường chen chân nhau cho biết thế nào là buổi sáng Sài Gòn. Quy hoạch nát bấy và giao thông loạn xạ.
Ai cũng phải tự lo chuyện đi lại cho mình nhưng cũng chưa phải chắc ăn, không chỉ kẹt xe mà luôn phải lo cho tính mạng của mình và người thân. Nghiêm chỉnh đứng chờ trước lằn trắng đèn đỏ nơi ngã tư, một ngày 13 thứ Sáu xui xẻo bỗng có thằng ku chạy xe tự động xài cả hai chân tông sau lưng biết đường nào mà tránh. Đọc, nghe, nhìn tai nạn mỗi ngày mà xót xa cho con người ta.
Ra ngoài đường là phải ngó trước ngó sau. Đi trước đi sau hay đi ngang xe bus, nội nhìn nó ẹo qua làn xe máy, ẹo lại đường xe hơi, thích thì hai xe sóng đôi. Tiếng kèn xe và tiếng  xi nhan "chéo chéo" liên hồi sau lưng, nghe còn hoảng hơn xe cứu hỏa cứu thương, ai cũng tự khắc tránh xa. Mấy chuyện móc túi trên xe bus, tài xế bắt hành khách quỳ lạy mới mở cửa, cảnh sát với người tham gia giao thông đánh lộn, mặc tà lỏn điều hòa giao thông, xách điếu cày phang người đi đường, người bị móc túi mếu máo trên xe bus năn nỉ xin lại kẻ cắp cái bằng lái... xảy ra hàng ngày. Coi sự đời qua những clip ấy, ai cũng thấy những giá trị nhân văn đang đảo lộn. Xã hội rồi sẽ đi đến đâu. Và có mấy người ta dám đi xe bus.

Ở đâu đó viết, tự hào với mười mấy khu công nghiệp, khu chế xuất ở Sài Gòn và thành phố này đã "thu hút" được bao nhiêu lao động, giải quyết bao nhiêu việc làm. Mọi người khen ngợi nhau khi có gần năm chục trường đại học nằm hết trong các quận nội đô Sài Gòn, từ Thủ Đức tới trung tâm quận Nhất. Đó là chưa tính hết bao nhiêu trường cao đẳng, trung cấp, đào tạo nghề nằm trong nội ô, mai mốt lên đại học mấy hồi.

Chế xuất ở cửa ngõ, trường đại học ở nội đô. Dân số tăng hàng năm, bây giờ đã quá đông còn vận chuyển công cộng bao năm qua vẫn vớ vẩn. Nội đô Sài Gòn mở rộng, làm mới được mấy con đường hay chỉ là nâng cấp đường cũ trong mấy chục năm qua. Thành phố lộn xộn ở nhiều lĩnh vực vậy còn bày đặt cấm xe cá nhân, đi xe bus, đổi giờ học giờ làm của mẹ con người ta đón đưa nhau hàng ngày. Chỉ là chuyện đánh đố, đơn giản đáng lẽ có hai chuyến đi về thì bây giờ thành bốn, đẩy nhau ra ngoài đường cả ngày và còn bao nhiêu chuyện loằng ngoằng giờ giấc, sinh học, chất lượng làm việc... nữa. Tính toán vậy mà cũng tính được mới hay.

Đi chơi ở những thành phố lạ ở nước ngoài, người ta thường dặn dò phải chú ý chuyện đi lại trên đường kẻo tai nạn. Nhưng với những ai đã từng tham gia giao thông ở Hà Nội và Sài Gòn hàng ngày rồi thì chuyện giao thông ở đâu cũng là chuyện nhỏ, bởi họ đã quá dạn dày trong môi trường giao thông dường như khó khăn nhất thế giới.
Người dân ở Sài Gòn thèm lắm là những phương tiện công cộng. Chỉ yêu cầu tiện nghi tàm tạm, yên ổn và đúng giờ giấc, xe máy sẽ tự đào thải.

Có một bữa nào, những người đang chen chúc trên đường hôm nay sẽ yên vị trong những toa xe điện mát mẻ chạy trên trên cao hay chui tọt xuống lòng đất, trên phố chỉ giành cho con nít đi học đi chơi, người người nhẩn nha, trò chuyện, ngắm nhìn nhau và đi mua sắm.
Và ta sẽ ngồi nhâm nhi trong một quán cà phê góc phố, chiêm ngưỡng cuộc sống đang đi qua thanh bình nhẹ nhõm, chắc sẽ thú vị lắm.
Đường phố vắng, người đi bộ qua lại, lâu lâu một chiếc xe đạp tay cầm ngang vụt qua, một đoàn khách du lịch làm duyên chụp ảnh, một ít dân công sở nhẹ nhàng đồ vét, vội vã bước chân và phía xa kia, một cô giáo trẻ tà áo dài thướt tha cùng các em nhỏ, líu ríu tay trong tay, dẫn nhau bước qua đường.

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Sông Seine.

Paris nổi tiếng là một trung tâm thương mại và tài chính, văn hóa nghệ thuật và thời trang cùng nhiều điều khác nữa. Nhưng Paris thật nổi tiếng hơn với địa danh của những bảo tàng, cung điện, của quảng trường và nhà thờ...
Những công trình kiến trúc tên tuổi gắn với lịch sử nước Pháp nằm đôi bờ con sông Seine cùng với những thành tựu văn học nghệ thuật được sinh ra từ nó.

Đến chơi với Paris, du khách thế nào cũng sẽ giành một buổi chiều để ngồi trên thuyền đi dạo một vòng với dòng sông này, hưởng gió mát khi chiều xuống. Để được chiêm ngưỡng từ góc nhìn của dòng sông một quần thể kiến trúc lâu đời, bền vững và tuyệt đẹp, vô cùng hấp dẫn bên đôi bờ của nó. Không biết đã có bao nhiêu hình ảnh đẹp được người ta chụp ở nơi đây.

Sông Seine trong xanh và hiền hòa chảy qua như là một mạch máu chính, một đường trục chính để từ đó người ta xây dựng nên một Ba Lê tráng lệ. Dòng sông bắt nguồn từ vùng cao nguyên miền Đông Pháp, chạy xuống làm đẹp cho thành Paris, loanh quanh trong vùng đồng bằng rộng lớn rồi đổ ra eo biển Manche ở cửa biển La Havre. Thuở xa xưa, dòng sông này chắc đã là con đường giao thông thủy huyết mạch cùng với các bến cảng sầm uất, và bây giờ dọc theo đôi bờ để lại rất nhiều các công trình nổi tiếng về kiến trúc và lịch sử,

Ta sẽ nhìn thấy những công trình to lớn ấy ở đâu đây, luôn quấn quít bên dòng nước chảy. Bên kia là những mái chóp nhọn của tòa thị chính còn xa kia là quảng trường La Concord.
Ta sẽ đi ngang thềm nhà thờ Đức Bà Paris cổ kính nằm trên một hòn đảo giữa sông Seine. Nơi ấy là điểm mốc tọa độ số O của thành Paris.
Bảo tàng Louvre nằm dọc trên con đường bờ sông. Gần ngàn năm trước đây vốn là một pháo đài, sau trở thành cung điện rồi giờ đây đang là một trong những bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới, nơi cất giữ bao nhiêu di sản quý báu của con người, là những hiện vật giá trị của nền văn minh cổ xưa và các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng.
Phía xa kia, tháp Eiffel, công trình kiến trúc đầu tiên được dựng lên bằng khung thép với những con tán, ngạo nghễ bên sông vươn mình trên nền trời xanh.

Nối đôi bờ con sông Seine là rất nhiều những chiếc cầu. Bây giờ có tới 37 chiếc cầu nối theo nhau và chắc sẽ còn được xây thêm nữa trên dòng sông ấy ở Paris. Nhiều cây cầu có tuổi đời hàng trăm năm, được xây bằng gạch và đá, kiểu xây cuốn và nhiều hoa văn.
Trong những cây cầu ấy, cây cầu lâu đời nhất nay đã trên bốn trăm năm tuổi và cây cầu dễ thương nhất có thể là cầu Alexandre Đệ tam, quà tặng của Sa hoàng nước Nga cho Paris vào năm đầu tiên của thế kỉ 20.

Người đi bộ dạo chơi trên cầu và người đi thuyền dạo chơi dưới nước luôn vẫy tay chào nhau mỗi lúc họ gặp nhau. Paris thanh bình, những gương mặt và màu da ở khắp mọi nơi, nụ cười vui tươi và thân thiện.

Có một thú vui văn hóa ở đây là ngồi đọc sách bên bờ sông xung quanh một khu chợ nhỏ mua bán sách báo cũ ở con đường ven bờ sông Seine. Người ta nói ở nơi đây có thể tìm kiếm được rất nhiều kiến thức và đôi khi sẽ gặp những điều bất ngờ thú vị. Sách là thú vui và cũng là một nét văn hóa riêng tư của người Paris. Khi buổi chiều xuống, sách báo được người ta sắp xếp lại trong những thùng sắt gọn gàng bên bờ sông.

Ở nơi nào cũng vậy, dọc theo hai bên bờ sông Seine, người ta xây kè đá chắc chắn, vừa sạch đẹp vừa vững chãi để cho mọi người ngồi chơi, phơi nắng, để lứa đôi tâm sự hay khoác tay nhau đi dạo bên bờ.
Thỉnh thoảng bất chợt hiện ra ở những ngã ba sông, những khoảnh sân chơi nho nhỏ hình mũi tàu, nên thơ lạ thường. Một đôi trẻ chụm đầu ngồi tâm tình, một nhóm bạn tụ tập đánh cờ, người mơ mộng ngắm sông nước làm thơ hay thư thả buông cần câu dụ cá.

Dòng sông hiền hòa, nước sông xanh ngắt lững lờ trôi. Người ta đã xử lý môi trường cho con sông quá tốt. Ở một khúc sông trên kia, vào mùa Hè người ta còn làm nên một bãi biển nhân tạo dài hàng cây số, như một công viên cát cho mọi người tới đây chơi, người lớn tắm nắng và con trẻ vui đùa.

Paris nằm xa xích đạo về phương Bắc. Hàng năm khi mặt trời gần chuẩn bị rời xa về phía bên kia bán cầu là mùa Thu bắt đầu về. Được dong chơi nơi đó trong khoảng thời gian chia tay ấy của mặt trời thật là thích thú. Khí hậu sẽ là dễ chịu, ngày dài hơn đêm nên ta sẽ được đi chơi từ sáng sớm tới tối muộn mà bầu trời vẫn còn sáng trưng.
Và mùa này, người dân Paris cũng thích đi chơi xa. Đường phố luôn thưa vắng, nhẹ nhàng. Dường như họ muốn nhường lại sự yên tĩnh của thành phố này cho du khách thập phương. 

Những chuyến đi chơi đây đó là những dịp được tìm hiểu, được học hỏi rất nhiều điều hay đẹp ở khắp nơi.

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Thử máy phát.




- Hoa Sử quân tử.







Bát tiên đỏ mini.





- Hoa Bò cạp lửa.

Sung độ


 -Mẹ con nhà gà.                                    - Sau mấy ngày mưa, nắng lên so cựa nhau chơi.
- Ra dáng đàn ông thời nay.

- Luôn thích làm dáng với bạn gái.





Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Người Việt phương xa.

Một nhà hàng ăn uống lớn vừa phải, lượng khách cũng vừa phải. Từ bên kia đường  nhìn qua, biển hiệu bên ngoài cửa tiệm mang dòng chữ Indochine cùng màu sơn chói, nghĩ bụng chắc là một tiệm ăn của người Hoa. Nhưng bước vô bên trong tiệm, nhìn thấy trên tường là những tấm tranh khổ lớn, một vịnh Hạ Long, một dòng sông Nam bộ và một cảnh chợ phiên làng quê miền Bắc. Cô chủ quán chừng bốn mươi ngoài, nụ cười thật tươi kéo ghế mời khách. Một nụ cười Viêt xa xứ. Thành phố Strasbourg, một thành phố du lịch của nước Pháp nằm kề biên giới với nước Đức. Phong cảnh ở đây thật đẹp cùng một lịch sử lâu đời.
Đoàn khách đi du lịch theo tour, sau bữa ăn trưa lại chuẩn bị ra xe đi thăm thành phố. Nhìn hai người nữ đã đứng tuổi chăm chút bữa ăn cho cả đoàn, nhìn ánh mắt, nụ cười, chắc là bữa nay hai chị vui lắm. Gặp được đoàn khách sang đây chơi từ quê nhà, lăng xăng ra vô từ khi đoàn khách mới tới, khi thăm hỏi, khi tiếp đồ ăn nước uống, coi bộ rất muốn trò chuyện cùng những người đồng hương.
Rồi cũng tranh thủ nói chuyện với Ngọc và người chị được ít phút.

Hỏi tiệm ăn nhà mình mở được lâu mau rồi, Ngọc vui vẻ, được mười năm rồi đấy anh ạ và đây là tiệm thứ hai. Tiệm cũ có nhỏ em gái đang coi còn ở đây là em và bà chị. Tiệm của em làm rất nhiều các món ăn, anh thấy đấy, Tây Tàu Việt đủ cả và theo cách cho khách tự chọn. Có Phở nữa đó, bé có muốn ăn Phở không để cô lấy nào, quay qua bé Nhí, cô Ngọc cười.

Ngọc kể chuyện xa xưa, khi ở tuổi hai mươi, cô sang đây rồi ở lại luôn, thấm thoắt đã gần ba chục năm.
Ánh mắt Ngọc luôn dõi theo một cô bé chừng bảy tám tuổi đang chạy chơi một mình phía xa xa. Thấy khách cũng nhìn theo cô bé, Ngọc nhoẻn cười, con gái em đó. Giọng cô bỗng nhẹ xuống, em sanh cháu bé hơi trễ, thời gian trôi qua mau quá, cứ mải mốt lo làm ăn, em không kịp nhận ra mình nay đã lớn tuổi rồi.

Ngày ấy, những năm đầu thập niên 80, gia đình Ngọc sang đây, vừa đi du lịch và thăm người anh lớn đang học ở đại học Strasbourg. Bỗng nhiên thấy yêu thích cuộc sống của thành phố này, mấy anh chị em xúm lại dụ ba má, thôi hổng về nữa, ở lại đất này luôn. Suốt đời thương con và chiều chuộng con cái, ba mẹ Ngọc vốn đã là một gia đình Việt kiều tại Lào, nghe theo lời đàn con, ở lại xứ người làm ăn sinh sống. Thế là cả nhà Ngọc định cư tại Pháp từ ngày ấy.
Sáu anh chị em bây giờ mỗi người một việc ở khắp mọi nơi. Ngọc cười, gia đình đa quốc gia, người làm việc bên Canada, người Thụy Sĩ, người ở trên Paris còn mấy chị em gái thì ở lại đây, mở nhà hàng ăn Việt.
Tuổi Mẹo anh ạ, vất vả lắm. Ơ, cô này, ai nói con Mèo vất vả? Ăn cơm với cá, tối lên gác bếp nằm ngủ. Đùa vui, cô có biết Hợi Mẹo Mùi tam hạp không? Cô Ngọc là hạp tính hạp tình với tui lắm đó, có làm ăn chung là khá à nha. Ngọc cười, làm ăn lúc này khó. Mấy năm nay sao người Hoa họ tới đây nhiều quá. Anh biết không, người Hoa đi tới đâu là có tiệm ăn tới đó. Họ mở tiệm ra nhiều, họ cạnh tranh quyết liệt và cũng những món ăn Đông Á, làm mình mỗi ngày mỗi khó...

Bé con lúc này tới loanh quanh bên mẹ và dì của nó ngước lên hóng chuyện, lâu lâu lặng lẽ nhìn cha con nhà kia, hiền lành và dễ thương hết sức. Hỏi cha bé giờ làm gì, Ngọc buồn buồn, tụi em thôi nhau rồi anh ạ.  Rồi cô buông dở câu nói, những khi tụi em còn khó khăn không sao, lúc làm ăn được chút chút thì...
Thật là tiếc tự nhiên lại hỏi thăm về chuyện ấy, làm cho câu chuyện đang vui bỗng vương một chút lạn sạn. Chụp với nhau tấm hình kỷ niệm, nói cô Ngọc ráng đi, vui tươi luôn luôn, mong cho nhà hàng đắt khách, kiếm nhiều tiền còn lo cho con bé mai mốt này.
Ngọc nói sắp tết Trung thu rồi đó, nhớ bánh Trung thu bên nhà quá đi. Cô lấy ra cuốn sổ nhỏ ghi điện thoại và địa chỉ. Nói em về Việt nam thường ở quận Tư, thế nào về thăm Sài Gòn em cũng kiếm anh đó, có được không?.. Rồi Ngọc hối, thôi cha con nhà anh đi mau đi kẻo mọi người chờ đợi. Đi chơi đi, chụp hình cho nhiều, Strasbourg cổ kính và dễ thương lắm đó.
Con bé con đã bỏ ra một góc nhà từ hồi nào, nó đang ngồi chơi một mình ở cái bàn gần cửa sổ, bàn tay nhỏ vẫy nhè nhẹ cùng nụ cười thay lời chia tay, một nụ cười thật hiền và dễ thương hết sức.

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Không chơi với thành tích.

Chẳng biết nên vui hay nên buồn khi cả tháng nhong nhỏng ngoài đường đón đưa nhau, con đi trường học cha đi trường đời, từ bữa khai giảng tới giờ. Một chiều học về, trò rụt rè đưa cha bài kiểm tra đầu tiên. Giật mình nhìn điểm số 4.8 dưới trung bình.
Bài kiểm tra môn Văn 90 phút của trò nhỏ dzầy:

Câu1,2 - Nhân vật lão Hạc trong tác phẩm:
                Lão Hạc. Tác giả: (bỏ trống).
             - Nhân vật chị Dậu trong tác phẩm:
                Tức nước vỡ bờ (Tắt đèn). Tác giả: Ngô Tất Tố.
              - Trường từ vựng là: rắp tâm, tanh bẩn.
Câu3,4 - Viết về tình thương yêu trong gia đình.

3. 
Tình thương gia đình là một điều tất yếu. Một con người từ khi sinh ra đến lúc chết đi không thể nào thiếu được tình yêu thương, vì con người khó có thể nên người được nếu thiếu tình yêu đó.

Tình cảm gia đình cũng giống như sự chăm chút, quan tâm đến một hạt giống vậy. Nếu hạt giống được trồng trên đất tốt, được bón phân, tưới nước đầy đủ, được để ra ngoài trời, chăm lo cho từng tí một thì hạt giống ấy sẽ trở thành một cây đại thụ. Còn nếu bị đối xử tàn tệ, thì dù có mọc lên cây non thì nó cũng sẽ dần héo úa.
Có thể nói tình yêu thương của bố mẹ, người thân là không thể nào thiếu được trong cuộc đời một con người. Tình yêu thương đó ấp ủ bảo vệ ta, khiến ta cảm thấy bình yên khi về đến nhà, được nhìn thấy những người yêu thương mình. Tình thương vô bờ bến ấy sẽ là động lực cho mỗi đêm tối khuya học bài, mỗi khi thấy lười nhác, vì ta sẽ không muốn thấy người thân thất vọng.

Tình cảm gia đình thật là một điều kỳ diệu. Khó có ai có thể thành người nếu thiếu mất tình yêu thương thiêng liêng, vô bờ bến ấy. Chúng ta cần quan tâm, giữ gìn tình thương ấy.

4.
Trong gia đình tôi mẹ tôi là người vừa hiền hậu vừa đảm đang. Còn bố tôi dù nghiêm khắc nhưng cũng yêu thương tôi nhiều như mẹ tôi vậy. Nhưng người chiếm vai trò gia sư, và cũng là người chị tuyệt nhất thế giới thì chỉ có chị tôi mà thôi.

Hồi còn nhỏ tôi ghét chị tôi lắm. Chị vừa ra vẻ biết tuốt, mà còn hay mắng tôi nữa. Trí óc tuổi lên sáu của tôi làm sao biết được cái ân cần trong giọng nói của chị khi chị bắt tôi dọn phần chén đũa của mình sau khi ăn xong, hay nhắc tắt TV đi ngủ sớm.
Đối với tôi, đó là một cực hình khi mẹ bảo Hai làm gia sư cho tôi. Hai hơi nóng tính do di truyền của bố, nên mỗi lần tôi làm sai ba bốn câu là y như rằng: "Trời ơi, câu này dễ quá mà cũng không biết à?" hay: "Bài này sai nữa rồi nè, sao không tập trung gì hết vậy?". Mẹ vẫn hay bảo hai chị em tôi cứ như chó với mèo, quả thật không sai.
Nhưng dù giận Hai đến mấy, tôi lúc nào cũng giảng hòa trước. Đôi lần thì mẹ bảo, đôi lần là do tính cầu hòa của tôi. Mà dù không đồng tình với cách "vừa giảng vừa la" của Hai, tôi cũng phải công nhận rằng Hai giảng bài dễ hiểu thật. Mỗi lần xung phong làm bài, tôi thường nhận điểm tốt.

Nhưng rồi một lần kia tôi bị ốm nặng. Một trận bệnh sốt Rubella làm tôi nằm nhà cả tuần. Tay chân nổi lốm đốm đỏ, sốt râm ran. Lúc đó, Hai cũng lạ lắm. Thường thì năm giờ chiều thì Hai đã về rồi, nhưng dạo này sao tới sáu rưỡi hơn Hai mới về, sau đó lại ở lỳ trong phòng đến khi ăn cơm mới chịu đi ra.
Sau một tuần tôi trở lại lớp. Mở cuốn tập ra, tôi bất ngờ: kế hàng chữ ngoằn ngoèo của tôi là nét chữ ngay hàng thẳng lối bằng mực tím của Hai. Hai đã mượn tập thày cô trong trường về chép lại cho tôi! Chương trình lớp một lớp hai không nhiều lắm nhưng cũng làm tôi thấy rất vui và cảm động. Thầm cám ơn Hai và tự nhủ: "Tối nay về, thế nào mình cũng ôm Hai một cái thật chặt mới được".

Hai tôi và tôi bắt đầu thân nhau hơn từ ngày đó. Hai chắc đã quên rồi nhưng kỷ niệm dễ thương đó sẽ giữ mãi trong lòng tôi.
***
Đọc rồi thì thấy bài vậy mà cô nỡ đánh giá dưới trung bình? Hơi tội nghiệp cho trò. Điểm kém, về nhà sợ bị rầy la, nhưng trò không ngờ cha lại vui vẻ: Học Văn là phải học ăn học nói sao nói cho người đối diện nghe đặng, học Văn là phải biết viết làm sao cho người đọc người ta có cảm nhận. Cha chịu cách viết này, cách chọn vấn đề và viết cứ như vậy là được. Cứ mạnh dạn, nghĩ sao viết vậy chớ không cứng ngắc theo cô. Cô cho điểm kém thì ráng chịu, bất quá phải thi lại nhưng cha sẽ không buồn đâu.
Trò13 tuổi, văn vẻ viết vậy là đặng. Cô giáo chấm điểm cách này, đúng là nói không với thành tích thiệt, nhưng không động viên được trò. Trò nhỏ nhát tay hư cựa, viết tầm bậy tầm bạ lại hỏng người.
Còn hên cho trò nhỏ, mạnh dạn mang bài thắc mắc với cô giáo liền, được cô tăng từ 4.8 lên 5.3, may mắn thoát nạn. Cái mạnh dạn tự tin trong trường hợp này được việc.
Nghe người ta nói không với bịnh thành tích thấy vui vui tai, nhưng điểm dưới trung bình là hổng được rồi nghe. Là điểm liệt biết không, là phụ công đường đi học sớm chiều đón đưa, phụ cái sân trường sáng nắng chiều mưa giữa trưa thoắt mưa thoắt nắng đó, trò có biết không?

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Chụp linh tinh chơi.

Lỡ sống vào cái thời cầm điếu thuốc lá cho ra dáng đàn ông, bây giờ khó bỏ. Không quảng cáo liên quan tới thuốc lá và khuyên các bạn trẻ đừng có hút, hại sức khỏe và ở đâu cũng phiền hà.
Mỗi khi đi chơi đây đó, lâu lâu cứ phải kiếm mấy ẻm này tâm sự. Vừa tập làm người lịch sự vừa khỏi lo phiền tới những người xung quanh. Đứng ở mỗi nơi, để ý tới các em như một thứ trang trí vui vui mắt. Mỗi em một kiểu dáng. Có em giản dị chân quê kiểu truyền thống, mặt mũi sạch sẽ sáng trưng, có em bự con nặng nề như cối xay lúa, lại có em chân dài kiểu cọ đứng một mình làm dáng ở góc sảnh. Nhìn thấy mấy ẻm như nhận một tín hiệu mời gọi, ở đây được phép riêng tư, lại mà tâm sự với em nè...



Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Nỗi buồn công nghiệp.

Chuyến đi chơi miền Trung và cao nguyên mới rồi vào ngay mùa mưa, anh em hẹn nhau ráng ghé thăm cụm thác nước Dray Sap thuộc Đắc Nông, nằm cách xa thành phố Ban Mê chừng bốn chục cây số. Hùng, bạn người Hà Nội công tác tại Ban Mê nhiệt tình đưa mấy anh em đi tới tận nơi.

Dray Sap nằm trên sông Serepôk, bắt nguồn Nam Trường Sơn, sông không chảy ra biển Đông như mọi dòng sông mà ngược về tây, nguyện làm một nhánh của dòng Mekong hùng vỹ, mang phù sa về đồng bằng.
Khu vực này nổi danh từ lâu với cụm thác chồng Dray Sap, thác vợ Dray Nur hoang sơ, nước reo ầm vang, bụi tung sương khói cùng với truyền thuyết về một câu chuyện tình lứa đôi cảm động.
Khu du lịch vắng ngắt, mấy chú bảo vệ ngồi hút thuốc vặt, hờ hững nhìn theo mấy du khách lớn tuổi, đi chơi để suy nghĩ nhiều hơn là vãn cảnh. Đường xuống thác ẩm mốc, xơ xác. Nghe người ta nói và được coi hình ảnh thác nước ngày xưa thấy hùng vĩ lắm. Sao bây giờ tới đây,  ngay giữa mùa mưa nguồn nước đổ mà dòng thác quá là khiêm tốn.
Anh Thành, người rất yêu thiên nhiên trong đoàn chạnh lòng: Tạo hóa, thiên nhiên đã sinh ra mọi thứ trên đời này. Trong đó con người ta là một sản phẩm của tự nhiên nhưng sản phẩm tự nhiên ấy đã phát triển quá hùng mạnh, vượt ngưỡng, rồi quay lại phá hủy thiên nhiên...

Nghe nói tới thủy điện Buôn Kuop là lớn nhất, còn có thêm vài đập ngăn nước cho những nhà máy thủy điện khác trên dòng Serepôk. Chắc là những công trình ấy đã lấy đi mất nguồn nước của dòng sông này, của thác chồng thác vợ. Nghe cụm từ bóng bẩy "đánh thức tiềm năng thủy điện của Đắc Nông", lại nghe ngành du lịch nơi ấy thở than thủy điện đừng bóp chết du lịch. Có ai đã giật mình trước sự phát triển ồ ạt của thủy điện ở miền Trung và cao nguyên những năm vừa qua.
Đâu rồi hình ảnh đẹp của những thác nước, Dray Sap và Dray Nur với dòng chảy ào ào trải hết mặt thác, bụi nước tung trắng trời?
Chợt nhớ tới anh bạn không được đi chơi chung lần ấy. Anh đang nằm trên một công trường thủy điện rừng núi Lạng Sơn, mỗi ngày chỉ hóng điện thoại theo đoàn. Biết là nghề xây dựng vất vả, phải đi, phải xây nhưng vẫn muốn nhắn với bạn mình về đi thôi, ở chi trên rừng mưa lạnh mười mấy độ, ham chi mấy thủy điện biết có được vài ba "mê" ấy, để rồi thở than, chiều biên giới em ơi... sương mù khắp nơi giăng lối.

Miền Tây.
Mấy bữa nay nghe tin nước lụt, điện thoại về dưới quê hỏi thăm. Cô Út nhấc máy, nghe giọng nói biết người thành phố quan tâm, cười vang trong điện thoại rồi làm một hơi:
- Anh Mười hả? Trên thành phố có lụt không mà hay dưới này lụt?... Ây da, năm nay nước ngập trắng trơn khắp nơi. Hồi nào giờ mới thấy. Mươi năm trước bị một lần nhưng nước mới tới ngoài sân. Nay ngập tới bếp. Nhà mới cất lên mấy năm, thềm cao ngút mà bữa nay ngấp nghé rồi.
Hỏi chớ sinh hoạt đi lại sao, cái chân ông Năm bữa nay bớt nhiều chưa? rồi làm sao mỗi ngày đi châm cứu,
- He he... mắc cười lắm, mấy bữa cha qua nhà thờ châm cứu, ra đường lộ vừa lội nước vừa cười, nghiêng ngả như người say gượu, đi về rồi cũng tới nơi.

Điện thoại tiếp qua bên kia cù lao, có người thành phố hỏi tới, dù chỉ một lời thăm, nghe giọng Hai Thiết, cô cũng he he cười, như chẳng hề có lụt, vui hết sức:
- Anh Mười hả? Nước lụt khắp nơi, nước lên mỗi ngày. Chúa ơi... bữa trước lúa sắp trổ nay nước trắng đồng. Cả tuần lễ có, mà còn lên nữa, bữa qua nước đứng được một ngày, nay lại mưa lên lại, chắc phải mươi bữa nữa mới xuống, hổng mần ăn chi hết anh Mười ơi. 
Hỏi chợ búa cơm nước sao, cô Hai lại cười lớn:
- He he..., mắc cười, bữa nay ngoài đường nước lên tới lưng quần rồi. Ở nhà lấy mấy tấm ván kê trên hai cái lu, mang cái bíp đặt trên đó, nấu mỳ gói ăn chơi....
- Vậy chớ mấy nhỏ nghỉ học ở nhà sao?
- Hổng có, vẫn đi học chớ. Đứa cha cõng, đứa mẹ bồng, té ướt lướt sướt. Bữa qua anh Hai té nè. He he... đâu không té, té cầu khỉ gần nhà, do chính tay chả dựng, cột chớ ai.
Hỏi chớ cá mú sao, lại cười như không hề có lụt:
- Hổng sao hổng sao, nước lên bè lên theo, mấy bè cá cá hổng sao, chỉ có người ta và con nít cực thôi. Chờ mấy bữa nước xuống thôi mà...

Nhớ năm rồi mấy anh em tính ngày tháng rủ nhau về miền Tây ăn cá Linh, ăn canh chua bông Điên điển khi mùa nước nổi nhưng nước đâu có nổi, chỉ mon men một ít cuối mùa. Còn năm nay nước lại về nhiều quá, lụt trắng đồng. Ấy vậy nhưng người quê miền Tây vô tư lắm, vẫn vui vẻ trước đỏng đảnh hay giận dữ của thiên nhiên, chỉ nhắc mình ráng thêm, rồi cũng qua đi cơn khó...

Người ta thực sự lo lắng, ngoài những công trình thủy điện đã xây dựng trước đây, sẽ có hơn chục con đập sắp được xây dựng trên dòng Mekong. Dòng sông đang gánh chịu một cuộc chiến giành năng lượng của các quốc gia mà nó đang đi qua để hưởng lợi từ nó. Mối lo lắng  như đã rất rõ về về an ninh lương thực khu vực và sinh kế của hàng triệu con người đôi bờ lưu vực Mekong.

Có bao nhiêu những công trình thủy điện trên các dòng sông? Ngăn sông lấy điện ra tiền nhưng cũng là việc đó đã chặn đứng dòng chảy, bức tử những dòng sông từ bao đời tạo hóa, làm xác xơ và biến mất dần những khu rừng đầu nguồn. Sự tổn hại về môi trường sinh thái là không thể hồi phục.
Cứ tháng này vào mùa mưa bão những năm gần đây, ta lại nghe nhiều tin mưa tin bão, tin lũ xả gần xa, tin mất lúa mất cá và mất cả mạng người. Khắp lượt dải đất miền Trung, rồi đồng bằng Cửu long cho đến vùng rừng núi cao cũng không tránh khỏi.
Một nỗi buồn công nghiệp đang làm biến đổi những dòng sông chảy và suối thác điểm tô, làm xao xác những cánh rừng xanh và muông thú, những cánh đồng lúa màu mỡ và vườn cây trái, tất cả đã sống với nguồn nước của mình bao đời nay cùng quy luật đất trời.