Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

1Tháng Mười, ngày "giừ", vui xí.

Bữa nay viết lại một bài cũ, mấy bạn hiền đọc lại nghe, và giật cái tít trên cho nó máu, để "com cầu", he he... và để chia sẻ với những người chưa hẳn cao tuổi, mới chỉ kêu là "trọng trọng" tuổi thôi trong đám bạn blogger "giừ".

Người già và vé số dạo.
Ngày 1 tháng Mười năm nay là tròn 10 năm Liên hiệp quốc lấy một ngày giành cho người cao tuổi, ngày để mọi người ở khắp nơi nhớ tới, quan tâm và thêm gần gụi với những người cao tuổi. Khi nào họ cũng là những người đã có thời gian lao động nhiều hơn cho xã hội.

Người đời nói bốn chín chưa qua năm ba đã tới. Ấy là "giừ" rồi, là nhắc người ta cẩn thận với cái tuổi dễ có tai nạn để mà tránh. Nếu đã bước qua cái tuổi năm mươi là U60 ráo. Kêu là "hội giừ" cho vui vui chứ kêu tới "hội người cao tuổi" thì thôi rồi, nghe xa quá, ngại ngại.
Người ta nói khi lớn tuổi có nhiều người trở về trạng thái của con trẻ. Càng lớn tuổi tính tình càng giống con trẻ hơn. Ai "lịch" thì người ta nhẹ nhàng nói, ui... tại người già nên hơi khó tính một tí ấy mà. Người trẻ khó chịu kêu là người già hâm. Thực ra có khi là tật của tuổi già. Nhiều tật lắm. Chuyện vui tí về tật hoài cổ và hay dỗi của lứa tuổi, giống như con trẻ.

Người già với gánh hàng rong.
Đọc bên nhà bạn Lana, thấy có chuyện của một trò kể, "Năm nay cô giáo mới môn Hóa chán quá. Hỏi chán sao? Đáp: cô nhiều tuổi rồi, dạy thì ít giảng đạo đức thì nhiều. Lớp con là lớp ngoan nhất trường, từ đầu năm đến giờ gần như tuần nào cũng giành cờ thi đua. Thế mà cô giáo môn Hóa cứ bắt lỗi suốt, cứ có tý lỗi là cô bỏ hàng 20-30 phút ra "giáo dục công dân", thường là bằng cách kể chuyện ngày xưa thế nọ thế kia, rằng nhiều học trò xưa của cô, thậm chí cả các bậc phụ huynh, nay vẫn cảm ơn cô vì cô đã nghiêm khắc dạy dỗ. Điều đó có thể đúng, nhưng cách đó chả thuyết phục được ai, nhất là tụi trẻ @. Nên cứ đến giờ Hóa là chả đứa nào thiết học, đúng hơn là nghe giảng đạo đức. Thế là cô dỗi, lại càng kể nhiều chuyện xưa".
Nghĩ bụng, vậy là cô giáo của bạn í có tật kể lể hoài cổ cộng thêm cả bịnh dỗi nữa.
Chợt giật mình thấy ít lâu nay mấy anh "giừ" nhà mình trò chuyện bắt đầu có biểu hiện "hồi đó hồi đó đó..."

Người già vé số đg Lê Duẩn-SG.
Một buổi sáng tại một quán phở bên Tân Thuận. Quán phở Bắc hiếm hoi ở khu vực này nên khách ra vô đông, không ai để ý tới một bà cụ ở một góc nhà. Bà cụ đang loay hoay dọn thu thu dọn quần áo cũ, vật dụng cá nhân vô một cái giỏ xách. Bà cụ là mẹ của chủ quán, chắc là con cháu đưa cụ ở quê vô.
Có tiếng ai đó mời ăn sáng, bà vẫn ngồi đó im lặng. Một hồi, kéo nhẹ chiếc ghế kế bên, bà đặt lên ghế cái giỏ xách và im lặng ngồi nhìn vào khoảng không. Rồi,  nói một mình rất nhỏ, nói mà như không nói với ai, nói mà như một hơi thở dài. "Quần áo, đồ dùng cũ, nhưng mà còn dùng tốt, sao lại vứt bỏ hết của tôi chớ".
Đôi mắt người già bạc màu nhìn xa xôi. Bà cụ dỗi con cháu một chuyện gì.

Một bữa cả nhà mới ăn cơm xong được một khúc, thấy vợ con ngồi kế bên mà không có ai động đậy, chí ít cũng lấy giùm cây tăm miếng nước uống, hai tay nâng niu cho phải phép, kiểu làm sang phong cách "cậu mợ". Lại nghĩ mình là người chủ bự nhất gia đình, là người lớn tuổi nhất, kiểng nhất, là người đàn ông duy nhất, đương nhiên đẹp trai nhất trong nhà... Với bấy nhiêu cái nhứt nhứt ấy đáng để "yết kiêu", đáng được ưu đãi, vậy mà không được ai quan tâm, thế là dỗi.

Dỗi.
Nghĩa là ngồi yên lặng hổng thèm nói năng chi hết, mặt đăm chiêu ngó qua một bên, lâu lâu liếc trộm qua một miếng coi người ta có nhúc nhắc gì không. Ngồi hoài không thấy ai ngó mình, mẹ con vẫn say sưa ngồi "tám" chuyện gì đó ở lớp ở trường, lâu lâu lại cười he he, càng bực bội. Một hồi thấy dỗi không được gì đành đánh tiếng:
- Chớ...  a, sao cơm nước xong nãy giờ hổng thấy ai mang tui cây tăm ly nước nào ta.
Thế là mẹ con giành nhau mỗi người hai tay mang một thứ:
- Bố bố, đây đây, có ngay có ngay...
Lại tám tiếp, lại he he tiếp. Nghe một hồi im lặng, thấy mẹ con nhìn nhau rồi cùng quay qua:
- Ủa... nãy giờ không nghe tiếng bố nói gì? thế... thế ...bố dỗi đấy à? Rồi cùng nhau đồng loạt cười he he thật lớn phát nữa.
Người ta chọc mình, người ta còn biết tẩy mình nữa, quê một cục! Đành phải làm huề he he cười theo. Nghĩ bụng dỗi là thiệt thòi.

Bạn nhậu thỉnh thoảng có người dỗi. Nhiều bữa ngồi rề rà dăm ba sợi, quá cữ có người nói nhiều, hồi nói đi nói lại, một chiện nói hoài, nhắc nhẹ phát thế là bạn dỗi. Lần khác cũng vậy, có người muốn nhắc một câu, ăn nhậu không chơi nói tục, không nói lớn trong bàn, lại sợ trật ý bạn, lại cứ sợ bạn dỗi, mai mốt nó không thèm chơi chung nữa là buồn.
Mình chưa tới mức dỗi nhưng ghét, chiều cuối tuần không ghé nhóm bạn nhậu nữa, được mấy bữa ngồi nhà buồn héo luôn. Nhưng vẫn nghĩ ăn nhậu có một vài thói quen không hạp hàng xóm, không tự coi mình, không sửa riết thành tật, lại tật người lớn tuổi.

Người già và chợ hẻm.
Nghĩ càng lớn thêm, các quan hệ xã hội từ từ giảm đi, nói cách khác có chọn lựa hơn. Bạn bè bây giờ hầu như là bạn đồng học thời phổ thông, đại học, gần đây thêm một ít các bạn chơi blog. Những mối quan hệ vô tư lự, đã nhậu với nhau rồi, nhậu vài lần thấy nhau được được, lâu lâu ngồi nói dóc, chia sẻ được tí vui tí buồn, cho đời nó tươi. Làm bạn được với nhau vậy là quý, ráng giữ gìn, chớ người đời thì "triệu người quen có mấy người thân..."

Nghĩ vậy mà có đôi khi suýt dỗi đám bạn blog. Ai đời, người ta rõ ràng blog anh Đỗ, chữ to hẳn hòi, vậy mà mấy nhỏ kia 'tiêng triềng" sao cả làng kêu bác Đỗ hết. Người gặp rồi thấy tóc bàng bạc, mặt nhăn nhăn không nói, cả những người ở xa đẩu đâu, chưa gặp bao giờ, "anh" Đỗ hổng thấy ai kêu, kêu ráo "bác" Đỗ. Biên giới rạch ròi, hết cửa. Dã man hết biết luôn.
Người ta mới có ba mấy năm mươi, dư chút chíu, chưa về hưu mà. Trong hội có mỗi thằng em nhỏ tuổi kêu  "anh cả", nghe đặng, khoái cái lỗ nhĩ, hổng ai biết tuổi biết giừ. 

Thấy có nhiều người hay dỗi hoặc kể lể nhưng rõ đó là một bệnh của lứa tuổi, càng cao tuổi càng dễ có. Nhưng thôi, biết rồi, mang tật "kể lể và dỗi" là thiệt thòi.
Khi ta dỗi sẽ làm những người đối diện khó xử. Ngồi kể lể ngày xưa có thể làm mất vui một bữa cơm gia đình, làm dang dở một cuộc đi chơi cùng chúng bạn hoặc làm lợn cợn cho một buổi nhậu xả hơi cuối tuần, uổng rượu uổng mồi. Mà dỗi và kể công thì chỉ được với những người thân thiết với mình, vậy thì kể, thì dỗi chi dzợ, cho cả mình và cả người ta phải suy nghĩ. Nên dứt khoát là thiệt chớ không có lợi.

Cứ nghĩ như vậy nên lâu lâu có việc gì suýt dỗi lại tự nhắc mình thôi đừng có dỗi, nhớ đừng có dỗi! Dỗi chỉ có thiệt thòi mà thôi. Và có muốn kể chuyện hoài cổ cho con cháu nghe, phải lựa lúc, lựa cách mà kể.

Năm nay mon men tới những người cao tuổi rồi, giật mình trách thời gian sao chạy mau quá, không ngồi đó nhậu đi để giờ cho người ta, còn biết bao nhiêu chuyện phải mần.
Chiều cuối tuần nào hội "giừ" cũng ngồi với nhau. Chiều nay sẽ nâng ly mừng cho những người cao tuổi, khỏe luôn và sáng suốt hết luôn.

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Lại thở than xí cho đời bớt khổ.

Lại là chuyện học hành của đám nhỏ, chuyện năm nào cũng có.
Câu chuyện từ trong năm của cha con nhà kia. Viết nháp bài từ bữa đó nhưng ngại lỡ cô giáo có bờ lốc bờ leo mà đọc được, con bé con bị ém xì bùa, tội nghiệp nó.
Chuyện là có một bữa, cha bé nhận cái giấy mời phụ huynh học sinh tới gặp chủ nhiệm, giật mình nghĩ bụng chắc là con cái nhà mình có chuyện chi chắc lớn à, mới có giấy mời cha mẹ tới mần việc. Nhưng không phải, thực sự không có gì ầm ĩ, vậy mà lâu lâu nghĩ  thấy hơi buồn buồn.

Ở trường học ấy có tiết mục báo bài qua tin nhắn điện thoại, cha mẹ nào thích thì đóng tiền nhận tin nhắn  về thời khóa biểu mỗi ngày để theo dõi và nhắc bài cho trẻ.
Bữa ấy giờ Toán, tiết học trước cô dặn chuẩn bị bài tới là Đại số nhưng tin nhắn phụ huynh nhận được bữa ấy lại là chuẩn bị bài Hình học. Ở lớp có tới vài ba em soạn bài lộn. Mấy trẻ đó bị cô phạt đứng lên trên bảng trước cả lớp và cô nói sẽ mời phụ huynh tới gặp.
Giờ ra chơi con bé con mon men nơi cầu thang lớp học. Nhỏ nói với cô giáo: "Con muốn được trao đổi với cô, xin cô đừng gởi giấy mời về nhà vì ba mẹ con bận lắm. Con sẽ cố gắng sửa chữa khuyết điểm và không muốn bố mẹ thêm lo lắng". 
Con bé con không thể biết rằng nó đã làm cô giáo rất bực bội khi nó dám xài từ "trao đổi" với cô chủ nhiệm lớp. Cô đã rất buồn và nói với phụ huynh bé rằng, bao nhiêu năm dạy học cô chưa gặp một học trò nói năng hỗn như vậy(!)
Cha mẹ phải cùng thày cô dạy dỗ con trẻ, nhưng chắc chắn cha mẹ sẽ là những người lo lắng về kiến thức và nhân cách con cái mình hơn ai hết. Cha mẹ bé không thể rày la, bởi nghĩ rằng bé xài từ "trao đổi" ấy là được, là mạnh dạn, tự tin chớ không có hỗn. Tuy nhiên sẽ dạy thêm cho bé những từ ngữ có thể xài được, có thể hay hơn trong cách thưa chuyện với cô giáo.
Một dịp tình cờ, trao đổi câu chuyện cùng những người bạn giáo viên, một phổ thông trung học và một giảng viên đại học, nghĩ rằng chắc chỉ cô giáo kia vậy thôi, không ngờ các bạn cũng phản ứng không chấp nhận nhỏ xài từ ngữ như vậy. Ngỡ ngàng, vậy là cha bé đã sai? hay là lâu nay ta đã chia vụn đại từ nhân xưng để tỏ lễ phép còn phải chia từ ngữ cho ai mới được xài. Trong trường hợp này sẽ phải xài "bá cáo cô" hoặc "kính trình cô" đặng làm ưng bụng cô giáo.

Mấy năm rồi học bán trú, sáng cha con chở nhau đi học đi làm, chiều tan làm tan học cả ngày cha con một cuốc đi về, còn khỏe và vui vẻ. Vậy mà vưỡn thở than cái nỗi bụi khói nước ngập đường đào.
Năm nay không có bán trú. Trưa mới đi học tới chiều về. Mỗi tuần lễ buồn vui có thêm vài bữa học cả sáng cả chiều, mà sáng học tới giữa buổi rồi về nhà, đầu giờ chiều tới lại chớ không có ở trong trường.

Có bao nhiêu học trò đi về hàng ngày và những khoảng giữa chừng ấy ai sẽ là người đưa đón chúng trường có hay. Trường hổng thèm thương người ta chạy đầy ngoài đường nắng mưa, cũng hổng thương phụ huynh còn đi làm sáng tới chiều mỗi ngày. Biết nhờ ai đón đưa ngoài các bác Honda ôm đứng tuổi, cẩn thận mà phải thân thân mới được.

Năm rồi cha con cuốc đi cuốc về thì năm nay bé đi bốn cuốc, thêm bốn cuốc bác tài xe ôm, vị chi mươi cuốc xe nhỏng ngoài đường lộ mỗi ngày của hai người lớn chưa đủ cho mỗi cái sự học phổ thông của một đứa nhỏ. Đó là bỏ không nói tới mấy vụ muốn học đờn ca sáo thổi, học vẽ, bơi lội thể thao hay bao nhiêu thứ học khác. Có ngày chạy sô ba ca thêm một cuốc tiếng Anh sau giờ học, cơn mưa chiều lướt sướt, vội vã ven đường miếng bánh đỡ đói lòng vô lớp học. Nhìn con trẻ xót lòng.
Khỏi hỏi tại sao đường phố nhà mình khi nào cũng đầy người và xe cộ.

Thấy xứ người ta nhà cửa tầng cao, cứ san sát san sát nhau, trải dài mãi mà đi ngoài đường phố hổng thấy mấy người ngơ ngác chen chân sấp ngửa. Nhiều thành phố như vậy và không cứ thứ Bảy Chủ nhật, kể cả những ngày thường cũng rứa. Nhìn đường phố người ta phát ham, lại muốn thở than cái sự đi lại ở nhà mình.

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Tâm sự Lý Sơn.

Từ khi chương trình du lịch biển đảo Lý Sơn được thiết lập, có rất nhiều người muốn tới thăm thú nơi đảo xa với nhiều sản vật của biển, thăm  những cánh đồng hành tỏi của cù lao xứ Quảng, thăm  hòn đảo tiền tiêu mang nhiều kỉ niệm của Hải đội Hoàng Sa.
Ra tới Lý Sơn, ai đó cũng sẽ có nhiều suy nghĩ về cuộc sống của người dân đảo và cảnh quan nơi đây. Rồi sẽ mang về những tấm hình đẹp cho bạn bè coi chơi và giữ lại trong lòng hình ảnh của người dân đảo chịu đựng, chịu thương, chịu khó trước nắng gió của đồng đất, trước bão tố và mất mát của mình với biển khơi. Thiên nhiên đẹp, tuy nhỏ nhắn thôi nhưng là cái đẹp riêng tư, nếu không khéo sang sửa gìn giữ, mai này xứ cù lao biết sẽ ra sao.

Nhìn thấy trước hết ở đảo bây giờ là những chiếc xà lan đầy vật liệu xây dựng đậu ngoài bến tàu và những chiếc xe ben chở xi măng, gạch đá xây dựng tung bụi trên đường đảo. Những ngôi nhà mới xây xong hay còn dang dở, lộn xộn không quy hoạch, mạnh ai nấy xây, có nhiêu xây nhiêu. Du khách ra ngoài Lý Sơn khó kiếm được phòng nghỉ máy lạnh. Đảo cũng chưa có internet. Bởi chuyện được xài điện cho đã đã một chút ở đây vẫn là chuyện chờ mong.

Cây bàng biển cổ thụ.
Điện cung cấp cho người dân sản xuất và sinh hoạt hiện tại là máy phát chạy diesel. Nghe đâu mới được tăng cường thêm hai tổ máy, điện Lý Sơn bây giờ công suất chừng trên bốn ngàn kí nhưng cũng không thấm tháp gì. Mỗi ngày chập chờn từ ban tối tới lúc lên giường đi ngủ là cúp. Nông dân có muốn tưới bắp đậu hành tỏi chắc là phải chơi máy bơm vào ban đêm, không thôi muốn mần ruộng ban ngày thì có tiền tự sắm lấy máy phát máy bơm. Mà đâu phải được xài mỗi ngày. Điện đêm có đêm không, nay cho An Hải thì đêm mai An Hải nghỉ xài, nhường cho xã bạn An Vĩnh, cứ thế luân phiên. Riêng xã An Bình bên đảo nhỏ, nói về điện thì mòn mỏi trông sang đảo lớn, chưa biết bao giờ cho đến ngày mai.

Biển chiều.
Mấy năm trước, người ta khởi công xây dựng một nhà máy nhiệt điện chạy than trên đảo. Ai mừng vui không biết chứ dân là không vui chút nào.
Bởi cái nhà máy nhiệt điện than ấy do nhà anh Than khoáng sản làm chủ đầu tư, lại chạy máy bằng than Quảng Ninh của ảnh, đã hai năm qua đi vẫn còn ở tận đẩu đâu.


Con Nhum biển ở đảo,
một món ngon và bổ dưỡng
.
Cứ hình dung ở đây có một cảng than đen thui, tàu biển phải chuyên chở vô, rồi xe ben chở than chạy trên đồng đất Lý Sơn, che đậy cách gì không vương vãi, bãi bắp bãi đậu, vườn hành vườn tỏi nhuốm màu than đen... Bụi than và khói xả lên bầu trời để ai đó đi trên những con tàu từ xa trên biển đã nhìn thấy. Khi ấy Lý Sơn sẽ ra sao nhỉ, một thiếu nữ xinh tươi, xanh cây xanh biển cùng sản vật cá tôm cho du khách ra vô hay sẽ là một bà lão quê mùa lạc hậu xám một màu.

Cứ thắc mắc sao không làm điện gió, điện mặt trời hoặc là kéo đường dây ngầm cho đảo xài điện lưới, làm nhiệt điện than chi cho dơ đất đảo. Và ở đảo khác với đất liền, không hòa lưới được, cũng không để dành cất vô tủ lạnh được và cái anh nhiệt điện chạy than ấy, một khi than đốt lên rồi là phải chạy máy liên tục, vô cùng lãng phí.

Trước cửa chùa Hang.
Một đêm nằm đảo Lý Sơn, đêm mất điện nóng nực không ngủ được nên ngồi ngoài sân hóng gió biển nói dóc với anh chủ nhà trọ, vỡ ra bao nhiêu chuyện Lý Sơn. Đừng nghĩ giản đơn người nông dân "thì biết gì về điện" mà không hề hỏi tới người ta. Là tâm sự dân đảo người ta nói ra đó, hiểu chuyện quá đi chớ, tinh thần xây dựng quá đi chớ nhưng cũng chỉ để dóc với nhau chớ "mấy ảnh" mà biết nghe ai.
Trùng hợp tối trước bữa ra đảo, mấy anh em ngồi chơi nhà dóc chuyện với một đàn anh, quan chức hàng tỉnh mới về nghỉ hưu tức thì, anh nói mọi người ai cũng phản ứng vụ nhiệt điện than trên đảo Lý Sơn, quyết liệt lắm chớ nhưng tỉnh đã quyết là phải chịu, chán, chỉ còn phản ứng bằng cách bỏ không tới dự buổi lễ khởi công.

Có một bình nguyên nho nhỏ trên miệng núi lửa, cỏ mọc xanh với đàn bò nhẩn nha gặm cỏ, nay sắp mất đi rồi bởi người ta lại xây dựng để thay vào đây là một hồ chứa nước xài. Nguồn nước đâu ra mà chứa không biết, nhưng có sẽ là một cái thau nước khổng lồ trơ vơ trên đảo. Tại sao người ta cứ thích xây dựng, thích xi măng cốt thép không biết.
Thấy khách lạ nơi xa tới ưa hóng chuyện, một bác già ngồi cà phê chung bàn ngoài bến tàu chỉ lên núi kể, những năm trước trên ấy có rừng có cây, thời bao cấp đói kém, chính quyền cho chặt phá ráo rồi trồng khoai mỳ, bây giờ cái núi mới trơ trọi xám mốc vậy đó.

Mới đọc đâu đó thấy người ta nói rằng hàng loạt nhà máy điện chậm tiến độ và có đến 90% dự án điện chạy bằng than, dầu, khí của ta sử dụng công nghệ và thiết bị Trung Quốc. Đọc rồi cứ thấy cứ sao sao.
Lại đọc được mới đây nghe đâu ông giám đốc nhà đèn của tỉnh đề xuất loại bỏ nhiệt điện chạy than và thay bằng việc kéo đường cáp ngầm điện áp 110 kv qua biển về đảo. Nếu làm được vậy cho dân đảo mừng. Thôi thì lỡ xây mấy cái nhà kia, ta trồng thêm vài hàng Phượng vỹ rồi chuyển làm ngôi trường học cho các cháu đảo nhà, bớt đi phần lãng phí.
 Chỉ là một tâm sự nho nhỏ khi đi chơi đây đó, một tí nghĩ suy để nhâm nhi sau ngày trở về từ Lý Sơn.
(Mời đọc thêmĐồng đất Lý Sơn)
Lý Sơn nhìn từ ngọn hải đăng. (Nhà máy nhiệt điện ở giữa. Nguồn ảnh: luatsulelongquan)

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Suy nghĩ hoài hổng ra.


Sớm mai đọc báo mạng, hai tựa tin và ảnh đứng kế nhau trên trang Vnexpress.net bữa nay, thứ Tư ngày 21 tháng Chín 2011.
(Tựa tin và hình ảnh lấy về từ Vnexpress.net.)


Quảng Nam: 410 tỷ đồng để xây dựng tượng đài...

Quảng Bình: Học sinh phải bơi qua sông đến trường...


Đã dặn lòng chỉ... để nhâm nhi và để cho con, không muốn dính một chút gì nhiễu nhương xã hội, chính trị chính em, chuyện người ta người mô ở nơi này cho sạch cửa nhà, chừa một chỗ mà chơi. Ráng mãi rồi, vậy mà đọc tin xong rồi, ngồi nghĩ hoài hổng ra.

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Một thoáng Strasbourg.

Nhà ga Strasbourg.
Nhắc tới Strasbourg, giật mình với cái tên một thời, không còn nhớ tới đội bóng đá của thành phố ấy mấy năm nay đang lặn ngụp ở nơi đâu trong các giải nước Pháp, nhưng có thể ai đó nghe quen quen rồi sẽ chợt nhớ ra, đó là nơi sinh ra của ông Wenger, vị "giáo sư" ít nói, đăm chiêu, điềm đạm và thư thái của câu lạc bộ Arsenal một thời yêu mến, không thể xa hẹn hò vào những đêm khuya giữa và cuối tuần của mỗi mùa ngoại hạng xứ sương mù.

Strasbourg nằm ở gần cực Đông nước Pháp trên biên giới hai nước Pháp - Đức,  Là thủ phủ của xứ Ausei, thành phố có một bề dày lịch sử và nền văn hóa lâu đời từ khi hình thành và phát triển tới nay đã hàng ngàn năm. Một khu phố cổ là di sản thế giới được bao bọc bởi những nhánh nhỏ của dòng sông Rhein. Những tòa nhà, những tháp chuông lặng lẽ soi bóng trên những dòng sông uốn quanh xanh ngắt.
Người ta nói ở nơi đây, hàng năm vào mùa giáng sinh, thành phố tổ chức lễ hội chào đón tưng bừng và náo nhiệt nhất châu Âu.

Tuy là một thành phố không lớn với dân số chỉ mấy trăm ngàn nhưng lại là một thành phố quan trọng về chiến lược bởi những nẻo đường của châu Âu kéo nhau về nơi đây gặp gỡ rồi lại tỏa đi khắp nơi. Từ Paris đi tàu lửa chạy điện với tốc độ trên hai trăm cây số giờ, chỉ sau hơn hai giờ đồng hồ là tới nơi đây. Từ thành phố này có thể đi sang Đức, sang Thụy Sỹ, qua nước Ý hay đi xuống nữa về các vùng nắng ấm bên bờ biển Bắc Địa Trung Hải.
Trung tâm như thế, nên tiện lợi cho thành phố này khi được chọn là nơi đóng đô của Hội đồng, Nghị viện và tòa nhân quyền châu Âu. Ở đây còn có đại học Strasbourg, một trong những trường đại học lớn, lâu đời và danh tiếng thế giới.

Strasbourg được thành lập rất sớm và đã trải nhiều thăng trầm, qua tay nhiều thế lực. Từ thời đế quốc La Mã xa xưa rồi sau này chiến tranh Đức Pháp, mãi tới năm 1919 sau Thế chiến thứ nhất, Strasbourg mới chính thức trở thành vùng đất của Pháp sau hòa ước Versaille. Thế nên ở xứ này người ta đồng thời nói cả tiếng Pháp và tiếng Đức.

Cây cỏ với sông nước, sạch và xanh là điều đương nhiên, Strasbourg bây giờ bình yên và cổ kính.
Khu phố cổ của thành phố này cổ kính với những ngôi nhà vài trăm năm tuổi trên lối đi nhỏ lát đá. Chỉ bốn năm tầng cao với mái ngói dốc, lối xây dựng mang phong cách rất Đức bởi sự kết hợp giữa khung nhà bằng gỗ và vôi.

Cổ kính bởi nhà thờ lớn Strasbourg xây bằng đá màu nâu non cùng những họa tiết, khắc chạm tinh xảo đứng đó đã cả ngàn năm. Trải hai thế kỷ xây dựng với chỉ một tòa tháp mang lối kiến trúc Gothic độc đáo, ngôi nhà thờ 142 mét cao, bao nhiêu năm là cao nhất ấy dường như không muốn cho người ta thu được trọn vẹn vào ống kính chân dung của mình chỉ từ một góc độ nên khiêm tốn trong một khoảng không gian vừa đủ, nằm giữa những ngôi nhà cổ tuổi đời trên nửa thế kỷ, xen trong đó là những con phố nhỏ sạch sẽ lát đá xanh thong thả dẫn ra bến tàu dưới bờ sông, để cho du khách ở khắp nơi tới nơi đây cứ phải mãi ngước nhìn.
Gần đó là nhà thờ St Pierre, hai tháp chuông cao đứng bên một cây cầu cổ lặng yên soi bóng nước.

Còn nhiều lắm những cảnh đẹp của thiên nhiên và con người gây dựng ở nơi đây mà chưa được tới để chiêm ngưỡng và chụp ảnh, tại bởi chỉ được một thoáng thôi, cảm nhận Strasbourg cổ kính và dễ thương.
Mùa này hoa nở ở khắp nơi, trên bậu cửa sổ những căn nhà xưa, nơi hàng hiên quán ven đường, hoa trên bến tàu, trên những cây cầu cổ ngang sông và hoa trên cả lối đi hoang phí cùng du khách. Cũng giống như tính hiếu khách, trầm mặc, thư thái và thanh thản của con người ta ở miền đất này.

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Món ăn nhà nông.

Đủng đỉnh và nên thơ.
Những vùng quê nằm ở vùng núi sườn Tây dãy Alpes của Pháp và Thụy Sĩ, mấy nơi đã đi qua là mênh mông những đồng cỏ, lâu lâu gặp những đàn bò đang say sưa gặm cỏ, nằm ngồi tán dóc với nhau hay đủng đỉnh đi lại với âm thanh "kiing koong"  phát ra từ cái chuông nhỏ trên cổ những chú bò khoang, nghe là lạ nhưng thật là vui tai. 
Các sản phẩm của sữa và chế biến từ sữa bò ở đây vô cùng đa dạng và cũng được tiêu thụ rất nhiều. Mỗi bữa ăn sáng ở khách sạn nào cũng vậy, không thể thiếu được các loại bánh mì, sữa tươi, bơ và phô mai.
Chỉ riêng với phô mai đã có rất nhiều loại khác nhau. Thứ mềm thứ cứng, thứ trắng sữa thứ lại vàng sậm, thứ thơm ngon béo ngậy nhưng có thứ sực mùi hoi bò.

Các bà nội trợ ở nhà đã có các món ăn chế biến dính đến phô mai, khi làm cho con cái, cho chồng đãi khách hay quây quần với nhau ăn chơi, rất ngon như: Nghêu phô mai, sò Điệp đút lò, bò cuốn phô mai... Nhưng có một món ăn của phô mai thật là đơn giản.

Hướng dẫn cách làm.
 Dzầy nè, dzầy nè..
.
Ở một thị trấn vùng núi xa xa kia trên đất Thụy Sĩ có một nhà hàng lịch sự. Trong ngoài nhà hàng được làm hoàn toàn bằng gỗ thông xẻ, từ xà ngang, kèo cột đến vách nhà. Thực khách bữa ấy rất đông, nhiều người lớn tuổi, những gia đình, vợ chồng cùng con cái. Mọi người tới đây để thưởng thức một món ăn của phô mai, giản đơn, không cầu kỳ mà ngon thiệt ngon, món ăn chỉ là bánh mì thơm chấm với phô mai tan chảy.
Người ta đặt một xoong đựng phô mai được nấu trên một ngọn lửa liu riu, lấy tay quậy đều. Khi phô mai được nấu đã tan chảy, dùng cây nĩa nhỏ và dài găm bánh mì rồi trụng vô thứ nước trắng đặc kẹo đang dậy lên mùi thơm ấy. Các bé nhớ trước khi lấy ra, quay tròn cây dĩa một vòng cho bớt nhểu nhảo, cho gọn gàng lại rồi ăn thử coi nào. 
Món ăn ngon quá chừng, bánh mì hết veo và khi phô mai trong xoong đã cạn, món ăn thứ hai được mang lên là bé hết muốn ăn, vì nội ham cái món ăn vừa chấm vừa quẹt này đã đầy đủ chất và khiến bé no cành hông.

Chắc là món ăn này xuất phát từ những người nông dân chăn bò cừu hay nuôi ngựa trên vùng đồi núi trong những tháng ngày mùa Đông lạnh giá. Hổng biết món ăn kêu tên chi cho hay, cha con nhà kia kêu là món "Bánh mì kho quẹt phô mai" cho nó dân dã và vui vui tí.


- Món ăn tới rồi, ta hãy thưởng thức coi nào, quả là ngon thiệt.
- Có rất nhiều người tới đây thưởng thức món ăn dân dã ấy.
- Đồ nghề nấu phô mai là vậy đây sao. Sữa bò chứa đầy cái khạp đồng, củi chất phía dưới, nấu một mẻ ra một bánh phô mai bằng bây nhiêu.
- Còn đây là một góc kho chứa phô mai của nhà hàng. 
Những đàn bò và đồng cỏ đẹp như tranh vẽ ở khắp nơi.

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Tháng Chín. Trông.

Ground zero
Mấy bữa nay lo lo mà hổng nói. Bữa qua tới giờ trông trông mà cũng hổng muốn nói ai hay.

Là chuyện riêng tư có ai đó trông tin ai.

Đọc ở đâu cũng nói chuyện ngày này 10 năm trước. Vô nhà các bạn blogspot, UT, ChịBaĐậu, DQ, P.D, (bạn Đậu này gõ tên hơi bị dài, khó và chậm, tại dấu không) đọc những bài tháng Chín ngày Mười một, hổng dám ho he hay còm một lời.

Buổi tối được coi TV trực tiếp, thương mấy bàn tay nhỏ, miếng giấy cây viết chì đang căn ke tên tuổi người thân trên tấm bia ghi nhớ trong lễ tưởng niệm tháng Chín ngày mười một tại Ground Zero. Xúc động.

Cũng sớm mơi bữa qua, (VN là sớm 12, bên kia là trưa 11 tây tháng Chín). Cả nhà mới đi chơi xa về, chưa kịp đổi sinh hoạt theo múi giờ, "người ta" đã lại xách va li ra phi trường bay đi Mỹ. "Cả ba và mẹ đang bịnh, em qua nấu ăn cho ba mẹ".
Trông. Trưa nay 10h VN nhận alu, người ta đã qua tới nơi, thở phào! Chắc là người ta biết mình trông, bay chi nhằm ngay ngày 11 tháng Chín, vẫn hãng U.A, vậy nên mới qua tới bển là alu về liền.

10 năm trước, người ta và con bé Anh Đỗ chị khi ấy 10 tuổi, nghỉ hè qua thăm ngoại rồi từ Mỹ bay về VN cho kịp ngày khai giảng năm học mới.  Đường về: Boston - Los nội địa rồi chuyển tiếp HKông - SG của hãng bay U.A. Chừng 10 bữa sau (lại 10) xảy ra chuyện tòa tháp đôi với những chiếc máy bay của hãng hàng không U.A trên tuyến bay nội địa ấy, Boston đi Los. Khi nghe thông tin sự kiện, ngỡ ngàng, nhìn Mười, (người ta -bà thị xã nhà thứ10 (lại 10) và nhìn con gái), nếu chuyện đó xảy ra trước 10 ngày, thì mình sẽ sống ra sao. Tại sao lại có thể có những chuyện như vậy trên thế gian này? tại sao .... Đau xót quá, cho bao nhiêu người...

Năm rồi quyết phải tới nơi đó, coi cho biết điểm zero là của địa hình, của thù hận hay là điểm zero của chứng khoán.
Nơi đó, người ta đang xây dựng một quảng trường nhỏ để ghi nhớ một tội ác mà loài người không thể chấp nhận và để ghi nhớ những nạn nhân.
Và để đừng bao giờ lặp lại.
Có một  sự thực không mong muốn.
Và một nhành hoa cầu cho  yên bình.

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Chỉ là màu xanh thôi.

Trên đường đi nhỏng, nghe lời gợi ý của tour guide người Malayxia, chiếc xe ca vòng đi thăm thú các làng quê xa ở vùng cao của đất nước Thụy Sĩ nhỏ bé mà xinh đẹp. Xứ sở ôn đới của thông, cây lá nhọn, mà xanh ngát một màu của cỏ cây và nước mát. Đây đó hoa rực rỡ hiên nhà. Chỉ biết lặng ngắm nhìn. Phải chi chịu sắm cái máy hình kha khá, hai ngón  tay xoay xoay, tay mang nằng nặng, lại đen đen  màu là chít với bọ rồi.