Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

21. Nhiều năm sau.

Một mùa Hè sắp đi qua, đám trẻ nhỏ ở khắp mọi nơi đang cùng với cha mẹ xếp lại những ngày dong chơi, chuẩn bị sách tập cho một năm học mới.
Cũng trong mùa Hè năm ấy, mùa của những cơn áp thấp nhiệt đới, của những cơn bão xa bão gần. Cũng là một ngày mưa Sài Gòn, không hò hẹn độ đám với ai, Sáu Bảnh ngồi một mình ở nhà với chiếc máy tính. Có một email từ địa chỉ của một hộp thơ lạ. Cái tên nghe chừng con gái, là một bức thơ chớ không phải những trao đổi trên email thường gặp, bức thơ khá dài.
...
Ân nhân của đời em,
Không biết anh còn nhớ con bé Trang ngày nào không?... Vậy là đã qua đi bao nhiêu năm tháng rồi phải không anh? 
Ngày này đúng mười năm trước, em bước chân vào miền Nam. Biết anh có còn nhớ không những chiều mưa rả rích rất Sài Gòn năm ấy? Đối với em thì những ngày tháng đó, vui có, buồn có nhưng nó luôn luôn là kỉ niệm ngọt ngào trong đời để cho em ghi nhớ, em không bao giờ có thể quên được... 

Nhiều năm đã đi qua...
Đội tàu Ninh Kiều trẻ trung và sôi nổi ngày ấy đã không còn nữa. Số anh em  khỏe sóng, yêu nghề chuyển sang đi biển cho các công ty khác nhau ở khắp nơi, số còn lại lên bờ, trở về Sài Gòn tìm cho mình những công việc yêu thích khác và để thời gian săn sóc cho gia đình.
Bộ ba Sáu Bảnh, Hai Thành, Hoàng tử bia cũng bỏ nghề đi biển. Hoàng tử bia làm việc cho một công ty xây dựng, Hai Thành về một liên doanh với nước ngoài phụ trách mảng xuất nhập khẩu còn Sáu Bảnh quay về làm việc ở một công ty nhà nước. Anh em  như bao nhiêu người, trong cuộc bươn trải vất vả mưu sinh đời thường để chăm lo cho một gia đình, là vội vã tiếp nối từng ngày khiến cho người ta tạm quên đi những sự việc nhất định nào đó xảy ra trong đời, khi tạm gọi là kết thúc mặc dù hay dở. Những thăng trầm của đời sống xã hội, những lo toan thường nhật làm cho ai cũng như ai, cuốn vào cái vòng quay của xã hội, con người, làm ăn.
Thời gian sao mà nhanh quá. Cô bé Trang xinh xắn năm xưa và câu chuyện cũ ấy, Sáu Bảnh dường như đã lãng quên.

... Biết là các anh sẽ trách giận khi ra đi mà em không có một lời từ biệt. Con bé con mà các anh đã kéo lên từ tận cùng của Đồ Sơn ngày ấy, rồi cưu mang, rồi chỉ cho nó một lối đi, để được như ngày hôm nay, em đã khác xưa nhiều lắm.
Từ những ngày xa Sài Gòn tới bây giờ, những khi vui sướng, hạnh phúc cùng gia đình, em lại thường nhớ tới anh và những người bạn của anh. Những người em mang ơn, tôn trọng và thương quý mãi trong đời. 
Con bé ấy bây giờ mới đủ hãnh diện để viết thư tới anh. Thư viết dài chịu khó đọc “nhen” anh, và chuyện em sẽ kể với anh chỉ là những niềm vui chứ không phải là những nỗi buồn như những ngày xưa...

Nhà hàng Cây Keo Xanh nằm ở vị trí tương đối trung tâm, lại trên con đường trục từ sân bay đi về các quận nội ô thành phố, là địa điểm gặp gỡ dễ kiếm tìm và còn vì thực đơn ở đây phong phú, hợp khẩu vị nhiều người nên dòng khách qua lại nơi này đông vui. Ngoài những nhóm khách quen, lâu lâu có những vị khách ngoại quốc của các liên doanh nước ngoài đi ngang thường hay ghé lại vì yêu thích một vài món ăn có nét riêng tư ở nhà hàng. 
Một bữa, có một đoàn khách ngoại quốc, dáng vẻ Á châu ghé lại nhà hàng. Khi tan tiệc ra về, có một vị khách đã lớn tuổi dừng lại bên bàn Trang, tạm biệt cô với một lời chào bằng tiếng Hàn quốc. Ông cùng cô trò chuyện đôi câu, thân thiện và từng trải. Ông khách khen cô nói tiếng Hàn rất tốt. Bữa ấy Trang thật là vui.
Một vài lần tới ăn uống, lúc tới hay khi ra về, thỉnh thoảng ông dừng ở bên bàn trò chuyện với cô gái trẻ xứ lạ bằng tiếng nói quê hương, và ông thấy vui vui. Đôi lần tới quán thấy vắng Trang là ông hỏi thăm, còn gặp mặt là phải chuyện trò với cô gái Việt xinh xắn, siêng học, học tiếng nói của quê hương ông.
Sau này ông nói lại, lần đầu vô nhà hàng, nhìn thấy Trang ngồi ở bàn tiếp tân, kế bên là cuốn sách tiếng Hàn đang mở, tranh thủ những lúc rảnh rang ngồi học bên bàn, ông đã có cảm tình. 
Một bữa mạnh dạn hỏi thăm, Trang biết được ông đang làm việc ở một công ty chuyên sản xuất hàng may mặc. Công ty của ông có chi nhánh ở miền Nam còn trụ sở chính đóng ngoài miền Bắc.

Những ngày sau này, anh Sáu và các bạn của anh ít ghé lại nhà hàng. Thái độ của anh Sáu trong một thời gian dài khiến Trang đôi lúc tự hỏi mình có làm gì để các anh buồn. Những ngày qua, ở thành phố này, duy nhất những người thân thiết làm cô tin tưởng và vững lòng là anh Sáu, là các anh, vậy mà...
Lần ấy ghé nhà thăm mẹ anh Sáu, Trang bỗng hiểu ra mình đã ảo tưởng trong một thời gian dài từ bấy tới giờ. Trang thương mình, Trang giận anh Sáu. Trang đã khóc rất nhiều nhưng rồi có những khi bình tĩnh ngồi suy nghĩ, cô lại trách mình ích kỷ, các anh ấy bận bịu bao nhiêu việc như thế, làm sao mình trách giận cho được. Một ngày, cô hiểu ra những việc xảy đến với cô trong thời gian dài mới qua, ngoài anh Sáu, tất cả các anh ấy đã xúm vào, cùng lo cho cô tới một khi cô đã ổn định. Anh Sáu không hề có tình yêu với cô.
Là hiểu vậy nhưng Trang ráng lắm cũng chưa thể gạt bỏ được những nghĩ suy về anh ấy cứ đến với cô hàng ngày. Khi mọi việc đã xong, một ngày đã kết thúc cô lại nhớ về anh. Trang hình dung có một ngày anh Sáu sẽ trở về đây sau một chuyến biển, sẽ đưa cô đi chơi khắp sài Gòn, sẽ về thăm mẹ anh, và...
Không nhớ hết những tác động tới suy nghĩ khi ấy. Nhưng một lúc Trang bỗng thấy cô đơn, thấy anh Sáu vẫn lầm lũi đi biển, thấy mẹ và các em trong những giấc mơ... Trang nuôi một ý nghĩ sẽ trở ra miền Bắc.

Một dịp may hiếm có. Bây giờ em không còn nhớ là tự mình đã hỏi thăm hay tự người khách Hàn quốc lớn tuổi ấy đặt vấn đề trước cho sự thay đổi một lần nữa, một bước ngoặt rất lớn trong cuộc đời của em.
Ít lâu sau đó, em được nhận vào làm cho công ty  may mặc Hàn Quốc. Ông ấy hỏi em có chịu ra miền Bắc không, công ty của ông đóng ở miền Bắc chứ không phải ở đất này. Em đã nhận lời mà không đắn đo và điều tuyệt vời mà em không thể ngờ tới, anh có biết không, là nơi làm việc mới ấy nằm ngay trên quê hương em, khu công nghiệp Quế Võ ngoài Bắc Ninh...

Sáu Bảnh nhớ lại dịp ấy, khi mấy anh em lại Cây Keo Xanh chơi mà không thấy cô bé, Khánh đã kể lại Trang ra miền Bắc làm việc ở một khu công nghiệp, mấy anh em thấy việc của Trang như vậy, tạm an lòng. Và rồi ngày tháng dần trôi, hiếm khi nào mọi người còn nhắc tới cô bé Trang xinh xinh ấy nữa.

Một ngày, Trang nói với anh Khánh:
- Có lẽ em xin phép anh cho em nghỉ việc ở nơi này. Em xa nhà cũng khá lâu rồi. Em rất nhớ mẹ, nhớ các em. Em muốn về làm việc ở ngoài Bắc cho gần gụi gia đình.
Khánh thật vui vẻ:
- Em có chắc chắn có một công việc khác tốt hơn không? Đừng có để cho anh phải nghe lời trách cứ từ những thằng bạn "xấu" của anh đấy nhé. Nếu có được một công việc thuận lợi, bọn anh ủng hộ em.
- Đã có một nơi đồng ý nhận cho em làm việc rồi anh ạ, em sẽ làm việc ở khu công nghiệp Quế Võ, gần nhà lắm. Nếu được thì anh cho em nghỉ vào cuối tháng này. Và em sẽ cám ơn anh rất nhiều về những ngày tháng vừa qua.
- Em sẽ phải nói với mấy ảnh đã chớ, không thôi Hai Thành Sáu Bảnh tụi nó mắng anh chết luôn chớ không đùa. Nếu công việc sắp tới là tốt, là được gần nhà, vậy là anh mừng cho em. Ráng lên nhé, rồi còn lấy chồng nữa chớ.
 
… Một điều cuối cùng em xin "bá cáo" với “ông anh” yêu quý của em, em nay đã có gia đình, hai cô con gái xinh đẹp, các cháu của bác rất ngoan. Một gia đình hạnh phúc và ấm êm, em không đòi hỏi gì hơn nữa. Anh mừng cho em đi nào...
Bữa nay em đang cùng một số bạn đồng nghiệp dong chơi trong một chuyến đi dài ngày thăm thú một đất nước xa lạ. Đất nước của xứ sở sâm Cao Ly nổi tiếng, với thủ đô Seoul lộng lẫy, với những hòn đảo xinh đẹp, bờ biển thơ mộng và những công viên xanh mát cỏ cây, cảnh quan đẹp đến lặng người... một đất nước đẹp tuyệt vời. 
Anh có biết không, chuyến đi miễn phí này là phần thưởng cho người có những đóng góp tích cực trong nhiều năm qua cho công ty và em là một thành viên được chọn. Em đã có một mùa Hè tuyệt vời nhưng lúc này em đang nhớ tới các con thật nhiều. Anh Sáu đã thấy em gái của anh giỏi giang chưa nào?...

Sáu Bảnh trầm ngâm rất lâu. Sáu nhớ lại những ngày xa xa đó. Nhớ cô bé xinh xắn nhưng luôn khép nép, giấu mình những ngày đầu mới gặp ở thành phố Cảng. Nhớ Hai Thành với những lo lắng, xắp đặt hợp lý trong mọi việc và chăm lo hết sức chu đáo cho Trang, như thể chăm lo cho một đứa em gái. Nhớ những ngày tháng vất vả trên biển khơi của bộ tam gắn bó, thương yêu nhau hiếm có và sống hết mình vì nhau.
Sáu thật sự vui mừng cho Trang. Cuộc đời đã không phụ cô gái luôn biết vươn lên ấy…

Sáu Bảnh chậm rãi gõ lên bàn phím lời chúc mừng tới Trang.
Anh thật là mừng vui nhận được tin tức từ em. Như vậy là hay quá hay, vui quá vui rồi. Cho anh Sáu chúc mừng em và gởi lời thăm các thành viên trong gia đình. Sáu Bảnh này sẽ cầu chúc cho em luôn luôn được hạnh phúc.
Có một điều chắc chắn cho tới bây giờ em chưa được biết, đó là ân nhân của em ngày ấy. Không phải là Sáu Bảnh này đâu mà chính là anh Hai Thành đó. Anh ấy cũng sẽ bất ngờ và vui mừng lắm nếu nhận được những tin vui này của em. Và bây giờ, em gái hãy soạn bức thơ chuyển tới địa chỉ hộp thơ này, báo tin vui của em cùng những lời quí trọng ở đầu thơ ấy giành cho anh Hai Thành, Trang nhé.
(Xem thêm: Những người bạn trong câu chuyện )

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Đi nhỏng.

Khi mặt trời đang bắt đầu rời phương Bắc để đi về  xích đạo là mùa Thu đang hẹn về với Bắc bán cầu trong ít ngày tới. Mùa Thu phương Bắc sẽ là thời gian hiếm hoi trong năm, khí hậụ dịu mát và phong cảnh nên thơ. Thế là đi, là dong chơi phiêu lãng cuối trời, là dzớt cú chót, Hạ ... ơi.

Các bạn ấy nói bài trước đưa ít hình. Tại đó là chuyến đi chơi cũ rồi, của năm rồi và tại một phần đang nôn vụ tính đi nhỏng phát nữa. Vậy mà cận ngày họ mới báo có visa. Đoàn có ba chục em phỏng vấn được18 em cả già lẫn trẻ, đúng sáu chục phần trăm. Em nào rớt cũng tốn 175 Euro mới đau,  lãng phí mất cả chục thùng bia ngon một người, he he... tiếc cho mấy người ta nên viết đại bài viết ấy. 

Thêm vào mấy tấm hình NY và nhắn J.G. đọc bài: Một thoáng New York, là một tí cảm nhận người đi dong chơi.


 



New York nhìn từ bên New Jersey.

 1,2. Cha con nhà "nhỏng"
3. Các nữ thần tự do.
4. Công viên mênh mông.  Nghe nói nơi đây thường biểu diễn máy bay trên bầu trời. 

 

4- Khu Trung tâm thương mại cũ đang được xây dựng lại.

5- Đường phố và taxi ở NY.
6- Tập kịch ở Broadway St.



7.8- Quảng trường Time. Đón mừng năm mới ở đây chắc là vui lắm.
9- Phố Wall.

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

"Du lịch" - "Phiêu lãng" - "Đi nhỏng".

Lâu rồi, nhớ là đọc ở một tờ báo phụ nữ nào đó, chuyện về một phụ nữ ở Hồng Kông. Chị ấy không có gia đình riêng, làm việc rất lâu và để dành những đồng lương của mình, cho đến năm ngũ tuần thì chị ấy xin nghỉ làm việc và về hưu. Những đồng tiền lao động cật lực đó, chị chỉ giành cho việc đi du lịch 
Những ngày sau đó của chị ấy là những chuyến đi tới rất nhiều nơi chốn, nơi nào có thể đi được là đi. Chị ấy có một đam mê khám phá và ước muốn du lịch ở khắp nơi.
Không tham gia chuyện gia đình riêng của chị ấy nhưng chuyện đi du lịch, hay "đi nhỏng", hay từ mới của nhà BBB là "Dong chơi phiêu lãng cuối trời" thì ủng hộ và biểu quyết cả hai chân hai tay. Đi được một ngày đàng, học được một sàng khôn chớ bộ.

Bữa hôm ngồi lục lọi coi mấy tấm hình chuyến đi chơi Đông Bắc nước Mỹ, cha con nhà họ "nhỏng" nói chuyện với nhau:
-  Mấy chỗ này coi có vẻ giống nước Ý quá ha bố ha?
- Đã tới đó khi nào đâu mà biết nà.
- Chắc là nhiều năm trước người Ý đặt chân lên bờ và định cư nên có một góc thành phố Boston có vẻ rất Ý.
- À ha!
Đúng là có những khu vực, đường phố, không phải ở nước Ý, nhưng cảm nhận của người đi qua như là đi trên đất Ý. Đó là qua phim ảnh hay đọc sách báo mà cảm nhận vậy thôi. Nhưng nghe chừng bé có lý. Một hồi bé con thỏ thẻ:
- Con thèm được biết nước Ý quá à.
- Ừa... Thế nào cũng có một dịp. Nhưng con phải ráng học cho giỏi đi rồi mai mốt bố thưởng.
Mẹ của bé ngồi nghe chuyện cười he he :
- Bố nhớ đấy nhé...
Cả nhà mang họ "nhỏng", loay hoay ít lâu là thèm nghiêng ngó, đi đó đi đây. Sắp qua mùa Hè của bé mất rồi, đám nhỏ ở khắp nơi đã nhập trường được mấy bữa.

Những dịp đi du lịch, ngoài một số nước trong khối Asean đã có các thỏa thuận miễn thị thực, còn lại đi đâu, xin phép, phỏng vấn, chờ đợi, lấy visa là cả một vấn đề. Coi người ta soi từ cái giấy sở hữu nhà cửa, giấy kinh doanh hay cả sổ gởi tiền tiết kiệm... khi phỏng vấn mà buồn buồn. Còn biết bao nhiêu người không có những thứ đó nhưng thích và đủ sức đi du lịch thì sao.

Các bạn trẻ nhà mình muốn đi du lịch bụi, để dành tiền mua vé và ăn uống sinh hoạt tiết kiệm, với chiếc ba lô lâu lâu có thể đi chơi đâu đó được. Đám trẻ cần phải được đi đó đi đây mới hay mới tỏ cách người ta "mần ăn", học người ta những điều hay tốt, những việc người ta làm trước, mai này mình mới khá lên được. Nhưng với cách kiếm visa như bây giờ là khó. Nghĩ người Việt mình sao mà khổ, trong nhiều việc nhưng nói về du lịch, bao giờ mới được tự do.

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Những mảnh đời viễn xứ.


con đường số 105 thủ đô Phnom Penh trên đất Cambodia, hàng ngày luôn có những người Việt bán vé số mỗi ngày theo đài xổ số của từng tỉnh thành Nam bộ Việt Nam. Ai cũng có thể mua vé số, dò số của ngày hôm trước, luôn cả việc đổi số trúng.
Chị ấy vui chuyện, nói quê ở Cái Răng, Cần Thơ. Chị Tư qua đây bán vé số năm mấy nay rồi. Mỗi vé mười ngàn, chị bán hai lăm một cặp. Hỏi chị chớ cái đất này có mấy khách Việt, bán được cho mấy người mà sao mất công quá vậy. Chị Tư cười, thủng thẳng: "Người Việt mua, người Khme cũng mua nữa chú. Đủ sống chú ơi, khi nào buồn buồn, nhớ nhà thì đón xe về quê chơi mấy bữa rồi qua lại bán tiếp"...
 
Một con phố vắng ở thành phố Battambang. Xa xa kia dưới bóng mát hàng cây xanh bên công viên ven sông là một cậu trai trẻ ngồi bán ghế xếp, giường võng xếp. Gặp đoàn du khách Việt đi ngang, cậu cất tiếng hát, mỗi lúc một say sưa, như con chim lẻ bầy một mình gọi bạn, bằng tiếng hát quê hương ở một phương trời xa.
Quê ở Đồng Tháp, sang bên đây nhiều năm rồi. Những năm trước cả nhà làm rẫy ở Siemriep, ba năm nay gia đình tìm đến  thành phố Battambang này sinh sống. Họ thuê lấy một căn nhà ở. Mẹ bán cà phê ở nhà còn hai anh em cậu đi bán giường ghế xếp, mỗi người mỗi góc thành phố. Nụ cười rất vô tư không vướng bận buồn phiền và thật là mừng vui khi đồng hương gặp nhau nơi xứ người, thăm hỏi chuyện quê nhà và những câu chuyện đời, ngắn ngủi thôi nhưng cảm lòng. Một mảnh đời viễn xứ mưu sinh nhiều vất vả. "Nhưng Tết năm nào em cũng về quê anh à"...

Chị Thi bán hàng dong ở khu di tích cổ Angko Wat. Cột sau yên xe, treo trên tay lái, một ít kẹo bánh, một ít trái cây... linh tinh đủ mọi thứ hàng trên một chiếc xe đạp cà tàng.
Chị nói nhà mình ngày xưa ở gần Mỏm Vẹt, đâu như mạn Tây Ninh. Vợ chồng sang đây đã lâu, chỉ biết làm rẫy. Sau ngày chồng mất chị ở vậy mà nuôi hai cô con gái ăn học. Một cô mới ra bác sỹ còn một cô đi dạy học. Giật mình, nghe chị Thi kể chuyện thật vô cùng ngạc nhiên. Nói tui ước nuôi con được như chị, mà có được hai đứa con như vậy chị còn lang thang đi bán chi cho cực? Chị cười cười, đi bán quen rồi...
Suy nghĩ rằng chị "nổ" e xúc phạm nếu câu chuyện của chị là sự thực. Tin thì tin, không tin thì thôi, thôi thì ta cứ để lặng yên câu chuyện, hãy nghĩ về những điều hay đẹp và trong sáng nhất cho chị ấy, để cho đời nó tươi, nó lành...

Khu chợ Olimpic ở trung tâm Phnom Penh. Ngày trước chuyên bán hàng hóa của Liên xô cũ, bây giờ là nơi mua bán hàng lưu niệm, hàng gỗ khắc, hàng bằng kim loại. Ở đây có nhiều gian hàng gia công vàng bạc, những gian hàng bán xà rông, khăn cà ma, vải vóc.
Gặp ngoài cổng chợ một thanh niên đẹp trai rắn rỏi có nụ cười tươi. Nước da ngăm đen khỏe mạnh, võng dù khoác trên vai mời du khách. Biết là du khách đường xa, mấy người mua nhưng được cười với nhau để làm cái cớ bắt chuyện. Nhà em ở Bình Phước, ba anh em bán buôn đủ thứ, không biết đã bao nhiêu năm, tiếng Việt tiếng Khme đều rành nhưng không biết chữ. Hai người anh đã về xứ ít lâu còn mình em ở lại. Hỏi thăm chớ bán buôn vậy nơi ăn chốn ở ra sao. Em nói có vợ con rồi, một thằng cu tám tuổi, dễ thương lắm. Em khoe có một căn nhà nhỏ, ở ngay thành phố này. Ôi, nếu được vậy thì quá tốt rồi. Mừng cho thằng cu nhà em.
Nhìn em quay đi, rảo những bước chân lầm lũi trên đường, những tấm võng dù trên đôi vai kia chừng nào bán cho hết, và em sẽ thu về nhà được bao nhiêu trong mớ hàng nghèo ấy để nuôi con...

Đơn độc, chịu đựng, cần mẫn nhưng không thiếu vắng nụ cười, dù còn nhiều lắm những chuân chuyên vất vả trên con đường mưu sinh. Đâu đó trên đất nước láng giềng, có rất nhiều những mảnh đời viễn xứ.

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

22. Những người bạn trong câu chuyện.

Hai Thành trên biển.
Hôm rồi có người, không phải đội hình Ninh Kiều ngày trước nhưng chơi chung đã lâu, có đọc câu chuyện của đội NK và hỏi thăm về những người bạn trong câu chuyện "Đi biển".
Bữa nay bạn lục lọi và chuyển cho một số hình ảnh cũ. Thật là khoái chí vì được nhìn thấy và thật nhớ những ngày tự do ngông nghênh ấy. Lẽ ra những hình ảnh này để minh họa trong bài viết thì hay hơn. Nhưng không sao, câu chuyện còn một tí ti nữa thôi, bữa nay post mấy hình ảnh của đội tàu Ninh Kiều cho ai đó "à" lên một phát vui vẻ. Và ngày trước coi băng Ninh Kiều cũng này nọ và ra phết, nhở. Rất thích và cám ơn bạn mình.

Hai Thành đẹp trai.
Cai boong Hoàng Lãnh & 2.Th
Chief Eng. 3 Hòa.
Em dại Dũng "dái".
Tý Chuột & 2 Th.
Hoàng tử bia & 2 Th.

Người kể chuyện.




Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Hải âu tự do.

Trên sông hồ hay ngoài biển rộng, bãi cỏ xanh nơi công viên hay trên đường phố. Bay trên trời cao hay tung tăng bơi lội dưới nước. Theo bầy, làm tổ, hẹn hò đôi lứa hay lang thang đi kiếm ăn một mình. Những cánh chim hải âu luôn luôn tự do. Được ngắm nhìn chúng, chụp hình chúng để rồi ganh tỵ. Yêu biết bao cánh chim tự do.
Dạo phố.
Ốc ộp mình ên.
Hẹn hò đôi lứa

Về tổ.
Hoàng hôn dạo phố
Tự do.









Giỡn đùa  trong công viên.
Ngóng bạn.





Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

18. Hai chuyến đi mỏi mệt.

Bữa ấy bà chủ vắng nhà. Không dám hỏi bà đi đâu nhưng Trang để ý suốt cả ngày mà không thấy bóng dáng, cũng không nghe tiếng nói của bà, tiếng nói mà hàng ngày dù rất nhỏ cũng đủ làm cô giật mình. Trang hầu như không ngủ, cô canh chừng suốt đêm, cho tới khuya lắm vẫn không thấy bà chủ về. Trời hửng sáng, Trang trở dậy rón rén từ trong nhà ra ngoài cửa không thấy bóng dáng một ai, cô quyết định đi trốn.
Để lại toàn bộ đồ đạc của mình, Trang chỉ mang theo cuốn sổ tay ghi chép. Cuốn sổ nhỏ có một vài trang lưu bút từ giữa năm học dang dở, một ít câu chữ danh ngôn như lời răn dạy đời, tuổi học trò một thời, thiếu nữ nào chẳng có. Trong cuốn sổ nhỏ còn có một ít ghi chép giống như đôi dòng nhật ký, thói quen mới có ít lâu mỗi khi cảm thấy trống vắng trong lòng.
Chạm mặt ông chủ trước giờ ra đi là điều Trang không ngờ nhất. Dường như ông đã đoán biết được ý định ra đi của cô từ lâu. Cô thật sự hoảng sợ, cô khóc, cô năn nỉ... Và không còn cách nào khác, buộc lòng cô phải nói ra sự tình, cả ý định muốn ra đi của mình.
Ông chủ ngồi đó, yên lặng hồi lâu rồi nói chờ ông. Khi quay trở ra ông dúi vào tay Trang một ít tiền. Một sự bất ngờ đến ngạc nhiên, Trang bối rối... Ông chỉ gật đầu mà không nói gì. Vội vã, nợ lại một lời cám ơn, cô lách cửa ra ngoài bước đi gần như chạy, không thể ngoái nhìn lại một lần.
Ghé nhà người ta xin lại số tiền mấy anh gởi cho bữa trước, Trang ra thẳng đường 5, lập tức đón xe về quê nhà với mẹ và các em nhỏ yêu thương của cô. 

Làng quê của Trang vẫn gần gũi và thân yêu. Con đường làng sau cơn mưa, những vệt cát phù sa xốp mịn như nhung. Trang bỏ guốc đi chân trần, một cảm giác dịu êm mát rượi dưới đôi bàn chân, như thấy trước mặt mình là đám con gái học trò ngày nào, tay ôm cặp, tay mang dép chạy nhảy tung tăng đường đi học về. Ôi những ngày thân thương ấy, mới đây thôi mà như đã rất xa, khi gót chân son chưa lấm bụi một lần.  
Mẹ mừng lặng không nói, các em vui ríu rít. 
Đó là một ngày mưa ướt sũng, mây trời, xóm làng  và cả ngôi nhà thân yêu mang màu u sẫm buồn, buồn lắm. Căn nhà thêm cũ kĩ, tuềnh toàng, không còn một món đồ giá trị. Trang giấu mẹ, không hở một tí gì về những ngày vừa qua.  Hai mẹ con bên nhau, ngồi trước thềm nhà sau bữa cơm chiều như những ngày xưa. Nhìn con gái khác đi ít nhiều, cái cười cái nói người lớn hẳn lên nhưng xanh xao và còn gày đi nhiều nữa.
Cô biết mẹ và gia đình bé nhỏ của mình đã chịu đựng quá nhiều vất vả. Không gặp được bố, chỉ nghe mẹ kể lại. Bố cô buồn chán công việc tìm lãng quên nợ nần trong những cơn say triền miên. Nhưng uống rượu đâu trốn được nợ mà chỉ khổ cho vợ con. May mà một ngày chợt tỉnh, bố dặn mẹ ở nhà chăm sóc gia đình, ráng nuôi dạy con cái, còn ông sẽ đi làm ăn xa, cũng cái nghề xây dựng này thôi, chừng nào đủ tiền trả nợ thiên hạ ông mới quay về. 
Bây giờ... ngồi bên mẹ và nhìn đàn em thơ ngây, cô ân hận ngày trước đã âm thầm bỏ đi làm mẹ mất nhiều ngày lo lắng. Không đành lòng giấu mẹ, Trang nói xa gần cho mẹ hiểu, ở chơi nhà ít bữa rồi cô cũng sẽ đi làm ăn xa. Vuốt tóc con xót xa, mẹ nói ở nhà thôi, không đi đâu nữa, no đói mẹ con có nhau. Trang bật khóc, mẹ cũng khóc. 
Từ bữa về nhà tới nay, trong cô luôn canh cánh một nỗi lo. Có thể nào người ta sẽ tìm đến nhà mình được không, và có lẽ nào người ta sẽ bắt cô phải trở về chốn cũ. 
Không đi chơi đâu, Trang ở nhà dọn dẹp trước sau, sắp xếp sách vở, lôi hết mớ áo quần của lũ em mang giặt giũ, phơi phóng rồi chơi đùa với chúng đủ mọi trò. Ở nhà mới được bữa trước bữa sau, Trang bỗng thấy nóng ruột. Cô còn lo sợ lỡ có ai đó biết được con đường đi sắp tới của cô thì sẽ ra sao? Cô không thể quay lại Đồ Sơn một lần nữa. Chưa kịp vơi nỗi nhớ, cô nghĩ rằng đã đến lúc phải ra đi.
Sáng hôm ấy Trang  dậy sớm, thật nhẹ nhàng ôm vào lòng những đứa em thương yêu còn đang say giấc ngủ. Mẹ đã thức từ bao giờ, ngồi đó lặng yên, hết nhìn lung mung ngoài vườn rồi lại quay sang con gái. Trang ôm lấy mẹ: "rồi con sẽ viết thư về, mẹ giữ gìn sức khỏe mẹ nhé". Cái ôm của mẹ cũng thật chặt, thật lâu: "nhớ giữ mình con ạ, đừng có lo lắng nhiều, kẻo lại ốm ra, không có ai lo cho". Mẹ đưa cho cô một gói xôi thơm nóng. Thì ra mẹ đã dậy thật sớm, nấu xôi cho con gái mang theo ăn đường.

Tàu Ninh Kiều đang cặp cầu ở cảng Cần Thơ. Buổi sáng ấy, nghe tiếng Hai Thành kêu: "dạy mau dậy mau, lấy đồ về Sài Gòn", Sáu Bảnh còn đang lơ mơ. Đêm qua lại nhậu, xỉn muốn chết luôn. Nghe có xế hộp, Sáu bật dậy chạy lên boong, đúng là có một chiếc xe hơi đậu sẵn trên cầu cảng. Dòng nước lạnh tắm vội cho tỉnh người, quơ đại mớ đồ mặc và quà cáp cho người thân đã chuẩn bị sẵn, Sáu xuống khỏi cầu thang tàu đã thấy Hai Thành và Hoàng tử bia đứng đợi từ hồi nào.
Bộ ba phấn khởi về thăm nhà, chào tạm biệt anh em ở lại trực tàu, những cái vẫy tay và ánh mắt đầy ghen tỵ.
Ngồi trên xe Hai Thành mới kể công. Ra là sáng nay khi lên công ty lãnh lương cho nhóm,  Thành nói giỡn chơi chơi, vợ sắp cưới của Sáu Bảnh ở Sài Gòn đang bịnh, cho cậu ấy về nhà sớm. Ông Bảy giám đốc nghe chuyện liền nói: "Tuần này không có lịch đi công tác ở đâu xa, lấy xe công ty mà đi". Hồi nghe ông hối anh Chung tài xế mau mau chuẩn bị xăng cộ cho xe đi Sài Gòn, Hai Thành sướng rêm, bỗng dưng được Ban giám đốc cho xe về nhà, anh nhảy vội ra đường kêu một chiếc xe lôi chạy mau về cảng báo cho mọi người chuẩn bị.
- Hai Thành giỏi, kiếm được cái xe công ty cho Sáu Bảnh về thăm vợ sắp cưới. He he... bữa nay được đi ké Sáu Bảnh. - Hoàng tử khe khe cười đắc ý. Sáu lắc đầu:
- Cưới xin hồi nào đâu Hai Thành? Lấy đâu ra vợ chưa cưới mà trù ẻo người ta? Thế có chết không, thứ đồ bất hiếu.
Anh Chung tài xế thấy vui vui,  cười góp chuyện:
- Mọi người không biết sao, chú Bảy có vẻ cưng Sáu Bảnh dữ mới được vậy. Ổng còn cô cháu gái xinh xắn lắm đó, Sáu Bảnh coi nhắm nhào vô được không, he he...

Bến bắc Cần Thơ đông người, gặp chuyến phà lớn chứa được gần chục chiếc xe hơi lớn nhỏ nên may mắn không phải chờ lâu.
Chiếc phà chậm rãi sang bờ, bên đây sông là Cần Thơ còn sang bên kia bờ là đất Vĩnh Long. Hai Thành xuống xe ra lan can đứng ngắm cảnh. Sóng vỗ ì oạp dưới chân. Dòng sông Hậu mênh mang gió, nước xoáy và đỏ đặc phù sa. Con sông quê hương mùa này như rộng lớn hơn, những dề lục bình ở đâu trôi về nhiều thế?  Ừa, mùa nước nổi đang về, một vài bụi bông tím mỏng manh, chiếc phà chạy ngang, sóng xô dúi dụi.

"Đẹp giai" ớn.
 Một cô gái nướng bánh Kẹp ngồi kế bên lan can thỉnh thoảng lại ngước lên Hai Thành. Nhìn diện mạo thư sinh đẹp trai của Thành, thực lòng các cô gái cũng hay để ý. Nhưng cái nhìn ngang lần này của cô hàng bánh hơi khang khác. Một phụ nữ đứng tuổi, tay mang chiếc túi  du lịch nhỏ ý chừng đang muốn tìm xe quá giang, đi ngang đụng nhẹ người Hai Thành. Chị cúi xuống thấp, nói nhỏ: "chú cẩn thận coi chừng tiền bạc, nãy giờ có mấy người tướng tá coi không đàng hoàng thấy tới lui bên chú hoài...
Chưa nghe hết câu, theo quán tính Hai Thành thọc tay vô túi áo gió.
- Thấy mẹ tui rồi! - Anh hớt hải. Cái bóp mới lãnh tiền lương của cả ba người mấy tháng trời đi biển đã không cánh mà bay. Anh vội trở lại xe ngoắc hai người bạn: "mất bóp rồi".
Chiếc bắc 200 lớn mênh mông chứa tới ba bốn chiếc xe hàng, một chiếc xe đò đậu cuối cùng còn lại là xe du lịch. Đụng đâu cũng là những gánh hàng dong, những em bé bán trà đá, những người bán vé số dạo, một vài hàng bánh mì, bánh ít, trái cây... Tiếng rao, tiếng gọi, tiếng í ới khắp nơi. Người đâu đông đặc thế này làm sao biết kẻ gian người ngay.
Chiếc bắc đang ở giữa sông, kẻ cắp không thể chạy đi đâu được. Anh em bàn bạc sơ bộ rồi tản ra. Sáu Bảnh hỏi những người bán hàng dong, họ lắc đầu, lấm lét nhìn đi đâu. Anh chặn một người bận đồng phục, vừa là bảo vệ vừa là người cột dây phà, anh cũng lắc đầu. Sao lạ, hỏi ai cũng nín khe. Ở cái bến bắc này hàng ngày quen quá mà, chắc chắn nhiều người biết, mà sao ai cũng sợ hết vậy nè.  
Hai Thành kiếm được người nữ hồi nãy. Chị đang kiếm xe về thành phố. Anh hỏi:
- Chị đứng đây chắc là biết thằng ku nào lúc trước loay hoay bên tui, chỉ có thằng đó lấy trộm tiền tui. Chị chỉ giùm đi lát nữa quá giang xe tui về Sài Gòn, có tụi tui đây không đứa nào dám đụng tới chị đâu.
Người nữ không nói, cái mặt xanh le. Chị đưa mắt nhìn lên chiếc xe đò đậu phía cuối bắc, ngầm ý như muốn nói thằng ăn cắp trên xe đó đó. Thành và  Hoàng tử liền thốc lên chiếc xe đò. Sáu Bảnh lại gần anh bảo vệ:
- Tụi tui mất một số tiền khá lớn, có thể anh không biết chắc thằng ăn cắp nhưng lát nữa nhớ giữ chiếc xe đò này lại. Để cho nó thoát là có chuyện với tụi tui đó.
Chiếc xe đò vắng ngắt, bà con đi xe đã xuống hết, lội bộ từ khi xe mới tới bến bắc. Trên xe chỉ còn vài ba người nữ say xe nằm rũ rượi vì không xuống nổi. Một gã trai ngồi một mình úp mặt ở băng ghế cuối đưa ánh mắt lấm lét nhìn lên. Tia thấy mặt gã trai, cả ba cùng hiểu ý, bấm  nhau nhảy xuống xe như không phát hiện điều gì. Hai Thành đi tìm người phụ nữ tốt bụng, kéo chị lên lên đầu mõ bàn phà đứng đợi, còn Sáu kéo Hoàng tử dạo quanh một vòng, mắt không rời cánh cửa chiếc xe đò.
Chuyến bắc nhẹ nhàng cặp bến Bình Minh. Người đi bộ, xe máy, xe đạp túa lên bến. Điều động hết những chiếc xe tải, xe du lịch lần lượt chạy lên bờ, riêng chiếc xe đò nằm chờ lại trên bắc, người bảo vệ không nói nhưng âm thầm hợp tác. Thấy chiếc xe bị chặn lại, gã trai từ trên xe  phóng xuống, vội vã lủi vào dòng người cuối cùng đi lên, Sáu và Hoàng tử liền bám theo sau.
Lên bến trước, đứng chờ trên cao có thể điểm mặt hành khách lên bờ, nhìn người nữ run run, Hai Thành động viên:
- Chị không sợ tụi nó trả thù. Chỉ cần chỉ mặt cho tui rồi vô trong kia chờ ở đó, hồi xe con chúng tôi sẽ đón và đưa chị về tận nhà, nhớ nghe.


Ngầu.
Gã trộm mới lú đầu lên bến, người nữ ngần ngừ rồi đụng nhẹ tay Thành, hất đầu về phía gã trai và nháy nháy mắt. Một khuôn mặt xương và ốm như một gã nghiện, một cặp mắt hèn hèn mới nhìn thấy Thành vội cụp xuống lảng tránh. Linh tính báo Hai Thành không trật được, anh từ từ bước tới, quất cho cú đá phủ đầu. Hoàng tử bia mới lên tới nơi nhào vô ra chưởng liên tiếp, gã trai dúi dụi. Bà con bến bắc Bình Minh chắc không lạ gì đám trộm cắp ở đây nên không ai can gián. Anh em tóm cổ áó gã trai lôi lên xe. Sáu Bảnh nói anh Chung tài xế:
- Tới luôn đi, cho thằng này về Sài Gòn.
Bị khóa cứng tay trên băng ghế sau, gã trộm  dập đầu xuống sàn xe lạy như tế sao:
- Xin các anh tha, em mới đi tù về đói quá. Nếu biết các anh thủy thủ, em đâu dám hỗn.
Sáu Bảnh đè cổ tên trộm, Hoàng tử "loại" hết trên người hắn, móc ra được cái bóp trong túi, quăng cho bạn:
- Hai Thành kiểm tra lại coi.
Mở ra cái bóp da mỏng mất phân nửa,  Thành lẩm bẩm:
- Mẹ kiếp, mất đâu một mớ, mấy tháng lương của cả ba thằng mới lãnh hồi sáng, chưa kịp đếm nhưng mà dày lắm, sao bây giờ còn có bây nhiêu?
Khỏ vô mỏ tên trộm một chưởng nữa rồi dúi đầu nó xuống sàn, Hoàng tử lúc này điên tiết: 
- Kỳ này tụi tao cho mày về Sài Gòn đi "tàu suốt" luôn. Má mầy, giấu tiền của tụi tao ở đâu? Anh Chung cho xe chạy lẹ đi, chở nó về Sài Gòn. 
- Em thề là có bấy nhiêu, cái bóp còn nguyên vậy mà, lạy các anh thả cho em xuống.
Chiếc xe vẫn lao đi trên đường, chẳng mấy chốc đã tới thị trấn Bình Minh. Anh Chung tài xế biết ý, để mặc mấy anh em hành thằng trộm, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn lên kính chiếu hậu xem chừng. Thấy mấy giấy tờ quan trọng còn nguyên trong bóp ,chỉ mất tiền, chắc nó cũng không biết làm rớt ở đâu, hai bạn có đánh thêm nó cũng vậy. Cái tính thương người muôn đời của Hai Thành lại trỗi dậy, anh nói nhỏ:
- Wính bấy nhiêu đủ rồi. Thôi thả cho nó về ông ơi. 
- Không được, tại sao có bây nhiêu tiền? - Hoàng tử không chịu. Nói Sáu Bảnh nắm chặt cổ thằng trộm, Hoàng tử tiếp tục "loại" bên trong người hắn:
Mấy tháng xa nhà cực khổ, anh em tao mới lãnh được bây nhiêu tiền lương, mày không nôn ra tao sẽ đánh cho mày không còn cái răng húp cháo.
Thằng trộm bỗng giãy giụa mạnh, la ré lên. Hoàng tử chơi bài cuối, bóp mạnh bộ "đồ chơi" của thằng trộm lôi thêm ra được mớ tiền còn lại gã giấu kín trong người.
Dừng lại bên đường, Sáu cho thêm một đạp tống cổ tên trộm xuống xe:
- Cho mày lội bộ chơi một bữa cho biết đời. Lần sau gặp mấy cái mặt này nhớ né cho xa nghe con.
Chiếc xe trở đầu quay lại bến bắc. Người phụ nữ vẫn chờ đón xe bên đường, Hai Thành đi tới mời chị lên xe. Bà con bán buôn xung quanh bến bắc Bình Minh xúm lại hỏi thăm, Hai Thành vỗ vỗ túi áo khoác cười khoái chí: "Xong rồi, xong rồi."
Chiếc xe con chạy máy dầu xịt khói chào bến bắc nhộn nhạo, phóng về Sài Gòn. Câu chuyện bắt kẻ cắp tuy mệt mà vui râm ran suốt đường về.