Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

17. Rày đây mai đó riết cũng vui.

Một vùng thôn quê ven biển giống như bao làng chài dọc bờ biển miền Nam Trung bộ, làng chài Mũi Né ngày ấy nghèo lắm nhưng thanh bình và an phận. Giống như một ốc đảo thu mình dù nằm không xa lắm thị xã Phan Thiết, không có đường đlện kéo về làng, không có xe cộ trên con lộ chính nham nhở nhiều tháng năm không tu bổ, cát phủ ở khắp nơi, tất cả đều khiêm tốn và hoang sơ.

Buổi sáng Hai Thành phân việc sửa chữa cho anh em thợ máy bảo quản trên tàu, còn mình kéo Sáu Bảnh và Nhơn voi lên ca nô vào bờ.
Người ngư dân đứng tuổi ngồi vá lưới dưới vòm lá  trong sân nhà, nụ cười hiền hòa: 
- Tui thấy tàu neo lại chiều qua, chắc có chuyện? có cần chi mấy chú cứ nói, giúp được tui giúp.
Hai Thành kể sơ việc mấy cái bình điện trên tàu và ý muốn thuê một cái máy sạc điện. Lão ngư hiền lành và giản dị đến thô mộc, giọng nói miền biển hơi nặng,  nhận lời đi kiếm máy nổ sạc điện về. Ngần ngừ mãi ông mới nói, muốn xin một ít dầu chạy máy. Thành vui vẻ::
- Tưởng gì khó, dầu ư, bác muốn bao nhiêu cũng có.
Ông  nói mấy chú ở chơi chờ tui rồi bỏ hết việc nhà, xách chiếc xe đạp "truổng cời" không vè không thắng chạy đi.
Thấy Nhơn voi im lặng từ lúc lên bờ, ở tàu thằng em cái miệng tía lia, chưa thấy mặt đã nghe tiếng nói, Hai Thành hỏi:
- An tâm chú mày, ông ấy đi thế nào cũng có máy. Mà mắc giống gì sáng giờ cái mặt mày sò căm vậy?
Chờ có bấy nhiêu, Nhơn tuôn ra một hơi như phải nín nhịn lâu rồi:
- Chuyện sự cố trên tàu chỉ tại thằng thợ điện anh ạ, mới xuống không lo việc tàu, lo việc gì đâu nên mới nên vậy, để em kể anh nghe.
Mẹ nó, suốt mấy bữa hổng thấy thằng Tịnh sờ tới ác quy điện đóm, nó cứ đi lên đi xuống buồng máy chắc tính trò giấu hàng buôn lậu. Hổng hiểu ông Dương máy nhất "khè" lính mới kiểu gì, thằng điện mặt mũi coi lỳ lợm vậy  chịu ông Dương một phép. Thấy hai thày trò lôi dây điện và mớ que hàn lúi húi cắt hàn ở góc buồng máy, chắc làm hầm bí mật quá. Tại bữa đi ngang nghe ông Dương nói với nó: "Hầm bí mật bên sông En bơ, chỗ này giấu cũng được khơ khớ hàng đấy, thằng này giỏi". Rồi ổng cười khoái chí lắm. Thông thạo buồng máy như đám thợ tụi em đi ngang cũng không thể phát hiện được.
- Ừa, chuyện đâu còn đó, có ban chỉ huy tàu. Mà mấy chuyện của người ta bớt bớt xía vô, riết quen thành tật hổng hay - Thành vỗ vai Nhơn rồi kéo anh em đứng dậy:
- Nơi này đẹp quá, anh em mình đi một vòng khám phá coi, chắc là sẽ có nhiều thú vị. 

Nhà cửa ở đây phần lớn tuềnh toàng, những cánh cửa mở toang, thưa vắng nối tiếp nhau trong những ngõ nhỏ lầm cát và khô nóng. Nơi nào cũng cát. Chân cuộn trong cát trắng ở khắp lối đi, cuộn cả lên thềm nhà. Thời gian như đứng im cùng nắng xiên trên vòm lá nao nao lòng. Đâu đó lúp xúp những lùm cây dứa dại và bụi xương rồng, những loài cây quen thuộc với cát và cái nắng cháy của dải đất miền Trung. Một chú dê con loanh quanh bên bụi gai xương rồng vươn trên cát nóng, bọn trẻ con ở trần trùng trục, nhem nhuốc toét miệng cười, chạy tới chạy lui ngó nghiêng người lạ.
Càng đi sâu càng mê hoặc ngẩn ngơ. Những gò cát nối tiếp, lác đác những bụi cây dại,  điểm một vài bông hoa Mua tím nhạt còn xa kia là đồi cát  một màu đỏ chói chang trải dài tít tắp. Phía bên kia con đường là biển, lấp ló sau những rặng cây, khúc là những bụi dương xanh um tùm rậm rạp, khúc là hàng dừa nghiêng nghiêng cao ngút ngát, từng đợt sóng nhịp nhàng, từng khoảng khắc ngưng nghỉ  lại ào lên vỗ về bờ cát.
Chưa bao giờ tới nơi này, Thành và Sáu Bảnh không ngờ lại có một vùng biển trời bao la, đồi cát thanh vắng, thêm vào một dòng suối nhỏ róc rách, đẹp đến mê hồn...
Khi trở về, mọi việc đã được chuấn bị đúng như ý muốn, anh em trở về tàu cùng những người dân mang theo chiếc máy sạc. Chiều hôm ấy, mọi việc sửa chữa trên tàu đã tạm ổn. Chia tay Mũi Né hoang sơ, sẽ khó mà quên được cảnh sắc và con người, những ngư dân địa phương giản dị, thô ráp, thật thà và tốt bụng, con tàu lại tiếp tục hành trình.

Ninh Kiều về tới cảng Hoàng Diệu - Cần Thơ chậm mất hai ngày theo dự tính.
Ma nơ cặp cảng vừa xong, Sáu Bảnh nhảy lên cầu cảng điện thoại ngay về nhà. Đầu dây bên kia là mẹ, khi nào mẹ cũng có ở nhà.
- Mẹ đấy à? Mấy bữa rồi có cô bé nào điện thoại tới hỏi thăm con không vậy? - Sáu vội vàng hỏi, còn mẹ thì vui mừng lắm: 
- Con đã về rồi ư? Đang ở đâu đó? Ừ... Không có cô nào điện. Lâu rồi không có ai điện, cũng lâu không nghe con điện về, mẹ nghĩ hay là điện thoại hư. Đang tính kêu thợ coi sao thì con gọi về. 
- Vậy là không có cô nào điện tới sao? 
- Cha bố anh, vừa đi về đã hỏi thăm cô nào, mà không hỏi mẹ ở nhà một mình ra sao.
- Ui, con xin lỗi, tại chưa kịp hỏi mẹ đã trách, hi hi... - Sáu Bảnh bật cười.
- Mới về tới cảng Cần Thơ tức thì, điện về cho mẹ liền rồi nè... Thôi con cúp đây, mai mốt con về tới. 
Vậy là Trang không điện thoại, chắc là cô ấy chưa đi được. Sáu băn khoăn, gần tuần lễ đã qua từ bữa ấy, biết có chuyện gì không. Nhìn mặt Sáu Bảnh trở về tàu tiu nghỉu, Hai Thành đoán ý, mỉm cười như muốn chia sẻ còn Hoàng tử bia thì cười khanh khách:
- Coi cái mặt kìa, Sáu Bảnh lại bị quả tà lưa nữa rồi, ha ha... mới hết cô hàng ốc Len gần nhà, tình chưa kịp phôi pha nay đã có một mối tình xa, tình em hàng bún cá, ha ha ha...

Ngày về bến, chiều ấy công ty cho xe tới tận cầu cảng đón anh em đi chiêu đãi một bữa ra trò ở nhà hàng Miền Tây. Ban giám đốc là những người từng một thờiđi biển, hiểu việc và cảm thông anh em thuyền viên qua chuyến đi cực nhọc nhưng an toàn và hoàn thành công việc. Bữa tiệc thật vui vẻ. Ôm vai Hoàng tử bia - người thường làm đại sứ đối ngoại trên tàu trong những bữa nhậu, ông Bảy giám đốc kêu hết mọi người nâng ly:
- Tui khoái mấy thằng Sài Gòn, coi công tử vậy thôi chớ tụi nó mần ra mần, chơi ra chơi, uống ra uống nghe. Vô trăm phần trăm cái coi.
Nhà hàng Miền Tây ở đây đã có từ lâu lắm. Những người làm việc chắc cũng gắn bó từ lâu, ai cũng dễ thương dễ gần. Anh chủ quán Thanh "khoèo" uống ly nào ngọt ly đó. Thằng Vũ thằng Tám thằng Tèo cứ thấy mặt là cười, nhìn ánh mắt khách đưa ngang là vội chạy tới lo tiếp đồ còn chị Tuyết cô Vân cô Nguyệt... lâu lại từ bếp chạy lên: "mấy anh có vừa miệng hôn? đồ ăn sao để nhóc dzậy nè." Còn nhỏ Sương nữa, làm bếp không lo lâu lâu lại liếc mắt mấy anh em thủy thủ Sài Gòn cười mủm mỉm...
Hai Thành thích nhất món chả cá Thác lác chiên và rắn hầm xả của nhà hàng, Hoàng tử bia thì thích món rùa nướng mọi còn Sáu Bảnh lại khoái chí với những con Đuông chà là màu trắng sữa ngậm trong nước mắm tròn căng béo ngậy. 

Thủ phủ của miền Tây sông nước chỉ là một thành phố nhỏ thanh bình yên ả. Người Tây Đô chân thành, vui tính, bộc trực và mến khách. Xứ sở sông nước của con cá con tôm, của gạo trắng nước trong và bốn mùa cây trái. Con người ta phóng khoáng cùng với thiên nhiên, đất trời ưu đãi cho những mùa màng với biết bao nhiêu sản vật của miền quê sông nước.
Cũng từ chuyến đi này, bộ ba ấy bỏ Sài Gòn chuyển hẳn về miền quê đầu quân cho công ty Mekongship.

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Bài bí dí ảnh.

Sắm em này cho nó máu.

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

16. Ngày biển động.

Ảnh: Lộc HB.
Thiếu ngoại tệ, thiếu thốn vật tư, phân bón, máy móc… cái cơ chế bó chân tay của những năm tháng lạ lùng. Từ tất cả các ngành nghề đến nền kinh tế chung của tỉnh ì ạch, không khá lên nổi, đời sống xã hội ngày một khốn khó. Cũng có những người lãnh đạo ở địa phương mình nhìn thấy những khó khăn của thời bế quan tỏa cảng ấy, song không làm sao được. Gặp một hướng làm ăn nào hợp lý lẽ, gỡ rối cho địa phương mình được chút đỉnh, mừng vui xen lo lắng. 
Thời gian này chỉ có con cá con tôm, nhịn ăn làm hàng xuất khẩu, còn tàu bè là khai thác những chuyến hàng chuyên chạy trên các tuyến nước ngoài, quay vòng càng nhanh càng tốt để thu cước vận chuyển bằng ngoại tệ mới là mục tiêu của tỉnh và là yêu cầu đối với các con tàu vận tải biển.
Đôi khi, nể vì những lời trao đổi của lãnh đạo, và có thể có một tí "sĩ" nghề nghiệp, một tự tin kinh nghiệm, thuyền trưởng quyết định ra khơi, mặc dù thời tiết có xấu hơn một ít, sóng gió có lớn hơn chút đỉnh. Những chuyến đi như thế sức vóc anh em thủy thủ cỡ nào cũng mỏi mệt và còn may mắn với những con tàu già nua, nếu vượt qua sóng gió hay bão tố bất thường trên biển.

Ninh Kiều lấy từ Hải Phòng một lô hàng xi măng đủ để bù chi phí nhiên liệu, chạy về Cần Thơ gấp để lấy hàng từ đó đi S'pore. 
Tàu chạy hướng Bắc Nam đã sang ngày thứ ba trên biển. Mùa sóng và gió Tây Nam, biển động  lại ngược sóng ngược gió làm hành trình của tàu chậm lại rất nhiều. Có những khoảng thời gian con tàu chạy chỉ là gối lên những cơn sóng ngược, gần như đứng yên một chỗ. Buổi sáng thức giấc, Sáu Bảnh nhìn thấy một hòn đảo nhỏ qua cửa táp lô, con tàu đang chạy ngang với mũi đảo, đi hết một ca, chiều  lên boong vẫn nhìn thấy nó, mới chỉ nằm ngang thân tàu.

Cuộc sống của người đi biển cùng những sinh hoạt và nếp làm việc trong một chu kì lặp lại, đơn điệu. Chỉ với bấy nhiêu con người trên con tàu như một xã hội thu nhỏ, tách biệt thường xuyên và độc lập với xã hội.
Dầu máy, bụi nhớt trong không khí, trên người, trên tóc, trên áo quần, thấm vào bàn tay người thợ. Ở đâu cũng nghe mùi dầu và tiếng máy. Tiếng máy ì ầm ì ầm, tiếng rít của turbo luôn ong ong bên tai ngày hay đêm, khi làm việc, bên mâm cơm hay cả trong giấc ngủ. Có đôi lúc ngồi một mình cảm thấy buồn buồn và nhớ nhà, nhớ bờ da diết.

Giao ca trực sớm mười lăm phút, lên boong tàu hóng tí gió biển, bữa nay Sáu Bảnh bắt đầu cảm thấy sốt ruột vì sự chậm chạp của con tàu, chợt nhìn thấy một doi đất xanh xanh mờ ẩn hiện thật xa kia bên mạn phải. Nơi đây chắc là một vùng quê chài lưới nào đó ở khúc cong dải đất miền Trung cát trắng, nắng chói chang và lộng gió.
Dù xa xôi ở đâu, không cần thân thuộc, nơi xa xa xanh xanh ấy luôn tồn tại sự sống, dẫu có cực nhọc, không nhiều mơ ước nhưng an bình, giản dị của những con người dân quê chịu thương chịu khó. Cái màu xanh mờ ấy của núi, của cây, của đất liền luôn gieo vào lòng một cảm giác thư thái, dịu dàng và dâng trào một nỗi nhớ cho người đi biển.
Không biết giờ này Trang đang làm gì, em đã rời xa cái quán bia ấy và có về quê thăm em thăm mẹ chưa, và mọi việc của em lo toan đã đến đâu rồi. Một nỗi nhớ vu vơ chợt ùa đến, miên man trên biển.

Bữa ấy chia tay anh Sáu, Trang gởi số tiền cho người quen rồi trở lại Hương Biển. Đường về  Đồ Sơn như xa hơn, Trang cứ nghĩ mãi về anh ấy và những người đàn ông nơi xứ lạ cô mới quen ít lâu. Cô lại hình dung về một cuộc sống khác ở một phương trời mới. Bây giờ chắc là anh ấy đã đi xa rồi, còn cô thì lại phải quay về con đường cũ, lặp lại những ngày giả dối và u buồn. Trang bỗng thấy cay cay nơi sống mũi. Con đường dài hoang vắng trước mặt như mờ đi, như xa hơn mãi
Cô gái dừng lại ngồi nghỉ ven đường. Một vùng đồng lầy mênh mông, thi thoảng chen đám cỏ lác và cây dại. Một con chim bói cá vụt bay lên, cô đơn ngang trời.
Hình ảnh anh Sáu và nhóm anh em tàu biển miền Nam không thể dứt khỏi luồng suy nghĩ. Một cách sống khác, tại sao họ được vô tư như thế. Tại sao cảnh nhà Trang lại thế này. Bỗng dưng cô muốn bỏ đi theo anh Sáu ngay bây giờ, nhưng Trang chợt băn khoăn suy nghĩ lại, lỡ mà các anh ấy cũng giống như người thân của cô ngày ấy, cũng những chăm lo nho nhỏ, cũng những nụ cười và lời nói ngọt nhạt ban đầu, lại đưa cô tới nơi này để rồi cô phải theo chân bước đi từng ngày, từng ngày dài tủi cực?
Trang không thể ngờ suốt một tuần lễ ấy bà chủ nói cô không được qua Hải Phòng nữa. Và cô cũng không thể đi đâu xa hơn, chỉ lanh quanh sau nhà lại ra trước cổng quán, khi nào Trang cũng có cảm giác có ánh mắt người ta đâu đó luôn dõi theo mỗi bước chân cô.
Trang quyết định phải làm mặt lạnh, tỏ vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Có lần bà chủ hay ai đó hỏi thăm mấy anh miền Nam, cô ngạc nhiên, em có biết gì đâu. Để rồi cô sẽ tìm kiếm một dịp nào thuận lợi, bất ngờ nhất trốn ra đi.

Hai Thành bữa nay ăn cơm trễ, mấy bữa thấy Sáu bảnh ít nói, vẻ buồn buồn, anh có ý chờ Sáu Bảnh hết ca 8-12 tính ngồi ăn cơm chung nói dóc. Đang dang dở bữa cơm trưa bỗng nghe tiếng máy tàu hơi lạ, Thành đưa mắt nhìn lên ống khói tàu, khói máy xả ra trên nền trời vẫn là màu xanh trắng nhè nhẹ bình thường như mọi khi nhưng sao nghe tiếng máy nằng nặng, là tiếng máy đèn lẫn trong tiếng máy cái. Thành đá chân Sáu: "Tôi cảm giác hình như máy đèn có chuyện". Chưa nói hết câu, tiếng còi báo động từ buồng máy bỗng réo vang inh ỏi. Hai người buông vội chén đũa lao xuống buồng máy. 

Tàu bất ngờ mất điện toàn bộ, dưới buồng máy ánh đèn sự cố sáng nhờ nhờ, máy phát điện số 1 đã tự động đứng, 
Các thông số hoạt động của máy cái trên các đồng hồ báo vẫn bình thường, chỉ có nhiệt độ làm mát hơi tăng cao môt chút, gạt Nhơn voi thợ máy đi ca sang bên, Hai Thành điều chỉnh cho máy chính chạy sang chế độ half. Thành đã phát hiện ra sự cố của máy đèn, anh không gấp gáp quá để mọi người bình tĩnh, biết là không nghiêm trọng, tàu có thể vừa hành trình vừa xử lý được.
Khi làm việc ở trên tàu, ai đó chợt nghe tiếng còi hay tiếng chuông báo động là giật bắn mình, nhất là đang trong hành trình. Chỉ một nhoáng sau, hầu như mọi người đã có mặt đầy đủ ở buồng máy. Hai Thành phân công anh em thợ máy, người đi ca tiếp tục, người lên mở rộng cửa thông gió lấy thêm ánh sáng, người mang tới đèn pin. Anh nói với mọi người:
- Đứt dây cua roa kéo bơm làm mát máy đèn số 1 rồi, nóng quá tự động tắt, cho chạy máy đèn số 2.
Nhơn voi khởi động máy đèn số 2. Mở van nước, đề máy chỉ nghe một tiếng "k' rốc" khô khan gãy gọn, lần thứ hai vẫn thế. Bình điện không còn tí hơi nào hết. Mở nắp thấy nước bình khô queo, Hai Thành giận dữ:
- Làm ăn thế này có chết không. Thằng Tịnh đâu rồi? Lấy bình dự trữ trong kho mang ra đề máy coi.
Không thấy mặt thằng Tịnh "thâm" đâu hết. Từ bữa sóng gió nó nằm vùi, bây giờ sự cố điện mà nó cũng trốn mất tiêu. Anh em thợ máy mang tiếp mấy bình điện trong kho ra, hơi bình yếu xìu, đề máy ọ ọ ọ ba bốn tiếng chậm dần rồi im luôn, thế có chết không. Hai Thành lục bục chửi thề. Máy trưởng Ba Hòa từ khi nghe tiếng máy giảm đã xuống buồng máy hồi nào, lúc này lên tiếng:
- Chuyện chi vậy bay?
Hai Thành không trả lời. Anh nói trỏng với đám anh em thợ máy:
- Có đứa nào ra sau lái giật nổ cái máy bơm cứu hỏa dự phòng coi, rồi mở van nước bổ sung cho máy cái liền đi. - Kéo máy trưởng lên khỏi buồng máy, Hai Thành báo cáo vắn tắt sự cố.
Dây cua roa máy đèn 1 đứt,  không khởi động được máy đèn số 2, lý do: bình điện không có hơi. Lỗi do thợ điện không bảo quản, không châm nước bình, không sạc bình dự trữ. Bây giờ khắc phục tạm thời: Chạy máy bơm dự phòng lấy nước cho máy cái chạy đỡ được rồi, anh em thủy thủ phải lái tay thôi. Tàu ráng chạy tới nơi nào gần nhất có thể, neo lại khắc phục sự cố cho máy 1, châm nước, sạc đầy ác quy mới khởi động được máy đèn.
Cái bơm nước biển làm mát máy cái gắn vô trục chính do chính nó lai, máy chạy thì bơm chạy. Ban máy biết rõ, con tàu đang khai thác đã lớn tuổi, xài lâu ngày rồi nên bơm yếu, không đủ áp lực nên trong hành trình anh em luôn phải chạy thêm bơm cứu hỏa phụ thêm cho đủ nước làm mát máy cái. Bây giờ máy đèn tịt cà hai mất rồi. Vẫn còn một bơm cứu hỏa dự phòng chạy bằng máy nổ nhỏ lấy nước cho máy cái sử dụng. Ở trên tàu hệ thống bơm van ống được thiết kế các đường ống nước thông với nhau. Bằng cách đóng mở hệ thống van sẽ sử dụng một trong các bơm ballast, la canh, bơm cứu hỏa hay bơm dự phòng xài chung được cho nhau, bơm vào hay hút ra.
Lái tự động không ăn từ khi mất điện, sĩ quan và thủy thủ đi ca trên buồng lái đã chuyển sang chế độ lái tay. Đèn sự cố chỉ sử dụng trong một vài giờ tới là hết, không có điện phục vụ sinh hoạt có thể tạm thời, nhưng không có điện cho máy lái, sóng gió thế này, lái tay nặng nề và mệt mỏi lắm.
Máy trưởng Ba Hòa cáu kỉnh:
- Ẩu tả hết biết! Thằng ku thợ điện đâu rồi?  Mẹ bà nó, đi tàu chung với mấy thằng ất ơ này có ngày chết cả lũ. 
Thuyền trưởng, máy trưởng và đại phó hội ý ban chỉ huy, nhất trí cho tàu ráng chạy thêm vài giờ nữa, nơi đây còn cách Mũi Né theo hải đồ gần hai chục hải lý, tốc độ này chừng ba giờ tới nơi, neo Mũi Né là hợp lý. Ở đó là làng chài, có nhiều ngư dân, tàu thuyền, thế nào cũng kiếm được máy sạc bình điện.
Ông bà có câu nói muôn đời, họa vô đơn chí. Khi tạm ổn mọi việc, vòng một vòng kiểm tra, bỗng nghe mùi khen khét ở đâu đó trong không khí, Hai Thành lại phát hiện  khói bốc ra từ cái máy cứu hỏa dự phòng còn lại. Hết hồn, cả thủy thủ lẫn thợ máy, ai đứng gần là nhào vô, mọi người đều lao vào cứu hỏa. Quơ vội bình bọt kế bên giọng ngược xuống sàn, Thành sịt vội đám khói. May phước ông bà, chỉ là hở bô ở cái máy nổ, cháy mất mất  lớp cách nhiệt bên ngoài. Tuy nhiên, cái máy bơm nước dự trữ cuối cùng ấy cũng không thể hoạt động, phải tạm ngưng sửa chữa, không còn một nguồn nước nào bổ sung cho máy cái.
Hai Thành ngao ngán, anh trở về buồng máy, giảm máy về chế độ slow. Những tay đòn, xu páp của máy cái nặng nhọc chạy lên xuống làm văng tung tóe những giọt sương nhớt, chậm rãi nhưng kiên nhẫn và con tàu lầm lũi hành trình. Ninh Kiều vẫn ráng lết về phương Nam.

Chiều đã xuống rất thấp, phía xa xa kia là rặng dừa ven biển của làng chài Mũi Né. Ninh Kiều giảm máy rồi buông neo ngoài xa, tạm nghỉ ngơi giữa hành trình trong ngày biển động.
Ca nô cứu sinh đã được hạ xuống thấp chuẩn bị cho Hai Thành và anh em máy sớm mai đi bờ lo sửa máy. Cai boong Hoàng Lãnh từ trên kho mũi đi xuống, tay xách theo ngọn đèn bão để tối đốt lên thay cho đèn neo, gặp Hai Thành với Sáu Bảnh mới xong việc đi lên từ buồng máy, mặt mũi lấm lem dầu mỡ, Hoàng Lãnh cười rung rinh hàng ria:
- Nghỉ ngơi tắm rửa đi, mơi tính tiếp, chờ chút xíu tui kiếm mồi lát nữa làm bữa cho sung độ, cho mạnh giỏi coi.
- Mất điện rồi, nước đâu tắm, he he... kệ bà nó mơi tính, giờ này chỉ có nhậu thôi thầy cai. Sáu Bảnh nghe hơi hội hè cười vang khoái chí. 
Một chiếc ghe nhỏ thấy đèn tàu neo tắp lại. Rồi cai boong cũng kiếm ra những món mồi đủ cho hội thường nhậu. Ai cũng mệt mỏi nhưng mọi việc như thế là tạm ổn. 
Đêm ấy không điện, không nước sinh hoạt, ngồi với nhau bên chung rượu, nụ cười trong mắt anh em, mặt mũi lem dầu mỡ. 

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

Đồng đất Lý Sơn.


Lý Sơn là một hòn đảo hình thành từ ba ngọn núi lửa cũ, địa hình và đất đai trên đảo từ nham thạch phun trào đã qua hàng nhiều triệu năm. Lý Sơn còn mang một tên khác là Cù lao Ré, cái tên của  ông cha đặt ra từ thuở đi khai phá miền đất này theo một loài cây hoang dại mọc nhiều trên đồng đất nơi đây. 
Hòn đảo từ bao đời của những người nông dân và chài lưới nằm ngoài khơi biển Đông thuộc Quảng Ngãi, cách đất liền tính từ bến tàu Sa Kỳ gần hai chục hải lý. Nơi ấy có những người con của biển cả, bao năm qua vẫn đi về biển đảo Hoàng Sa nhiều gian nan, nhiều bão tố. Họ là những người lính hải đội Hoàng Sa năm xưa hay những người dân lành sống nghề đánh cá. Họ đi biển, làm ăn và gìn giữ vùng trời vùng biển của ông cha mình từ bao đời nay.

Huyện đảo Lý Sơn có ba xã Vĩnh An, An Hải và An Bình hình thành từ đảo Lớn và đảo Nhỏ nằm kế. Trên đảo Lớn có nhà truyền thống hải đội, Âm linh tự thờ vong hồn liệt sĩ Hoàng Sa, nhà thờ cai đội và những ngôi mộ gió bởi có rất nhiều những người con của biển ra khơi đã không trở về. Thiên nhiên và bão tố, và gần đây là giặc giã xóm giềng phương Bắc. Nhiều lắm những giọt nước mắt của những người vợ, của con cái và người thân trong ngày tháng ngóng chờ tàu đi rồi tàu về, có những người chờ mãi, chờ mãi, chờ hết cả một đời...

Khi những người trai của gia đình ra khơi, những người nữ chịu thương chịu khó ấy ở nhà nuôi con, gắn với đồng đất, với cát nóng và những loài cây trồng mang đặc thù Lý Sơn, thơm ngon thương quý. 
 Về với  Lý Sơn, thấy người dân trồng khá nhiều loại rau, hoa màu với mè đậu, dưa hấu và cả những thửa ruộng bắp mới thu hoạch. Đồng đất ở đảo thích hợp với nhiều loại cây nhưng trong đó hai loại cây đặc sản của đảo đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, rất được nhiều bà nội trợ ưa chuộng là hành và tỏi. Nổi tiếng nhất là tỏi Lý Sơn.

Gặp một cô bé ở cổng chùa Hang, em mới thi hết phổ thông, nghỉ ngơi chờ ngày thi đại học, tranh thủ phụ mẹ giữ xe miễn phí cho du khách tới vãn cảnh chùa. Giới thiệu về đặc sản của Lý Sơn, mang tỏi mời khách, tươi cười em nói, thứ này kêu là tỏi cô đơn, tỏi mồ côi hay là tỏi một cũng nó, tức là củ tỏi chỉ có một tép một, người xứ Quảng rất quý tỏi này vì không chỉ là một thứ gia vị nấu nướng mà còn để làm một loại thuốc quý có nhiều tác dụng chữa bệnh. Ngâm “tỏi một” với rượu trắng để chữa mỡ trong máu, trị cao huyết áp hay nâng cao sức đề kháng. Tỏi Lý sơn không biết chính xác đã trồng ở đất này từ khi nào. Nó nhỏ vừa, màu trắng, thơm dịu, cay dịụ, dễ thương lắm nghe.

Những thửa ruộng bậc thang cao thấp chênh nhau chỉ bằng bậc thềm nhà với ngoài sân, ngăn cách bằng những viên đá đen xám nham thạch của núi lửa xếp đặt ngẫu nhiên làm nên những tiểu cảnh đồng quê. Ở mỗi góc nhìn thấy đẹp, giản dị và riêng tư như vị cay thơm dịu dàng của những tép hành tỏi trồng trên đồng đất Lý Sơn. 
Sau mỗi mùa tỏi, người nông dân ở đây có thể  trồng đậu trồng mè, rồi dưa hấu rồi hành, bắp, vừa để cải tạo đất vừa là xen vụ giữa hai mùa tỏi. Thường thì ba bốn năm người ta mới thay mới đất đai một lần. Nếu nhà ai có dư dả  và siêng năng, muốn đất tốt hơn, muốn cây trồng cho năng suất cao hơn thì mỗi năm thay một lần.
Cát biển xưa kia lấy ở gần bờ, rồi ra xa dần. Ghe mang cát đổ về ven bờ, rồi bơm lên bãi. Người nông dân phải mua cát về đồng , bởi cát biển bây giờ là năm bảy chục ngàn một khối. Có thời gian lên tới bạc trăm, là một chi tiêu khá lớn cho mỗi nhà nông. Bởi vào mùa vụ còn nhiều nỗi lo, phân giống tưới tiêu. Ở đảo không có hệ thống thủy lợi nên không có lúa nước và các thứ cây sống trên nước. Người ta đóng những giếng nước ngoài ruộng rồi bơm lên bằng máy bơm xài động cơ chạy dầu để hàng ngày tưới tắm cho hoa màu.

Chuẩn bị cho một vụ mùa mới, đồng đất ở đây được làm rất mất công và kỹ lưỡng. Đầu tiên là phải cào hết toàn bộ lớp đất cũ của mùa vụ trước bỏ đi để thay mới. Đất đỏ giống như đất bazan được mang về từ núi, cát trắng mang về từ biển khơi.  Sau khi lớp đất đỏ được trải đều lên mặt ruộng chừng vài ba phân, người ta sẽ phủ lên một lớp cát cũng với độ dày như vậy.
 Những củ hành hay tỏi giống sẽ được những bàn tay khéo léo  trồng lên trên, phải làm sao cho phần gốc mai này sinh củ sẽ nằm trong lớp cát trắng mỏng xốp và thoáng khí nhưng phần rễ lại được ăn vào lớp đất đỏ màu mỡ được thêm phân gio nằm phía dưới. 
Loại cát trắng dùng để trồng hành tỏi có rất nhiều ngoài biển Lý Sơn. Đó là thứ cát biển lẫn san hô với vỏ sò vỏ ốc qua bao năm tháng đã mềm mủn đi, vỡ vụn và tơi xốp, có rất nhiều khoáng chất.
Cát được người ta hút ngoài biển lên những xà lan lớn, mang về tập trung ở ven bờ, từ đó bơm lên một vựa cát, bán cho nhà nông mang ra đồng ruộng. Thứ cát thiệt lạ, vừa che phủ cho củ tỏi tránh bớt cái nắng khắc nghiệt mùa khô trên đảo, bớt phần bốc hơi nước dưới tầng đất đỏ, vừa làm cây tươi tốt lại tạo nên một hương vị đặc biệt cho hành tỏi Lý Sơn, không ở đâu có được. Đó là một ban tặng của thiên nhiên cho đồng đất, cho sự chịu thương chịu khó của người nông dân Lý Sơn.

Ai đó đã một lần đến với Lý Sơn, thăm nhà truyền thống hải đội Hoàng Sa, nhà thờ cai đội và những ngôi mộ gió, thăm chùa thăm dinh, nhớ thăm bãi biển nhỏ và chụp lấy vài tấm hình vách đá núi lửa. Ta sẽ để một ít thời gian đến với người nông dân. Sau mùa thu hoạch tỏi, sản vật nổi tiếng của đảo, sẽ gặp và trò chuyện cùng họ trên ruộng đồng với công việc làm mới đồng đất  nơi này. Những đống đất đỏ ba zan, đống cát san hô trắng đổ sẵn hai bên đường, những ruộng bậc thang áo mới thay, đẹp lắm. Và hãy nhớ mua về một ít hành tỏi để làm quà. Thứ hành tỏi rất thơm ngon chỉ trồng được ở đồng đất Lý Sơn này thôi, bạn nhé.


Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Tin nhắn.

Chơi blog thấy vui vui. Có những tâm sự vui buồn, có những câu chuyện nhỏ đời thường viết lên được bạn bè chia sẻ. Ban đầu chưa biết nhau nhưng những lời còm dễ thương cho nhau đọc nghe thấy ấm lòng. Rồi có dịp gặp gỡ, hạp cạ lâu lâu rủ nhau ộp phát nói dóc, vui hơn nữa, hết thảy đều là bạn, hổng cần biết tuổi tác, mần ăn chi.

Bữa hôm ở bài Hoa Sữa ơi, có người thích cũng nhiều người hổng thích chút nào mùi hoa Sữa. Bạn Gtl nói: Chỉ có bắp hoa sữa của bạn là không có mùi gắt, và nhã ý mời mọi người một ngày đẹp trời món bắp hoa sữa.
Đôi bên hai họ chọn ngày lành tháng tốt là chiều thứ Hai 25 tháng Bảy. Mời mọi người tới nhé, từ 17.30 tại cà phê AnhDo, sẽ do chính tay bạn Gtl mần đãi mọi người.
Bữa trước có bài  "Cái xích đu", bạn Thang nói đáng lẽ entry ấy phải tặng riêng bạn í vì bạn có công gợi ý. Hi hi... bữa nay mới có nhuận bút của bài ấy cho bạn Thang rồi nè. Cám ơn bạn bè, đúng là nhờ các bạn blogger nhiệt tình nên làng xóm mới xôm tụ được vậy, bạn Thang sẽ tới nhé. Và cái hội này, gi gỉ gì gi, cái gì cũng phải có ốc. Kỳ này có thêm ốc Len xào dừa.

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Lan man mùa Sấu xanh về.

Biết là ai đó yêu những hàng cây Sấu già và vị chua trái Sấu Hà Nội, một bạn gái dễ thương nhắc mùa Sấu xanh đang về kìa, Sấu ngâm cách gì mang vô, sao không về chơi Hà Nội. Bạn gái thuở học trò trường Bưởi hẹn hò chờ chút đi, mùa Sấu chín sắp tới. Còn cô bạn thời sinh viên xa xôi alu tớ mới vô Sài Gòn đây, mang quà cho bạn, lại lấy Sấu xanh về.

Bạn vô Sài Gòn  vừa có việc của gia đình vừa cho Ku Kon đi chơi xa một chuyến, lần đầu vô chơi Sài Gòn.
Việc gia đình là khánh thành một căn nhà xây dựng nên trên một vùng đất mới, đó là công sức và tài sản của ba mẹ trong nhiều năm. Mẹ già nói, có một cơ ngơi để lại, con cháu có đứa nào lập nghiệp ở miền đất này thì sử dụng. Hỏi bạn có vô Sài Gòn? thì bạn cười, lắc đầu không bao giờ.
Là con gái Hà Nội, nên bạn không muốn đi đâu xa Hà Nội. Bạn bè vẫn chê vẫn đùa từ hồi đó, lấy Bờ Hồ làm tâm, quay một vòng bán kính không quá năm chục cây số, chỉ thế thôi, nhỏ ấy không thể đi xa hơn.

Vẫn mái tóc dài chấm ngang lưng từ thuở sinh viên đã mấy mươi năm, vẫn cái nết lo toan xưa cũ của con gái Hà Nội hồi nào giờ, vô Sài Gòn bạn mang theo lỉnh kỉnh quà cho bè bạn và người thân là những Vải Thanh Hà, những trái Sấu xanh đang vào mùa. Vải thì không giữ được lâu, còn Sấu để lạnh không sao. Ở Sài Gòn chuyển nhà này qua nhà khác vẫn mang theo gởi tủ lạnh người ta
Thương bạn cất công như thế, bon xe từ Đông tới phía Tây thành phố. Nhằm giờ tan tầm, mọi người cùng đi làm về, đường phố "đông vui" thêm gấp bội. Phải mất cả tiếng với đèn đỏ đèn xanh nhảy múa và bụi khói thành đô mới tìm tới nơi bạn ở. Phần dưới lầu làm văn phòng công ty gia đình, thấy mấy nhỏ tiếp tân hỏi chú tên gì, vội mừng chờ bạn. Chờ đợi bấy nhiêu không nghe nói gì, cũng không thấy người đâu nên phải về thôi, không thể vẩn vơ đứng chờ ngoài đường như thế.

Tại bởi nhớ mãi một câu chuyện đứng chờ ở ngoài đường, thuở tập tành yêu đương. Nay em đã đi xa mãi rồi, chỉ là chuyện lan man, xin đừng để lòng giận nhau em nhé.
Từ bên hông nhà thờ Huyện Sỹ nhìn qua, ngày ấy có một góc lan can hò hẹn của hai người. Bữa ấy hẹn em đi chơi, mừng lắm, ráng tới nhà cho đúng hẹn. Ai đã qua cái thời khó khăn ấy dễ cảm thông cho em 67 ngợp xăng, trước khi nổ máy phải mở cái lẫy cạc te ở bình xăng con, đổ bớt đi một chút xăng để hồi nữa đạp máy xe một phát ăn ngay. Lát nữa, người yêu sẽ lên yên sau, đạp máy xe nổ liền, rồi vênh mặt "ẻn ẻn" tay ga 67 vi vu cưỡi xe hóng gió, là ngầu lắm, là mạch lạc và đàn ông một thời. Đang lui cui làm cử chỉ đẹp, chợt nghe giọng nói trong nhà vọng ra, là ba em đó. "Này, làm gì đứng ngoài đó, trông giống như thằng đầu đường xó chợ thế kia?" Ngạc nhiên, bất ngờ, và cái tự trọng con trẻ mà lớn, đạp phát đúng là máy xe nổ liền, chiếc xe bỏ đi. Bỏ tối hẹn hò, bỏ góc lan can và cột đèn đầu phố đơn côi, bỏ em mãi với cái bĩu môi, và tình yêu quay lưng từ bữa đó. Và cũng từ đó ghét lắm phải đứng chờ ai ngoài đường.

Thế rồi  bạn và Ku Kon lại phải cất công cùng những trái Sấu xanh mang tới tận nhà. Ku nay đã ngoài hai mươi, cao lớn, to xác nhưng vẫn nhỏ dại như cậu bé con năm nào, vẫn còn nhớ tên chú dù đã nhiều năm, hỏi thăm ríu rít còn bạn thì ngồi đó mỉm cười. Nụ cười đăm chiêu và buồn lắm. Ku chỉ luôn là một đứa trẻ và mẹ sẽ mãi dõi theo bước chân con cho đến cuối cuộc đời.
Đôi lần chuyện trò bất chợt gặp những giọt nước mắt vội vã quay đi, chạnh lòng muốn sẻ chia cùng bạn...

Lại nghĩ, mấy nhỏ tiếp tân bữa ấy chắc không biết tình sấu già, tình mỳ nắm của tụi mình thời sinh viên, nên vô tư sơ ý vậy, trách móc mà chi...

Thuở ấy đám sinh viên con trai sống kí túc xá bụi bặm, chỉ bằng hai cái lưỡi lam hoặc ống sữa bò cắt ra hai miếng làm hai điện cực để nấu nước nóng pha trà hay nấu mì sợi mang ở nhà theo. Cái thứ quỷ ấy cắm vô điện chạy ù ù như tàu ngầm và làm cả phòng tối sầm lại. Bạn lo ăn uống kiểu đó sẽ hại sức khỏe, tối đêm nào cũng lui cui nấu một nồi mì sợi trên bếp lửa đàng hoàng ở dưới phòng nữ rồi lại lóc cóc mang lên lầu cho đám bạn trai ngang tàng phá đám. Bữa nào có ai siêng năng, tan học về ngang ruộng hành và húng làng Láng gặp dát nắng trưa vắng người, nồi mì tối ấy có thêm chút hương vị. Những nồi mì sinh viên thuở ấy mới ngon lành và nhớ làm sao.
Ai cũng biết có một thiếu nữ đi lên phòng sinh viên nam với một nồi mỳ nóng mỗi đêm, ai cũng biết bạn thương một người trong nhóm và nhóm bạn thân ấy còn có thể cảm nhận rất rõ ràng trạng thái tình cảm của bạn mình qua tiếng guốc hàng đêm. Bữa nay là niềm thương mến trong tiếng guốc rộn rã và bữa nào mang  theo cả dỗi hờn của hai người trong tiếng guốc chát chúa từ phía chân cầu thang. Những bữa ấy, cả đám nháy mắt, hai người ấy lại giận nhau, mặc kệ họ, nghe tiếng guốc là có nồi mì, chúng tớ chén cái đã, lấy sức học mai thi.

Tới tận bây giờ cũng không quên được, tiếng guốc lộp cộp dát khuya đi lên từ kí túc xá nữ khu Láng Hạ. Tiếng guốc gỗ và nồi mì sợi nóng trên cầu thang mỗi mùa ôn thi cuối một năm học, cũng là khi Hà Nội mùa Sấu xanh về.

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Cù lao Ré.


Cù lao Ré, một tên gọi khác của đảo Lý Sơn thuộc Quảng Ngãi.
Ra đảo, cảm nhận trời nước và sóng gió biển khơi. 
Gió biển bao giờ cũng thế, luôn lộng và mát rượi.

Đá và vách đá, trên đỉnh và chân núi. 




Hòn đảo được hình thành từ ba ngọn núi lửa nên ở bờ biển phía Bắc đảo, dưới chân ngọn núi lửa lớn nhất là núi Thới Lới hình thành địa hình lạ, bờ vách đá đẹp mắt, chạy dọc theo hướng đi của mặt trời, là cảm hứng cho những tay máy ham thích săn ảnh, nhất là lúc bình minh lên hay khi hoàng hôn xuống trên đảo. 


Cuộc sống người dân đảo xưa nay an bình nhưng còn nhiều vất vả, thiếu thốn. Đi biển và làm ruộng khô, trồng rau, hoa màu là nghề nghiệp của người dân xứ cù lao. Nắng, gió, cát nóng và biển biếc bao la là cuộc sống của họ đã bao đời nay. Những năm gần đây, lâu lâu lại có những người con của biển đi không trở về. Ngoài thiên nhiên là giặc cướp Trung Quốc, cướp tàu cướp cá và cả đòi tiền chuộc ngoài khơi xa...


Vợ chồng một chiều ở đảo, những con bò đủng đỉnh trên núi cao, những người nông dân cùng nhau trồng đậu, mè và đi câu ở biển - Một phần nếp sống thường nhật  của người dân đảo.

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

15. Cạ nhậu ở tàu.

Một khoảng dài trên cầu cảng Chùa Vẽ trống lốc, không có bóng một con tàu.  Bờ cảng im lìm, mặt sông loang loáng nước và ánh mặt trời.
Về tới cảng, Sáu Bảnh giật mình: "Ủa, có đi lộn đường không đây?". Mới sáng nay tàu cặp cầu ken nhau, đứng trên bờ còn không nhìn thấy nước sông, anh chị em công nhân bốc vác hồi sáng ồn ào đi lại xuống hàng cho con tàu đậu kế, bây giờ không thấy một ai. Làm sao trống huơ trống hoác vậy nè. Ninh Kiều của tui mất tiêu đâu rồi Trời! Sáu Bảnh bắt đầu cảm thấy lo lắng.

Lòng dòng loanh quanh một hồi, Sáu túm được một anh giai mặc đồng phục cảng vụ, anh nói tàu nhỏ xong hàng chạy hết rồi, lấy chỗ cho tàu lớn vào. Hỏi chớ Ninh Kiều chạy chừng bao lâu rồi, anh nói cả tiếng có. Chết cha tôi không. Mà tại sao chưa đủ người mà tàu đã chạy ta? Tại sao không cho thằng em thợ nào chạy ù ra kêu mình về nhỉ, đây đó chạy xe máy bao xa đâu. Tại sao Hai Thành không vẽ ra một lí do gì của băng máy... Sáu thầm trách mình bê bối và ân hận mấy bữa rày sa đà chuyện em Trang, để bê trễ công việc đến như vầy là không được rồi.
Chắc ăn, Sáu chạy lên cảng vụ hỏi thăm, người ta nói tàu ra neo chứ chưa chạy, còn chưa làm thủ tục nữa mà. Thở phào nhẹ nhõm nhưng chưa yên lòng lắm, anh xin vô nói chuyện bộ đàm về tàu. May phước gặp ngay phó hai Hoàng tử bia đang còn trên máy, tàu mới neo xong. Nói chuyện ngắn gọn, phó hai nhắn Sáu chờ trên cảng, Hai Thành đi ca nô dịch vụ vào bờ bây giờ đó.

Hai Thành, Tư "dưa" thuyền phó ba cùng đám anh em thợ máy và thủy thủ lên bờ, kéo Sáu Bảnh vào căng tin cảng. Thành thông báo vắn tắt. Hồi nãy cảng vụ điều tàu ra neo nên Hai Thành không cần kêu Sáu. Mai tàu mới chạy được, còn chờ thay nhân sự. Công ty rút anh Tú "xoăn" lên bờ. Anh Tú là giáo viên dạy điện của trường Hàng hải được công ty thuê về đi điện trưởng trên tàu Ninh Kiều ít lâu nay. Thay vào đó một thợ điện mới tên là Tịnh.
- Mới nghe cái tên Tịnh là tui nghi thằng Tịnh "thâm" rồi. Cậu này ngày trước là thợ máy. Chính xác hơn là thợ hàn điện. Nó binh đường nào mà lại lọ mọ xuống được tàu mình, cái thằng hay thế. Mẹ bà nó, tàu chạy nội địa không bao giờ nó đi, toàn chọn tàu đi nước ngoài không, lại chọn tuyến ngắn, khôn hơn người Kinh. - Hai Thành lầm bầm.
- Có gì đâu, bằng cấp hàn điện của nó chỉ cần bôi bỏ đi chữ "hàn" là đổi chức danh thành thợ điện được rồi, he he... Tư dưa góp chuyện khe khe cười. 
- Nghe đâu con ông nào đó, cháu cha nào đó ở Bộ hay tổng cục gì đó. Bữa nay từ Hà Nội xuống tới. Thằng ku này dốt lắm,  người ta nói trên tàu chỉ cần nghe CB nhảy cái tạch là cậu cũng nhẩy nhổm rồi, mặt tái dại và mồ hôi túa ra. Chuyến này có trục trặc điện đóm lại khổ cho băng máy, khổ cậu khổ tôi rồi.- Hai Thành than thở.
Ừa, phải chịu thôi, Sáu Bảnh nghĩ. Đi tàu lâu lâu gặp và cũng phải chịu cảnh này. Ngày ấy vô nghề tàu biển đã khó, xuống được tàu khó nữa, kiếm được cái chăn cái chiếu (hộ chiếu) đút túi trần ai, rồi xuống được những con tàu mới mua về, an toàn chắc chắn, máy móc ngon lành, chạy nước ngoài cứ quanh quanh Đông Nam Á mà chơi, thì như một giấc mơ.
Nhiều cao thủ võ lâm, binh bằng được xuống tàu biển chạy nước ngoài tuyến ngắn, thời bấy giờ là tuyến đường làm ăn thuận lợi nhất, quay vòng nhanh, nhiều nguồn hàng hóa lại bát ngát mênh mông vế số lượng, nhiêu cũng chiều. Thợ điện Tịnh "thâm" là một kiểu biết khai thác tối đa các mối quan hệ.
Thành kéo Sáu Bảnh ra một góc, hỏi nhỏ:
- Chuyện cái Trang xong rồi phải không? Nàng có ý kiến gì không? Vui vẻ hỉ? Tình củm hỉ? Nàng đồng ý vô Sài Gòn chớ? Vậy là tốt rồi. Cậu xuống tàu đi. Bữa nay trực cho tôi đi bờ chơi với anh em nhà Tí "chuột", xả láng một bữa coi.

Tàu Ninh Kiều có một nhóm lính biển lì đòn, với công việc thì luôn nghiêm túc nhưng ham nhậu, lại nhậu dữ, sóng gió cỡ nào cũng nhậu được. Nhóm này nhậu lì nhưng hợp cạ, nết nhậu luôn "dzui dzẻ" và "im đìm".
Lỳ đòn nhất là thợ cả Di "già" và thợ máy Tư "xấu". Hiếm khi nào đi biển thấy họ mệt mỏi. Sóng gió càng lớn, lính yếu sóng đổ mồ hôi trộm, mặt mũi xám ngoét nhưng họ thì cứ tủm tỉm cười. Anh em nói hai cha này chừng nào cá say họ mới say.
Nhiều bữa trên biển gặp áp thấp, sóng gió không quá lớn nhưng lừng, có em bỏ cơm vài bữa chơi, có em húp lon sữa đặc cầm hơi, có em đứng ngồi còn không muốn nổi mà hai cha nội lại vác rượu đế ra ngồi, nhị ẩm cùng nhau. Người yếu sóng nhìn thấy "gượu" là hãi. Chỉ cần đi ngang nghe hơi rượu là dợm ói khan, nghe dậy lên mùi vị mật vàng đắng nghét.
Liên "béo" là thợ máy, bự con nhưng yếu sóng, ghét nhất hai cha này. Liên nói: "Đi chung với hai ông điên này cực lắm, càng sóng càng uống. Bữa nào sóng gió, mới nhìn thấy mặt hai giả là tui muốn "hò" luôn rồi".
Phó hai Hoàng Hà thì miễn bàn, phải cao thủ cỡ nào mới chết tên "hoàng tử bia" chớ. Ai đó từng nói bao tử của chàng làm bằng i nốc, hổng hiểu bia rượu nó trôi đi đâu mà ngồi hoài được, uống hoài được và cũng cười hoài được.

Sáu Bảnh xuống buồng máy, sắp xếp một vài công việc cho gọn gàng trước khi khởi hành. Thợ điện mới xuống tàu nhận bàn giao, thấy mang theo máy hàn đang cùng máy nhất Dương "khè" lúi húi làm gì đó ở một góc. Thợ máy đi ca toét miệng:
- Anh Sáu để tui trực dưới này, máy móc sạch sẽ ngon lành, gió má đầy đủ. Anh lên trển gày sòng nhậu đi.
Hoàng tử bia thấy Sáu Bảnh về tàu thì mừng rú, cạ nhậu hồi nào giờ. Bữa nay nằm chờ, ở bờ bữa cuối, kiếm miếng mồi bén ngót, nhậu một trận thiệt tưng bừng coi.
Johnnie đỏ hay Mèo đen trắng không thiếu trong kho, nhưng kiếm đâu ra không biết, hoàng tử xách ra một can rượu trắng trong vắt, dậy hơi nếp thơm lừng:
- Nước mắt quê hương, Làng Vân quan họ nhà cậu đó, uống vô cho biết tình quê em gái ngọt ngào cỡ nào.
Cai boong Hoàng Lãnh mang ra một rổ cá nướng làm mồi nhậu. Cá Đối Hải Phòng xương không, nhưng bày ra dĩa coi cũng đẹp đội hình. Còn Tư xấu sờ sịt ở đâu ra mấy hột vịt rữa, mới mang luộc xong, bể vỏ dậy mùi thum thủm. Bấy nhiêu là đủ, cạ nhậu vào tiệc.

- Chúc mừng Sáu Bảnh đi bụi trở về.- Hoàng tử bia nâng ly, còn thằng em dại Dũng dái lại te te cười:
Sáu đây quân tử dạt vòm,
Đến khi hết gạo biết mòm vào đâu?
Hết gạo Sáu lại về tàu.
Ôm một mối sầu nhung nhớ em Trang... 
he he he... Dzô phát coi!
Bữa nay Sáu Bảnh uống dữ quá, ly rượu xoay vòng quanh bàn, cứ tới tua là Sáu làm oóc phát một, ngọt ơ. Tạm quên đi chuyện em Trang, ở tàu vui quá, thích hơn ở nhà.

Tối ấy về tàu, Hai Thành thông báo: Bữa nay có nhiều chuyện. Sáng ra có người nhắn anh em nhà Tí Chuột đừng có xen vô chuyện Hương Biển, họ nói chuyện Đồ Sơn chứ không phải chuyện của Hải Phòng, còn nói tay họ hàng nào của con bé Trang ở miền Nam ra ấy, biến đi. Là nói cậu đấy, he he... vậy là chuyện của cái Trang không đơn giản như mình nghĩ đâu. Cô gái ấy không biết cách thì không dễ gì ra khỏi nơi ấy. Cái lão chủ Hương Biển quán ấy, bữa trước nói ngon lành vậy thôi chớ nước non mẹ gì. Mụ vợ mới là chủ, "mẻ" ho một tiếng là lão nín khe. Thực ra cái Trang nó bị người thân lừa, mang bán cho quán nên đâu dễ gì người ta buông cho nó tự do.
Đôi bạn ngồi yên lặng hồi lâu, rồi Sáu Bảnh vỗ vỗ vai bạn, nói cho an lòng cả hai:
- Chắc là chuyện còn dài dài mà sớm mai mình không còn ở đây nữa. Tụi mình đã làm đúng với lòng mình rồi và cũng đã hết ngày hết giờ, không làm thêm được gì nữa. Ăn thua bây giờ là do cô bé ấy, khỏi lăn tăn gì nữa bạn ơi. Tụi mình cầu trời cho mọi việc của cô ấy xuôi xẻ. Và bạn thân mến, cậu thật là hạnh phúc vì cậu là một thằng đàn ông luôn luôn có một tấm lòng, Hai Thành ạ.