Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Nẻo đường cao nguyên.

 

Gặp Dã Quỳ nở muộn bên đường.



Một góc nhà già làng Ama Kông.

Voi Bản Đôn trên sông Serepok.



Cá Lăng vây hồng của dòng sông
(Chú cá này tới 7kg).

Chiều về trên sông Serepok.





Thác nước DraySap của dòng sông 

Trong làng cà phê TN

Những người bạn cùng cà phê Ban Mê.

Thác DraySap.

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Tìm lên cao nguyên.

 Bảo tàng Quang Trung.
Hậu duệ của vua Quang Trung.
 









Hai đánh một không chột cũng què.

  
Nước giếng mát lạnh. Xin lộc hoàng đế.
Vô thăm bóng đá HAGL.


Tham gia tuyển chọn đội bóng U60 dự giải Lão tướng Mùa Hè nhưng không đạt yêu cầu. Tạm biệt Pleiku.


Trên đèo An Khê.









Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Nắng gió miền Trung.


Chiều biển Quy Nhơn.



Vài hình ảnh đảo Lý Sơn:

 


Trên đỉnh núi lửa.

Dưới chân núi Thới Lới - đảo Lý Sơn.















Núi Thới Lới và biển Lý Sơn chiều về.








Đàn bò và đồng cỏ trên miệng núi lửa.

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Lại thèm gió bụi.




1. Sông suối, biển và núi rừng miền Trung luôn hấp dẫn.
2. Mùa Hè rồi, lại đi chơi thôi.

3.4. Trên Hải Vân Quan và đường vào nhà máy lọc dầu Dung Quất.


Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

11. Cô hàng bún cá.

Cảng Chùa Vẽ, Ninh Kiều nhận lệnh lên hàng, chuẩn bị cho một chuyến biển mới.
Bữa cơm chiều ấy ở tàu, Dương "khè", lão máy nhất ở tàu chẳng mấy ai ưa, oang oang:
- Sáu Bảnh đi đâu hai ba bữa nay không thấy ăn cơm nhà hè. Ủa, mà trực ca bỏ ca sao ta?..
Cả bàn yên lặng. Buông chén cơm, Hai Thành lừ mắt, gằn giọng:
- Tàu đang đi ca bờ, tui trực giùm nó mấy bữa nay ông không hay hả? Sao không hỏi máy trưởng cho biết. Mà ai muốn ăn cơm ở đâu, ăn không ăn kệ bà người ta chớ mắc mớ gì tới ông...
Máy trưởng ngồi chung mâm, nhìn hai người không nói gì. Dương nhìn Hai Thành, ngại, tắt đài.
Hổng hiểu cái gã Dương "khè" này thi thố tay nghề hồi nào, ở cái hội đồng thi nào để ra được cái bằng máy nhất tàu biển hạng hai mà dốt, dốt đau đớn. Nghề thì mồm miệng đỡ chân tay, thầy phán lại phán bậy không. Nết thì xấu, chỉ được cái "khè" người lạ và bơm vá anh em cho cãi lộn, mất đoàn kết. Lính mới xuống tàu, "giả" khè nhẹ một khè, mặt mũi xanh lè. Tàu thiếu máy Nhất nên công ty thuê Dương  về đi đỡ một thời gian. Anh em sĩ quan máy đi tàu lâu niên, hiểu nghề, làm việc chung ít lâu là biết tẩy nhau, coi thường tay nghề và phong cách sống của anh ta. Tuy vậy ở đời, và đôi khi ở dưới tàu biển cũng vậy, dư người không thạo việc sẽ có người khác gánh nhưng vẫn cần một cái bằng, dù đểu, để điền đầy trong danh sách thuyền bộ.
Nghe đâu thời công ty cũ, lúc mới đi máy ba trên tàu VinCo, thuyền trưởng cấm lính đánh bài ăn tiền dưới tàu. Không được chơi bài, Dương nổ với anh em, nói lén để về bờ rồi cho ổng biết tay. Chuyện tới tai, vị thuyền trưởng người hiền lành, hỏi đùa thằng đó con cái ông lớn nào mà lối dữ? Tàu mới cặp bến, vừa xong thủ tục, một máy Ba mới xuống tàu nhận nhiệm vụ còn "giã" ôm đồ sign off lên bờ. Thuyền trưởng nói khỏi cần bàn giao, máy trưởng lo. Sau vụ đó Dương bớt "khè" được tí chút nhưng vì dốt nên bệnh "miệng mồm" đỡ "tay chân" của con nít thì không có khả năng thuyên giảm.

Đúng là Sáu Bảnh đã ghiền bún cá Hải Phòng mất rồi. Từ bữa tàu nằm cảng Chùa Vẽ hay neo ngoài sông Cấm, cứ buổi sáng là ra ăn hàng bún cá, bữa được bữa chăng mong gặp mặt cô bé hàng bún còn chiều xuống là Sáu cùng đám bạn Hải Phòng lượn qua bên Đồ Sơn.
Khéo hỏi thăm và loanh quanh cùng mấy người bạn "thẽo" theo nàng một hai bữa, Sáu hay được cô bé bún cá đang làm việc bên Đồ Sơn. Nhìn thấy cô bé bước chân vô một quán bia, tuy chưa thân thiết nhưng sao Sáu Bảnh vô duyên tự nhiên thấy lo lo một điều gì. Sáu biết được bữa nào rảnh rang buổi sáng là Trang qua bên Hải Phòng phụ bán quà sáng với người cô còn hàng ngày cô bé làm tiếp viên ở một quán bia bên thị trấn ấy. Nghe người ta nói cô bé mới có mặt ở nơi này chừng một hai tháng.

Một dãy nhà phố trông ra khơi xa, vị trí thật đẹp trên con đường ven bờ biển. Sáng chiều luôn nghe âm vang tiếng sóng vỗ ầm ì và gió từ biển thổi về mát rượi. Bãi biển trống, còn thiếu nhiều cây xanh, trước mặt lổn nhổn những đá là đá, lớn nhỏ từ bờ kè đuổi nhau chạy ra xa. Sóng vỗ nhẹ từng nhịp quanh những mỏm đá sù sì hàu biển tung bọt, nước đỏ đục phù sa.
Một vài biển hiệu nho nhỏ, sơ sài. Khu hàng quán ăn uống ấy ở phố biển Đồ Sơn vẻ giản đơn, có phần xập xệ. Mỗi buổi chiều về tắt nắng tới tối đêm có khá đông khách, hầu hết là khách lạ từ phương xa tới. Hương Biển Quán là nơi Trang làm việc mỗi khi chiều về đêm.

Bộ ba sinh hoạt riêng tư, bữa nay có thêm thằng em dại Dũng "dái", thủy thủ ở tàu vừa là đàn em lâu năm xin đi theo hóng hớt. Dũng "dái" là tên má Dũng đặt cho lúc nhỏ do nết ham chạy dong chơi, chết tên tục tới giờ. Dũng cao lớn đẹp trai, ngày trước lính không quân trên trời, bây giờ lại xuống nước làm thủy thủ. Ưa tếu táo cười cợt, tính tình lăng xăng bộp chộp hay hỏng việc, nhưng nó đi theo cho đủ tay tư nhậu và đấu hót, lâu lâu sai bảo việc gì lặt vặt cũng được.
Cả đám đã ngồi với nhau mấy tiếng đồng hồ, nhậu vớt mấy trận chót trước khi ra biển. Ngồi nhậu gần hết buổi, chuyện ở đâu ra mà nhiều thế. Thế rồi tới chuyện cô bé Trang và bún cá Hải Phòng.
Sáu Bảnh kể lại cho các bạn, tất cả những gì mình biết được từ mấy bữa nay. Bộ ba lâu nay có chuyện gì cũng thường bàn bạc rồi tìm lời giải. Chơi với nhau từ nhỏ nên có chuyện gì dù chưa nói cũng đoán ngầm ra được phần nào. Thường thì Hai Thành là người đưa ra những ý cuối cùng và cũng thường là hợp lí hơn cả.

Dũng ngồi hóng hớt, thỉnh thoảng cười te te góp chuyện vặt. Chưa vợ con, nghe chuyện lãng mạn của đàn anh  thấy vui vui, tây tây ba sợi mềm môi, bỗng nhiên cậu ta nổi hứng mần thơ:
"Anh Sáu là anh Sáu già, 
đã ba chục chẵn chẳng bà nào yêu,
anh Sáu là anh Sáu điêu,
đã ba chẵn chục chẳng yêu bà nào". He he he...
Hoàng tử bia thì nãy giờ chỉ ngồi lắng nghe và uống, bấy giờ mới tham gia:
- Nói Sáu Bảnh bỏ, chớ tui si nghĩ hoài, tự nhiên thấy tên bạn mình ghép đôi với nhỏ đó nghe kì kì. Không lẽ cả đời tụi tui kêu vợ chồng bạn mình Nghĩa Trang ơi Nghĩa địa à được sao? Không ổn, nghe xui thấy bà cố luôn, mần ăn lên hổng nổi bạn ơi.
Ngưng một hồi, cậu ta bỗng bật cười khe khe:
- Mà yêu đương gì Sáu Bảnh, hè hè, tui lạ gì cái nết của nó. "Khi bảng hổ danh đề hắn dzỗ cánh bay". He he... - Hoàng tử lên giọng nhá lời vở tuồng tích Dương Lễ ngày xưa với nàng dệt tơ quán gấm. Lại ngồi cười ngất ngư.
Sáu Bảnh đã kể hết chuyện với hội, nãy giờ ngồi lặng yên suy nghĩ. Thấy Hoàng tử bia nói vậy thì cười:
- Hổng có, mà chưa có chớ, chưa có yêu đương gì ráo. Tui chỉ đơn giản nghĩ là muốn kéo cô gái ấy ra khỏi không khí ngột ngạt hàng quán ở Đồ Sơn. Con nhà người ta hoàn cảnh tội như vậy. Coi con bé xinh xắn lại hiền lành, dân quan họ hội Lim đó biết không? Hổng hay thì thôi chớ đã biết chuyện, để trong bụng là suy nghĩ hoài cho coi.

Quê Trang ở vùng Kinh Bắc chứ không phải miền đất này. Một gia đình bình thường, êm ấm từ bàn tay nội trợ của người mẹ chăm sóc việc nhà và cuộc sống gia đình trông cậy hết vào bàn tay người cha làm nghề thầu xây cất.
Một năm ấy nhiều biến động, tín dụng bể dây chuyền làm nhiều gia đình điêu đứng, một năm giá vật tư xây dựng tăng cao không ngờ, nhiều nhà thầu bỏ chạy khỏi các công trình dang dở, cắt lỗ tránh phá sản. Là thầu nhỏ nhưng cha cô nằm trong số những người làm ăn giữ chữ tín, gắng gượng hoàn tất những công trình đã kí kết hợp đồng nhưng ôm về một món nợ không trả nổi. Những việc xấu tiếp theo xảy ra cho một gia đình khi phá sản là tất yếu.
Bỏ học, đi làm một việc gì đó để phụ mẹ cha nuôi các em. Vòng vèo qua những môi giới việc làm, cùng là người quen biết cả nhưng Trang không thể giải thích nổi tại sao người ta đưa cô về đây, với công việc như thế này. Không dễ dàng gì bỏ đi được bởi những ràng buộc giữa con người và tiền bạc loằng ngoằng khó gỡ. Bà chủ đã đã cảnh báo cô trước từ bữa làm việc đầu tiên. Ừa, cô gái còn trẻ người như thế, làm sao hiểu hết được chuyện đời.

Đã muộn, tiệc muốn tàn, Hai Thành như muốn kết thúc bữa nhậu:
- Biết chuyện là vậy đi, để mơi tính tiếp - Thành nhìn Sáu Bảnh xuống giọng:
- Nhưng cũng phải nói với cậu, nếu có lỡ yêu thương con nhà người ta, phải cho đàng hoàng. Nội ngoại còn mình cậu ham chơi chưa tính vợ con, chuyện của cậu tùy cậu hết nhưng làm sao cho mọi người cùng nói đặng là đặng.
Sáu Bảnh ngồi quay ngang ngắm nhìn người xe qua lại trên đường, suy nghĩ mung lung. Kìa xe đạp Nhật, ở đây nhiều thế xe đạp Nhật, những chiếc xe sạch sẽ, nhỏ xinh nhưng sang trọng. Một vài cô gái đi chơi về khuya, thong thả đạp xe mi ni dưới ánh đèn vàng. Sao Trang lại không được như người ta nhỉ.
Hai Thành tính tiền xong xuôi bước tới bóp mạnh vào vai:
- Về thôi Sáu, ngày mai rủ cái Trang đi uống cà phê nói chuyện được không? Hỏi kĩ coi sao rồi tính tiếp bạn ơi.

Đường phố đã bắt đầu thưa vắng, mấy cô bé phụ việc trong nhà đã lục tục dọn dẹp hàng quán. Hải Phòng vào đêm.

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

Bà lão và bầy chim.

nhà, có một bầy chim se sẻ trú ngụ đâu đó gần nhà, cứ đúng giờ ăn của bầy gà là chúng tới ăn lúa chung với đám gà con nuôi thả. Vẫn dư dả một phần cho chim mà thấy chúng vẫn giành thóc và đuổi nhau, coi thật vui mắt. Những giờ phút để lãng quên cuộc sống chộn rộn ngoài kia.

Ở trung tâm thành phố, có một bầy chim se sẻ chiều nào cũng về với một bà lão bên lề đường quen thuộc. Lâu lâu có lẫn một hai chú bồ câu lạc bầy từ nhà thờ Đức bà bay qua hay từ Sở thú bay lại, xà vô bầu bạn lũ chim cùng nhau, loanh quanh bên bà lão.

Mỗi chiều dọn hàng về, bà lão lại lấy ra ít gạo trắng, rải ra trên lề đường. Lũ se sẻ từ trên cây, trên hàng rào sắt xà xuống vội vã nhặt gạo. Chim và người, chiều nào họ cũng giành cho nhau ít phút, như chào nhau một ngày rồi bà lão mới thu xếp ra về. Một ngày như mọi ngày, vẫn là những xấp vé số dang dở, hai tờ báo ngày và hai chiếc ghế trở đầu cái làm ghế cái làm bàn. Vẫn là Dì Hai, bà lão bán vé số bên lề đường Lê Duẩn mấy chục năm từ đó tới giờ. Gặp khách nâng máy hình chụp đàn chim quen của mình, Dì Hai mỉm cười thân thiết, rất đỗi hiền từ. Những phút hiếm hoi hàng ngày đường đi về bụi bặm trên phố.

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Hoa Sữa ơi.

Hình internet.
Đọc được ở đâu đó câu thơ:
...Hôm ấy mùa Thu anh vẫn nhớ,
Hoa Sữa thơm ngây ngất bên hồ...
Và rồi sau đêm hò hẹn chia tay, đường về nhà đạp xe qua phố Nguyễn Du đang mùa hoa Sữa, gió thoảng hương mang mác, ai đó trên phố nhâm nhi câu hát:
...Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm,
Có lẽ nào anh lại quên em...
Thấy thật là thơ mộng, cuộc đời thật đáng yêu. Tuổi đang yêu thì ai đó chắc là sẽ ghi nhớ và ấn tượng với hương hoa Sữa, nên thích hoa, yêu hoa và ca ngợi hương hoa Sữa thật đẹp.
Có rất nhiều những bài thơ, bài ca của nhà thơ, nhạc sỹ tên tuổi cùng những giọng ca đắm đuối lòng người, có nhiều lắm thơ của người ta yêu nhau đã đưa hoa Sữa lên với những gì đẹp nhất của tình yêu đôi lứa. Việc ngợi ca hương hoa, ca quá xá ca, khiến cho người ta, dù ở thật xa Hà Nội, dù chưa một lần biết hoa, chỉ nghe câu ca đã mê hương hoa Sữa.

Hơn chục năm trước có một hội chứng hoa Sữa. Và  cây  hoa Sữa từ lâu đã không còn là riêng tư của Hà Nội.
Hàng loạt các tỉnh miền Trung, từ Huế vô Đà Nẵng, từ Hội An tới thành phố mới Tam Kỳ, cứ những con đường mới mở hoặc nơi thiếu bóng cây là người ta mang hoa Sữa về trồng.
Phố biển Nha Trang có khá nhiều cây hoa Sữa. Anh taxi vui tính một bữa đi ngang phố hoa Sữa gợi chuyện nói, người Nha Trang hầu hết không ai thích mùi hoa, nó hắc lắm. Hắc đến khó chịu, nhất là những đêm đi làm về khuya, mùi hương muốn nhức đầu, đã thế lại sinh nhiều muỗi.
Trà Vinh nằm cửa biển, bên bờ sông Tiền yên ả. Xứ sở của cỏ hoa và cây trái, của lúa và chùa chiền Việt cùng Khme và có một thành phố cùng tên xanh sạch nổi tiếng nhất miền Tây trù phú. Những hàng cây Nhạc ngựa, cây Sao, cây Dầu… được chăm sóc và gìn giữ cẩn thận đã hàng trăm năm tuổi, cao vút trời xanh, rợp bóng mát, mươi năm nay bỗng xen vô bóng cây và hương hoa Sữa.


Cây hoa Sữa của vua Bảo Đại
-Hồ Lắc(BMT).
Một lần đi Ban Mê thăm hồ Lắc, ghé ngôi nhà nghỉ vua Bảo Đại xưa nằm bên hồ, cô bé tiếp tân tự hào giới thiệu cho cây hoa Sữa, là chính tay vua Bảo Đại trồng. Nếu quả vậy thì gốc cây ít gì cũng bảy tám chục năm tuổi, và nghĩ bụng vị vua cuối cùng này cũng yêu hoa Sữa đến vậy sao, hay là cô bạn kia yêu hoa Sữa thấy nó đứng đó tự bao giờ mà tự hào nói vậy.
Nghĩ ra là từ miền Trung nắng gió, cao nguyên xa xôi tới miền Tây sông nước hiền hòa, lâu nay có nhiều những người ta thích, yêu rồi nhiễm hương cây hoa Sữa Hà Nội hồi nào không hay.

Khi mùa đầu tiên hoa Sữa nở, nụ cười và những lời ngợi khen nhau, khen hương hoa thơm chưa được bao lâu, bà con chợt ngộ. Hương hoa Hà Nội hăng hắc chớ không dễ chịu một chút nào. Những ngày gió lặng, đi ngang cây, mùi hương nặng chịch xộc vô mũi, đôi khi chới với, nhất là ai đó dị ứng phấn hoa. Năm qua năm, mỗi mùa hoa Sữa về khi đi ngang gốc hoa Sữa là không ưa được nó. Hoa Sữa bây giờ trở thành nỗi ám ảnh của thảo dân.
Có nhiều chuyện bi hài quanh cây hoa Sữa, từ chuyện dị ứng phấn hoa, viêm xoang viêm mũi tới chuyện ai đó ngồi trong nhà mình mang khẩu trang để tránh mùi hoa. Không dám chặt cây là tài sản công cộng, ai đó chặt bớt cành trước nhà rồi đóng chặt cửa sổ ngồi coi nhà, hối vợ mang con về ngoại ở đỡ qua mùa hoa nở. Có một ngày nào vợ chồng đã bàn với nhau câu chuyện bán nhà đi nơi khác ở.

Và rồi ít năm trước bà con Tam Kỳ đòi chính quyền phải chặt bỏ cây hoa Sữa, không thôi sẽ kiện vì đã trồng hoa Sữa làm ảnh hưởng môi trường sống của người dân, lâu rồi dần quên.
Mới mấy bữa nay lại nghe bà con thành phố Trà Vinh đòi kiện chính quyền vì đã trồng thứ cây này. Thảo dân nói, hoa Sữa Hà Nội trồng tới đâu làm ô nhiễm môi trường tới đó.
Để thì tội nghiệp cho thảo dân sống bên cây năm này qua năm khác, chặt bỏ thì tiếc hơn mười năm gây trồng. Bật cười có người chức trách vì yêu hoa Sữa hơn người nên gợi ý cho thảo dân, hay là mùa hoa sữa về nên đi du lịch hoặc tạm lánh đi đâu một thời gian.

Tuổi thơ Hà Nội biết yêu cây Cơm nguội vàng, cây Bàng lá đỏ, yêu các bác Sấu già trên đường đi học hay có khi là bóng liễu thướt tha bên hồ. Chắc bởi những bác cây kia thương con trẻ, cho hoa trái nhẹ nhàng và bày ra nhiều trò chơi thú vị hấp dẫn tuổi thơ. Cũng yêu nữa các bác Xà cừ quanh năm rợp bóng sân trường, các chú ấu trùng thích leo lên tấm áo vỏ sần sùi của Xà cừ hay bác Sấu, bám chắc vào đó để tự thay áo cho mình, lột xác thành những chú ve bé con i a gọi mùa Hè.
Ngày xưa chưa một lần biết yêu hương hoa Sữa. Và ngày xưa hương hoa Sữa Hà Nội không xa khác như bây giờ.

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

Cưng à.

Chị Chín và các em.
Gia đình anh Chín là hàng xóm còn đại gia đình nhà chị ở bên quận Tư. Anh chị sống ở nước ngoài về thăm mẹ già nay đã lớn tuổi, bà cụ đang đau bịnh. Sáng nào anh chị cũng qua quán uống cà phê sớm và hai người luôn là người mở hàng. Gặp mặt là thấy chị Chín cười, nụ cười thường xuyên thay những lời chào.
Kêu chị thứ Chín là kêu theo bên ảnh, chớ bên nhà chị là thứ Hai. Lâu lâu các em bên quận Tư sang chơi với chị là họ kéo nhau qua ngồi cà phê.
Những khi ngồi với các em, nghe cách nói chuyện và xưng hô ngôn từ của chị Chín với các em nhẹ nhàng đến mềm lòng.
Một bữa ở quán, nghe tiếng chị rầy một ai đó, nhỏ nhẹ:
- Cưng à, sao em lại làm vậy?
Chỉ là một việc nhỏ, đổ quá nhiều đường vô ly cà phê và làm nhểu nhảo trên bàn.
Người em trai ngồi kế bên, tuổi trạc ba mươi ngoài, chỉ cười, như là thích nhõng nhẽo phá quấy và chấp nhận sự la rầy giống một đứa trẻ.
Chị lấy khăn giấy, cẩn thận lau sạch bàn, nhìn người em trìu mến rồi lại lấy thêm một miếng khăn giấy khác đưa cho em, nhỏ nhẹ:
- Cưng để đó chị làm cho.
Một lần khác, chị hỏi cậu em:
- Cưng ăn một chút gì nào?
Cậu em đủng đỉnh, cười:
- Em không ăn.
Thế rồi chị cũng ép được cậu em dùng điểm tâm bánh mì ốp la. Lại là vụng về nhểu nhảo, lại rớt muổng, và chị lại rầy. Rầy la mà sao nhẹ nhàng, để làm em ai cũng muốn nghe, muốn làm một việc gì đó để được nghe chị rầy:
- Cưng làm phiền quá đi cưng à, gọn gàng lại một chút coi nào.
Một lần, tình cờ nghe chuyện mấy chị em ngồi bàn nhau, hay là kiếm cho cậu Út một ai đó để có một mái ấm riêng tư, chị Chín lung mung lắm. Chị nói một mình cưng thiệt thòi với chúng bạn từ nhỏ, thôi thì ông trời tính, cưng ráng chịu phần thiệt thòi, chớ a... lại kéo người ta vô với mình, cực cho người ta... nghe không đặng. Có anh chị em xung quanh, lo cho cưng được chút nào bấy nay, vậy là mừng. Nhưng mà không biết mai mốt này...

Chị Chín nay đang sống ở bên Pháp, năm nào cũng về nước thăm gia đình hai bên. Con cái chị nay đã trưởng thành bằng cuộc đời và những lời nói dịu hiền nhất của người mẹ. Chị tâm sự, lúc nhỏ mẹ chị đánh con cái dữ lắm. Kí ức tuổi thơ là những trận đòn của mẹ bất kể lí do gì không vừa ý. Chị không giận mẹ và sự dịu dàng của chị như một sự bù trừ, nhất là với cậu Út, người em trong nhà nhiều thiệt thòi mà có một lần chị nói,  chắc tại ngày nhỏ bị đánh đòn nhiều quá đây mà, tội nghiệp, nó khờ quá. Cũng một cách nói về cậu em của mình không may mắc chứng tự kỉ.
Bữa ấy chia tay, nghe tiếng cậu em nẹt  pô xe máy, chị hốt hoảng vói theo:
- Chạy xe thật chậm cưng à, đường xá nhiều xe cộ, chộn rộn lắm đó nghe cưng...
***

Dựng chiếc xe đạp trước cửa phòng khám nha khoa tư nhân, cậu trai trẻ cứ loay hoay mãi với cây chống nghiêng của chiếc xe. Phòng khám đông khách, xe máy đậu chen lề đường.
Đứng hút thuốc gần đó, tính phụ cậu dựng gọn chiếc xe bỗng nhận được cái xua tay nhã nhặn như muốn nói tự tôi làm được cùng một nụ cười cám ơn. Cậu trai đứng đó ngắm chiếc xe đạp của mình kĩ lưỡng và mỉm cười một mình. Một hồi dường như chưa ưng ý điều gì, cậu xoay cái ghi đông xe cho chiếc xe hướng qua hai bên phải trái rồi lại đứng ngắm nghía.

- Được rồi đó cưng à - Một giọng nói ai đó.
Cách một khúc xa xa, người nữ đậu chiếc xe đạp điện bên lề đường, như là đã đứng đó và quan sát từ hồi nào. Chị chạy xe lại gần, vẻ mặt hiền lành, phúc hậu, dường như chị chạy theo sau chiếc xe đạp nãy giờ. Quay qua, nụ cười tươi tắn, chị bắt chuyện:
- Con trai em đó, nó khờ lắm. Bữa nay sưng nướu một chút, nói ngậm nước muối được rồi, nó không chịu đòi đi khám cho được... Lại cười.
- Sao hai mẹ con không đi một xe cho khỏe hơn không?
- À... tại nó rất yêu chiếc xe đạp và thích đi xe một mình. Nhà em cũng ở gần đây thôi, bên khu Bàn Cờ nè. Rồi cô quay sang cậu trai:
- Vô phòng ngồi chờ đi cưng à, chừng nào đến lượt người ta kêu tên, vô khám xong rồi về liền nghe.
Dợm chạy xe đi cô còn ngoái lại với cậu trai:
- Mà cưng nhớ đường về không đó... Ừa, ... Vậy về trước đây cưng à... bai bai nha...
Mẹ con họ nhìn nhau trìu mến, trong nụ cười như là đã nói với nhau.

Đưa bé con ở nhà đi khám răng, ngồi phòng chờ ở chiếc ghế đối diện, đôi lúc đưa mắt nhìn qua, lại thấy cậu trai mỉm cười thân thiện. Ở cậu trai có nét rất hiền và như mẹ cậu nói, cách nói của người bình dân Nam bộ, hiểu là cậu ấy mắc chứng tự kỉ.

Một lúc lâu sau, chiếc xe đạp điện ấy lại chạy ngang qua phòng khám, là người nữ ấy. Không dừng xe, chị chạy chậm lại và đưa mắt nhìn vào phía trong phòng chờ của bệnh nhân rồi mới chạy đi luôn. Chị vẫn vòng qua vòng lại.
Vậy là buổi chiều bữa ấy, chiếc xe đạp điện vẫn luôn luôn đi sau chiếc xe đạp. Chị vẫn đâu đó phía sau cậu con trai của mình. Đâu có phải đâu là "về trước đây cưng à"...

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Cái xích đu.

bé Nhí và xích đu.
Con người ta thích đong đưa từ tấm bé chứ không đợi đến tuổi yêu là mới biết “đong đưa”. Mà cũng không phải chỉ có con gái mới biết đong đưa đâu, ai đó thử nghĩ mà coi.

Này nhé, đứa trẻ nào trước khi sanh ra là bà mẹ phải sắm một chiếc nôi, nhà nghèo thì cái võng giản đơn, nhà khá hơn là chiếc nôi kiểu cọ có thêm mấy món đồ chơi nhiều màu sắc với tiếng nhạc "biing boong" trên đầu nôi.
Bé mới sanh ra là ngủ, ngủ bù phần mẹ thức sao ấy, nên khi bú đã miệng, rời vú mẹ là ngủ, ngủ tối ngày. Bé ọ ẹ, cái nôi đong đưa nhẹ là ngủ liền. Lớn lên một xí, nằm võng ôm bình sữa uống cạn, mẹ nhẹ tay đong đưa một phát là bé cười cười giỡn, hồi quay ngang ngủ êm cho mẹ đi làm công chuyện. Lớn thêm lên là biết chơi xích đu, ghế đu, đu quay trong công viên, nhà trẻ hay ở nhà mình,  vậy đúng là ai cũng thích đong đưa từ nhỏ.
Dẫn các bé tới chơi nhà bè bạn, nơi ấy có cái xích đu, cá một ăn mười, chấp hẳn một trái, là đám nhỏ tụi nó sẽ rủ nhau ra ngồi xích đu chơi với nhau cùng mấy món đồ chơi và vài cuốn truyện tranh Doremon, bỏ cha với mấy chú muốn "ra dzô" hết ba sợi hay năm sợi cũng mặc.

Đó là một chiếc ghế có hoặc không có mái che, chiếc ghế đu lên xuống nhờ trọng lực và thường chỉ quay quanh một trục có hai ổ quay. Cái xích đu ở nhà làm tới tám ổ quay và bốn trục, các phần của chiếc ghế không gắn cố định với nhau, từ ngữ cơ khí tạm kêu như vậy. Giá treo kiểu công son một đầu gắn vô tường rào còn đầu bên kia để trống, các bé đang chơi có thể dễ dàng bước lên xuống không vướng víu, an toàn. Ghế cho hai người ngồi đối diện nhau.

Ngày đó, khi thay những ống nước sinh hoạt trong nhà lâu ngày bị cặn bám, ống nhựa thay cho ống sắt, nhìn những ống nước bỏ đi còn rất tốt, thành ống dày, lớp kẽm tráng cũng dày, láng bóng không một gợn ba via, sơn còn không muốn dính. Thứ ống nước ngày trước người ta làm chất lượng lắm, không như bây giờ. Là dân cơ khí, nhìn những ống kẽm dày bắt ham nên cha bé nghĩ sẽ giữ lại những ống nước cũ để sử dụng một việc gì đó.

Hai và mẹ và xích đu.
Năm ấy mới có bé Hai, Anh Đỗ chị được cưng như cục... cưng ấy. Một sáng vợ chồng ngồi nhâm nhi cafe với nhau ngoài sân, tự nhiên sực nhớ có lần tới chơi nhà người bạn, trong sân nhà có cái xích đu xinh xinh. Thế là nghĩ ngay phải làm một cái xích đu cho bé, kiểu cọ phải thật riêng, lọ mọ ngồi vẽ ra các kiểu xích đu và chọn được một kiểu ưng ý.

Lấy ra các loại ống nước đã bỏ đi, kéo một anh thợ mang máy hàn về nhà cùng làm. Anh thợ hàn nhìn hình vẽ, lắc đầu nói khách kêu làm thì làm kiếm tiền, chớ... làm vậy sao xích đu nó đứng được đây? sao đu được đây? Nói anh cứ làm với tôi coi sao, không thôi coi như tui mướn máy hàn. Anh ta cười cười, nghĩ thầm chắc cha này hâm hâm kiểu vừa đi bộ vừa cười một mình trên cầu Long Biên.

Cắt ống, uốn, hàn, rồi ghép các phần lại. Khi dựng lên hình thù cái xích đu, vừa khít khịt, các khớp quay trơn tru nhẹ nhàng. Thử tải công son một người rồi hai người lớn, chắc chắn, thế là ổn. Chưa kịp sơn, bồng bé đặt bên đối diện và hai bố con... một hai xít đu...u nào. Con bé Hai cười nắc nẻ còn anh thợ hàn cũng khoái chí cười theo.
Chiều mát ngồi xích đu dưới bóng cây, chèn hai bên hông bé hai cái gối nhỏ, mẹ ngồi bên kia, tay chén bột hay chén cơm, miệng cười "à...ầm" chỉ một hồi là bé làm veo một chén.
Từ ngày làm cái xích đu ở nhà cho bé, vẫn thường để ý đến kiểu dáng các xích đu nhưng chưa thấy cái nào giống kiểu cái xích đu ấy, một kiểu công son, di chuyển song phẳng, không đụng hàng ai hết.

Các bé và xích đu
Thời gian trôi. Chị chơi, em chơi rồi bạn bè của chúng chơi, Hai và Nhí đứa nào cũng tự hào khoe với chúng bạn, cái xích đu là tự tay cha làm cho tớ đấy. Cái xích đu tuổi cũng xem xem tuổi Hai. Ai có lớn lên đi học xa nhà còn cái xích đu vẫn loanh quanh trong vườn. Bây giờ nó chạy ra gần cổng, núp dưới bóng cây khế ngọt để chơi với các bạn nhỏ đi cùng cha mẹ tới uống cà phê ở quán nhà.

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Gởi Hai nè.

Cây Lan tiêu ngoài cổng rào, gần bằng tuổi Hai, năm nào cũng vậy, cả mùa khô chịu nắng, lá úa vàng èo uột, cành khẳng khiu, để cứ vào đầu Hè, chớm mưa mới nhú ra những đọt xanh mang theo một chùm nụ bông ở đầu ngọn. Từ nho nhỏ màu xanh, lớn dần lên mang màu vàng cam và chỉ một hai bữa nở bung ra những bông xinh màu đỏ hồng. Bông Lan tiêu dạng loa kèn, cũng đẹp nhưng mau tàn. Vậy nhưng mỗi lần hoa nở là nhớ, mùa nghỉ Hè của các con đã tới.
Mùa hè về rồi, cả nhà nhớ Hai, gởi cho Hai mấy tấm hình những góc vườn nhà.

Cây khế ngọt thì vẫn thế, trái quanh năm không có mùa. Cứ một đợt trái chín vàng, rụng xuống lại ra một đợt bông mới. Có một chú Dơi và một chú Sóc thường lại cây ăn trái, ăn dang dở làm rụng xuống sân, hổng trả cục vàng nào hết mà bậy vô tường nhà một cái rồi mới chạy đi. Chú Dơi đi vắng đâu ít lâu, mấy bữa nay lại thấy quay về khi quán vắng, đảo quanh vài phút cho đỡ nhớ rồi mới bay đi.

Còn dây Trang leo - Sử quân tử được nâng niu uốn tỉa, mùa này cho nhiều bông và  trải rộng trên tường, lòa xòa trên mái ngói, dễ thương chưa nè. Sử quân tử còn leo xen vô cây khế, điểm bông trắng đỏ với bông khế vui mắt.

Cái xích đu của Hai bây giờ đứng sang bên trái nhà, buổi chiều có bóng mát cây Khế ngọt thay cho cây Sơ ri ngày trước. Và các em nhỏ tới đây, em nào cũng thích chơi với cái  xích đu ấy.
 

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Mấy chuyện cha con.

Anh bạn Giang còi - Gtl,  hỏi ku con trai:
- Thằng Trung Quốc nó tính đánh mình đó, năm nay Roy lớn rồi, người ta kiu, Roy có đi lính không? Roy nói:
- Đi chớ.
Hỏi chớ có dám wýnh Tàu không?
Roy  nói:
- Đánh cho nó thấy bà nó chớ.
- Thế Roy có sợ chết không dzợ?
- Cũng sợ chớ, ai không sợ chết.
- Tại sao sợ?
- Taị... con sẽ còn nhiều ước mơ nữa mờ, he he he...
 Bạn í tên Hoàng Gia, năm nay vô lớp Mười.

Mấy bữa nay nực nội ba chuyện đám tàu bè Trung Quốc đã bao lâu nhiễu dân đánh cá, bây giờ lại còn chơi cả hàng nóng đuổi ngư dân và dám mò vào sân nhà mình cắt cáp thăm dò biển. Chuyện xảy ra cách bờ có hơn trăm lí, lại còn vừa đánh trống vừa la làng. Thật buồn vì cấp nhà nước, anh quân đội, an ninh, ngoại giao... không có nổi một động thái hay tiếng nói để dân tình nghe cho đặng. Thảo dân chỉ biết ngồi bàn nhậu với nhau mà tẩy chay hàng trung Quốc, tẩy chay du lịch Trung Quốc, và "đan mạch" mấy thằng chính quyền Trung Quốc.
May mà đi thăm con ở trại hè, ngắm nhìn đám con nít chơi vui vô tư, coi và nghe con gái chọn hát "Hello Vietnam", thật tình cờ, tuy ca chưa hay nhưng làm cho vui và lòng dịu dàng lại. 

Thanh bình - hình cha chụp người ta.
Bữa hôm ngồi si nghĩ lan man chuyện cuộc sống thảo dân trong xã hội bây giờ, viết ngắn tí một lời cầu mong, rất giản dị cho mọi người là sự an bình cho cuộc sống.
Tối ấy hết giờ học vẽ, con gái mang qua phòng cho coi một tấm tranh còn ướt màu, coi thật thanh bình.
Giật mình một sự tình cờ. Nhìn tấm tranh bé mới vẽ và so tấm hình cha chụp vừa post minh họa bài viết như cùng muốn nói về sự thanh bình và có gì đó rất giống nhau. Một bãi cỏ xanh xanh, hai tấm cùng có bốn cặp đôi, ai đó có giờ đếm thử hai tấm hình coi có nhiêu cặp là biết, thiệt là dễ thương hết sức. Một cảm giác tạm an lòng.

Buổi chiều, sau hai đợt đi chơi xa và sinh hoạt tập thể, không đi chung cùng cha mẹ, bữa nay bạn Nhí nhỏ đã trở về nhà. Cười tươi dù mệt mỏi, mừng an toàn mạnh giỏi. Và nhìn thấy đã lớn lên thêm một lớp.

Lan man một tí, chỉ là mấy chuyện của cha và con.

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

Hè về.



Sân trường ít bữa nay đã vắng những bóng áo trắng khăn quàng và tiếng con trẻ giỡn đùa vào giờ ra chơi.

Cây Phượng già đã chào tạm biệt các bạn nhỏ về nghỉ hè bằng những chùm hoa đỏ rực rỡ nắng hè. Tạm quên đi sách vở, không thể để các bé phải nghĩ tới một điều gì, từ chuyện học thêm hè tới những lo lắng của cha mẹ về những điều chưa được của đời sống hay sóng dữ biển Đông,các bé sẽ được hưởng kì nghỉ Hè thật vô tư của mình để ít bữa nữa, mỗi người đều sẽ lớn thêm một lớn.

 Trại hè Thanh Đa ở Sài Gòn là một nơi sinh hoạt hè được  liên đoàn lao động, thành đoàn và nhà thiếu nhi thành phố tổ chức, duy trì đã nhiều năm nay cho những ngày nghỉ hè của các bạn nhỏ tuổi quàng khăn đỏ. Hơn ba mươi năm qua, hàng năm vào hè, từ dịp thiếu nhi quốc tế 1 tháng Sáu tới cuối tháng Bảy, chia thành nhiều đợt, rất đông các bạn nhỏ từ nhiều trường tiểu học và trung học khắp thành phố tập trung về đây lập trại, vui sống và sinh hoạt bên nhau những ngày hè thú vị và thân thương.

Trại hè nằm trong khuôn viên nhà nghỉ công đoàn ở trên  bán đảo Thanh Đa ven sông Sài Gòn. Nơi đây có một không gian thoáng đãng, sạch sẽ và yên tĩnh. Những phòng ngủ giành cho hai, ba người trong khu nhà cao tầng nhìn ra dòng sông, khu nhà ăn rộng rãi vệ sinh. Có rất nhiều bãi cỏ, cây ăn trái, hoa lá xanh tươi, và còn một sân banh mini vừa xinh xắn cho các bạn nam yêu thích môn bóng đá.

 Ở trại, các bé được chia thành nhiều đội không cần phân biệt lớp tuổi với những tên gọi cũng dễ thương như các bé như đội Lễ phép, đội Siêng năng, Chăm học...  Những sinh hoạt vui tươi là những trò chơi tập thể như thi thố, đố vui, thể thao, văn nghệ... luôn được tất cả hưởng ứng. Các bạn nam chơi robot thì bạn nữ xâu khuy, tô tượng, bạn nam đá banh thì bạn nữ dậm trứng, làm thời trang giấy. Từ đây, các bạn còn được tham quan bảo tàng hoặc các tham gia  vui chơi ở công viên nước, Đầm Sen hay Suối Tiên do trại hè tổ chức.Dưới sự điều hành của các thày cô giáo hè nhiều năm tận tụy cùng các anh chị phụ trách trẻ hoạt bát và hài hước, ngày nào trong trại hè cũng đầy ắp tiếng cười.
 
 Những cây Mít “tố nữ” ở nơi đây lúc lỉu. Trái thật là nhiều, mọc ra từ dưới gốc, xà dưới đất quanh gốc cây rồi kéo nhau tuốt lên trên ngọn. Các bạn ai cũng thích thú , chỉ thích ngắm nhìn và không ai muốn phá chơi những chùm trái cây xinh xinh ấy.

Buổi văn nghệ chào ngày thiếu nhi quốc tế  thiệt đông vui, có nhiều phụ huynh tới trại thăm các bé được nhìn thấy các bé thật chững chạc và vui tươi ở trên sân khấu, ở dưới hội trường.


Có bạn nhỏ trước giờ lên sân khấu múa hát, đứng sau cánh gà nhỏ nhẹ, “đông người quá, em hồi hộp quá” và thoáng chút lo lắng. Vậy mà khi đã bước lên trên sân khấu là quên đi bối rối hồi hộp, múa hát thật hay, dễ thương hết sức và đầy tự tin. 
 Mỗi buổi sáng các bạn trai tập luyện rồi thi đấu bóng đá ở sân mini và vào ngày cuối trại hè thường có trận chung kết cho các bạn nam, còn các bạn nữ tất nhiên là ngồi coi và cổ vũ theo sự phân công của anh chị phụ trách. Những trận bóng ở đây luôn hào hứng và hết mình, mới biết ở đâu cũng vậy, các bạn trẻ nhà mình rất yêu thích môn bóng đá.
Ở trại hè là các bạn tự giăng mùng, gấp gọn mền gối, tắm giặt. Có bạn giặt đồ không biết bỏ xà bông, cũng có bạn bỏ quần áo vô thau, nhảy hai chân đạp, vậy mà cũng kêu là giặt áo quần, mắc cười. Chuyện này chỉ nói nhỏ trong các bé thôi mà ba mẹ không thể biết.
Điều có thể thấy là sau một tuần ở trại, các bé sẽ thêm vào một ít bạn bè, thêm một ít kĩ năng, thêm một ít tính tự chủ qua ứng xử ở tập thể và một vài việc nhỏ mà nhiều bạn ở nhà cha mẹ vẫn thường làm thay.
Chia tay về nhà, có bạn xin cha mẹ cho đi đợt nữa, có nhiều bạn năm trước đi  vui, năm sau lại đi nữa.

Rất nhiều các anh chị lớn, người đã ra đời, người còn đang học đại học luôn nhớ về khu trại hè Thanh Đa cùng những ngày sinh hoạt hè vui thú vớicác thày cô giáo hè hiền hòa ở nơi đây.
Từ rất nhiều năm trước cho tới mùa Hè năm nay, cũng ở dãy nhà tầng ấy nhìn con ra sông Sài Gòn lững lờ nước chảy, vẫn luôn có những chiếc ghe bầu chở hàng lạch bạch chạy chậm chạp dọc dòng sông và những dề lục bình cứ trôi trôi mãi, mỗi khi mùa Hè về.
Ai đó ở xa có còn nhớ những ngày hè năm xưa nơi đây. Mới đó đã mười năm đi qua.

Bạn Nhí nhỏ đi dự trại hè đợt đầu tiên, thấy rất vui. Buổi văn nghệ mừng ngày thiếu nhi, Nhí nhỏ là người của đội "Chăm học" tham gia bằng hát bài "Hello Vietnam". Đến trại tình cờ gặp, ghi lại được phần sau bài hát Nhí chọn. Tiếc là vị trí không thuận tiện, nhạc đệm sao đâu, đông người ồn ào và quá nhiều âm thanh nên không nghe được rõ. Như là một kỉ niệm nhỏ lưu lại, gởi dì Ba và chị Hai, hai người bạn ở xa quan tâm tới Nhí nhỏ nhiều nhất, coi đỡ.