Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Chùa Hương Tích Ngàn Hống

Có một ngôi chùa mang tên Chùa Hương Tích nằm trên đỉnh một ngọn núi cao thuộc dãy Ngàn Hống, người ta thường gọi là dãy núi Hồng Lĩnh thuộc địa phận huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh. Ngàn Hống hay có khi là Rú Hống, đấy là các tên gọi theo âm ngữ địa phương. Ngôi chùa cùng một vùng cảnh sắc thiên nhiên, đồi núi, thông reo, suối nước chảy, từng được người xưa nói với nhau: "Hoan Châu đệ nhất danh thắng." 

Nghe lời người kể lại, chùa Hương Tích Ngàn Hống được xây dựng từ thế kỷ 13 đời nhà Trần, cùng thời gian vua Trần Nhân Tông lên tu trên núi Yên Tử ở núi rừng Quảng Ninh. Qua nhiều thăng trầm thời gian, chùa  được khôi phục đầu thế kỷ 20 do công người nghệ sĩ sáng tác tuồng cổ Đào Tấn. Tại bởi trước đó mười mấy năm chùa bị hỏa hoạn.
Người ta kể, chùa  Hương tích trên núi Hồng Lĩnh là nơi công chúa Diệu Thiện, cô con gái út của một vị vương xưa gây dựng nên. Tục truyền lúc trẻ, cô Ba tức là nàng công chúa hiếu thảo ấy một năm nào tới nơi đây, nhìn núi non hùng vỹ, phong cảnh hữu tình, ở lại làm chốn tu hành. Khi nghe tin vương cha mang bịnh, cô Ba dám hi sinh thân mình, làm thuốc chữa bệnh cho cha, sau rồi hóa Phật.

Đi chùa Hương Tích.
Hàng năm cứ vào ngày 18 tháng Hai âm lịch, ngày cô Ba hóa Phật, là ngày được chọn làm lễ chính hội chùa hàng năm, và cứ ba năm lễ hội lớn một lần. Người đi viếng thăm chùa đông dần từ sau Tết nguyên đán. Tới ngày hội chính hay mùa Vu lan, người người ở mọi nơi quanh xứ Thanh Nghệ Tĩnh Bình cùng nhiều du khách từ nơi khác đổ về trảy hội, lễ Phật và tạ ơn trời đất, nơi đây đông vui lắm.
Tới viếng chùa, người già cầu mong phước lành cho con cháu, người trẻ cầu mong hãy thương yêu nhau, và  người người cầu mong cho nước non xã tắc thái bình. 

Sông Lam núi Hồng là một phần nằm chung hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Cách thành phố Vinh chừng mươi cây số phía Nam ta sẽ thấy biển chỉ dẫn đường đi đến chùa, đường rẽ hướng ra biển. Cứ đi, ta sẽ tìm đến một hồ nước rộng lớn, trong xanh yên ả, tên gọi hồ nước Hồ Nhà Đàng hay là Hồ nhà Đường, nơi tụ lại của những dòng suối mát chảy ra từ Ngàn Hống, có một bến thuyền dưới chân những ngọn núi, là bắt đầu đường đi vào Hương Tích tự.

Hồ nhà Đàng.
Ta sẽ cùng nhau xuống thuyền, chạy trên sóng nước hồ một hồi trước khi bắt đầu chặng đường dài leo núi lên chùa Hương tích.
Những bậc đá dốc đứng đi lên chùa thực là khó đi, nhất là những bậc đá dốc dựng cuối chặng đường đi, ráng lên tới nơi là phải thở thêm bằng hai tai đấy.
Vậy nhưng đôi lúc trên đường đi gặp được những người lớn tuổi, từng bước đi, cây gậy chống và nụ cười thân thiện như giúp ta thêm mạnh bước chân. Nhưng là kể vậy thôi, những ai yếu sức hãy an tâm khi cáp treo lên chùa đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng từ mùa lễ hội đầu năm nay. Ta có thể đi lên viếng thăm chùa bằng đường cáp treo len qua các triền núi, ngồi ca bin trên cao ngắm núi rừng Hồng Lĩnh bạt ngàn xanh thẳm khi trời nắng hay lưu niệm những tấm hình Hương Tích Ngàn Hống bao phủ mây mù trong tiết mưa Xuân..
Với khoảng ba bốn cây số leo dốc là thấm mệt, nhưng đôi lúc dừng nghỉ chân, hãy lắng nghe tiếng reo vui từ những cánh rừng thông và ngắm nhìn dòng Hương Tuyền loanh quanh ẩn hiện trong đá, trong hoa dại và lá rừng. Vốc lên má em dòng nước suối trong và mát lạnh sẽ cho ta vơi đi bớt mỏi mệt.
Chiều về xuống núi, thả mình bơi lội dưới Hồ Nhà Đàng trong mát và chờ đợi một con gà mái mơ, thứ gà sống ở gò đồi, chuyên ăn dế ăn mối, thịt ngọt mềm, chấm cùng muối mỏ đâm với ớt rừng, ta có bữa ăn để nhớ Ngàn Hống khi chiều xuống chia tay. 

Ngôi chùa Hương ở huyện Mỹ Đức thuộc Hà nội bây giờ được xây sau này vào cuối thế kỷ 17. Khi vua Lê đàng trong, chúa Trịnh đàng ngoài, đường về Hương Tích Ngàn Hống đi lễ chùa xa xôi, chúa Trịnh mới tìm thày tìm núi, cho xây dựng nên một Hương Tích thừ hai "thiên nam đệ nhất động" để mọi người đi lễ hội chùa Hương cho gần. Hai ngôi chùa mang nhiều nét giống nhau, là cùng có chùa trong chùa ngoài, là cùng mang một tên gọi Hương tích, là cùng đi đò trên suối nước trước khi leo dốc đá lên chùa.

Ai đó có dịp đi ngang xứ Nghệ Tĩnh, ta có thể ghé thăm chùa Hương Tích Ngàn Hống để biết thêm một di tích của dải đất miền Trung nắng gió, để được đứng trên đỉnh Ngàn Hống, phóng  tầm mắt ngắm phong cảnh hùng vĩ, tĩnh lặng và hữu tình của một vùng xứ Nghệ Tĩnh non xanh nước biếc như tranh họa đồ.

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

8. Những chuyện vui vui ở tàu.


Tàu và sóng biển.
(Ảnh: LộcHB-ngang T.Sa-5 '11)
Hoàng Hà là thuyền phó hai ở trên tàu, trước khi xuống Ninh Kiều đã đi qua nhiều con tàu, cũng sói biển nhưng chỉ nhận là sói nhỏ được rồi vì từng vượt kênh đào Suez, từng vào Địa Trung Hải.
Hà làm việc ngon lành, chịu sóng gió tốt, tay cứng rượu bia. Chinh chiến đông tây nam bắc, đi tới đâu luôn mang về sự kính nể vì trên cơ người ta và thêm vào nhiều bè bạn nhậu. Nhậu tới nước quan chức hàng tỉnh miền Tây "từn thương mến thương" dụ về quê, đưa vợ con về đây, cấp nhà cho ở. Anh em bạn bè thương cái nết nhậu lì đòn kêu thân thiết bằng cái tên "Hoàng tử bia".

Trên tàu, Hoàng tử bia chơi thân với Hai Thành máy hai và Sáu Bảnh. Ba đứa là bạn chơi với nhau từ thuở nhỏ, tuổi tác xem xem. Lúc nhỏ nhà ở cùng phố, cùng nghịch ngợm lớn lên, khi thằng lớp một đứa lớp hai cùng giã từ tuổi thơ Hà Nội, vô trường nội trú lang thang khắp nơi núi rừng đến hết thời bom đạn mới quay về phố cũ.
Sáu Bảnh lúc này đi máy ba trên tàu. Sáu về công ty vận tải và thuê tàu biển sau Hà và Thành. Khi công ty biển dưới miền Tây ra đời, hạp nhau cái nết ham đi đây đó, ưa khám phá vùng đất mới, cả ba rủ nhau về miền Tây đầu quân cho tỉnh. Đã chung công ty lại đi chung trên một con tàu, tuy ở hai bộ phận khác nhau, người trên boong đi ca gió mát thênh thang nhìn trời cao biển rộng, kẻ làm việc dưới mớn nước nóng nực ghê người, nhưng nhóm ba người gắn bó, ăn nhậu chung, mần ăn chung, đi về có nhau.

Ninh Kiều đang nằm ở Hồng Kông, con tàu neo đậu tuốt ở ngoài xa trong vịnh, các ghe nhỏ, kiểu ghe bầu lần lượt cặp hai bên mạn tàu để làm hàng, từng lô tôm đông lạnh, bao bì nâng niu cẩn thận. Đứng trên tàu nhìn vào thành phố xa tít tắp, Hồng Kông như một bờ cảng đầy hàng được xếp với nhau dọc ngang bởi những container đủ mọi kích cỡ, nằm giữa lớp núi xanh xa mờ, biển xanh êm đềm và trên đầu là một bầu trời bao la cũng xanh ngăn ngắt. Buổi tối nhìn thành phố lại khác, một góc trời rực sáng sang trọng bởi ánh đèn lung linh của những tòa cao ốc. Mỗi lần đi bờ chạy ca nô từ tàu vào phải mất cả tiếng. Những nhóm nhỏ chơi chung thường sắp xếp trực cùng ngày, nghỉ cùng ngày để đi bờ cùng nhau.

Ở cái xứ Hồng Kông xô bồ xô bộn những người với người. Trên bến dưới thuyền hay ngoài phố, đủ mọi thành phần từ khắp mọi nơi trên thế gian, bán mua tấp nập đủ mọi thứ hàng hóa, và trên đường thấy nhiều sắc phục, cảnh sát, quan thuế... Hàng hóa mang lên bờ không được nhưng mua thứ gì trên phố mang về bao nhiêu cũng được, không ai hỏi tới. Giá cả trên trời dưới đất kiểu gì cũng có, mua một hai chiếc áo đẹp ở Hồng Kông, siêng một chút đi xe điện ngầm sang Cửu lùng, cũng giá đó mua được cả lố. Riêng với tàu bè, luôn có người thường trực ngày đêm, mỗi ngày có nhân viên Hải quan gác từ khi tàu buông neo đến lúc tàu rời cảng.
Bữa ấy là hai người quan thuế Hồng Kông gác tàu Ninh Kiều từ sớm. Buổi sáng ngồi nói dóc ngay cầu thang lên xuống, hồi nắng lên nực nội, các chú chàng phải chun vô câu lạc bộ của tàu, ở phòng này khi nào cũng mát rượi máy lạnh.

Thủy thủ trực ca tới giữa buổi cũng đã làm hết phần việc bảo quản trong ngày, cả đám ngồi câu lạc bộ coi ti vi, đứa ngồi nói dóc, chán rồi rủ nhau đánh bài. Khác với thủy thủ miền Bắc thường đánh bài ù tám lá hay đánh phỏm chín lá, "binh sập xám" là một món bài thủy thủ miền Nam thích chơi. Đó là một kiểu chơi bài tây bốn người, mỗi bài mười ba lá chia thành ba chi, trên giữa dưới chi nào đụng chi đó. Nguồn gốc kiểu bài này xuất xứ của người Hoa, rất hợp lí, khoa học, bài gài nhau qua lại nên người ta hay nói sập xám chướng là vậy, ai đã biết chơi dễ thích thú dễ ghiền.

Không đủ tay, Hoàng tử bia và Sáu Bảnh hai người hai tay bốn tụ bài binh chơi, cặp bài này chuyển qua cặp khác. Vô câu lạc bộ được một hồi, nhìn hai thủy thủ Việt đánh bài thấy ngứa mắt, hai chàng quan thuế nhảy vô cầm bài đòi chơi tay tư. Dân có nghề, chỉ cần giao hẹn với nhau mấy câu là thống nhất luật chơi của Hồng Kông với Chợ Lớn.
Đánh bài chay, hai chàng quan thuế thắng không, xí xố nói cười vui đáo để, thỉnh thoảng binh sớm úp bài sớm, lắc đầu, cười chê hai thằng thủy thủ  binh dở, xòe bài đọc báo.
Chơi bài chay mãi cũng chán, một hồi ngứa nghề thế nào, các chàng dụ nhau đánh bài ăn tiền. Hoàng tử bia cười hơ hơ...
- Hiện kim, hiện kim. Không xiền đánh chơi, có xiền là ghiền chết mịa luôn.
Hai Thành cùng đang đứng đó, nổi hứng nhào vô:
- Sáu Bành, chơi hai thằng đó cho tao, mấy vụ lẻ tẻ này không ngán, chừng nào thấy mêt đổi tay.
Thành bàn bạc một hồi, xuất tiền cho chơi rồi chỉ đạo hai bạn hẩu:
- Đậu chến bây nhiêu thôi nghe, bứt chến nghỉ, đừng có ráng.

Lúc đầu đánh một bàn mười đô Hồng Kông, hai thằng quỷ quan thuế đang ở dây hên, ăn hoài, cười vui quá chừng chừng, xí xố văng miểng tùm lum. Có lúc hứng chí chúng còn ca vang các bài ca con cá, mầu dầu xua mầu dầu xìn... chi chi đó nghe mắc cười. Trò bài bạc, kẻ thua thì ham gỡ, người ăn bài đang dây hên thì muốn ăn dày, một hồi thấy ăn hoài, hai chàng quan thuế dụ đánh lớn dần lên. 
- Mịa bà, đánh nhỏ làm tao khát nước nãy giờ.- Hoàng tử bia lại hơ hơ cười. Vậy là chơi lớn.
Chơi tới gần trưa thì dây hên chuyển dần sang hai chàng thủy thủ, xấp tiền trước tụ hai người cứ dày lên dần. Hoàng tử bia lâu lâu lấy ngón tay trỏ cắm xuống bàn đo độ dày xấp tiền rồi lại hơ hơ cười. Hai chàng quan thuế bực bội lắm mà không làm sao được.
Hai Thành đứng ngoài liên tục động viên đồng bọn, thấy hai bạn thắng đều khoái chí cười tít hết cả mắt. Nhơn voi, Hùng vê tê đê cùng mấy anh em trực tàu đứng coi, gặp cây bài đối phương "úp mặt vào tường, sập hầm nhân đôi" sướng chí vỗ đùi đen đét làm hai chàng quan thuế cà cuống lại quê bài, đường lớn không binh lại binh ẩu đường nhỏ, càng cuống lại càng thua.

Tới bữa Thành đi nấu hai tô mì đặc biệt trứng gà bồi dưỡng sức dân. Vốn tính chị hai, thương hai chú cát tôm, anh hỏi có muốn ăn mì tao nấu. Đánh bài mau đói, lại đang say đòn, hai chú mừng quá, hết dét sơ a ra phát rồi lại xia xia. Chị Hai có dịp trổ tài nấu mì, gì chứ mì ăn liền thì tay nghề của bạn mình khỏi chê. Mang mì tới tận bàn, cậu cười:
- Để tao o bế vỗ về, còn hai thằng bay giỏi móc hết túi tụi nó coi.

Hai chú chàng đánh bài thua bắt đầu gắt nhau um xùm, có lúc cãi nhau rồi tới tỉu nà ma nghe càng mắc cười nữa. Người Hồng Kông nói tiếng Quảng Đông, ngôn ngữ bài sập xám cũng là tiếng Quảng, kiểu như sám cô, dách phé, cố lủ... Đi đây đi đó ít nhiều, có một tý tiếng Quảng, thêm một tý Quan thoại nên nghe hai chàng chuyện trò với nhau có thể đoán lõm bõm được bài, dân chơi sập xám tinh ý và cảm giác. Hoàng tử bia và Sáu Bảnh có kiểu nhắc bài nhẹ nhàng tế nhị nhưng rất cáo, hai tay cùng cạ dễ hiểu nhau. Thấy gãi tai là biết bên ấy dương đôi chi đầu, gãi chân bằng hai ngón tay là thủ  hai đôi chi dưới hay hai ngón chữ V lướt nhẹ trên bàn là bài bên đây tốt, an tâm. Có lúc lầm bầm hát chế hoặc đọc thơ, đại khái kiểu "Hoàng ơi thôi chết tao rồi, át thì không có bốn đôi không hà" rồi gãi tai. Ngồi sòng, bài tốt, binh nhanh, úp bài rồi ngồi rung đùi chế bài hát với làm thơ, vui thế.
Quá chiều tới giờ đổi ca trực, hai chàng quan thuế đang thua nặng, say đòn muốn gỡ nên chưa muốn về, nói đồng nghiệp về nghỉ luôn đi, bữa nay để đây trực giùm cho, rồi lại xà vào sòng bài. 
Cuộc chơi nào rồi cũng đến lúc tàn, tới lần thay ca thứ hai thì trời đã tối, hai chàng cũng phải ra về, gỡ gạc lại được chút đỉnh. Ráng lịch sự, một chàng bắt tay cười méo xẹo, gút bai mai tới, còn chàng trai kia giơ lên ngón cái rồi nghiêng mình chào thua hai chàng thủy thủ.
Hồng Kông- '86

Hoàng tử bia với Sáu Bảnh ngồi đếm tiền cười tý toét. Ngày hôm sau đi bờ, khi đã xong việc đặt mua hàng cá nhân, Hai Thành kéo hết cả nhóm bạn trên tàu tìm đến một nhà hàng Việt ở Hồng Kông đập phá một trận đã đời. Thích nhất ở cái nhà hàng nằm trên con đường dốc ấy là bia chai xanh Thanh đảo và món chạo tôm với vị tôm xay ấn tượng bọc quanh những khúc mía lau thơm ngon xinh xắn.

Những bài  viết đi biển gởi về những người bạn thân mến của tôi.
Đọc tiếp: Tại đây. Từ đầu: Đi biển. 

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Cầu an bình cuộc sống.

Những ngày qua, câu chuyện đau thương trên con tàu du lịch trên sông Sài Gòn trong tin tức hàng ngày một lần nữa vượt quá sức chịu đựng của mọi người, đến độ không còn dám cầm thêm một tờ báo. Những lời than oán, những tiếng khóc của người thân hay hình ảnh mẹ con ôm nhau trong một tiệc mừng sinh nhật rồi từ đó ra đi xa mãi, cứ luẩn quẩn ở trong đầu, không chịu rời xa nếu không tự kiếm một việc gì đụng chân tay chi phối suy nghĩ.

Trước đó là một con tàu du lịch chìm trên vịnh Hạ Long của du khách nước ngoài. Lâu nay, cứ ít ngày lại thêm  một chuyện, khi chiếc xe chở đoàn giáo viên du lịch, khi các em trên đường đi thi đại học, rồi có những chiếc xe chạy đi đám hỏi, chạy về đám cưới... chuyện có ở khắp nơi. Có khi là một ngày vui, đời người có một lần, lại chính là ngày kết thúc, không phải với mình thì cũng là với bà con bè bạn. Và còn rất nhiều sự ra đi thương tâm và oan khuất khác nữa của thảo dân... Sao mà thân phận người ta thật mong manh nhỏ bé.

Đã tạm quên đi những tiện nghi của cuộc sống xuống cấp lâu nay và nghĩ là xã hội sẽ phải đổi thay nhưng cứ thế này mãi được sao. Người ta đã làm cho thiên nhiên với con người dần quay lưng, còn sự dửng dưng để cho nhau, trong rất nhiều công việc của các cơ quan quản lý xã hội.

Một cảm giác bất an tự nhiên hình thành, lớn dần lên. Sẽ là lắc đầu, thở dài, sẽ là đóng cửa ngồi trong nhà như con lạc đà rúc đầu vào trong cát như lời một đàn anh nói nửa chơi nửa thiệt? Nhưng nghĩ đến bọn trẻ, những đứa trẻ ở khắp mọi nơi, trong đó có cả con cháu của mình, mùa hè này sẽ thế nào, và xa hơn nữa mai ngày sẽ ra sao.

Ở đâu cũng vậy, trên trái đất này, phải là sự an lành cho cuộc sống là điều đầu tiên. Ở khắp mọi nơi là cầu mong của thảo dân, hàng ngày chỉ biết lo mần ăn, kiếm cơm áo cho gia đình, nuôi dạy con cái, ít nhất một sự an bình cho cuộc sống này. Điều cầu mong thật là giản dị.  

Bình yên

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Cây Dơi.

Ngồi cà phê chiều vắng nghe câu ca: "Trời lập Đông chưa em, cho lũ Dơi đi tìm giấc ngủ vùi" chợt nhớ một chú Dơi trú ngụ ở nhà lâu nay. Con Dơi quạ ấy bự lắm, đã bao nhiêu năm, cứ chập choạng tối, ngày nào nó cũng về sân nhà, ăn trái trên cây Sơ ri và Khế ngọt rồi bày bừa ra sân cho mình phải dọn. Ít lâu nay buổi tối không còn thấy nó về, không biết nó đã già quá rồi đi xa hay là vô duyên gặp phải bợm nhậu trong nồi cháo đậu xanh thịt dơi bằm.

Dơi là động vật hoang dã trong thiên nhiên, nó thuộc loài thú và có nhiều giống khác nhau. Có giống Dơi độc địa, hút máu súc vật nuôi, là nghe người ta nói vậy mà chưa thấy nhưng ở ta có giống Dơi quạ thì chuyên ăn phá cây trái còn Dơi chuột là loài dơi nhỏ, chuyên ăn bù mắc muỗi mòng là con vật có ích cho nhà nông.
Người ta nói rằng phân Dơi được người xưa chế làm thuốc súng và trong đông y còn dùng để chữa được một vài thứ bệnh. Còn bây giờ người nông dân dùng phân dơi là thứ phân cao cấp và sạch mang bón cho những thứ cây ăn trái quí như cam sành, dưa hấu, sầu riêng...

Làm cây dơi để lấy phân là nghề của bà con Khmer không biết đã có từ bao giờ. Người ta không nuôi, không phải cho nó ăn mà chỉ cần dụ nó, làm nhà cho nó vô ở để làm lợi cho mình. Con Dơi chuột rất thích làm tổ trong bụi lá Thốt nốt. Dưới miền Tây, những vùng có bà con người dân tộc Khmer sinh sống, những vùng có bóng dáng của cây Thốt nốt vươn cao lá có thể làm cây dơi. Miền Tây mêng mang sông nước, nhiều muỗi mòng và cũng rất nhiều những bác nông dân siêng năng tinh ý đã học theo cách người Khmer làm những căn nhà cho lũ Dơi về ở để lấy phân của nó.

Giữa hai cây Thốt nốt hay cây Dừa, cách nhau chừng dăm thước, người ta bắc cây ngang, lợp mái lên trên và bó lá Thốt nốt bên trong, cao trên mặt đất chừng bảy tám thước giống như một mái nhà che nắng che mưa. Cũng thấy người ta còn làm cây dơi từ một cây dừa, nhỏ hơn và cao hơn. Những mái nhà trên cao ấy như những chiếc lọng thật dễ thương chính là nhà để dụ những chú Dơi tới. Ở miền Tây muốn làm cây dơi phải đi mua lá Thốt nốt về làm tổ, lợp mái bằng tàu dừa nước. Nhà cửa dễ thương, chủ nhà mến khách, vườn nhiều cây lá, tĩnh lặng thanh bình là dơi rủ nhau về ở.
Phía dưới xung quanh gốc cây, đất được nện phẳng để dễ dàng quét gom phân. Về mùa mưa thì người ta dùng lưới hay tấm bạt giăng ở dưới hứng phân. Phân dơi gom lại cho nguyên hạt, mang phơi khô, bỏ bao cất dưới gầm nhà sàn, có mối tới lấy. Người ta bán phân dơi không rẻ chút nào, một dạ tới mấy chục ngàn đồng, nên nó mới là thứ phân cao cấp.

Phân Dơi dưới gốc dừa.
Cái thứ ngủ ngày, cả ngày nó ngủ vùi. Khi chập choạng tối và dát hửng sáng là lũ Dơi rủ nhau bay đi kiếm ăn, nó bay đi bắt mồi ít lâu rồi quay về tổ, treo mình trên cành lá. Những khi Dơi bay khỏi tổ đi kiếm mồi là người ta tranh thủ dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa cho chúng, giũ nước tiểu, phân dính trên lá Thốt nốt. Thức ăn của con Dơi chuột là thứ côn trùng, muỗi mòng, bướm đêm, bù mắc là thứ có hại cho lúa, cho người. Mà bầy Dơi chuột hay lắm nghe. Người ta kể rằng nó sống nền nếp, có đi ăn uống nhậu nhẹt ở đâu xong cũng về tổ, về nhà mới đi vệ sinh, thế nên mới có những hang Dơi lớp phân dày cả mét. Chắc là biết tập tính của nó vậy, người ta mới làm nhà để dụ nó về.

Trên đường dong chơi nước bạn Cambodia, ghé vườn nhà dân thăm những cây dơi, thật là thú vị được biết thêm một công việc, cũng là một nghề trong nghề nông vốn đã nhiều vất vả.

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

San hô lí thú.




Những sinh vật biển là kì ảo, muôn hình dạng, dáng vẻ và màu sắc. Những con san hô đứa như một đóa hoa, đứa giống như cái nấm, lại có đứa giống như những cánh bướm xếp chồng lên nhau, có đứa hình dáng và màu sắc hết sức lạ kì.
Buổi tối đi ngủ chúng rút mình vào trong căn nhà của chúng, nhìn chỉ như một một cục đá lặng lẽ nhưng sáng ra là lên vươn những cánh hoa nhỏ đong đưa trong nước. Đóa hoa san hô sẽ đẹp và lớn nhất vào dát trưa.


Chú san hô này thì một kiểu khác, buổi tối tự úp mặt lại, sớm ra bung dần, lúc tròn vo, khi như trái cà gió rồi đến trưa thì mở ra như một cái dĩa.


Một hồ kính chơi san hô và hải quỳ mắc nhất có lẽ là chiếc máy làm lạnh cho nước biển. Đám san hô, hải quỳ chúng sống ở tầng nước sâu nên nhiệt độ cần thiết chừng 25, 27 độ C. 
Tay mơ chơi san hô, chăm sóc nó thực ra không khó, tốn kém đầu tư ban đầu một tí, nhưng nó sẽ cho ta những khoảng thời gian thư giãn thật tuyệt vời. 

Hải quì và chú cá Hề luôn thân thiết với nhau

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

Ốc nóng, ốc nguội.

đường Sisowath, một con đường đẹp ven sông Mekong ở thủ đô nước bạn Cambodia, buổi chiều nắng tắt luôn có những chiếc xe đẩy bán hàng rong. Ở đó có rất nhiều những món ăn chơi dân dã cho mọi người.

- Cô hàng ốc mỉm cười mời chào thân thiện quá đi, cũng ghiền ốc như ai, con trai Hà Nội không thể kìm hãm lại cái sự sung sướng này được, vậy còn chần chừ gì nữa. 


- Làm mấy lon bia đưa cay, thêm mấy em Cà cuống cho thơm râu, hội "ốc ộp người cao tuổi" bàn tròn bên bờ sông thơ mộng.



- Ước gì có mấy cây gai bưởi và thêm chén nước chấm kiểu cách, phải là nước mắm tỏi, gừng, lá chanh do chính tay các cô gái Hà Nội pha chế, thì thôi rồi, lão Quềnh còn phê nói chi bọ.

Những xe ốc gạo hấp gừng xả ở xứ này sạch sẽ và hấp dẫn. Ai đó có dịp một chiều dạo chơi nơi đây, nhớ nhé, nhớ kiếm giờ thưởng thức món ốc nóng ở xứ này, một lần cho biết với người ta.

Có một món trong hàng ốc nữa, là món nguội này, ta kêu là món "Hến một nắng" cho nó "soang". Người Khme mang những chú Hến sống trộn chung những thứ gia vị chi không biết nhưng chắc chắn nhiều muối và ớt. Người ta trộn gia vị xong mang phơi nắng từ sáng tới quá trưa cho Hến chín bằng sức nắng mặt trời rồi lấy xuống, vậy là có thể mang ra nhậu được rồi với rượu đế.
Đám đàn ông nhâm nhi ốc nguội, người ta còn có xị rượu đế kèm theo, chắc ăn. Món ốc nguội này kể ra cho biết thôi, không khuyến khích các bạn nữ vì chưa chắc đã hạp miệng, nhất là khi đi chơi xa.
Phải công nhận cái món Hến một nắng này lạ miệng, ngọt thịt, lai rai được. 

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Chuyện người Taxi.

Những năm thật xa ở miền Bắc, khi những trung tâm công nghiệp mới xây dựng có rất nhiều nam nữ thanh niên ở nhiều vùng thôn quê Bắc bộ tìm đến khi có dịp tuyển công nhân. Mỗi năm độ Xuân về, họ được cùng nhau trở lại thăm quê. Thường về đến Hà Nội, mua sắm một ít quà Tết cho mẹ cha và các em thơ quê nhà rồi mới tính đường về xứ. Gặp gỡ nhau nơi bến tàu xe hay ở một nhà ai đó đồng hương, người ta hỏi thăm nhau:
- Phòng về hở?
- Không, nhà em làm trên Thái...
Là hỏi chị làm ở cảng Hải Phòng, là trả lời em từ khu gang thép Thái Nguyên về, hay từ Việt trì, từ mỏ than Uông Bí, Mạo Khê... Họ còn thường hỏi thăm nhau:
- Đi thoát ly lâu chưa?
- Cũng hai năm, ba năm... Rồi cười... 

Đức và hai cha con.
Nghe được mấy từ "đi thoát ly" trong câu chuyện của chàng trai ấy, tình cờ trên một chuyến xe. Cũng là một cuộc mưu sinh, thấy hay hay...
- Này chàng trai, câu chuyện thật hay giữa núi rừng thật đẹp, quê hương thứ hai của bạn, hãy chụp chung với cha con nhà tui một tấm hình kỉ niệm đi nào.


Chiếc xe đò biển số 17 sau ba ngày đêm trên đường xa và đèo dốc Bắc Nam, về đến bến xe miền Đông khi trời đã về chiều. Thân mình và áo quần vương nặng bụi đường và đặc quánh mồ hôi, Đức bước xuống xe. Sài Gòn choáng ngợp, người xe và ánh đèn cùng những tiếng nói lạ lẫm.

Đức sinh ra ở làng quê của mình và ở đó tới năm mười bảy tuổi. Đó là một làng quê yên ả, bao đời thuần nông ở miền duyên hải Thái Bình. Nơi xa nhất anh đi tới là ngôi trường cấp ba huyện Thái Thụy cách nhà hơn chục cây số. Anh biết đến Hà Nội, Sài Gòn hay các nơi khác trên đất nước này chỉ qua chiếc vô tuyến truyền hình nhỏ ở nhà mình thường coi mỗi tối mà chưa hề đi đâu xa. Nói chuyện ra tới Hà Nội hay vô chơi tận Sài Gòn, đi chơi đúng nghĩa, như là một giấc mơ xa, xa xôi lắm. Thậm chí thị xã Thái Bình quê anh, anh cũng chưa một lần tới.
Một bữa, Thái, thằng bạn học chung chơi chung từ tấm bé, đi lính quân khu bảy nghỉ phép về chơi nhà kể chuyện Sài Gòn, Đức mê lắm và anh nhớ nhất một câu ku Thái nói:
-Công ăn việc làm ở Sài Gòn dễ dàng lắm, còn Sài Gòn thì đẹp như tây.

Một bữa Đức nói với cha mẹ: Con muốn "thoát ly", con đi Sài Gòn.
Cha mẹ Đức ngạc nhiên lắm. Không biết bao nhiêu lần, các anh chị rủ nó ra chơi Hà Nội một lần cho biết, hay ra tỉnh chơi thôi, chỉ thấy nó lắc đầu, vậy mà bỗng dưng hôm nay lại đòi vào tận Sài Gòn. Một tuần lễ âm thầm chuẩn bị, Đức không nói năng nhiều. Khi mẹ hỏi tới lần thứ ba, Đức cầm tay mẹ cười:
- Con mẹ lớn rồi, mẹ cứ để con đi.
Mẹ vót vét hết trong nhà được bốn trăm ngàn đồng. Nhờ ku Thịnh nhà bà Thịnh chở ra bến xe thị xã. Anh mua vé hết trăm mấy, bằng tiền riêng của mình. Mẹ may thêm vào mặt trong áo anh một cái túi nhỏ, bỏ vào đó bốn trăm ngàn đồng, còn cẩn thận cài thêm chiếc kim tây để không thể rớt.

Xe đò Thái Bình - Sài Gòn về tới bến miền Đông, Đức ra khỏi bến xe thật sự choáng ngợp, anh không biết đi đâu. Tạt vào một hàng cơm tấm, xong bữa anh ngồi ngắm người xe qua lại trên đường.
-Chú ở ngoải vô?... kiếm việc làm phải không?
Đức chợt giật mình, anh ngồi đó đã lâu rồi mà không hay, hàng cơm chỉ còn hai ba người khách. Một ông lão cầm xấp vé số trên tay, dợm đứng dậy lại ngồi xuống.
Ông Ba, tên người bán vé số, nhìn tướng cậu trai thông minh nhanh nhẹn, thăm hỏi tâm sự mấy câu rồi rủ Đức về theo ông. Cái duyên con người ta, nhìn ông, Đức thấy cảm tình. Tối bữa ấy về chân cầu Calmette, ông Ba quăng cho Đức cái gối. Là nửa gối nửa mền, Đức thiếp đi, giấc ngủ êm đềm sau một chặng đường dài. Đêm đầu tiên Sài Gòn, anh nằm ngủ dưới dạ cầu Calmette.

Đức thức dậy sớm bởi tiếng xe lam, xe ba gác máy chói chang ở trên đầu. Sờ tay lên ngực, cái túi nhỏ có tiền của mẹ may vẫn còn đó.
Ông Ba đi đâu về, dúi cho Đức một chiếc bánh bao còn nóng. Bữa sáng đầu tiên ở Sài Gòn với chiếc bánh làm anh ấm bụng, tấm bánh Đức được ăn lần đầu, sao mà ngon lạ. Anh nhìn ông Ba thấy thân thiết quá.
Cầm một sấp vé số, Ông Ba đưa Đức nói đi bán kiếm tiền mà sống. Ở Sài Gòn ngày nào không mần, không ra tiền là đói, không có ai nuôi ai đâu con. Đi bán đi. Gặp ai đi đường cũng phải mời, bán cho ai cũng được, miễn hết được là tốt. Mỗi tấm có hai trăm, bán hết chỗ đó con sẽ được hai chục ngàn, nhắm bán không hết thì quá trưa dát hai giờ cách gì cũng phải về đây, để trả vé cho người ta. Mỗi tấm vé hai ngàn, dư chục tấm kể như bữa nay không đủ ổ bánh mì ăn tối đâu con. Về chậm thì ráng mà ôm vé số dư, ngồi đó cầu ông Trời thương, chiều xổ trúng độc đắc thì đổi đời, nghe con.
- Nhớ đường về nghe, lỡ hổng nhớ thì đường đi ở ngay miệng con đó. Già Ba dặn dò thêm.
Một tuần lễ trôi qua,  mọi việc xuôi xẻ, nghĩa là ngày nào Đức cũng bán hết vé sớm, ăn uống qua bữa rồi trở về dạ cầu. Đức coi ông Ba như là cha mình. Ông tốt với mình quá. Đức cảm nhận đây là người đàn ông tốt bụng thật sự, mình có gì đâu để ông lợi dụng, kể cả sức lao động. Chỉ là cảnh cơ nhỡ với nhau...
Mỗi ngày sấp vé số mỗi dày thêm và ngày nào cũng hết sạch trơn, Đức còn về sớm nữa. Số tiền mẹ cho anh chưa xài tới, lúc này đã được nhân đôi.

Một buổi chiều về, Đức gợi chuyện xa gần với già Ba, tính bỏ không đi bán vé số nữa.
- Con biết là ông Ba thương con lắm. - Anh nói. Công việc này sống cũng được nhưng ông Ba thông cảm cho con, thanh niên, có sức vóc, con thích làm việc ổn định, nặng nhọc cũng được và có cuộc sống bằng sức vóc của mình.
Thực sự là người đàn ông tốt bụng, suy nghĩ một hồi ông Ba nói gọn:
- Tùy con, Sài Gòn không thiếu chuyện mần, chỉ sợ bây làm biếng thôi chớ... "qua" biết có một chỗ này.
Ông chỉ cho Đức đường đi tới ngã tư Bảy Hiền.
- Đi đường hỏi thêm người ta, con đi tới đó, quẹo vô con đường nhỏ là đã nghe tiếng máy, nhìn ngoài không hay nhưng theo tiếng máy mà đi. Nơi nào càng lại gần càng nghe tiếng máy chạy sành sạch inh tai ấy, là nơi có rất nhiều xưởng dệt của những người xứ Quảng, họ đang cần người, có rất nhiều việc ở đó...

Vậy là Đức chia tay già Ba.
Lương trả nhiêu cũng được, làm bất cứ việc gì. Đức nghĩ và anh xin được việc làm tại một xưởng dệt may tư nhân ở khu dệt may Bảy Hiền.
Công việc đầu tiên là cắt chỉ thừa, thùa nút áo, xếp gọn gàng hàng may, hết giờ thì vệ sinh công nghiệp. Những khi thiếu thợ, ai đó việc nhà hay nghỉ bịnh anh thế vô chạy máy may, máy vắt sổ...
Đúng là anh không biết ngại ngùng một việc gì. Người ta kêu tới việc sửa máy, sửa điện, mô tơ... anh cũng làm hết và làm được việc. Đức sáng dạ, chịu làm và nghề dạy nghề nên ngày tháng qua đi cho anh thành thạo nhiều việc của xưởng dệt may.
Anh rất thích công việc bỏ mối quần áo cho xưởng. Những ngày nắng Sài Gòn, đạp xe đi giao những lô áo quần may sẵn cho các cửa hiệu bán lẻ là được nhỏng trên đường, ngắm nhìn đường phố, những chiếc xe gắn máy lao vun vút, những cô gái Sài Gòn đẹp xinh, đời thật đáng yêu.

Đức tự nhắc mình phải học chắc lấy một nghề và ao ước tự mình làm chủ, dù là chủ nhỏ, một việc gì đó làm trước người ta.
Ít năm sau Đức tạm nghỉ may mặc đi học nghề thợ điện. Với số vốn ít ỏi dành dụm bấy nay anh mua lại áo quần may sẵn của xưởng dệt, vừa đi học điện vừa tìm mối bỏ hàng ở những vùng xa hơn.

Một dịp tới thăm bà con ở thành phố biển Nha Trang, thấy nơi đây chưa có nhiều đại lý, Đức lại nghĩ đến cơ hội làm chủ và quyết định bỏ mối áo quần may sẵn về đây. Cũng ở thành phố biển này anh đã gặp được người thương. Một thời gian thấy công việc thuận lợi, anh về hẳn Nha Trang. Thuê mặt bằng mở một tiệm điện và một cửa tiệm áo quần may sẵn lấy về từ Sài Gòn.
Có được ít vốn liếng, rồi Đức có gia đình. Anh tìm một người bà con giao việc bán buôn ở tiệm áo quần, hàng tuần một lần coi sổ sách, còn anh sang lại tiệm điện, học lái xe rồi đi làm tài xế taxi. Đức nói, để được đi đó đây đã ăn vào trong máu, để được dong duổi trên đường xa, được ngắm nhìn núi rừng và biển trời thành phố quê hương của các con anh, đáng yêu và đẹp đẽ biết bao.

- Em có một miếng đất nhỏ vùng ven, sắp tới em sẽ cất lên một căn nhà nhỏ. Làm được bao nhiêu em cho con đi học. Hai đứa nhỏ nhà em sẽ phải học hành đến nơi đến chốn. Hàng năm về quê thăm cha mẹ, các cụ mừng vui lắm.
Mười sáu năm qua đi thật nhanh nhưng có lẽ cả cuộc đời em sẽ không bao giờ quên được tấm áo mẹ may thêm cái túi nhỏ đựng tiền. Năm nay mẹ đã già yếu. Chắc là sang năm này sẽ đón các cụ về ở chung. Ở quê nhà em đang sắp vào mùa giá lạnh.

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

6. Một ngày yên sóng.

Ba Hòa có một thói quen luôn luôn khi đi biển. Đó là ở mỗi chuyến hành trình khi công việc của ban máy đã gọn gàng, tàu đã ra khỏi luồng xa, máy cái tới hết máy ổn định, tàu để lái tự động thẳng tiến, không còn việc gì làm là Ba Hòa xuống khoang sau lái. Việc đầu tiên là lấy ra mớ dây câu săm soi từng khúc, sửa soạn lại rồi thả dây xuống biển câu cá chạy. Sau rồi trở ra ngồi với mớ dây kẽm lớn nhỏ, cắt uốn, cột, cặm cụi cho tới giờ cơm. Ngồi tới chừng nào cậu phục vụ viên ra tận nơi "mời chíp vô ăn cơm" anh mới chịu đứng dậy, xếp lại mớ dây kẽm với cái chuồng cu đan dở vô câu lạc bộ ăn cơm. Anh rất say mê với việc kết dây kẽm thành những chiếc lồng nhỏ xinh xắn dùng để nuôi chim Cu gáy.

Ba Hòa đang làm máy trưởng trên tàu. Anh đi biển từ thời đầu Vosco và thuộc hàng máy trưởng lâu năm, nhiều kinh nghiệm, cứng nghề của làng hàng hải. Công ty biển của địa phương lấy đâu ra sỹ quan nói chi máy trưởng, nên anh được thuê về từ Saigonship để đi cho tàu Ninh Kiều dài hạn. Anh ít nói nhưng nghiêm. Nói chuyện đời khi nào cũng hề hề hà hà nhưng trong công việc có đứa nào không hay không phải là anh trợn mắt, câu nói đầu tiên là chửi thề phát đã rồi mới vào chuyện. Đám thợ máy ngán anh, trước mặt kêu "chíp ơi chíp ơi" (chief eng.- máy trưởng) nhưng khi không có anh là tụi nó lén chọc anh kêu "lão Hòa lùn" hay "lão Hòa chuồng cu".

Bữa nay nhìn thấy có đống hàng ngổn ngang sau khoang lái, Ba Hòa vừa đá mấy thùng carton vừa lầm bầm vẻ khó chịu:
- Giờ này còn tùm lum tà la ở đây, của đứa nào đó bây?
Nhơn "voi" đang lẽo đẽo theo sau anh Ba, vội vàng:
- "Chíp" để đó em lo, của thằng Hùng "vê tê đê", hổm rày làm biếng mang vô phòng.
Nhơn làm thợ châm dầu dưới máy, có thói quen hay nhìn ngó sếp coi có việc gì cần sai bảo thì làm liền. Nhơn còn trẻ, tính tình lởi xởi ham vui, cái miệng khi nói chuyện với ai cũng cười cười, thấy việc của ai cũng xông vô phụ, to con lớn xác nên anh em trên tàu thân mật kêu tên Nhơn "voi". Chỉ một thoáng, Nhơn chất đống mấy thùng giày gọn gàng vô một góc, trả lại khoang lái rộng rãi, còn mang thêm cho anh Ba cái ghế có tựa lưng lát nữa ngồi cho thoải mái.
- Hàng hóa gì vậy bây? Lão Hòa hỏi.
- Dạ giày thể thao đó "chíp", toàn chân phải không.
Nhơn "voi" tám thêm. Ba Hòa chợt nhớ chuyện, bật cười hé hé:
- Tao có nghe tàu mình chuyến rồi có vụ này. Giày chân phải không, là của Hai Hùng hả? Mẹ bà, bán buôn nước ngoài mà chơi kì vậy, tội nghiệp cho thằng nhỏ, hé hé hé...

Hai thày trò Nhơn voi quay ra cặm cụi gỡ và cuộn lại mớ dây câu lùng bùng rồi ném xuống biển từng khúc dây câu. Cuộn dây câu thả xuống biển dài hàng trăm mét, mồi câu là một bông hoa giả bằng nhựa được gắn vào lưỡi câu, khi thả xuống biển kéo dây câu theo tàu, chiếc bông giả ấy vừa chạy vừa quay tròn gợn nước rất hấp dẫn với đám cá ham bắt mồi ngoài biển khơi. Lâu lâu câu được con cá bự, thường là cá Ngừ đại dương rất ham bắt mồi.
Ba Hòa sửa lại cho chắc chắn cái chuông gắn ở đầu sợi dây câu. Cái chuông ấy cũng là do anh tự chế, mỗi khi cá cắn câu, sợi dây đỡ căng ra, chuông sẽ tự động reng lên báo động là biết có cá, khỏi cần ai canh chừng.
Mỗi lần dính cá, hội những người thường nhậu sẽ có một chầu nhậu linh đình và phần lớn còn lại để làm thực phẩm tươi sống cho anh em trên tàu được mấy bữa. Chuyến trước Ba Hòa câu dính một con cá lớn lắm, nhưng khi kéo lên chỉ còn cái đầu con cá thật bự, phần thân cá bị cắn mất gọn ơ. Anh em tiếc ngẩn ngơ, chắc chắn một chú cá mập nào đó đã giành mất phần ăn của thủy thủ.

Để tiêu tốn thời gian rảnh rang ở trên tàu, ai cũng có cho mình một việc gì đó. Những việc riêng sau giờ ca kíp sẽ mang tới cho người ta một niềm vui nào đó, dù nhỏ, và cho vơi bớt đi nỗi nhớ của người đi biển.
Đám trẻ mang theo sách học, hoặc nghiền ngẫm sách truyện tiểu thuyết mang theo. Ai đó thường ngồi ở phòng riêng, mở album coi hình ảnh gia đình, tủm tỉm cười và chuyện trò một mình với hình con cái. Thuyền trưởng nào dễ dãi sẽ có một nhóm đánh bài, ăn tiền hay ăn thuốc lá nhưng dứt khoát là phải hiện vật hiện kim chớ không có ai ưa đánh bài chay. Ba Hòa lớn tuổi, thích câu cá và chơi chim Cu gáy. Những khi ở không trên tàu anh lại tỉ mẩn làm ra những lồng chim đẹp cho mình và cho bạn chơi Cu.
Chỉ là một cây kềm nhỏ với mấy cuộn dây thép tráng kẽm, thứ kẽm lớn để làm song còn cuộn dây kẽm nhỏ nhỏ dùng để cột chặt, đó là đồ chơi của Ba Hòa. Còn một thứ quan trọng nhất là cái "tỏ" gắn thường trực trên cánh mũi của lão. Một bữa không biết đứa nào nghịch ngợm muốn chọc phá lão, giấu đi cái tỏ "hai độ gưỡi" của lão Hòa, hai ba ngày ở không, buồn tình lão đi tới đi lui trên tàu, đụng chìa khóa, đá mỏ lết, gắt gỏng với thợ máy suốt cả ngày. Cho tới khi Nhơn voi kiếm ra cái tỏ nằm trên nóc ti vi trong câu lạc bộ đưa cho lão mới êm, lão lại ra sau lái ngồi cặm cụi.
Những chuồng cu xinh xinh cái lớn cái nhỏ, cái có móc treo uốn éo, cái có bộ chân cong lượn rườm rà và những khúc cây ngang chau chuốt, mỗi cái một vẻ. Một ngày nhẩn nha lão Hòa lùn có thể làm xong một hai cái chuồng cu, cứng cáp và đẹp đẽ.

Ba Hòa kể chuyện, ở đời này có bốn cái ngu, làm mai lãnh nợ gác cu cầm chầu. Anh vướng cái thứ ba này rồi. Biết ngu, vướng mà không dứt ra được. Ham từ hồi nhỏ xíu mà bỏ lâu rồi. Từ ngày về miền Tây đánh thuê, đi chơi với mấy người quê rồi mê luôn, he he... Cái trò chơi mất thời gian, nằm bờ nằm bụi bẫy được con Cu, hổng biết đực cái, gáy mấy tiếng, làm cu mồi hay mồi cu người ta. Mẹ bà, con muỗi miệt vườn bự như con ong muỗi, đi hàng đàn, chích người ta ngứa buốt tới xương, không dám đập, cũng không dám cục cựa sợ bay mất cu. Ấy vậy mà nhiều người ghiền. Kiếm được con Cu ham gáy mỗi ngày, có cực cũng thấy vui và thích thú lắm.
- Thích nhất là thứ cu gáy được năm tiếng, là vầy nè, cuc cu cu cu...cù. Mấy đứa vợ bây ở nhà đang nuôi con nhỏ, kiếm một con cu gáy thứ này để ở trong nhà khỏi có lo trẻ bịnh, trẻ nít ham ăn mau lớn, ham chơi sáng dạ.
Ba Hòa nói chuyện, mắt không rời cái lồng cu đang chế.
- Thế nhưng thứ chim cu ấy hiếm, lâu lâu mới kiếm được một con. Mấy đứa có cần phải nói trước, bữa nào gặp tao mang về cho.

Buổi chiều hôm ấy khi ánh nắng phía tây đã đâm ngang, bỗng có tiếng chuông reo làm ai cũng giật mình, rồi nhận ra là tiếng chuông cần câu cá ở sau lái của lão Hòa lùn, mọi người ồ lên mừng rỡ: "dính cá rồi".
Sống ở dưới tàu người ta rất thính với những tiếng động lạ, nhất là anh em ban máy. Buồng máy nằm dưới mớn nước, máy móc chạy ầm ì suốt ngày đêm, nói chuyện không nghe được rõ tiếng nói của nhau. Nhiều khi muốn trao đổi với nhau trong công việc hay sinh hoạt phải kèm vào thêm bằng những ra hiệu bằng tay. Vậy đó, nhưng bỗng nghe một tiếng động khác lạ là biết nó từ đâu, như tiếng chuông của tay chuông máy cái, tiếng báo động của một bộ phận máy móc nào đó trục trặc, tiếng pô máy cái bữa nay hơi khác hoặc chỉ là tiếng máy giảm tốc độ, là đang ngủ cũng giật mình trở dậy. Tiếng chuông câu của lão Hòa lùn ít lâu nay anh em nghe đã quen.

Nghe chừng cá lớn đây. Con cá dính câu bị kéo theo tàu đang cố vùng vẫy, văng lên tung tóe một vệt sóng nước trắng xóa ở tuốt phía xa. Tàu giảm máy rồi dừng hẳn lại. Một vài thủy thủ tập trung lại đấu sức với một chú cá Ngừ đại dương, con cá khá lớn và khỏe quá, dưới nước nên có trớn, nó ra sức vùng vẫy lao qua lại hết mạn trái rồi sang mạn phải, mấy anh em loay hoay lựa mãi mới kéo được chú cá lên tàu.
Con cá Ngừ phải cỡ ba chục kí ngoài, cai boong Hoàng Lãnh, một đầu bếp tay ngang nấu ăn rất siêng làm mồi chuẩn bị cho hội thường nhậu món cá Ngừ đại dương, phi lê ăn sống với mù tạt.
Chiều nay sẽ rất vui đây, gian bếp của tàu ấm cúng, rộn rã tiếng dao thớt  và chén dĩa, tàu đi đã được nửa hành trình. Và biển thật dễ thương trong một chiều yên ả.

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Bài bí lại dí... gà Phi.

Nghe cha con nhà LeQuang gáy quá xá gáy, gáy rằng gà nhà "mừn" đẹp, thấy ghét. Bỏ mấy bạn gà lên đây lâu lâu ngó phát, coi đài phát thanh Phú Nhuận bạn mình có chịu tắt "bíp" hông?
Coi mấy bạn gà, bạn nào cũng duyên dáng và hùng dũng chưa nè.


1- Bạn Điều này ở quê An Giang, mới lên Sì phố bữa hôm Tết còn nhỏ xíu, ham ăn nhậu, mau lớn ác, bữa nay cỡ hai kí "gưỡi", to xác nhưng coi còn ếch lắm.


2- Còn bạn Chuối này của người cháu mang cho, lâu lâu được ra vườn chơi, cậu ta biết là được chụp hình nên đứng làm dáng ác luôn.


3- Ưa nhìn nhất là bạn trống này ở tàu ông bạn Gtl, quá "đẹp giai" và công tử, nghe đâu nhập hộ khẩu về miền Tây rồi.


 4- Bạn gà mái Phi này đang dạo chơi trên mái nhà hàng xóm, Gtl cất công mang từ bển về, giống Lemon Texas ở Subic bay, Philippines. Thứ đồ gà mái mà dữ như quỷ, lại hay bỏ nhà ra đi bất tử, có bữa bay qua nhà hàng xóm, chơi bời hết ngày nhớ bữa lại bay về.

5- Bạn Phi Mindanao cũng của Gtl mang về, dữ dằn còn hơn bạn mái Le.Tas, chăm sóc mỗi ngày mà thích thì mổ tay, đá chân chủ giỡn chơi. Cái mỏ như mỏ diều hâu, cũng ham bay nhẩy như chim, lâu lâu qua hàng xóm chơi rồi bay về.
Một bữa đi chơi qua đêm, ở nhà khóa hết hổng chờ cửa, chỉ mở một lỗ nhỏ chừng mét vuông trên sân thượng bao lưới hết, bạn mái đen vẫn nhớ đường bay về đúng lỗ lưới, nhớ nhà hay nhớ bồ hổng biết.