Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

Loay hoay lại thèm đi đó đi đây.

Thông thạo đường đi lối về và luôn tìm thấy những điều kỳ thú trên những cung đường lạ, đó là một niềm vui của đội Đất Tiên Sa. Bạn lang thang trên bè cá biển, ngồi giữa trời nước và thưởng thức sản vật của nó, bạn thăm thú đá Ngũ hành và chuẩn bị coi hội thi pháo bông quốc tế? Hình dung có hai ba lão sói bạc ngồi "nhọi" trên cái sân thượng được đặt hàng trước ở thành phố biển miền Trung, ngước mắt coi bông nở trên trời và xuýt xoa bình phẩm, thấy hâm hâm và nhà quê thế nào ấy nhỉ. Nhưng không sao, mỗi lần được thoát khỏi Sài Gòn, xa khói bụi bon chen, quên đi vẻ đăm chiêu của các chị, các mợ nhà trong cơn bão giá, tranh thủ đi chơi được đâu đó là một liều thuốc thần cho mình rồi bạn ơi. Tự nhiên lại thèm đi đến lạ.

Nu của bạn, hình minh họa
Nghe giang hồ kể chuyện râm ran, rằng có một mặt bàn gỗ nu liền lạc, đường kính tới mét tám, vân nu đẹp ác hồn luôn. Cái bàn đó đang ở một vùng xa xôi bên đất nước Lào. Nhóm anh em rủ nhau lên đường, chỉ là để mục sở thị, để xuýt xoa một tí và để cho biết với người ta. Phải tới cái hẹn thứ hai mới lên đường được.
Là xe nhà tự lái, một tài bốn phụ, là năm thành viên trong đoàn ai cũng lụa, lại đằm thắm, có thể thay nhau lái khi mỏi mệt. Hành trình từ cửa khẩu Lao Bảo, qua đất Lào bằng đường 9 rồi quẹo lộ tẻ xuống miền Nam Lào, vòng sang  quốc lộ 13 chạy hướng Nam Bắc dọc đất nước. Phải nói đó là một lộ trình tuyệt vời mà chú Út nhà Hồ Bá đã thiết kế.

Ta sẽ được nhong nhong đường xa thanh vắng, dừng bước hưởng khí trời dịu mát tuyệt vời của cao nguyên Boloven, chưa chắc gì Đà Lạt dám so sánh về sự điều hòa khí hậu và thổ nhưỡng màu mỡ. Đi qua Salavan, đêm nằm "rì sọt chòi lá" nghe tiếng réo của thác nước hùng vĩ khu du lịch Talor để sớm mai chạy ra con đường trục dọc đất nước Lào ngược lên phương Bắc. Qua Savannakhet, tới thủ đô Vientian rồi lên Sayabouli, thêm ít nữa là tới cố đô Luang Prabang. Sau đó quay trở về thủ đô, qua cầu biên giới sang Udon dạo chơi một thoáng bên đất Thái.

Một cái rất riêng của bạn là đất nước bạt ngàn rừng núi, những cánh rừng đầy gỗ quý và muông thú. Những con đường thẳng, hai bên là rừng, đường không lớn nhưng tốt, thưa vắng người và xe lưu thông nên tốc độ trung bình đường trường đạt tới tám chín chục cây số giờ.

Từ nơi nghỉ, mỗi sáng ra khởi hành sớm cho mát mẻ, dừng chân dòng suối nhỏ bên đường, mang bếp lửa xuống nấu mỳ ăn sáng, ngắm trời cao trong xanh, bụi bặm một tí, nên thơ một tí.
Gặp trên đường đi một khu chợ bán mật ong rừng, những tổ ong Vò vẽ, sáp và những chú ong non gần cỡ ngón tay út là một món mồi bén ngót và đầy hấp dẫn cùng rượu đế Lào. Hai chú bé con ôm cặp Chồn bay lớn đã thui vàng ươm, gạ khách qua đường giá chỉ năm chục ngàn VN đồng. Những năm gần đây, nhiều tập đoàn Việt Nam tới đất này khai thác những cánh rừng gỗ quý và sản vật của rừng, thay vào là những dự án khoai mỳ, cà phê, cao su... nghe chừng thân thiết hữu nghị, hiệu quả hư thực chưa hay nhưng nghe như cái vẻ riêng của Lào, hương rừng gió núi bay đi ít nhiều.

Thỉnh thoảng qua những khu dân cư, nhà sàn rộng rãi, không tường rào thông thoáng, vài ba xe gắn máy mới bỏ dưới sàn, chảo ăng ten thu hình vệ tinh gắn ngoài cổng, không lo mất mát. Người dân thích coi ti vi Thái, thích xài hàng Thái và đồng Bath tiền Thái cũng xài được như đồng Kip Lào. Tiếng nói như là gần gụi dân tộc Thái và bản chất người dân ai cũng rất thân thiện, hiền lành.

Người Lào thật thà đã đành, làm ăn nhẹ nhàng, vừa đủ. Tới một thị xã chiều muộn, các cây xăng đã nghỉ, năn nỉ cách gì, người ta còn đó, bán buôn bấy nhiêu đủ, đóng cửa là không bán hàng. Ở một thành phố ven sông Mekong ngồi với món lẩu nướng thơm lừng hấp dẫn, du khách được khuyến cáo, tám giờ đóng cửa, khách có vô thêm cũng nghỉ không bán nữa.

Có không ít người Lào qua học hành bên đất Việt và cũng không ít bà con người Việt sang làm ăn trên đất bạn. Rồi những công trình xây dựng, nông trường, đường xá đi qua... nên gặp khá nhiều người biết tiếng Việt. Nhớ ở Sayabouli, tới dự một lễ cột chỉ tay, là một buổi liên hoan cho chủ nhân mai sớm lên đường qua Việt nam bồi dưỡng nghiệp vụ trước khi lên một cương vị mới. Gặp nhiều người có người giữ chức vụ từng là du học sinh ở Việt. Vô một cửa tiệm nào đó, ta cũng có thể gặp người chủ sang đây làm ăn hay những người làm công người Việt, lâu lâu mới về thăm quê quán ở những tỉnh vùng biên.

Không thể không thưởng thức những món ăn rất riêng của người Lào. Rất bắt với rượu đế Lào, thứ rượu trắng bày bán nhiều nơi, không biết đau đầu buổi sáng, là đồ ăn nướng các loại, ngon nhất là các loại cá sông nướng. Món "xông tằm" làm bằng đu đủ xanh trộn ít mắm, giã nhuyễn với không biết bao nhiêu là ớt. Xông tằm cay xé lưỡi, ăn vào một gắp muốn ăn thêm cho rịn mồ hôi, cùng với thịt trâu khô là những món nhâm nhi nhẹ nhàng, rất hạp với  Beerlao, một thứ bia ngon và thơm hình như duy nhất thấy ở xứ này. Có một món khó quên, như một thứ mắm có màu xanh sậm. Bữa đó chú Út nói anh ăn thử, hết chén cơm hỏi ngon không, ờ cũng ngon, là lạ. Sau bữa nghe chuyện hết hồn. Nó là món "nậm phịa" được chế biến từ những lăn tăn mới tiêu hóa ở khúc ruột non của con ngựa con bò. Mời khách ngọn Su su luộc chấm nậm phịa hay ăn với cơm trắng, xôi nếp nương phải là khách quý lắm. Ai quen mắm muối và can đảm hãy thử một lần cho biết với người ta.

Chợ đêm Luang Prabang
Chắc chắn ta sẽ đến thăm cố đô Luang Prabang, một thành phố cổ từng là thủ phủ của đất nước Triệu Voi, một di sản văn hóa thế giới cũng nằm bên bờ thượng lưu Mekong.
Ở đây có nhiều chùa chiền cổ xưa và riêng tư, những đường phố vắng sạch sẽ, thưa vắng dân cư nhưng nhiều du khách. Ở đây có những cảnh đẹp tự nhiên của sông suối thác nước đầu nguồn Mekong. Nắng tắt cùng nhau đi chơi chợ đêm Luang Prabang. Ở đây chỉ bán các sản vật lưu niệm rất Lào là hàng may thêu thổ cẩm, các kiểu túi xách, xà rông màu sắc và hàng gỗ thủ công, giá cả nhẹ nhàng. Hãy mua sắm một vài món để lưu niệm và làm quà cho người ở nhà rồi vào ăn tối ở khu chợ đêm.
Ai đó một lần đã tới với Lào sẽ để lại nhiều lưu luyến.

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Sự tích "Cá viên chiên".

Gởi cho mấy trò nhỏ, nghỉ giải lao một chút, 
đọc chơi vui rồi thi nốt mấy môn "cúng cuồi"
Đầu hẻm nhà ku Tuấn béo có một bà lão bán hàng rong.
Mỗi buổi sáng đi học, Tuấn béo đều nhìn thấy bà lão với gánh hàng đã ngồi ở đó, không biết từ khi nào. Những năm ấy, từ lớp Một Tuấn béo đã đi học một mình, mà đi bộ nữa chứ không được ba mẹ chở tới tận cổng trường như các bạn bây giờ. Trường học khá gần nhà và ngày ấy phố xá không đông người, xe cộ còn thưa thớt lắm.

Bà lão hay cười với Tuấn béo mỗi ngày Tuấn đi học, nụ cười của bà lão sao mà hiền từ. Bà còn có giọng nói nhẹ nhàng như mây, ấm và rõ, đầy trìu mến. Tuấn kêu bằng bà Hai và mỗi sớm mai đi học được nghe tiếng nói bà lão, hỏi "sáng đã ăn gì chưa con"  hoặc: "đi học giỏi nghe", Tuấn thấy vui vui, dạ thưa con chào bà rồi nhanh chân bước tới trường, mang theo nụ cười hiền từ của bà vào lớp học.

Hàng quà của bà Hai là bắp non, bánh tráng nướng và một vài thứ khác cho con trẻ.
- Con thích mấy đồ chiên béo béo ngậy ngậy hơn kìa.
Một hôm Tuấn nói với bà như vậy. Bà lão mỉm cười:
- Ngày mai con sẽ có. Bà sẽ làm cho con một món đồ chiên, có béo béo và có ngậy ngậy nữa phải không nào.
Sáng hôm sau, bà lão mang tới cho Tuấn một món ăn chơi là những viên bi nhỏ tròn, vàng ươm, được xiên trong một cây đũa tre nhỏ. 
- Ôi, ngon quá, thơm quá bà Hai ơi - Tuấn béo thật ngạc nhiên.
Bà lão cười với Tuấn, trìu mến:
- "Cá viên chiên" đó con, là tên gọi của nó con à
Từ đó, mỗi ngày Tuấn có một xâu "Cá viên chiên".

Nhưng rồi một hôm Tuấn xịu mặt nói với bà lão:
- Bà ơi, con không thể ăn của bà mãi như thế, và con không có tiền mua quà đâu. Nhà con ba má còn nghèo, con chỉ có một ít tiền phòng khi khát nước thôi.
- Không sao con à, từ ngày mai sẽ có bà tiên trả tiền cá viên cho con. Sáng sáng, con sẽ tìm thấy ở một nơi nào đó ngoài sân hay hiên nhà, có tiền cho con ăn chả cá viên chiên. Đó là của bà tiên để dành cho ku Tuấn đó. 

Ở hàng hiên nhà Tuấn có một cây cột gỗ, cũ kỹ vì nó đã đứng đó từ lâu lắm rồi, hổng biết từ thời ông cố hay ông sơ nữa. Cây cột hổng lên trên nền nhà một khúc đưa lọt mấy ngón tay con nít. Đây là nơi cất giấu những món đồ chơi quý giá của Tuấn béo, khi một con dế cơm, khi con cánh cam hay một món đồ nho nhỏ.

Sáng hôm sau đi học, nhớ lời bà lão, Tuấn béo ra ngoài hàng hiên nhà, khám phá bí mật câu chuyện của riêng tư hai người, nơi đầu tiên là khe hở chân cột. Wow!!! Có một tờ bạc năm đồng rất mới. Tuấn béo mừng lắm, ra khỏi nhà rồi chạy như bay ra gánh hàng rong của bà lão, vừa chạy vừa reo lên thật lớn: "Ai cá viên chiên nóng đơi"...

Nhiều tối học xong bài, tò mò Tuấn lòn tay vô khe cột, không có gì hết, nhưng sáng ra, dù mới ngủ dậy, mắt nhắm mắt mở lòn tay vô khe cột là đụng tờ bạc, như một tờ bạc tiên.
Từ bữa đó trở đi, ngày nào Tuấn cũng có một tờ bạc năm đồng ở dưới khe cột. Và sáng sáng trong căn hẻm nhỏ nghe vang tiếng rao "ai cá viên chiên nóng"... của anh ku Tuấn.
Cá viên chiên trở thành món hàng quà của bà lão, từ ấy đông dần lên, không chỉ đám con nít như Tuấn và các bạn, khách hàng còn có rất nhiều các anh các chị lớn nữa.

Mùa nghỉ hè năm ấy về quê với nội dài ngày. Trở lại thành phố là Tuấn nhớ tới bà lão bán hàng rong. Sáng sớm ra ngoài đầu hẻm, Tuấn ngẩn ngơ, bà lão không còn ngồi ở đó nữa.
Hỏi thăm hết mọi người, không ai biết bà lão hiền lành đã đi đâu. Thời gian trôi, mỗi khi nhớ, Tuấn béo nghĩ rằng bà lão của lòng mình chắc chắn là một bà tiên, vào Hè khi các bé đã nghỉ, bà cùng cây chổi thần bay mất về trời.

Rồi những ngày vào năm học mới vẫn không thấy bà lão.
Lên trung học Tuấn chuyển trường. Một bữa bỗng nghe mùi cá viên chiên thơm nức bay qua ô cửa sổ vào lớp học ở tầng hai. Nhìn xuống phía dưới trước cổng trường, một bà lão dưới vành nón lá với gánh hàng rong bé xíu xiu. "A, bà Hai, bà Hai kìa", bất chợt Tuấn béo reo lên làm cả lớp học và cô giáo ai cũng phải ngó nhìn. Và thật kì lạ, bà lão ngước nhìn lên nhìn Tuấn, một nụ cười hiền hậu làm sao.
Giờ ra chơi, Tuấn lao xuống sân trường cùng các bạn. Nhưng nào phải bà Hai. Cũng là một bà lão, cũng là một nụ cười hiền hậu và tiếng nóí cũng êm êm như bà Hai...

Tuấn béo bây giờ.
Lên lớp, cơ sở lên phổ thông lại chuyển trường, đi đâu Tuấn luôn thấy những bà lão bán "Cá viên chiên" trước cổng trường.  Bà lão nào cũng hiền dịu và hay cười. Tuấn béo và các bạn luôn thương quý và lễ phép, ríu rít quanh bà giờ ra chơi.

Cá viên là thịt cá Ba sa, quết cho thật nhuyễn, vo thành viên, chiên lên nghe thơm lừng vị béo, vị ngậy của mỡ cá sông nước Cửu Long, một món quà mà các bé con đều rất thích.
Tuấn béo nhớ mãi nụ cười hiền từ của bà lão ngày còn ấu thơ và tin một điều: bà Hai ấy là một bà Tiên, chính là bà Hai đã nghĩ ra món "Cá viên chiên", ngày ấy chỉ để giành riêng cho Tuấn. "Cá viên chiên" bây giờ ở cổng trường, ở công viên, nơi vui chơi hay bán trong siêu thị, đã là một món ăn chơi thú vị cho tất cả mọi người. 

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Lào ơi thương với miền Tây.



Dòng Mekong miệt mài năm tháng, chảy qua lãnh thổ của năm đất nước Đông nam Á, như dải lụa mềm mại gắn bó và thắt chặt đời sống của nhiều tộc dân đã bao đời sống bên hai bờ lưu vực dòng sông với nhiều nền văn hóa, lịch sử và truyền thuyết, thi ca cùng với biết bao nhiêu sản vật của dòng sông trong tự nhiên hay vào mùa vụ.

Cách nay ít lâu có một chuyến đi trên sông nước ấy. Chuyến viễn du hoàn toàn tự do, xe tự lái vui đâu chầu đó trên đường bộ, đường sông cùng với anh em Đất Tiên Sa, dọc theo đất nước Lào yên bình, hiền hòa và thanh vắng. Từ thủ đô Viên Chăn, nhóm ngược Mekong bằng xuồng máy đi lên vùng sông nước Sayabouli (Xayaboury), một tỉnh Tây Bắc Lào nằm giáp biên giới Thái. Tại đây ít lâu nay người Lào Thái đã khởi động cho một dự án thủy điện lớn Sarabury, nỗi lo lớn cho sự biến đổi tự nhiên của cả một vùng rộng lớn hạ lưu Mekong.

Mekong-tỉnh Sayabury.
Càng lên thượng nguồn thuộc địa phận tỉnh Sayabouli, đồi núi hai bên sông càng như ép vào dòng chảy Mekong làm cho con sông hẹp dần lại và lòng sông như cũng cạn dần. Nhiều chỗ dòng chảy xiết hơn, những ghềnh đá lớn nhỏ xuất hiện nhiều dần, nổi nhô lên trên sông hay ngầm sát mặt nước làm cho dòng chảy bỗng uốn lượn, cuộn xoáy và tung bọt trắng xóa trong nước đỏ đục ngầu phù sa. Dòng phù sa ấy trôi về xuôi, đắp bồi hai bên bờ Mekong bất cứ nơi nào nó đi qua, cho màu mỡ đất đai đôi bờ, cho cây trái xum xuê, cho bông lúa trĩu nặng, cho cá tôm muôn đời từ ngàn xưa tới nay...

Phải là những tài công thông thạo luồng lạch lắm mới dám chạy ghe thuyền. Chiếc xuồng gắn máy bên ta gọi tắc ráng hay là Bo bo được gắn bằng động cơ Hyundai của xe hơi vài chục mã lực, giống kiểu của nước bạn Thái lan chạy với tốc độ chừng ba chục lý giờ, gió bạt tóc, mát rượi như cưỡi xe Honda hóng gió. Bác tài công cương nghị, ít nói, tập trung nhìn dòng chảy lái chiếc ghe chở du khách rẽ nước băng băng ngược dòng Mekong, thú vị biết bao.

Nhưng còn có thể như vậy được không, khi mai mốt dòng chảy này sẽ bị ngăn lại để nơi đây sẽ nằm chìm trong biển nước mênh mông, dòng phù sa đỏ không còn tiếp tục chảy xuôi về Cao Miên và đồng bằng Nam bộ, vựa lúa lớn nuôi sống mấy chục triệu con người, hàng năm cung cấp lúa gạo cho khu vực và một phần thế giới.

Đồng bằng sông Cửu Long, hay miền Tây trù phú được hình thành bởi hai dòng sông chính Tiền Giang và Hậu Giang. Sông Tiền là dòng Mekong chạy thẳng xuống, còn sông Hậu là sông Bassac nối dòng  Tonle Sab đổ về từ Biển Hồ.
Hai dòng sông chỉ một lần hòa vào nhau ở thủ đô nước bạn Campuchia nhưng về đồng bằng Nam bộ lại được hòa trộn với nhau bởi những "vàm" và những "kinh rạch" chằng chịt. Phù sa theo dòng Mekong, tôm cá từ biển Hồ theo dòng Tonle Sab. Những luồng cá di cư để lớn lên và sinh sản theo mùa cùng với dòng phù du thức ăn tự nhiên mang cho miền Tây rất nhiều sản vật sông nước từ thượng nguồn tới tôm cá nước lợ nơi cửa biển, chỉ xứ sở này mới có.

Hàng năm người dân miền Tây đón mùa nước nổi. Nước về tràn ngập khắp nơi, nước rửa sạch ruộng đồng, làm mới đất bạc, hẹn mùa lúa trúng. Họ mừng vui chờ đón con cá linh bé nhỏ, cá mè vinh, sặt bổi, cá rô đồng... dưới mặt nước tràn ngập miên man. Không có mùa nước nổi là đói, là thất mùa, thất cả lúa cả cá. Ai đó không biết, nói miền Tây sống chung với lũ. Nhưng không phải, hàng năm miền Tây luôn trông ngóng nước về, người ta nói thân thương: "trông mùa nước nổi".
Sợ rằng một ngày nào đó, sinh thái vùng đồng bằng Cửu long bị phá vỡ, miền Tây sông nước sẽ ra sao.  Nghe ngóng tin người ta đắp đập ngăn sông làm thủy điện, làm thảo dân hai lúa cứ lo lắng hổm rày, suy nghĩ Lào là bạn, chắc là biết thương với dân miền Tây mình chớ. Cầu cho cái ủy ban Mekong nào đó cúp đi cái dự án không thuận ý trời lòng dân này. Bởi đã bắt đầu rồi, Cà Mâu sạt lở đất, bắt đầu rồi ruộng đồng nhiễm mặn và năm rồi mùa nước nổi chỉ trở về mon men.

Dòng Mekong có một phần chảy giữa hai đất nước láng giềng Lào -Thái. Người ta kể rằng xứ sở Triệu Voi ngày xưa rộng lớn lắm, bờ cõi còn trải dài qua bên kia bờ Tây Mekong. Vào một năm nào đó, từ một lời thách đố cá cược của các vị vua chúa trong việc xây cất những ngôi chùa, vùng đất bên bờ Tây Mekong của người Lào làm vốn cá cược được gán đi đã vĩnh viễn thuộc về người Thái. Từ đó, dòng Mekong là của biên giới giữa hai đất nước.
Ngày nay ở Sayabury, gần nơi có khúc sông biên giới, người Lào cùng người Thái bắt tay nhau làm thủy điện. Sẽ tai hại nhường nào khi người ta vì mục tiêu kinh tế quyết uốn nắn thiên nhiên.

Đôi bờ Mekong dọc suốt dòng sông, nắm đất nơi nào cũng trĩu nặng phù sa, khoảng nước nơi nào cũng đầy tôm cá, là của thiên nhiên trời đất cho tặng con người.

Dòng Mekong- Sông Tiền.

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

5. Hành trình những chiếc giày chân phải.

Yến cứ nghĩ lung mung, ở đời chuyện gì cũng vậy, ranh giới giữa thành công và thất bại chỉ cách một sơ sảy nhỏ. Giá mà khi giao nhận hàng, anh Hai siêng một chút, kĩ lưỡng một chút. Giá mà mở ra coi cho đàng hoàng, thấy lộn ta đổi hàng lại liền, thì đâu đến nỗi. Giá mà... thì giờ này hàng họ đã xong, có tiền trả nợ còn dư chút đỉnh làm vốn liếng bán buôn, khỏi lo vay mượn ai. Nghe vợ con thủy thủ tỉnh nhà hổm rày trò chuyện to nhỏ, mới đi chuyến đầu họ có chút vốn giắt lưng, còn nhà mình...

Một bữa đi làm về thấy rất đông các chị em ngoài chợ thị xã, những người chung vốn cho vợ chồng cô bán buôn vừa qua, họ ngồi chờ cô từ hồi nào, Yến chột dạ:
- Mấy chị thương, thư thư cho nhà em ít bữa nữa. Hàng hóa sai mẫu, người ta trả lại, không bán được miếng nào, tội nghiệp, tiền đâu em trả cho mấy chị được đây.
- Vậy chớ... chuyến này Hai Hùng còn đi tàu không vậy cô Hai?- Có ai đó hỏi thăm.
- Anh Hai nhà em còn đi mà, mấy chị an tâm, nghe đâu chuyến này tàu Ninh Kiều lại chạy Sing đó mấy chị.
Mọi người ồ lên vui vẻ, người góp một câu.
- Vậy là mừng rồi. Vợ chồng nhà em tốt phước đó, được đi tàu biển như chú Hai đây ai hổng nằm mơ. Ráng lo buôn bán giàu sang mấy hồi.
- Mấy cậu tàu biển lúc này ngon ác, coi cách ăn mặc đi đứng như người thành phố, có khi sang trọng lịch sự như mấy anh bển về. 
- Mà biết hôn, tụi nó bán hàng cho mấy chị nhiều lắm đó. Hay là chuyến này cho mấy chị đặt hàng được không cô Hai?
Thì ra không phải là chuyện hỏi nợ. Mấy chị nhắc cho ráng làm, và muốn đặt hàng trực tiếp từ anh Hai. Yến thở phào bớt nỗi lo. Cô có thêm được những bạn hàng vững chãi về vốn liếng và thêm những món hàng hiếm hoi vào danh sách cho chồng.
Không muốn chồng lo lắng. Yến nói Hai Hùng chuyện làm ăn còn dài, vừa rồi xui xẻo thôi bỏ, đừng suy nghĩ nhiều cực thân, vợ chồng mình làm lại. Cô bàn với chồng chuyến này mang lô hàng giày sang bển trả cho người ta rồi tính tiếp. Đưa chồng một tờ giấy, Yến nói: "Em đã coi kĩ, hàng hóa ghi rõ cho anh trong đó, coi rồi lựa mà mua về."

Buổi sáng trước khi tàu chạy, cầu cảng đã rất đông vợ con thủy thủ ra đưa tiễn. Đội an ninh và quan thuế đã xuống tàu làm thủ tục cho tàu xuất bến. Một chiếc xe lôi chở những thùng giày chân phải từ cổng cảng chạy vào, Yến lẽo đẽo chạy xe phía sau.
Ca gác tàu cuối cùng vẫn còn hai người quan thuế. Thấy vợ chồng Hai Hùng loay hoay với mấy thùng carton hàng hóa, họ lại gần.
- Không mang hàng xuống tàu được đâu anh chị ơi.- người trẻ tuổi vẻ kiên quyết.
Yến cùng mấy chị em xúm vào:
- Mấy anh thông cảm, hàng giao lộn, bây giờ mang đi trả cho người ta.
- Muốn mang đi chị chạy lên hải quan tỉnh làm thủ tục xuất hàng.- Họ dứt khoát.
Chỉ còn ít phút nữa tàu khởi hành, không cách gì cho kịp. Yến xuống nước, hết sức năn nỉ:
- Mấy anh thương giùm, việc của em người ta biết hết trơn mà, anh coi vẫn còn niêm phong cũ hải quan nè...
- Nói không được là không được mà.
Cô quay sang Hai Hùng và anh em tàu đang đứng gần đó, giọng như muốn khóc rồi:
- Làm sao bây giờ mấy anh ơi...
Thuyền phó nhất Huỳnh Minh đứng gần đó lắc đầu:
- Mấy đứa bay dốt, sao hồi nãy không nói, khai vô sổ hàng hóa mang theo là xong. Bây giờ thủ tục xong hết rồi còn làm gì được nữa.
Một hồi, anh kéo Hai Hùng nói nhỏ: "Bây làm bộ cho xe chở hàng về, tà tà chạy đậu ngay sau lái. Kêu thêm mấy đứa căng tin cảng phụ một tay, chừng nào thả dây mũi thì quăng lên sau lái, làm cho thiệt lẹ nghe".
Cùng lúc đội thủ tục đã xong việc lục tục kéo nhau lên bờ. Đi ngang đám hàng hóa đang lùng bùng. Ai cũng nghe Huỳnh Minh lớn tiếng:
- Bỏ hết lại, kêu xe chở về đi. Còn tất cả lên tàu chuẩn bị ma nơ. Mấy cậu thợ máy không đi ca xuống hết sau lái coi. Chờ đoàn người đi qua anh xuống giọng: "Ra sau lái phụ cho thằng Hùng, mau coi!"
Ninh Kiều gióng một hồi còi. Lúc này công nhân trên cảng và thủy thủ đang lắng nghe và làm theo hiệu lệnh chỉ huy qua bộ đàm của hoa tiêu và thuyền phó nhất từ buồng lái oang oang khắp khu vực cảng.
Chiếc xe lôi chở theo hơn chục thùng giày chân phải từ từ lăn bánh và dừng lại sau đuôi con tàu. Bác tài xe lôi chân gác ghi đông xe, ngoái cổ tò mò coi con tàu rời bến.
Ma nơ nước ròng, tàu Ninh Kiều đang hướng lên thượng nguồn. Khi hai dây mũi được mở ra từ cọc bích trên cầu cảng, con tàu hướng ra ngoài sông, tàu từ từ quay đầu về xuôi, phía sau lái gần như đứng yên tại chỗ, quay tròn.
Trên tàu anh em thủy thủ vẫy tay chào, dưới cảng vợ con họ vẫy chào, công nhân cảng, quan thuế, mọi người trên bờ ai cũng tươi cười vẫy tay chào tạm biệt.
- Đi nhé, chào nhé...
May phước khi ấy nước ròng nên mạn tàu gần ngang mặt cầu cảng. Những thùng giày chân phải được ào ạt quăng lên tàu, chỉ một nhoáng tất cả đã nằm gọn trong khoang lái. Hai người quan thuế đang đứng trên bờ nhìn cảnh ấy đứng cười hơ hơ, tàu xuất bến rồi, hết trách nhiệm, và như là họ cũng hay câu chuyện những chiếc giày của hai Hùng.
Tàu Ninh Kiều gióng hồi còi thứ hai thật dài chào đất liền. Đạp chân trên những thùng carton, Hai hùng vẫy tay cười tươi, trên bờ Yến cũng cười, vẫy tay chào tạm biệt:
-Mạnh giỏi nhé, đi nhé, đi nhé... chào Ninh kiều vào chuyến biển mới.

Bến cảng đã khuất sau hàng cây lá bên bờ, tàu chạy êm trên sông. Hai Hùng xắp xếp lại hàng hóa, trò chuyện cùng anh em:
- Bà thị xã nhà tui coi nhỏ xíu con mà bữa nay bả mạnh thiệt. Tui không ngờ đó.
- Coi bả ròm như con cá mắm mà quăng thùng đồ cứ veo veo, tui đỡ còn không lại bả.-Ai đó đế thêm. Đại phó Huỳnh Minh thì cười lớn:
- Công nhận bà xã hai Hùng giỏi thiệt chớ. Kì này kêu bả bỏ sở làm, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyển qua đánh hàng tàu đê, có lý à.
Những câu chuyện của anh em trên tàu, công việc hay chuyện làm ăn, đôi lúc thuận lợi hay trục trặc, ai cũng biết và cảm thông. Làm việc cùng với nhau, sóng gió gian truân cùng nhau, trên biển sống chết có nhau nên thương quý nhau, có việc là xúm vào cùng lo, điều thường tình ở trên tàu. Chuyện của Hai Hùng những ngày qua ai cũng hay, râm ran một câu chuyện cười. Chuyện làm ăn, thành quả nhìn thấy trên tay rồi còn rớt, nghe  nghèn nghẹn lại vừa hài.

Ra khỏi cửa biển, tàu Ninh Kiều lấy điểm trực chỉ Singapore. Hai Hùng mới nhận xong thời tiết trên radio báo cáo cho thuyền trưởng, anh ra boong tàu hóng mát. Giữa hai đợt gió Tây Nam, biển lặng như trong hồ, sóng nhẹ nhàng vỗ về bên mạn. Tàu động nước, từng đàn cá Chuồn nhao lên từ mặt biển, bay là là trong không trung, long lanh trong nắng chói rồi lại vô tư ngụp xuống lòng biển khơi. Gió nhẹ miên man trong tóc.
Chuyện bán buôn tàu bè, được đó rồi mất đó, có khi trắng tay, làm lại mấy hồi, suy nghĩ chi cho cực. Có ai đó đã nói với anh câu này. Hai Hùng lại thấy yêu đời, anh nghĩ tới chuyến biển mới, lại mơ về những món quà thật đẹp cho cu Bim và thế nào anh cũng sắm được cho Yến một chiếc xe cho xứng đáng.
Sóng nước êm êm, những chiếc giày chân phải của hai Hùng lại theo anh một hành trình mới, hành trình trở về miền đất xa xôi, nơi mang tên đảo quốc sư tử.

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

Giải lao tí.


Một bữa thấy ma nơ canh phải ra đứng ngoài đường.
Hồi nào giờ bạn ấy đứng làm người mẫu thời trang. Kính trong phòng lạnh, trắng trơn sung sướng hổng muốn, ra đường chi cho nắng nôi nực nội.

Chắc là nghe tây đồn tăng giá, ra ngoài đường đứng nắng chơi, làm ma nơ canh lục lộ mần dziệc chúc chúc, không thôi đói sao. He he...làm rối hết cả đường phố.

Sáng xẹt qua hàng phở quen, chị hàng "phơ" khi tính tiền ái ngại, "giá cả mọi thứ lên quá bác ơi"... Ây dà, có gì đâu, biết rồi, tưởng là tăng giá từ tháng rồi chớ cầm cự giữ khách được tới bữa nay, giỏi. Thời buổi, chị không tăng giá mới là lạ.

Xăng dầu điện nước phi thiên lý mã. Hóa đơn điện nước tháng rồi tăng gấp rưỡi, điện nước xài tiền chục không si nghĩ nhiều, tiền trăm hơi lo lo, nhưng tiền triệu mà tháng trước tháng sau tăng gấp rưỡi là lung lay nền kinh tế gia đình. Vậy mà bữa nay "mấy ảnh" còn bỏ nhỏ, có thể ba tháng tăng giá điện một lần.
Các bà thị xã mỗi ngày đi chợ về méo xẹo, mang theo bây nhiêu tiền đi chợ mua được có chút chíu, mâm cơm coi hổng giống cái gì, không biết dân tình người ta sinh hoạt ăn uống sao đây. Ngồi than thở với nhau coi đời có bớt khổ miếng nào không. Bán than riết cũng dzậy, ghét hổng thèm nói miếng nào nữa, độc lập tự lo hạnh phúc cho rồi.

Gạo châu củi quế. Là người chủ gia đình nên phải gương mẫu, ngậm ngùi cắt giảm khoản chi phí bù khú RB bấy lâu nay mặc dù buồn lòng lắm. Tính tình ham vui hổng biết có làm được không đây. Nghĩ bụng, ừa, ráng học theo người ta, theo kiểu như cắt giảm chi phí công vậy.

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

3. Sóng.

Bạn vẫn theo dõi blog thường xuyên, và thích thú những bài viết của những ngày đi biển. Bạn dứt khoát thích cái tên con tàu là Ninh Kiều chứ không phải cái tên Nhị Kiều, vậy thì nó phải là Ninh Kiều chứ sao.  Lọ mọ viết chơi một tí cho nó vui đời, bạn nhé. Chúng ta là người trong cuộc, bấy nhiêu năm đi biển chung với nhau, những câu chuyện xưa đầy kỉ niệm vẫn ở mãi trong lòng, làm cho ta thích thú và trân trọng. Bạn sẽ nhớ biển, những tháng ngày tự do, kiêu hãnh và tình bè bạn. Biển đã cho ta thật nhiều phải không.
Cơn mưa trái mùa thật lớn, mặc dù bữa nay mới ngày đầu Tháng Ba ta. Là mưa rào, có sấm chớp, nước mưa tràn ngập các con đường ven nội thị, và tháng này mùa Tây Nam mon men. Gặp cơn mưa lớn như thế trước khi tàu vào luồng thật là quý giá, mưa sẽ làm sạch sẽ muối biển nhớp nháp trên tay vịn, cầu thang, hầm hàng, trên mặt boong của con tàu để kết thúc một hành trình biển.
Tàu và sóng biển (Ảnh Lộc HB)
Sóng, sóng ngay từ khi tàu Ninh Kiều mới ló ra cửa biển. Đầu tiên còn nhỏ, sau tăng dần lên và bữa nay tới cấp 5 cấp 6. Xa xa thấy bạc đầu còn sóng dưới thân tàu lừng từng cơn. Tàu chạy về phương Nam, nhằm mùa gió Tây Nam nên ngược sóng ngược gió, chạy chậm rì. Hai ngày nay, con tàu nhỏ và thuyền bộ đều mệt mỏi.

Tiếng máy tàu ầm ì, đều đều. Rất ồn ào nhưng lại rất tĩnh lặng.
Ào ào là tiếng máy cái, máy đèn và các máy móc hoạt động dưới hầm máy cùng tiếng rít của turbo lâu lâu lại òa lên, ào ạt theo gió xông vô bất cứ một phòng nào, vì một lí do nào đó cánh cửa phòng bật mở. Ồn ào hơn nữa là tiếng máy chợt gầm lên khi chân vịt chạy không một phần do hổng lên trên mặt nước. Tĩnh lặng là bởi không nghe thấy tiếng người. Bởi thiếu hẳn tiếng cười đùa, tiếng chén đũa khua trong giờ cơm, thiếu cả những tiếng nói sinh hoạt, tiếng í ới gọi ca thường ngày. Tĩnh lặng là nghe rõ mồn một tiếng lóc cóc leng keng của một vài vỏ lon Coca hay lon bia ai đó bỏ quên, lăn trên sàn qua mạn tàu bên phải rồi lăn lại qua trái theo nhịp sóng.

Trời tối đã lâu. Không biết là mấy giờ rồi nhưng Năm Bình đã nằm đó từ chiều, khi những tia nắng cuối ngày xà ngang cửa táp lô. Nằm mãi trên giường không ngủ được, mệt mỏi nhưng đầu óc tỉnh như sáo nên càng thấy nôn nao khó chịu vì cả ruột gan lẫn giường chiếu cứ lắc qua lắc lại, lên xuống theo con tàu gối sóng biển. Hồi chiều thấy Năm Bình bỏ cơm đi nằm, Tư "dưa"- thuyền phó Ba trên tàu ghé qua phòng đã chèn thêm hai cái gối hai bên hông, cũng không ăn thua, thì ra say sóng thật là khó chịu.

Cánh cửa buồng ngủ bỗng bật mở, ai đó mới hết ca. Gió ào vào mang theo tiếng rít từ hầm máy, mang mùi dầu máy quyện theo cả mùi mỳ ăn liền từ bếp xộc vào phòng làm bụng anh cuộn lên, muốn ói. Năm Bình thử ngồi dậy, có đỡ hơn một chút. Thôi thì thử bò ra ngoài hít thở khí trời coi có bớt khó chịu chút nào không, anh nghĩ vậy.
Bám chặt tay vịn cho khỏi té, anh lò dò từng bước cầu thang lên boong tàu. Gió biển nghe cả được hơi muối trong gió, nhớp nháp, mát rượi, thấy người như khỏe hơn. Xa xa kia lập lòa ánh lửa đỏ của những giàn khoan ngoài khơi vùng biển Malayxia.

Có ánh đèn sáng và tiếng "tít tít te te" từ phòng vô tuyến điện của Hai Hùng. Ừa, trên tàu có mấy anh em tỉnh nhà, quen biết nhau hồi nào giờ, chuyện trò cũng dễ cảm thông hơn, chớ mấy tay Sài Gòn tụi nó thấy mình say sóng vậy nó cười chết.
- Còn thức sao Hùng? Năm Bình mở cửa phòng "vê tê đê",
- Chào sếp, anh còn bò dậy được sao? Em mới nhận xong thời tiết.
 - Mẹ bà, sóng gió gì đâu dữ quá. Mà chuyến nào cũng sóng gió vậy sao mậy?
Hai Hùng mới đi biển có hai chuyến, nhưng chịu sóng được. Anh Năm coi tướng bự con đấy chớ. Thì ra cái sức chịu đựng sóng gió nó không đo lường bằng tướng tá con người ta. Ông trời ổng cho ai cái tiền đình hạp với sóng biển thì người ấy hổng say, đâu phải bự khỏe mà được đâu.
- Coi cái mặt anh Năm kìa, tái mét, ngồi đây chơi đi tui lấy cái gì cho uống. Bò dậy đi chơi lòng vòng được vậy là ngon lành rồi, nằm hoài mệt lắm. Mà còn hơn chán mấy cu bếp rồi thợ máy mới, giờ này giao ca lên nằm bẹp hết trơn rồi, cơm cháo bỏ hết ráo.
- Tao cũng vậy thôi, say sóng quá, có ăn uống được mẹ gì đâu. Mày coi bộ khỏe sóng, tỉnh queo, cười không vậy bay?

Chuyến này tàu Ninh Kiều chừa một xuất đi tàu cho người của công ty. Mỗi một xuất đi như vậy là bớt đi một người làm việc, anh em trên tàu phải gánh thêm phần ca kíp. Tiếng là đi khai thác, tìm kiếm nguồn hàng, khảo sát công việc chung này nọ nhưng thực ra người ta gọi là xuất đi cải thiện, thay nhau đi ra nước ngoài. Đầu tiên là Ban giám đốc rồi lần lượt các trưởng phó phòng ban. Năm Bình là phó giám đốc kĩ thuật, kỳ này đi chuyến đầu tiên.

Thợ máy tàu.
Năm Bình trở lại phòng, tính ngủ nghê một chút lấy sức. Anh đi thay chức danh một thợ máy bảo quản nên nằm chung phòng với anh em ban máy.
Dũng "xoăn" máy Ba mới hết ca 8-12 lên phòng nghỉ, đang ngồi tu chai bia 33 ướp lạnh. Dũng người Hải Phòng, giọng nói khàn khàn, tính cách ngang ngang, bỗ bã nhưng thân thiện, dễ gần. Dũng toe toét:
- Giỏi, anh Năm đi chuyến đầu vậy là cứng sóng đó. Thằng cu gì chấm dầu mới điều xuống đi ca với tôi xẹp lép như con tép rồi kìa, khe khe...
Người Dũng toát mùi dầu nhớt, mặt mũi đẫm mồ hôi và những giọt sương nhớt vương đầy mái tóc. Một tay cầm chai bia lạnh tu oóc oóc, tay kia đang kéo đuôi một con chuột cơm giỡn đùa.
- Ôi trời, chơi gì dơ quá đi mậy.
Dũng "xoăn" cười khe khe:
- Anh Năm thấy chuột say sóng khi nào chưa. Coi này.
Đang nắm đuôi con chuột Dũng buông tay. Con chuột con nghiêng đầu, ngước mắt lờ đờ nhìn Dũng rồi nghiêng ngả bước đi. Chỉ được mấy bước chân, nó đổ dúi dụi theo chiều nghiêng của sàn tàu rồi lộn mèo mấy vòng. Loay hoay mãi không đứng dậy nổi. Dũng cười kha kha, kéo đuôi con chuột lại gần, lại thả, lại dúi dụi, lại kha kha cười. Con chuột cơm giương đôi mắt ngơ ngác và khốn khổ, lúc này nó biết sợ, là sợ sóng chứ không phải sợ người. Năm Bình bật cười.
Nhớ sáng sớm nay lên boong chơi đã bật cười cảnh con heo say sóng. Anh Năm gặp Hoàng Lãnh, thủy thủ trưởng của tàu đang cho heo ăn. Đó là con heo anh em mang theo lên tàu, để dành tới gần xứ người ta mới mần thịt để ăn tươi một bữa cuối hành trình. Tội nghiệp con heo say sóng, ăn uống gì nổi, nằm quay lơ ngước mắt không lên, miệng xùi bọt trắng cùng những tiếng rên nhẹ, đều đều khổ não, đá mạnh vào người nó rên càng lớn hơn, như muốn nói, có mần thịt thì mần liền đi, mệt lắm, chịu hết nổi rồi.

Chơi một hồi chán, Dũng xoăn bỏ mặc con chuột lăn lông lốc:
- Cho mày thích đi đâu thì đi, say sóng ai cũng như ai. Vói tay lấy khăn áo đi tắm, Dũng hỏi anh Năm ăn mỳ gói không tôi nấu luôn.
Buổi trưa nay hết cơm, anh bếp, mọi người thường kêu là Hải "bớp" không nấu thêm mà quăng mấy nắm gạo vô nồi cùng mớ hột vịt muối, đổ nước nấu đại nồi cháo rồi bỏ đi nằm. Năm Bình rất ghét cháo. Anh lấy mỳ gói tính nấu một tô ăn cho qua bữa mà không cách gì nấu nướng được. Mới đổ nước vô xoong, quay qua lấy gói mỳ, tàu lắc cho một phát, xoong bay nước cũng bay hết ráo. Đứng bếp một hồi muốn xây xẩm mặt mũi, chán, anh đành làm đỡ chén cháo, tới giớ bỗng thấy bụng đói xót xa luôn.
Coi Dũng nấu nướng, thấy nó cột hai quai xoong vô bếp, xếp đủ mỳ gói, trứng gà, hành ngò trước mặt, rồi mới lấy nước vô xoong, chàng hạng đứng tại chỗ nấu nhoằng cái xong. Năm Bình gật đầu, ừa, cũng phải có cách vậy chớ.

Đi thực tế với anh em thuyền viên, coi tụi nó làm, ca kíp đâu đó, sinh hoạt trên tàu thì khó khăn vất vả lắm. Hai ba bữa nay sóng gió là vậy, nhiều đứa bỏ cơm mà tới giờ làm việc vẫn đâu đó. Anh không phải đi ca, ăn ở không trên tàu, buồn thì nằm đọc sách, đọc chán đi lên xuống ngắm biển trời. Ấy vậy mà gặp sóng là chán hẳn, cái chán cái say của sóng biển thật khó tả. Nằm đó mà anh ước ao, muốn vứt mẹ hết công việc, chỉ thèm được ngồi ngay trên chiếc ghế xa lông trong phòng khách nhà mình. Đánh đổi lấy niềm hạnh phúc đó, cái gì anh cũng đổi.
Đêm đã khuya, sóng gió dường như bớt đi, con tàu êm êm trở lại. Làm sếp của công ty, một lần sóng gió cùng nhau, Năm Bình bỗng thấy thương quá những người anh em đi biển.

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Chị Chiemi.


Sáng sớm mai là ngày khai trường, vậy mà tối nay chị Chiemi vẫn còn ở đây, ngồi đàn cho Nhí những bản nhạc du dương, chị chơi piano thật là tuyệt vời. Tập luyện với Nhí đôi ba câu tiếng Nhật, chụp tấm hình lưu niệm và một ít giờ giỡn đùa tươi vui, mấy chị em cười tít hết cả mắt. 

Chị Chi ghé qua nhà chơi, thăm gia đình bé Nhí trước khi ra sân bay trở về nước Nhật. Chiemi mang theo luôn cả va ly hành lý, cặp sách để lát nữa tới giờ sẽ ra thẳng phi trường Tân Sơn Nhất, vừa được ở đây chơi lâu lâu, vừa kịp đi chuyến bay khởi hành lúc12 giờ khuya. Mai sớm sang tới bên kia chừng 5 giờ sáng Việt nam, còn ở Nhật khi ấy đã là 7giờ sáng, là vừa kịp giờ để sớm mai dự ngày khai giảng năm học mới. Hành lý của chị sẽ do hãng hàng không chở về nhà, còn chị Chi mang cặp học từ sân bay đi thẳng tới trường. 
Ôi! quá phục chị Chi. Mẹ chị đã đi trước một ngày vì công việc, bữa nay chị tự đi về Nhật một mình, và chị Chiemi hơn Nhí có ba lớp, chị mới học lớp 10 thôi đó.

Ở nước Nhật, cứ vào đầu tháng Tư hàng năm là bước vào mùa khai giảng năm học mới cho tất cả các cấp học, từ tiểu học cho tới các anh chị lớn đại học. Mới được về quê nội hơn tuần lễ, nghỉ ngơi thăm quê hương và cùng gia đình làm một số công việc từ thiện, chị Chi đã phải trở về Nhật cho kịp nhập học.
Mùa khai trường năm nay khi hoa Anh đào nở thật đẹp nhưng sau sự kiện động đất và sóng thần Tháng Ba ngày 11, ở khắp nơi còn vương một nỗi đau thương chung của cả nước Nhật.

Chị Chi mang hai dòng máu Việt Nhật, chị là con gái của cậu Bảy và cô Michiko. Ba chị là cậu Bảy của Nhí, ngoài việc học hành thường dạy hai chị em chị Chi về những việc làm nhân nghĩa. Mẹ chị, cô Michiko nhiều năm trước làm việc ở một tổ chức quốc tế nói tiếng Pháp tại Việt Nam khá lâu. Lúc nhỏ cả nhà ở quê nội, ngay tại Sài Gòn, sau lớn đến tuổi đi học cả nhà mới về quê ngoại ở gần Nagoya thuộc miền trung nước Nhật.
Chị Chi có cậu em trai dễ thương, rất hay cười tên là Keizo cùng về chơi thăm quê nội kì này rồi ở lại Việt Nam. Em Keizo ở lại với cha và vào năm học này sẽ đi học ở một trường giành cho các bạn nhỏ Nhật bản nằm bên Phú Mỹ Hưng quận Bảy, trường của em Kei cũng khai giảng trong tháng Tư năm nay. Chị Chiemi thì quay về với mẹ, cô Michiko bây giờ đang là giảng viên ở một trường đại học ở Nhật Bản.

 Ngồi nghe kể chuyện, bé Nhí còn phục và học được ở chị rât nhiều điều hay.
Là chuyện tối khuya nay bay về Nhật, vậy mà cả một ngày hôm nay, sáng giờ chị và em trai cùng đi với cha lặn lội xuống dưới miền Tây để khánh thành một cây cầu mới vừa xây xong cho bà con nông dân nơi đây. Đó là một trong những chiếc cầu bê tông thay cho cầu khỉ ở một xã vùng sâu thuộc tỉnh Vĩnh Long trong một chương trình được thực hiện lâu dài do ba mẹ và những người bạn Nhật Bản vận động. Nhí được biết thêm có một cây cầu ở dưới ấy người ta lấy tên của chị và Keizo để đặt cho nó nữa. Vậy cây cầu ấy được kêu là cầu chị Chi hay chị Mi? và Kei nữa chứ. Vui quá và thật là thú vị.

Là chuyện sớm này đi với cha và em Keizo về huyện Măng Thít, một huyện ở tuốt dưới Vĩnh Long, được đi ghe máy trên những kinh rạch về vùng sâu với những người nông dân trồng lúa, với các em nhỏ học trò nghịch ngợm và thân thiện. Chuyến đi xa thật là thú vị.
Quê hương mình xanh ngát với dừa nước và cây trái, nhiều lúa gạo nhưng còn thiếu nhiều lắm những cây cầu qua bao nhiêu kinh mương ở đất này, cho các em nhỏ đi đến trường, cho người già đi lại lỡ khi đau bịnh hay để các bác nông dân vận chuyển nông sản đi về. Chiếc xe Honda ôm một bác nông dân chở chị Mi bị sụp ổ gà té ruộng quê, đau quá mà vẫn cười, tại đường đi và cầu tre quê mình còn nhỏ nhắn, lắt lẻo gập ghềnh khó đi mà.
Là chuyện động đất ở Nhật rất bình thường, như những chuyện hàng ngày, mỗi người dân Nhật đều đã làm quen từ khi còn nhỏ và được học cách ứng phó. Chị Chi kể chuyện thảm họa sóng thần và động đất vừa qua gây một thiệt hại vô cùng lớn lao cho nước Nhật, chưa biết khi nào mới hồi phục lại nhưng người Nhật Bản đón nhận đau thương và bình tĩnh với những việc cần thiết phải làm lúc này.
Mỗi lần đất nước và con người bị thiên nhiên tàn phá, nước Nhật lại một lần vươn lên mãnh liệt.

Nếu người Á Đông nói chung trọng Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín, thì người Nhật Bản với triết lý sống còn là Tĩnh Minh Chính trực. Âu quan niệm sống đó giải thích tâm tình của người Nhật là trầm tĩnh, kín đáo, thẳng thắn và kỷ luật, giải thích cho tinh thần không biết khuất phục gian khó và những ước mơ luôn vươn tới của con người ta.

Đến giờ chia tay để ra phi trường, mai vào năm học mới, chị nhớ là sẽ phải chợp mắt chút đỉnh trên máy bay để có sức sớm mai dự lễ khai trường. Chúc cho chị giữ mãi nụ cười hiền lành và dễ thương của ngày hôm nay, chị Chiemi nhé.

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

Ngày nhận thức về tự kỷ.

Tại nhà hát thành phố 

Ngày 2 Tháng Tư hàng năm là ngày "Thế giới nhận thức về tự kỷ". Ngày này đã được Liên hiệp quốc thông qua cách nay đã trên ba năm. Nếu không đọc được bài Thắp lên ánh sáng màu xanh lơ... trên  trang viết của bạn L2C thì chắc chắn sẽ rất khó biết được thông tin này tại bởi không có một tin tức nào từ báo chí hàng ngày tới tay người dân, kể cả các trang báo mạng.


Xe gắn máy diễu hành 
Ở Sài Gòn, ngày 2 Tháng Tư năm nay, ngày hội gia đình người tự kỷ được tổ chức trong giới hạn nào đó, gần như được tự động tiến hành từ những bà mẹ năng nổ nhiệt huyết, một vài nhà trường kết hợp cùng nhau  mà thiếu mất sự tổ chức hay ít nhất sự ủng hộ nào đó của chính quyền, ít  ỏi chỉ một tấm băng rôn. Làm như họ chưa để tâm tới và những bạn trẻ cùng với gia đình, chứng tự kỷ thực sự vẫn chưa được quan tâm. Mong rằng đó chỉ là suy nghĩ cá nhân và chắc là buổi sáng mồng 2 năm sau sẽ là khác.. 


... Cùng bay nào,cho trái đất quay...
Những người tổ chức phải là rất cố gắng, họ tập hợp được với nhau, mong mỏi gởi đi một tiếng nói chung tới mọi người, tới cộng đồng xã hội hãy hiểu biết đúng về chứng tự kỉ. Từ các gia đình nhỏ tới tất cả mọi người trong xã hội hãy cùng nâng cao nhận thức, cùng quan tâm nhiều hơn tới con trẻ và cùng nhau chia sẻ, cư xử đúng mực, thân thiện với những người tự kỷ, mang cho nhau niềm vui và cuộc sống tốt lành.
Ngày này ở nhiều thành phố trên thế giới, nhiều hoạt động tương tự được tiến hành với sự quan tâm lớn hơn nhiều.

Quả bóng xanh bay giữa trời xanh
Buổi sáng Thứ Bảy ở Sài Gòn, ngày thế giới nhận thức về tự kỷ được tổ chức tại quận Bảy. Sau đó đoàn người chủ yếu là xe gắn máy, các bạn thanh niên cùng các gia đình với đồng phục màu xanh diễu qua các đường phố lớn từ quận Bảy qua quận Tư, sang quận Nhất và tụ họp tại nhà hát thành phố. Tại đây, mọi người cùng nhau thả lên trời xanh những trái bóng đủ màu sắc mang hy vọng bay cao và cùng nhịp tay hát vang những bài ca. Tiếng hát ..."ta đi vòng tay lớn mãi, để nối sơn hà"... rồi ..."trái đất này là của chúng mình"... vang xa đã làm dừng bước chân và mang tới  sự quan tâm của rất nhiều khách du lịch và mọi người dân ở khu trung tâm thành phố.
Mẹ con.
Những hy vọng bay cao



Trao đổi
 Kịp tham gia với ngày hội gia đình trẻ tự kỷ vào giờ phút cuối, xin gởi một vài hình ảnh của ngày 2 Tháng Tư ở Sài Gòn tới mọi người xa gần để cùng chia sẻ.