Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Đồ mi là đồ mi phá.


Một bữa nghỉ ở nhà. Gặp mấy ông bạn già, Phá quá chịu hết nổi, tới quán tui đá gà.
Người lớn nhất là ta, Lại át phân nhất nhà, Quyền to hơn tất cả, Phá hổng ai dám la.
Hèn  nào chúng thường gạ, Bay ơi nhậu lẩu nấm gà. Giờ này mới hay biết, Mưu mấy lão bạn già. Ha ha...



Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Chuyện người vé số.

Sài Gòn, có một bữa nào nhẩn nha đi trên con đường nối hai đầu cổng chính dinh Độc lập và Sở thú, không nhằm giờ cao điểm sẽ thấy đó là  một đường phố rất lớn, đường Lê Duẩn. Đó là con đường trục dẫn vào trung tâm thành phố, rộng rãi, thoáng đẹp, không có một địa chỉ nhà dân. Sẽ ít người để ý nhưng ở con đường đó còn có những người ngồi bán vé số gần hết cả một đời.

Có thể dễ dàng gặp và trò chuyện đôi câu cùng nhiều người lao động bình dân với gánh hàng rong hay quầy sạp nhỏ ở khu trung tâm. Mỉm cười và thân thiện, mua một chút gì đó của họ như là ta hòa nhau một chút ấm lòng. Ta sẽ hiểu đời, hiểu người hơn và thêm trân trọng những thị dân lao động ở thành phố này.
Họ luôn sống và làm việc như là bản năng và ham muốn, mặc dù bất cứ thăng trầm nào của đời sống qua tháng năm. Thời đóng cửa bao cấp khốn khó hay lúc cửa rộng mở bon chen, khi bốc thăm phân phối chiếc vỏ xe đạp hay lúc điện nước cúp, tăng giá xăng dầu. Làm thường dân Nam bộ với cơm áo hàng ngày, mối lo cứ lớn dần lên thì phải kiếm thêm việc mà làm, làm nhiều hơn, bất kể có cực tới đâu cũng ráng, cũng sẽ qua.

Giản đơn và bình dị như nụ cười hiền và triết lý của dì Hai vé số ở đường Lê Duẩn. Một lần nghe dì nói mà nhớ: "Còn có sức khỏe, còn làm được gì làm, chớ... a, ở không chịu hổng nổi".
Ai cũng sẽ dễ dàng nhìn thấy dì Hai bán vé số ở bên lề, bởi ngày nào dì cũng ngồi đó. Nếu có tiện đi ngang, dành một ít thời gian mua mấy tấm vé số Bình Phước Đồng Nai, đài nào chiều xổ, chống xe hỏi chuyện chơi. Dì Hai sẽ vừa nói chuyện, vừa nhắc chừng, đứng xích vô, đừng đậu xe lòng đường, coi chừng phú lít phạt. Và đôi ba câu chuyện bâng quơ với dì, đi về rồi cứ phải suy nghĩ.

Không thể nhớ được vào năm nào vì đã rất lâu, ba chục năm có lẻ, lần đầu tiên mua những vé số của chị Hai vé số ở nơi này. Ngày ấy, chị còn trẻ, là nhân viên văn phòng ở một cơ quan nhà nước, Công ty thép miền Nam. 
Một ngày như mọi ngày, cứ dát năm giờ chiều, hết giờ làm việc ở sở làm là chị lại có mặt ở bên đường, cặm cụi với những xấp vé số mới ra cho ngày hôm sau. Những năm ấy trẻ trung, hay cười, nhớ khách, mỗi chiều sau giờ sổ, là thấy chị Hai loay hoay bên cái sạp vé số nhỏ ở phía bên kia, đối diện với tòa nhà xổ số kiến thiết thành phố.
Những năm ấy, dù đã làm việc cho nhà nước, ai mà không phải bắt tay mặt tay trái, bước chân trong chân ngoài, làm thêm việc này việc khác là chuyện đương nhiên để duy trì cuộc sống của tổ yến mỏng nhà mình. Chị làm thêm việc cũng như bao nhiêu người khác trồng rau ăn sân thượng, nuôi cá trê phi gầm giường. Rồi thời gian trôi, con cái chị đã lớn, một thế hệ mới ra đời và lớn lên.

Cách nay mười bốn năm, chị Hai tới tuổi nghỉ hưu nhà nước. Về rồi, chị vẫn làm việc của mình, vẫn giữ công việc bán vé số, đổi số trúng và vẫn âm thầm nơi góc phố Sài Gòn. Một góc nhỏ trên con đường ấy như giành riêng cho chị, và chị với góc nhỏ con đường như đọng trong mắt những người thân quen đã nhiều năm.

Bây giờ dì Hai vé số đang sống chung với các con của mình. Một gia đình lớn vui vẻ xum vầy là hạnh phúc lắm. Nghĩ là đã lớn tuổi, có ít lương hưu là được nghỉ ngơi, nhưng không phải. Dì Hai nói, làm thêm để góp sức với gia đình, không góp được nhiều thì cũng cho con trẻ được miếng quà miếng bánh và để con cái bớt phải lo cho mình, để tụi nó còn giờ, còn sức mà lo cho cuộc sống riêng nữa chớ.

Bao nhiêu năm qua, đi ngang vẫn người nữ ấy ở đó, lâu lâu ghé mua ít tờ vé số. Chị Hai bây giờ là dì Hai, mái tóc đã bạc phơ dưới mái nón lá cũ, vẫn một tờ Thanh niên hay Tuổi trẻ trên tay. Cái sạp vé số ngày xưa, sau thay bằng bộ bàn ghế xếp cơ động và tới bây giờ là hai chiếc ghế nhựa nhỏ trở ngược đầu, khi là bàn lúc là ghế cùng với những sấp vé số chuyển tới mọi người, mỗi ngày như mọi ngày. Trên con đường trục, dì Hai ngồi đó đã sang năm thứ ba mươi tư. Chợt giật mình, bấy nhiêu năm ấy của dì Hai vé số, có thể kêu là hết một đời người được chưa nhỉ? 
Cứ nhớ mãi câu nói ấy của dì Hai: "Còn có sức khỏe, còn làm được gì làm"...

***
Sớm mai trước giờ làm, tự nhiên thèm con rắn nhỏ, ghé chị hỏi cặp 132, 32. Đông khách, không ngẩng lên chị nói chiều về ghé đi cậu Hai.
Đọc thêm: Chuyện người vé số (2).

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Chuyện người thợ sắt.

- Năm mới quán xá làm ăn phát tài chưa anh Hai ơi?
Mới qua Tết ít lâu, một sáng sớm chủ nhật, một chàng trai trẻ, ăn bận giản dị nhưng lịch sự, rắn rỏi và tươi cười bước vào quán. Chủ quán mất một hồi mới nhận ra vị khách ngày nào tới đây làm thợ góp công dựng quán cà phê của gia đình.
- Là Hai Thiều đó sao? Có về quê không, vô lâu mau rồi? Chà... nghỉ Tết lâu à nghen, bữa nay coi sửa soạn, nhìn hổng ra, bảnh toỏng, "ăn chơi" quá ta.
- Cho em "ăn" được thôi chớ em không dám "chơi". Năm nay làm tới cận Tết, chiều ba mươi mới được về nhà nên ra Tết nghỉ chơi cho đã. Bữa nay mới vô Sài Gòn đây. Cậu trai cười lớn,
***
Mười hai tuổi, Hai Thiều một mình vô Sài Gòn. Sông Vệ ngoài Quảng Ngãi quê Thiều nghèo, nhà Thiều đông anh em còn nghèo hơn nữa. Nhà lá, con đông, vườn nhỏ, ruộng hai sào, bấy nhiêu làm sao đủ ăn, đủ sống. Ở nhà còn thêm nghề làm bún, mẹ cha thức khuya dậy sớm, quanh năm tối mặt, lo hết bốn thằng con trai sàn sàn nhau, dài lưng tuổi ăn tuổi học.

 Hai Thiều sớm suy nghĩ, Nhìn cảnh nhà, chịu không nổi, nghĩ rằng chỉ có vô Sài Gòn. Ngày ấy đi là đi, ở quê không có lựa chọn, và cũng không có nhiều việc làm. 

Những chuyến xe đò từ phương Bắc vô Nam bất kể khi nào, luôn mang theo mình những thanh niên thiếu nữ từ các miền xa, bỏ quê hương đất trời khắc nghiêt, xa người thân yêu vô Sài Gòn cùng những mơ ước đổi đời. Chiếc xe đò bụi đỏ đường đất, mới cặp bến xa cảng miền Đông là đã có ngay dịch vụ giới thiệu việc làm, kể cả đám nhỏ lau nhau chưa thành niên như Hai Thiều người ta xài được hết.

Sự xuất hiện đột ngột một ông chủ vô hình trên chuyến xe vừa cặp bến, hai thằng nhỏ trên chuyến xe ấy như đã là sở hữu của người ta từ bao giờ, bị nắm tay mà lôi đi. Vô một quán nước sâu trong con hẻm gần xa cảng, chúng được phát đứa ổ bánh mì, ngồi ăn rồi ở đó, cấm có đi đâu. Coi tướng tá mấy người này bặm trợn, rồi nhìn thành phố ồn ào lạ lẫm, đầy người và xe Honda, hai thằng nhỏ ngán, người ta nói sao nghe theo vậy, không dám trái lời, không dám cục cựa.

Đi bán mỳ gõ, đó là công việc đầu tiên của cậu chàng bước vào đời.
Xẩm tối hôm đó, một chiếc xe ôm chở hai cậu trai tới một nơi khá xa, chúng đã được bàn giao cho một người chủ mới. Chỉ sau mươi phút học nghề, mỗi thằng đi theo một xe mỳ gõ ngay đêm đầu tiên đặt chân tới Sài Gòn. Ông chủ của những xe mì nói sẽ lo cho đám nhỏ ăn ngày ba bữa và nơi ngủ đàng hoàng, lương tháng hai trăm rưởi ngàn. Thiều nghĩ, vậy cũng là được lắm.
Nhưng rồi, nói là bao cơm ăn, là những tô mì vét với nước lèo mặn chát sau những vị khách cuối cùng của xe mì. Còn chỗ ngủ nghỉ ư, chỉ là căn phòng trọ tạm bợ không giường chiếu, chục cậu trai tuổi xem xem nhau, đẩy xe mì về tới phòng trọ là quá nửa đêm, ôm nhau cả đám ngủ vùi trên nền xi măng lạnh. 

Thời gian trôi nhanh, Hai Thiều không nghĩ nó bán mì gõ đã ngót hai năm. Lang thang cùng thành phố với tiếng "cắc bụp", quen với ánh đèn vàng vọt hàng đêm dài và đi không biết bao nhiêu là đường đất. Những con phố mới vắng ngắt vùng Gò Vấp, những con hẻm nhỏ ngoắt ngoéo khu Bàn cờ tới những bờ kinh đen bên quận Tư quận Tám.
Bữa nay Thiều chợt giật mình khi nghe ông chủ nói rằng tiền công của nó bấy nay có hai ba triệu gì đó, sau khi trừ tiền bộ quần áo mới mua cho nó đang mặc. Hai năm có bấy nhiêu thôi sao, và nó cũng chưa được cầm trên tay mớ tiền công ít ỏi ấy khi nào. Không thể như thế này được mãi, Hai Thiều tính thầm trong bụng.
 
Một bữa lang thang bên quận Sáu, thấy mấy người lớn tuổi đang cưa gỗ, Hai Thiều nhảy vô phụ. Chiều về  họ dúi cho Thiều mấy chục. Thấy thằng nhỏ mặt mũi thông minh, dễ thương lại chịu khó, họ nói mơi rảnh qua đây phụ tiếp. Hai Thiều tối ấy về xin nghỉ mì gõ, lấy tiền công và bước vào nghề mới, nghề phụ cưa gỗ ở công ty Trầm Bê.
Công việc ấy chỉ kéo dài nửa tháng, một trưa ngồi ăn cơm dĩa lề đường sát ngay một tiệm sắt. Nhìn người thợ hàn với sản phẩm người thợ và ánh lửa hàn chói lóa, Hai Thiều thích mê đi. Linh tính mách bảo, cậu trai chợt nhận ra là mình yêu mùi thơm của thuốc hàn cháy, mình hợp với sắt thép cơ khí chứ không phải những công việc bấy nay cậu đã làm.

Ngày hôm sau trở lại tiệm. Cậu năn nỉ người chủ tiệm xin vô học nghề, không được thì bác cho tui ở đây phụ việc không công, làm chi cũng được, bác không có giờ chỉ thì để tui coi, tui học lóm cũng được. Thấy thằng nhỏ thật lòng, ông chủ tiệm hàn đã lớn tuổi, thuở xưa cũng vô đất này từ xứ miền Trung chói nắng và vốn tính thương người, ông nhận Thiều chân phụ việc.
Đầu tiên là phụ lấy đồ nghề, dọn dẹp sắt vụn rồi cắt ống, mài ba via, sau là những mối hàn đính đơn giản từ những que hàn sót, Hai Thiều đi vào nghề thợ sắt như vậy.

Ít lâu thành nghề, Hai Thiều đã có chỗ đứng trong nhóm thợ chiến của người đồng hương.
Những năm ấy, các công trình xây dựng rồi nhà cửa người dân Sài Gòn xây cất ở khắp nơi, thợ sắt nhiều việc. Anh có tay nghề khá, nắm bắt ý định của người chủ, đọc bản vẽ kĩ thuật tốt, sản phẩm luôn vừa ý nên được trọng dụng, làm suốt năm không có dịp nghỉ ngơi. Thiều chỉ hơi buồn vì mình không được học nhiều, không có miếng bằng cấp nào bỏ túi nên bỏ uổng nhiều cơ hội ở những công trình lớn, làm việc với người nước ngoài lương cao nhưng người ta cần bằng cấp. Anh ham việc, chỉ cần có việc để đi làm và làm. Có tiền, lâu lâu gởi về quê nhà phụ mẹ cha lo em út ăn học. Anh nghĩ thôi vậy là được.

Một lần cha anh gọi điện, nói hai năm con không về, sắp tới đám dỗ còn nhớ không đó?
Giỗ oải ở quê mỗi năm hai ba lượt. Cha anh trưởng dòng họ, còn anh là con trai trưởng trong nhà. Sực nghĩ mình mải miết lo mần ăn mà quên đi những việc lớn, những việc bắt buộc ở quê nhà, không phải chỉ biết đi làm và gởi tiền về thôi là đủ, mai mốt còn phải thay cha làm trưởng trong họ nữa. Hai Thiều lật đật thu xếp về quê.

Năm ấy về quê, nhìn căn nhà mình xơ xác, mấy anh em trai nay đã lớn, đã bước ra ngoài đời ít lâu, bàn nhau dựng nhà cho cha mẹ. Quê nhà Sông Vệ vào mùa lũ lụt, không lớn nhưng năm nào cũng có. Hai Thiều không thể quên được những ngày lũ, hình ảnh bờ tường nhà bằng đất, lung lay sóng đánh rã ra từng mảng mỗi khi đi lại trong nhà. Và anh em còn luôn nhớ dặn nhau, lũ ngập nhà, kệ, không vội, rón rén bước đi sao cho thật nhẹ kẻo sụp tường nhà.
Rồi chung sức nhau, căn nhà ở quê cũng đã cất xong. Mùa lũ năm nay, nước chỉ mon men, quanh quẩn ít ngày ở ngoài sân rồi rút.

- Cậu Út đã vô đại học ngành xây dựng, thằng thứ lái xe cạp đá ngoài Vũng Tàu còn một đứa làm thợ mộc ở quê. Vậy là ổn, bốn thằng trai dài lưng tốn vải nhà em nay đã trưởng thành.Từ năm nay thì lương em tự tiêu xài, đã tới lúc Hai Thiều này được lo cho mình chớ.
Cậu trai kết thúc câu chuyện vẻ mãn nguyện. Rồi Hai Thiều nháy mắt, cười thật lớn:
- Em lo để dành tiền đặng mai mốt cưới vợ anh Hai à...

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

Lan man câu chữ.

Nhớ ngày trước có anh bạn đồng nghiệp, đi tàu biển nước ngoài, trên đường về nước, làm việc hết ca chỉ nằm nghĩ câu chữ để đặt tên cho hàng hóa, né xa câu chữ trong biểu thuế, làm sao quan thuế đánh thấp nhất.
Mua mấy cuộn vải hồ cứng, thứ để làm cổ côn cho áo sơ mi, anh bạn cười cười, thì kêu nó là "lưới chống muỗi", hàng phục vụ đời sống, người ta đánh thuế hẻo lắm. Mua mấy ru lô để sử dụng in ấn gì đó, hàng đặt mắc tiền, nghĩ một ngày trời ổng reo lên "vải xi mi li may nệm". Vậy mà luôn đi trước mấy ông quan thuế.  Thuế mỏng mỏng ăn dày dày. Ôi là câu chữ, nhiều khi lợi hại biết bao.

Bây giờ. Đi họp á, việc gì, chuyện gì, ở đâu chăm chú nghe cũng chỉ hiểu đại khái. Họp hành phường khóm với người dân dã,  được kêu là bà con rồi, vậy mà không phải câu chữ giản đơn củ khoai bông lúa, lại toàn những từ ngữ đẳng cấp lơ mơ, phó thường dân Nam bộ tan họp về tới nhà còn lùng bùng cái lỗ nhĩ.
Ngại nghe câu chữ, nhiều nhà bị kêu đi họp phường khóm cứ osin mà cử. Họp về thấy osin cười cười, nói hổng hiểu họ nói chi hết, cũng hổng ai hỏi chi tới mình, vậy là ổn.

Thường thấy ở các cuộc họp. Ai đó cũng đều có cách nói năng thuộc kiểu người năng nói, kính thưa một là, bá cáo hai là, ba là và điều thứ tư là... Hội họp được chút không gian nhè nhẹ, một hồi bỗng nghe cao giọng, rằng là, thì là, mà là... tình hình năm nay chúng ta thực hiện cái "tám bốn" rất đáng phấn khởi, riêng cái "năm bảy" làm chúng ta hơi lúng túng lúc ban đầu nhưng với quyết tâm... Ây dà câu chữ, hổng hiểu, một khi nó là bài vở... mà bài vở từ đâu ra không biết.

Một sáng ghé sạp báo quen gần nhà vẫn mua hàng ngày, thấy sách báo bày túa dưới lề đường, hỏi sao bữa nay lùm xùm lộn xộn thế này? Chị bán báo buồn buồn: Cái kệ báo, bữa qua mới sáng sớm họ dzớt hết của em rồi. Là mấy ông áo vàng xây dựng, thanh tra phường khóm nào hổng biết. Hồi ghi biên bản họ nói em bị vi phạm cái "ba tám bốn hai" là cái chi hông biết nữa, bác chỉ giùm. He he... cái đó tôi cũng chịu, chắc là vi phạm chi chi cái lòng lề đường đó cô ơi, cô đánh liền ba tám bốn hai thử coi, coi con gì đó, như là ông địa với con ốc đó, đánh liền đi, chiều trúng chắc.

Lãnh vực nào cũng có những con chữ, đầu tiên nghe lạ, hơi khó hiểu một tý, sau rồi thành quen. Một bữa ngồi nhậu, vui chuyện ông bạn một công ty  nhà nước nói  tổ chức đẻ ra từ luân chuyển, dôi dư, chuẩn hóa... nên không ưa, không cạ cứ thế mà luân, mà chuẩn. Anh bạn khác đang dạy học nói nghề đào tạo ngày trước có từ tại chức, chuyên tu... bây giờ nếu có bỏ lại nghĩ từ khác liên thông, đào tạo chuyên sâu... nên mấy người lớn tuổi cơ cấu cứ tha hồ mà học, trung cấp liên lên đại học rồi liên thạc sĩ mấy hồi.

Một lần dự một đám cưới, đại diện cho nhà trai, một người trịnh trọng trong bộ đồ vét, chau chuốt trong từng câu chữ phát biểu với hội hôn. Lúc đầu nghe được được nhưng khi bắt đầu có triệu chứng nói dài, nhóm nhỏ ngồi dưới vỗ tay đưa tiễn mấy lần mời ông xuống để còn nâng ly, ổng lại tưởng vỗ tay khen nói hay nên cứ nói. Tới hồi dặn dò con cháu phải lấy "kết đoàn làm nền tảng hạnh phúc" thì hết bài, cả làng cười to  Rồi, chắc chuyên đi dự khai trương, hội nghị đây đó, thuộc bài, quen miệng, ổng kết lời phát biểu: Cuối cùng, xin mời các vị nâng ly, chúc cho hội nghị thành công tốt đẹp.
Hội hôn cười rần rần, vỗ tay rào rào, cụng li rốp rốp.

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Quán.

Anh bếp loay hoay bên lò làm món thịt nướng. Quần xăn tới đầu gối, gạt mồ hôi, miệng méo xẹo: "Mỗi năm mỗi nâng nền mà không lại với triều cường phố lội. Ôi Sì phố của tôi, từ ngày huyện xã lên quận số với phường tên. Làm ăn cách chi đây"

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Vui vui tí.

 Các bạn nữ thích các món Ốc đã đành, mấy người nam ham bạn ham nhậu cũng thích nữa. Lâu lâu đổi món, một vài bạn cùng cạ rủ nhau ra bờ kè Nhiêu Lộc nhâm nhi ly rượu đế cùng mấy dĩa ốc đượm hương xả cay hay thơm lừng mùi hành mỡ, loanh quanh vài giờ cùng cuộc sống người dân dã, thú vị lắm chớ.

Phái nữ họ rành vụ này lắm. Quán nào có nhiều loại ốc, đủ ốc ruộng lại ốc biển, nấu nướng ngon, giá cả mềm, quán xá vui vẻ dễ chịu, hỏi họ. Thậm chí họ biết cả những khu liên hợp chợ ốc buổi chiều tối, hàng quán dài dài cả dãy phố, đi trễ một chút là không còn ghế ngồi. Túm lợi là Sài Gòn có quán nào hay hay là họ biết hết ráo. Mới nghe họ hẹn hò, chưa kịp định hướng, đường đó khúc nào, đi làm sao cho gần nhất, thưa vắng bớt kẹt xe, đã nghe họ ào ào, rồi rồi, biết biết, đi đi...

Ít lâu nay nghe lao xao các bạn blogspot giành nhau từ "ốc ộp". Ý là ai cũng giành người ta xài từ này trước chứ bộ.
Qua đàm phán cấp cao hai miền trong hai chuyến ra vô của hai đặc phái viên cao cấp hồi thượng tuần tháng Mười năm rồi và hạ tuần tháng Giêng vừa qua, thấy đúng là nhiều người thích ốc và cái tên ốc ộp coi như của chung, được xài chung. Sài Gòn kêu tên "Hội ốc ọp Sì phố", không đụng hàng.
Mượn đỡ một tấm hình hội ốc Hà Nội của nhà bạn Lana cho có đôi có cặp, bữa nào đòi trả. Mọi người coi hình thấy tâm hồn ăn uống, niềm vui và tình yêu với ốc của đội blogspot này hơi bị được.


Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Chuyện người Tò he.

Đường hoa Nguyễn Huệ những ngày giáp Tết tấp nập người ta dạo chơi. Sài gòn quanh năm mải miết lo làm ăn, hoặc không thuận trên đường đi làm hàng ngày, nên nhiều người có khi cả năm không ra tới Sài Gòn, nghĩa là không ra tới khu trung tâm thành phố. Quay đi quay lại hết năm, ráng gọn ghẽ việc nhà, tranh thủ cùng gia đình dạo chơi trên con đường hoa Nguyễn Huệ một đêm cuối năm cho thư thả lại con người.

Ở dưới hàng hiên cửa hiệu thời trang bên lề đường có một người nữ ngồi khuất sau dòng người nắm tay nhau đi chơi. Cô ấy đang mải miết vê bột nếp màu, nặn ra những con Tò he bé nhỏ xinh xinh.

Đang đi chơi với bố, Nhí chợt reo lên thích thú "tò he" và xin mua một bông hồng. Cùng xà vô hàng Tò he, bố dóc với cô hàng Tò còn Nhí ngồi chăm chú coi đôi bàn tay khéo léo của người thợ.

Cô tên Huệ, hay cười và rất vui chuyện. Hỏi quê đâu, cô cười, vẻ tự hào:
- Bác mà hỏi thăm mươi người Tò he thì cả mươi là người làng em đấy, làng Xuân La, Phú Xuyên. Làng nghề em ngày trước có cả trăm nhà, giờ không còn bao nhiêu người theo nghề, mà ai có làm làm nghề này cũng đi tứ xứ hết bác ơi.

Cô vê một miếng bột nhỏ màu xanh làm ống tay áo, lại một miếng bột đen nhỏ làm mái tóc, vừa đủ, không dư một chút bột nào. Đồ nghề hầu như không có gì ngoài mấy ngón tay thoăn thoắt, vậy mà nhoáng cái có một cô tiên xiêm áo tha thướt, dậy mùi nếp quê.
Cô Huệ kể: Bột nặn Tò he được cô nhồi từ bột gạo và  nếp  nên tò he có mùi thơm, cô trộn màu bột bằng màu phẩm chân nhang hay các thứ màu từ lá cây, lỡ con nít nghe mùi thơm, có lén ăn không có hại.

Mà phải có văn hóa mới biết lúc nào ra tò he kiểu gì. Tỉ như ti vi đang chiếu Tề thiên là nhà em cứ Tôn Ngộ Không, Bạch cốt tinh mà nặn, sắp Tết thì ông già Nô en, he he... Rồi màu sắc, áo quần sao cho hợp lý, rồi những đặc trưng của Tò he... Để làm sao cho người ta nhìn là thấy ngay, à đây là Lý Thông gian ác, Thạch Sanh khảng khái dũng cảm, nhìn vào con Tò he toát ra vẻ nghịch ngợm của Tề thiên, lão Trư ngộ nghĩnh , hài hước hay một ông già Nô en hiền lành... Nghề mà, là thế đấy bác ạ.

Bỗng có tiếng còi hoét hoét, người ta đi dẹp lề đường trước giờ khai mạc đường hoa, cô Huệ lật đật mang bàn đồ nghề nép vô một bên cánh cửa, chép miệng:
- Ở Hà Nội người ta hiểu Tò he, nên còn biết quý. Ngày Tết nhất ngồi nặn Tò he ngoài đường, không mấy khi bị đuổi, lâu lâu còn nhận được nụ cười cảm thông nhẹ vơi vất vả. Còn mấy người áo xanh áo vàng này ở Sài Gòn không có văn hóa Tò he, ngồi làm chỗ nào cũng bị đuổi, có đứa còn dọa đá bay cái bàn của nhà em chớ.
Ấy thế nhưng người Sài Gòn lại rất thích mua Tò he, chả mấy ai mặc cả, em bán Tò he con dễ mười ngàn, con khó gấp hai, bán veo veo ấy, thích lắm.
-Vậy chớ Tết không về quê ăn Tết sao?
Cô Huệ cười lớn, giọng vương chút bụi bặm, rất "luýnh":
- Ơ cái nhà bác này, Tết mà về quê thì có mà móm à? Tết mới là mùa làm ăn chứ bác, em ngồi đây mười cái Tết dư lày rồi. Nhà bác có biết không, vợ chồng nhà em chia nhau hai đầu lề đường Nguyễn Huệ, cày hết cái Tết Sài Gòn cũng kiếm khớ đấy.
Hỏi đùa đủ nhậu không, cô cười khơ khơ, ai cho nhậu, hết mùng, mất nửa tháng kiếm hăm mấy ba chục triệu chớ ít sao, để dành làm được ối việc nhớn.

Nhẩn nha một hồi, vê miếng bột, ịn vào cái lược gãy, gắn thêm bộ râu trắng cho cho tò he Nô en, cô kể chuyện tiếp:
-Ngày xưa là những phiên chợ quê trong vùng bao giờ cũng có vài hàng Tò he, rồi hội đình hội làng là phải có Tò he. Còn bây giờ là đi đến xứ người, nơi người ta đi chơi xuân, đi xem hội. Ngày thường nhà em lại ngồi trước cổng trường, bán cho học trò. Chẹp, cái nghề. Buồn vui, rảnh rang đón tàu xe lang thang đâu đó kiếm ít tiền tiêu cũng được.
Ra Giêng vợ chồng em đi tiếp lễ hội, nhiều lắm bác ơi, nơi nào cũng có. Khi nào hết hội mới về, mà đã về quê là chỉ có chơi với con với cháu thôi, không có làm việc gì hết.

Vui chuyện cô khoe, từ ngày lên ngôi Hà Nội, ruộng vườn tự nhiên lên giá, nhà nào thích thì bán, còn nhà em cứ để đó, thuê người ta làm. Nông dân bao nhiêu đời quen rồi, người sinh chứ đất có sinh đâu, để dành ruộng vườn cho con cháu. Làm người Hà Nội á, còn lâu mới được. Chúng em vẫn thích gọi Hà Tây cơ, chỉ thích là cửa ngõ thủ đô thôi.

Thấy bố con ríu rít, có vẻ ngạc nhiên cô hỏi, bố con à, bố con thật à? Nhí hồn nhiên, bố của con đó. Cô Huệ Tò he bỗng cười rũ, ối giời ơi... nhìn nhà bác kìa, còn cứng hơn cả nhà em ấy, thế mà em có cháu nội cháu ngoại bằng cần này cả rồi đấy, hơ hơ...

Chia tay, cô Huệ vẫn còn cười, nhà em tặng cho nhà bác bài thơ này mà về viết bờ nốc. 
Tò he anh bán mấy đồng,
Em mua một cái cho chồng em chơi,
Chồng em đánh hỏng đánh rơi,
Em mua một cái em chơi một mình.

Thấy bố móc điện thoại tính lưu câu thơ, Nhí cười toe, khỏi, khỏi, để con nhớ bài thơ này cho bố. Nghe bố hỏi chuyện cô ấy là biết ngay thế nào bố cũng có một bài Tò he.

Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

Tiệc ngó.


một vùng núi cao và cũng xa lắm, tên gọi Lệ Giang có một cửa hàng bán thịt heo của người dân tộc Nạp, dân tộc Di.

Trong cửa hàng ấy có nhiều loại thịt như móng giò, thịt heo quay, thịt ba rọi, lại có cả các loại chả chiên, đậu hũ...
Đi một vòng với các loại thịt heo mang về, những người nữ khéo tay, chiều chồng đã chế biến được một mâm cỗ ngày Tết để đãi khách thật là bắt mắt.

Tuy nhiên mâm cỗ chỉ là cỗ "ngó" thôi. Để nhìn ngắm và ai thích thì có thể chụp hình, tại bởi đụng vô những món ăn của mâm cỗ hoành tráng kia nhẹ thì gãy răng, còn chọi nhau thì chắc chắn u đầu mẻ trán.

Coi thấy thích thú, nhưng chỉ có thể: Thịt ơi thịt à, thịt vào tay bà, bà để bà ngắm chớ bà không ăn.

Nó là những viên đá ngộ nghĩnh mà người ta đã cất công nhặt về từ trên núi cao để mọi người cùng thưởng ngoạn.

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Đầu năm nói tục không bị mắng.

Hình minh họa, không phải làng nói tục
Nhớ cái Tết năm nào, sớm mùng Hai lái xe chở mẹ con về ngoại. Mấy năm đó con đường bị chợ lấn chiếm, mỗi lần đi về phải đi ngang chợ, luôn luôn chật chội, nực nội với những hàng những gánh của các cô các bà chiếm hết mặt đường, vừa chạy xe vừa ngó đầu ra ngoài năn nỉ. Bữa ấy, Tết nhất đường chợ thưa vắng, cả nhà vui cười chọc giỡn nhau. 

Còn mấy chục mét nữa tới nhà, bỗng ở đâu xuất hiện một người nam đứng tuổi, ăn mặc tươm tất, mang con khô mực đỏ lè trên cổ, chỉ tay và quát, thằng kia, ai cho đi vô chợ?... Cả nhà giật mình, nhìn lại, là nói mình sao... Ây dà... xúc phạm nặng rồi. Bố Nhí dừng xe, mở cửa nhảy xuống văng tiếng "đan mạch" liền. Gã kia lùi lùi, rồi không hiểu sao tự nhiên xẹp lép như con tép, lắp bắp, mời vô đây, vô đây. Ra là gã đang trực phường. Không dại chun vô đó làm gì, nói, bây tính "khè" được "qua" sao? nhà "qua" khúc trên kìa, thích thì qua, có qua thì "qua" đây chiều, bữa nay Tết nhất bày đặt lấy le, khè trúng ổ kiến lửa rồi bây. 
Trở lại xe, mẹ con nói, không ngờ bố nói tục dữ vậy. Nói vậy nhưng trong ánh mắt các con, nhìn thấy rất rõ sự tin tưởng, an lòng. Vậy nên có những lúc nói tục chưa chắc đã là xấu. Có khi nói tục chửi thề nó cụ thể hóa cái dựa dẫm, cái ôm ấp, cái bờ vai đó.

Cuộc sống có đôi lúc làm ta nực nội, có khi ở nhà, khi ở nơi làm việc, khi đọc tin tức trên báo chí, lúc coi ti vi hoặc đụng những chuyện không đâu bỗng nhiên ngoài đường.

Có những phản ứng khác nhau. Đọc ở blog các bạn hàng xóm, có bạn ấm ức chiện cơ quan, tức muốn khóc nhè, có bạn bỏ ra ngồi cà phê vỉa hè cho nhẹ người lại. Đấy là các bạn nữ không nói tục chửi thề được, chỉ biết về kể với người thân hay tâm sự một tí trên blog cho vơi đi chút chút.
Đàn ông con trai khi bực bội chuyện gì dễ chửi thề, coi tin tức thấy chuyện ngược ngang, có ông còn đòi đập ti vi. Mấy cha huấn luyện viên sân cỏ bực bội là đá gió đá cỏ. Không biết tiếng tây tiếng bồ nhưng nhìn cha Mourinho cái mỏ chu chu, cái miệng miệng lầm bầm thường xuyên trên sân kiểu đó chắc chắn là chả thường xuyên chửi "đan mạch" trọng tài.

Nói tục là không hay. Nhưng có người thành thói quen, khó sửa.
Chuyện ở trường học sinh miền Nam. Có ông bạn năm cuối phổ thông, học khá, tốt tính với bạn bè, chỉ có tật nói tục lại có tí cà lăm nên không có Đoàn viên, mà hổng có Đoàn thì hổng có cửa dự thi đại học. Bạn bè thương, tính chuyện kết nạp, viết sẵn lời hứa này nọ. Vậy mà bữa kết nạp Đoàn, chỉ cầm giấy đọc cũng không xong. Hắn đọc dzầy, kính thưa các vị đại bỉu, hôm nay tôi được vinh dự...đm...kết nạp... đm... vào Đoàn. Thế có chít không!

Có những vùng nào đó ở miền quê, nói tục thành thói quen, có khi ở đó là từ xài lâu tới giờ, quen, mọi người không cho là nói tục.
Bữa Tết ngồi uống rượu ở nhà, là rượu nếp nhà nấu của chú em út J.G mang lại bữa trước, ngon, thơm dưng mà nặng đô. Cái rượu đó uống vô ba sợi tây tây tự nhiên dây thần kinh nhớ chạm mạch, mấy anh em người nhớ một miếng, gật gù ghép lại bài thơ đọc được trên báo đã lâu lắm rồi, như là ở báo Nhân dân hẳn hòi, hồi năm nẳm. Sơ sơ dzầy, ai đó còn nhớ sửa và bổ sung thêm, Tết  ta tám tí cho vui cửa nhà: 
Tôi đi công tác đê. 
Có về qua thôn nọ,
Gặp được một em nhỏ,
Hỏi nhà chủ tịch đâu?
Cậu bé vừa lắc đầu 
vừa đáp" tôi đéo biết".
Con cá này ở nhà,
cũng biết chu mỏ, chửi thề
và khè khi bị chọc phá
 Gặp một bà phụ lão,
Gánh lúa trên đường làng. 
Bà cũng đáp thật nhanh: 
"Đéo ai biết nhà ấy".
Tôi đi sâu vào mãi, 
Cuối cùng cũng tìm ra. 
Ông chủ tịch có nhà, 
Tiếp tôi rất niềm nở.
Nhân đó tôi hỏi nhỏ, 
Chuyện nói tục vừa qua.
Ông chủ tịch cười xòa. 
Chúng tôi cũng rất bực
Đã dày công giáo dục. 
Mà họ vẫn đéo nghe...
He he... Đầu năm nói tục không bị mắng.
* Tiếng "đan mạch" nghĩa là đ.m.
* "Qua" nghĩa là "tui", người lớn tuổi ở m.Tây.

Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2011

Tết Sài Gòn.

 Gởi con gái và những người thân Tết xa SG.
phương Bắc, Tết đến khi mùa Xuân về, cho muôn hoa nở và cho cây cối đâm chồi nảy lộc. Còn ở miền Nam chỉ có hai mùa là mùa mưa và mùa khô. Tết ta rơi vào gần giữa mùa khô, là mùa nắng nóng nhất trong năm, vậy nên khái niệm mùa Xuân  chỉ để cho thi vị thêm cho ngày Tết. Năm nay khí trời  Sài Gòn buổi chiều tối và sáng ra dễ chịu, bớt nực nội như hàng năm.

Cây Mai là biểu tượng của ngày Tết miền Nam cũng phải chăm sóc cả năm rồi lặt hết lá trước nửa tháng mới có hoa, phải ép nó mới nở vào đúng mấy ngày Tết.
Năm nay sắm một cây Mai năm cánh, không sặc sỡ như Mai ghép nhưng bông Mai nở đều một màu vàng Mai nguyên thủy. Nói không thích chậu sơn đỏ, bác thợ vườn nói ngày xưa xài chậu gốm, chậu men không. Một thời thiếu thốn nên người ta đúc chậu xi măng sơn đỏ, xài riết quen. Vậy là chơi cái chậu men trắng, đi với cây Mai có dáng cây đào, coi hạp nhãn, màu sắc trong nhà hài hòa.

Gần giao thừa, bố con rủ nhau xách Honda chạy ra đường nhỏng chơi với các bạn trẻ. Ra bến Bạch Đằng coi pháo bông rồi về tự xông nhà mình luôn. Đường phố Tết này đông, mọi người ra đường đi chơi nhiều hơn. 
 
Như mọi năm, sáng mồng Hai bên ngoại tập trung một ngày. Có khác những năm trước là chương trình năm nay chia ra hai nơi. Sáng qua nhà ngoại thắp nhang cho ông bà, đọc kinh và chúc Tết nhau, lì xì  cho con trẻ. Sau rồi kéo nhau về Anh Đỗ quán ăn uống vui.  Màn sau ăn uống là kéo xì dách, sẵn có tiền lì xì, hội xì dách chơi được cả nhà, con trẻ vui vầy, cười vui khắp nhà.

Thức ăn ngày Tết năm nào cũng chẳng thể thiếu vài đòn bánh tét, thịt kho hột vịt & nồi canh khổ qua. Người ta nói ăn cho cái "khổ" năm trước nó"qua" đi nhưng dân nhậu sĩ thì công nhận ăn cái anh khổ qua nó giã rượu ác.
Nhiều năm nay các món Bắc Nam đã pha lẫn nhau cho Tết thêm phong phú, nghĩa là còn có bánh chưng, giò lụa, giò thủ, măng lưỡi lợn nấu với bóng lợn móng giò heo... Người cầu kì gởi mua đồ tận ngoài Bắc.
Ở một số gia đình miền Nam thức ăn không hết sau mỗi bữa ăn, nhậu được bỏ chung vào một nồi với dưa  cải chua, kho lên gọi là "xà bần". Xà bần kho đi kho lại, sau Tết cạn mồi mà lấy ra nhậu hoặc ăn với cơm nguội thì bá chấy, nhớ cả năm.

Nhóm bạn rủ nhau đi Nha Trang, bớt bù khú với mấy gương mặt mốc dễ thương, tuần nào cũng nhậu. Hổng đi, ở nhà, anh em bạn bè có ai thương tới chơi, chúc nhau sức khỏe và ngồi tiếp khách tại quán, là nhậu ở nhà, xuồng chìm tại bến, khỏi ngán bố con nhà ai.
 
Quán nhà, khỏi đóng mở khai trương, mất công coi ngày tháng, vậy mà mồng Một Tết khách đông như ngày thường.
Chiều mồng Ba tiễn bà nội, vậy là coi như qua một cái Tết, mong mỏi vào một năm mới với nhiều niềm vui và mọi sự tốt lành cho tất cả mọi người.

  H1: Mai năm cánh.
H2: Nhí nhỏ, ròm và nhỏ nhất trong nhà.
H3: Mập nhất hội.
H4: Kéo xì dách.
H5,6: Cả nhà vui tại quán.

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

Sài Gòn hoa kiểng ngày Xuân.

Những ngày giáp Tết, Sài gòn như mọi năm, hoa vẫn nhiều trên đường Nguyễn Huệ, nối thêm ít nữa qua đường Lê Lợi là khu đi bộ dạo chơi và chụp ảnh.

Từ lâu lắm rồi tới mấy năm gần đây, ở nơi này là chợ hoa Sài Gòn mỗi dịp Tết về. Người trồng hoa tứ xứ mang về đây đủ mọi loài hoa kiểng, đủ mọi sắc màu để người Sài Gòn bán mua với nhau những ngày giáp Tết.

Hoa kiểng vùng ven Gia Định trồng nhiều ở Gò Vấp, Thủ Đức, Hóc môn. Xứ cao nguyên có Đà lạt, miệt miền Tây có Sa đéc, rồi  Bến Tre, Tiền Giang... Hoa trái người ta mang về bày dọc con đường Nguyễn Huệ, cả nhà vừa đi chơi, đi ngắm, trả giá và bán mua, đông vui tấp nập trước Tết cả tuần tới giáp giờ giao thừa. 
Vậy nên người ta quen kêu và vẫn thích kêu cái tên thân thuộc hồi nào giờ là chợ hoa Nguyễn Huệ.

Nhiều năm nay, nơi ấy là đường hoa chứ không còn là chợ nữa, đường hoa chỉ để đi dạo chơi và ghi hình kỉ niệm chớ không còn bán mua. Năm nào cũng vậy, một con đường bông thôi là bông, xếp ngang dọc cao thấp làm bạn với ánh đèn. Để cho những đôi trẻ một năm ghi nhớ một hẹn hò và cho những gia đình lao động sau một năm mưu sinh vất vả, cùng nắm tay nhau dạo chơi trên con đường hoa, là thấy ấm tình và tạm lãng quên đi một năm dài bươn chải.

Bây giờ trên khắp các lề đường, góc phố, bến sông mới là nơi mua bán hoa kiểng cho người Sài Gòn. Đường bộ thì ôtô, ba gác tấp nập chở hoa từ nhà vườn ở An Phú Đông, Hóc Môn Thủ Đức... hoa lục tỉnh từ các bến sông về các quận trung tâm. Và đi tới mỗi góc phố lề đường, đâu cũng gặp những hàng hoa kiểng, có mai có tắc, có hướng dương cẩm tú phong lan và nhiều nhất là các loài hoa cúc vàng.

Đứng bán hoa có những chủ vườn nông dân mấy đời trồng kiểng, có những nhà mặt tiền nhận làm chân đại lí, và cũng có những người bán dạo ngày thường, Tết đến nhận hoa kiểng từ chủ vườn, nhóm chợ nhỏ đứng góc đường quen thuộc hàng ngày.

Thích ứng cảnh kẹt xe tắc đường lâu nay hay chuyện cấm xích lô ba gác năm rồi, những người bán hoa kiểng Sài Gòn vốn nhanh nhậy, năm nay có chiếc ba ga xinh xắn, tiện lợi cho xe Honda hai bánh. Chủ khách thuận giá bán mua là rinh cây lên xe chạy veo veo, chỉ ít phút sau là hoa kiểng được mang tới nhà.



Đường sông, thuyền ghe tấp nập trên các bến dọc Kinh Tẻ Kinh Đôi. Những chiếc ghe bầu đầy ắp hoa trái đủ sắc màu  từ lục tỉnh miền Tây lên thành, ken nhau trên bến dưới thuyền, nào dừa quầy dưa hấu, nào mai vàng bon sai và rất nhiều loài hoa kiểng bình dân và quý phái...

Người ta buôn bán trên bờ sông lẫn dưới ghe thuyền, nơi nào ghe có thể cột dây neo đậu, nơi phố thị có đông người qua.
Trò chuyện cùng một gia đình, vất vả vậy mà ai cũng cười. Năm được mấy ngày Tết, năm nào chậm bán đến tối đêm ba mươi hết hàng, dọn dẹp bờ sông cho sạch sẽ, rồi mở dây cột ghe, vợ chồng thay nhau tới hết máy, dong thuyền mau về nhà con trông. Nhà tuốt dưới Vàm Nao, sớm ra về tới xông nhà mình luôn. Hỏi đi năm cũ qua năm mới, có kiêng cữ gì không, năm sau lại cực như năm nay sao, họ lắc đầu, cười hiền khô: "Kiêng cữ chi, mần ăn phải chịu, năm có một lần."
Không cữ gì vậy mà ngó trong khoang thuyền đã để sẵn một mâm quả "cầu dừa đủ xài". Giàu nghèo chi không cần thiết, cầu năm mới ông Trời cho, lo mần ăn đặng đủ xài. 

Hội hoa Xuân năm nào cũng tập trung ở Tao Đàn. Nơi đây Xuân về  là nơi hội tụ của những hoa kiểng chọn lọc, có thi hội và chấm giải. Có thể gặp lại nơi đây những gốc Mai gốc Sứ, những bon sai độc đáo, mỗi năm mỗi trở về đây những ngày này dự hội hoa. Cũng tại bởi kiểng là hồn của thời gian và công sức nghệ nhân, đã là kiểng thì càng già càng đẹp, mỗi năm mỗi quí hơn..

Hội Tao Đàn năm nay vẫn có đủ Mai, Lan, gỗ đá kiểng với bon sai, san hô cá biển và cá nước ngọt. Thêm vào một khoảnh nhỏ cho hoa thơm bướm lượn và phong phú hơn là góc phong lan, góc các loại hoa Đỗ quyên mang về nhiều sắc màu từ những vùng đất xa xôi.

Hoa kiểng Sài Gòn, mỗi năm đều mang về cho người Sài Gòn một niềm vui  năm mới, cho mong ước một cuộc sống luôn thanh bình và hạnh phúc.

H1,2: Đường hoa Nguyễn Huệ-2011
H3,4: Chợ hoa trên đường phố 
H5,6: Chợ hoa bên kinh.
H7,8: Nhiều sắc hoa Đỗ quyên và bon sai Hội hoa xuân Tao Đàn

 Và Xuân mới mừng hạnh phúc tới mọi nhà, mọi người.