Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

Salem, thành phố ma quỷ và Halloween.

Ngày cuối cùng của tháng Mười tây lịch là ngày lễ Halloween.
Halloween đã có từ rất lâu của những tộc dân xứ Bắc Âu giá lạnh, rồi lan sang châu Mỹ theo dòng người di cư. Có lẽ lễ hội này hàng năm ở nước Mỹ là sôi động nhất.
Như là một lễ hội cõi dương với cõi âm, sự sống với sự chết, là huyền bí với bí đỏ, nến, mặt nạ, lưỡi hái và áo quần ma quỷ. Làm như những lễ hội về cuộc đời ở những nơi ấy bao giờ cũng ồn ỹ, vui tươi hơn những lễ hội về lịch sử.

Những năm gần đây, nhiều lễ hội vui tươi ở những xứ sở xa xôi được các bạn trẻ ở ta đón chào vui chung, như ngày lễ Tình yêu, lễ Nô en hay như bữa nay là lễ hội Halloween. Đám trẻ và các bạn thanh niên những ngày này đã biết háo hức, đi chơi và vui vẻ.

Có một thành phố như là một thành phố của Halloween, của ma quỷ và những cảm giác rùng rợn. Chắc là ngày lễ hàng năm ở nơi đây sẽ rất sôi động và đông vui.
Đó là thành phố Salem nằm ven bờ Đại Tây Dương phía Bắc Boston, thủ phủ bang Masachusetts, nước Mỹ.
Sự hình thành một thành phố ma quỷ không biết có phải không, nguyên nhân từ một sự kiện ghi nhớ trong lịch sử đời sống của vùng đất Salem hơn ba thế kỷ trước, đó là những phiên tòa xét xử phù thủy ở nơi đây.

Chuyện kể rằng có là một vụ án xử oan sai, quy kết tội làm phù thủy cho nhiều người vào năm 1692 ở nơi đây làm cho náo động xứ sở. Khi ấy Salem còn đang là một thị trấn nhỏ đầm ấm.

Một ngày nọ có hai đứa trẻ lâm bệnh, một căn bệnh lạ. Cộng với sự bất lực của bác sỹ, sự ngu dốt của quan tòa và những lời khai ngây ngô của những đứa trẻ con về một bóng ma phụ nữ tấn công. Thế rồi một người phụ nữ trong làng đêm đêm hay kể chuyện ma bị bắt. Hội chứng ma quỷ và phù thủy lan rộng, kết quả là hàng loạt bắt bớ, xét xử, hành hình, cả người lớn và con nít.

Những năm tháng ấy ở vùng New England nước Mỹ, những tranh giành ảnh hưởng thế lực nên có những hình phạt nặng nề trong tội phạm xã hội như hành quyết, ném đá, tịch thu tài sản, tước quyền làm người lương thiện...

Bao nhiêu con người ở Salem nhận cái chết oan uổng vì án xử tử hình hay những cái chết trong ngục tù qua mùa Đông khắc nghiệt năm ấy. Số người bị tố cáo, ép cung là phù thủy, bị giam cầm và chết chóc tăng lên dần và nhiều người khác dắt díu gia đình bỏ xứ ra đi.

Có một người đàn ông giàu có và không tránh nổi cái chết khi ấy đã chuyển hết tài sản do lao động của mình cho con cái, trước lúc ra đi bằng một hình phạt mới "đá đè" cho đến chết đã buông một lời nguyền "Ta nguyền rủa các người, ta nguyền rủa Salem".

Những năm sau, một thời gian dài có những cái chết lạ lùng, bất đắc của những viên cảnh sát hay một vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra đã làm cháy trụi thị trấn Salem như một điều ứng cho lời nguyền ấy.

Những linh hồn oan khuất ấy không được siêu thoát mà lẩn khuất nơi góc phố, trong nghĩa địa hay lãng đãng trên bầu trời Salem nhiều nhiều năm.
(Câu chuyện kể bằng hoạt cảnh ở một bảo tàng)

Chắc có thể vì câu chuyện đau thương xảy ra trong quá khứ ấy mà người ta luôn nhớ tới lời nguyền và hàng năm sau này, Salem trở thành một thành phố du lịch gắn với ma quỷ, phù thủy và Halloween. Lễ hội ở thành phố năm nào cũng luôn náo nhiệt, để đón những hồn ma bay về vui với người dương gian như một lời tạ lỗi của những thế hệ sau với những sai lầm của thế hệ trước.

Ở Salem rất nhiều những cửa hàng cho du khách mua sắm hàng lưu niệm bằng những áo nón, mặt nạ và vật dụng cho lễ Halloween. Du khách có thể thưởng thức phim ảnh, hoạt cảnh về ma quỷ, phù thủy và bói toán trong những bảo tàng mini. Vô bảo tàng, đi qua nghĩa trang hay ngang một góc phố, một bóng ma xồ tới, bất chợt rùng rợn la lên một tiếng hay ríu rít ôm lấy người bạn kế bên hoặc giật mình rồi cười vang rũ rượi.

Đến thăm Salem, ta có thể tìm hiểu về một thành phố biển xinh đẹp, biết được lịch sử phát triển của nó từ những con người đầu tiên trong đoàn quân Thanh giáo di cư từ Anh quốc tới miền đất này. Họ từ chối lệnh nữ hoàng, không tới Virginia, một vùng đất Bắc Mỹ là thuộc địa Anh ngày đó, để định cư và lập nghiệp tại đây. Và cũng chính những người Thanh giáo này sau thời kỳ làm ăn và phát triển, tách biệt hẳn sự phụ thuộc cố quốc, đặt nền móng xây dựng một nước Mỹ tự do.

Tới Salem, ta sẽ còn biết thêm về sự phát triển của các ngành công nghiệp, nhất là hàng hải . Và nơi đây có rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn.
Bé Nhí ở Salem, MA.

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Dõi theo bước chân con.

Bữa nay con gái tròn hai mươi.
Một cuộc điện thoại đường dài và cả nhà đồng thanh: Chúc mừng sinh nhật Hai. Vui quá phải không và khoảng cách địa lý bây giờ là điều bình thường, như là cả nhà vẫn bên nhau.

Cả nhà chúc cho Hai vào tuổi Hai mươi, tươi trẻ, vững vàng, mọi sự tốt lành và thành công nhé. Bố mẹ luôn dõi theo bước chân của con gái trong bấy nhiêu năm và kịp ghi những khoảng khắc thời sự, là kỷ niệm tuổi thơ.

Sinh nhật năm nay, quà tặng cho con là một trang vài hình ảnh 20 năm bố ghi lại. Ta coi hình và cười vui với nhau nè.

* Ngày thôi nôi, bé quên tất cả, chỉ nâng niu nắm xôi, hi hi...
Chắc tại sinh ra trong gia đình có truyền thống của những tâm hồn ... ăn uống bao la

* Ngộ nghĩnh

* Cái xích đu bố làm cho Hai nè, coi lại bài Cái xích đu một chút,
nó vẫn đứng một chỗ và gần bằng tuổi Hai luôn rồi đó.


* Thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám.

* Bố con đi chơi Vịnh Hạ Long.
Khi 20 tuổi bố cũng đang học năm thứ ba, giống như con bây giờ đó.

* Bắt đầu những ngày đi học xa nhà.
Cả nhà chân đi, nên mỗi Hè về là Hai và Nhí được bố mẹ cho đi chơi đây đó.
Nhớ là khi nào cũng thấy Nhí nhõng nhẽo chị Hai hết đó. * Đường dài đi học.



Cả nhà ta cùng thương yêu nhau,
Xa là nhớ gần nhau là cười.

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Bố con nhà Nhí.

Đi học về, thấy một bọc quà tặng là mấy cuốn tạp chí Tin học và nhà trường số mới người ta mang lại nhà, Nhí mở coi liền, phát hiện bố có bài này, thêm một bài và ơ còn bài này nữa nè, viết trên blog được đăng ở tạp chí. Bạn Anh Đỗ Nhí nhà ta vui ghê, cười tít hết cả mắt.
Cảm hứng và làm như tà nanh với bố, mấy bữa nay trên đường đi học, Nhí bày đặt mần thơ. Chưa đến nỗi con cóc mà cỡ con ếch ộp nhưng cũng biết nói là thơ bốn chữ và thơ thất ngôn tứ tuyệt nhe bố, khiêm tốn đọc bố nghe và sửa giùm coi. Bé Nhí yêu cầu đăng bài trên blog, vui vui và tặng sớm sinh nhật chị Hai nè.
Thơ con trẻ, vui vui thiệt, để người lớn hiểu thêm suy nghĩ của các bạn nhỏ. Tựa do bố Nhí đặt.

Học thêm.
Hôm nay thứ Hai,
Nhí thật thoải mái,
Không còn bải hoải
,
Vì chuyện học bài.


Chính khóa khỏi lo,
Học thêm mới khó,

Giờ chơi không có,

Nhí
ngồi buồn so.

(Ảnh: Tan trường, n
ơi hẹn hò của bố con. )


Tặng sinh nhật chị
Hai.
Em học lớp Bảy chị lớp Ba.
Em học ở nhà, chị học xa.
Khóa em tới tận mười hai lớp,
Khóa chị bốn năm được về nhà.

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2010

Nhớ Mẹ.

Bữa nào mà buổi sáng trước khi đi học, Mẹ dặn chiều nay không nấu cơm nhé, là đứa nào cũng vui mừng vì chiều ấy sẽ được ăn ngon. Có thể buổi chiều khi đi làm về, Mẹ sẽ ghé cửa hàng đổi bún, rồi về nhà quạt than làm bún chả hoặc làm bún thang hay cuộn nem chiên ăn với bún. Có thể chiều ấy Mẹ mua một món ăn gì đó, cả nhà luôn thích thú nhất là món bánh tôm Hồ Tây...

Thỉnh thoảng Mẹ làm bánh cuốn khi có ít gạo quê. Gạo ngon được ngâm từ ngày hôm trước và mang xay bằng tay trên một cái cối đá nặng. Vừa quay cối đá vừa châm nước để ra một thứ bột nước trắng tươi. Anh em thích xay bột, nhưng chỉ quay được một lúc là mỏi tay, phải thay nhau. Cái cối đá ấy nặng chình chịch, chiếm một góc bếp, lâu lâu mới mang ra xài và như là của chung. Nhà nào hàng xóm có việc thì lại nhà mượn cái cối đá.
Đồ nghề làm bánh cuốn giản đơn là một bàn căng tròn kín khít miệng xoong, một cây tre dẻo và cái muỗng lớn. Bánh cuốn ngon hay không chắc là do gạo ngon và tỉ lệ pha giữa bột với nước, và phần lớn nhờ tay người pha nước chấm.
Mấy anh em ngồi xung quanh coi mẹ làm. Nhớ lắm bàn tay Mẹ vê tròn cái muổng trên bàn căng và cây tre khéo léo cuộn lại rồi kéo lên miếng bánh tráng mỏng tang gọn gàng.

Bây giờ nuôi gà ở thành phố là để chơi vui, nhưng ngày trước ngoài đàn gà, Mẹ thường xuyên nuôi một hai con heo để cải thiện sinh hoạt gia đình. Nhớ có một lần, buổi sáng ra cho gà ăn, thấy cả đàn gà quay lơ, chắc là chúng bị cúm. Cả nhà tiếc ngẩn ngơ. Mẹ nói để mẹ làm nước mắm. Nước mắm gà cả đời được ăn một lần, thơm lừng và ngọt ngay, ăn với bún hay cơm nguội một lần là nhớ mãi.

Xung quanh nhà có miếng đất trống nào là mẹ trồng Chuối tiêu và Sắn dây. Lâu lâu có một buồng chuối đủ già, mẹ dú bằng nhang trong một chiếc thùng kín. Khi Chuối chín thơm lừng, mang cho mấy nhà hàng xóm thân mỗi nhà một nải, con cái một phần, còn lại Mẹ gởi người ta bán đi lấy tiền lo cho việc khác.

Sắn dây Mẹ trồng khi nào củ cũng lớn. Có củ Sắn dài cả mét, lòn sâu chui tới tận móng nhà, phải moi lên từng ít đất một để lấy được nguyên củ. Mẹ lại nạo củ, ngâm nước, làm bột Sắn dây để dành khi nấu chè hay làm thứ giải khát rất quý. Cứ nhớ mãi một lần, vì tiếc khúc Sắn dây mỏng, bàn nạo làm tay mẹ rớm máu.
Quanh năm ngày tháng không khi nào ở nhà thiếu bột Sắn dây. Trưa hè oi ả đi học về hay lúc nhóm bệnh trong người, một ly bột Sắn thoảng hương hoa Bưởi của Mẹ làm cho con cái vững lòng.

Cuộc sống có nhiều khoảng thời gian quá khó khăn. Mẹ chỉ biết bươn chải, ráng lo toan khuya sớm, không giành cho mình một điều gì dù rất nhỏ. Mẹ chỉ biết làm và mong muốn làm sao cho tròn một cuộc sống gia đình và cho các đứa con của Mẹ bớt phần thiệt thòi với chúng bạn.

Năm nay ngày giỗ Mẹ, dương lịch nhằm ngay ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam đó, Mẹ có biết không.
Ngày giỗ Mẹ.

Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2010

Thân phận.

Lao động nữ trong xã hội ta có mặt ở mọi lĩnh vực và cống hiến cho xã hội nhiều lắm. Trong đó, những bươn chải lo toan cho người thân, cho gia đình, nuôi dưỡng con cái ăn học của những người làm mẹ là những hy sinh không thể đo đếm.
Những người nữ này, bạn hỏi họ có biết ngày 20 tháng Mười là ngày gì, có lẽ họ chỉ lắc đầu rồi cười, và chắc là họ không có giờ đâu để nghĩ tới nó.

H1: Tìm Hàu (Mũi Né).


H2: Bữa cơm trưa tạm góc bếp.

H3: Khi người ta đã ngủ.
H4: Chợ nhỏ những con hẻm (Sài Gòn)


H5: Không biết nề hà một việc gì.
H6: Cô Năm Tôn Đản
(Q4 -SG)
H7: Ba gác chở mướn (khu Bình TriệuSG)

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010

Góc vườn cho Nhí.

Có những con vật bé nhỏ xung quanh, loay hoay kiếm thóc, nhặt cỏ, chung sống trong một cộng đồng là cái khoảnh sân bé tẻo teo. Thật là thích thú những ngày nghỉ hay mỗi chiều đi làm, đi học về, vung vẩy cho chúng ăn, ngồi ngắm chúng sinh hoạt cộng đồng thật là vui lắm, quên hẳn nỗi buồn khói bụi mới tức thì đường về.

Lâu lâu, mẹ Gà lại cho ra đời một đàn gà con.
Sau vài ba ngày nở, chúng sẽ được cho ra vườn chơi.


Tụi Se Sẻ biết được thức ăn của Gà con là cám tổng hợp, vừa bổ vừa thơm, nên kéo về ké cửa, nhiều bữa chúng kéo về hàng đàn, ríu rít.


Đàn gà con lớn lên nhanh lắm, chẳng mấy chốc những chú gà trống con trổ mã thay lông màu, mỗi đàn gà sẽ có những chú trống đẹp nhất được lựa ra để chăm sóc riêng. Trong đàn gà này tự nhiên có hai chú trống hoa mơ, là lạ, mai mốt lớn chắc sẽ đẹp lắm.



Bầu Hồ lô của bố trồng đấy, trái Bầu đẹp thiệt đẹp. Nhưng chỉ đẹp được ít ngày thì tự nhiên rụng mất.



Cây Khế của bố trái thôi là trái. Bố mẹ thường mang vô cơ quan cho các cô. Đám gà cũng rất thích ăn Khế ngọt. Buổi tối có một bác Dơi bữa nào cũng tới ăn Khế, rồi sáng ra làm rụng đầy sân, làm cô Hường quét mệt nghỉ.




Một bữa, có một chú sóc đang loay hoay trên cái xích đu, một hồi chú chun vô dàn bầu và phát hiện ra chính chú là thủ phạm cắn những cuống bầu Hồ Lô ấy. Ghét nó, nhưng bố nói kệ nó, mình trồng tiếp, chỉ cần một trái bầu đậu sẽ cho mình bao nhiêu hạt.



Còn Sô cô la, bữa nào xổng ra là dợt đám gà chạy trối chết.



Tuy vậy, ở góc vườn nhà, cả đám cây và những con vật nhỏ cộng sinh trong một khoảnh sân và không khí hòa bình.

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

Hà Nội tuổi thơ, cây và góc phố.

Gởi tặng các bạn Khánh tí, Văn mèo, Trung còi, Tula...

Hà Nội có một con đường đầy ắp kỷ niệm của tuổi thơ chúng tôi trong những năm đầu thập kỷ sáu mươi. Đó là một con đường vắng, đủ dài để chạy một hơi, con đường đó dẫn tới chùa Một Cột có tên: phố Ông Ích Khiêm.

Những buổi chiều nghỉ học, những trưa Hè trốn nhà đi chơi, những đêm ngồi ngoài đường hóng mát, cả một khu vực này là vương quốc riêng tư của tuổi thơ thanh bình. Hầu như tất cả các trò chơi, tử tế hay phá nghịch của đám học trò nhỏ chúng tôi đều diễn ra ở nơi đây, quanh cái ngã tư phố Đội Cấn Ông Ích Khiêm ấy.

Ngày ấy, con phố ấy vắng lắm. Ở đó bọn trẻ có thể đá bóng trên phố mà không bị rầy la vì cả ngày không có mấy người qua lại.
Buổi tối chơi vui ngoài phố, ngóng tiếng kéo lách xách của xe thịt bò khô để chia nhau đĩa nộm, hít hà vị cay xé lưỡi.
Có một ông lão mù tối nào cũng ghé nơi góc phố sáng ấy. Ông lão bán lạc rang húng lìu. Một vài đứa tối tối luôn ở bên cạnh ông lão để coi giùm ông những tờ bạc thật hay chỉ là giấy. Sau này mới hiểu ông lão mù ấy chỉ cần vuốt nhẹ tay lên tờ bạc là đã biết thật giả, nhưng mỗi tối ông vẫn ban phát cho bọn trẻ một hai cái chóp nón, trong đó là những hạt lạc rang húng lìu béo ngậy, giòn thơm nhớ đời.
Ở góc phố vắng đằng kia, lâu lâu có một trận tỉ thí của đám trẻ trong mấy khu tập thể thách đấu "tay bo" với đám trong chợ Ngọc Hà, rất quân tử kiểu con trẻ, một chọi một.

Có một trò chơi thật hấp dẫn là rủ nhau đi câu cá.
Cả đám chia nhau ra hồ rau muống phía sau chùa chính câu cá Săn Sắt , nhiều lắm những chú cá sặc sỡ sọc xanh đỏ với bộ vây đuôi thật dài và yểu điệu, những chú cá đực ấy rất ham chọi nhau. Một hai đứa nhanh chân và lỳ lợm thì được câu ngay ao chùa Một cột, ở đó có rất nhiều cá Rô. Những chú cá bằng bàn tay trẻ con thường quanh quẩn bên những bậc cầu ao, khi thấy bóng người là thoắt ẩn hiện bên cầu đầy hấp dẫn. Mỗi khi giật lên khỏi mặt nước, cá Rô ở chùa Một Cột có hàng vây màu hồng nhạt mạnh khỏe, cong mình giẫy giụa làm tung tóe những giọt nước long lanh dưới nắng xiên mái chùa.
Cần câu cá được làm từ thân cây sắn dài cỡ gang tay, vừa là phao vừa là cần. Khi câu cá nhớ phải lắng nghe. Nếu là tiếng lọc cọc của những cánh cửa gỗ ở ngôi chùa phía sau thì có thể rốn thêm một chút nữa khi phao đang nhấp nháy, còn hễ nghe tiếng dép loẹt quẹt của sư thày là phải mau mắn cuộn cần bỏ túi, vốc nước rửa tay rồi giả bộ đứng chơi đó, nghêu ngao mấy câu hát bên cầu ao.

Có hai hàng cây Cơm nguội vàng và cây Bàng lá đỏ, chúng không nằm kề bên nhau mà vuông góc với nhau nơi ngã tư phố ấy.

Tuổi mới lớn đã thấy hàng cây Cơm nguội nằm dọc hai bên đường dẫn đến chùa Một Cột. Mùa Thu về, lá Cơm nguội vàng dần rồi rơi rụng đầy đường, để tuổi thơ đi qua trông chờ cây đâm chồi, ra lá rồi đậu quả.
Lá cơm nguội mang màu xanh nhẹ của mạ non. Mùa cây ra lá làm đường phố tươi sắc sau mùa Đông ảm đạm. Những chùm quả cơm nguội bé tí ti, xanh mướt hấp dẫn vô cùng với bọn trẻ con trong phố.

Bẻ cành hay leo cây, bằng mọi cách mỗi đứa lấy đầy hai túi quần những quả cơm nguội xanh. Sau rồi dạo quanh những khoảnh vườn nhỏ trong mấy khu nhà tập thể gần đó, thế nào cũng tìm được những cọng lá đu đủ thật thẳng, ruột rỗng nhỉnh hơn quả cơm nguội một tí. Vậy là có thể chia phe ra chơi trận giả được rồi.
Bỏ một nắm quả Cơm nguội vào miệng và với cọng đu đủ ấy, thổi hạt bắn nhau, trúng đạn hơi đau rát một tí nhưng đầy thích thú . Đứa trẻ nào có được cái súng thổi bằng ống đồng hay thủy tinh là của hiếm, bắn đâu trúng đó, lâu lâu cho bạn mượn, thổi mấy nắm hạt đã miệng rồi phải trả lại.

Những quả cơm nguội còn lại trên cây vàng đi rồi đỏ lên dần theo nắng. Quả Cơm nguội ăn chát xít, khô và lạo xạo, không ngon nhưng mùa Cơm nguội nào cũng phải có nó cho đỡ nhớ.

Phố Đội Cấn có hàng cây Bàng cổ thụ sát tường rào khu K93 đứng vuông góc phố với những cây cơm nguội ấy. Những gốc Bàng không biết từ bao giờ, xù xì những cục mắt nu rất to xung quanh thân còn rễ cây nổi lên ngoằn ngoèo trên mặt đất, chạy dài làm nứt cả tường rào.

Khi Hè về là có Bàng chín. Quả Bàng càng lớn càng tròn căng, vàng dần. Có những quả no nắng, rám nửa đỏ nửa vàng. Đấy là những quả Bàng ngọt nhất, mềm nhất và thơm đượm mùi học trò. Đập vỡ hạt Bàng, và phải khéo tay, bọn trẻ con lại tìm được trong đó vị bùi, béo lại thơm của nhân Bàng nho nhỏ.
Những năm sau này, nghe ai đi chơi Côn Đảo, chỉ dặn dò nhớ mua giùm cho bạn môt hộp nhân Bàng sấy ngoài đảo nghe.

Chỉ cần sáu bảy cái lá Bàng lớn và mấy cây tăm tre, bọn trẻ con có thể làm được một cái mũ cánh chuồn của các quan ngày xưa, thay nhau trịnh trọng lên giọng làm ông cụ non.
Những cái lá Bàng lớn và xanh non làm mũ cánh chuồn ấy, là của một ông lão bán xôi trong chợ Ngọc Hà làm rơi lại. Mỗi ngày ông hái một ít lá về rửa sạch để mai sớm bà lão ở nhà gói xôi bán cho người ta.

Xôi sáng Hà Nội thơm lừng, lá Sen xôi Xéo, lá Chuối xôi Ngô hay lá Bàng xôi Lạc...

Ngày ấy, đám trẻ con cũng có những câu hát riêng của chúng, rằng mùa Đông áo đỏ, mùa hạ áo xanh, cây Bàng mở hội là chim đến vây quanh, rằng chim ơi chim, kìa cây Bàng đâm chồi, rủ nhau về trước ngõ chim tha hồ chim hót vui...

Hàng cây bàng cổ thụ nay không còn nữa trên đường Đội Cấn, chỉ còn lại vài bác Cơm nguội già ở bên kia đường, chắc là hàng năm vẫn mùa Thu cây trút lá vàng, cho gió thổi bay tới tận cổng chùa Một Cột.

Có một cây liễu, cành lá là xà bên mặt nước Hồ Gươm ngay góc phố Hàng Khay. Một căn nhà nho nhỏ hình bát giác, đứng đó một mình ven hồ nước đã từ lâu lắm. Đó là quầy kem một thời mang tên Bốn Mùa.

Có những chiều nghỉ học, cả đám học trò ríu rít chạy xe đạp tới nơi đây. Chị bán hàng mậu dịch luôn ưu tiên bán cho lũ học trò ấy mỗi lượt cả một mũ kem cốm, chị mỉm cười âu yếm nhìn chúng, và nhớ về một thời đi học.
Có một ngày tiệm kem Bốn Mùa bên hàng liễu rủ, những thằng bạn thân Chu Văn An Hà Nội, một ngày học cuối cùng, giã trường thân yêu, chia tay mãi mãi tuổi học trò.

Nhiều năm xa Hà Nội, mỗi khi tìm về là sẽ một vòng đi thăm các bác Sấu già, hàng cây Cơm nguội và về bên cây liễu rủ. Ở đó dù tháng nắng hay ngày Đông giá lạnh, sẽ được ngồi nhâm nhi kỷ niệm bên ly cafe buổi sáng và lặng lẽ ngắm mặt Hồ Gươm đong đưa với mây trời.
Với ai đó, Hà Nội là phố cổ, là cửa ô, là khúc ca, là hương hoa sữa nhưng với chúng tôi, Hà Nội là góc phố tuổi thơ với con đường yên vắng và những bác cây thân yêu, già nua cũ kỹ.

***

Người ta khoác lên mình những cây xanh của Hà Nội những chiếc áo điện đủ sắc màu của đèn Led nhân sinh nhật ngàn năm Thăng Long. Nghĩ là cho các bác cây già đỏm dáng ít ngày, nhưng nghe nói đâu, những chiếc áo điện và đèn màu nặng nề ấy sẽ được những cây xanh của xứ sở nhiệt đới mang trên mình để làm duyên với đời trong mười năm nữa, tới tháng Chín năm 2019. Hết một đời con trẻ đi học. Và không biết các bác cây già có thấy thích thú những chiếc áo ấy không nhỉ.

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Vô tâm hay vô cảm.

Bệnh vô cảm trong cuộc sống và trong nếp làm việc ngày một lây lan như là căn bệnh khó chữa. Nó làm cho cuộc sống của ta vốn đã mệt mỏi do những tiện nghi sống đang bị đánh mất cộng thêm vào những khó chịu thường trực mỗi ngày.

Đọc báo buổi sáng. Chuyện xảy ra ba ngày trước vào buổi trưa. Một cô gái nhỏ ở Tân Bình Sài Gòn gặp cướp vào nhà, một mình hô hoán, một mình xách xe máy đuổi cướp, một mình xông vào tên cướp. Mà ở Sài Gòn thì người ta đông lắm, ở đâu và giờ nào cũng vậy.

Từ những việc rất nhỏ của người thợ vá xe bên đường. Tại sao có một số người thợ cứ thích bẻ đi cái đầu vòi ruột xe để thay mới chứ không muốn miếng vá mấy ngàn đồng. Một hôm xe cán đinh, ngồi kế một cậu chàng chắc là sinh viên, đang rón rén mở bóp, coi lại có đủ tiền cho một cái ruột xe mới, thương quá. Lúc đi hỏi nhỏ đủ không, cậu chàng cười cười, gật đầu cám ơn bác.

Mấy bữa rày Sài Gòn triều cường dâng cao và mưa ngập đường. Xe hơi xe máy cứ thế ào ào, nhất định cho nước mưa hòa nước kênh Nhiêu Lộc phải văng ướt áo bé con ngồi yên sau chơi.

Từ một ngã tư đường phố, không có "tiếng hát reo vui từng giờ khi nắng mai về..." mà là cảnh xe hơi đút đít nhau cách một gang tay quyết không cho một xe máy len qua dù đèn đỏ bên mình đã bật sáng. Xe hơi dừng giữa đường còn ráng nhích thêm một miếng, có lội bộ cũng không qua lọt.

Buổi sáng đi làm. Đèn xanh đỏ hai chiều cứ nhấp nháy đều đặn mỗi bên chừng hai chục giây, mới vô số nhích lên là đèn về đỏ. Quá nhiều ngã tư như vậy mà ai cũng biết chỉ cần điều chỉnh lại tần suất đèn tín hiệu mỗi bên cho hợp lý với lưu lượng xe là đường sẽ thông. Những người điều hòa giao thông dửng dưng đứng góc đường thổi còi toét một tiếng mỗi lúc đèn đổi làn, không cần biết dòng xe trên con đường chính kia đông nghẹt, dài gần nửa cây số đứng im.

Lô cốt ư? ngày ấy con bé con ở nhà đường đi học lớp Năm cực nhọc, nay lớp Bảy vẫn thế, xung quanh cái khu Tân Định, Phan Đình Phùng, Cầu Bông, Bà Chiểu ấy, là chưa nói gì chuyện mần ăn kiếm cơm của các hộ dân những con đường lô cốt. Nói hoài, ai đó sao thế cứ mãi dửng dưng.

Lực lượng thanh tra xây dựng đô thị lập ra chỉ thấy đi phạt xe pháo lề đường, còn nhà cửa muốn xây sao xây, xây rồi gọt đi bốn năm tầng chơi chơi, dài dài vậy thôi.
Cái chết của cậu bé múa lửa kiếm sống từng đêm ở các quán nhậu bình dân ven bờ kè Nhiêu Lộc ngay trên cái cống xây dựng dở dang không nắp một đêm mưa năm nào. Hai bữa trước ở Thủ Đức, một người dân nước cuốn trôi bỏ mạng trong ống cống. Tiếng thét xé lòng mẹ ơi, mẹ ơi... của đứa trẻ 13 tuổi chứng kiến cái chết của mẹ vì vướng vào cái nắp cống bữa 9 tây vừa rồi cũng ở Thủ Đức, đau đớn quá. Không thể hiểu nổi cách làm việc và quản lý xã hội như thế. Và họ có suy nghĩ gì.

Nhưng. Con đường Bùi Hữu Nghĩa Sài Gòn nước ngập triều quanh năm, lởm chởm ổ gà. Một chiều hôm ấy khi nước triều lên, đường lênh láng như sông. Có một bác già bán đồ ghết xe đạp chợ Bùi Hữu Nghĩa, đứng nơi hiên nhà, chỉ đường cho xe chạy qua một bên kia. Chắc hẳn đã có ai đó sụp té ổ gà trước cửa nhà bác ấy. Nhìn sơ, đoán chừng bác ấy ở tuổi bảy mươi.

Ngày xưa nhà ở khối I khu Hoàn Kiếm, là trung tâm của thủ đô đó. Nhớ là có mấy nhà lối xóm, bữa nào có món ăn lạ hay tô canh ngon, thường mang sang nhà cho nhau trước bữa cơm. Sực nghĩ hay là sự quan tâm tới nhau ấy như là chuyện của người xưa, ngày xưa rồi.

Đọc đâu đó chuyện ở ngoài kia mùa lễ hội, những người nông dân cơm nắm muối vừng lên thành coi lễ, ngủ sương ngoài quảng trường chờ sáng. Sao không thể tổ chức, sắp xếp trước cho họ những khu ở tạm xa xa, những nơi cho họ xem lễ và vẫy cờ hoa. Chuẩn bị mười năm, đại lễ tới mười ngày, cho Thăng Long tiếp khách là bà con các miền đất nước. Sao vậy, buồn quá.

Tối hôm qua ấy, giá mà thêm vào một lời chia buồn an ủi cùng gia đình bốn con người tử nạn vì pháo bông phục vụ đại lễ, thêm vào phút mặc niệm mấy chục đồng bào miền Trung, thêm vào một lời kêu gọi người dân Hà thành nhớ về miền Trung bão lụt, của vị đứng đầu thủ đô đọc lúc khai mạc đêm hội Mùng Mười ngày kết thúc lễ, sẽ là cảm biết bao nhiêu.

Chỉ là lâu lâu tự suy nghĩ vu vơ. Giống như một bữa nào cũng ngồi coi ti vi chính phủ đón giáo sư Ngô Bảo Châu, thấy có một người nữ ngồi bên người đoạt giải chỉ ngó ngang lên sân khấu. Ra là nhiều người cầm giấy đọc "thưa giáo sư..." mà ai cũng bỏ quên ở nhà mất mấy chữ "...và phu nhân".

Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

Nhắn nhủ với con.

Bắc Trung bộ lại lụt. Năm nay cũng nặng nề và xót thương như nhiều năm qua.
Hết những trận lũ quét ở vùng Tây Bắc đến những trận lũ lụt ở khắp các tỉnh miền Trung. Lũ nuốt trôi bao nhiêu tài sản của người dân, mỗi tỉnh nhiều ngàn tỷ đồng sau một trận lũ lụt. Đau thương hơn là nó còn mang đi bao nhiêu phận người, con dân lam lũ.

Một cô giáo sợ mưa ướt sách học trò, vội vã tới trường để rồi mãi mãi không trở về với con.
Một đám tang ghe thuyền đau thương trên dòng nước lũ.
Một xã bị nhấn chìm, mấy ngàn con người thoát được lên núi, sống cô lập trong hang đá mấy ngày, đói rét đến kiệt sức, kiếm miếng ăn trên xác con bò trôi.
Những đứa trẻ đói ngấu nghiến miếng mì gói bóp vụn lẫn nước lũ.
Những hộ dân dầm mưa trên mái nhà nhiều ngày.
Đôi bàn tay em nhỏ vẫy vẫy kêu cứu trong tuyệt vọng.
Có cả sự chết của người già, sự sinh của trẻ nít trong nước lũ.
Hơn năm mươi con người. Có nhắm mắt lại vẫn thấy hãi hùng.
Nhiều lắm. Đọc báo chí mấy ngày qua sẽ thấy rất nhiều hình ảnh và tin tức về trận lụt, nhưng mới chỉ là một phần, còn bao nhiêu nơi, bao nhiêu người mà người ta không thấy, bao nhiêu nơi người ta không tới nơi được.

Năm trước là xả lũ thủy điện A Vương, ào ạt làm nát tan xứ Quảng. Kông Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi hơn trăm con người đi xa mãi. Chỉ một tháng sau người ta lại xả lũ sông Ba Hạ, cũng ào ạt cho Ninh Thuận, Tuy Hòa chìm trong nước, đến đầm Ô Loan mà còn lụt. Lại mang theo đi hơn trăm con người nữa của Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định...

Người ta cứ liên tục phá rừng, lấy hết gỗ rừng và khai thác tài nguyên bất kể mọi giá. Người ta cứ ngăn sông, trữ nước xả nước, xây thủy điện khắp nơi cũng ào ạt như nước lũ ấy. Để rồi ông Trời trừng phạt, mà người gánh chịu nhiều nhất lại là những người dân vô tội. Và rồi cuộc sống con cháu mai này...

Chờ đợi mấy ngày, rồi thì người ta cũng quyết được một ý hạp lòng là ngưng bắn pháo hoa trên gần ba chục điểm trong đại lễ kéo dài mười ngày ấy và để chuyển số tiền ấy cho miền Trung bão lụt. Ngoài thực tế tiền bạc còn là thể hiện một tấm lòng biết nghĩ, bầu bí còn biết thương nhau.

Có một góc riêng tư ở nơi đây, mong mỏi chỉ là những điều tốt đẹp của cuộc sống, để nhâm nhi và để gởi gắm những ngọt lành cho con, sau là cùng ừ à với bạn bè gần xa, những bạn bè giản dị, dễ thương xung quanh ta.
Nhưng đôi lúc có những chuyện đời, con ơi phải biết, phải hiểu, xót thương và chia sẻ.

H1. Tang trên lũ (internet)
H2. Nhà bác cứ coi ngọn cỏ trên hàng rào là biết lũ cao và mạnh cỡ nào.

Thứ Năm, 7 tháng 10, 2010

Mẹ con nhà Gà Tre.


Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

Cái bản lề cửa.

Cả tuần lễ nay ngày nào bé cũng dậy trễ. Bữa ăn sáng sớm mai dở dang, ôm cặp sách ra khỏi nhà vội vàng. Sợ rằng lỡ có một đột biến nhỏ trên đường đi học, như là Sài Gòn đỏng đảnh buổi sáng chợt một cơn mưa nhỏ, hay lỡ có hai chiếc xe bus buồn vui dàn hàng ngang chạy trên đường phố, là trễ giờ vào lớp, là cô giáo nhắc nhở, là quê với chúng bạn, là mất điểm hạnh kiểm, là kéo theo một vài chuyện nữa không hay trong lớp học.

Ít bữa nay có nhiều bài học và lại sắp bước vào mùa thi, bé đi ngủ hơi trễ. Cha lại thường làm việc khuya. Mỗi lần mở cửa phòng ra vô, tiếng cọt kẹt của cái bản lề cửa, dù rất nhỏ nhưng cha nhìn thấy bé trở mình.
Ráng lắm, mỗi lần ra ngoài, cha bé vừa nắm vặn cửa, vừa nâng cánh cửa lên mới mở mà cái bản lề vẫn kêu một tiếng kẹt nhỏ, và bé vẫn trở mình. Chỉ tại cái bản lề đã cũ kỹ.

Nhắc lòng , mai đi làm về nhớ kiếm miếng nhớt nhỏ vô bản lề, ấy rồi cha lại quên lửng. Cha nhiều việc quá. Mai quên, mốt cũng quên nữa, thành ra đã một tuần lễ qua, cái bản lề cửa vẫn cứ kêu cọt kẹt.
Bữa nay nghe tiếng kẹt cửa, cha bé nhẹ nhàng xuống nhà, mở mãi cái nút thăm nhớt xe máy để lấy ra chút nhớt mà không được, vì anh thợ thay nhớt bữa trước xiết nó chặt quá tay. Khuya rồi, không muốn ồn ã lại phiền tới cả nhà.
Cha bé ngồi buồn một chút vì còn ra vô là bé chưa được ngủ ngon.

Chợt nghĩ, tại sao ta không lấy miếng dầu ăn mà tra vô bản lề cửa nhỉ? Cái chai dầu ăn Con Két ở ngay chỗ kệ bếp kìa. Trời đất, có vậy mà không nghĩ ra.
Trước giờ là vậy, chỗ nào cần quay quay trơn trơn là cứ phải kiếm đúng là nhớt, người ta còn kêu là dầu luyn ấy, mới xài. Cái bản lề cửa ấy, rồi cả cái ống khóa mắc mưa ngoài cổng nữa, bé xíu xiu mà cứ phải là mấy giọt nhớt mới được xài, bao nhiêu năm nay vẫn làm vậy. Tại sợ kiến, sợ gián hay do cái thói quen của một thời, ai ai người ta cũng làm như ai. Bây giờ tụi kiến gián nó đâu có vô nhà nữa, vả lại nếu vô đã có thuốc xịt.
Là cái thói quen một thời làm cho người ta thủ cựu và trì trệ. Có những thói quen hay những việc mà bắt buộc phải làm theo, có khi làm chậm đi mất một quãng đời.

Cha bé lấy chai dầu ăn , lấy cái ống hút bịt ngón tay một đầu, nhỏ từng giọt dầu Con Két vô cái bản lề cửa rồi lau sạch sẽ.

Bữa nay thì cha bé có mở cửa phòng ra vô phòng mấy lần thì con gái cũng hổng hay. Cái bản lề đã quay trơn, im ro và bé chỉ cần biết việc của mình là ngủ cho ngon lành, sớm mai đi học.

Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010

Đền Đô, Đình Bảng.

Làng Đình Bảng Bắc Ninh là nơi sinh ra Lý Công Uẩn, vị vua đầu tiên của triều đại Hậu Lý. Lý Công Uẩn tức vua Lý Thái Tổ gắn liền với ngàn năm Thăng Long ngày hôm nay.

Làng Đình Bảng bây giờ như là một thị xã kiểu nửa phố thị nửa làng xã, nằm bên trong bờ đê sông Đuống và ngoài kia là con sông Hồng năm tháng đỏ nặng phù sa. Đình Bảng nằm ở phía Bắc , cách Thăng Long Hà Nội chừng hai chục cây số. Đình Bảng vốn có một truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời, giá trị bền vững. Người Đình Bảng năng động và hiếu khách.

Triều đại nhà Lý với quốc hiệu Đại Việt, một vương triều có chín đời vua trị vì đất nước, vị vua đầu tiên là Lý Thái Tổ đến vị vua cuối cùng, nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng kéo dài hơn hai trăm năm.
Nhà Lý mở mang bờ cõi về phương Nam, đuổi quân Tống phương Bắc, với danh tướng Lý Thường Kiệt đánh tới châu Ung đất Quảng Tây Trung Quốc bây giờ.
Nhà Lý mở trường đại học đầu tiên Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Mọi người đều đã biết qua đọc lịch sử nước nhà nhưng ai cứ muốn gởi cho ai đó ở xa, để một chút nhớ vào ngày kỉ niệm đất Thăng Long ngàn năm.

Đền Đô hay Đền Lý bát đế được xây dựng vào thế kỷ 11 tại làng Đình Bảng, quê hương họ Lý, hai năm sau khi vua Lý Thái Tổ băng hà để làm nơi thờ tự ông. Sau này nơi đây trở thành đền thờ tám vị vua triều Lý. Vị vua nữ Lý Chiêu Hoàng được thờ phụng ở một nơi khác. Ở Đền Đô có bàn thờ, có ghi chép tên tuổi, năm trị vì của từng vị vua. Cũng theo ghi chép lại của đền, vào năm 52 thế kỷ trước, chiến tranh làm đền bị tàn phá toàn bộ. Về sau các cháu con nhiều đời ở làng quê này đã phục dựng lại và gìn giữ đến nay.
Mùa Xuân năm 1010, Lý Thái Tổ, vị vua có một tầm nhìn rộng lớn ban chiếu dời đô và tháng Bảy âm lịch năm ấy, kinh đô nước Việt từ rừng núi Hoa Lư chuyển về thành Đại La với tên gọi mới Thăng Long.
Hàng năm ngày rằm tháng Ba âm lịch, nơi đây vào mùa lễ hội Đền Đô.

Về thăm Đình Bảng, Đền Đô vào những ngày nông nhàn, ngồi bên ly rượu quê Đình Bảng, nhâm nhi cùng những món ăn quê để được nghe kể chuyện mùa lễ hội, chuyện vương triều. Một triều đại rất dài, nhiều hào khí và cũng nhiều mối quan hệ phong kiến phức tạp ngày xưa trong hoàng tộc, lúc thịnh lúc suy hay lúc chuyển giao vương triều, dân sử làng vì yêu quê hương nên thuộc, nên kể, nên cũng đáng say sưa lắm.

Chuyện kể có một năm nào cúng giỗ, đúng ngày giờ rước vua, cả tám vị vua Lý cùng về làng. Chuyện kể lâu lâu nơi đây vẫn thường được nhìn thấy rồng về gởi theo áng mây.

Có một người ở làng yêu Đình Bảng lắm. Đấy là bác Thìn. Năm nay đã lớn tuổi nhưng cả đời âm thầm tìm hiểu và sưu tầm mọi sự về vương triều Lý. Là người có nhiều công lao với nền giáo dục nước nhà, bác ấy là một nhà giáo nhân dân, viết nhiều sách, nhiều thơ về triều Lý và lễ hội Đền Đô.
Yêu chụp ảnh từ thời trẻ trai và để làm đẹp cho quê hương, người trên thương đã cho bác chứng kiến những khoảnh khắc tuyệt vời ngay trên sân gạch Đền Đô.

Đó là tấm hình Bát Đế hiển linh, bác Thìn chụp ở sân đền một sáng tháng Bảy âm lịch trong ngày giỗ thứ 823 của vị vua thứ sáu Lý Anh Tông. Sáng ấy bầu trời nhiều mây trên khu Đền Đô, bỗng dưng như có phép lạ, mây trắng khi ấy tản ra, rồi tụ lại thành tám áng mây đứng đó trên trời Đền Đô. Người Đình Bảng mừng vui nói, là Lý Bát Đế về với làng mình.

Đó là tấm ảnh Hoàng Long giáng vân bác chụp vào ngày kỉ niệm 300 năm Sài Gòn, 12 năm trước đây cũng ở ngay sân Đền. Nhìn gợn mây trên tấm ảnh này ở một góc mái đền, ta cứ hình dung hình ảnh mà trước đây gần ngàn năm khi đi thuyền trên sông từ cố đô Hoa Lư về thành Đại La, vua Lý Thái Tổ đã nhìn thấy và lấy Thăng Long đặt tên cho kinh thành.

Nếu ai có dịp về Bắc Ninh, nên một lần đi vào một dịp mùa Xuân để được xem hội Đền Đô, để tìm hiểu lịch sử và văn hóa của một làng quê Việt lâu đời, để đi trên con đường làng gạch đỏ lát đứng đến cổng từng nhà. Đất đai nơi đây màu mỡ phù sa, vườn nhà xanh ngát, cây cối tốt tươi cho nhiều hoa trái.

Những ngày này về dự hội Thăng Long ngàn năm, thế nào cũng phải tới thăm trường đại học đầu tiên Văn Miếu Quốc Tử Giám của nhà Lý. Sau rồi lên mạn Bắc đi trên cây cầu Long Biên già nua một lần, ghé về thăm Đền Đô Đình Bảng. Thắp nén nhang trên bàn thờ Lý bát đế rồi qua thăm đình làng, ngồi uống trà với bô lão. Đình làng Đình Bảng là một ngôi đình nhà sàn lạ kiểu tuổi đời đã hơn hai trăm năm.

Có một điều không thể vội về mà quên lãng là nhớ tìm ăn một vài món ăn ngon ở đây. Món chả lá Na non thật là lạ miệng. Bánh đúc Đình Bảng, thứ bánh Đúc với đậu lac chín vừa, chấm với tương hột. Miếng bánh Đúc ấm nồng mùi vôi quê hương, ăn no không biết chán. Còn một việc nhỏ chớ quên, nhớ mua về ít bánh phu thê Đình Bảng nổi tiếng, làm quà cho người ngồi nhà để ai đó được đi chơi xa .
(Hình 4,5: internet)