Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

Bài bí dí ảnh.

Lọ mọ trên mạng thấy mấy tấm hình một thời tại sao.
Kính ly rượu, mạn phép chủ nhân mượn về, bình loạn và nhâm nhi chơi.







1. Canh me hàng về.



2. Vỏ xe Sao vàng
, vỗ tay kịch liệt, cười vui như Tết, chắc là phần thưởng, thi đua cuối năm.

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Giang còi, Quốc và "Biển".

Bận bịu với bao nhiêu mối giao lưu cùng bè bạn và người hâm mộ sau khi đoạt giải nhất văn học tuổi 20, rồi Quốc cũng sắp xếp lịch ngồi nói dóc một bữa với mấy anh em một thời sỹ quan máy tàu biển.
Quốc đang đi sỹ quan điện trên tàu Lucky, công ty vận tải biển Việt Tiến, cùng làm việc chung với ông bạn Giang còi và nhiều người bạn biển cũ.
Quốc viết nhiều truyện ngắn trên Tuổi trẻ và nhiều báo, cũng khá lâu rồi, dân nghề rồi. Lần trước là "Sóng biển rì rào" đoạt giải và lần này là "Biển".
Đọc những truyện ngắn của Quốc rất thú vị với cách kể chuyện dí dỏm, nhẹ nhàng nhưng đích cuối của mỗi câu chuyện lại muốn nói về một điều khác, cũng là một cách lạ và rất hay.

Tiểu thuyết "Biển" của Quốc viết gồm 19 câu chuyện nhỏ, với những người và những việc trên một con tàu chở dầu mà bạn làm việc cùng những sỹ quan, thuyền bộ người nước ngoài, lại đánh thuê cho một công ty biển Việt Nam.

Mới được đọc cuốn tiểu thuyết đầu tiên của người đi biển viết về nghề nghiệp. Tác phẩm đoạt giải nhất văn học, nên mọi người khen nhiều. Xin chúc mừng cho Quốc.
Tuy vậy, cuốn sách bối cảnh là môi trường làm việc cùng thuyền bộ và ban chỉ huy là người Ấn Độ, thông qua công việc và những mối quan hệ cá nhân trên con tàu, và trong những năm gần đây, chưa mang cái chung nên chưa có nhiều chuyện về tính cách, về những riêng tư của những thủy thủ, thợ máy, của những sỹ quan giỏi, những con sói ngành đường biển Việt Nam. Nói thế nào nhỉ, tức là hơi riêng, đọc xong chưa được đã lắm. Cũng chưa hiểu cách của bạn sử dụng những tên của thuyền viên người Việt là Hi, Ha, La, Đa, In, Ip... Và việc nữa là sử dụng các chức danh cùng những công việc trên tàu biển bằng từ tiếng Việt để người ngoài ngành dễ hiểu, đỡ phải nhìn lên xuống trang sách. Đó là một vài góp nhỏ với tiểu thuyết của bạn trên góc độ một người đã đi biển. Cuốn sách có rất nhiều người đọc.

Bữa nay con tàu Lucky của các bạn chào Sài Gòn, lại ra khơi cho một chuyến biển mới. Là một lời chúc tốt lành tới các bạn Quốc, Giang còi, Minh Pho, Babilon, Túc gù cùng mọi người trên tàu, sức khỏe và hẹn tái ngộ. Chúc Quốc sẽ viết khỏe và sẽ cho những tác phẩm thật hay của ngành nghề tuy vất vả nhưng rất riêng tư, rất tự hào của bạn và đồng nghiệp.

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Nhớ hàng Sấu đôi.

Gởi Hà Nội tuổi thơ.

Thành phố đã về khuya, trên những con đường chính vẫn còn ồn ã người và xe cộ nhưng trong những con hẻm nhỏ yên ả ở Sài Gòn, giờ này giấc ngủ đã về.
Nhà ai bên ấy còn chong đèn. Và câu hát của ai nhỏ nhoi trong thanh vắng, sao bỗng thấy nôn nao. "Hà Nội ơi, xanh xanh liễu rủ mặt Hồ Gươm, cô đơn Sấu rụng ngoài ngõ vắng".

Xa Hà Nội đã lâu quá rồi. Trong ký ức xa lắm, khi biết nhớ là đã yêu Hà Nội cùng những cây Sấu gắn với tuổi thơ nghịch ngợm. Và có ai động lòng khi nghe tiếng Sấu rụng ngoài ngõ vắng.

Lúc nhỏ nhà ở phố Ông Ích Khiêm, ngày xưa Hà Nội thưa vắng lắm. Một trưa hè tĩnh lặng, ta có thể nghe được tiếng Sấu rụng lẫn vào tiếng Ve kêu i a. Âm thanh lịch bịch của những trái Sấu chín vàng mọng rớt xuống sau cơn gió như một lời mời gọi.

Ven lối đi rải sỏi trắng bên trong khu nhà ở của đại sứ Tiệp Khắc, ngay góc ngã tư Lê Hồng Phong , Ông Ích Khiêm ấy, có những gốc Sấu già và có tiếng Sấu rụng. Có một đám trẻ khu 3B chờ nghe tiếng sấu rụng và còn biết rằng, ở cánh cổng sắt của khu nhà ấy có một ngăn song chui lọt để vào lối sỏi. Đứa canh me chú lính gác cho đứa nhỏ hơn chui vô lượm Sấu. Cô chủ người Tiệp trong khu nhà xinh ấy như đồng cảm với đám trẻ, lâu lâu mở cửa vẫy tay gọi vào, có lúc rảnh rỗi còn cùng nhau thưởng thức vị sấu chín, rồi cười vang thú vị. Ôi... cái vị ngọt thơm của trái Sấu chín chia nhau ấy, có bao nhiêu năm xa cũng không thể nào quên được.

Mỗi buổi sáng đi học, mẹ hay cho tiền tiêu vặt. Mua một ổ bánh mì pa tê nhỏ, rồi thế nào cũng để dành mấy xu để giờ ra chơi mua cái bánh gối hoặc xà vào chiếc xe Sấu của ông lão người Hoa trước cổng trường tiểu học Phan Chu Trinh. Những trái Sấu được ông lão chọn lựa kĩ càng, no tròn, xanh và sạch sẽ ngâm trong một quả cầu thủy tinh lớn, xung quanh một đám trẻ con xúm xít. Là món Sấu dầm đấy, hấp dẫn vô cùng, Hà Nội bây giờ biết có còn không.

Những ngày mưa to, nhiều trái Sấu cùng những cành cây khô rớt xuống đường. Mưa vừa ngớt, đám trẻ rủ nhau ra đường lượm Sấu rụng và cành cây khô về cho mẹ làm củi chụm. Nhắc nhau phải mặc áo thun lá, bỏ áo trong quần, Sấu lượm được bao nhiêu bỏ hết vô bụng áo. Có bạn lượm được nhiều, lặc lè, lỡ may áo bung ra ngoài, hay lãng quên cúi xuống lượm củi, cả một bụng Sấu xòa ra đường, lăn đi tứ phía. Đám trẻ tụm vào tranh lượm, cãi nhau chí chóe. Vui vậy thôi chớ hồi sau về nhà lại tụm nhau chia phần cho bạn.

Bọn con gái thì khéo và cầu kì hơn. Chúng gọt vỏ, cắt Sấu theo những vòng tròn, ngâm trong chén nước mắm đường tới lúc ngấm rồi mới ăn. Nếu có nhiều Sấu, bọn chúng rửa sạch sẽ rồi ngâm với đường trong một hũ thủy tinh, kiểu làm si rô Sấu, để dành làm thứ nước giải khát gia đình suốt mùa Hè.

Còn ô mai Sấu hay món Sấu xào lại là những món ăn vui vui, dễ thương và dễ nhớ của các cô gái Hà Nội. Nó còn là món quà Hà Nội mang đi khắp mọi miền.

Mỗi năm , nhìn trái Sấu đầu mùa là nhớ món canh sườn non hay thịt heo nạc nấu với Sấu. Và đôi lúc thèm quay quắt món thịt Vịt om Sấu, ăn chung với bún mẹ nấu khi xưa. Hoặc giản đơn thôi, bữa cơm trưa Chủ nhật chợt thèm một tô nước rau muống dầm thêm vài ba trái Sấu xanh.
Cũng bởi nhớ nên mỗi mùa Sấu về, ngăn đá tủ lạnh ở Sài Gòn nhiều năm nay đã biết trữ lấy thứ trái cây mà vắng nó, lâu lâu khiến người ta cứ phải nhớ.

Có một con phố rất riêng, hai hàng Sấu chạy dài tăm tắp trên lề đường, ở phía bên nhà số chẵn. Đó là phố Phan Đình Phùng Hà Nội. Mỗi dịp về thăm Hà Nội là ai đó phải ráng một lần đi dọc con đường xưa, là đi bộ dưới bóng lá của hàng Sấu đôi ấy.

Lúc lớn hơn, nhà chuyển về phố Lý Nam Đế, học trường Chu Văn An. Sáng sáng đi học trên đường Phan Đình Phùng dưới hai hàng Sấu còn ướt sương đêm, cúi lượm một vài xác Ve lột muộn bên gốc Sấu, và bỏ vào một ngăn riêng trong cặp sách.
Đi hết con đường Sấu đôi, bước sang bên kia ngắm mặt nước Hồ Tây mờ sương là sắp tới cổng trường. Ngôi trường Chu Văn An Hà Nội cổ kính nằm bên mép nước Hồ Tây lung linh.

Rồi hàng Sấu đôi che nắng trưa hè đường về, bóng lá xum xuê, mát rượi. Những cạnh rễ thật to chia ra bao quanh thân cây và có những đường rễ chạy ngoằn ngoèo trên mặt đất. Đường học về nhảy cóc trên những cọc rễ đâm lên của các bác Sấu, để mau về nhà.

Có một năm nào đó ra thăm Hà Nội, đi lại trên con đường ấy, thấy người ta đã láng xi măng sát tới gần gốc Sấu, sao lại thế nhỉ, chắc họ không biết là sẽ chẳng còn chỗ đâu cho rễ Sấu thở.
Ở nơi rễ thở ấy, là những khoảnh đất cho Ve sầu sinh nở. Khi quanh đám rễ của bác Sấu già đùn lên những đụn đất nhỏ tươi ươn ướt, trong mỗi đụn đất ấy có một chú ấu trùng, chờ đến tối đêm nó bò lên thân bác Sấu già, lột vỏ ra trở thành chú Ve. Lại chờ cho đôi cánh khô đi, hút ít sương đêm cho đầy bọng phấn, chú Ve bò lên cành cao rỉ rả gọi hè.

Hai hàng cây đứng đó đã bao năm rồi không biết. Lúc nhỏ đi bắt Ve sầu trên cây, thấy các bác Sấu đã già lắm rồi. Tới giờ thêm mấy chục năm, hàng Sấu đôi vẫn già như thế, không lớn thêm nhiều, không đổi thay lòng.
Vẫn hàng năm lá rụng vàng dọc đường đi bộ, cho các chị công nhân mỗi chiều quét lá vất vả xạc xào. Bù lại, tới mùa trổ bông, năm nao hàng cây cũng đều đặn cho những chùm hoa lớn với những hoa Sấu nhỏ lấm tấm trên đầu ngọn cành cao. Để rồi kết trái, cho người Hà Nội và để năm nào cũng có ít trái gởi vô Sài Gòn, là trái Sấu đường Phan Đình Phùng đó... và để cho ai cứ mãi nhớ nhung.

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Buổi sáng phố thị.

Cuộc sống hôm nay tuy vất vả...

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

Chẩn bệnh trên bàn nhậu.

Bữa ấy đầu năm, cơ quan tổ chức khám sức khỏe định kỳ.
Ở phòng khám siêu âm, một chú đốc tờ trẻ nói nhà bác có chồi mầm chi chi đó ở tuyến giáp, hỏi có sao không, chú đốc nói bác phải đi ngay bệnh viện ung bướu, ở đó mới đúng chuyên môn. Coi vẻ mặt chú đốc khi ấy quan trọng lắm.

Đã từng vô thăm người bệnh mấy lần trong cái bệnh viện ung bướu ấy, ai ở đó ít bữa là đi xa. Nghe chú đốc nói vậy đâm hãi.
Bạn bè gần xa lác đác có một vài đứa đã lên đường sớm rồi, có làm điều chi sai trái để ông trời ghét bỏ, tính chuyện kêu tới mình sao, nghĩ càng hãi.
Quăng kết quả khám bệnh vô hộc kéo, không bi ai than vãn cùng ai, quyết tâm quên, đi nhậu cuối tuần phát đã.

Dịp ấy đọc một vài bài trên các trang viết hàng xóm, có trang kể chuyện về một người bạn nào đó tuổi mới đầu bốn đã đi xa vì cái thứ bệnh quái ác đó, thật tội. Lại nữa, một bữa đọc trang một bạn nữ khác, cũng nhơn nhớn rồi, thấy bạn ấy mới khan tiếng thôi đã nghĩ tới thứ bệnh đó. Ngồi đọc cười một mình, thấy hắn còn ham sống hơn đây, đòi lên tới chức bà ngoại mới yên lòng. Còn đây chỉ cần thấy hai cô con gái ở nhà học hành xong xuôi, có việc, đi làm là đủ.
Thế nhưng mà nay bé Nhí mới học tới lớp Sáu, còn bé tí, hu hu...

Không nói ai hay, nhưng thấy lo lo, bắt đầu nghĩ về các con. Mở trang riêng blogspot, dự định viết một ít những tâm sự cuối cùng, nhâm nhi riêng tư và lưu lại vài câu chuyện với con nếu lỡ sớm đi du lịch quá xa.

Mấy tháng sau, một bữa ngồi nâng lên hạ xuống với nhóm bạn ở nhà Út Công. Sẵn có bác sỹ Hiếu, cột chèo nhà Út ngồi kế bên, liền nhá hỏi cái vụ tuyến giáp nó ghi gì gì đó nang nang chồi chồi là sao. Hiếu nói cái này đúng chuyên ngành của em, có phiếu siêu âm lấy em coi. Nhờ bác xe ôm chạy đi lấy liền về cho hắn. Cầm phiếu siêu âm thằng em nói tuyến giáp anh có chồi, nhiều lắm, cả hai bên.

Vậy ra là bữa nay khám và chẩn đoán bệnh trên bàn nhậu vậy. Nhìn cái cách nó soi tờ phiếu siêu âm và trầm ngâm như đang ngồi chơi xì tố, không thể an lòng chút nào. Nó cười cười nói toàn từ chuyên môn, chỉ nghe hiểu mấy từ sinh thiết, ác tính, lành tính, chắc là bê tê, từ nào nghe cũng ớn. Hỏi mới nghe em nói bê tê, nó là là cái giầy, là bình thường hay là... bó tay. Không nói, chỉ thấy nó cười cười. Nhưng sao nó hẹn vào Chợ Rẫy gấp, em siêu âm lại và làm sinh thiết?..
Nhìn cái mặt hắn thấy nghiêm nghiêm, con bệnh hoảng, đang nâng dở ly rượu bỗng mất hết cả hứng, lại nghe hai tiếng sinh thiết hết hồn, buông ngay cái ly xuống bàn.

Cả đám bạn nhậu xúm vào bơm vá chọc quê. Sáu Quang rề rà: nếu mày đi trước, vợ con để tao lo, mày nằm trong trỏng có tao là thằng đầu tiên đứng bên ngoài, vừa thắp nhang vừa nâng ly rượu, nâng hai tay luôn, an tâm đê. Ngồi kế bên, Út Công lớn giọng: He he, bạn mình anh hùng hảo hớn đâu đâu chớ bữa nay coi kìa, thấy cái mặt chết nhát.
Chống chế tại con tao còn bé xíu xiu, mới học lớp sáu à, bâng khuâng khi con đang còn nhỏ, tan ca có bố đón đưa... nhưng đúng là trong lòng chết nhát thiệt.

Ngồi buồn, ngẫm chuyện đời. Lâu nay vẫn ỉ i vào sức khỏe. Bao nhiêu năm chinh chiến ở khắp mọi nơi, làm nhiều nghề.
Thời sinh viên đi sơ tán, đêm hôm B52 bỏ bom ngay đầu hồi, nhà cửa sập hết ráo, chun ra khỏi đống bùn đất, hổng tróc miếng da đầu.
Rồi nhiều chuyến đi biển đụng thời tiết xấu, sóng gió dập vùi mấy ngày trời, tàu vặn răng rắc tưởng như cái vỏ đỗ mà rồi cũng hổng sao. Có chuyến hai tàu đụng nhau, rách rưới te tua ngoài biển khơi, đang đi ca té nhủi dưới hầm máy toàn góc cạnh và sắt thép, hổng sao.
Có chuyến tàu chở đầy sắt vụn lẫn cả đạn bom cũ phế liệu mang qua nước ngoài bán cho người ta. Cái kiểu làm ăn tầm bậy, bỏ bom đạn vô sắt vụn cho nặng ký giống kiểu người ta ăn gian bơm sương sa vào con tôm mang xuất khẩu bây giờ. Vượt biển bao nhiêu ngày, qua xích đạo chói chang nắng không sao, mới tới Jakarta nổ cái uỳnh, tàu bị lưu giữ nơi xứ sở lạ huơ hoắc mấy tháng trời, cũng hổng sao.
Rồi bạn bè khắp chốn, tới đâu cũng ai nâng ly, tay cầm ly, rượu tràn môi với khói thuốc lá cỡ ba chục năm ngoài, toàn thứ độc hại, hổng sao. Bây giờ, tưởng mới qua đỉnh dốc một tí, đã muốn rớt đài sao, tự dưng bỗng thấy mệt nhoài.

Nhỏ lớn có chuyện gì cứ kệ nó cho lướt qua. Mà đúng là hồi nào giờ chưa hề nằm nhà thương một ngày.
Chuyện có một lần dưới Cần Thơ bị tai nạn giao thông, hai thằng bạn thân đưa vô cấp cứu Đa khoa. Hé mắt nhìn quanh phòng cấp cứu bệnh viện, thấy người ta la liệt, hãi quá, tự nhiên người khỏe hẳn, khỏi thấy đau đớn gì hết. Năn nỉ hai thằng bạn về ngay về ngay, coi ghê quá. Cu Đạt cu Cự cười khơ khơ về thì về, đẩy xe cửa sau trốn khỏi bệnh viện.
Mỗi lần vào viện thăm người bệnh, rồi thấy nhiều cảnh đời bệnh tật, thấy xót xa bải hoải, con người ta coi vậy mà mong manh lắm. Vốn sợ bệnh viện, sợ bệnh tật, sợ cả uống thuốc, mỗi lần đi thăm ai bệnh về là khỏi ăn cơm.

Thế rồi đi làm sinh thiết. Chú đốc em sọc ngoáy một hồi, lấy ra một phần của cơ thể, xì xào từ ngữ chuyên môn với nhau, lâu lâu nhìn người bệnh một phát rồi quay đi chớ không cười miếng nào rồi quay qua hẹn ít bữa.
Mấy ngày chờ đợi kết quả thấy dài, lại càng thấy lo hơn. Gõ đầu ông gú gồ tìm hiểu về bệnh tuyến giáp thấy tù mù lắm. Lục lại bài "Bản án của bác sỹ" của một bạn blog, tự nhắc nhở thôi an lòng chờ kết quả sinh thiết coi ác lành ra sao.

Bữa lấy kết quả, đốc Hiếu cười cười, hổng lo đâu anh, nhậu phẻ. Ôi trời! Vậy mà suốt mấy tháng vừa rồi đây sợ chết khiếp. Bữa giờ bạn bè rủ rê, hổng dám nhậu với ai đã là buồn muốn chớt rồi. An lòng, ông Trời còn thương mà.

Cuối cùng thì kết luận của bác sỹ Hoa Súng là: Ăn muối thiếu I ốt sẽ bị bệnh bướu cổ, còn nghe báo đài và quảng cáo của nhà sản xuất muối, chỉ ăn muối I ốt không sẽ có ngày mọc chồi trong tuyến giáp trạng.
Hình minh họa: Bác sỹ Nhí hồi mẫu giáo.

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

Quà Trung thu.

Có một câu chuyện nhỏ về những hộp bánh trung thu, thử viết dạng ít chữ, truyện rất ngắn dưới 500 chữ (bài viết có 388 chữ). Bài viết đăng bữa tháng Tám 2010 trên blog, chắc là mọi người đã đọc cả rồi.

Trung thu năm nay blog AnhDo cũng được nhận quà. Món quà giản đơn nhưng rất quý. Đó cũng chính là "Những hộp bánh Trung thu".

Tình cờ các anh chị ở tạp chí Tin học và đời sống ở ngoài Hà Nội thỉnh thoảng có đọc trang viết AnhDo. Các anh chị ấy trao đổi trên email và muốn đăng bài viết này trên tờ Tin học và nhà trường. Số báo số 9 năm nay vào dịp tết Trung thu, bài Những hộp bánh Trung thu đã được đăng.

Viết blog tính lâu lâu nhâm nhi tâm sự bạn bè và ít nhiều nhắn nhủ cùng con cái những điều giản dị nhưng cần thiết trong cuộc sống. Vậy nên thiệt là vui và nghĩ là sẽ siêng viết hơn.

Anh Đỗ cũng là tên của bé Nhí, vì vậy nên bữa nay Nhí là người vui thích nhất.
Có ai đó chưa coi có thể coi ở đây.

Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2010

Thở than một chút cho đời bớt khổ.

Chen chân trong ồn ào và bụi khói chịu hết nổi rồi ông ơi! Đi làm cả ngày không mệt mà cất công đường đi đường về muốn chớt luôn. Một bữa mới về tới nhà "người ta" giành liền cái võng và làm cho một hơi than thở .

Được tiếp sức một ly trà đá từ tay cô Hường, người ta than tiếp, tưởng đâu bớt khổ: Ui chao, ngoài đường mỗi năm xe mỗi nhiều thêm. Đứng ngã tư a... chờ hết ba lần xanh đỏ mới qua tới bên kia đường, thấy a... cũ mới từ đầu một đến chín, đếm đủ biển số xe các tỉnh, nhúc nhích nơi ngã tư, mắt mũi chùm kín từ trước ra sau. Ây da... làm như người ta ở hết cả ngoài đường làm chi vậy trời!

Động viên người ta: lâu nay tiện nghi cuộc sống thành phố khá lên nhiều đấy chứ. Này nhé, làm về tới nhà có một ly trà đá, máy quạt chạy xà xà, không quá tiết kiệm thì có ngay máy lạnh. Ti vi mấy chục kênh, phim Tây Tàu Hàn quốc yêu thương chảo chưởng các kiểu, phát tối ngày coi mêt xỉu, sướng vậy than chi? Từ lò vi ba trong bếp đến máy giặt bao nhiêu năm vẫn chạy tốt, chuẩn quá còn gì?
Người ta xí... ngay cho một xí thật dài: tiện nghi đó không dành cho "người ta", mấy thứ đó chỉ ô sin ở nhà là sướng.

Nghĩ thấy tiện nghi cuộc sống ở thị thành mỗi năm thêm nhiều mệt mỏi. Những con đường chen chúc xe cộ, khói bụi và tiếng pô xe lẫn tiếng kèn xe các kiểu. Xe hơi xe máy đi lại hiếm có ai chịu nhường nhịn ai. Ai đó ra đường cũng mang khẩu trang che kín mặt, để ý vẫn nhìn thấy vẻ đăm chiêu trong ánh mắt mọi người nơi ngã tư. Du khách lạ lẫm và vui thích giương máy chụp dòng xe máy uốn lượn trên đường, kéo dài mãi. Những hình ảnh đó như là đặc thù của thành phố bây giờ.

Có những con phố trưa nắng chói chang bê tông. Hàng cột đèn dằng dặc, trĩu nặng dây và dây, thay cho những hàng cây xanh mát của xứ sở nhiệt đới. Những con đường thích thì người ta đào lên rồi lại lấp xuống và lập lô cốt để đó chơi ít lâu. Những con đường lai láng như sông sáng đi chiều về, mỗi tháng đôi lần theo con nước cường và những chiều mưa đưa đón. Năm này qua năm khác.

Từ bữa đám nhỏ tựu trường, một đoàn quân bố chở, mẹ chở bung ra đường mỗi sáng mỗi chiều giờ cao điểm, loay hoay với nhau trong ngột ngạt.

Ở Sài Gòn có những con hẻm độc đạo thông được từ đường này sang đường khác. Lúc xưa chỉ cỡ anh hùng ngõ hẻm, chuyên gia leo lề chui hẻm để chở con đi học đúng giờ như cha con nhà ai mới biết tới những con hẻm thông, nay ngành công chánh đã phát hiện và có bảng chỉ đường. Mấy ảnh nghĩ ra cách chống kẹt xe hay thiệt, lúc dồn hết xe cộ vô ngã tư, bí lại chỉ bớt vô hẻm.
Khói bụi, tiếng pô và kèn xe bây giờ đã len vào từng con hẻm nhỏ. Bà con trong ngõ hẻm vốn yên tĩnh bấy nay, bỗng một ngày giật mình với tiếng kèn xe lạ lẫm, và ngoái nhìn người lạ qua lại với ánh mắt buồn tênh.

Ai đó tới chơi hay ở rồi mà xa lâu, về thăm lại Sài Gòn bây giờ thấy nhiều chuyện vui lắm nghe. Người Sài Gòn vốn ít chuyện, rồi cũng quen thôi với tiện nghi cuộc sống khi đổi thay qua năm tháng, chỉ biết ráng lo mần ăn, lo toan cuộc sống gia đình. Người ta nói, ấy là thở than một chút, nghĩ rằng cho đời bớt khổ thôi mà.

Thứ Tư, 15 tháng 9, 2010

Hoa Sử quân tử.

Có một dây leo xanh rón rén leo trên hàng rào nhà ai để một bữa nào nắng lên, bung ra những chùm bông xinh xinh từ các kẽ lá.
Những lần đi cùng ba qua đường Thảo Điền bên sông Sài Gòn, Bi nhìn thấy và biết yêu thích dây leo xanh xanh ấy.

Nó là cây thân leo, từng nhánh lá mọc đối nhau và cho hoa từ kẽ lá những đốt ở ngọn cây. Từng chùm, từng chùm, lúc nhú ra là những nụ non màu trăng trắng. Từ những nụ non trắng ban đầu, từng bông hoa nhỏ hồng dần lên theo nắng để một lúc nào đó ngậm đủ nắng hoa chuyển sang màu đỏ. Bông hoa sậm lại dần, rồi héo đi rụng xuống cho những chùm bông mới lại đâm ra từ các kẽ lá non. Đó là một loài dây leo và hoa của nó có tên Sử quân tử.
Sử quân tử, cái tên nghe đến là dễ thương và hùng dũng, nhưng chắc đó chỉ là tên gọi chỉ một vị thuốc chữa bệnh trong Đông y.

Thế rồi ba con nhà Bi tìm được một dây leo ấy trồng lên sân thượng vừa để làm đẹp vừa che nắng cho đám bồ câu nuôi ở nhà. Chỉ it lâu, cây xum xuê, cho nhiều chùm hoa nhỏ dễ thương, ai cũng thích thú .

Cây và bông Sử quân tử là thứ cây từ lâu đã quen thuộc với nhiều người, vì nó mọc được ở khắp mọi nơi từ Bắc vào Nam. Tên khoa học là Quisqualis indica, Nông thôn miền Bắc người ta gọi cây Hoa giun hay Hoa nấc theo công dụng chữa bệnh còn ở miền Nam kêu là cây Trang dây dân dã. Nó dân dã bởi từ lâu, thân lá, hoa quả của nó được người dân dã dùng làm thuốc trị được nhiều bệnh con nít, sổ lãi hay chữa bệnh răng miệng.

Đâu đó có một bụi Sử quân tử ai trồng leo lên hành lang chung cư mới xây gần bờ kinh Nhiêu Lộc, tới mùa hoa rộ chen nhau, từ xa nhìn lại như một chiếc chiếu hoa màu sắc.
Nhiều người yêu thích cây trồng trước cổng nhà, leo lên hàng rào cao hay lấp ló một bụi trong vườn. Có nắng nhiều và được chăm sóc cây cho hoa nhiều quanh năm, lại đẹp và thơm nữa.
Hương hoa thơm nhè nhẹ, nhất là vào những đêm hè và đặc biệt là khi có đôi bạn trẻ, những buổi tối thanh bình cùng ngồi học bài hay trò chuyện bên cây, sẽ nhớ hoài mùi hương hoa quyến rũ ấy. Ai đó yêu cây, trồng lấy một cây cho ra hoa thử coi, thú vị lắm, hương hoa để thơm và để nhớ.

Một ngày Bi đi ngang nhà ai, thấy một cô bé xinh xinh đang đứng bên bụi Sử quân tử có những chùm hoa thật dày và cánh hoa là lạ, nhỏ xíu, không giống cánh hoa quân tử thường vẫn thấy. Tìm hỏi người trồng kiểng, họ nói đó là Trang leo Thái, mới có và còn ít. Cây mới, hoa khác lạ một chút nên người trồng kiểng Sài Gòn thường kêu tên vậy, họ thích gắn với đất nước láng giềng luôn có nhiều hoa cảnh mới lạ.

Người trồng kiểng kiếm được cho một cây còn nhỏ mang về nhà trồng. Lạ, cái cây lớn nhanh, mới trồng vào mùa hè mà bữa nay đã vươn lên tới sân thượng, bé xíu xiu mà bông thôi là bông, ong muỗi ríu rít, và buổi tối hương thơm của nó khe khẽ vào nhà. Ở nhà Bi bây giờ có hai giống Sử quân tử đan xen với nhau, lá và hoa.

Mỗi sáng, có một bạn nhỏ ngồi ăn sáng trước giờ đi học, lắng nghe ba mẹ ngồi uống cafe bên cây, một vài câu chuyện chào buổi sáng. Chuyện học, chuyện nhà, chuyện đời và khen dây hoa Sử quân tử, dân dã mà đẹp quá, quanh năm miệt mài dâng hương sắc cho đời.

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

Cái lề đường.

Cái lề đường, tưởng giản đơn vậy mà cơ khổ. Sáng nào cũng phải leo lề một khúc để đưa con vào lớp.

Ở một khúc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm quận Nhất mà có tới năm trường học đủ mọi cấp từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông cho tới trường nghiệp vụ giáo dục, còn một anh đại học to ở sau lưng nữa, vậy mà lại có một khúc là đường một chiều.

Đó là một chiều vô lý. Bởi con trẻ nhà quận Nhất khúc trên hay ở Bình Thạnh đi học, là tới ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai Nguyễn Bỉnh Khiêm phải đánh một vòng tròn qua ba cái ngã tư, có một ngã luôn luôn kẹt, mất khoảng mười phút cho khoảng cây số đánh vòng trở lại cách điểm đầu hơn chục thước.
Khuôn viên trường tiểu học nằm góc ngã tư đó, cổng chính nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, thế là phụ huynh phải leo lề tại đó, đi trên lề một khúc ngắn là tới cổng, không ai muốn bọc thêm một vòng để hửi khói xe và mất ít là mươi phút, nhất là khi chuông sắp reo. Về luật và sự hợp lý là không sai, có điều xe máy leo lề phải dẫn bộ.

Lâu một bữa có chú phú lít đứng đó, ý chừng chú không cho lên, mà không ai dám lên thật, khựng lại rồi tất cả đánh một vòng, bữa đó chắc chắn kẹt ở cái ngã tư trên và nhiều trò vô lớp trễ, ăn quả hạnh kiểm.

Lề đường khu này được làm mới lại, một bữa đi ngang thấy mấy chú thợ hồ lót đá kì kì, dừng lại thắc mắc. Người lớn tuổi hay ý kiến ý cỏ chớ mấy người trẻ họ mặc. Hỏi chớ a... mấy chú lót chỗ thông đường mà làm gờ cao cả tấc vậy sao người ta đi? Mấy chú thợ xây nhìn kiểu khó chịu, mới sáng ra đã gặp phải lão hâm hâm. Họ trả lời qua chuyện, để xe Honda khỏi chạy lên. Lại nói tôi không làm xây dựng, nhưng biết mấy chú làm cái khuyết này cho xe lăn của những người tàn tật, xe lăn cho người bị tai biến, xe cho người già cả rồi cho xe nôi con nít nữa, đặng qua đường. Vậy chớ... mai mốt một ngày đẹp trời, vợ chồng mấy chú lỡ có dịp đẩy cái xe nôi đưa con vô chơi sở thú là phải lội qua khúc này, cách gì cho xe lên đây. Mấy chú thợ ơ ơ một hồi, hiểu ra rồi nói, tại sếp kêu sao làm vậy chớ hổng dám, làm sai ý ổng lấy lương mà thường, con cái còn gì ăn.

Bữa sau đi qua thấy họ vẫn làm như vậy, không sửa. Rồi ai đó mang ít xi măng trám lại cái bậc đó cho nó liền lạc, kết quả bây giờ coi nó lam nham, chắp vá, áo mới thay, tốn bao nhiêu tiền nhưng coi vẫn là áo vá. Áo vá kiểu này ở Sài Gòn nhìn thấy nhiều nơi lắm.

Người ta còn ghét lề đường hay sao lại đặt lề trái, lề phải. Lề đường nghĩ, đã là lề rồi, lội bộ thì làm gì có trái phải, chỉ có lâu lâu mấy ảnh thích thì đào lên xới xuống chơi, thay áo mới liền liền là việc phải hay trái mà thôi.

Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2010

Tháng Chín ngày 11.

11 tháng Chín năm nay là ngày nghỉ cuối tuần và ở bên kia bờ đại dương, nước Mỹ có hai ngày nghỉ để kỷ niệm sự kiện này, nhớ nhung và đau thương. Bây giờ, bên ấy đang là giấc ngủ bình yên của người dân để chuẩn bị cho một tuần làm việc mới. Đau xót chưa thể nguôi ngoai trong mỗi gia đình có người thân sau chín năm qua đi và năm nay người đứng đầu Nhà Trắng kêu gọi về lòng khoan dung tôn giáo.

Buổi sáng sớm năm ấy, khi đến sửa chữa lặt vặt ở căn nhà của mình đang cho một người Mỹ làm việc ở hãng Nike thuê, anh ấy vừa nhận điện thoại gia đình. Anh ấy thông báo về sự kiện 911 mới xảy ra trước mấy giờ đồng hồ. Tay anh ấy run run, giọng nói run run và vẻ mặt đầy xúc động. Tất cả mọi người ở đó bàng hoàng, và không ai có thể tin nổi.

Mùa hè năm ấy Nhí bé tí, ở nhà với bố, Chị Hai và mẹ đi thăm ông bà ngoại ở Massachusetts, năm ấy Hai cỡ tuổi Nhí bây giờ. Mẹ và cục cưng mới trở về Việt Nam trước đó cho kịp ngày khai trường. Cũng bay tuyến ấy, đường bay nội địa Boston đi Los, cũng hãng hàng không ấy, UA, chỉ trước mấy ngày.
Đặt mình vào vị trí những gia đình mất mát kia, cứ luôn nghĩ mình sẽ sống ra sao khi chuyến bay định mệnh kia xảy ra vào mấy ngày trước.

Mùa hè đi du lịch, quyết phải cùng vợ và các con tới thăm nơi tháp đôi, khu trung tâm thương mại New York ấy, bây giờ là Ground Zero. Du khách qua lại ghi dấu kỉ niệm, không còn dấu vết tang tóc mà nơi đây đang là một công trường xây dựng hối hả, để sang năm sẽ có một đài tưởng niệm những người đã mất và một tháp Tự do, cao tới hơn nửa cây số và cao nhất khu Đông Bắc nước Mỹ.
Ngày 11, đọc ở trang viết của bạn bè, cũng có những người Việt mình mất mát trong gần ba ngàn con người ấy và nhiều gia đình người Việt mình cùng có chung sự mất mát. Nỗi đau còn đó.
Xin thắp một nén nhang cho những người dân vô tội đã khuất trong ngày đau thương 11 tháng Chín và cầu mong một sự an bình cho tất cả mọi người trên thế gian này.

11 tháng Chín là kỷ niệm sinh nhật con gái nuôi, năm nay mới tốt nghiệp, ra đời và đi làm được một tháng.
Năm nay bé không làm sinh nhật ồn ào mà chọn một việc làm đáng nhớ. Bé đi cùng gia đình về trường phổ thông trung học Phan Văn Hòa, một vùng thật sâu và xa, mang theo hai chục bộ máy tính đã sử dụng mà mẹ bé mua thanh lý được, để làm quà tặng cho các em học sinh nghèo miền sông nước Vĩnh Long. Chỉ tiếc một điều nho nhỏ, rằng bé chị đi về miền quê mà quên mất không rủ bé Nhí theo cùng, để cho em thêm một bài học đời.

Được lắm đó, hay lắm đó. Cô bé đã có được một việc làm rất ý nghĩa trong kỷ niệm ngày sinh, bé thiệt đáng khen nhiều lắm. Chợt nghĩ, mùa Hè năm nay bé đã là người lớn thiệt rồi.

H1: Tại nơi Tháp đôi cũ...
H2: Giờ đang là công trường...
H3: Mai mốt là đài tưởng niệm.

H4: Con gái nuôi ngày bé thơ và bố .

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010

Cây Goòng anh Sáu.

đường Ngô Văn Năm quận nhất có duy nhất một cây Goòng, khá lớn. Gốc cây một vòng tay người lớn ôm không xuể.

Một năm xưa, anh Sáu hải quân tới góc đường này đặt lên một chiếc ghế hớt tóc, đóng thêm cây đinh để treo lên cái kiếng soi trên bờ tường, một thùng đồ nghề thợ cạo để một bên. Anh sống bằng thu nhập ở lề đường góc phố này, tưởng mới đây mà đã mười bốn năm qua đi.

Một khúc lề đường có tới mấy cái ghế hớt tóc. Anh Sáu thường đi làm sớm lắm, sáng sáu giờ đi ngang là thấy anh ở đó rồi. Khi những đồng nghiệp lục tục tới, anh đã lạch xạch được cả tiếng, anh hớt tóc cho mấy người tập thể dục buổi sáng từ bến tàu Bạch Đằng về ngang, rồi mới nhẩn nha ngồi đọc báo.

Anh Sáu có thói quen vừa hớt tóc vừa trò chuyện với khách cho thời gian qua mau. Bữa nay anh bực mình, từ sớm tới giờ. Có một cây trứng cá, chim tha hạt, mọc lên trên lề đường làm bóng mát, tán đã xum xuê che mát được ba cái ghế hớt tóc, sớm nay tới chỉ còn trơn trụi cái gốc cây, có đứa quỷ nào chặt mất tiêu nó rồi. Anh than, người ta sao mà có người ác, cái cây trên lề đường, cho mọi người bóng mát chứ tội tình chi đâu, vậy mà, thiệt tình...

Anh chỉ tay về phía xa xa và nói nó là cây Goòng, do tay anh trồng đó. Ngày ấy nơi này ngoài mấy chiếc ghế hớt tóc của anh và đồng nghiệp, còn có thêm hàng cơm bình dân của chị Ba Giản bán bữa trưa cho thợ thuyền xung quanh khu vực Ba Son. Anh Sáu mang từ Nhà Bè sang bốn cây Goòng nhỏ, trồng trên dãy phố lấy bóng mát cho mọi người qua lại, tới đây hớt tóc, ăn cơm trưa hàng ngày. Chăm sóc ít lâu, mấy cây Goòng lớn lên nhanh lắm, thoắt cái thân cây đã to cỡ cổ chân người lớn.
Một bữa sáng đi làm, mấy bóng cây xanh biến mất, trơ trụi ba gốc cây bị chặt nham nhở. Hỏi ra là mấy người bảo vệ ở trong đây chớ ai, họ nghĩ sao nỡ chặt bỏ đi, họ nói sợ trộm leo cây vô cơ quan, sếp kêu chặt bỏ thì chặt thôi, ai biết gì đâu! Ôi trời!.. Anh Sáu than, ai cũng phá như mấy người đó chắc chết nắng hết, ở thành phố nhiều triệu dân này cứ mỗi người biết giữ lấy một cây xanh là Sài Gòn này đẹp lắm chớ. Lặng một hồi anh cười ha hả, tớ khoái cái cách các cụ ngày xưa ở quê, mỗi cặp vợ chồng mới cưới, góp gạch xây đường làng.

Cây Goòng còn lại vững chãi và vươn cao. Như bù lại, nó cứng cáp và lớn nhanh đến không ngờ.

Ngày ấy, tớ trồng mấy cây này là có ý cả đấy. Ở Sài Gòn có những cây Goòng, ấy cũng là một cách lý giải cho cái tên của miền đất này, của thành phố này đó, chú em mình có biết vậy không ta? Anh Sáu xếp kéo và vỗ nhẹ vào vai rồi tiếp, vậy nên nhìn cây Goòng kia tươi tốt xum xuê, mùa trái chín khô tách vỏ, bông trắng bay theo gió mình lại tiếc nhớ những cây năm xưa. Phải chi... chắc bây giờ dãy phố này rợp mát.

Ôi, anh Sáu ơi, anh thật giản dị bình dân mà lãng mạn và sâu sắc thế.

Cứ mỗi tháng một lần ghé anh Sáu hớt tóc. Trong tiếng kéo lạch xạch của anh là một câu chuyện lề đường khiến ta cứ luôn phải suy nghĩ.
Ai đó có dịp đi ngang đường Ngô Văn Năm, cả con đường ấy có một cây Goòng một, gốc nay đã lớn, tỏa bóng mát xum xuê. Đó là cây Goòng của anh Sáu hải quân. Anh trồng nó tới nay đã qua năm thứ chín.
Liên kết: *Bài anh Sáu.

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010

Chiều Nha Trang.

Chiều trên bãi biển vịnh Nha Trang.
Có tiếng cười vui vẻ từ xa xa của những đôi trẻ đang cùng giỡn đùa sóng biển và ai đó đang miệt mài sải cánh bơi tít ngoài xa. Những thanh niên, thiếu nữ hòa lẫn những người lớn tuổi cùng đi bộ trên con đường chạy dọc bãi biển và vài cụ già ngồi ghế đá đăm chiêu ngắm biển, ánh mắt xa xăm tới cuối trời. Mấy cô công nhân vệ sinh đang quét dọn những lá bàng khô rụng rơi trên cát và xa kia nơi mép nước là tốp thiếu niên đang hò reo giành nhau một trái bóng tròn.
Vẫn có đó các bác xích lô nụ cười hiền lành, sẵn lòng chở du khách dạo chơi ngắm biển chiều và kể chuyện về thành phố biển mà họ mến yêu.

Vịnh Nha Trang có nhiều đảo ngoài khơi che chắn tự nhiên, nên sóng vỗ bờ luôn êm ái nhẹ nhàng. Nơi này vẫn được giữ gìn làm bãi biển công cộng của thành phố từ xưa đến nay, sạch sẽ, thanh bình như bao năm đã qua. Thói quen tắm biển, chơi thể thao trên bãi cát vào mỗi chiều, mỗi sớm mai của người Nha Trang ở công viên bãi biển Trần Phú như đã thành nếp. Ai đã ở Nha Trang rồi, hẳn nhớ phố biển Nha Trang xưa mỗi sớm chiều, từ biển đi về bàn chân không, đùa với lớp cát mỏng gió đưa lên trên phố, Nha Trang mùa thu.

Thành phố bây giờ có nhiều khách sạn sang trọng của những tập đoàn nổi tiếng nằm dọc đường bờ biển Trần Phú, nhìn ra vịnh Nha Trang xinh đẹp. Ở những con đường phụ cận gần bờ biển, nay mọc lên những khách sạn tư nhân, nhà hàng , quán bar và cafe phục vụ cho du khách, hình thành một khu tên gọi phố Tây, đông vui nhưng trật tự, thoáng đãng.
Thêm vào những khu nghỉ mát, vui chơi trên Hòn Tre, Hòn Tằm và những đảo nhỏ khác, cáp treo ngang biển và những con tàu du lịch lướt sóng ra vô. Đó là điều thay đổi so với nhiều năm trước.

Chiều xuống rồi, đi dạo đã hết con đường bờ biển, ta cùng nhau nhờ các bác xích lô cho một cuốc về gần chợ Đầm, hay khu mũi tàu Lê Lợi tìm quán nem Quyên, thứ nem nướng của đất Ninh Hòa chỉ ăn một lần là nhớ.
Gắp mấy miếng nem nướng, thêm cọng bánh tráng ngọt cuộn tròn mới chiên giòn rụm, ít rau thơm, củ hành chua và một lát xoài ương xắt mỏng, tất cả cuốn trong cái bánh tráng mềm không cần nhúng nước. Và cái nước chấm sền sệt của nếp với thịt bằm cộng thêm hương vị lạ theo tay mỗi người nữ pha chế, ăn vào để rồi nhớ tìm về. Có ai đó dặn dò, đi Nha Trang nếu quỡn, nhớ mua giùm ít nem nướng Ninh Hòa mang vô Sài Gòn nghen.

Chợt nhớ hàng quà bên lề đường ta mới ăn hồi sáng, dĩa bánh bèo trắng phau mới hấp, rắc lên trên ấy một muổng tôm cháy và mỡ hành, cắt thêm miếng chả và rưới ít nước mắm ngọt pha với nước cốt trái Thơm, trong veo, ngọt ngào. Cô hàng bánh nụ cười trắng tươi, đi chơi vui, ngày mai nhớ ghé ăn nữa nghe.

Biển Nha Trang đẹp, người Nha Trang đã ý thức quê hương mình là một thành phố du lịch có vịnh biển đẹp nổi tiếng thế giới. Nha Trang mùa Thu, gặp nhiều lắm những nụ cười.

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

Nha Trang rừng và biển.

Giang Bay cách Nha Trang chừng hơn bốn chục cây số về phía Tây Nam. Đó là một điểm du lịch mới được đưa vào chương trình được vài năm nay.

Khu du lịch Giang Bay gồm một tổ hợp du lịch đang được hoàn thiện trên điểm nhấn là dòng thác Giang Bay, nơi thượng nguồn của con sông Cầu.
Ai ơi chớ nhầm lẫn thị xã Sông Cầu ở gần đó của tỉnh Phú Yên, hàng xóm Khánh Hòa và cũng không có bà con với con sông Cầu nước chảy lơ thơ của xứ quan họ Kinh Bắc. Dòng thác Giang Bay nằm giữa khu rừng nguyên sinh nơi những người dân tộc Raglai sinh sống thuộc huyện miền núi Khánh Vĩnh, hòa cùng các dòng suối khác làm nên con sông Cầu, đổ về sông Cái rồi chảy qua thành phố Nha Trang xinh đẹp để ra nơi cửa biển.

Tới Giang Bay, du khách có một vài thú vui như câu ở trại cá sấu nước ngọt, là câu giỡn chơi cho cá sấu ngáp và cười, hoặc coi đua heo, hay chơi với đám đà điểu, xem trại gấu ở đây nuôi đã từ lâu. Bạn cũng được thưởng thức giàn nhạc dân tộc, đàn đá Khánh Sơn hay ngồi quán ven suối nhâm nhi thịt cá sấu, thưởng thức món đà điểu của nơi đây nuôi được. Các bạn trẻ lên tới đỉnh thác, kiếm một tảng đá lớn bày ra những món ăn ta mang theo từ nhà và cây đàn ghi ta để hội hè. sau rồi thả mình dưới hồ nước trong mát dưới kia. Khỏe mạnh và ưa khám phá, ta đi sâu thêm vào khu rừng nguyên sinh tìm hiểu các loài thảo mộc, để bất chợt nghe tiếng chim gọi bạn và những tiếng ve chợt rộ lên thưa thớt cuối mùa Hè.

Dòng thác Giang Bay không lớn lao hùng vĩ, đủ làm một chỗ vui chơi, thư giãn. Nếu được khai thác thêm, tiềm năng khu du lịch Giang Bay còn có nguồn suối nước nóng, nước khoáng và tắm bùn hay những khám phá trong khu rừng nguyên sinh đầy bí ẩn đằng xa kia, khu du lịch này sẽ là hấp dẫn.

Đi ca nô sau mười phút từ cảng Cầu Đá là ra tới Hòn Tằm, hòn đảo mang hình dáng một con tằm quay đầu ra biển, nên được mang tên vậy. Hơn mười năm trước là đảo hoang, nay Hòn Tằm được đầu tư thành một khu vui chơi và nghỉ dưỡng hợp lý.

Một bãi cát vàng trải dài hấp dẫn, nằm trong vịnh Nha Trang bao bọc bởi những hòn đảo nên biển ít sóng, ta có thể tắm biển nơi đây thỏa thích Các bé có thể được chạy mô tô nước, bay dù hay ngồi khinh khí cầu dạo chơi ngắm nhìn biển và thành phố từ trên cao, tuy nhiên những dịch vụ này cho con trẻ nay đang còn mắc mỏ.

Ta cũng có thể vào bơi trong hồ nước ngọt, nằm thư giãn nghe nhạc, coi các bạn trẻ múa hát ở sân khấu ngoài trời, dạo quanh những căn nhà cổ trên trăm tuổi hay chiêm ngưỡng những bàn tay khéo léo của các cô gái Chăm dệt vải, làm gốm.

Kế bên Hòn Tằm là Hòn Tre, nay người ta cho nó mang một cái tên đẹp Hòn ngọc Việt và được đầu tư khá nhiều từ một khách sạn 5 sao tới những dịch vụ vui chơi giải trí như những phòng chiếu phim 3D, thủy cung và các trò chơi cho con trẻ. Ghé qua thăm hồ cá Trí Nguyên, thăm khu du lịch con Sẻ Tre cho biết với người ta.

Ai đó ham mê khám phá đại dương thì đi lặn biển. Có thể lặn biển ở đâu đó, nhưng tốt nhất ta đến Hòn Mun, nơi nước sâu, xanh ngắt và có những vỉa san hô cùng nhiều sinh vật biển.
Mang vào mình một bình khí oxy, choàng thêm chiếc thắt lưng chì nặng chĩu, mang kính lặn vào rồi lao xuống đại dương sâu hút để ngắm nhìn những đàn cá muôn vàn màu sắc bơi lội tung tăng quanh mình. Ta sẽ phát hiện được lòng biển khơi thật là sặc sỡ và kỳ ảo. Những dải san hô đủ màu loe ngoe và các chú cá con bạo dạn, coi ta như bạn. Nhưng ai ơi nhớ, tránh ve vuốt giỡn đùa những nàng san hô sặc sỡ ấy nhiều bởi đôi khi sẽ gặp cô nàng khó tính, gây ngứa cho ta.

Ngày biển êm, thích nhất là lấy một chiếc thuyền kayak bơi đi chơi tung tăng ra thật xa. Mệt rồi, ngả lưng trên thuyền, thả mình giữa vịnh ngắm trời mây, chỉ mình ta với trời với nước, không một tiếng động đời.

Nha Trang có rừng và biển, có những di tích và nền văn hóa người Chăm. Khí hậu Nha Trang ấm áp quanh năm nên tiềm năng và sức thu hút du lịch rất lớn. Một dịp Hè nào đó bạn hãy đến với Nha Trang một lần, để rồi nhớ hẹn hò cho mùa Hè sau.

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

Chúc mừng, bạn Nha Trang.

Nhận được lời mời cùng nhiệm vụ làm một lẵng hoa đẹp của bè bạn Sài Gòn gởi chúc mừng bạn khai trương khách sạn ở phố biển Nha Trang. Điện hoa thì dễ rồi và cũng tạm ổn về ngoại giao và tình cảm. Nhưng dịp tự nhiên có bốn ngày nghỉ liền nên lại muốn đi chơi đâu đó. Mọi người ở nhà hỏi rằng vé đâu, rồi bố nói né đi chơi ngày lễ rồi không nhớ sao. Ấp úng nói rằng ai họ cũng né cả, lại vắng rồi nên mình lại đi, năm nay làm sinh nhật ngoài thành phố biển chơi vậy có được không. Cả nhà sinh năm khác nhau nhưng toàn vào giờ đi, nên ai cũng vỗ tay hưởng ứng. Cận ngày, vé các kiểu hết sạch trơn, alu thử, bạn bè kêu cứ đi đê, đúng giờ này phút nọ có mặt, giường ngủ trên tàu hỏa nhường hết cho cả nhà, thế là đi.

Lao động mấy mươi năm, xoay trở khá nhiều, khi bóng ngả về chiều, hai anh em bạn xây lên trên nền nhà cũ của gia đình một khách sạn mười tầng nơi thành phố biển Nha Trang.

Nằm góc phố Lê Đại Hành, Nguyễn Thị Minh Khai, khách sạn Việt Thiên cách bờ biển Trần Phú ít phút đi bộ, vị trí thuận lợi và được xây dựng đẹp. Thật tiếc không thể hoàn thiện trước mùa hè vì suốt thời gian ấy, ông nhà đèn thích cúp điện là cúp chơi, việc lỡ làng kéo dài thêm mấy tháng, lỡ mất một mùa hè, mùa chơi ở biển.
Chọc chơi bạn chớ... Nha Trang cũng chỉ có một công ty điện thôi sao, bạn cười kể cho câu chuyện vui, chậm mà hên. Số là cái thiết kế ban đầu, nhà chức trách không duyệt do sai khác kích thước đâu chừng ba phân, hơn cái lớp hồ tô và sơn nước tí xíu. Chín tháng chờ đợi, chán và quyết không xin xỏ, đành làm lại bản vẽ. Ông trời thương, chín tháng ở không chờ đợi, qua năm lẻ chín xi măng xuống giá, sắt thép rớt còn hơn phân nửa giá, ông nhà băng tự nhiên kéo níu cho vay nhẹ nhàng có hơn mười phân một tí. Chậm mà lại hay mọi nhẽ, kiểu nhịp đi trầm buồn nhưng lại tha thiết ấy, ha ha... lần đầu tiên trong đời mình vỗ tay hoan hô cái sự "hành" là "chính" ấy, và ngẫm rằng ở đời ai ơi cứ làm người tử tế để trời còn thương, có đức mặc sức mà ăn, ông bà mình nói vậy rồi.

Bạn bươn trải nhiều. Bạn học đại học ở Đức những năm 70, về đi dạy đại học, sau làm nghiên cứu sinh ở Kaliningrad nước Nga. Dạy đại học thủy sản chục năm rồi cũng mệt mỏi, nhảy cung ứng hàng hải, đại lý tàu biển chán lại làm xuất nhập khẩu hải sản với Nga, rồi phụ trách Viettravel Nha Trang một thời gian. Thế rồi cái quyết tâm phải làm một cái gì đó. Bạn nghỉ làm người tự do, và khách sạn Việt Thiên ấy ra đời, vậy là hay quá đấy bạn ơi, ít nhất có một việc lớn để đời.

Những ngày đầu tiên này ở một khách sạn mới có quá nhiều việc, lo ngày khai trương, lo đón khách mới, lại lo hoàn thiện những công việc không tên cuối cùng, mọi người làm việc không ngơi nghỉ ở khách sạn, nhưng nhìn thấy luôn là nụ cười át đi nét mệt mỏi, ai cũng thật vui và nhiệt tình, từ ông bà chủ tới mọi nhân viên. Bận thế, vẫn còn nhớ tặng vợ chồng du khách chiếc bánh sinh nhật chung, đẹp và ngon trên cả tuyệt vời. Các bạn đã làm cho du khách tới ở, vui chơi, thăm thú Nha Trang, ra về mang trong lòng nhiều cảm mến rồi đó.

Chúc mừng cho bạn và gia đình, chúc khách sạn Việt Thiên làm ăn tấn tới. Rất nhớ tiếng cười sảng khoái của bạn cùng những nụ cười xinh của các cô gái tổ tiếp tân.