Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

Người quê và con cái.

Bữa ấy ở nhà sửa sơ cái sân, xà bần được dọn ra một góc. Chừng ít phút sau đã có một người đạp xe đi ngang xin vào dọn dẹp. Nhanh gọn và sạch sẽ. Đấy là một người nữ, dáng thôn quê, lam lũ. Cô ấy chừng bốn mươi ngoài.

Xong việc, thấy nhà có cây khế trĩu cành, cô xin hái mấy trái. Nói cô cây khế trái sai dữ lắm, quanh năm, cứ lấy đi, nhiều vào, khế ngọt đấy. Cách cô lột bỏ đi cái viền dọc theo từng múi khế, lâu quá mới thấy lại. Thấy bé Nhí đang chơi ở nhà cô hỏi thăm, nói bé nay lên lớp bảy, út nhà tui đó. Cô thật thà, suýt nữa thì em hỏi bác cháu nội hay ngoại. Mời cô ngồi uống nước nói chuyện chơi, cô này ác, bộ cô coi tui già dữ vậy sao cô.

Cô ấy quê đâu ngoài Hải Dương. Vợ chồng dẫn nhau vô đất Sài Gòn, cùng cày cuốc đường nhựa nuôi con ăn học. Hỏi thăm, vui vẻ cô kể chuyện sinh sống và chen được đôi bàn tay để kiếm ra đồng tiền nơi phố thị cũng thật nhiều gian khó. Vợ chồng ở nhà trọ cùng nhiều người đồng hương. Có việc gì làm nấy, việc nhiều thì kêu nhau, không có thì tự đạp xe đi kiếm vòng vòng. Chuyện ăn uống ngủ nghê tạm bợ thôi bác ạ, để dành tiền gởi về quê cho các cháu đi học.
Cô khoe con gái lớn đang năm thứ hai sư phạm tiếng Anh còn đứa nhỏ năm nay lớp mười hai rồi. Một thoáng ánh mắt tự hào cùng nụ cười hiền của người mẹ trẻ, rồi lại cúi xuống lột tiếp cánh khế trên tay, nhưng vất vả lắm bác ơi, mấy năm nay rồi ấy.
Đọc ở đâu đó, rất nhiều, đời thường tha phương mưu sinh và nuôi con ăn học, nhưng ngồi trực diện, trò chuyện cùng cô ấy, thực sự mới biết, mới hiểu và cảm phục những người cha người mẹ lao động một đời mưu cầu sự học cho con cái.
Nói với cô ấy, có hai đứa con học hành được vậy là mừng quá, không phụ lòng mẹ cha lặn lội hôm sớm. Mà cô cũng quá giỏi đi, đúng là những cô gái tỉnh Đông khéo lo toan việc nước việc nhà. Cô nói nhà em biết bài hát ấy đấy bác ạ, cô cười thật vui.
Nâng máy xin cô chụp tấm hình, cô hỏi ơ thế nhà bác là nhà báo à. Nói tui phục vợ chồng cô sát đất đó, tui nhà báo mà báo nhà, để kể chuyện nhà cô cho mấy nhỏ nhà tui biết chuyện người ta mà ráng học hành sao cho giỏi, vậy thôi mà cô.
Cô ấy đi rồi, thầm cầu trời cho đứa nhỏ nhà cô năm tới cũng vô đại học cho đáng cái công cha công mẹ.

Mấy bữa nay đọc tin cậu trai Tăng Văn Bình quê Đô Lương xứ Nghệ đậu thủ khoa đại học với điểm số tuyệt đối 30/30, lại nhận được học bổng toàn khóa của trường Ngoại thương. Chị gái Bình cũng đã là sinh viên năm thứ hai. Tội nghiệp hai chị em, cha mất sớm, chỉ còn có mẹ, nghĩ sao, học sao mà ngoan mà giỏi quá chừng.
Bình đã mang về nhà đáp lòng cho mẹ ít gì cũng là hai lần thủ khoa. Người mẹ ấy vừa giữ trẻ mầm non, vừa làm ruộng ở quê nhà, tảo tần nuôi mẹ già, nuôi hai đứa con hiếu thảo.

Bình Phước có "Chàng thủ khoa nông dân" vừa đậu đại học 29,5 điểm. Là anh cả trong nhà, từ nhỏ Quý đã phải lam lũ cùng bố mẹ đi làm thuê, phụ hồ, về nhà nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc hai em khi bố mẹ đi làm(T.Trẻ).

Chúc mừng cho những đứa con ngoan ngoãn, giỏi giang và hạnh phúc thay cho những người mẹ quê chịu thương chịu khó ấy.
***

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Một thoáng Bình Thuận.

Một trong những điểm du lịch biển hấp dẫn nhất ở miền Trung là Phan Thiết- Bình Thuận. Ngoài biển Mũi Né Hòn Rơm với biển xanh, dừa xanh, cát vàng, còn có một vài địa điểm có thể thăm thú là khu đèn biển Kê Gà, núi và chùa Tà Cú, bãi đá và chùa Cổ Thạch hay các làng chài ven biển...

Cổ Thạch nằm ở phía Bắc, giáp ranh tỉnh Ninh Thuận. Là một bãi biển chỉ với những viên đá sỏi nhiều màu, nhiều kích cỡ và một vài tảng đá lớn hình dáng lạ mắt. Gần đó có chùa Cổ Thạnh. Làng chài Cổ Thạnh mới mon men khai thác du lịch, một vài căn nhà trọ mới mọc lên, nước thải chảy ra bãi đá và những dịch vụ kiểu làng xã, hầu như không có gì, chỉ làm cho hoang sơ dần biến mất. Nhưng vẫn nhớ nhất ở đó có món sò điệp nướng trên bãi biển là luôn luôn tươi, ngon và rẻ.

Núi Tà Cú nằm phía Nam Phan Thiết cách chừng 30 km. Đứng trên núi nhìn bao quát hết tầm mắt một vùng trời biển, tới tận ngòn đèn biển Kê Gà. Đi viếng thăm chùa Trà Cú đã có cáp treo, chùa xây lại mới, khang trang. Ở phía trên nữa là tượng Phật niết bàn dài 49m lặng yên, tĩnh tại. Tượng Phật ở đây không dài bằng tượng niết bàn 100m ở một ngôi chùa nước bạn Myanma.

Ven biển phía Nam Phan Thiết ba chục cây số là vị trí cây hải đăng Kê Gà. Trên hải đồ nó báo hiệu cho những tàu thuyền qua lại khu vực này. Ngọn đèn biển hùng vĩ ấy được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19, được coi là cây đèn biển già nhất nước.
Ngày xưa còn đi biển, bắt được tín hiệu đèn Kê Gà là như đã về tới nhà, một chuyến biển an bình và ai đó sóng gió còn đang say cũng tỉnh lại như sáo.

Hãy qua đảo thăm ngọn đèn và hàng sứ già năm nay 111 tuổi, leo cao trên ngọn đèn để chụp ảnh cùng biển nước mênh mông vỗ về những tảng đá vàng nâu muôn hình dáng và kích thước.
Ai yêu thích du lịch bụi có thể đi lắc thuyền thúng chơi, câu cá, câu ốc hương, bắt cua rạm với người dân vào những ngày biển lặng hay chờ ghe cá về, chọn mua ít cua ghẹ thiệt ngon rủ mấy anh bạn ghe chài nhậu nói dóc chơi cho biết chuyện làng chài.

Khi những resort, khách sạn mọc lên xung quanh khu vực này những năm gần đây, đánh thức người dân ước muốn làm du lịch. Cũng là tự phát, nhỏ lẻ, thiếu thốn và hư hại môi trường. Vẻ hoang sơ của khu vực dần mất đi cùng với tính thân thiện chất phác người làng chài.

Một điều ai cũng phải nghĩ tới Bình Thuận với hơn trăm cây số bờ biển. Dài như thế, đẹp như thế, lại ít bị ảnh hưởng gió mùa, vậy mà thật hiếm hoi khi đi kiếm một bãi biển công cộng cho đẹp, cho tiện nghi, nơi vui chơi cho tất cả mọi người. Bãi biển Đồi Dương ngay trung tâm thành phố lâu nay đã làm kè lại. Kế bên là khách sạn sân golf Novotel chiếm hết một khu rộng lớn ở trung tâm thành phố. Nơi ấy không để dành cho những người bình dân tới đất này nghỉ ngơi.

Chạy xe dọc bờ biển từ Hàm Thuận Nam qua Mũi Né lên phía Bắc, đất ven biển nơi nào cũng đều có chủ. Những khách sạn, resort xây dựng dở dang từ bao giờ trọi trơ hứng gió biển, những khu đất có hàng rào, dựng biển tên giữ chỗ. Năm trước đi qua, năm nay đi lại vẫn vậy. Cảnh quan ven bờ biển hoang sơ xưa kia bị băm vụn bởi một quy hoạch nào đó cùng một môi trường nhếch nhác, xơ xác. Vẫn khó tìm ra một bờ bãi công cộng.

Thấy chiều về trên biển, ta hãy tạm cất đi những suy nghĩ ấy của nhà nước lớn. Tìm về đường Phan Bội Châu trong thành phố ăn bánh xèo Phan Thiết hay dẫn cả nhà đi dạo dọc Trần Hưng Đạo tìm hàng bánh Căng. Thích nhất những hàng bánh Căng vỉa hè. Kêu cho bọn trẻ một xuất bột riêng pha thêm trứng gà và một ít sữa tươi, chờ đổ tới đâu ăn tới đó. Có thể chấm bánh Căng với nước thịt kho, hoặc nước cá kho. Sành điệu nên trộn chung hai thứ nước chấm đó, thêm nhiều ớt, ăn no thôi.
Để rồi xa Phan Thiết, lâu lâu ta còn phải nhớ xứ Bình Thuận, Ninh Thuận, một thời kêu là Thuận Hải có món ăn dân dã bánh Căng ăn no không biết chán.

Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

Con cái người quê.

Lần đầu tiên lên thành phố, nó nhìn người ta, nhìn nhà cửa, đường đi, cái gì cũng lạ, cũng hấp dẫn.

Nghỉ hè, bà ngoại đưa nó lên ở với mẹ trên thành phố. Gia đình cô Mười đi vắng, mẹ con nó ở coi chừng nhà, tiện nghỉ hè thành phố một lần cho biết. Ngôi nhà lạ hơn nhà nó ở quê và chỉ có hai mẹ con nó. Nhà có thang, có lầu, nước máy quạt điện chạy xe xe, ti vi có hoạt hình cho con nít coi tối ngày, hay quá chừng chừng luôn. Không phải đi học, lại được ở bên mẹ tới cả tháng, nó sướng rêm. Không thể biết hết cảm xúc của nó, chỉ nhìn ánh mắt mở to, chăm chú quan sát vào một người nào đó hay một việc gì đó, là đoán chừng vậy thôi.

Nhỏ tám tuổi lớp Hai. Ở quê đi học, hàng ngày ra vô chỉ biết có ngoại. Mẹ nó làm việc nhà cho người ta ở thành phố đã nhiều năm, lâu lâu về chơi với nó ít bữa, rồi lại đi. Xa mẹ, sống với ngoại, không biết nó học ai, hay tự bản năng có mà nó siêng hết sức. Thấy ai làm gì cũng quan sát rồi để con làm giùm cho.
Tất cả mọi việc ở nhà này mà nó đã làm thật đơn giản, dễ dàng hơn nhiều so với những việc ở quê. Mang bình nước đá lên lầu hay ai cần một việc gì đó, cho mẹ hay cho cô Mười, nó dạ thưa rồi chạy phăm phăm. Được đi lên xuống thang lầu nó còn phái nữa. Ở nhà nuôi bồ câu, nuôi gà, chăm mấy con đó với người quê là chuyện nhỏ.

Bữa ấy thấy cô Mười làm chả giò, sẵn một lần cô làm nhiều luôn có ai tiện gặp ăn chơi lấy thảo. Thấy có việc, con bé xà tới. Ngó một hồi nó nói cô bày con cuốn coi, rồi cho con thử coi. Nhằm lúc cô có chuyện khác, đi đâu đó một hồi rồi quên lửng, để con nhỏ ngồi một mình. Khi cô Mười quay trở lại thì nó đã cuốn xong một rổ chả giò tổ chảng. Có tới sáu bảy chục cuốn chả giò chứ ít sao, một mình nó cuốn. Mới tập cuốn lần đầu nhưng cuốn nào ra cuốn đó, tròn trịa, đều đặn như xếp và khéo léo vừa hết bánh hết nhân luôn. Trời đất, con cái nhà ai mà giỏi quá vậy trời? cô Mười ngạc nhiên khen nó.

Trước bữa về lại quê, nó khoe quà của cô Mười đi chơi xa về cho nó. Mặt con bé thật rạng rỡ. Nó ngạc nhiên, không nghĩ nó sẽ được những món quà như thế, vì mẹ nó còn chưa mua được. Rồi nó sẽ khoe với mấy nhỏ lối xóm cho phát thèm.
Nó không biết nó cũng giống những trẻ khác thôi, xứng đáng được nhận những món quà còn phải đẹp hơn như vậy, còn nhiều hơn như vậy.
Cô Mười hỏi con đi chơi được nhiều chưa, rồi còn muốn đi chơi đâu nữa không, nó cười cười miết, im lặng và lắc đầu. Chắc nó nhớ mấy bữa trước mẹ nó dẫn đi Đầm Sen, Sở Thú, mỗi món mỗi mười ngàn làm mẹ nó than trời. Hồi, lúc mọi người dợm đứng lên nó mới vói theo, con muốn đi siêu thị. Mẹ nó la đi hoài rồi còn đòi đi chi nữa.

Nó bám tay cô Mười cười trong veo: con chỉ thích đi cầu thang cuốn thôi mà.

Thứ Hai, 19 tháng 7, 2010

Mưu sinh đời thường(2).

Một bữa trời ui ui muốn mưa, buồn buồn rủ anh bạn già ra khu sân bay uống bia hơi Hà Nội. Đang trò chuyện thấy một cậu trẻ đậu chiếc Honda ở một góc xa xa, bên trên xe chở chi chi đó một thùng thật bự, loằng ngoằng đồ nghề. Cao lớn đẹp trai, tướng tá coi hệt ca sỹ thứ thiệt. Cậu trai cầm một micro không dây vào quán. Một giọng hát được dợt dẽ đàng hoàng, tiếng loa ở xa xa với mấy bài nhạc sến. Lúc nhậu vô ba sợi bỗng thấy lòng nao nao muốn hát theo. Hóa ra cậu ấy bán kẹo kéo, những cây kẹo kéo sạch sẽ.

Kẹo kéo một thuở là một bác già lội bộ, một bên vai mang thùng kẹo kéo một bên cái chân gỗ xếp, đến thời hộp kẹo sau ba ga xe vừa đạp vừa rao kéo kéo. Rồi sau nữa có vài cô gái tiên phong với xe đạp sặc sỡ, ăn mặc màu mè với những chiếc mũ cao kiểu anh hề rạp xiếc hay Bút thép Bóng nhựa. Kẹo kéo gắn chiếc cassette ầm ỹ, đi ngang ai cũng phải ngoái nhìn. Lâu rồi, tưởng kẹo kéo đã mất tiêu, ngờ đâu nó vẫn đang là kế mưu sinh của một chàng trai rất trẻ.

Một bữa tới dự đám tiệc thôi nôi cháu nội trai một người bạn già. Giữa chừng đang nghiêng ngả cơn say bỗng nghe "hú huầy" một phát giật hết cả mình, rồi một đội các cháu nam nữ chừng đôi tám xinh tươi bước ra cùng những điệu múa. Hơi ngạc nhiên vì hồi nào tới giờ không thấy cảnh này trên đường phố, lại ngay quận Nhất mới lạ. Đám trẻ múa góp vui được mấy điệu múa rồi rút đi đám khác. Nghĩ bụng lại là một cách mưu sinh của đám trẻ chịu thương chịu khó.

Bon chen với cuộc sống thị thành cực lắm. Thấy mấy đám trẻ xinh tươi lại thật sự siêng năng, chịu cực, ăn đứt mấy cậu trai đêm đêm nẹt pô, đua xe ngoài đường phố. Mới thấy cách mưu sinh của thị dân ở thành phố này thật là đa dạng, và cuộc sống của nhiều người vẫn còn vất vả lắm.

Đọc báo bữa nay, lại "bão đêm ở Sài Gòn".
Hè rồi, không có trò gì chơi, không có nơi nào chơi, lại có những đám nhỏ bày đặt quậy phá, đua xe.

Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2010

Tám chuyện phố lội.

Bài hát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa được người Hà Nội ở khắp nơi yêu thích.
Cách nay ít lâu, được nghe bài hát ấy với lời hát: Sài Gòn mùa này phố cũng như sông...Đó là phiên bản đầu tiên của bài hát. Ngày ấy phố phường Hà Nội chưa biết đến chuyện phố lội.

Một lần, có ông bạn KV ở Hà Nội vào chơi. Đang ngồi nhậu quán bụi Hai Báu bỗng nghe mấy "nhậu sỹ" bàn bên ôm đàn ca say sưa: Sài gòn mùa này phố cũng như sông... Ngạc nhiên quá, khoái chí quá, KV liền tặng mấy em nửa thùng bia hữu nghị rồi xin bản quyền bài hát chế mang về tính tếu táo với bạn nhậu Hà Nội chơi.

Ai dè năm ấy vào tháng Mười, lựa đúng ngày lễ Halloween cho nhớ, ông Trời cho một cơn mưa thật lớn làm ngập lụt nặng nề phố phường Hà Nội, phạt cái tội mở mang bừa bãi xây dựng cẩu thả. Bài hát từ đó được trả hộ khẩu về đơn vị gốc, giữ nguyên lời hát, chỉ cần đổi hai từ SG-HN và phiên bản thứ hai ra đời: Hà Nội mùa này phố cũng như sông...

Thì ra thấy phố lội ở Sài Gòn, sẵn tính vui đùa, những người Hà Nội hài hước sống ở Sài Gòn bèn chế ra và hát rằng Sài Gòn mùa này phố cũng như sông để vui ở nhà mình hay trong các quán nhậu khi nhậu vô năm ba sợi tây tây.

Lụt phố ở Sài Gòn thì có lâu rồi, nhiều rồi, quen rồi, nên người Sài Gòn cũng đã quen chịu đựng.
Đã nhiều năm, ở Sài Gòn khi gặp những cơn mưa lớn, lại cộng vào khi trùng giờ triều cường thì có phố lụt, mỗi năm mỗi nặng thêm và lan rộng đến ngạc nhiên theo đà mở rộng thành phố.
Khu Hiệp Bình Chánh Thủ Đức lâu lâu đê bao vỡ chơi một phát, nước tràn bờ, bàn ghế trôi, mai thúi gốc, dân tình nhậu mỳ gói khô mấy ngày chơi. Bên quận Tám vùng sông rạch cũ thì chịu ngập thường mỗi tháng không nói, đến khu chợ Bà Chiểu hay vùng Tân Phú quận mới, mùa triều cường nào cũng ngày hai lần nhà nhà mang bao cát chắn trước cửa.

Nghe người chức trách giải thích lý do ngập lụt, người Sài Gòn nghe quen "giải" nhưng không thấy "thích" nên cam chịu, tự lo bằng cách đắp đê bao, đôn nền hay chặn cửa nhà, kê cao tủ lạnh, bàn thờ mỗi lần triều lên, mưa xuống.
Cái cầu thang lên lầu khi xây cất, nhà thầu đã cẩn thận làm cho đủ bậc sinh lão bệnh tử, rồi nước mỗi lên mỗi năm, đôn nền nhà lên theo, tới giờ nhiều nhà chiếu nghỉ rơi ngay vào cung bệnh, cung tử, cũng phải chịu, kệ. Có kêu ca chắc là báo chí hay những người ở nơi khác tới, cũng chẳng tới đâu.

Huế cũng có lụt phố chứ. Nhưng ít nghe người Huế than thở vì người Huế vốn kín đáo và làm như họ đã quen lâu với lụt phố. Hỏi thăm, người Huế nói năm mô mà Huế không lụt. Không có lụt mới lạ và nhớ. Nghe họ hỏi nhau năm ni giờ ni vẫn chưa thấy lụt hè, là biết. Lụt phố với Huế đã quá quen.

Mới đây mấy bữa, Hà Nội vừa có cơn mưa đầu mùa. Ai cũng trông ngóng sau những ngày dài nắng nóng và cúp điện triền miên. Phố phường như được tắm mát mẻ trước mùa lễ hội. Chẳng ngờ sau cơn mưa Hà Nội phố cũng như sông ở khắp nơi còn các cháu mẫu giáo thì ca vang: em đi bơi thuyền, trên phố Đại La... Công nhận sống ở Hà Nội, từ nhỏ các cháu bé đã có tính hài hước, người lớn nghe vui thật, nhưng mà đau.
Các nhiếp ảnh gia chuyên và chơi chụp được quá chừng hình ảnh phố lội Hà Nội, không đụng hàng thành phố nào hết như mấy vụ quốc hoa, quốc thơ này kia nọ. Coi mà cười đau. Mùa mưa đang tới, chắc sẽ còn nhiều chuyện vui nữa.

Chợt nhớ một bài ca hồi nhỏ rất thích, nhưng đã mấy chục năm không còn nghe ai ca, ai ơi có còn nhớ:
Trên thế giới hôm nay có nhiều thủ đô bè bạn,
nhiều thủ đô chói lòa ánh sáng,
nhiều thủ đô nhà vút lưng trời.
So với Hà Nội của tôi,
những đường phố chưa to,

những căn nhà còn nhỏ.

Nhưng bao tự hào, niềm tự hào chỉ Hà Nội của tôi mới có. Hà nội ơi...

Thứ Tư, 14 tháng 7, 2010

Elvis Phương.

Gặp và được nói chuyện với anh ấy thật tình cờ. Cảm giác anh hiền, cởi mở, rất dễ gần.

Ở tuổi đôi mươi tôi đã say mê giọng ca của anh khi nghe anh với bài "Vết thù trên lưng ngựa hoang". Bài hát lại được nghe ở thời điểm đám sinh viên Hà Nội tụi tôi, mở đầu từ thằng bạn Dũng "Igo" mới truyền tay nhau đọc những "Điệu ru nước mắt", "Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang", "Loan mắt nhung" của Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long, nên nhớ lắm và nghe lời ca cùng tiếng huýt gió điệu đàng, lúc đó thật là phê. Anh là ca sỹ Elvis Phương.

Ở Sài Gòn những năm sau chiến tranh rất khó kiếm nhạc nhưng vì say mê nên trên kệ băng dĩa cũng có được một vài băng nhạc gốc của Elvis Phương, thứ băng cối lớn như chiếc dĩa ăn của những giàn máy nghe nhạc Akai, Tech... thập niên 70. Mỗi buổi tối ở khu nhà tập thể, anh em lại tụ lại ở phòng riêng nghe nhạc uống trà. Elvis Phương hát khỏe, say mê, có những buổi diễn anh một mình hát mấy chục bài. Nghe anh hát bài nào cũng thích nhưng thích nhất có lẽ là "Áo anh sứt chỉ đường tà", "Vết thù trên lưng ngựa hoang", "Về đây nghe em", "Tôi muốn"...

Anh định cư ở nước ngoài, lần đầu anh trở lại quê hương ca hát nhớ là cách nay chừng mươi năm. Lần ấy anh hát ở Nhà hát thành phố. Một sân khấu được thiết kế với phong cách lạ nhưng ấn tượng và yêu ngay. Đó là khung cảnh chợ Bến Thành Sài Gòn của thập niên 60,70. Mỗi nhạc công được đặt từng tầng nấc cao thấp khác nhau, kề bên những chiếc xe Lambro ba bánh, đặc thù của đô thị miền Nam một thời, ánh sáng sân khấu là một màu nâu nhạt xưa cũ.

Chị Ba của tôi cũng rất ái mộ Elvis Phương. Lần ấy dù khó vì là buổi công diễn đầu tiên của anh sau bao năm xa Sài Gòn, chị em tôi cũng kiếm được cặp vé đi coi. Tiếc là bài hát phải duyệt kỹ nên lần ấy nhớ là chỉ nghe được một bản "ghiền" "Về đây nghe em". Cũng nhớ là mỗi lần giới thiệu tựa bài hát cứ nghe mãi tiếng vỗ tay rào rào.

Bây giờ thì vợ chồng anh đi về thường xuyên nên có nhiều dịp nghe anh hát ở những phòng trà hay một dịp nhạc hội nào đó.
Gặp anh ở sân bay Hongkong, xin phép chụp tấm hình kỷ niệm, anh cười thật tươi, thân thiện và bé Nhí thì vui hết sức, bé nói để khi nào bé khoe Dì Ba.

Thứ Hai, 12 tháng 7, 2010

Góc phố Sài Gòn.

Con gái thích ăn nộm khô bò, mẹ chỉ ra công viên Lê Văn Tám. Bố nói hồi bố mẹ mới yêu nhau thường hay rủ nhau ra đây ngồi ăn nộm và tâm sự, con bé nghe khoái chí lắm, vậy thì bố con mình đi thôi.

Kể sơ với bé về xe nộm công viên. Tới nơi, nó hỏi chị bán hàng : Cô bán ở đây lâu chưa vậy cô? Ừa, chào bé con... Ba mấy năm rồi con... Ui, lâu tới như vậy sao?... Chớ sao, nuôi cả nhà mấy chục năm rồi đó con à!

Cái xe nộm khô bò công viên ở góc ngã tư Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu chỉ bán vào buổi chiều tắt nắng và buổi tối. Không biết nó có từ bao giờ nhưng chắc chắn là đã lâu lắm và có nhiều kỷ niệm với rất nhiều người, những người ở khu Sài Gòn, và những người từng một thời gắn bó rồi một thời đi xa.

Lúc xưa xe nộm đặt bên hông công viên, sau này chắc vì chuyện muôn đời cái lề đường trái phải, chạy quanh riết rồi chuyển sang tận lề đường bên kia. Vậy mà có nhiều lần bị thu mất cả xe lẫn nộm nên bây giờ cái xe nộm để nửa trong nửa ngoài cánh cổng một khuôn viên nhờ hảo tâm của mấy chú bảo vệ. Khách đã quen, cứ chạy xe tới công viên, gởi xe chọn chỗ ngồi.

Nộm được làm ở bên đây đường, chị hầu bàn (kêu vậy cho nó soang) chất lên mâm hai chồng dĩa rồi băng qua ngã tư sang bên công viên. Ngã tư chật chội, xe đan xe, người đan người nhưng mâm nộm theo chị ấy khéo léo lách qua hàng hàng xe cộ dày đặc sang đường về tập kết đúng chỗ, không làm vướng bận, phiền hà đến ai. Mà làm như những người đứng chờ đèn đỏ ở ngã tư đã quen với cảnh này nên còn né cho chị bán hàng băng qua mau, có người còn mỉm cười với chị nữa. Mấy chú phú lít ở ngã tư này không thấy nói chi, có khi cũng là khách quen của chị không chừng.

Khách của xe nộm khô bò phần nhiều là những bạn trẻ, là đám học trò, sinh viên, là mấy cô cậu công chức trẻ sau giờ tan sở. Lâu lâu cũng có những người ở phương xa tới, là Việt kiều, là những người đã một thời nhiều gắn bó, rồi chia xa Sài Gòn đã lâu, nay tìm về kỷ niệm. Đám hội thường nhậu thì bữa nào hẻo hay gặp bữa bà thị xã càm ràm không muốn cho đi đâu, xẹt qua hàng khô bò làm mấy bịch mang về nhà uống bia, lạ miệng lại bắt mồi.

Cũng thấy lạ, mấy chục năm xung quanh đây không có thêm xe nộm thứ hai, có chăng lâu lâu thêm chiếc xe bán hạt dẻ của một anh nói tiếng Bắc hay cười, xe bò bía của một chị Cái Bè hay xe bắp luộc của cô hàng quà Long Khánh tới đây đậu loanh quanh góp vui.

Nếu ai có tới đây thử dĩa nộm khô bò góc phố, xin cứ đậu xe sát hàng rào công viên, miễn phí, chọn một chỗ ngồi quanh thềm các gốc cây. Nhiều ớt ít khô, nhiều nộm ít ớt tuỳ, kêu rồi chờ chút chíu là có người mang tới tận nơi kèm nụ cười tươi nè cô, nè cậu, mát lòng.

Nhớ tuổi thơ ở Hà Nội trước thời sơ tán, mỗi tối sau giờ ôn bài, hễ cứ nghe tiếng kéo lách xách ở tận đầu phố là đám trẻ con trong khu tập thể 3B Ông Ích Khiêm lại kéo nhau ra vây quanh bác thịt bò khô bán dạo. Nhớ là có mấy xu một dĩa, tối nay đứa này trả mai đứa khác, chia nhau. Bác thịt bò khô hai tay hai chai lóc xóc, cái kéo lóc xóc, cái miệng rao cũng lóc xóc luôn. Thêm thật nhiều tương ớt cho cay xé lưỡi, dĩa thịt bò khô nộm đu đủ chuyền tay nhau ba bốn đứa, vòng quanh hai ba gắp hết vèo, xuýt xoa, nhớ tới bây giờ.

Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2010

Lại là gừng già.

Cú đánh đầu như tên bắn chính xác của lão tướng Puyol vào lưới đội tuyển Đức ở phút thứ 73 trận bán kết Wolrd Cup đã đưa Tây Ban Nha lần đầu tiên bước vào trận chung kết thế giới. Lại là gừng già. Người ta gọi Puyol là siêu nhân, là vua và ca ngợi anh bằng nhiều mỹ từ khác. Ở khắp nơi trên xứ sở bò tót người ta đang ngất ngây sung sướng với thành công của đội tuyển và đón chờ trận chung kết trong hy vọng tràn trề.

Ai đó thường coi các trận cầu ở giải vô địch Tây Ban Nha sẽ thấy đội tuyển gồm những gương mặt và những cái tên quen thuộc nòng cốt của các câu lạc bộ. Trước mỗi trận cầu nếu thiếu vắng những cái tên ấy trong danh sách cầu thủ là thấy ngại ngần khi đặt kèo vào câu lạc bộ. Họ chơi một thứ bóng đá nghệ thuật và ai cũng đáng yêu hết. Thích nhất có lẽ là Tores, Villa và Casillas, từ chục năm trước khi họ ở tuổi đôi tám mới bước lên chuyên nghiệp từ đội trẻ đã làm mê mẩn bao người. Inesta, Xavi, Alonso xông xáo khắp sân và đưa bóng như đặt còn lão tướng Puyol, người trung vệ đội trưởng Barca như một con ong cần mẫn bên phần sân nhà, lầm lũi lăn xả và tự tin, luôn luôn, ở câu lạc bộ cũng như ở đội tuyển.

Bóng đá như cuộc đời, sự thành công không phải chỉ do tài nghệ mà cần sự sáng suốt, tỉnh đòn cùng sự gắn kết của cá nhân với tập thể và người chỉ huy. Bớt đi một thoáng cá nhân, Pedro nhường Tores trái bóng ăn mười mươi ở những phút cuối trận bán kết để rửa chân cho tiền đạo đẹp trai này vào trận chung kết thì hay biết bao. Bóng đá Anh, Pháp, Ý đến với người hâm mộ Việt Nam mỗi tuần, nhiều kỳ vọng nhưng thật buồn cho họ không đi qua khúc dạo đầu. Họ có nhiều tài năng và kinh nghiệm nhưng đâu đó như là thiếu sự gắn kết, nói một cách lý thuyết nó là sự đoàn kết của một tập thể, để mang lại thành công.

Với Hà Lan thật yêu thích đôi chân ma thuật của Robben nhưng sự hết mình của tập thể những chàng trai xứ bò tót như là vẫn đáng yêu hơn.
Ảnh Internet.

Thứ Hai, 5 tháng 7, 2010

Chuyện thuốc lá.

Nghiện thuốc lá hồi năm sinh viên là tại lão Tài "mù". Lúc đó trường đại học sơ tán về Văn Giang Hải Hưng, mấy anh em ở trọ chung một nhà dân, có hai thằng Hà Nội học sinh phổ thông, còn lại là cán bộ đi học. Nhà rộng rãi, sân gạch lớn, bờ tre vi vu và một vườn nhót mênh mang với những những vòm nhót xanh mát rượi, trái nhót chín và chim chóc.

Những buổi tối sau bữa cơm chiều muộn, anh em thường hay pha nước ngồi ngoài sân với cây đèn dầu, trà lá và nói dóc. Lão Tài "mù" cán bộ đi học một bữa nhận nhu yếu phẩm về, quăng ra gói thuốc lá Hoa Hồng nói mấy thanh niên Hà Nội uống trà mà không biết hút thuốc à, thường thế? Lão nói cứ hút đi, anh có tiêu chuẩn phân phối thuốc lá hàng tháng, anh cho hút ké. Lâu lâu lão dúi cho một điếu, phì phèo điếu thuốc, rít thuốc nhả khói tròn, vòng nhỏ xuyên qua vòng lớn, mặt vác lên trời, không giống ai. Lão Tài " mù học không nổi, ra trường sớm, không biết bây giờ lão ở đâu.

Hồi phổ thông học nội trú trường toàn con trai, ra trường ngoài nói chuyện với bạn gái không quen, hai tay cứ thừa thừa thế nào. Tay cầm điếu thuốc lá đâm lại tự nhiên hơn. Thế là thành thói quen rồi nghiện thuốc lúc nào không hay.

Những năm đi làm, hiếm người không hút thuốc. Thuốc lá phân phối theo tiêu chuẩn. Đi đâu làm việc gì, gặp nhau là mời thuốc. Chả thế mà có câu đại khái: Sông Cầu còn lâu mới được, ba số năm vừa nằm vừa ký.

Những năm đi biển, chắc là nghề được xếp loại nặng nhọc nên thuốc lá còn được anh quản trị hào phóng hàng tháng phát hai cây ba số cùng tiêu chuẩn bia lon, đường sữa, tội gì không hút. Mua được cây quẹt Zippo hay Dupont, đốt điếu thuốc cái tay luỳnh khuỳnh, cứ nghĩ ta "soang" lắm. Nhưng phải công nhận tiếng lách cách của cây lò so lá mấy thứ hộp quẹt này nghe nó đã cái lỗ tai.

Biết là hút thuốc lá có hại sức khoẻ của mình và cả người xung quanh, bỏ mãi mấy lần mà không xong. Gần đây hút thuốc thấy phiền, lại tính bỏ. Mỗi lần bỏ, hút lại thấy đã gì đâu.

Bữa ấy đi máy bay đường dài, chui đầu vô phòng hút thuốc lá ở sân bay, hết nửa buổi nhịn, hút xong điếu thuốc trở ra say thuốc thật. Cả chục tên chui vô cái phòng nhỏ mười mấy mét vuông, tây ta đàn ông đàn bà đủ cả nhả khói! Cái mùi hôi ở trong căn phòng ấy thật khủng khiếp.

Một bữa đi chơi đường dài, lúc nghỉ chân mọi người chui vô phòng ăn bánh. Hút thuốc đương nhiên ra ngoài. Có hai bà tây nghiền thuốc, trời mưa ầm ầm chúng cũng đuổi ra ngồi ngoài sân, cách thật xa mọi người mới được hút. Sao mà khổ.

Đúng là ở nước ngoài hút thuốc cứ như ăn trộm, hút xong điếu thuốc, rửa mặt mũi sạch sẽ, nhai thêm miếng kẹo cao su, mấy phút sau mới vô phòng mà người ta vẫn kêu hôi thuốc lá. Thế mới khổ.

Ông anh cọc chèo, dạy học ở bên Mỹ cũng là người hút thuốc lá lâu chưa bỏ được. Anh kể chuyện lúc này ít hút Marlboro, tám chín đồng gói thuốc hao quá. Lâu lâu kiếm thuốc Zet người Việt mang qua, 27 đồng một cây, cho khoẻ. Ôi trời, bên nhà Zet chừng mươi ngàn, năm sáu Mỹ chứ mấy, vậy mà ở đây lâu lâu mới kiếm mua được.

Đi chơi xa cả tháng, trước bữa đi ngồi nhậu hai ông bạn Vũ Anh, Giang còi dúi cho cây Marlboro, nghĩ bớt bớt hút, ba ngày một gói, chắc đủ khỏi mua thêm. Ai nghĩ đâu một mình lại hút dữ. Hết veo. Tiền mua thuốc lá mỗi ngày mất đứt chục "ve", đau hết cả người.

Hết thuốc lá, bữa đi siêu thị với con gái, nhờ nó mua giùm bố gói thuốc, bà bán hàng kiên quyết đòi ID hay hộ chiếu mới bán, bữa ấy không ai mang giấy, thế là chều, mà đâu rẻ đâu, tám mỹ một gói, ù hết cả tai.

Một bữa đang ở Saratoga tiểu bang New York , hai anh em trên khách sạn xuống đường hút thuốc, một ông tây lại gần bắt chuyện. Ông ấy nói tao không hút thuốc, nhưng tao thương chúng mày, tiểu bang này mới ký tăng giá thuốc thêm đồng rưỡi, quá tay. Ông anh than trời, vậy gói Marlboro đến mười mỹ, chắc kỳ này bỏ thật, bà xã ơi.
Tính ra tiền mình, hai triệu đồng mua cây thuốc lá, chơi kiểu này chắc là nhân dân hút thuốc bỏ hết ráo.

Nói chuyện với con gái mai mốt yêu cu nào, thấy nó lỡ hút thuốc kêu bỏ liền đi còn kịp, kẻo mai mốt còn khổ hơn bố nghe con.

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2010

Bé Thu.

Cô Hường giúp việc nhà có đứa con gái nhỏ ở dưới quê năm nay học mới hết lớp Hai. Ông xã bỏ nhà theo người khác, nhỏ Thu ở với ngoại, đi học. Mẹ đi làm xa nuôi con, năm về với nó được một hai lần. Con bé hiểu cảnh nhà, thương mẹ, không đòi hỏi mẹ nó điều gì.

Cả nhà đi chơi lâu ngày, nói cô cho con bé lên Sài Gòn nghỉ hè, nhà cửa rộng rinh, mát mẻ, tự do. Hai mẹ con coi nhà, tự lo cơm nước rồi cho nó đi Sở thú, Đầm Sen chơi cho biết với người ta.

Con bé được lên thành phố mừng lắm. Bữa hôm ngoại dẫn lên, gặp mẹ nó mừng ríu, ôm riết lấy mẹ và rên khe khẽ mẹ mẹ...

Mới xuống bếp thấy mẹ ngồi lặt rau nó gạt mẹ qua bên nói mẹ để đó con làm giùm cho. Con bé làm ào ào mau lẹ và gọn ghẽ. Thấy nó thương mẹ hết sức và nhìn điệu bộ, nghe giọng nói của nó cũng thấy nó dễ thương hết sức luôn. Nghĩ bụng con cái người quê, nhà nghèo sao ngoan ngoãn và biết nghĩ sớm.

Bữa hôm điện thoại về hỏi thăm, như biết ý mẹ con nó ríu rít khoe đàn gà tre nở được sáu con, thêm một ổ nữa mới vừa ấp. Mẹ con bé Thu đi chơi vui vẻ được ít ngày rồi thôi vì đi tới đâu, chơi trò gì cũng tiền thôi là tiền, chút một chút một mười ngàn, về tới nhà hết hồn vì đi chơi xài tiền dữ quá. Bữa nay con nhỏ buồn rồi vì thấy nhớ chị Nhí.

Lần trước cô giúp việc về quê ăn tết Chol chnom thmay của người Khme, Nhí đi với mẹ mua sách tập gởi về quê động viên em học. Lần này đi chơi nhiều, học hỏi được nhiều lại có những bạn mới nên không thấy nhớ gì đến em đang ở nhà coi chừng nhà giùm cho Nhí đi chơi.

Bữa nay nghe bà thị xã nói anh nhớ nhắc em mua quà cho con bé, sực nghĩ đi chơi lang thang đã gần cả tháng. Mở máy thấy có tấm hình của bé Thu trước bữa đi, ngồi lưu lại ít chữ.
Mừng vì mọi người luôn nhớ về nhau, và mong sao mọi người xung quanh cứ luôn nghĩ về nhau, luôn biết quan tâm đến nhau, cuộc sống sẽ cho mình nhiều điều tốt đẹp.
***