Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2010

Ở ngã tư ấy.

Ngã tư Bình Hòa, Gia Định. Cái ngã tư đầy ắp kỷ niệm của những ngày đầu tiên sống ở miền đất mới. Đó là mùi dầu dừa chiên dầu cháo quẩy, là tiếng pô xe lam, xe xích lô máy của những người lao động bình dân mỗi đêm về sáng.

Gặp anh ở quán cafe ngã tư Bình Hòa, Sài Gòn những năm khó khăn sau chiến tranh. Anh thường ngồi một mình ở phía sâu trong quán.
Người phục vụ như đã quen, khi nào cũng mang ra cho anh một ly cafe đá và chỉ một điếu thuốc trên cái dĩa nhỏ kèm một hộp quẹt cây. Một điếu ba số năm. Những năm ấy, người bình thường ít ai hút thuốc ba số, một điếu thuốc giá bằng bữa cơm bình dân. Sau này mới biết thói quen của anh, sáng ra làm cữ cafe và một điếu ba số trước đã, khỏi ăn sáng, không cần biết ngày hôm đó sẽ cày ra được mấy đồng, mọi việc tính sau. Anh ngồi đăm chiêu, nhìn ly cafe, nhìn điếu thuốc. Hết nửa ly anh chậm rãi kẹp hai cây diêm đốt điếu thuốc. Nhìn anh với cặp mắt kiếng cận nặng và bàn tay thợ với những vệt đen mờ của dầu mỡ quanh viền móng tay, anh rít gọn khói thuốc, tự nhiên tôi có cảm tình.
Một bữa tôi mang lại quán một dĩa hát nhựa mềm, thứ dĩa của Ba Lan một thời, ai cho không nhớ nữa, có bài "Dòng sông vàng" của nhóm nhạc Christine mà tôi rất thích. Thích nhất cái đoạn " hốt" hết bài, hồi đó kêu vậy, chỉ có giàn nhạc chơi với nhau, giống như đoạn "hốt" của bài Hotel Califonia sau này ấy, tuyệt vời. Băng nhạc này còn có bản "Goodbuy", lời bài hát chỉ có đúng một ca từ ấy, được ca lên mỗi lần kết thúc một buổi diễn của băng nhạc và bây giờ trong các sân banh, lâu lâu vẫn nghe đồ đệ môn túc cầu đồng ca, đại khái: nà na na... nà na na... hế hê hề, goodbuy".
Một thời gian dài ấy ở Sài Gòn không phải muốn nghe ca nhạc nào cũng có, băng dĩa nhạc vàng xanh bất kể, người ta quăng đi hết. Bạn có thể thoải mái nghe nhạc cũ, nhạc ngoại ở miền Bắc nhưng ở Sài Gòn thì tuyệt đối không.
Anh bắt chuyện nói quá lâu mới nghe, anh rất thích bản này. Quen anh từ bữa đó.
Những năm sau 75, anh thất nghiệp, sửa xe đạp xe máy tại nhà cho bà con lối xóm hay khách hàng quen mang tới, sống tà tà.

Cũng ở ngã tư ấy có gia đình một người quen, là bạn học bên Nga với bà chị ở nhà. Vợ chồng chị Bình anh Ngọc hiền lành như đất, gặp lúc nào cũng thấy cười. Nhà mặt tiền đường không làm gì, hỏi thì anh chị nói mấy đứa làm được gì thì làm, dư dả góp tiền điện nước.
Một thời gian biết nhau, chúng tôi rủ nhau mở tiệm sửa xe máy tại đây, anh đồng ý liền. Thấy mặt bằng rộng anh bàn để thêm cái tủ kiếng nhận chụp hình, sửa máy ảnh. Nghĩ bụng ông này sao nhiều cái giống mình, ham làm ham chụp ảnh và sửa xe máy, lòng thấy vui. Đi kiếm một cái tủ nhỏ, xách thêm tới tiệm cái bơm xe và thùng đồ nghề, kiếm một vỏ thùng bánh Biscuit vẽ lên hình một hộp phim Kodak thật lớn treo tòn ten trước cửa tiệm. Vẫn nhớ cái hộp phim Kodak ấy do Minh cao, con nhà trà Mai Hạc vẽ. Thế là bắt tay vào việc.

Hàng ngày anh đứng trông cửa tiệm, tôi đi làm ở cơ quan, buổi trưa buổi chiều hay lúc nào rảnh việc là nhao ra tiệm, có việc cùng làm xe máy hoặc phân công nhau đi đánh đám, là đám ma đám cưới, sinh nhật hay có khi chỉ là một đám tiệc nhỏ chụp năm bảy tấm kỷ niệm. Có bữa mới ráp xong cái máy xe, rửa tay chưa sạch hết vệt dầu nhớt đã khoác vai giỏ máy đi đám cưới, siêng thế. Vất vả nhưng được làm việc khiến cho ta yêu đời. Việc sửa máy ảnh lâu lâu có cái, hẹn khách có tới hai ba tuần lễ nhưng anh làm nhoằng phát xong. Anh có khiếu cơ khí và thật khéo tay. Máy ảnh sửa xong được giữ lại trong thời gian mấy tuần lễ ấy vừa để thử máy, vừa để sử dụng cho hai người đi đánh đám. Nói thêm là hồi đó làm tiệm chụp hình, ban đầu anh em có đúng một cái Canon QL, thứ máy lấy nét kiểu giản đơn hai hình chập một, lên phim nhanh tiết kiệm được ba bốn tấm phim. Cái máy cà cộ ấy mà, thế mà chụp ra ảnh nét và sáng. Ngày ấy nhu cầu ảnh là ghi dấu kỷ niệm, cần sáng đẹp rõ mặt người là chính chứ chưa có nhu cầu nghệ thuật như những năm sau này.

Thời gian, mỗi người một công việc khác nhau. Sau này anh lập được một xưởng thêu máy, làm ăn được. Vợ chồng anh lo cho cậu trai lớn đi du học, một cậu đang phổ thông và giành nhiều thời gian để chăm lo cho một cậu trai không may mắc bệnh TK.

Chúng tôi vẫn chơi với nhau từ đó tới giờ, thăm hỏi động viên, lo làm ăn và lo cho gia đình. Lâu lâu anh alu nhớ mày quá, ra đây làm một ly, có khi tám chín giờ tối còn kêu, anh nói giờ mới xong việc.

Với tôi, những năm tháng ấy, mới tốt nghiệp đại học kỹ thuật, ôm mớ lý thuyết xuông biết cái gì. Ở ngã tư ấy, tôi học được ở anh đức tính siêng năng, ham muốn tìm tòi, mày mò, và đã làm gì là làm cho được trong nghề cơ khí máy móc rất nhiều hấp dẫn.
Những năm sau tôi sang nghề đi biển, làm việc trên những con tàu lang thang nhiều nơi, tôi tiến bộ và luôn vững chãi trong công việc của mình, từ ngày đầu làm thợ cho đến một sỹ quan máy tàu biển. Trong tâm thức tôi luôn luôn nghĩ đến anh, đến những gì đã học từ anh.

Một sáng mở hộp thơ nhận được mấy tấm hình cũ của hơn ba mươi năm trước. Là từ hộp thơ của anh, anh gởi kỷ niệm cho tôi. Nhớ ra là tấm hình tôi chụp ngày khai trương cái tiệm hình năm xưa. Kỷ niệm chợt về. Tôi hiểu như là anh muốn nói với tôi khi những ngày này mới nghe người ta nói hãy gần với nhau nhưng chúng ta đã thân với nhau từ những ngày xưa ấy.
Ở ngã tư Bình Hòa, Gia Định ấy, chúng tôi đã chơi với nhau như vậy những ngày đầu tiên, tới giờ đã ba mấy năm. Ngày gặp nhau hai anh em ở hai khía cạnh cuộc đời.

Viết cho anh L- 30 Tháng Tư 2010

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Chụp lác.

Biết mình có thú chơi mấy con gà con chim, một hôm người quê gởi tới một cặp gà Sao để nuôi cho vui. Cặp gà đẹp, nhưng nhát chết. Nuôi mãi mà nó không muốn quen thân, hay là tập tính của nó không thể làm bạn được. Lúc bé chăm tới bây giờ lớn, kể cả lúc cho ăn hễ lại gần là nó nhảy loạn, như muốn chạy trốn mình.
Mấy bữa nay tự nhiên hai đứa kêu dữ quá. Nó kêu hay nó gáy chẳng biết nhưng nghe sốt ruột vì nó kêu tiếng lạ, kêu liên tục không ngưng nghỉ. Lối xóm có hai bà cụ, lớn tuổi lắm rồi. Sáng sáng cụ ngồi xe lăn chơi trước nhà, hai bạn gà Sao thản nhiên la hét om xòm cả xóm.
Không nghe các cụ nói gì nhưng cả nhà bàn nhau phải xử lý thế nào chứ phiền lối xóm quá, không nên. Nói mần gà đi, gà Sao xương nhỏ thịt mềm ăn rất ngon. Cả nhà không ai chịu mần, nói nuôi rồi không muốn mần. Hội thường nhậu thì alu: bạn ơi, lẩu nấm gà Sao đê!

Phải hỏi người quê thôi.
Nói rằng nó ăn vẫn khỏe, ăn rất nhiều rau cỏ. Người quê nói vậy tốt có sao đâu. Bây giờ nhiều nơi họ nuôi đàn, nuôi trại rồi, dễ nuôi mà. Còn ở quê thì nó được tự do trong vườn nhà, bay tuốt ngọn cây cao, tới giờ ăn tìm về, làm ổ thì nó đẻ, tự ấp trứng nuôi con, muốn bắt lấy cái bội chống cây tre, rắc lúa dụ nó.
Hà hà... mà nó kêu sao nào? Nó kêu tiếng lạ lắm kìa. "Chụp lác... chụp lác" phải kêu vậy không. Đúng đó đúng đó. Người quê cười hiền lành: Vậy nên ở quê kêu tên nó là con Chụp lác chớ không chỉ cái tên đẹp gà Sao đâu. Nó hai lúa như cu Đực cu Đen ở quê vậy mà. Giờ mình kêu nó là con "Chụp lác" nghe.

Con Chụp lác kêu nhiều là nó sắp đẻ, khi gió Nam về là nó bắt đầu đẻ trứng đấy. Người quê nói thế.
Giữa bao bộn bề cuộc sống, bỗng dưng chợt thèm muốn một mảnh vườn quê.

Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2010

Chen ngang.

Nơi cấp visa ở một tòa tổng lãnh sự ngày nào cũng đông người. Hàng người xếp hàng luôn luôn kéo dài từ trong nhà ra đến ngoài đường.
Cửa số 3 bữa ấy dành cho những người đã một lần có visa. Có nhiều người lớn tuổi, họ có mặt sớm và xếp hàng theo cách ngồi chờ thứ tự ở hàng ghế. Đến sau cùng là một cặp vợ chồng và đứa con trai cỡ tiểu học. Anh chồng trông vẻ rất chi là dân liên doanh, mới đi ra từ sở làm. Đại khái gọn ghẽ, tóc chải bóng mượt, cặp mắt kiếng cận lịch sự, bảng tên mê ka đeo hững hờ trên túi ngực.
Khi cánh cửa nhỏ kéo lên, những người ngồi hàng ghế đầu lục tục đứng dậy, anh bạn liên doanh đã có mặt trước tiên và lấy ra trong cặp một xấp hồ sơ. Bỗng có một tiếng nói của ai đó từ trong đám đông, nhỏ thôi nhưng đủ cho ai cũng nghe thấy rõ: "láu cá".
Anh bạn lặng im, người vợ cúi gằm và cậu con trai ngước lên ngơ ngác. Ai cũng hiểu được câu nói trên giành cho ai, và cậu bé cũng vậy. Nhìn vẻ mặt và ánh mắt nó thấy tội nghiệp, như là bị tổn thương một tý. May phước người cha nghĩ sao xếp hồ sơ lui lại phía sau, ít nhất một cử chỉ biết lắng nghe.
Tại người lớn đấy, câu nói ngắn, nghe gọn ơ mà nặng nề lắm. Nhưng xét ra, một thoáng ngơ ngác, một tý tổn thương kia cũng là tại cái ý định chen ngang của cha cậu bé mà thôi. Cứ thấy thương thương cậu bé làm sao ấy. Đi về mà vẫn khó quên cái ánh mắt trẻ thơ lúc ấy của nó.
Người lớn ơi, đôi khi có những việc rất giản đơn, lại có tính nguyên tắc trong cư xử, tại sao người lớn lại làm như thế.

Một bữa chở con đi khám răng, nhằm đúng buổi chiều hẹn hội ngộ ngoài quán với nhóm bạn cùng với khách ở phương xa. Đăng ký nha sỹ đúng giờ đó ngày đó. Bố con tới nơi đã có ba người chờ khám bệnh. Dù cô nha sỹ là chỗ thân quen, dặn tới là cứ vô thẳng phòng khám, nhưng sao làm vậy được. Lỡ ai người ta cũng hẹn giống như mình thì sao? bố con không nói nhau câu nào nhưng thầm hiểu đành phải xếp hàng thôi.
Bố sốt ruột coi đồng giờ hoài, còn con ôm ngay cái kênh Disney, cười toe, mặc kệ. Giữa chừng có hai người vào thẳng phòng khám, bố con nhìn nhau cười, mình lẽ ra thứ tư giờ thành sáu. Trễ giờ hẹn với bạn cả tiếng vẫn chưa tới lượt, sốt ruột bố lại coi đồng giờ và than thở mấy câu. Cô khách ngồi kế bên chắc biết chuyện, lúc tới lượt cười cười vui vẻ: nhường cho con gái vô khám trước đó, mau về còn đi học thêm kẻo trễ con. Thấy bé con cười cầu tài cám ơn cô. Nhưng nó nói với cô con không có học thêm gì đâu, chỉ là bố con có hẹn với chú Kiên mới ở Lạng Sơn vô chơi, liên hoan ý mà, người lớn ý mà, nhậu nhẹt ý mà, trễ chút không sao đâu, cô vô trước đi.

Trễ hẹn với bạn, không có gì lắm vì còn xin lỗi được nhưng nghĩ bụng cũng phải thầm khen con bé. Coi như mèo khen mèo đi nhưng ít nhất nó đã nhận thức được chen ngang dứt khoát là không nên một tý nào.

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2010

HỌC HÈ.

Mới thi kết thúc năm học, Nhí "lùng" nghỉ học sớm. Hai mẹ con có giờ "vọc" củ quả. Thày giáo khen mẹ con nhà này ham học, nhanh tiếp thu. Riêng trò Nhí biếng hơn trò mẹ, cần cố gắng. Hình ảnh là kết quả sau hai tuần lễ học.
Chị Hai có muốn học, bữa nào Nhí chỉ cho nhe. Ăn thua Hai có giờ hay không.

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2010

Chuyện thảo dân.

Từ ngày quen anh Sáu hải quân hớt tóc, mỗi khi đi ngang góc phố của anh, bấm nhẹ kèn xe máy chào và làm khách mỗi tháng mỗi ghé, để được nhìn cái thùng thợ cạo và nghe tiếng kéo lạch xạch của anh. Bữa nay đến kỳ hớt tóc, ghé đã thấy mẹ con cô Tám công trường ngồi chơi từ hồi nào, lỉnh kỉnh kế bên là mớ bàn ghế nhựa sứt sẹo và chén ly cũ kỹ.

Cô Tám không thuộc những người mà sự mưu sinh phải bám lấy lề đường như anh Sáu nhưng cũng thuộc dạng lao động ngay thẳng và cùng cực nhất của thị dân Sài Gòn. Cô bán hàng ở các công trường xây dựng mà chỉ bán về đêm cho công nhân làm ca với mấy món tiền lẻ. Hàng hóa vỏn vẹn là mỳ gói, cà phê vợt, thuốc lá rẻ tiền và trà đá.
Sáng sáng dát sáu bảy giờ cô kết thúc một đêm bán hàng, ra khỏi cổng công trường, đi thẳng một khúc, quẹo trái là đụng cái ghế hớt tóc của anh Sáu hải quân. Bữa nào cũng vậy, ra về hai mẹ con cô Tám công trường thường xà vô nói dóc với anh Sáu, ào ạt một hồi rồi mới về nhà.

Cô Tám trạc bốn mươi, đậm người, tiếng nói trong mà khỏe, có cái duyên là rất hay cười lại cười sảng khoái nữa, dễ gần và làm người đối diện vui lây. Cậu trai cũng hay cười như mẹ. Nhìn nó thật khó đoán tuổi, thấy nhỏ con nhưng nói chuyện như một gã thạo đời. Gặp mẹ con cô vài lần, lúc nào cũng ồn ào, cười ngất ngư.

Mới thấy ngồi vô ghế hớt tóc, cô cười he he bắt chuyện: tóc bạc hết trơn dzậy bày đặt làm dáng chi nữa, cạo trọc đi cho khỏe anh Hai ơi. Rồi bắt sang chuyện khác, là chuyện vì sao sáng nay mẹ con cô ngồi đây sớm.

Bữa nay nghỉ việc ở bển rồi, cô chỉ tay sang bên công trường. Hơ! hơ!... cái thằng chả ăn thiếu tui cả tháng mỳ gói chớ ít gì, ở trỏng kêu chả là gì mậy Tài? đốc công hả?- Bữa nay mới biết thằng nhỏ con cô tên Tài. Ây dà... anh Sáu với anh Hai đây coi tui vốn liếng được bao nhiêu, vậy mà cứ hỏi tới là chả trợn mắt mắng ngược mình, xơi xơi như là tui mắc nợ chứ hổng phải chả, tức mình muốn chớt!
Anh Sáu ngừng tay kéo nói thôi thì mình mần ăn phải nhịn chút chíu, coi như ngày nấu cho chả gói mỳ đáng gì.
Cô Tám không chịu, lớn giọng, có phải một chuyện đó thôi đâu, lâu lâu gói Zet, gói Hero còn trà đá từ hồi có công trường tới giờ tui đâu có tính, mình cũng biết điều lắm chớ, hơ hơ...

Còn chuyện nữa nè, mắc cười hôm trước chả đi đâu về, nhậu vô ba sợi bày đặt sờ soạng tui, thằng Tài nó vung cho một chưởng nhào vô góc nhà. Tại mày mình mất việc đó Tài. Thằng Tài khoái chí cười còn lớn hơn, giả lả góp chuyện: ây, lúc đầu tui nghĩ má chịu nó, sau thấy như là má buồn ngủ không hay tui mới la một tiếng, nó sợ té nhủi chớ đã chưởng chảo gì đâu, ha ha... Cô Tám tiếp lời, mà nói chuyện anh Sáu với anh Hai đây hay, chả tính trước rồi, cho tui nghỉ bữa nay kéo một bà chị ở đâu ngoải vô thế chân tui đó, ác dữ hôn!

Họ còn nói nhiều chuyện khác nữa, lâu lại thấy cười ha ha he he như họ chẳng hề suy nghĩ bận lòng gì với chuyện mới mất chỗ làm.

Đang ngồi lim dim trên ghế chợt giật mình thấy tay ai mềm mại xoa xoa cái đầu: Lâu nay lo mần ăn hổng có giờ chăm sóc cho "chàng", tội nghiệp hôn. Anh Sáu nè, nhuộm đen hết mái tóc "nhà tui" cho đẹp trai phong độ lại coi... Hầu chuyện "giả" mấy lần thấy cũng còn duyên ác, hơn hẳn cha "đóc cong" cà chua trong trỏng, he ! he! he!...
Thôi đi "dzìa" Tài mày, "dzìa" kiếm nơi khác mần, má con tui đi nghe, có giờ ghé chơi sau, chào nghen...

Nghe tiếng xe máy chạy đi còn nghe thêm tiếng hai mẹ con vô tư cười vang một góc phố. Anh Sáu ngừng tay nhìn tôi cười lắc đầu: mấy người lao động bình dân cực khổ, nghề không ra nghề vậy mà cũng còn có giành giựt còn có thân thế nữa a, bao nhiêu công việc chỉ cần nhàn nhã hương hoa hơn một tý ở ngoài đời, nếu không thân thiết, không bà con chi thì bao giờ tới tay họ được, mà như là họ cũng hổng cần sao ấy, tôi lại khoái cái vô lo của họ.

Buổi sáng với câu chuyện của những người dân dã tình cờ. Tiếng cười vô tư của họ đã xa nhưng còn để lại nhiều suy nghĩ.

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

Cây Mưng, Vừng và Lộc vừng.

Một chiều cuối tuần bà chị Võ Hạnh nhà bác Thanh Minh alu có ai thích ăn mắm ăn muối thì về đây. Tới nhà vừa đủ tay tư, bánh tráng rau mắm chuối chát dưa leo đủ cả và bữa nay lại có thêm lá Vừng non lấy trong vườn nhà.

Mưng, Vừng, Lộc vừng tên gọi khác nhau từng vùng, là thứ cây thân gỗ, dễ sống, dễ tạo dáng. Mùa hoa nở nó cho những chùm hoa dài sắc đỏ. Những chùm hoa thướt tha, tượng trưng cho tài lộc. Những năm ít lâu nay được đưa lên hàng cây kiểng quý phái và mắc tiền. Vì thế người ta bằng mọi cách để mang nó từ rừng, từ ruộng về hết nơi phố thị, nó được cưng chiều lắm.

Ở Hồ Gươm Hà Nội có một cây Lộc vừng thật lớn. Cây cổ thụ, dáng lại đẹp, không biết có từ bao giờ. Có năm, mùa thu lá Lộc vừng vàng rực một góc hồ níu kéo và những tay săn ảnh. Rồi mùa cây trụi lá, mùa trổ lá non đến mùa hoa nở cho bướm ong quấn quýt, cho bao người chiêm ngưỡng, bao đôi trẻ tới chụp ảnh và bao nhiêu tấm ảnh đẹp của cây, của hoa từ đây hàng năm.

Ở miền Trung lại kêu là cây Mưng. Năm rồi về chơi Phong Điền xứ Quảng, thấy rất nhiều nhà trồng Lộc vừng ở vườn trước, tuy chỉ là những cây còn nhỏ. Người quê nói xưa nó mọc nhiều ngoài bờ ruộng, ít người để ý, sau cũng nghe biết là thứ cây bán được nhiều tiền. Người quê kể chuyện một sáng ra ruộng nhà, thấy những cây Mưng lớn bỗng dưng biến mất, chưa kịp làm gì thì bữa sau những cây vừa vừa cũng đi theo, để lại những hố đào như cười giễu người quê. Thế là họ đành đào lên hết cả, đem bán lấy ít tiền, chừa một hai cây trồng trước cửa nhà.

Cây Vừng ở miền Nam một giống với cây Lộc vừng ở miền Bắc và cây Mưng miền Trung. Cây ưa nước nên thường mọc ven kênh rạch, bờ bụi hoặc trong vườn nhà. Ngày xưa hình như nó tự phát tán và người ta coi là loài cây dại chứ không được nâng niu như giờ. Theo cách nói người quê kêu cây "dừng". Giờ còn đổi tên đẹp là Lộc vừng nữa. Vậy nên mọi người cùng gọi tên Lộc vừng vậy, cho nó sang một tý.

Bông cây Lộc vừng miền Nam màu trắng, thưa, thô và không tươi sắc như Lộc vừng ở ngoài ấy, nó có trái trông như trái dâu da lớn. khác nữa là lá Vừng lớn lắm, có lá lớn như cái lá bàng. Lá Lộc vừng nhai không hơi nhẫn nhẫn, chan chát, thấy có phần giống lá Mận phần giống lá Trâm bầu. Những lá này lúc còn non hái xuống cùng với mấy thứ rau thơm, khế chua chuối chát rồi chỉ cần bánh tráng, nếu có thêm miếng bún thì hay, cuốn với mắm cá, tôm chua hay giò heo luộc thì thôi rồi, vừa tốn mồi vừa tốn rượu. Có nơi người dân mang phơi khô lá Vừng nấu nước uống thay cho trà xanh, hoặc dùng lá làm một vị thuốc nam.

Cái món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng mà các cô các chị hay ăn ấy mà có thêm lá Lộc vừng non có khi sẽ thấy lạ và ngon hơn nhiều. Sực nghĩ nếu bữa nào ở nhà đổ bánh xèo ta lấy lá Lộc vừng non cuốn thay cho cải bẹ xanh ăn thử coi sao.

Chị Hạnh nói : người miền Tây ăn uống sao mà dễ. Khi có khách bất tử, trong lúc chờ vợ con cơm nước, mấy ông ra vườn sau lặt ít rau thơm, hái bậy bạ thêm mấy cái lá, rồi lấy xấp bánh tráng , với hũ mắm cá trèng sẵn trên kệ xuống là xương xương được liền, hết ba xị đế cơm chín tới là vừa. Thế nên lá non của các thứ cây ngoài ruộng hay trong vườn nhà, người quê tìm ra được rất nhiều cho các món cuốn, món gỏi, món lẩu hay món mắm. Âu cũng là một nét riêng của sông nước miền Tây.

Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2010

Nghĩ về cái sự học.

Hè về tới, các phụ huynh lại nhiều lo lắng và nhiều câu chuyện buồn vui, nhất là các bạn có con cháu chuyển cấp. Lại nghĩ về cái sự học một tý.

Người Việt mình hiếu học từ muôn đời, có bao nhiêu gương mẹ cha lao động nhọc nhằn để nuôi con ăn học? không thể kể hết được. Có bao nhiêu gương học hành chăm ngoan để thành người tài? nhiều lắm. Và cái sự học của con cái luôn luôn là niềm tự hào của những ông bố bà mẹ. Giàu nghèo gì thì nhà ai cũng muốn dồn hết cho con cái ăn học và mong mỏi chúng nên ngườì.

Ở nhà mình, khi các con vào tuổi đến trường được chú ý cách học hành kỹ lưỡng.
Với Hai thuận lợi vì tính bé chăm chỉ, tập trung
từ nhỏ, lại có bố mẹ và Dì Ba dồn tất cả thời gian và sự chăm lo cho bé. Các năm học đều giỏi, rồi vào trường chuyên, rồi đi học xa nhà, bố mẹ đã an tâm một phần.

Bé Nhí cá tính hơn. Từ lớp Một, cả nhà muốn
bé vào học trường quốc tế Việt Úc với hy vọng một cách học mới không nặng nhồi nhét, học thêm, có chương trình tiếng Anh với thày cô người nước ngoài. Cô chủ nhiệm, một cô giáo trẻ xinh xắn và hiền lành, không vướng bận, nhiệt tình và cưng bé.
Cuối năm thấy bé tự tin vững chãi hẳn lên và như mọi bé đều là học sinh giỏi, những năm đó bé nào, trường nào cũng giỏi. Ở nhà ai cũng vui nhưng khi bố coi lại tập vở mới phát hiện một số lỗi chính tả sai cơ bản kiểu như: "sữa" cô gái Hà Lan với "sữa" ti vi, " sữa" Honda hay là hôm nay bầu trời "biết xanh"...
Nghĩ chuyện chữ nghĩa con nít uốn cũng dễ, bố giao hẹn với cô giáo chủ nhiệm trong mấy tháng hè ráng sửa hết cho nhí những lỗi chính tả như trên mới có thể tiếp tục theo Việt Úc. Cô giáo trẻ, giọng chuẩn Hà Nội cơ mà. Nhưng rồi ngày tựu trường sắp tới mà bé vẫn thế. Bố mẹ kiên quyết chuyển vào một trường công lập. Ơn trời, may còn kịp. Và cũng may phước qua kỳ I lớp Hai nhờ gặp được cô giáo tiểu học Hòa Bình kinh nghiệm và cương quyết mà bé sửa chữa được những cái sai của những ngày đầu học chữ. Hè năm đó cô giáo cũ lấy chồng, trong tiệc cưới cô hỏi môn tiếng Việt sao rồi, bé phấn khởi khoe ngon lành ngon lành.
Rất quan trọng trong cái sự học của bé về chuyện chọn trường. Ngay từ buổi đầu con trẻ đi học nên suy nghĩ kỹ giữa công lập và dân lập, đó là chọn kinh nghiệm giảng dạy của cô giáo từ những con chữ đầu tiên.

Lúc Nhí đi học mới phát hiện thuận tay trái, cầm viết cũng tay trái. Ai thấy nhắc thì bé lại chuyển sang tay phải. Ở lớp Hai cô giáo kiên quyết nắn bé cầm viết tay phải. Cô không đánh con đâu, nhưng các bạn dọa cô sẽ khỏ thước vào tay đấy, con bé nói vậy. Nhìn mấy ngón tay trái run run, thương con nói viết tay trái cũng được miễn là vở sạch chữ đẹp. Vậy là khi có một mình nó lại viết tay trái, thành thử những năm sau này chữ cháu cứ nghiêng ngả như dáng đi của bố đôi khi và lại xấu nữa chứ, xấu lắm...

Nhưng vấn đề là có nhất thiết phải viết bằng tay phải? Thấy trên phim ảnh ở nước ngoài quá nhiều người viết tay trái, đánh bóng bàn hay tennis mà tay trái thì luôn làm khó đối phương, như cái anh Nadan tay trái hay anh em nhà Bryan cặp đôi một tay phải một tay trái đã ngoài 30 mà giải tennis nào cũng là hạt giống số 1 đấy thôi. Rồi mấy nước viết chữ vuông người ta viết từ dưới lên, từ phải qua thì cũng ngược giống mình cầm viết tay trái vậy. Ngược đây là theo quan niệm và số đông.

Một bữa có bài tập toán học, cô giáo cho các trò đo chiều ngang phòng học bằng đơn vị đo đề xi mét, đương nhiên đang học đơn vị đo ấy. Đáp số đúng 50dm, con bé ghi đáp số 5m và đương nhiên bị điểm xấu. Về nhà bị mẹ mắng, nó không vừa nói chiều ngang căn phòng 50dm bố nghe có được không? con bé không chịu kiểu học toán như vậy. Nói con phải học theo bài giảng của cô, đáp số 50dm. Nhưng cũng nghĩ thế là áp đặt. Học kỹ thuật rồi cả đời làm kỹ thuật chưa bao giờ xài tới cái đề xi đề ca với héc tô gì đó, chỉ để biết thêm bớt một hai con số 0 mà thôi.Mới đây bé có yêu cầu phải dẫn đi câu cá bằng được, hỏi chi vậy bé nói có bài văn tả ông nội đi câu cá. Ôi trời! Vậy là phải đi thôi.

Có những buổi tối phóng xe ra ngoại thành bẻ bằng được mấy cành bông Dâm bụt để sớm mai con mang vào lớp. Có những ngày đi về đồng ruộng với người quê có con cua con cá, lên biên giới tận nơi cột mốc địa đầu. Và còn nhiều chuyến đi xa nữa để thăm thú các vùng miền, bố mẹ dạy con bằng những điều cụ thể để cho biết với người ta.
Và mong mỏi các con ăn học thành người.
Viết cho các con.

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

Mưu sinh đời thường.

Có ai đó nói tại sao người dân cứ mãi chiếm lòng lề đường phố.
Mà đúng, nhiều lắm những thị dân nghèo bán buôn trên đường phố. Để tồn tại ở Sài Gòn, đô thị đông nhất nước này thảo dân phải tự kiếm cho mình một việc làm đủ nuôi sống gia đình, hàng ngày kiếm tiền lo cơm ăn áo mặc, lo con cái học hành. Một việc làm nào đó, lương thiện, riết thành nghề của gia đình. Và cũng bởi là thảo dân nên đời thường họ kiếm cũng chỉ đủ sống. Nhà cửa mấy đời ở trong những con hẻm hun hút hai ba cái siệc, làm sao có nổi hoặc đủ tiền thuê một cửa tiệm, nên từng năm từng năm họ phải bám lấy từng góc phố, lề đường với những khách hàng bình dân quen mặt biết tên, và để gió cuốn đi nửa đời người, một đời người mưu sinh bên lề đường góc phố.

Cô Sương bán xôi bên gốc Dầu trước chợ Đa Kao cứ năm giờ chiều mỗi ngày là có mặt với xe xôi nóng hổi, bất kể nắng mưa. Cô bán đến tối đêm cho khách quen khu Đa Kao, Bà Chiểu. Chỉ nghe chủ khách hỏi thăm: sao lâu không thấy ghé, hay mới dừng xe cô bán xôi dướn mắt: xôi đậu hén, không cần trả lời tay thoăn thoắt mang ba gói ra tận xe, là biết. Hôm rồi ghé hàng thấy có cô bé phụ việc, cô Sương vui vẻ khoe con gái lớn em đó, năm nay lớp 12 rồi, học giỏi lắm, cuối năm tính thi kinh tế. Hỏi nhắm đậu không cô cười hổng biết, trời cho. Nhẩm tính từ ngày ghé cô hàng xôi, có anh chồng phụ bán, thế rồi con bé con nay lớp 12, vậy ra cô bám cái lề đường này hai chục năm có, đã hết nửa đời người.

Nhớ nộm khô bò, bố con ghé mua bên lề đường công viên Lê Văn Tám, chị bán hàng cười nhớ khách: con nhỏ bữa nay trổ giò, mai mốt đẹp gái cho coi. Nghe dân dã mà ấm lòng, như quen biết từ lâu. Cũng một người bán buôn đường phố mấy chục năm nuôi cả gia đình.

Ở ngã ba Hải Triều có bà Tư bán bánh canh gà đã tự bao giờ không biết, nhưng từ đầu những năm 80 cứ chiều đến khi nắng tắt là bà Tư với gánh hàng bánh canh đã ngồi ở vị trí quen thuộc ấy, xì xụp xung quanh là những cô cậu công chức khu trung tâm quận Nhất, các học trò, người thợ bình dân và cả đám thủy thủ bên cảng về. Nhiều bữa coi cách ăn bà Tư biết mới nhậu về, lẳng lặng múc thêm cái cánh gà, ít bánh canh và mấy muổng ớt bằm cay sè với nụ cười hiền từ phúc hậu: mau giã "gựu".
Ai từng ăn gánh bà Tư đều nói không ở đâu có bánh canh gà ngon thế. Lúc lớn tuổi bà đổi gánh hàng sang cái xe đẩy có con cháu phụ giúp. Trộm nghĩ chắc bà đã gắn với góc phố này đến hết cuộc đời. Bên lề đường ấy bây giờ mọc lên một cao ốc, bà Tư chuyển qua lại góc đường hai ba lần, lâu mới có dịp ghé lại không còn thấy gánh hàng bà Tư đâu nữa. Bà thị xã nhà cũng một dân ghiền hàng bánh canh bà Tư nói để bữa nào rảnh đi kiếm thăm.

Suýt nữa thì quên anh Sáu hớt tóc. Mỗi sớm đi đường Ngô Văn Năm mới sáu giờ sáng đã thấy anh loay hoay với cái ghế hớt tóc bên lề đường. Anh kể chuyện đi lính hải quân những năm sáu mươi, hòa bình xuất ngũ về địa phương. Cuộc sống gia đình ở Hải Phòng nhiều năm vất vả quá nên vào đây, có cái nghề hớt tóc cũng nhàn nhã, lương thiện và kiếm cơm được.
Thấy lạ giờ này ai hớt tóc? Ồ, chú em nhầm, sáng giờ anh được mấy cái đầu rồi đấy, sớm sớm người ta tập thể dục bến Bạch Đằng, xong đi bộ về ghé đây. Ra vậy.
Thế là trở thành khách quen của anh từ đấy. Anh Sáu cười phóng khoáng: Tớ có hai thằng con trai, cho đi hải quân ráo.

Gặp một đám đông nhộn nhạo chiếm gần hết đường phố. Một chiếc xe tải biển xanh lố nhố dân phòng và mấy anh cảnh sát đang lui cui xếp lên xe và chở đi vài ba cái bàn ghế nhựa, ca chén, bảng hiệu. Những khuôn mặt thị dân hướng theo nuối tiếc nồi cơm của cả nhà ngày hôm ấy. Buồn rầu và cam chịu, dường như họ đã quen thuộc với những chuyện này. Rồi mai lại sắm những bàn ghế mới, lại lo cơm áo mới. Dân dã miền Nam không muốn lo xa quá.

Có hai phía của cái lề đường thành phố, một là cảnh quan đô thị cần chỉnh trang và một là cuộc sống đời thường của thảo dân đã bao nhiêu năm bám lấy cái lề đường để mưu sinh.
Nhìn đống bàn ghế chỏng chơ trên chiếc xe tải bỗng nghĩ đến cô hàng xôi, chị khô bò, bà Tư bánh canh và anh Sáu hớt tóc. Một bữa nào ghé lại, chỉ mong vẫn gặp những nụ cười ấy, vẫn là những đôi bàn tay thoăn thoắt bên góc phố lề đường.

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Cái không phải của mình.

Ngồi nói dóc, thằng cháu 8x khoe chuyện mấy năm nay không tốn tiền internet. Nó kể chuyện vẻ khoái chí rằng từ ngày chuyển công tác vào đây từ Hà Nội, tự nhiên một hôm ở nhà mở máy có wifi liền, hàng xóm có nhà nào nó trả tiền bao trọn gói cước nên xài vô tư, khỏi khi nào tắt, khỏi cần mật khẩu. Hỏi chớ không phải của mình, xài của người ta không thấy kỳ cục sao? Nó cười vô tư kệ chứ, xài chùa bao giờ cũng sướng.

Nhớ một lần qua chơi bên Quincy (MA), một sáng mở cửa thấy có mấy thùng hàng ai để trước nhà từ bao giờ, hỏi ra là mấy thùng sữa mỗi tháng của ông bà ngoại. Buổi chiều nhân viên xã hội mang lại thêm một thùng nữa nói từ tháng này thêm một. Dì Ba từ chối nói dư rồi trả lại. Buổi tối đi chung chở con gái vào trường học, dì Ba và Hai ghé cửa hàng mua ít lon sữa, cũng thứ ấy, cho Hai mang vô ký túc xá xài lỡ lúc học đêm đói bụng. Tính hỏi, sực nghĩ ra sữa kia là của quỹ xã hội, không xài hết trả lại cho người khác xài, con mình không được xài, không phải của mình.

Lại nhớ cậu Năm, ông nông dân miền Tây ham làm ham nhậu. Quanh năm cậu Năm vất vả làm ăn. Mùa vụ xong, lúc nông nhàn ông còn bày cho đám trẻ làm mọi việc từ trồng sen, trồng ấu tới đan bội, hái gòn. Ông dạy chúng lúc có sức, ăn chén cơm uống ly nước là phải mần. Mần trả cho lúc nhỏ chưa mần được và mần dư để đó lúc già có xài, là xài cái của mình.

Bữa hôm nghe cậu Năm bị tai biến, alu xuống hỏi thăm, nghe người già cũng khóc. Giọng ông buồn buồn, nhẹ hều như hơi gió trong điện thoại, cậu xụi mất một bên tay rồi con ơi.

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

NHỚ MẸ.


Mẹ tôi vốn xuất thân từ nông dân. Bà chất phác, tin người và luôn một lòng thương yêu con cháu. Chẳng thế mà bạn bè thường gọi thân mật "U ơi U".


Lúc mẹ nghỉ hưu tôi chưa lấy vợ. Các em có gia đình ở riêng, chỉ mình tôi ở với mẹ. Mới có ba mí, chưa vợ, khỏe re. Sau những chuyến đi xa vất vả, tụi tôi thỉnh thoảng tụ bạ với nhau ở nhà tôi coi video hay binh sập xám, hoặc nhậu nhẹt bù những tháng ngày lang thang trên biển. Hồi đó phá đám dữ lắm. Có những đận cả đám nằm ở nhà một hai ngày, lúc thì: U ơi nấu cho con tô mỳ, lúc thì : U ơi mua cho con 3 ổ bánh mỳ được không? Ớt nhiều nha U... Tội nghiệp mẹ lại lui cui xuống bếp hay một mình lóc cóc ra chợ Trương Minh Giảng gần nhà...Kiểu gì mẹ cũng chiều.

Một hôm.

Có hẹn với người bạn tại nhà, tôi về hơi trễ. Nó học chung trường với tôi lúc nhỏ, cùng khóa  cùng tuổi đấy nhưng trông nó già hơn tuổi tại cái mặt nó hơi ngầu, nhăn nhăn, cái mặt nó nhăn nhăn từ nhỏ chứ không đợi tới bây giờ.


Thấy có mình mẹ tôi ở nhà, nó giả lả: U ơi, mở cửa cho con, con là thày dạy tiếng Anh của thằng Đỗ đây! Nó đi đâu rồi U ?
Tội nghiệp cho bà già, vội mừng: Mời thày vào nhà chơi, em nó chắc cũng sắp về rồi. Mời thày ngồi, tôi đi pha nước thày uống.


Mới về đến nhà mẹ trách: Con đi đâu về trễ thế? Có hẹn với thày mà sao không nhớ? Tôi hỏi mẹ thày nào đâu, mẹ nói: Thày chờ từ nãy giờ lâu rồi!
Vào nhà thấy thằng bạn ngồi vắt chân trên sa lông, khuỳnh tay đọc báo, trước mặt là ly nước chanh U pha cho, lại còn ngồi cười tủm tỉm.
Tôi gắt mẹ: Trời ạ, thày đâu mà thày..., Đây là thằng bạn cà chua của con, ngày xưa ở Hà Nội nhà mình đầu phố, nhà nó cuối phố, mẹ không nhớ nó sao?
Thằng đó bỗng phá lên cười...


Một hồi mẹ hiểu ra chuyện, bà vừa đi xuống bếp vừa mắng yêu: "Cha bố các anh".
Lâu mẹ còn hỏi thăm: "Cái anh giáo của con lâu nay không thấy tới chơi nhẩy."


Hôm nay là ngày của Mẹ.

Thứ Năm, 6 tháng 5, 2010

Thì ra là cô nàng...

Đang ở sở làm, cô Mười nghe chị Sáu alu chiều làm về ghé ngoại nghe, có chút chuyện. Nghe bộ ngần ngừ trong điện thoại, chị Sáu nhắc việc gấp đó, ráng ghé một chút thôi.

Mười mới về tới, chị Sáu kéo tuốt vô phòng trong: Tao thấy dượng Mười bộ dạng lúc này kỳ lắm. Chở bé Nhí qua đây chơi mà rảnh rang lúc nào thấy dưởng ngồi nhắn tin lúc đó, gởi ai hổng biết, thấy a... nhoay nhoáy suốt buổi, lâu lâu còn cười một mình, chát chít với ai không biết, bay về coi lại coi sao nghe, có chuyện chi chớ trách tao thấy không nói.
Mấy ẻm ngoài đời bây giờ a, tụi nó nghề lắm biết hôn, cứ đi tiếp khách mấy ông Hà Nội vô, kara kareo có ngày. Cô Mười nghe chuyện cười: Ây dà, Sáu khéo lo, ông xã nhà em gi gỉ gì gi cái gì cũng có một tý, nhậu nhẹt, cafe này nọ chớ cái vụ em út ổng không có đâu à nghen, yên chí lớn đi.

Bữa ấy cô Mười tới dự sinh nhật Hà, bạn chơi hội các má từ hồi con bé lớn học tiểu học tới giờ. Lúc ra về Hà kéo Mười lại: Ông xã mày lúc này sao há, thấy chờ đón bé Nhí ở ngoài cổng trường, bữa nào cũng gạt chống xe ngồi bấm điện thoại hổng thèm nhìn ai, thỉnh thoảng còn cười cười một mình nữa, nghi lắm... ầy, mà không có gì thì thôi, đừng nói ổng tao nói nghe. Mười cười cười: Oài... ổng mới có cái điện thoại mới, ngồi không vọc chơi ý mà.
Đi về Mười nghĩ trong bụng ổng ngang ngược ở đâu đâu chớ làm sao có chuyện này nọ được. Sanh hai đứa con gái ổng nói tui hoài ăn ở sao đó có phước cho con nó nhờ mà.

Một chiều đưa con đi khám răng. Con bé con đang niềng răng, định kỳ phải thường đi khám, thường thì cha chở bé đi, bữa nay được nghỉ làm sớm nên Mười đưa bé đi, tiện thanh toán luôn tiền thuốc. Nha sỹ Hiên là bạn học cũ, cô Mười dặn Hiên nếu ông xã đưa bé đi khám có phải mua thuốc hay làm gì đó, nhớ nhắc ảnh làm liền kẻo quên. Bác sỹ Hiên trách nhẹ: Lần nào cũng có nói chớ, thấy ảnh ngồi bấm bấm điện thoại hoài, gật gật, cười cười vậy chớ biết có nghe không.

Bất quá tam, có tới ba người bạn thân của gia đình nói vậy, hổng lẽ...
Mà lạ, lúc rày ổng nghiêm chỉnh hơi bất ngờ. Sáng đưa con đi học, chiều đón về, có đi nhậu đẩu đâu cũng đưa con về nhà xong đã. Rồi ngày nghỉ đi đâu cũng ríu ríu bố con, uống cafe với bạn cũng chở con đi. Hay là ổng có cái bài chi đây? Mười bỗng thấy lo...
Mà trời ạ, ai biết đâu nào, người ta chớ đâu thánh thần chi, đi nhậu miết, nơi quán xá em út nhóc, lỡ lúc say mềm người...

Coi điện thoại của nhau không phải thói quen của nhà mình rồi. Có lúc tính quơ cái điện thoại của ổng mở coi có gì không, thấy kỳ kỳ, lại thôi, Mười không muốn làm vậy.
Tính mãi có một cách là hỏi con gái. Ờ, vậy mà hổng nghĩ ra. Trẻ nít tinh nhanh lắm, thiệt thà có sao nói vậy. Lựa một chiều có hai mẹ con cô Mười hỏi khéo: Lúc rày bố con hổng thèm cho mẹ đi chơi chung ha, bộ hai người có nhiều bạn mới sao thấy bố nhắn tin hoài hoài vậy? ...Oài, con bé tỉnh queo: bố viết tin nhắn lưu ấy mờ, bố nói lớn tuổi mau quên, có câu chữ nào khoái khoái là bố viết rồi lưu tin nhắn. Mười hỏi chi vậy. Con bé ngạc nhiên: Ơ thế mẹ không biết à? để tối về nhà bố mở ra viết bài, bố chơi blog!

Ầy dà... "có vậy cũng hổng nghĩ ra". Thật bất ngờ và hơi mắc cỡ với ý định "điều tra" cô con gái , Mười giả lả: Vậy sao, viết blog, viết văn rồi không chừng ít bữa bố con còn biết làm thơ nữa không chừng... hay là từ giờ mẹ giao bố phụ đạo môn Văn cho Nhí được hôn...

Thì ra là tại cô nàng... Blogspot! Thở phào nhẹ nhõm, lúc này cô Mười cũng cười một mình.

Gởi cho Hai.






















Nhí "lùng" hứa với bố sẽ viết một bài ngắn tả "mini thảo cầm" ở nhà cho chị Hai đọc chơi. Vậy mà bữa nay thi xong rồi lại biếng òm.
Sau giờ đi làm và đi học về, cả nhà ai cũng thích chăm sóc và xem chúng sinh hoạt, đẻ trứng, ấp trứng và nuôi con.
Gởi cho Hai ít hình ảnh ở nhà, thi xong coi nghe.

-Gà Tre.
-Gà tre lai rừng.
-Gà tre mẹ nuôi con.
-Bồ câu bố mẹ nuôi con.

Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

Chuyện người quê.

Đi làm về nghe tiếng ai cười đùa rổn rảng trong nhà, ra là cậu Tư ở quê lên.

Ông vỗ vai hớn hở nói chờ bây lâu quá tính dzề dưới. Hỏi thăm cậu lên tới lâu mau ông nói cỡ nửa tiếng có. Xịa, vậy mà nói lâu. Ông cười ha hả, bữa nay cho cậu ngủ đây mơi dzề, rồi ới vào trong bếp kêu bà thị xã nhà tôi mần chút gì cho cậu nhậu với thằng Mười coi. Chà, lúc này coi bảnh tẻng, mập, mà làm sao tóc bạc hết trơn dzậy nè? Ông cười lớn.

Cậu Tư ở tuốt dưới An Giang. Ông đậm tính nông dân miền Tây, thiệt tình ngay thẳng, ham làm ham nhậu. Ông kêu tôi theo bên vợ tới thứ Mười lận.

Cậu Tư có thói quen uống rượu rót ra ly lớn, thứ ly có tay cầm để uống bia. Mỗi lần rót ra chừng hai phần ly cậu gọi là một quai. Trong túi ông bao giờ cũng có cái chung nhỏ cỡ ngón chân cái. Ông bụm cái ly bằng ba ngón tay, tự mình múc rượu cho từng người, ngón tay trỏ ngập trong ly rượu hết phần ba, ông nói vậy là vừa hớp. Mới quen thấy cả ngón tay ông nông dân trong ly rượu, uống mấy ly đầu thấy ớn, riết rồi cũng quen chẳng thấy đau bụng đau bão gì, có chăng là đau đầu vì uống nhiều rượu quá.

Cậu cháu làm một hơi được hơn quai, hỏi thăm bà con qua lại rồi ông kể chuyện nhà ở dưới quê.

- Ây dà... năm rồi mần ăn thất quá, nợ lút đầu. Tợp chung rượu, ông vào chuyện.
- Vậy chớ năm nay cậu Tư mần gì? Ông nói mần cá mần lúa đủ cả. Rồi ông tiếp:
- Nói vậy để biết chớ không phải lên mượn tiền mượn bạc bây đâu, hà hà...
Cũng không phải thất mà tụi nó ép quá. Bây coi, khi nó chê cá nhỏ, mình nuôi theo ý nó, nó lại chê lớn quá lứa khó bán, mần hết sức mà bán ra hổng được nhiêu. Người ta nói thiếu đầu ra sao đó. Tới mãn năm coi lại tiền bạc mới hay, cả năm mình cắm mặt xuống nước xuống ruộng mần cho chúng ăn, khó mà khá lên được.

Ông kể năm rồi thằng Hai Sang con cậu mần ba bè cá ba sa trên sông, vốn liếng rồi vay mượn tính ra cũng kha khá. Nuôi tới lứa chẳng lái nào chịu giá, cám bã mỗi ngày mỗi lên cùng lúc hết trơn tiền bạc. Ây dà... bây tính coi, ai đời thương con, thằng Hai dẫn con qua sông chơi, xách theo hai con cá lớn chỉ đủ ăn tô hủ tiếu rồi về không thêm được ly cà phê, buồn tha thiết.

Rồi lái cũng tới chứ không phải bỏ, nhưng phải nhận là cá ông Tám nó mới chịu mua. Hỏi ông Tám nào, cậu Tư nói thì thằng Tám Tàng con bí thơ chớ ai, từ ngày cha nó lên tỉnh rồi tới lượt nó lên huyện tới giờ phách dữ lắm. Bán mà buồn, lái trả mười phần tới mình còn có bảy tám. Dã man hết biết. Cuối năm may có lúa kéo lại chút đỉnh, vẫn còn nợ bộn à, trời thương có nhỏ Sương con bà Sáu làm bên ngân hàng huyện khoanh nợ cho khỏi trả lãi nữa.

Ông cầm ly rượu làm cái oóc, lặng một hồi rồi kể tiếp.
- Tao nói thằng Hai bán mấy công ruộng trả dứt nợ cho rồi, hồi đời ông ngoại bay tới giờ đủ ăn, ngủ khỏe, khỏi giàu sang cũng không mắc nợ ai hết.
Hai Sang nói cha đặt tên tui dzầy phải để tui mần chớ. Nó nói tụi nó tính năm nay lập cái hội nuôi cá chi đó, trước trong xã sau tới huyện, vụ này thử ép nữa coi tụi nó thả hết cá ra sông bỏ, khỏi bán coi ai đói cho biết. Không có bán ruộng, nông dân bán ruộng là hết, cha bán ruộng tui bỏ xứ tui đi đó.
Rồi nó quay qua trồng ấu Đài Loan, sẵn cồn bển có mấy công nước ngập, mướn mần ấu không cũng kiếm được một mớ trả nợ, tội cái nhìn tay chân con vợ nó trây trớt vì gai ấu thấy mà thương.
...
- Thôi chuyện có bấy nhiêu. Hai Sang nói cha lên thành phố chơi với anh Mười đi chớ ở nhà cha nhắc Sài Gòn với ảnh hoài, chuyện nhà để đó tui lo.

Chợt nhớ ra chuyện gì, ông nâng ly làm một cái gọn ơ rồi nói í quên, cái thằng bạn cháu lúc trước hay lại chơi rồi dẫn cậu đi nhậu, tao quên tên mất tiêu...
... Ờ thằng Giang còi, lúc này sao, còn nhậu dữ hôn? Bữa nào có giờ kêu tới cái quán chi đó, nó dẫn cậu tới nhậu mấy lần. Chà... chỗ đó có mấy con nhỏ trắng tươi, xinh xắn hết sức, cỡ mình mà tụi nó anh anh em em nghe đã cái lỗ tai.

Dường như quên ngay chuyện quê vừa kể, ông cầm ly làm thêm cái oóc thật kêu rồi cười ha hả. Bà thị xã nhà ngồi chơi nghe chuyện từ tối tới giờ vỗ vai ông, xưa rồi Tư ui, cỡ Tư với Mười bi giờ hổng còn ai ngồi quán có em út đâu, ngồi nhà nhậu cho khỏe, Tư muốn nhậu cỡ nào con chiều hết. Mà cái anh Giang còi Tư nói đó, ảnh đi biển rồi, cả năm mới về lận.

Múc thêm quai rượu nữa trở ra đã thấy cậu Tư nằm quay nghiêng trên xa lông, ngáy nhè nhẹ, miệng vẫn còn một nửa nụ cười. Đúng là ông đã quên thằng Hai Sang với ruộng với lúa, với cá với nợ ở dưới quê, ông đang đi tới nơi quán rượu có các cô gái trẻ chỉ biết cười vui và gọi ông bằng "anh Tư ui" trìu mến...

Thứ Hai, 3 tháng 5, 2010

Đi trốn nhậu.

Dải đất miền Trung có rất nhiều nơi đáng đi chơi. Ngoài dọc bờ biển rất đẹp mà tỉnh nào cũng có, mỗi nơi có cái riêng về điểm thắng cảnh, nếp sinh hoạt và những món ăn ngon. Đọc quảng cáo trên trang của công ty Du lịch Việt thật là hấp dẫn với một vòng Huế, Quảng Bình, Đà Nẵng và Hội An. Bé Nhí ở nhà rất thích thú vừa đi chơi vừa học bằng thực tế được nhiều về lịch sử và địa lý.
Biết là đi chơi vào những ngày nghỉ lễ sẽ không bằng những ngày thường, đơn giản là là ai cũng được nghỉ, ai cũng muốn đi chơi, người đi sẽ đông hơn rất nhiều lần, tất cả sự phục vụ của du lịch sẽ kém đi.
Một năm được một hai dịp nghỉ trùng, dài ngày hơn, hội thường nhậu Sài Gòn có dịp rủ rê bù khú. Cả tháng nay nhậu quá, cổ phiếu "uy tín" mất điểm nặng, năm nay quyết định trốn nhậu, thế là đi.

Huế mấy ngày lễ như có đủ bốn mùa. Ngày tới Huế trời không nắng, sau mấy cơn mưa đầu mùa cây cỏ xanh tươi, đường phố vốn sạch sẽ thêm mát mẻ dễ chịu. Hôm sau nắng cho khách đi chơi và hôm sau nữa thấy mưa tới từ sáng sớm tiễn khách về. Mưa chi lạ, gặp hai lần mưa cuối mùa và đầu mùa, không lớn, cứ rả rích, tà tà, cười cười như người Huế.

Đà Nẵng phát triển nhanh. Thành phố sạch sẽ, bãi biển đẹp, đường bờ biển dài được quy hoạch cẩn thận và nay mai chắc sẽ là thành phố có phong cách riêng, hơn nhiều thành phố khác.

Hội An lên thành phố chừng hai năm, sạch đẹp hơn, nhiều nhà mới ngói đỏ, khách sạn xa xa khu phố cổ và mọi người ở đây vẻ như quan trọng hơn, tự hào hơn, thấy ai cũng thích nói câu di sản văn hóa và Unesco. Như là mọi người cứ sợ du khách chỉ biết mỗi Tam Kỳ là thành phố của Quảng Nam sao ấy. Bãi biển Hội An cũng đẹp, nhưng sao lại có thể lãng phí cảnh quan đến thế.

Đến động Phong Nha, trước giờ người ta đã khen nhiều rồi, nhưng thích nhất lại là dòng sông Son nước trong vắt, mát rượi và những núi đá vôi lô nhô thật đẹp. Mà sao người ta lại để cho một khu thị tứ mới hình thành ở Phong Nha, vô cùng nhếch nhác làm phá vỡ hết cảnh quan một khu du lịch hang động độc đáo này.

Từ Huế đi sáng sớm tới tối đêm mới về, chỉ để chen chúc chui vào động trên một dòng sông ngầm là vô lý. Lòng sông trong hang sâu năm sáu mét, hang động tối thui, người già con trẻ nhóc, thuyền ghe nêm chật cứng, nói dại có bục một con thuyền sẽ là thảm họa. Có mua bảo hiểm đặc biệt cũng không dám đi kiểu này. Về nhà đọc báo mạng thấy Phong Nha tự hào với lượng khách đông nhất trước nay.

Biết sợ những cái nhất rồi. Thêm một cáp treo Bà Nà nhất gì không biết, vé tăng gấp đôi, hàng nghìn nghìn con người chen chúc nhau, mồ hôi đẫm áo, trẻ nít khóc vang trời. Thế là phải hủy. Một đoàn bạn đến Huế sau một ngày alu nói bữa ni đi thăm lăng tẩm, kẹt đường khỏi nhúc nhích, bỏ xe lội bộ, hai ba cây số sụm giò bỏ về hết.

Không nghĩ lại thất vọng Du lịch Việt đến thế, và tiếc cho ngành du lịch, làm ăn thế này chỉ lo rằng du khách tới chơi nhà rồi "một đi không trở lại" thì buồn lắm.

Có anh bạn trẻ trong đoàn hỏi sao ở Huế, ở Hội An, nhân viên phục vụ cứ lựa cạnh bàn họ đặt đồ ăn nhỉ, sao không dọn dẹp đi, để ngay ngắn giữa bàn, hỏi thì chẳng thấy họ nói, kêu gì họ cũng chỉ cười. Biết trả lời sao, nói bạn rằng vậy là bình thường, nơi lịch sự người ta ít nói, cười là nghe rồi đó, kêu gì hồi là có. Nếu càng ra xa ngoài kia, vào quán mà bạn kêu, bạn hỏi hoài là coi chừng còn bị mắng đấy. Không như ở Sài Gòn bạn có thể kêu một tiếng sẽ có hai ba tiếng dạ ran, khoái cái lỗ tai.

Một chuyến đi chỉ có chạy và chạy, chen và chen, chắp vá nên bé Nhí chẳng thu hoạch được bao nhiêu, đúng nghĩa một chuyến đi trốn nhậu. Về nhà đọc báo còn thấy ở nhiều điểm du lịch khác còn cực hơn nhiều, lại nhớ đến câu nếu bạn... Nhưng, ai ơi xin nhớ chớ có đi chơi vào ngày lễ.